Vấn đề: Đồ uống có đường là tác nhân dẫn đến đại dịch béo phì
Hai trong số ba người trưởng thành và một trong số ba trẻ em ở Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì, và mỗi năm nước này lại phải chi gần 190 tỷ đôla để điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì. Việc tăng tiêu thụ nước ngọt là một tác nhân chủ yếu dẫn đến đại dịch béo phì. Một lon soda 590ml điển hình chứa từ 15-18 thìa cà phê đường (60-75g) và có tới 240 calo. Một chai cola gần 2l có thể chứa đến 700 calo. Những người uống loại “kẹo lỏng” này thường không thấy no như khi họ ăn cùng một hàm lượng calo từ thức ăn rắn, và cũng không ăn ít đi để bù trừ lượng calo đó.
Như đã đề cập ở trên, các công ty nước giải khát ở Mỹ đã bỏ ra khoảng 3,2 tỷ đôla để tiếp thị nước ngọt có ga vào năm 2006, với gần nửa tỷ đôla của hoạt động tiếp thị đó nhắm trực tiếp đến các đối tượng từ 2-17 tuổi. Và mỗi năm, trẻ nhỏ cùng trẻ vị thành niên xem đến hàng trăm quảng cáo về nước ngọt trên truyền hình. Ví dụ như vào năm 2010, trẻ em chưa đến tuổi đi học xem trung bình 213 quảng cáo về nước ngọt và nước tăng lực, trong khi trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên trung bình xem lần lượt là 277 và 406 quảng cáo. Thế nhưng ngành công nghiệp nước giải khát vẫn phản đối mạnh mẽ mọi ý kiến cho rằng sản phẩm và chiến thuật tiếp thị của họ có liên quan đến đại dịch béo phì. Việc khiến công chúng hoang mang chưa dừng lại ở đó khi khả năng công bố một nghiên cứu có lợi cho ngành công nghiệp nước giải khát của các nghiên cứu được chính ngành này tài trợ lại cao hơn 4-8 lần so với các nghiên cứu được tài trợ độc lập. Do đó, chúng tôi muốn cung cấp thêm cho bạn đọc một số thông tin về việc tiêu thụ nước ngọt và bệnh béo phì sau khi đã thu thập những bằng chứng khoa học chủ chốt nhất.
Bằng chứng: Việc tiêu thụ nước ngọt vẫn tiếp tục tăng và gây nguy hại cho sức khỏe
Mức tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng đáng kể trong 40 năm qua, và trẻ nhỏ cũng như người trưởng thành đang uống nhiều nước ngọt hơn bao giờ hết.
- Trước thập niên 1950, chai nước ngọt tiêu chuẩn chỉ có thể tích 192ml. Đến thập niên 1950, các nhà sản xuất nước ngọt đã giới thiệu đến người tiêu dùng các kích cỡ lớn hơn, bao gồm lon 355ml, mà đến năm 1960 đã được sử dụng rộng rãi. Vào đầu những năm 1990, chai nhựa 590ml trở thành tiêu chuẩn. Ngày nay, chai nhựa có hình dáng uốn lượn thậm chí còn có nhiều kích cỡ lớn hơn, chẳng hạn như chai 1,25l được giới thiệu vào năm 2011.
- Vào thập niên 1970, đồ uống có đường chiếm khoảng 4% lượng calo tiêu thụ hàng ngày của Mỹ; đến băm 2001, tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 9%.
- Trẻ em và giới trẻ ở Mỹ trung bình hấp tụ 224 calo từ đồ uống có đường trong giai đoạn 1999-2004 – chiếm gần 11% lượng calo tiêu thụ hàng ngày của chúng. Từ năm 1989-2008, lượng calo hấp thụ từ nước giải khát có đường đã tăng 60% ở trẻ em từ 6-11 tuổi (từ 130-209 calo/ngày), và tỷ lệ trẻ em tiêu thụ loại thức uống này đã tăng từ 79% lên 91%.
- Mỗi ngày, một nửa dân số Mỹ lại tiêu thụ đồ uống có đường; cứ 4 người lại có 1 người nhận ít nhất 200 calo từ những thức uống như thế; và có đến 5% trong nửa số dân ở Mỹ đó là hấp thụ tối thiểu 567 calo, tương đương với 4 lon soda. Đồ uống có đường (soda, nước tăng lực, thức uống thể thao) là nguồn calo hàng đầu trong chế độ ăn uống của thanh thiếu niên (226 calo/ngày), nhiều hơn cả pizza (213 calo/ngày).
Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ bị béo phì, tiểu đường, bệnh tim, và gout
- Một nghiên cứu kéo dài 20 năm với hơn 120.000 nam giới và nữ giới đã phát hiện thấy rằng so với những người không thay đổi lượng nước ngọt tiêu thụ thì những người tăng lượng tiêu thụ lên một khẩu phần 355ml/ngày tăng nhiều cân hơn theo thời gian – trung bình cứ 4 năm là lại tăng khoảng 0,45kg. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra mối liên hệ giữa việc uống nước ngọt và tăng cân ở trẻ em. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng nếu mỗi ngày trẻ em uống thêm 355ml soda thì nguy cơ bị béo phì của chúng sẽ tăng 60% trong vòng 1 năm rưỡi theo dõi.
- Những người thường xuyên uống nước ngọt (1-2 lon/ngày hoặc nhiều hơn) dễ bị tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người hiếm khi uống loại thức uống này 26%. Nguy cơ này thậm chí còn lớn hơn ở những người trưởng thành trẻ tuổi và người châu Á.
- Một nghiên cứu theo dõi 40.000 nam giới trong 2 thập kỷ đã chỉ ra rằng nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong vì đau tim của những người trung bình uống 1 lon nước ngọt/ngày cao hơn 20% so với những người ít khi tiêu thụ thức uống này. Một nghiên cứu liên quan ở nữ giới cũng tìm thấy mối liên hệ tương tự giữa đồ uống có đường và các bệnh về tim.
- Một nghiên cứu 22 năm với 80.000 nữ giới tham gia đã phát hiện thấy rằng những người tiêu thụ 1 lon nước ngọt/ngày có nguy cơ bị gout cao hơn 75% so với những người hiếm khi uống nước ngọt. Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra nguy cơ cao tương đương ở nam giới.
Cắt giảm đồ uống có đường có thể giúp mọi người kiểm soát cân nặng
- Các nghiên cứu ở trẻ em và người trưởng thành đã chỉ ra rằng việc giảm tiêu thụ đồ uống giàu đường có thể giúp những người ban đầu bị thừa cân kiểm soát cân nặng của họ tốt hơn.
(Theo Harvard T.H. Chan – Người dịch: Tống Hải Anh – Nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)