Lý do cân nặng (thừa cân, béo phì) trở thành vấn nạn toàn cầu

Toàn cầu hòa – sự lan tỏa hiển nhiên của tri thức, công nghệ, văn hóa và tư bản giữa các nước – đã trở thành một lực ảnh hưởng vừa có lợi lại vừa có hại, đặc biệt khi nói đến sức khỏe.

Có lợi: Toàn cầu hóa đã kéo hàng triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo khổ, giảm đói kém và các bệnh truyền nhiễm, và theo đó cải thiện chất lượng cuộc sống.

Có hại: Cùng những chuyển đổi kinh tế xã hội làm tăng sự giàu có của con người thì cũng kéo theo vòng eo của họ phình ra – và đang thúc đẩy nạn dịch béo phì ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác trên toàn thế giới.

Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp phải vật lộn với cái được gọi là “gánh nặng kép” của béo phì và thừa cân; nhưng mặc dù tình trạng kém dinh dưỡng vẫn còn dai dẳng ở nhiều nơi, thì thừa cân lại đang nhanh chóng trở thành một vấn đề còn phổ biến hơn cả thiếu cân.

Trong thực tế, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, trên thế giới số người bị thừa cân còn nhiều hơn cả số người bị thiếu cân, và toàn cầu hóa là nguyên nhân chính dẫn đến điều này: Nó đã mang các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu của McDonald đến Mumbai và những chiếc xe ô tô thể thao đa dụng SUV (Sport Utility Vehicle) đến Thượng Hải, những chiếc TV kỹ thuật số đến Dar es Salaam và các con tàu chở hàng siêu thị của Nestle đến đồng bằng sông Amazon.

Theo cách đó nó đã làm quá tải “sự chuyển dịch dinh dưỡng”, một thuật ngữ về sự chuyển đổi dẫn đến béo phì từ kiểu ăn uống truyền thống sang các chế độ ăn uống kiểu phương Tây vốn song hành cùng sự hiện đại hóa và và giàu có.

Bài viết này đưa ra tổng quan ngắn gọn về việc toàn cầu hóa đang kích phát nạn dịch béo phì ở những nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp như thế nào.

Cách toàn cầu hóa thúc đẩy béo phì: Góc nhìn vĩ mô

Ở mức độ cá nhân, béo phì có nguyên nhân từ việc mất cân bằng năng lượng – nạp vào cơ thể quá nhiều calo, mà đốt cháy lại quá ít calo. Tuy nhiên lựa chọn thực phẩm và hoạt động thể chất của mỗi cá nhân được định hình bởi thế giới cá nhân đó sống:

Ba lực ảnh hưởng trên quy mô rộng – thương mại tự do, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa – đang thay đổi nhanh chóng thực phẩm, môi trường xây dựng của con người cũng như đang làm lan tỏa các công nghệ mới. Những biến đổi tầm cỡ vĩ mô này đang điều khiển nạn dịch béo phì toàn cầu, đặc biệt là ở những nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Thương mại tự do toàn cầu, thực phẩm rẻ

Trong bốn thập kỷ qua, giá thịt bò đã giảm đáng kinh ngạc 80%, phần lớn nhờ có tự do hóa thương mại toàn cầu. Các quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp bắt đầu buôn bán nông sản giữa các nước dễ dàng hơn vào những năm 1970 và 1980. Năm 1994, Hiệp định Chung về Thương mại và Thuế quan (the General Agreement on Tariffs and Trade) lần đầu tiên chính thức áp dụng cho cả các sản phẩm nông nghiệp, dẫn đến thị trường nông nghiệp toàn cầu rộng mở hơn và cuối cùng là thực phẩm rẻ hơn.

Những thay đổi về giá cả thực phẩm đã dẫn đến những biến chuyển về lượng thực phẩm mọi người ăn và theo đó là cả nguy cơ béo phì. Nhưng toàn cầu hóa góp phần gây ra vấn đề này không chỉ bằng mỗi cách đó.

Tự do hóa thương mại giúp mọi người tiếp cận được những loại thực phẩm khác nhau, và phần nhiều thường là những loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều calo.

Nó cũng loại bỏ các rào cản đầu tư quốc tế vào ngành phân phối thực phẩm và tạo điều kiện cho các công ty thực phẩm đa quốc gia và các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh mở rộng kinh doanh vào những thị trường quốc gia mới.

Thu nhập, vị thế kinh tế xã hội và cân nặng

Do toàn cầu hóa, thế giới ngày càng giàu có hơn, và của cải có liên quan đến cân nặng. Khi các quốc gia có thu nhập bắt đầu tăng, thì tỉ lệ béo phì tăng theo.

Người lao động ở các trang trại và những cư dân thành phố giờ đây có thể có đủ tiền để chọn lựa “những thói quen hiện đại liên quan đến béo phì” –  chẳng hạn như xem TV, mua các thực phẩm chế biến sẵn ở siêu thị, và ăn nhiều thức ăn ở ngoài hơn. Nhưng họ vẫn chưa nhận được chăm sóc y tế và chưa có kiến thức về thực phẩm lành mạnhhoạt động thể chất, hai yếu tố giúp họ duy trì cân nặng bình thường. Khi các nước có thu nhập tăng từ trung bình đến cao, mọi người dễ tiếp cận được với chăm sóc y tế và giáo dục, tỉ lệ béo phì có xu hướng chững lại và sụt giảm.

Thú vị là, ở những quốc gia có thu nhập thấp, những người dân trí thức giàu có dễ bị thừa cân hơn những người có thu nhập thấp hoặc không được đi học nhiều. Điều ngược lại mới đúng ở những quốc gia có thu nhập cao hơn, nơi mà những người giàu có tỉ lệ béo phì thấp hơn người nghèo. Và thậm chí ở một số nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp như là Trung Quốc và Braxin, tỉ lệ béo phì cao hơn hoặc tăng nhanh hơn ở nhóm dân số nghèo so với nhóm dân số giàu.

Đô thị hóa, chế độ ăn uống và vận động

Thế giới ngày càng giống đô thị hơn. Ngày nay có hơn một nửa dân số sống trong thành phố, so với 10% dân số vào năm 1900. Các nước có phần lớn dân số sinh sống ở nông thôn đang chứng kiến tiến độ đô thị hóa ở một tốc độ đáng kinh ngạc: Ví dụ như ở Trung Quốc, đến năm 2050 sẽ có hơn một tỉ người sống trong những trung tâm đô thị, gần gấp đôi số người hiện tại.

khu chung cư đông đúc tại Việt Nam
Một khu chung cư đông đúc tại Việt Nam – Ảnh Phạm Quốc Nguyên – Pixabay

Thực phẩm và môi trường xây dựng đô thị, cũng như những công nghệ mới đồng hành với cuộc sống thành thị, có thể tạo ra những chế độ ăn uống nghèo nàn và lối sinh hoạt không di chuyển nhiều. Đô thị hóa giúp mọi người nhận được các dịch vụ y tế và giáo dục dễ dàng hơn mà cả hai điều này đều có thể hỗ trợ kìm hãm tỉ lệ béo phì. Nhưng ở nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, những khu vực đô thị mới phát triển nhanh đến mức mà đơn giản là vẫn chưa có đủ cơ sở vật chất cho giáo dục và y tế.

Các khu dân cư đô thị cũng có thể kém an toàn hơn – hoặc có thể được nhìn nhận là kém an toàn – hơn các hoàn cảnh thôn xóm truyền thống. Một số (không phải tất cả) các nghiên cứu đề xuất là khi người ta cho rằng khu dân cư họ đang sinh sống kém an toàn, họ có thể ít đi bộ hoặc ít vận động ở bên ngoài hơn; phần lớn nghiên cứu này được thực hiện ở những nước có thu nhập cao, tuy nhiên cần có thêm nghiên cứu ở những nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp để xem liệu các mối lo ngại về an toàn ở đó có hiệu ứng hạn chế vận động tương tự không.

Tăng tốc độ chuyển dịch dinh dưỡng

Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa dẫn đến những biến đổi lường trước được trong chế độ ăn uống, gọi là “chuyển dịch dinh dưỡng”. Trong xã hội tập trung – săn bắn, loài người đi tìm thức ăn. Sau đó con người chuyển sang nông nghiệp thô sơ, nên thường bị đói. Khi của cải và công nghệ tăng cũng như cái đói lui dần đi, lượng calo nạp vào cơ thể tăng, dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều và béo phì.

Toàn cầu hóa đã giúp vực dậy nhiều quốc gia thoát khỏi nạn đói tiến đến tình trạng đầy đủ lương thực. Nhưng ở nhiều nước có thu nhập trung bình và thấp, toàn cầu hóa cũng gia tốc chuyển đổi các nước đó từ mức đủ ăn thành ăn uống thỏa thuê kiểu phương Tây, và theo đó đưa đến béo phì và các bệnh liên quan đến béo phì.

Trung Quốc là một ví dụ điển hình về việc chế độ ăn uống thay đổi nhanh chóng đi kèm với sự hiện đại hóa, sự giàu có và nguồn cung các thực phẩm nhiều calo giá rẻ ngày càng nhiều:

  • Calo giá rẻ. Vì giá dầu thực vật trung bình đã giảm, lượng dầu tiêu thụ trung bình hàng ngày của Trung Quốc đã tăng từ 1 thìa canh mỗi người năm 1989 đến khoảng 2,5 thìa canh năm 2004 – tính ra là tăng thêm 183 calo một ngày.
  • Thực phẩm nguồn gốc động vật. Giữa năm 1989 và năm 1997, lượng tiêu thụ trung bình các thực phẩm nguồn gốc động vật hàng ngày của Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lần; người Trung Quốc trưởng thành, trung bình ăn hơn 1.300 calo mỗi ngày các sản phẩm từ động vật, gồm thịt lợn, thịt gia cầm, thịt bò, thịt cừu, cá, trứng và các chế phẩm từ sữa. Bởi vì đã có mối liên quan giữa lượng thịt đỏ ăn con người ăn và sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, và ung thư ruột kết, do vậy mối quan tâm của mọi người về vấn đề này tăng mạnh không chỉ ở mỗi giá trị calo thừa mà mọi người nạp vào cơ thể nữa.
  • Ngũ cốc tinh luyện. Gạo trắng là lương thực truyền thống chủ yếu ở Trung Quốc trong hàng ngàn năm. Ăn uống nhiều ngũ cốc tinh luyện chẳng hạn như cơm gạo trắng có thể góp phần gây ra béo phì, đặc biệt ở những người không vận động nhiều. Đến năm 2004, 66% dân số Trung Quốc làm những công việc chỉ cần “vận động rất nhẹ”, tăng lên so với 44% vào năm 1989.
  • Đồ uống có đường. Điều tra gần đây thực hiện ở 4.600 người Trung Quốc trưởng thành sinh sống ở Hồng Kông kết luận rằng khoảng 20% đàn ông và 10% phụ nữ tiêu thụ ít nhất 2 khẩu phần đồ uống có đường mỗi ngày. Từ 2006 đến 2007, doanh số đồ uống của Coca Cola ở Trung Quốc tăng vọt 18% và theo như đưa tin thì Coca Cola kỳ vọng rằng đến năm 2020 Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của công ty này.
  • Đồ ăn nhanh. Các cửa hàng đồ ăn nhanh, nguồn cung cấp sẵn có các đồ uống có đường và các bữa ăn nhiều calo, đang trên đà tăng trưởng. Ví dụ như McDonald mở cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc năm 1990 và đến năm 2006, đã có 1.000 cửa hàng McDonald hoạt động trên cả nước này và theo các bản tin, đến năm 2013 công ty này dự định tăng gấp đôi con số đó.

Nhiều công nghệ hơn, ít vận động hơn

Các thiết bị tiết kiệm sức lao động đã cắt giảm đi các hoạt động thể chất trong cuộc sống của con người trên nhiều phương diện, hậu quả là mức tiêu hao năng lượng cá nhân trên toàn xã hội giảm, theo đó đẩy nhanh tốc độ gia tăng béo phì. Những thay đổi cụ thể gồm có:

một đoạn đường bị tắc tại Sài Gòn
Một đoạn đường bị tắc tại Sài Gòn, Ảnh MM- Flickr
  • Công việc. Nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đã ghi nhận lực lượng lao động của họ chuyển đổi từ những công việc có tính vận động cao như là làm nông và đào mỏ, sang những công việc kém năng động hơn trong các ngành công nghiệp dịch vụ và sản xuất. Kể cả trong những công việc truyền thống, như là làm nông, con người tiêu hao ít năng lượng hơn vài thập kỷ trước, do thiết bị nông nghiệp đã được cơ giới hóa.
  • Giải trí. Với sự phát triển của truyền thông đại chúng và công nghệ máy tính, mọi người ngày càng dành nhiều thời gian ngồi trong nhà xem TV và lướt web, cũng như là dành ít thời gian hơn cho các hoạt động vui chơi ngoài trời. Ví dụ như ở Hàn Quốc, thời gian xem tivi tăng 72% từ 1983 đến 2001.
  • Đi lại. Đi bộ và đạp xe thường phải nhường chỗ cho ô tô và xe moped (xe máy có bàn đạp hoặc có máy gắn với bánh xe, phân khối nhỏ). Ví dụ như ở Trung Quốc, doanh số bán xe mới đã tăng ước tính 30% một năm trong những năm gần đây.
  • Công việc nội trợ. Ở nhiều quốc gia việc dễ dàng tiếp cận với lò vi sóng, máy rửa bát, máy hút bụi và các thiết bị tiết kiệm sức lao động khác hơn đã bắt đầu cắt giảm mức năng lượng con người cần tiêu hao để làm việc nhà.

Thay đổi chuẩn mực hành vi và văn hóa

Chuyển đổi nhanh chóng sang lối sống đô thị và tăng trưởng kinh tế cũng đem lại những thay đổi về hành vi mà có thể góp phần gây ra nạn dịch béo phì ở những quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp:

  • Chuyển đổi sở thích người tiêu dùng. Đồ ăn và thức uống khẩu vị nặng quảng cáo trên ti vi và các phương tiện truyền thông đại chúng khác, cũng như là những tô vẽ về văn hóa ăn quá nhiều của phương Tây, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những lựa chọn thực phẩm của mọi người cũng như là tái định hình các chuẩn mực văn hóa xung quanh thực phẩm, dụ dỗ người tiêu dùng hướng về những lựa chọn thực phẩm không lành mạnh bắt nguồn từ các nước giàu. Đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị quảng cáo tác động và ngay cả các quảng cáo thực phẩm trên tivi cũng không phải ngoại lệ: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quảng cáo có tác động lớn đến sở thích chọn lựa đồ ăn của trẻ em cũng như là những thứ trẻ đòi bố mẹ mua cho và các thứ trẻ ăn.
  • Tước đoạt giấc ngủ. Những người ngủ ít dễ nặng cân hơn những người có giấc ngủ ngon và các nhà nghiên cứu đã quan sát xu hướng này không chỉ ở những nước có thu nhập cao mà còn cả những nước có thu nhập trung bình và thấp như là Xê-nê-gan, Tuy-ni-di, Braxin và Đài Loan. Các nhà nghiên cứu suy ra rằng ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng nhân tạo, và cuộc sống về đêm ở các môi trường đô thị có thể góp phần tước đoạt đi giấc ngủ của mọi người.
  • Căng thẳngCăng thẳng tâm lý xã hội, một yếu tố nguy cơ gây béo phì ở những quốc gia phương Tây, cũng có thể góp phần dẫn đến béo phì ở những nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, dù rằng là vẫn cần có thêm nghiên cứu về vấn đề này. Có thể là khi người dân di cư đến các khu đô thị mới, họ có khả năng phải đối mặt nhiều áp lực hơn vì họ bỏ lại sự hỗ trợ cộng đồng làng xóm truyền thống đằng sau, kiếm đồng lương bèo bọt hoặc còn đang vật lộn với công cuộc đi tìm việc làm.
  • Phụ nữ tham gia lực lượng lao động chính thức. Khi phụ nữ nhận những công việc làm bên ngoài gia đình, họ cho con bú ít hơn và gia đình của họ tiêu thụ nhiều loại thực phẩm thương mại hơn. Ở những quốc gia có thu nhập cao, những sự chuyển đổi dinh dưỡng này có liên quan đến nguy cơ béo phì gia tăng ở trẻ em. Cần có thêm nghiên cứu ở những nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp để xem liệu những xu hướng đáng lo ngại này có diễn ra không khi ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động chính thức.
  • “Hội chứng tiểu hoàng đế.” Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết rằng “chính sách một con” của Trung Quốc có thể góp phần dẫn đến béo phì từ khi còn nhỏ. Các bậc cha mẹ có nhiều khả năng mua sắm hơn thì mong muốn mua cho “các tiểu hoàng đế” của họ tivi, máy tính và những thứ khác trong khi bản thân họ chưa từng có thuở thiếu thời, thế là tình cờ làm con họ gặp phải nhiều nguy cơ sức khỏe hơn.

Lời kết: vấn đề béo phì lan tràn toàn cầu cần một giải pháp toàn cầu

Không nghi ngờ gì rằng toàn cầu hóa đã cải thiện chất lượng cuộc sống của rất nhiều người trong thế giới đang phát triển này. Nhưng nó cũng làm mọi người dễ dàng ăn những loại thực phẩm không lành mạnh rẻ tiền và kèm theo đó là sinh hoạt theo kiểu đô thị không vận động nhiều. Từ góc nhìn sức khỏe chung, những biến chuyển này kết hợp với nhau tạo ra một “cơn bão hoàn hảo”, cơn bão đắt giá và thảm khốc của tình trạng gia tăng béo phì và các bệnh liên quan đến béo phì ở những quốc gia mà đồng thời vẫn đang phải vật lộn với tình trạng kém dinh dưỡng và tỉ lệ mắc bệnh truyền nhiễm cao.

Béo phì đã bắt đầu gây thiệt hại ở những quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Dù thế giờ cũng chưa là quá muộn để đập tan toàn bộ sức mạnh chính của cơn bão này, đặc biệt là nếu các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có thể học hỏi được từ những sai lầm của các nước có thu nhập cao, đó là không nhận ra được những hậu quả của hiện đại hóa đối với sức khỏe con người cho đến khi những nước đó đã đang phải chịu thiệt hại lớn hơn.

Chính phủ các quốc gia cần phải thực thi các chính sách giúp mọi người đưa ra được những lựa chọn đúng đắn hơn: ví dụ như những chính sách ủng hộ ăn uống lành mạnh như là thuế đánh vào đồ ăn rác (junk-food) và hỗ trợ nông sản, những chính sách khuyến khích mọi người sống năng động, như là yêu cầu tập thể dục tại trường và có các làn đường dành cho xe đạp.

Nếu không tiến hành các chính sách này, béo phì hứa hẹn sẽ gây ra thiệt hại nặng nề đối với những nền kinh tế đang lên này – và với sự đa liên kết toàn cầu này của chúng ta thì thiệt hại sẽ diễn ra trên toàn thế giới.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment