9 bệnh có khả năng dẫn đến tình trạng tăng cân

Hầu hết mọi người tăng cân là do họ ăn và uống nhiều calo hơn mức họ đốt cháy thông qua hoạt động hàng ngày và chức năng cơ thể.

Nhưng trong một số trường hợp, việc ai đó tăng cân có thể là do bệnh tình tiềm ẩn. Dưới đây là chín lý do y tế có thể dẫn đến tăng cân.

1. Tuyến giáp suy yếu

Tuyến giáp suy yếu (tình trạng chức năng tuyến giáp thấp) có nghĩa là tuyến giáp của bạn không tạo ra đủ hormone tuyến giáp – cái giữ vai trò trung tâm trong việc điều hòa sự trao đổi chất của cơ thể. Mặc dù tình trạng tuyến giáp suy yếu có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và mọi giới tính, nhưng nó vẫn phổ biến nhất ở nữ giới.

Chuyên gia dinh dưỡng Catherine Collins cho biết:

Nếu không có đủ hormone tuyến giáp, quá trình chuyển hóa/trao đổi chất của cơ thể sẽ bị trì trệ, từ đó có thể làm tăng cân.

Tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc viên nén thay thế hormone hàng ngày, gọi là levothyroxine.

2. Điều trị bệnh tiểu đường

Tăng cân là một tác dụng phụ phổ biến với những bệnh nhân đang phải bổ sung insulin để quản lý bệnh tiểu đường của họ. Insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn. Một số người bị tiểu đường lâu dài thường ăn nhiều hơn cần thiết để ngăn chặn lượng đường trong máu thấp, hay còn được biết đến như hạ đường huyết (hypoglycaemia).

Chuyên gia Collins nói:

Ăn quá nhiều để ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết góp phần không nhỏ vào lượng calo dư thừa và từ đó gây tăng cân.

Ông cũng đưa ra lời khuyên về việc trở thành “bệnh nhân chuyên gia” bằng cách tham gia vào các buổi giáo dục về bệnh tiểu đường chẳng hạn như DESMOND dành cho bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2 hoặc DAFNE cho tiểu đường tuýp 1 để làm căn bệnh này trở nên phù hợp với lối sống của bạn – chứ không phải ngược lại.

3. Quá trình lão hóa

Khi chúng ta lão hóa, cơ thể cũng bắt đầu mất dần một lượng cơ, chủ yếu là do ít vận động hơn. Cơ bắp là một công cụ đốt calo hiệu quả, do đó tình trạng mất khối cơ có thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ đốt cháy ít calo hơn.

Nếu bạn vẫn ăn uống cùng một lượng như bình thường và ít hoạt động thể chất hơn, thì việc này có thể làm tăng cân. Chuyên gia Collins cho hay:

Để giảm bớt tình trạng mất cơ bắp, bạn nên duy trì vận động và cố gắng thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp thường xuyên.

4. Điều trị steroid

Steroid, còn được biết đến như corticosteroid (nhóm các chất hóa học bao gồm các hormone steroid được tạo ra từ vỏ thượng thận của động vật có xương sống và các chất tổng hợp tương tự những hormone đó – ND), thường được sử dụng để điều trị nhiều bệnh bao gồm hen suyễn và viêm khớp.

Việc sử dụng thuốc corticosteroid dạng viên nén dường như làm tăng cảm giác thèm ăn ở một số người, dẫn đến tăng cân. Chuyên gia Collins cho biết:

Liều lượng steroid càng cao và bạn dùng càng lâu thì càng dễ tăng nhiều cân. Việc này là do steroid khiến bạn thấy đói, ảnh hưởng đến những khu vực trong não bộ mà kiểm soát cảm giác đói và no.

Chuyên gia cũng khuyên những người đang điều trị steroid phải hết sức lưu ý và cẩn trọng với các loại thực phẩm mà họ ăn trong giai đoạn này, vì việc này sẽ giúp họ không bị ăn nhiều hơn bình thường.

Nếu bạn giảm bớt hoặc dừng việc điều trị steroid giữa chừng thì đó cũng không phải ý hay. Trong trường hợp bạn lo lắng về vấn đề tăng cân, hãy nói chuyện với bác sĩ của mình về việc kiểm soát cân nặng.

5. Hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing rất hiếm, trong 50.000 người thì chỉ có khoảng 1 người bị ảnh hưởng, và bị gây ra bởi nồng độ hormone cortisol cao. Nó có thể phát triển như tác dụng phụ của quá trình điều trị steroid trong thời gian dài (hội chứng Cushing do sử dụng thuốc hoặc do thầy thuốc) hoặc như là kết quả của một khối u (hội chứng Cushing nội sinh).

Tăng cân là một triệu chứng thường gặp, đặc biệt là ở ngực, mặt và bụng. Lý do là vì hormone cortisol khiến chất béo bị tái phân phối vào những khu vực này. Còn tùy thuộc vào nguyên nhân để quyết định cách điều trị, nhưng phương pháp điều trị phổ biến thường liên quan đến việc giảm bớt hoặc dừng việc sử dụng steroid, hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u.

6. Căng thẳng và tâm trạng xấu

Mỗi một người lại có cách phản ứng khác nhau với sự căng thẳng, chứng lo âu và tâm trạng trầm cảm. Một số người có thể sụt cân, trong khi số khác lại tăng cân. Chuyên gia Collins nói:

Mọi người có thể biến tâm trạng thành cơ chế đối phó. Nó có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn. Tăng cân do buồn rầu, chán nản có thể khiến bạn càng phiền muộn hơn, từ đó lại khiến bạn tăng cân hơn nữa.

Nếu bạn biết mình là người hay tìm đến đồ ăn mỗi khi tâm trạng thì bạn cần phải tìm một hình thức làm phân tâm khác, chẳng hạn như tập thể dục hoặc một sở thích, gọi điện cho bạn bè, ra ngoài đi dạo hoặc tắm thư giãn.

7. Sự mệt mỏi, thiếu ngủ

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn bảy tiếng mỗi ngày dễ bị thừa cân hơn những người ngủ từ chín tiếng trở lên. Không rõ vì sao, nhưng có một giả thuyết cho rằng những người thiếu ngủ bị giảm lượng leptin, hóa chất khiến bạn thấy no, đồng thời lại có hàm lượng ghrelin cao hơn, hormone kích thích cơn đói.

Chuyên gia Collins cho biết:

Nếu lúc nào bạn cũng thấy mệt mỏi thì rất có khả năng là bạn sẽ tìm đến các loại đồ ăn nhẹ có hàm lượng calo cao để giữ mức năng lượng của mình suốt cả ngày và ít hoạt động thể chất hơn, như vậy có nghĩa là bạn sẽ đốt cháy ít calo hơn.

8. Sự giữ nước

Sự giữ nước (phù nề) khiến các bộ phận cơ thể bị sưng phù, đồng nghĩa với việc tăng cân. Nguyên nhân gây tăng cân là do nước tích tụ trong cơ thể. Ví dụ về một số dạng giữ nước phổ biến là khi bạn phải đứng trong một thời gian dài hoặc khi bạn gặp hội chứng tiền kinh nguyệt. Tình trạng sưng phù có thể xảy ra ở một bộ phận cơ thể cụ thể, chẳng hạn như mắt cá chân, hoặc nó cũng có thể xuất hiện rộng rãi hơn.

Chuyên gia Collins nói:

Tình trạng giữ nước nghiêm trọng hơn còn có thể gây khó thở. Nếu bạn nhận thấy mắt cá chân của mình bị sưng vào ban ngày, còn ban đêm phải dậy đi tiểu liên tục, và khi ngủ phải gối đầu lên vài chiếc gối để tránh khó thở, thì bạn nên đến gặp bác sĩ của mình, vì những ví dụ về tình trạng giữ nước này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy các vấn đề về tim hoặc thận cần được đánh giá.

9. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của buồng trứng phụ nữ. Các triệu chứng của hội chứng này có thể bao gồm tình trạng bị hành kinh không đều, khó mang thai, lông/tóc thừa và tăng cân. Nguyên nhân chính xác gây ra PCOS vẫn chưa được xác định, nhưng người ta cho rằng nó có liên quan đến hormone, bao gồm quá nhiều insulin và testosterone.

Theo chuyên gia Collins:

Phụ nữ mắc hội chứng PCOS thường tăng cân ở khu vực eo. Càng tăng nhiều cân thì bạn càng sản sinh ra nhiều insulin, và việc đó lại có thể khiến bạn tăng cân nhiều hơn nữa.

Giảm cân bằng những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng kết hợp với việc tập thể dục, và trong một số trường hợp là dùng các loại thuốc chẳng hạn như orlistat (thuốc điều trị bệnh béo phì – ND), sẽ giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn này.

(Theo NHS, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment