- Đồ uống có đường là một trong những thủ phạm chính gây ra đại dịch béo phì.
- Thuật ngữ “nước ngọt” được dùng để chỉ mọi thức uống được thêm đường hoặc các chất tạo ngọt khác, và nó bao gồm soda, nước hoa quả, nước chanh, đồ uống pha từ bột có đường, cùng thức uống thể thao và nước tăng lực.
- Những người uống đồ uống giàu đường không thấy no như khi họ ăn cùng một lượng calo từ thức ăn cứng, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ loại đồ uống này không bù trừ cho hàm lượng calo cao của họ bằng cách ăn ít đi.
- Nước trái cây cũng chưa hẳn đã là một sự lựa chọn tốt lành hơn. Ngay cả khi nó chứa nhiều dưỡng chất hơn thì lượng đường có trong nước trái cây (mặc dù là đường tự nhiên có trong hoa quả, không phải đường cho thêm) và calo cũng nhiều như trong nước ngọt vậy.
- Một nghiên cứu vào năm 2014 đã cho thấy rằng những người tiêu thụ đồ uống có đường – kể cả loại có hàm lượng calo thấp – thì cũng đều có một chất lượng dinh dưỡng tổng thể thấp hơn.
Hai trong số ba người trưởng thành và một trong số ba trẻ em ở Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì, và nước này (Mỹ) phải chi khoảng 190 tỷ đôla/năm để điều trị các căn bệnh liên quan đến béo phì. Việc tăng hàm lượng đồ uống có đường tiêu thụ là nhân tố góp phần gây ra đại dịch béo phì. Ngày nào cũng có một nửa dân số ở Mỹ tiêu thụ các loại đồ uống giàu đường; cứ 4 người là lại có 1 người hấp thụ ít nhất 200 calo từ những loại đồ uống như vậy; và 5% trong số đó uống ít nhất 567 calo – tương đương với 4 lon soda.
Theo số liệu của ngành công nghiệp nước giải khát, các nhà sản xuất nước giải khát mỗi năm sản xuất tới 10,4 tỷ gallon (hơn 39 tỷ lít) nước ngọt có ga. Bấy nhiêu là đủ để phục vụ tất cả người Mỹ mỗi ngày một lon 355ml trong tất cả 365 ngày của một năm.
Vai trò của marketing (tiếp thị)
- Đồ uống có đường (soda, nước tăng lực, thức uống thể thao) là nguồn calo hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng của thanh thiếu niên (226 calo/ngày), thậm chí còn vượt qua cả pizza (213 calo/ngày).
- Từ năm 1989-2008, calo được tiêu thụ dưới dạng nước giải khát có đường đã tăng đến 60% ở trẻ từ 6-11 tuổi, và tỷ lệ trẻ em tiêu thụ chúng đã tăng từ 79% lên 91%.
Các công ty nước giải khát ở Mỹ đã dành hàng tỷ đôla để tiếp thị các sản phẩm nước ngọt có ga, trong đó họ dành một phần tiếp thị đáng kể để trực tiếp hướng tới các đối tượng ở độ tuổi từ 2-17. Mỗi năm, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên xem được hàng trăm quảng cáo về đồ uống chứa đường trên truyền hình. Tuy nhiên, ngành công nghiệp nước giải khát lại bác bỏ hết những ý kiến về việc sản phẩm và chiến thuật tiếp thị của họ là một tác nhân góp phần gây ra đại dịch béo phì.
Những nghiên cứu được ngành công nghiệp nước ngọt tài trợ có khả năng công bố một phát hiện có lợi cho ngành công nghiệp hơn các nghiên cứu được tài trợ độc lập từ 4-8 lần.
Vào năm 2013, hãng Coca-Cola tung ra một đoạn quảng cáo “chống béo phì” công nhận rằng nước ngọt và rất nhiều loại thực phẩm khác đang góp phần dẫn đến đại dịch béo phì. Hãng này còn quảng cáo một loạt thức uống giải khát không có calo và khuyến khích mọi người chịu trách nhiệm với lựa chọn đồ uống cũng như cân nặng của chính bản thân mình. Đã có những phản ứng trái chiều về quảng cáo này, và rất nhiều chuyên gia cho rằng những mối nguy hại của soda đối với sức khỏe mà nó đưa ra là dễ gây hiểu lầm và không chính xác.
Nước ngọt có ga và cân nặng
- Một lon soda hoặc nước trái cây có đường trung bình cung cấp khoảng 150 calo, đa phần đều từ đường, thường là sirô ngô giàu fructose. Lượng calo đó tương đương với 10 thìa cà phê (đơn vị chỉ dung tích – tương đường với 5ml) đường tinh luyện (40g). Nếu mỗi ngày bạn chỉ uống một lon nước giải khát có ga giàu đường và không cắt giảm lượng calo tiêu thụ từ các nguồn khác, thì bạn cũng có thể tăng hơn 2kg trong một năm.
- Uống nước lọc thay cho nước ngọt có ga hoặc nước hoa quả có thể hạn chế tình trạng tăng cân trong thời gian dài.
- Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện thấy rằng việc tiêu thụ đồ uống có đường giàu calo vẫn tiếp tục tăng và có thể là một trong những thủ phạm gây ra đại dịch béo phì, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan nhiễm mỡ; trong khi đó thì việc giảm lượng nước ngọt tiêu thụ không những giúp người tiêu dùng ít tăng cân hơn mà còn cải thiện được sự trao đổi chất.
Đã có hàng chục nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa nước ngọt và cân nặng, và chúng đều nhất quán chỉ ra rằng việc gia tăng lượng nước ngọt tiêu thụ cũng làm tăng lượng năng lượng (calo) tiêu thụ.
- Một phân tích tổng hợp của 88 nghiên cứu đã cho thấy rằng ảnh hưởng của nước ngọt có vẻ mạnh mẽ hơn ở nữ giới.
- Các nghiên cứu ở trẻ em và người trưởng thành đã phát hiện thấy rằng việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn đối với những người ban đầu bị thừa cân.
- Một thử nghiệm kéo dài 18 tháng với đối tượng tham gia là 641 trẻ em ban đầu có cân nặng bình thường đã chỉ định ngẫu nhiên các em uống một loại đồ uống không đường, đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo (thuộc nhóm không đường), hoặc một đồ uống tương tự nhưng chứa đường (nhóm đường). Họ phát hiện ra rằng việc thay nước giải khát chứa đường với nước giải khát không có calo đã giảm bớt tình trạng tăng cân và tích tụ mở ở những đứa trẻ có cân nặng bình thường.
- Một nghiên cứu kéo dài 20 năm với 120.000 nam giới và nữ giới đã chỉ ra rằng những người tăng lượng nước ngọt tiêu thụ lên một khẩu phần 355ml/ngày tăng nhiều cân hơn sau một thời gian – trung bình cứ 4 năm lại tăng 453g – so với những người không thay đổi hàm lượng tiêu thụ của họ.
- Gần đây có một nghiên cứu đột phá với 33.097 người tham gia đã chỉ ra rằng trong số những người có khuynh hướng bị béo phì do di truyền, những người uống nước ngọt dễ bị béo phì hơn những người không uống. Đây là một nghiên cứu hết sức quan trọng vì nó cho thấy rằng nguy cơ béo phì do di truyền có thể được ngăn chặn phần nào nếu các thói quen lành mạnh, chẳng hạn như tránh các loại đồ uống có đường, được thực hiện.
Nếu trong một ngày mà một người uống càng nhiều nước ngọt thì lượng calo người đó tiêu thụ sau đó sẽ càng cao. Điều này trái ngược với những gì xảy ra với thức ăn rắn, vì mọi người thường bù trừ cho một bữa ăn lớn bằng cách cắt giảm lượng calo của bữa sau. Hiệu ứng bù trừ này dường như không xuất hiện sau khi tiêu thụ nước ngọt, vì một số lý do sau:
- Chất lỏng không cung cấp cảm giác no hay thỏa mãn giống như thức ăn rắn, vì cơ thể không “ghi nhận” calo lỏng như cách nó tiếp nhận calo từ thức ăn rắn. Việc này có thể thúc đẩy một người tiếp tục ăn ngay cả khi họ đã tiêu thụ một lượng đồ uống giàu calo trước đó.
- Có khả năng là các loại nước giải khát có vị ngọt – dù là được làm ngọt bằng đường hay chất thay thế đường không có calo – có thể kích thích cảm giác thèm ăn những loại thực phẩm ngọt và có hàm lượng carbohydrate cao khác.
- Mặc dù soda có thể chứa nhiều đường hơn bánh quy, nhưng vì mọi người thường nghĩ về soda như một loại đồ uống còn coi bánh quy là món tráng miệng, nên họ thường hạn chế đồ ăn nhiều hơn là thức uống.
Trong soda và các loại nước giải khát khác có bao nhiêu đường?
Trang Nguồn Dinh dưỡng (của khoa Sức khỏe công cộng, đại học Harvard) đã tạo ra cẩm nang hướng dẫn Nó ngọt đến mức nào? để giúp người tiêu dùng nắm rõ hàm lượng đường và calo trong soda, nước ép, thức uống thể thao và các loại nước giải khát được ưa chuộng khác.
Tiếp theo là phần mô tả chi tiết, cụ thể hơn các loại đồ uống.
*Một số loại đồ uống được đánh dấu màu vàng trong biểu đồ này có nhiều hơn 12g đường/355ml; chúng được đưa vào vì khá sát với hướng dẫn 1g/ounce (1g/29,5ml)
Mặt trước của cẩm nang hướng dẫn chỉ số lượng thìa cà phê đường được tìm thấy trong các loại đồ uống.
Mặt sau có một danh sách cụ thể hơn về các loại đồ uống phổ biến cùng hàm lượng đường và calo của chúng.
Cẩm nang hướng dẫn này bao gồm các loại đồ uống được cho thêm đường phụ gia, cũng như các loại đồ uống có hàm lượng đường tự nhiên cao, chẳng hạn như nước ép hoa quả.
Nó không liệt kê các loại đồ uống “ăn kiêng” mà được làm ngọt một phần hoặc toàn bộ bằng chất tạo ngọt nhân tạo hoặc đường stevia (một chất làm ngọt tự nhiên không có calo). Khi bạn xem cẩm nang hướng dẫn, hãy lưu ý một số điều sau:
- Những lựa chọn đồ uống tốt nhất là số được đánh dấu màu xanh lá cây. Chúng là những loại đồ uống có ít hoặc không có đường, ví dụ như nước lọc, nước sủi bọt, cà phê, hoặc trà.
- Những thức uống rơi vào mục màu đỏ không nên được tiêu thụ thường xuyên mà nên hạn chế. Những loại đồ uống này có nhiều hơn 12g đường trong một khẩu phần 355ml và một số loại còn chứa đến 40g đường – tương đương với 10 thìa cà phê đường – và từ 200 calo trở lên trong một khẩu phần 355ml.
Xem thêm thông tin về đồ uống nhiều đường và bệnh béo phì. Bài viết cung cấp nhiều thông tin cụ thể về mối liên hệ giữa chúng.
(Theo Harvard T.H. Chan – Người dịch: Tống Hải Anh – Nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)