Hiểu rõ nguồn gốc phát triển của béo phì
Béo phì, đã từng được cho là không có lý do gì khác ngoài ý chí và sự tự chủ kém cỏi đáng xấu hổ, thực ra lại có nguồn gốc sâu xa và phức tạp hơn nhiều. Gien di truyền rõ ràng có vai trò trong việc điều khiển khuynh hướng tăng cân của một cá nhân, môi trường sống và các tương tác giữa môi trường với gien di truyền cũng có vai trò như thế. Những ảnh hưởng đầu đời, bắt đầu từ môi trường bên trong tử cung và tiếp diễn trong những năm đầu đời, cũng định hình hành trình tăng cân và mỡ của cơ thể xuyên suốt cuộc đời của đứa bé sau khi ra đời.
Dữ kiện sau này chỉ ra rằng số cân nặng lúc sinh ra lớn cũng có liên quan đến béo phì, tiểu đường và những bệnh khác khi trưởng thành đã giúp mở rộng khái niệm này thành “giả thuyết nguồn gốc phát triển” mà bao hàm giai đoạn tiền nhận thức cũng như nhiều giai đoạn phát triển của bào thai và giai đoạn sơ sinh trọng yếu. Trong mỗi giai đoạn phát triển của một người từ khi còn là bào thai, một số yếu tố có vẻ như ảnh hưởng lớn đến béo phì thời thơ ấu và thời trưởng thành.
Bài viết này khái quát ngắn gọn những ảnh hưởng của giai đoạn tiền sản và giai đoạn đầu đời chủ yếu đối với việc phát triển béo phì và cân nặng ở người trưởng thành. Vào những năm 1980, nghiên cứu gây hứng thú của nhà dịch tễ học người Anh David Barker và các đồng nghiệp đã mở đường cho nghiên cứu về cái khi đó được gọi là “giả thuyết nguồn gốc thai nhi” của bệnh mãn tính. Họ đề xuất rằng bệnh động mạch vành, tiểu đường loại 2, đột quỵ, tăng huyết áp, và các bệnh mãn tính khác phát sinh một phần là do suy dinh dưỡng khi còn là bào thai và trong giai đoạn sơ sinh.
Ảnh hưởng tiền sản đối với béo phì
Môi trường ấm áp, giàu dưỡng chất và kích thích tố (hormone) của tử cung có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển của bào thai. Những biến đổi ngắn ngủi hoặc thất thường trong môi trường tử cung tại những giai đoạn nhạy cảm hoặc trọng yếu của quá trình phát thiển bào thai cũng như là những biến đổi lâu dài hơn có thể gây ra những hậu quả không thể phục hồi được suốt cuộc đời. Ba yếu tố tiền sản có thể cải biến được mà có vẻ như định hình dinh dưỡng bào thai và sức khỏe của thai nhi trong cuộc sống sau này là:
- Thói quen hút thuốc của người mẹ trong thai kỳ;
- Số cân nặng người mẹ tăng trong thai kỳ; và
- Nồng độ đường trong máu của người mẹ trong thai kỳ, cụ thể là người mẹ có mắc các bệnh tiểu đường liên quan đến thai kỳ (trong thời kỳ thai nghén) không.
Trực giác mách bảo rằng chế độ ăn uống của người mẹ trong thai kỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và cân nặng lúc sinh của thai nhi, nhưng bằng chứng cho quan điểm này vẫn chưa nhất quán.
Mẹ hút thuốc trong thai kỳ và nguy cơ con bị béo phì
Mặc dù hút thuốc trong khi mang thai có xu hướng làm chậm tốc độ tăng trưởng của thai nhi, nhưng con của những phụ nữ hút thuốc trong khi mang thai có nhiều khả năng bị béo phì hơn so với con của những phụ nữ không hút thuốc:
Trong một phân tích tổng hợp 14 nghiên cứu, mẹ hút thuốc trong khi mang thai có liên quan đến nguy cơ con bị béo phì cao hơn 50%.
Hầu hết các nghiên cứu đều đánh giá tình trạng béo phì của trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 7; một nghiên cứu đánh giá béo phì ở trẻ 14 tuổi, và một nghiên cứu khác theo dõi trẻ em suốt khoảng thời gian cho đến khi bước vào đầu giai đoạn trưởng thành.
Cân nặng tăng trong thai kỳ và nguy cơ béo phì thời thơ ấu
Tăng cân quá mức trong thai kỳ giờ phổ biến hơn so với năm 1990 khi Viện Y học (IOM) lần đầu tiên đưa ra khuyến nghị về số cân nặng tăng liên quan đến thai kỳ. Ngoài ra, ngày càng nhiều phụ nữ đang bắt đầu mang thai khi đã thừa cân hoặc béo phì từ trước. Những thay đổi đáng lo ngại này thúc đẩy IOM phải đánh giá lại tăng cân nặng lành mạnh trong thai kỳ bao gồm những gì, với bằng chứng mới cho thấy việc tăng cân từng được IOM coi là bình thường lại thực sự làm tăng nguy cơ con sinh ra bị béo phì ở thời thơ ấu.
Ví dụ, Project Viva là một nghiên cứu ở khu vực Boston bắt đầu theo dõi hơn 2.000 phụ nữ mang thai và con cái của họ ngay sau khi những phụ nữ đó phát hiện ra họ đang mang thai, và sẽ tiếp tục theo dõi những người phụ nữ đó và con họ ít nhất đến vào đầu giai đoạn thanh niên. Sử dụng dữ liệu từ đoàn hệ này, các nhà điều tra đã xem xét mối quan hệ giữa sự tăng cân của người mẹ trong khi mang thai, được xác định theo bộ hướng dẫn của IOM năm 1990 và nguy cơ béo phì của con cái khi 3 tuổi.
Con của những phụ nữ đã tăng “quá thừa” cân có nguy cơ bị thừa cân cao gấp hơn 4 lần khi được 3 tuổi, so với con của những phụ nữ tăng “không đủ” cân. Ngay cả những phụ nữ tăng mức cân nặng mà đã từng được coi như “đủ” tại thời điểm đó có con có nhiều khả năng bị thừa cân hơn gấp gần 4 lần khi 3 tuổi so với con của những phụ nữ tăng “không đủ” cân.
Gần đây, một nghiên cứu đoàn hệ dựa trên quần thể về việc sinh con ở Michigan và New Jersey từ năm 1989 đến năm 2003 đã ghi nhận mối liên hệ nhất quán giữa tăng cân thai kỳ và cân nặng của con khi sinh ở 513.501 phụ nữ và 1.164.750 con của họ. So với con sơ sinh của phụ nữ tăng 18-22 pound (khoảng 8 – 10kg) trong khi mang thai, thì con sơ sinh của những phụ nữ tăng hơn 53 pound (khoảng 24kg) trong thai kỳ nặng hơn khoảng 5 ounce (khoảng 140g) khi sinh và gấp đôi khả năng nặng hơn 8,8 pound (4kg) khi sinh.
Dựa trên những nghiên cứu này và bằng chứng khác, bộ nguyên tắc mới từ IOM hướng dẫn bác sĩ lâm sàng và phụ nữ cách đạt được mục tiêu tăng cân vừa phải hơn trong thai kỳ đối với những phụ nữ đã béo phì từ trước. Ví dụ như phụ nữ có BMI trước khi mang thai trong khoảng bình thường (18,5 đến 24,9) nên tăng 25-35 pound (khoảng 11 đến 16kg), trong khi đó phụ nữ có chỉ số BMI trong khoảng từ 25 đến 29,9 sẽ chỉ nên tăng 15-25 pound (khoảng 7 đến 11kg); phụ nữ có chỉ số BMI từ 30 trở lên sẽ chỉ nên tăng 11-20 pound (khoảng 5 đến 9kg).
Tiểu đường thai kỳ và nguy cơ con bị béo phì
Tăng cân trong thai kỳ chủ yếu là tăng mô mỡ (chất béo). Sự gia tăng mô mỡ thường đi kèm với tình trạng kháng insulin tương đối bắt đầu vào giữa thai kỳ. Phản ứng thích nghi này cho phép truyền glucose và các năng lượng khác hiệu quả hơn qua nhau thai, vì vậy bào thai có thể phát triển. Nhưng nó cũng có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng bởi các giai đoạn người mẹ có lượng đường glucose cao trong máu và nồng độ insulin cao hơn bình thường. Những điều này có thể dẫn đến tăng mỡ cơ thể, thường biểu hiện ở kích thước cơ thể lớn hơn khi sinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy trọng lượng khi sinh con có liên quan trực tiếp với chỉ số BMI về sau, do đó việc người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có thể góp phần gây béo phì ở người con là có lý.
Thật vậy, trong số trẻ em từ 5 đến 7 tuổi trong hai chương trình y tế của Mỹ, nguy cơ trẻ có cân nặng cao theo lứa tuổi tăng lên ở những em có mẹ bị bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị so với trẻ có mẹ không mắc bệnh tiểu đường. Trong số trẻ có mẹ được điều trị tiểu đường thai kỳ, nguy cơ này thấp hơn, xấp xỉ bằng với nguy cơ của những trẻ có mẹ có chứng không dung nạp glucose kém nghiêm trọng hơn/không nghiêm trọng bằng.
Mặc dù những dữ liệu này cho thấy rằng điều trị tiểu đường thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ béo phì thời thơ ấu, một nghiên cứu gần đây về trẻ em từ 4 đến 5 tuổi có mẹ tham gia thử nghiệm điều trị tiểu đường thai kỳ không phát hiện thấy sự khác biệt nào về tỷ lệ béo phì giữa con của những phụ nữ được điều trị tiểu đường thai kỳ mức độ nhẹ và con của những phụ nữ không được điều trị. Ban hội thẩm vẫn chưa biết được tiểu đường thai kỳ gây ra bệnh béo phì thời thơ ấu đến mức độ nào, nhưng phòng tránh và điều trị tiểu đường thai kỳ mang lại lợi ích cho em bé theo những cách khác.
Ảnh hưởng hậu sản đối với béo phì
Ảnh hưởng môi trường đối với bào thai không dừng lại tại thời điểm sinh con ra đời. Thay vào đó, chúng chỉ đơn thuần chuyển từ một không gian nhỏ, hạn chế bị kiểm soát chủ yếu bởi các gien, lối sống và sinh lý của người mẹ sang một môi trường không bị ràng buộc với các tác động có mức ảnh hưởng ngang nhau. Ba yếu tố hậu sản có thể cải biến được trong giai đoạn sơ sinh có ảnh hưởng đến cân nặng trong cuộc sống sau này của thai nhi bao gồm:
- Cân nặng trẻ sơ sinh tăng nhanh đến mức nào,
- Trẻ sơ sinh bú mẹ trong bao lâu, và
- Trẻ sơ sinh ngủ nhiều đến mức nào.
Tăng cân ở trẻ sơ sinh và nguy cơ béo phì
Tăng cân nhanh chóng trong những tuần hoặc tháng đầu đời có liên quan đến chỉ số BMI hoặc khả năng béo phì cao hơn sau này trong cuộc sống.
Một đánh giá có hệ thống của Baird và các đồng nghiệp năm 2005 đã xem xét mười nghiên cứu về các mô hình tăng cân của trẻ sơ sinh và nguy cơ béo phì sau này. Bảy trong số mười nghiên cứu cho thấy rằng trẻ sơ sinh có sự tăng trưởng ban đầu nhanh hơn có nguy cơ béo phì cao hơn so với trẻ sơ sinh tăng trưởng bình thường.
Cho con bú và nguy cơ béo phì
Việc bắt đầu cho con bú và cho bú trong bao lâu có thể tác động đến béo phì trong cuộc sống sau này của con, mặc dù đây là một lĩnh vực nghiên cứu gây tranh cãi.
Trong hai phân tích tổng hợp về việc cho con bú mẹ so với bú bình, thì việc cho con bú mẹ có liên quan tới giảm 13% và 22% nguy cơ béo phì trong cuộc sống sau này. Thời lượng cho con bú có thể quan trọng:
Một phân tích tổng hợp 17 nghiên cứu về thời lượng cho con bú phát hiện ra rằng cứ thêm mỗi một tháng trẻ được bú sữa mẹ thì có liên quan đến giảm 4% nguy cơ béo phì sau này trong đời.
Tuy nhiên, chưa rõ là bản thân việc nuôi con bằng sữa mẹ có thực sự ngăn ngừa béo phì không, vì cả việc cho con bú và béo phì có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế xã hội và văn hóa tương tự.
Mặc dù cuộc tranh luận cứ dây dưa mãi về việc liệu cho con bú mẹ có bảo vệ con khỏi bị béo phì hay không, nhưng việc cho con bú mẹ có nhiều lợi ích sức khỏe khác đã được chứng minh đối với trẻ sơ sinh và người mẹ, và việc này nên được khuyến khích bất kể mối quan hệ của nó với béo phì thời thơ ấu. (Đọc thêm về sức khỏe và các lợi ích khác của việc cho con bú trong Lời kêu gọi của Tổng Y Sỹ hãy Hành động để Ủng hộ cho con bú sữa mẹ).
Thời lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh và nguy cơ béo phì
Công trình nghiên cứu gây hứng thú đã tiết lộ rằng có mối liên hệ giữa thời lượng giấc ngủ ngắn và tăng cân ở người trưởng thành. Mối liên hệ tương tự cũng có thể đúng với trẻ sơ sinh.
Trong một nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu gồm 915 trẻ là những trẻ sơ sinh ngủ ít hơn 12 tiếng một ngày đã cho thấy tỉ lệ thừa cân khi được 3 tuổi cao hơn gấp đôi so với những trẻ sơ sinh ngủ hơn 12 tiếng một ngày. Những yếu tố liên quan đến thời lượng giấc ngủ ngắn ở trẻ sơ sinh gồm có người mẹ trầm cảm trong khi mang thai, cho ăn dặm sớm (trước 4 tháng tuổi) và cho trẻ sơ sinh xem TV.
Kết hợp các yếu tố tiền sản và hậu sản: Nguy cơ béo phì tăng
Mặc dù các yếu tố tiền sản và hậu sản quyết định tình trạng béo phì phát động ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống, thì chúng có tác dụng cộng gộp hoặc tác dụng phối hợp và phải được cân nhắc đồng thời khi cố gắng đánh giá tác động của những ảnh hưởng phát triển đối với béo phì trong cuộc sống sau này.
Sử dụng dữ liệu từ 1.100 cặp mẹ-con đăng ký tham gia chương trình Project Viva, Gillman và các đồng nghiệp đã mô hình hóa tác động của bốn yếu tố quyết định tiềm năng phát triển của béo phì – người mẹ hút thuốc trong thai kỳ, tăng cân khi mang thai, thời lượng cho con bú và giấc ngủ của trẻ sơ sinh – đối với béo phì của người con khi được 3 tuổi. Trong số những người con đạt mức độ tối ưu trong cả bốn yếu tố (mẹ không hút thuốc và không tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai, trẻ được bú sữa mẹ ít nhất một năm và ngủ trung bình một đêm ít nhất 12 giờ), xác suất dự đoán thừa cân là 6%. Trong số trẻ em gặp phải mức độ bất lợi của cả bốn yếu tố, xác suất bị thừa cân khi 3 tuổi là 29%. Cách biệt như vậy cho thấy các biện pháp can thiệp có mục tiêu có thể làm giảm đáng kể tình trạng béo phì thời thơ ấu cũng như là hậu quả của nó trong cuộc sống sau này.
Lời kết: hành vi lành mạnh trong và thậm chí trước thai kỳ có thể hỗ trợ phòng tránh béo phì
Dinh dưỡng và các yếu tố lối sống khác trong một vài giai đoạn đầu trong vòng đời – ngay trước khi thụ thai, số tháng nằm trong tử cung, và những tháng sau sinh – có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến cân nặng khi sinh, cân nặng trong thời thơ ấu và vào tuổi trưởng thành của một cá nhân. Đây cũng là thời điểm tối ưu để can thiệp, vì hai lý do:
- Phụ nữ có thể dễ tiếp thu để thay đổi lối sống hơn khi họ chuẩn bị để mang thai và có thai nhằm tăng khả năng sinh con khỏe mạnh.
- Và sau khi sinh, nhiều phụ nữ sẵn sàng thay đổi nhiều để nuôi một đứa trẻ khỏe mạnh.
Dưới đây là năm thông điệp chính dành cho các bác sĩ lâm sàng để cung cấp đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà có thể giúp cải thiện sức khỏe của họ và sức khỏe của con cái họ, cũng như là hạn chế nạn dịch béo phì hiện thời:
- Phấn đấu đạt mức cân nặng lành mạnh trước thai kỳ.
- Không hút thuốc lá trong thai kỳ.
- Cố gắng tăng cân hợp lý trong thai kỳ.
- Cho con bú (ưu tiên không cho con ăn các loại chất lỏng khác trong 4 đến 6 tháng đầu đời, nên cho con bú tối thiểu 12 tháng).
- Đảm bảo trẻ sơ sinh được ngủ đủ trong vài năm đầu đời.
(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)