Béo phì là bệnh gì?
Béo phì được định nghĩa là khi bạn có chỉ số khối cơ thể BMI từ 30 trở lên. BMI là phép tính cân nặng tương quan với chiều cao của cơ thể. Béo phì Độ 1 có nghĩa là chỉ số BMI từ 30 đến 35, Độ 2 là BMI từ 35 đến 40 và Độ 3 là BMI từ 40 trở lên. Béo phì độ 2 và 3 còn được gọi là béo bệnh, và thường chỉ bằng việc ăn kiêng và tập thể dục thì khó mà chữa trị được.
Tính chỉ số BMI của bạn để biết được mình thuộc loại nào (cân nặng theo Kg chia cho chiều cao bình phương tính theo mét).
Phẫu thuật điều trị béo phì là như thế nào?
Phẫu thuật điều trị béo phì là loại phẫu thuật giúp bạn giảm cân bằng cách thực hiện những thay đổi trong hệ tiêu hóa của bạn. Một số loại phẫu thuật giảm cân làm dạ dày của bạn thu nhỏ, đồng thời khiến bạn ăn uống ít đi và cảm thấy nhanh no hơn. Những loại phẫu thuật giảm cân khác cũng thay đổi ruột non của bạn – bộ phận trong cơ thể có chức năng hấp thu calo và dưỡng chất từ đồ ăn thức uống.
Phẫu thuật điều trị béo phì có thể là một giải pháp cho bạn chọn lựa nếu bạn bị béo bệnh và không thể giảm được cân hoặc không ngừng được việc tăng lại cân sau khi đã giảm khi đã áp dụng các phương pháp khác như là dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống. Phẫu thuật giảm cân cũng có thể là một biện pháp nếu bạn gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như là bệnh tiểu đường loại 2 hay chứng ngưng thở khi ngủ, liên quan đến béo phì. Phẫu thuật giảm cân có thể cải thiện được nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì, đặc biệt là tiểu đường loại 2.
Phẫu thuật điều trị béo phì có luôn có tác dụng không?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người làm phẫu thuật điều trị béo phì giảm trung bình khoảng 15 đến 30% mức cân nặng ban đầu của họ, tùy thuộc vào loại phẫu thuật giảm cân mà họ làm. Tuy nhiên, không có một phương pháp nào, kể cả phẫu thuật, đảm bảo chắc chắn rằng bạn giảm được cân và duy trì cân nặng sau khi giảm. Một số người làm loại phẫu thuật này có thể không giảm được nhiều cân như họ hy vọng. Theo thời gian, một số người tăng lại một phần số cân mà họ đã giảm. Số cân nặng họ tăng lại có thể dao động. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng cân lại gồm có mức độ béo phì cũng như là loại phẫu thuật giảm cân họ đã thực hiện.
Phẫu thuật điều trị béo phì không thay thế các thói quen lành mạnh, nhưng khiến bạn tiêu thụ ít calo hơn và trở nên năng động hơn. Chọn lựa những đồ ăn thức uống lành mạnh trước và sau phẫu thuật cũng có thể giúp bạn giảm được nhiều cân hơn và duy trì cân nặng trong thời gian dài sau khi giảm. Hoạt động thể chất thường xuyên hậu phẫu thuật cũng có tác dụng hỗ trợ duy trì cân nặng không tăng. Để nâng cao sức khỏe, bạn phải cam kết duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh cả đời và tuân thủ hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Chi phí cho phẫu thuật điều trị béo phì là bao nhiêu?
(Phần thông tin về chi phí có thể chính xác với người đọc ở Hoa Kỳ hơn là Việt Nam – ghi chú của biên tập viên)
Trung bình phẫu thuật giảm cân có chi phí trong khoảng từ 15.000 đến 25.000 đô la Mỹ, tùy thuộc vào loại phẫu thuật bạn làm và bạn có gặp các tai biến không. Chi phí có thể trội lên hoặc sụt đi dựa trên nơi bạn sinh sống. Giá trị bảo hiểm y tế thanh toán sẽ khác nhau theo từng bang và theo từng nhà cung cấp bảo hiểm.
Medicare và một số chương trình Medicaid chi trả cho ba loại phẫu thuật giảm cân thông thường – phẫu thuật bắc cầu dạ dày (gastric bypass), thắt đai dạ dày (gastric band), và cắt vạt dạ dày (gastric sleeve) – nếu bạn đủ những điều kiện nhất định và có khuyến nghị của bác sĩ. Một số kế hoạch bảo hiểm có thể sẽ yêu cầu bạn làm phẫu thuật với những bác sĩ phẫu thuật và cơ sở y tế đã được phê duyệt. Một số nhà cung cấp bảo hiểm cũng yêu cầu bạn chứng minh bản thân không thể giảm được cân sau khi đã hoàn thành chương trình giảm cân phi phẫu thuật hoặc bạn đáp ứng những yêu cầu khác.
Công ty bảo hiểm hay văn phòng Medicare hoặc Medicaid ở khu vực của bạn sẽ có nhiều thông tin về diện chi trả cho phẫu thuật điều trị béo phì, các lựa chọn và các yêu cầu để được chi trả cho loại phẫu thuật này.
Các loại phẫu thuật điều trị béo phì
Loại phẫu thuật giảm cân mà có thể thích hợp nhất để giúp giảm cân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bạn nên thảo luận với bác sĩ về loại phương pháp phẫu thuật nào là tốt nhất với bạn hoặc con bạn đang độ tuổi vị thành niên đang có nhu cầu phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở bụng khác nhau ở đâu?
Trong phẫu thuật giảm cân mở bụng, bác sĩ phẫu thuật rạch một đường dài ở trên bụng. Đa phần giờ đây các bác sĩ thường làm phẫu thuật nội soi (laparoscopic surgery), họ rạch vài đường nhỏ và đưa các dụng cụ phẫu thuật mỏng qua các vết rạch đi vào bụng. Bác sĩ cũng đưa một ống ngắm có gắn máy quay để truyền hình ảnh bên trong bụng về màn hình. Phẫu thuật nội soi có ít rủi ro hơn phẫu thuật mở bụng và có thể khiến bệnh nhân đỡ đau đớn và ít thành sẹo hơn phẫu thuật mở bụng. Phẫu thuật nội soi cũng làm bệnh nhân bình phục nhanh hơn.
Phẫu thuật mở bụng có thể là một lựa chọn hữu hiệu hơn đối với những đối tượng nhất định. Nếu bạn có mức độ béo phì nặng, đã từng làm phẫu thuật dạ dày trước đây hoặc có các vấn đề sức khỏe phức tạp khác, có thể bạn sẽ cần làm phẫu thuật mở bụng.
Có các lựa chọn phẫu thuật nào?
Ở Mỹ, bác sĩ thường thực hiện nhiều nhất ba loại phẫu thuật:
- Phẫu thuật nội soi thắt đai dạ dày có thể điều chỉnh được (laparoscopic adjustable gastric band)
- Phẫu thuật cắt vạt dạ dày (gastric sleeve), còn gọi là phẫu thuật tạo hình dạ dày cắt vạt (sleeve gastrectomy)
- Phẫu thuật bắc cầu dạ dày (gastric bypass)
Bác sĩ không thường sử dụng loại phẫu thuật thứ tư là chuyển dòng mật tụy (biliopancreatic diversion) kèm đảo dòng tá tràng (duodenal switch).
Phẫu thuật nội soi thắt đai dạ dày
Trong loại phẫu thuật này, bác sĩ đặt một cái vòng bên trong có một đai rỗng có thể bơm phồng vào được bao quanh đoạn trên của dạ dày để tạo thành một cái túi nhỏ. Bằng cách này bạn sẽ cảm thấy no sau khi ăn một ít thức ăn. Bên trong cái đai có một quả bóng hình vòng tròn chứa dung dịch muối. Bác sĩ có thể điều chỉnh kích cỡ lối thông từ túi dạ dày nhỏ đến phần còn lại của dạ dày bằng cách tiêm vào hoặc rút ra dung dịch đó thông qua một thiết bị nhỏ gọi là cổng đặt dưới da bạn.
Sau phẫu thuật, bạn sẽ cần khám tiếp vài lần để điều chỉnh kích cỡ đai. Nếu đai gây ra vấn đề hoặc không giúp bạn giảm đủ cân nặng, bác sĩ có thể sẽ tháo đai.
Cục Quản lý Dược Thực phẩm Hoa Kỳ FDA đã cấp phép thực hiện phẫu thuật thắt đai dạ dày cho những người có chỉ số BMI từ 30 trở lên mà cũng có ít nhất một vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì như là bệnh tim hay tiểu đường.
Phẫu thuật cắt vạt dạ dày
Trong phẫu thuật cắt vạt dạ dày, còn gọi là phẫu thuật cắt vạt đứng dạ dày (vertical sleeve gastrectomy), bác sĩ cắt bỏ phần lớn dạ dày của bạn, chỉ để lại đoạn có hình quả chuối và dùng kẹp để đóng dạ dày. Tương tự như phẫu thuật thắt đai dạ dày, phương pháp phẫu thuật này làm giảm lượng thức ăn mà dạ dày của bạn có thể chứa vừa, làm bạn nhanh no. Cắt bỏ một phần dạ dày cũng có thể ảnh hưởng đến các hormone ruột hay các yếu tố khác như là vi khuẩn ruột mà có thể ảnh hưởng đến khẩu vị và quá trình chuyển hóa (metabolism) trong cơ thể. Bạn không thể đảo ngược loại phương pháp phẫu thuật này vì một phần dạ dày của bạn đã bị cắt bỏ vĩnh viễn.
Phẫu thuật bắc cầu dạ dày
Phẫu thuật bắc cầu dạ dày, còn gọi là bắc cầu dạ dày Roux-en-Y, có hai phần. Phần đầu, bác sĩ kẹp dạ dày, tạo thành một túi nhỏ ở đoạn trên. Việc kẹp lại khiến dạ dày bạn thu nhỏ, vì thế bạn ăn ít đi và thấy nhanh no hơn.
Sau đó, bác sĩ cắt ruột non và gắn trực tiếp phần dưới của ruột non với túi dạ dày nhỏ. Khi đó thức ăn sẽ đi bỏ qua phần lớn dạ dày và đoạn trên của ruột non như vậy cơ thể của bạn hấp thu ít calo hơn. Bác sĩ nối đoạn bị bỏ qua xuống đến tận đoạn dưới của ruột non. Đoạn đường vòng này vẫn được gắn với phần chính của dạ dày, như vậy dịch tiêu hóa có thể di chuyển từ dạ dày và đoạn đầu ruột non vào đoạn dưới của ruột non. Phương pháp bắc cầu dạ dày cũng làm thay đổi hormone ruột, khuẩn ruột, và các yếu tố khác mà có thể ảnh hưởng đến khẩu vị và quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Bắc cầu dạ dày khó mà đảo ngược, mặc dù bác sĩ có thể thực hiện nếu cần thiết về mặt y tế.
Đảo dòng tá tràng
Loại phẫu thuật này, còn có tên gọi là chuyển hướng mật tụy, thì phức tạp hơn những phương pháp khác. Đảo dòng tá tràng bao gồm hai ca phẫu thuật riêng biệt. Ca thứ nhất thì tương tự với phẫu thuật cắt vạt dạ dày. Ca thứ hai tái chuyển hướng thức ăn đi vòng bỏ qua phần lớn ruột non. Bác sĩ cũng gắn đoạn đường vòng vào phần cuối của ruột non, cho phép dịch tiêu hóa trộn với thức ăn.
Loại phẫu thuật này giúp bạn giảm được nhiều cân hơn ba loại trên. Tuy nhiên phương pháp này cũng dễ gây tai biến nhất và làm thiếu hụt các vitamin, khoáng chất và đạm trong cơ thể. Vì những nguyên nhân đó mà bác sĩ thường không thực hiện loại phẫu thuật này.
Trước phẫu thuật, tôi nên lường trước điều gì?
Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ khám với một số chuyên gia y tế, như là chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ tâm lý, bác sĩ nội khoa và bác sĩ điều trị béo phì.
- Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của bạn, khám kỹ thân thể bạn và yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu. Nếu bạn có thói quen hút thuốc, họ sẽ có thể yêu cầu bạn ngừng hút thuốc ít nhất 6 tuần trước khi làm phẫu thuật.
- Bác sĩ sẽ cho bạn biết thêm về ca phẫu thuật, bao gồm cách chuẩn bị và loại hoạt động tiếp sau phẫu thuật mà bạn sẽ cần thực hiện.
- Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giải thích về việc bạn có thể ăn uống những gì và ăn bao nhiêu sau phẫu thuật cũng như là giúp bạn chuẩn bị cho những thay đổi trong cuộc sống của bạn sau phẫu thuật.
- Bác sĩ tâm lý có thể làm đánh giá để xem liệu phẫu thuật điều trị béo phì có phải là một lựa chọn giải pháp cho bạn không.
Những chuyên gia y tế này cũng sẽ khuyến nghị bạn nên năng vận động hơn và áp dụng thực hiện kế hoạch ăn uống lành mạnh trước và sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, giảm cân và đưa nồng độ đường trong máu về sát với mức bình thường hơn trước khi phẫu thuật có thể làm bạn giảm nguy cơ bị tai biến.
Một số chương trình phẫu thuật điều trị béo phì có thành lập những nhóm hỗ trợ giải đáp thắc mắc về phẫu thuật cũng như là cung cấp trợ giúp, bạn có thể tham gia những nhóm đó.
Sau phẫu thuật, tôi nên lường trước điều gì?
Sau phẫu thuật, bạn sẽ cần phải nghỉ ngơi và hồi phục. Mặc dù các hoạt động hậu phẫu thay đổi theo loại phẫu thuật, bạn sẽ cần uống các chất bổ sung được bác sĩ chỉ định nhằm đảm bảo bạn hấp thu đủ vitamin và khoáng chất.
Đi bộ và di chuyển xung quanh nhà có thể giúp bạn bình phục nhanh hơn. Bắt đầu từ từ và tuân theo lời khuyên của bác sĩ về loại hoạt động thể chất mà bạn có thể an toàn thực hiện. Khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn thì hãy tăng thêm hoạt động thể chất.
Sau phẫu thuật, đa phần mọi người chuyển từ chế độ ăn uống dạng lỏng sang ăn uống các đồ mềm như là phô mai cottage, sữa chua hay súp và sau đó chuyển sang thức ăn rắn trong vài tuần. Bác sĩ, y tá hay chuyên gia dinh dưỡng sẽ cho bạn biết những loại đồ ăn thức uống nào bạn có thể dùng và những loại nào bạn nên tránh. Bạn sẽ cần phải ăn thành các bữa nhỏ và nhai kỹ thức ăn.
Tôi có thể kỳ vọng giảm được bao nhiêu cân?
Số cân bạn giảm được sau phẫu thuật điều trị béo phì lệ thuộc vào cơ địa từng người và loại phẫu thuật thực hiện. Nghiên cứu theo dõi trong ba năm hậu phẫu thuật đã phát hiện ra rằng những người làm phẫu thuật thắt đai dạ dày trung bình giảm khoảng 45 pound (khoảng 20kg). Những người làm bắc cầu dạ dày trung bình giảm 90 pound (khoảng 40kg). Đa số mọi người tăng cân lại theo thời gian, nhưng số cân tăng thường là ít so với số cân đã giảm trước đó.
Các nhà nghiên cứu không biết nhiều về kết quả phẫu thuật cắt vạt dạ dày trong thời gian dài, nhưng số cân giảm dường như ngang bằng hoặc ít hơn một chút so với phẫu thuật bắc cầu dạ dày.
Số cân bạn giảm cũng có thể khác nhau. Hãy nhờ là để đạt được mục tiêu giảm cân thì không chỉ dựa vào phẫu thuật mà còn phải gắn bó với các thói quen sinh hoạt lành mạnh xuyên suốt cuộc đời.
Thiết bị giảm cân
FDA đã phê duyệt một số thiết bị giảm cân mới mà không thay đổi vĩnh viễn dạ dày hay ruột non của bạn. Những thiết bị này có tác dụng giảm ít cân hơn so với phẫu thuật điều trị béo phì, và một số tác dụng giảm cân chỉ là tạm thời. Những thiết bị này có thể có rủi ro, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đang cân nhắc về bất cứ những chọn lựa thiết bị nào bên dưới đây. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm hiểu về bất kỳ thiết bị nào trong số đó trong khoảng thời gian dài và không rõ rủi ro cũng như lợi ích dài hạn của chúng.
- Hệ thống điện kích (electrical stimulation system) dùng một thiết bị được cấy vào trong bụng, thông qua phẫu thuật nội soi, thiết bị này chặn hoạt động của dây thần kinh giữa dạ dày và não. Thiết bị này tác động đến dây thần kinh phế vị, dây thần kinh có chức năng giúp báo hiệu cho não biết là dạ dày cảm thấy đầy hoặc rỗng.
- Hệ thống bóng dạ dày (gastric balloon system) gồm một hoặc hai quả bóng được đặt vào dạ dày thông qua ống đưa qua miệng. Bác sĩ hoặc y tá sẽ cho bạn dùng thuốc an thần trước khi làm thủ thuật. Một khi trong dạ dày đã có bóng, bác sĩ bơm phồng chúng bằng nước muối để chúng chiếm chỗ trong không gian của dạ dày và giúp làm bạn cảm thấy no hơn. Bạn sẽ cần phải tháo bóng sau 6 tháng hoặc một năm.
- Một thiết bị mới dùng một cái bơm rút ra một phần thức ăn trong dạ dày bạn sau khi ăn xong. Thiết bị này gồm một ống đi từ trong dạ dày đến một cổng trên bụng bạn. Cổng này là một cái van nhỏ vừa với lối thông bụng. Khoảng 20 đến 30 phút sau ăn, bạn gắn ống từ cổng đến bơm và mở van. Bơm rút những thứ có trong dạ dày ra khỏi cơ thể qua một ống dẫn đến bồn cầu, như vậy cơ thể bạn không hấp thu được khoảng 30% lượng calo mà bạn đã ăn vào người trước đó. Bạn có thể tháo thiết bị bất cứ lúc nào.
Lợi ích của phẫu thuật điều trị béo phì
Phẫu thuật điều trị béo phì có những ích lợi gì?
Phẫu thuật điều trị béo phì có thể giúp bạn giảm cân và cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì. Những vấn đề sức khỏe này gồm có:
- Tiểu đường loại 2
- Huyết áp cao
- Nồng độ cholesterol không lành mạnh
- Ngưng thở khi ngủ
- Tiểu tiện mất chủ động
- Đau người
- Đau hông và gối
Bạn có thể sẽ dễ di chuyển xung quanh và năng động hơn sau phẫu thuật. Bạn cũng có thể nhận thấy tâm trạng của bản thân trở nên tốt hơn và cảm giác chất lượng cuộc sống cao hơn.
Tác dụng phụ của phẫu thuật điều trị béo phì
Phẫu thuật điều trị béo phì có những tác dụng phụ gì?
Tác dụng phụ có thể là:
- Xuất huyết
- Nhiễm trùng
- Hở rò một bên ở nơi đoạn kẹp hoặc khâu lại dạ dày hay ruột non hoặc cả hai.
- Tiêu chảy
- Máu đông thành cục ở chân mà có thể chạy đến phổi và tim
Các tai biến phẫu thuật hiếm khi có khả năng dẫn đến tử vong.
Các tác dụng phụ khác có thể về sau mới xuất hiện. Cơ thể bạn có thể không hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, đặc biệt là nếu bạn không dùng những loại vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ. Không hấp thu đủ dưỡng chất có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như là thiếu máu và loãng xương. Sỏi mật có thể xuất hiện sau khi giảm cân quá nhanh. Một số bác sĩ kê thuốc sử dụng trong khoảng 6 tháng sau phẫu thuật để giúp ngăn ngừa sỏi mật. Đai dạ dày có thể bị mòn hòa vào thành dạ dày và bạn cần phải tháo đai ra khỏi cơ thể.
Những vấn đề khác mà có thể phát sinh về sau gồm có chỗ nghẽn chặt và thoát vị. Những chỗ nghẽn chặt – co hẹp dạ dày mới hay đoạn nối giữa dạ dày và ruột non – làm bạn khó mà ăn được đồ rắn và có thể gây buồn nôn, nôn mửa và khó nuốt. Bác sĩ điều trị vấn đề nghẽn chặt bằng các dụng cụ đặc thù để nong rộng đoạn bị co hẹp. Hai loại thoát vị có thể phát sinh hậu phẫu thuật điều trị béo phì – tại điểm rạch dao hoặc ở trong bụng. Bác sĩ khắc phục vấn đề thoát vị bằng phẫu thuật.
Một số nghiên cứu cho rằng phẫu thuật điều trị giảm béo, đặc biệt là phương pháp bắc cầu dạ dày, có thể làm thay đổi cách cơ thể hấp thu và phân giải rượu và có thể gây ra nhiều vấn đề hậu phẫu liên quan đến rượu hơn.
Đối tượng có thể làm phẫu thuật điều trị béo phì
Đối tượng trưởng thành nào đủ điều kiện làm phẫu thuật điều trị béo phì?
Phẫu thuật điều trị béo phì có thể là một lựa chọn cho những người trưởng thành có:
- Chỉ số BMI từ 40 trở lên, HOẶC
- Chỉ số BMI từ 35 trở lên hay có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến béo phì, như là tiểu đường loại 2, bệnh tim, hay chứng ngưng thở khi ngủ
- Chỉ số BMI từ 30 trở lên hoặc có một vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì, chỉ áp dụng phẫu thuật thắt đai dạ dày
Dùng phẫu thuật để giảm cân là một quyết định nghiêm túc. Nếu bạn đang cân nhắc làm phẫu thuật điều trị béo phì, bạn nên biết quá trình này gồm những gì. Trả lời những câu hỏi dưới có thể giúp bạn quyết định được xem liệu phẫu thuật có phải là lựa chọn dành cho bạn không:
- Bạn vẫn không thể giảm cân hoặc không thể ngăn cân nặng tăng khi đã dùng các phương pháp giảm cân phi phẫu thuật như là sử dụng thuốc hoặc thay đổi lối sống không?
- Bạn có hiểu được việc phẫu thuật bao gồm những gì cũng như là rủi ro và ích lợi của nó không?
- Bạn có hiểu được rằng mình sẽ phải thay đổi kiểu ăn uống và vận động sau phẫu thuật không?
- Bạn có thể cam kết tuân thủ thói quen ăn uống và vận động lành mạnh, hoạt động y tế tiếp nối và nhu cầu uống thêm vitamin và khoáng chất trong quãng đời còn lại không?
Đối tượng vị thành niên nào đủ điều kiện làm phẫu thuật điều trị béo phì?
Bác sĩ đôi khi dùng phẫu thuật để điều trị cho đối tượng là trẻ vị thành niên bị béo phì nghiêm trọng mà cũng có các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì. Phẫu thuật điều trị béo phì thường cải thiện các vấn đề sức khỏe mà có thể diễn tiến nặng hơn khi vào giai đoạn trưởng thành nếu trẻ vẫn bị béo phì.
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn cho trẻ vị thành niên đã dậy thì xong và đạt được chiều cao trưởng thành, và có:
- Chỉ số BMI từ 35 trở lên kèm theo những vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì như là tiểu đường loại 2 hoặc chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nặng, HOẶC
- Chỉ số BMI từ 40 trở lên kèm theo những vấn sức khỏe ít nghiêm trọng như là huyết áp cao và cholesterol cao.
Nghiên cứu chỉ ra rằng phẫu thuật điều trị béo phì khá là an toàn đối với trẻ vị thành niên và có thể cải thiện các vấn đề sức khỏe như là tiểu đường loại 2 trong ít nhất 3 năm sau phẫu thuật. Trẻ vị thành niên tham gia vào một nghiên cứu theo dõi trong 3 năm sau phẫu thuật đã giảm trung bình 90 pound (khoảng 40kg) và giữ nguyên đa phần cân nặng. Trẻ cũng ghi nhận chất lượng cuộc sống liên quan đến cân nặng cũng đã tăng lên. Các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu ảnh hưởng lâu dài của biện pháp phẫu thuật này, mà hiện nay mọi người vẫn chưa biết rõ.
Tương tự như người trưởng thành, trẻ vị thành niên đang cân nhắc về phẫu thuật giảm cân thì nên chuẩn bị cho những thay đổi lối sống cần thiết sau phẫu thuật. Trung tâm phẫu thuật tập trung vào nhu cầu riêng của người trẻ tuổi có thể giúp trẻ vị thành niên chuẩn bị và điều chỉnh được theo những thay đổi này. Phụ huynh và người chăm sóc trẻ cũng nên chuẩn bị và sẵn sàng ủng hộ cho trẻ.
(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)