Tại sao nên dùng chỉ số BMI?

Body Mass Index (Chỉ số khối cơ thể BMI) là một công cụ hiệu quả trong việc tính toán lượng mỡ trong cơ thể.

Khái niệm cơ bản nhất của tình trạng thừa cân béo phì là cơ thể có quá nhiều mỡ – nhiều đến mức mà chỗ mỡ này “biểu thị nguy cơ có hại cho sức khỏe”.

Một phương pháp đáng tin nhằm xác minh liệu một người có quá nhiều mỡ hay không đó là tính toán tỉ lệ giữa cân nặng của họ với chiều cao bình phương (cân nặng tính theo kg, chiều cao tính theo mét).

Tỉ số này, hay còn gọi là body mass index (BMI), lý giải cho thực tế rằng những người cao thường có nhiều mô hơn những người thấp, và vì thế họ có xu hướng nặng cân hơn.

tại sao BMI lại quan trọng

Bạn có thể tự tính BMI, hoặc dùng một công cụ tính toán trực tuyến như công cụ này, được thiết kế bởi Viện Huyết học, Tim và Phổi Quốc gia Hoa Kỳ (National Heart, Lung, and Blood Institute).

BMI không phải là một biện pháp hoàn hảo, bởi vì nó không trực tiếp đánh giá lượng mỡ cơ thể. Cơ và xương đều dày đặc hơn mỡ, vì thế một vận động viên hay người có nhiều cơ bắp có thể sẽ có chỉ số BMI cao hơn, thế nhưng lại không có quá nhiều mỡ trong cơ thể so với người bình thường.

Tuy vậy, phần lớn mọi người đều không phải là vận động viên, và với hầu hết mọi người, BMI là một công cụ rất hữu hiệu trong việc đo lường mức độ mỡ trong cơ thể họ.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số BMI có tương quan chặt chẽ với các phương pháp tiêu chuẩn vàng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Và chỉ số này là một cách đơn giản để các bác sĩ lâm sàng sàng lọc xem những người nào có thể đang gặp phải nhiều nguy cơ sức khỏe hơn do cân nặng của họ gây ra.

Chỉ số BMI lành mạnh ở người trưởng thành

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) khẳng định rằng với người trưởng thành, chỉ số BMI lành mạnh nằm trong khoảng từ 18,5 đến 24,9.

  • Người có chỉ số khối cơ thể BMI thuộc khoảng từ 25 đến 29,9 gọi là thừa cân, và người có chỉ số BMI từ 30 trở lên gọi là béo phì. Những điểm giao nhau của chỉ số BMI này đều tương tự nhau bất kể giới tính cũng như tuổi tác.
  • Trên toàn thế giới, ước tính có 1,5 tỉ người trưởng thành tuổi từ 20 trở lên – khoảng 34% dân số trưởng thành của thế giới bị thừa cân hoặc béo phì. Đến năm 2030, con số này dự đoán sẽ tăng đến hơn 3 tỉ người.

Về động cơ nghiên cứu và lâm sàng, tình trạng béo phì được chia thành 3 loại: Loại I (30-34,9), Loại II (35-39,9) và Loại III (?40). Với sự gia tăng của tình trạng béo phì quá mức, các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng theo đó chia béo phì Loại III thành siêu béo phì (BMI 50-59) và siêu siêu béo phì (BMI?60).

Nguy cơ làm phát sinh các vấn đề sức khỏe, bao gồm một số bệnh mãn tính như là bệnh tim và tiểu đường, tăng dần từng nấc theo các mức chỉ số BMI lớn hơn 21. Nguy cơ tử vong sớm cũng tương tự. Còn có bằng chứng chỉ ra với một chỉ số BMI xác định, vài nhóm dân tộc thiểu số có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các nhóm khác.

Tăng cân trong thời kỳ trưởng thành làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Ở người trưởng thành, việc tăng cân thường đồng nghĩa với việc tăng thêm mỡ vào cơ thể, chứ không phải tăng thêm cơ. Tăng cân trong thời kỳ trưởng thành làm tăng nguy cơ mắc bệnh kể cả với những người có chỉ số BMI duy trì trong khoảng bình thường.

  • Trong Nghiên cứu Sức khỏe của Y tá (Nurses’ Health Study) và Nghiên cứu tiếp nối chuyên gia sức khỏe (Health Professionals Follow-Up Study), ví dụ là, nam nữ giới trung tuổi tăng từ 11 đến 22 pounds (~5kg đến 10kg) sau tuổi 20 có khả năng mắc bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường loại 2, và sỏi mật cao gấp 3 lần so với nhóm chỉ tăng ít hơn hoặc bằng 5 pounds (~2,3kg).
  • Những người tăng hơn 22 pounds (~10kg) thậm chí còn có nhiều nguy cơ mắc các bệnh này hơn.
  • Một nghiên cứu gần đây hơn trong dữ liệu Nghiên cứu Sức khỏe của Y tá đã kết luận rằng tăng cân ở người trưởng thành – kể cả sau thời kỳ mãn kinh – có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú sau mãn kinh.

Chỉ số BMI lành mạnh ở thanh thiếu niên và trẻ nhỏ

Việc trẻ nhỏ có lượng mỡ trong cơ thể khác nhau ở từng giai đoạn lứa tuổi là bình thường, và thông thường thì các cô bé cậu bé cũng có lượng mỡ khác nhau. Vì vậy, ở trẻ nhỏ và lứa tuổi teen, khoảng chỉ số BMI lành mạnh thay đổi theo độ tuổi và giới tính.

Ở Mỹ, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh tật (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) đã thiết kế một biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn dành cho các cô bé cậu bé tuổi từ 2 đến 20, biểu đồ này nêu rõ phân bố các giá trị BMI theo từng lứa tuổi. Theo định nghĩa của CDC, một đứa trẻ có chỉ số BMI rơi vào khoảng từ 85 bách phân vị (85th percentile) đến 94 bách phân vị (94th percentile) theo tuổi và giới tính được coi là thừa cân. Một đứa trẻ có chỉ số từ 95 bách phân vị (95th percentile) theo tuổi thì được xem là béo phì.

Năm 2006, WHO giới thiệu các tiêu chuẩn tăng trưởng quốc tế đối với trẻ nhỏ từ sơ sinh đến 5 tuổi, lấy những trẻ sơ sinh khỏe mạnh bú sữa mẹ làm chuẩn; năm 2007, WHO mở rộng những tiêu chuẩn đó để phát triển biểu đồ tăng trưởng cho trẻ tuổi từ 5 đến 19. Trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ có xu hướng tăng cân chậm hơn các bé ăn sữa công thức sau khi được 3 tháng tuổi, vì thế các tiêu chuẩn tăng trưởng của WHO có điểm giao nhau thấp hơn giữa tình trạng thiếu cân và thừa cân để phản ánh sự chênh lệch này. CDC giờ khuyến nghị sử dụng các phiên bản đã điều chỉnh của các tiêu chuẩn tăng trưởng WHO áp dụng cho trẻ nhỏ từ sơ sinh đến 2 tuổi. Lực lượng đặc nhiệm béo phì quốc tế (International Obesity Task Force) cũng đã phát triển những giao điểm riêng với tình trạng béo phì và thừa cân giai đoạn thơ ấu. Ở những lứa tuổi khác nhau, các tiêu chuẩn này về mặt nào đó đưa ra ước đoán khác nhau về tỉ lệ hiện hành của thừa cân và béo phì. (Đọc thêm về các định nghĩa nước đôi/dueling definitions về thừa cân béo phì thời kỳ thơ ấu.)

BMI với chu vi vòng eo: Chỉ số nào hiệu quả hơn trong việc dự đoán nguy cơ mắc bệnh?

Phân bố mỡ trong cơ thể cũng là yếu tố quan trọng – và có thể là một chỉ số báo hiệu nguy cơ mắc bệnh còn tốt hơn lượng mỡ trong cơ thể.

Mỡ tích tụ quanh vùng eo và ngực (còn gọi là abdominal adiposity – phát phì vùng bụng) có thể còn nguy hiểm cho sức khỏe lâu dài hơn là mỡ tích tụ quanh hông và đùi.

Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng chỉ số BMI nên bị loại bỏ để nhường chỗ cho các biện pháp như là đo chu vi vòng eo. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ không xảy ra bởi dùng chỉ số BMI dễ dàng đo lường tính toán hơn, cũng như là nó đã được sử dụng một thời gian dài – và quan trọng nhất là nó thực hiện nhiệm vụ dự đoán nguy cơ mắc bệnh một cách xuất sắc.

Ở người trưởng thành, việc tính cả chỉ số BMI và chu vi vòng eo thực tế có thể sẽ là một cách dự đoán tốt hơn về nguy cơ mắc cách bệnh liên quan đến cân nặng. Ở trẻ nhỏ, tuy thế, ta vẫn chưa có dữ liệu tham khảo chính xác đối với chu vi vòng eo, vì vậy, dùng chỉ số BMI-theo-lứa-tuổi chắc là biện pháp tốt nhất rồi.

  • Bởi tỉ lệ béo phì tăng vọt, người ta đã có chuyển biến trong nhận thức về cái gì cấu thành một mức cân năng lành mạnh: một nghiên cứu mới đây của Mỹ so sánh các khảo sát nhận thức về cân nặng từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 2000 đã kết luận rằng vào đầu những năm 2000, người ta dường như coi mức cân nặng của họ là “vừa chuẩn” thay vì “thừa cân”. Vài người trong số họ thực sự có mức cân nặng lành mạnh, nhưng rất nhiều người khác thì không hề.
  • Tính chỉ số khối cơ thể BMI (ở trẻ nhỏ thì là bách phân vị BMI theo tuổi) và theo dõi chỉ số này theo thời gian là một phương pháp đơn giản và đáng tin để mọi người tự cân nhắc xem thực tế họ có đang ở mức cân nặng lành mạnh hay không.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment