Nước ngọt được hàng triệu người Mỹ lựa chọn mỗi khi muốn giải khát, nhưng đồ uống có đường lại làm tăng nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2, các bệnh về tim, cùng nhiều bệnh mãn tính khác.
- Những người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên – từ 1-2 lon/ngày hoặc nhiều hơn – có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nhiều hơn những người hiếm khi uống những loại đồ uống này đến 26%.
- Một nghiên cứu theo dõi 40.000 nam giới trong hai thập kỷ đã phát hiện thấy rằng nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong vì đau tim của những người trung bình một ngày uống 1 lon nước giải khát có đường là cao hơn 20% so với những người hiếm khi tiêu thụ đồ uống giàu đường. Một nghiên cứu liên quan ở phụ nữ cũng tìm ra mối liên hệ tương tự giữa nước ngọt và các bệnh về tim.
- Một nghiên cứu kéo dài 22 năm với 80.000 nữ giới tham gia đã chỉ ra rằng những người uống 1 lon nước ngọt/ngày có nguy cơ bị gout cao hơn 75% so với những người không hay uống những loại đồ uống này. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra nguy cơ tương tự ở nam giới.
- Tiến sỹ Frank Hu, Giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học của trường Y tế Công cộng Harvard, gần đây đã tuyên bố rằng có rất nhiều bằng chứng có thể chứng minh là việc cắt giảm các loại đồ uống dùng đường để tạo ngọt sẽ làm giảm tỷ lệ bị béo phì cũng như các bệnh khác mà có liên quan đến béo phì (Xem thêm thông tin về tỷ lệ béo phì ở trẻ em và người lớn).
Nước ngọt và bệnh tiểu đường
Các bằng chứng vững chắc đã chỉ ra rằng các loại đồ uống dùng đường để tạo ngọt là nhân tố góp phần dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường. Nghiên cứu sức khỏe y tá đã khám phá ra mối liên hệ này sau khi theo dõi sức khỏe của hơn 90.000 phụ nữ trong vòng 8 năm.
Những y tá nói rằng họ tiêu thụ từ 1-2 khẩu phần nước ngọt hoặc nước hoa quả giàu đường mỗi ngày có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 trong giai đoạn diễn ra nghiên cứu cao cấp đôi những người hiếm khi uống những loại nước này.
Một sự gia tăng nguy cơ tiểu đường tương tự do tăng lượng nước ngọt và nước trái cây tiêu thụ gần đây cũng đã được phát hiện trong Nghiên cứu sức khỏe phụ nữ người Mỹ gốc Phi, một nghiên cứu dài hạn vẫn đang diễn ra với sự tham gia của gần 60.000 nữ giới người Mỹ gốc Phi đến từ mọi khu vực của Mỹ. Thú vị là ở chỗ, sự gia tăng nguy cơ từ việc uống nước ngọt có mối tương quan chặt chẽ với tình trạng tăng cân.
Trong Nghiên cứu Tim mạch Framingham, nam giới và nữ giới mà mỗi ngày uống một món đồ uống có đường trở lên dễ gặp các vấn đề liên quan đến kiểm soát đường huyết hơn 25% và nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa của những người này là tăng hơn gần 50%.
Nước ngọt và các bệnh về tim
Nghiên cứu sức khỏe y tá, theo dõi sức khỏe của gần 90.000 nữ y tá trong hai thập kỷ, đã chỉ ra rằng những người mỗi ngày uống nhiều hơn 2 khẩu phần nước giải khát giàu đường có nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong vì bệnh tim cao hơn những người không mấy khi tiêu thụ loại nước này 40%.
Những người uống quá nhiều đồ uống có đường thường nặng hơn – và ăn theo chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh hơn – những người không tiêu thụ đồ uống có đường, và những tình nguyện viên trong Nghiên cứu sức khỏe y tá cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng các nhà nghiên cứu đã xem xét sự khác biệt trong chất lượng dinh dưỡng, lượng năng lượng tiêu thụ, và cân nặng giữa các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu. Họ phát hiện thấy rằng việc ăn theo một chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, hoặc có cân nặng lành mạnh cũng chỉ giảm nhẹ các nguy cơ liên quan đến việc tiêu thụ nước giải khát có đường.
Điều này chứng tỏ rằng cả khi bạn quá nặng, hoặc chỉ đơn giản là bạn ăn quá nhiều calo, thì những yếu tố đó cũng chỉ phần nào lý giải được mối quan hệ giữa đồ uống có đường và các bệnh về tim mà thôi. Một số nguy cơ cũng có thể xảy đến do tác động trao đổi chất của fructose từ đường hoặc sirô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS) được sử dụng để tạo ngọt cho những loại đồ uống này.
Những ảnh hưởng tiêu cực của chỉ số tinh bột hấp thụ khi đi vào cơ thể cao (high glycemic load) từ các loại nước giải khát này đối với lượng đường trong máu, nồng độ cholesterol, và các yếu tố gây viêm cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Nước ngọt và xương
- Soda có thể tạo ra thách thức đặc biệt đối với sức khỏe xương.
- Soda chứa hàm lượng phosphat cao.
- Tiêu thụ nhiều phosphat hơn canxi có thể gây hại cho sức khỏe xương.
- Việc bổ sung đầy đủ canxi là cực kỳ quan trọng trong giai đoạn thơ ấu và trong những năm tháng còn là thanh thiếu niên, khi xương đang được xây dựng.
- Nước ngọt thường không có canxi và các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe khác, thế nhưng chúng vẫn được tiếp thị đến các nhóm đối tượng trẻ tuổi.
- Sữa là nguồn cung cấp canxi và protein dồi dào, ngoài ra nó còn chứa vitamin D, vitamin B6, vitamin B12, cùng các chất dinh dưỡng vi lượng khác.
- Tồn tại một mô hình nghịch đảo giữa việc tiêu thụ nước ngọt và việc tiêu thụ sữa – khi một bên tăng lên thì bên còn lại sẽ hạ xuống.
Mách nhỏ bạn đọc 5 mẹo để xây dựng xương chắc khỏe
1. Đừng chỉ tiêu thụ sữa cũng như các sản phẩm làm từ sữa
Ngoài các sản phẩm làm từ sữa thì bạn cũng có thể bổ sung canxi từ nhiều nguồn khác. Các sản phẩm không làm từ sữa nhưng lại rất giàu canxi bao gồm rau củ có lá xanh và súp lơ xanh, cả hai cũng là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, một dưỡng chất thiết yếu khác giúp cải thiện sức khỏe xương. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy canxi trong các loại đậu và cả đậu phụ nữa.
2. Bổ sung đủ vitamin D
Bên cạnh canxi, vitamin D cũng đóng một vai trò chủ chốt trong việc tăng cường sức khỏe xương. Hãy chọn những loại vitamin tổng hợp cung cấp 1.000 IU vitamin D/ngày. Nếu loại vitamin tổng hợp của bạn chỉ chứa 400 IU vitamin D, hãy cân nhắc đến việc dùng thực phẩm bổ sung để nâng hàm lượng vitamin D lên 1.000-2.000 IU/ngày. Một số người có thể cần tới 3.000-4.000 IU/ngày để có đủ máu, nhất là nếu họ có làn da sẫm màu, dành mùa đông ở miền Bắc nước Mỹ, hoặc không được tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Nếu bạn nằm trong những nhóm này, hãy yêu cầu bác sỹ của mình xét nghiệm máu để kiểm tra hàm lượng vitamin D.
3. Năng hoạt động
Thường xuyên tập thể dục, nhất là các bài tập chịu sức nặng như đi bộ hoặc chạy bộ, là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng và duy trì xương chắc khỏe.
4. Hãy cẩn thận với việc bổ sung quá nhiều retinol (vitamin A)
Đừng lạm dụng sữa, thanh năng lượng và ngũ cốc ăn sáng được tăng cường, bởi chúng đều chứa hàm lượng vitamin A cao gây suy yếu xương. Nhiều nhà sản xuất vitamin tổng hợp đã loại bỏ hầu hết hoặc tất cả retinol và thay thế nó bằng beta-caroten không gây hại cho xương.
5. Giúp con của bạn xây dựng xương chắc khỏe
Tuổi trẻ và tuổi trưởng thành là giai đoạn đỉnh cao của sức khỏe xương. Việc giúp trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên sống một lối sống có lợi cho sức khỏe xương – bằng cách tập thể dục, bổ sung đầy đủ canxi cũng như vitamin D – có thể giúp các em giữ xương chắc khỏe trong suốt những năm tháng trưởng thành.
(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)