Rào cản môi trường với hoạt động thể chất

Môi trường xung quanh chúng ta có thể hỗ trợ hoặc cản trở lối sống năng động như thế nào

Cho dù có là đạp xe đi làm hoặc leo cầu thang bộ, dắt chó đi dạo hoặc đỗ xe cách xa cửa hàng, thì năng hoạt động thể chất mang lại vô số lợi ích. Nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục thường xuyên làm cho mọi người gầy hơn, mạnh mẽ hơn, thông minh hơn và khỏe mạnh hơn. Vậy tại sao không có nhiều người biến hoạt động thể chất thành thói quen hàng ngày?

Vô số lý do khiến nhiều người không muốn giơ tay nhấc chân, nhưng cái gọi là “môi trường vật chất nhân tạo” của chúng ta, thế giới do chúng ta tạo nên, với các thành phố và khu dân cư, phố xá và các tòa nhà, công viên và các lối đi – mới có vai trò chủ chốt trong những lý do đó.

Môi trường xã hội của chúng ta cũng quan trọng tương tự: ví dụ như gia đình và đồng nghiệp khuyến khích có thể giúp mọi người dễ dàng nhấc thân lên và di chuyển hơn. Nơi chúng ta sống, học tập, làm việc và vui chơi dường như có liên quan rất nhiều đến mức độ năng động của chúng ta.

Bài viết này đánh giá ngắn gọn nghiên cứu về những hoàn cảnh khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến mức độ hoạt động thể chất của chúng ta, các chính sách định hình các hoàn cảnh đó cũng như là vai trò của chúng trong việc duy trì cách biệt trong tỉ lệ béo phì.

môi trường cản trở vận động

Nghiên cứu môi trường hoạt động thể chất theo hoàn cảnh

Gia đình

Gia đình có thể là nơi để phát triển một cuộc sống năng động. Các nghiên cứu cho thấy rằng các bậc cha mẹ đặc biệt quan trọng với tư cách là người làm gương, người khuyến khích và người hỗ trợ hoạt động thể chất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Vai trò của họ bao gồm tất cả mọi thứ từ việc mua thiết bị thể thao và đưa con đi tập luyện cho đến trả phí và trao lời khen ngợi.

Các yếu tố quan trọng khác trong việc nuôi dạy con thành người năng động bao gồm mức độ hoạt động và sự củng cố tích cực của người cha cũng như là sự tham gia của người mẹ, sự tham gia của anh chị em, thời gian ở bên ngoài và thu nhập gia đình.

Cách tốt nhất để tiếp cận được đến các vị phụ huynh và theo đó, giúp con cái họ vận động là gì? Hầu hết các chương trình dựa trên gia đình (family-based programs) được nghiên cứu cho đến nay chỉ mới đạt được thành công hạn chế trong việc tăng mức độ hoạt động của con cái. Nhưng các chương trình diễn ra tại nhà chứng minh là có một số triển vọng, cũng như là các chương trình bao gồm các cuộc gặp gỡ trực tiếp hoặc các cuộc gọi điện thoại với cha mẹ cũng có một số tiềm năng hứa hẹn.

Nơi làm việc và chủ động đi làm

Đồng thời, nơi làm việc (worksites) là những hoàn cảnh lý tưởng để kiểm nghiệm các chương trình hoạt động thể chất – môi trường được kiểm soát với khả năng tiếp cận dễ dàng tới nhân viên thông qua các kênh truyền thông và mạng lưới hỗ trợ hiện có.

Người sử dụng lao động có thể khiến cầu thang bộ trở nên thu hút hơn, an toàn hơn và dễ sử dụng hơn thang máy, và có thể đặt biển báo bên cạnh thang máy khuyến khích nhân viên đi cầu thang bộ.

Họ có thể xây dựng phòng tập thể dục tại chỗ, áp dụng các chính sách khuyến khích tập thể dục giữa các giờ nghỉ trong cả ngày làm việc, hỗ trợ cho nhân viên tham gia phòng tập thể dục, hoặc cung cấp ưu đãi bảo hiểm y tế đối với hoạt động thể chất.

Lực lượng đặc trách Hoa Kỳ về Dịch vụ Phòng ngừa Cộng đồng (U.S. Task Force on Community Preventive Services) đã phát hiện rằng các chương trình dinh dưỡng và hoạt động thể chất tại chỗ làm có thể khiến cân nặng của nhân viên cải thiện không nhiều; tuy nhiên, một vài nghiên cứu trong số đó đã thay đổi môi trường làm việc nhằm khiến mọi người dễ dàng hoạt động thể chất hơn.

Các chương trình vận động tại nơi làm việc mà có mục đích tích hợp các đợt hoạt động trong thời gian ngắn vào thói quen làm việc, thông qua các giờ giải lao tập thể dục, các bài tập, và các nỗ lực tương tự, cũng cho thấy triển vọng tăng hoạt động thể chất.

Môi trường vật chất nhân tạo là yếu tố quyết định cách mọi người đi làm. Vỉa hè và làn đường dành riêng cho xe đạp hoặc tính sẵn có của nơi giữ xe đạp, có thể giúp mọi người dễ dàng chủ động đi lại hơn; tương tự, tiếp cận với giao thông công cộng cũng có thể gia tăng hoạt động thể chất, vì đi lại bằng phương tiện công cộng mang đến cho mọi người cơ hội để đi bộ qua lại giữa nhà ga xe lửa hoặc trạm xe buýt.

Lachapelle và Frank phát hiện ra rằng cư dân Atlanta có vé đi lại do chủ lao động chi trả có nhiều khả năng hoàn thành đúng theo các khuyến nghị về thời gian hoạt động thể chất hơn những người không có. Một nghiên cứu quy mô nhỏ khác cho thấy rằng những nhân viên có chỗ để xe đạp tại nơi làm việc, cũng như được hỗ trợ văn hóa cho hoạt động đi lại chủ động, dễ đi bộ hoặc đạp xe đi làm hơn.

Trường học và chủ động đi học

Trường học, cũng như nơi làm việc, là hoàn cảnh lý tưởng để kiểm nghiệm các chương trình thúc đẩy học sinh tập luyện. Gần như toàn bộ trẻ em và thanh thiếu niên dành phần nhiều thời gian trong ngày của chúng ở lớp học, và đa phần các địa điểm đều đã lên lịch sẵn các khoảng giờ giải lao và cơ sở vật chất thể thao mà học sinh có thể sử dụng để biến vận động thể chất trở thành một phần trong ngày đi học.

Một bài đánh giá của Cochrane về 55 nghiên cứu phòng tránh béo phì ở trẻ em kết luận rằng việc tăng các giờ hoạt động thể chất và phát triển các kỹ năng vận động trong cả tuần đi học nằm trong những chiến lược phòng tránh béo phì đầy hứa hẹn. Các chương trình kết hợp dinh dưỡng và vận động dường như có hiệu quả hơn trong việc giảm cân nặng cơ thể của trẻ so với các chương trình chỉ tập trung vào hoạt động thể chất.

Các điều kiện phương tiện thể thao của trường nhìn chung cũng có thể phụng sự cộng đồng. Một cuộc nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng cho mở sân trường dưới sự giám sát sau giờ học đã gia tăng đến 84% mức độ hoạt động ngoài trời của trẻ em nội thành so với cộng đồng đối chứng tương ứng.

Chủ động đi học cũng đã nhận được sự quan tâm với tư cách là một chiến lược phòng tránh béo phì: vào năm 1969, khoảng một nửa học sinh tiểu học và trung học ở Mỹ đi bộ hoặc đạp xe đến trường; tuy nhiên, đến năm 2009, chỉ còn khoảng 13% số học sinh lứa tuổi này đi bộ hoặc đạp xe đi học.

Một vài, chứ không phải toàn bộ, nghiên cứu phát hiện ra có một mối liên hệ giữa chủ động đi học và cân nặng lành mạnh. Chẳng hạn như, một nghiên cứu tiêu biểu trên toàn nước Mỹ mới đây chỉ ra rằng người trẻ tuổi mà đạp xe hoặc đi bộ đến trường thì có xu hướng gầy hơn và ghi nhận hoạt động thể chất cường độ vừa đến mạnh trong nhiều phút hơn mỗi ngày. Tuy nhiên nghiên cứu này, như nhiều nghiên cứu về chủ động đi học, đã khảo sát học sinh tại một thời điểm, vì vậy nó không thể làm rõ được nguyên nhân và kết quả.

Khu dân cư

Nơi chúng ta ở ảnh hưởng đến cách chúng ta sống. Vỉa hè, làn đường dành riêng cho xe đạp, biển báo hiệu đường phố để làm chậm lưu lượng giao thông và đi bộ sang đường an toàn hơn, công viên, phòng tập, cửa hiệu và các điểm đến khác trong khoảng cách có thể đi bộ được – toàn bộ những đặc điểm này của khu dân cư có thể tạo ra sự khác biệt trong mức độ năng động của chúng ta.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu về vấn đề các đặc điểm khu dân cư có tác động như thể nào đến hoạt động thể chất. Nhưng lĩnh vực này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, có ít dữ liệu từ các nghiên cứu dài hạn.

Cái được gọi là “sự thiên lệch trong việc tự lựa chọn” (self-selection bias) vẫn là một mối lo ngại: những người năng vận động chuyển đến sống tại các khu dân cư có vỉa hè và công viên hay sống trong khu dân cư có vỉa hè và công viên khiến mọi người dễ trở nên năng động hơn?

Tương tự, đa phần các nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ và các quốc gia phát triển khác, vì thể kết quả có thể khác đối với vùng nông thôn và các nước đang phát triển.

Tiếp cận cơ sở vật chất của hoạt động thể chất

Những khu dân cư thiểu số và có thu nhập thấp có ít điều kiện phương tiện giải trí tiêu khiển hơn những cộng đồng chủ yếu là người da trắng và giàu có, một yếu tố mà có thể góp phần tạo nên cách biệt chủng tộc/dân tộc và kinh tế xã hội trong tỉ lệ béo phì.

Ví dụ như, một nghiên cứu xem xét đến khả năng tiếp cận đến cơ sở vật chất giải trí ở các khu dân cư trên Manhattan và the Bronx, greater Baltimore (thành phố và ngoại ô ở Hạt Baltimore), và Hạt Forsyth, North Carolina. Nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng những khu dân cư thiểu số và thu nhập thấp thiếu điều kiện phương tiện tiêu khiển chất lượng cao gấp ba đến tám lần so với những khu dân cư chủ yếu là người da trắng hoặc giàu có.

Tuy nhiên, vẫn có những kết quả gây bối rối như là về việc liệu chỉ cần sống trong những khu dân cư có nhiều điều kiện phương tiện giải trí hơn thì thực sự dẫn đến lối sống năng động hơn hay không. Có thể là các yếu tố khác, như là chi phí, có khả năng là một chướng ngại đối với việc tập thể dục, kể cả mọi người sống gần các phòng tập.

Tính khả dĩ đi bộ và cộng đồng trải rộng trên diện tích đất lớn

Nhiều nghiên cứu đã xem xét liệu sống trong khu dân cư “khả dĩ đi bộ” – khu dân cư có vỉa hè, lối sang đường, cửa hiệu và các điểm đến để tiêu khiển – có tác dụng tích cực đối với hoạt động thể chất, và theo đó là cân nặng cơ thể của con người không.

Ngược lại, các nhà nghiên cứu đã đánh giá liệu sống trong các cộng đồng “trải rộng trên diện tích lớn” – những khu dân cư có các con phố không thân thiện với người đi bộ, dân cư phân tán, và khoảng cách xa giữa nhà và khu kinh doanh – có khiến mọi người dễ đi lại hoặc giải trí bằng ô tô nhiều hơn là đi bộ hoặc đạp xe không.

Một số nghiên cứu đã kết luận rằng sinh sống trong những khu dân cư tạo điều kiện cho hoạt động đi bộ hoặc trong các cộng đồng không trải rộng trên diện tích lớn, có liên quan đến tỉ lệ vận động cao hơn và chỉ số khối cơ thể BMI thấp hơn.

Tuy thế, một vài nghiên cứu có hệ thống điều tra chặt chẽ không phát hiện mối quan hệ vững chắc nào giữa tính khả dĩ đi bộ hay việc các cộng đồng trải rộng trên diện tích đất lớn với hoạt động thể chất; mối liên hệ này có thể biến đổi theo tuổi tác, vị thế kinh tế xã hội, chủng tộc/dân tộc và các yếu tố khác.

An toàn khu dân cư và gắn kết xã hội

Các rủi ro an toàn (safety) gồm một loạt những thứ từ các tài xế liều lĩnh và “mối nguy xa lạ” đến những kẻ bắt nạt ở trong sân chơi. Và có bằng chứng cho thấy rằng nếu mọi người tin rằng khu dân cư họ sống không an toàn, trẻ em sẽ ít chơi ở ngoài hơn và người lớn thận trọng hơn khi đi bộ hay tham gia vào những hoạt động thể chất khác.

Một báo cáo gần đây cho thấy những cư dân ngụ tại Los Angeles mà cảm thấy khu dân cư họ sống nguy hiểm có chỉ số BMI cao hơn nhiều so với những người cho rằng họ đang sống trong cộng đồng an toàn.

Các nghiên cứu mà dùng các các biện pháp đánh giá khách quan về tội phạm trong khu dân cư đã kết luận rằng khu dân cư càng có nhiều tội phạm thì hoạt động thể chất hay đi bộ sẽ giảm, đặc biệt ở phụ nữ và trẻ nhỏ. Ngược lại, những người sống trong các khu vực có tín nhiệm cao hơn hay có “gắn kết xã hội” chặt chẽ hơn có xu hướng vận động nhiều hơn.

Các chính sách định hình môi trường vận động của chúng ta

Chính sách là một công cụ hữu hiệu để định hình môi trường và lối sống của chúng ta. Các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng đặc biệt hứng thú đối với việc thay đổi chính sách và đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng giao thông đi lại có thể gia tăng hoạt động thể chất như thế nào.

Các chính sách sử dụng đất

Ở Mỹ, các khoản cho vay mua nhà liên bang và trợ cấp trực tiếp để phát triển đường cao tốc là hai quyết định chính sách chủ yếu làm tăng phát triển các khu ngoại ô lan tràn trải rộng trong nửa cuối thế kỷ 20 và giai đoạn đầu thế kỷ 21. Cùng với những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ tự động và tăng khả năng sản xuất, những chính sách này đã tạo thành một cuộc di cư từ nội thành ra ngoại ô và thay đổi cảnh quan dân cư.

Tuy nhiên, các thành phố và thị trấn sở tại có thể cho phép thi hành các chính sách sử dụng đất, chẳng hạn như các quy định khoanh vùng và luật xây dựng, để tạo ra được các môi trường trên toàn thể cộng đồng hỗ trợ hoạt động thể chất. Có bằng chứng chỉ ra rằng “sử dụng đất tập trung” (mixed land use) – đặt các khu dân cư gần cửa hàng, trường học, văn phòng và các điểm khác, thay vì phân tán rải rác –  có liên quan đến mức độ đi bộ và hoạt động thể chất.

Tiếp cận giao thông công cộng

Đi bộ qua lại giữa các phương tiện giao thông công cộng có thể giúp những người hay ngồi một chỗ, đặc biệt là những nhóm dân thiểu số và có thu nhập thấp hoàn thành được đúng theo mức độ vận động khuyến nghị hàng ngày.

Trong thực tế, ước tính 90% các chuyến trung chuyển giữa các phương tiện giao thông công cộng ở Mỹ là bằng cách đi bộ ở đầu hoặc cuối chuyến. Trong khi đi bộ có liên quan đến giảm nguy cơ béo phì, thì có bằng chứng chỉ ra rằng đi lại bằng ô tô có tác dụng ngược lại:

Frank và các cộng sự đã kết luận rằng cứ ở thêm mỗi giờ một ngày trong ô tô có liên quan đến khả năng béo phì tăng 6%.

Đó là nguyên nhân vì sao Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) khuyến cáo các cộng đồng dân cư nên cải thiện khả năng tiếp cận đến giao thông công cộng với tư cách là một chiến lược phòng tránh béo phì, bởi vì dễ tiếp cận đến giao thông công cộng có thể khuyến khích mọi người dùng phương thức đi lại này.

Chính sách và thiết kế phố xá thân thiện với xe đạp và khách bộ hành

Xu hướng hành vi đi lại ở Mỹ hầu như không thể tệ nữa hơn đối với sức khỏe cộng đồng:

Dữ liệu gần đây chỉ ra rằng trẻ em và người lớn ở Mỹ chỉ dùng xe đạp cho 1% mọi chuyến đi. Ngược lại, ở Hà Lan, 27% các chuyến đi đều là bằng xe đạp.

Trong khi đó người dân Mỹ đang có nhiều chuyến đi bộ hơn – đi bộ 10,5% trong mọi số chuyến đi năm 2009, tăng từ 8,6% năm 2001 – thì chỉ khoảng 18% đi bộ với tư cách giao thông đi lại, một con số vẫn chưa nhúc nhích trong một thập kỷ qua.

Căn cứ vào sự hỗ trợ thành công của công tác chủ động đi lại (active transport) tại châu Âu, nhiều lựa chọn chính sách đã được đề xuất. Một số thì tập trung vào công tác khiến đi bộ và đạp xe trên phố xá an toàn hơn: một số biện pháp là giảm giới hạn tốc độ, tăng thời gian đi bộ sang đường, làm vỉa hè rộng hơn, sử dụng các công cụ làm dịu giao thông (như là trồng cây) ở lòng đường, tạo các khu không cấm ô tô, và thiết kế các làn đường dành riêng, được bảo vệ cho xe đạp.

Các lựa chọn khác gồm khuyến khích để xe ô tô tại nhà hay tạo điều kiện cho mọi người dễ đi bộ hoặc đạp xe đến các điểm trung chuyển giao thông công cộng hơn. Ví dụ như London đã thiết kế những làn đường xe đạp, nơi đỗ xe đạp toàn diện và cải thiện an toàn giao thông vào đầu những năm 2000, cũng như là thu phí ùn tắc (congestion pricing) – trong đó tài xế bị tính phí khi đi vào thành phố – vào năm 2003. Những thay đổi này kéo theo đó là các chuyến đi bằng xe đạp tăng gấp đôi và giảm 12% số ca bị thương nghiêm trọng khi đạp xe từ 2000 đến 2008.

Ở Mỹ, the National Complete Streets Coalition ủng hộ một danh sách chuyên sâu về các chính sách mà các chính quyền địa phương, chính quyền bang và liên bang có thể áp dụng để khiến phố xá an toàn hơn với tài xế, người đi xe đạp và khách bộ hành. Một lĩnh vực đang còn gây tranh cãi liên quan đến các quan điểm khác nhau về phương thức an toàn nhất để điều tiết được việc đạp xe.

Đường xe đạp có rào bảo vệ, làn đường chỉ dành cho xe đạp có vị trí cạnh vỉa hè – là một biện pháp được áp dụng ở Hà Lan, nơi có tỉ lệ bị thương khi đi xe đạp thấp hơn so với Mỹ. Đường xe đạp (Cycle tracks) kém phổ biến hơn ở Bắc Mỹ, nơi các hướng dẫn giao thông ủng hộ đạp xe ở các làn xe đạp kẻ vạch trên đường phố. Tuy vậy, một nghiên cứu gần đây ở Montreal chỉ ra rằng đạp xe trong đường xe đạp thì an toàn hơn đạp xe trên đường phố.

Lời kết: Xây dựng một môi trường hỗ trợ lối sống năng vận động

Môi trường xung quanh chúng ta và các chính sách định hình nên những môi trường đó có một ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thể chất của chúng ta ở đâu, bao giờ, bằng cách nào và mức độ ra sao trên cơ sở hàng ngày. Cũng giống như việc thiếu hoạt động thể chất là thành tố chính dẫn đến nạn dịch béo phì, thì tạo lập một môi trường thân thiện với vận động thể chất là một phương thức giúp xoay chuyển được nạn dịch này.

Có nhiều yếu tố trong một môi trường thân thiện với vận động: một vài ví dụ là các tòa nhà, phố xá và các cộng đồng khuyến khích đạp xe và đi bộ; có nhiều công viên và sân chơi hấp dẫn; và các khu dân cư nơi mọi người cảm thấy an toàn và thực sự an toàn. Các cộng đồng có thể bắt đầu nhiệm vụ tạo lập không gian và địa điểm thúc đẩy vận động bằng cách nào?

Họ có thể bắt đầu bằng cách cân nhắc ảnh hưởng của những dự án giao thông và phát triển đến sức khỏe của người dân, cân nhắc kỹ như cách họ xem xét tác động môi trường của những dự án này. Để đạt được mục tiêu biến hoạt động thể chất trở thành một phần tự nhiên và bình thường trong cuộc sống hàng ngày của mọi người thì cần có những cải biến như trên.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment