Người Mỹ trung bình tiêu thụ nhiều hơn 200 calo/ngày từ các loại đồ uống có đường – cao gấp 4 lần mức họ tiêu thụ vào năm 1965 – và các bằng chứng vững chãi đã chỉ ra rằng cơn khát “kẹo lỏng” của chúng ta chính là một tác nhân lớn góp phần vào đại dịch béo phì và tiểu đường.
Hành động chống lại đồ uống có đường
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng đồ uống giàu đường là một trong những yếu tố quyết định gây béo phì và tiểu đường, các bằng chứng mới nổi cũng chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam giới và nữ giới tại Mỹ.
Việc giảm sở thích uống đồ ngọt sẽ cần đến hành động phối hợp ở nhiều mức độ – từ các nhà khoa học thực phẩm và các nhà làm marketing sáng tạo trong ngành công nghiệp nước giải khát, cũng như cá nhân người tiêu dùng và các gia đình, trường học, công trường, và chính quyền tiểu bang cùng chính quyền liên bang.
Chúng ta phải chung tay hành động để giải quyết vấn đề cấp bách này: giảm bớt chi phí cùng gánh nặng các bệnh mãn tính có liên quan đến đại dịch béo phì và tiểu đường ở Mỹ.
Các bước mà những nhóm đối tượng trên có thể thực hiện để giải quyết vấn đề
Các nhà sản xuất nước giải khát: Tạo ra các loại nước giải khát có ít đường hơn.
Những nhà sản xuất nước giải khát có thể giúp mọi người tiêu thụ đồ uống một cách lành mạnh hơn bằng cách tạo ra các loại đồ uống ít ngọt hơn. Mục tiêu cần hướng tới: Các loại nước giải khát chứa không quá 1g đường/ounce (29,5ml), và không sử dụng chất tạo ngọt không chứa calo (chẳng hạn như sucralose, aspartame, hoặc stevia). Lượng đường này ít hơn lượng đường trong các loại nước giải khát thông thường khoảng 70%.
Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà sản xuất đồ uống cung cấp các chai nước ngọt khẩu phần đơn theo kích cỡ nhỏ hơn (236ml), và thúc đẩy các kênh bán hàng của họ tích trữ và bày bán loại chai này. Nếu đọc thông tin trên nhãn dinh dưỡng, bạn sẽ thấy khẩu phần tiêu chuẩn của nước ngọt là 8 ounce (236ml), và mỗi một chai 20 ounce (590ml) chứa đến 2,5 khẩu phần.
Cá nhân: Biến việc uống lành mạnh thành ưu tiên cá nhân của bạn.
Hãy bắt đầu bằng việc chọn những loại đồ uống có ít hoặc không có calo. Nước lọc là tốt nhất.
Bạn cũng có thể:
- Yêu cầu các công ty thực phẩm sản xuất những loại đồ uống giảm hàm lượng đường, bằng cách gọi cho bộ phận dịch vụ hỗ trợ khách hàng của họ, hoặc gửi tin nhắn qua trang Web của họ.
- Yêu cầu trường học và nơi làm việc cung cấp nước lọc hoặc vòi phun nước uống sạch.
- Yêu cầu các cửa hàng ở địa phương, trường học và nơi làm việc cung cấp loại chai nước ngọt 236ml hoặc 355ml để bạn có thể dễ dàng chọn khẩu phần nhỏ hơn.
Bạn cũng nên kiêng các chất làm ngọt nhân tạo vì hiện tại vẫn còn nhiều nghi vấn về mối quan hệ giữa đồ uống ăn kiêng và bệnh béo phì.
Những người mua sắm cho cả gia đình: Đừng tích trữ đồ uống có đường ở nhà.
Dữ liệu của cả nước đã cho thấy rằng trẻ em và trẻ vị thành niên uống đa số calo có đường ở nhà, vì vậy cha mẹ cần hạn chế cho con mình tiêu thụ quá nhiều nguồn calo này bằng cách không tích trữ soda, nước trái cây, hoặc các loại đồ uống giàu đường khác ở nhà, và thường xuyên làm đồ ăn nhẹ cho trẻ thay vì để chúng uống nước giải khát hàng ngày.
Trường học và nơi làm việc: Cung cấp cho học sinh và nhân viên nhiều sự lựa chọn lành mạnh.
Các sự lựa chọn lành mạnh cho trường học và nơi làm việc bao gồm nước lọc và nước ngọt đã giảm đường, cũng như loại chai nước ngọt khẩu phần đơn hoặc chai 355ml. Trường học và chỗ làm cũng nên đảm bảo cung cấp đầy đủ vòi phun nước uống hoặc nước lọc.
Chính quyền: Yêu cầu ghi nhãn cẩn thận và chi tiết hơn cho đồ uống có đường, và loại bỏ các sản phẩm thay thế đường.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nên xem xét việc yêu cầu các công ty liệt kê lượng calo tính theo từng chai hoặc từng lon – chứ không phải theo từng khẩu phần một – ở mặt trước của chai/lon nước ngọt. Tổ chức này cũng nên cân nhắc đến việc tạo ra danh mục ghi nhãn mới cho các loại đồ uống có hàm lượng calo thấp.
Theo quy định ghi nhãn hiện tại, một đố uống có thể được tiếp thị dưới dạng “đã giảm đường” nếu nó chứa ít hơn 25% calo so với phiên bản nước giải khát tiêu chuẩn.
Ngưỡng tốt hơn cho nước giải khát có hàm lượng đường thấp là 1g/29,5ml, tức là ít hơn 70% đường so với nước ngọt thông thường. Các loại nước giải khát được cho thêm đường với không quá 50 calo trong một khẩu phần 8 ounce (236ml) nên được ghi nhãn cảnh báo về bệnh béo phì và tiểu đường.
Chính quyền: Đánh thuế soda.
Đồ uống có đường được phân loại thực phẩm theo chương trình tem thực phẩm và do đó không bị đánh thuế ở một số bang. Nhà nghiên cứu Kelly Brownell của Yale đã đưa ra một lập luận mạnh mẽ cho việc đánh thuế đồ uống chứa đường trong Tạp chí Y học của New England.
Vì các loại nước giải khát giàu đường không hề có giá trị dinh dưỡng mà lại còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng, nên nhiều người ủng hộ sức khỏe công cộng đã lập luận rằng việc đánh thuế nước ngọt theo cách từng làm với thuốc lá và rượu bia là một việc hết sức hợp lý.
Chính quyền: Quy định tiếp thị cho trẻ em.
Điều chỉnh cách quảng cáo đồ uống giàu đường với đối tượng là trẻ em – nhóm dân số dễ bị tác động – qua TV, mạng Internet hoặc các phương tiện truyền thông khác cũng là một chiến lược quan trọng giúp giảm tiêu thụ.
Mỹ bước đầu cấm nước giải khát có đường
Thành phố New York
Vào thánng 6/2012, Thị trưởng Michael Bloomberg của thành phố New York đã đề xuất lệnh cấm các loại đồ uống được làm ngọt bằng đường mà chứa hơn 25 calo/236ml. Lệnh cấm tác động đến các loại soda “cỡ đại” lớn hơn 473ml.
Thị trưởng đã đưa ra dẫn chứng về tỷ lệ bị béo phì đáng kinh ngạc trong lệnh cấm của ông. Nhiều nhân viên y tế công cộng cũng như chuyên gia y tế đã ủng hộ thị trưởng với lập trường phản đối nước ngọt táo bạo của ông, bởi nó là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh béo phì.
Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng các cá nhân phải tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn về đồ uống và cho sức khỏe của chính họ, rằng quy định đó sẽ không hiệu quả vì số lượng soda lớn vẫn có thể được mua dưới dạng nhiều chai/lon nhỏ, và rằng lệnh cấm nước ngọt có ga sẽ không ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp.
Ví dụ, vì lệnh cấm chỉ áp dụng cho các rạp chiếu phim, cơ sở thức ăn nhanh, và xe tải bán đồ ăn, nên người tiêu dùng vẫn có thể mua nước ngọt có ga cỡ đại tại bất cứ siêu thị thực phẩm hoặc cửa hàng tạp hóa nào.
Trong suốt mùa hè và mùa thu năm 2012 đã diễn ra một cuộc tranh luận nảy lửa về lệnh cấm nước ngọt có ga của thị trưởng Bloomberg. Vào tháng Bảy, những người biểu tình chống lại lệnh cấm đã diễu hành – nhiều người vừa đi vừa tu cả chai nước ngọt lớn – tại công viên City Hall.
Hội đồng Y tế thành phố New York đã thông qua kế hoạch của Bloomberg, và các quy định mới sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2013, nhưng cũng trong thời điểm đó, ngành công nghiệp nước giải khát và rất nhiều chủ nhà hàng đã đâm đơn kiện. Luật đề xuất sau đó bị bãi bỏ ở tòa án vào tháng 3/2013, và kháng nghị của thị trưởng Bloomberg đã bị tòa án phúc thẩm của tiểu bang bác bỏ vào ngày 30/7/2013.
Lệnh cấm đồ uống có đường và các cuộc tranh luận sau đó đã làm dấy lên nhiều câu hỏi quan trọng về sức khỏe cộng đồng xoay quanh sự tiếp cận với các loại đồ ăn thức uống đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường.
Người hay hoài nghi thì ngờ hoặc cho rằng những lệnh cấm như của thị trưởng Bloomberg sẽ tước đi quyền đưa ra quyết định liên quan đến dinh dưỡng của mỗi cá nhân. Một số người còn tin rằng việc tước đi quyền cá nhân này có thể đem lại kết quả ngược với sự mong đợi bởi nó sẽ hướng sự chú ý của mọi người vào những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe như nước ngọt có ga cỡ lớn và thúc đẩy họ mua sắm lu bù những sản phẩm này trước khi chúng có thể bị dừng lưu hành.
Bất chấp sự phản đối này, việc hạn chế bán đồ uống giàu đường cỡ lớn có thể vẫn đem lại một số lợi ích sức khỏe không thể phủ nhận. Nước giải khát được làm ngọt bằng đường có liên quan đến bệnh béo phì và rất nhiều nguy cơ sức khỏe khác chẳng hạn như tiểu đường tuýp 2. Các nghiên cứu mới còn cho thấy rằng việc tiêu thụ đồ uống sử dụng đường để làm ngọt cũng làm tăng nguy cơ bị béo phì do di truyền.
Chúng tôi (Trường y tế công cộng Harvard T.H. Chan) ủng hộ những lệnh cấm như thế này vì đại dịch béo phì gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho các cá nhân và đặt gánh nặng lớn – cả về mặt xã hội lẫn về mặt kinh tế – lên mọi khía cạnh của xã hội chúng ta đơn cử như chăm sóc sức khỏe.
Bằng cách hạn chế tiếp cận với các loại đồ ăn thức uống mà đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ béo phì và nguy cơ mắc các bệnh khác, người tiêu dùng cá nhân sẽ ít có khả năng mua những sản phẩm này hơn mà thay vào đó sẽ chuyển sang các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe khác.
Boston
Trong một động thái nhằm giảm bớt tỷ lệ béo phì đang gia tăng của Boston, Thị trưởng Thomas Menino đã cấm bán và quảng cáo đồ uống có đường từ các tòa nhà nằm dưới quyền sở hữu của thành phố cũng như các sự kiện được thành phố tài trợ.
- Sắc lệnh hành pháp, được ký vào năm 2011, kêu gọi mọi ban bộ của thành phố loại bỏ các loại soda thường, thức uống thể thao, và các loại nước giải khát có hàm lượng đường cao khác từ máy bán hàng tự động, quán cà phê, cũng như quầy bán đồ ăn nhẹ tại các rạp chiếu phim hoặc tại các địa điểm thăm quan.
- Tại những địa điểm này, thành phố sẽ cung cấp những lựa chọn lành mạnh hơn, bao gồm nước lọc, nước sủi bọt có vị, cà phê và trà không đường, cùng các loại đồ uống ăn kiêng.
- Hoạt động tiếp thị đồ uống có đường, từ logo trên máy bán hàng tự động cho đến biểu ngữ tại các sự kiện, cũng sẽ bị cấm.
Boston, cũng là thành phố đã cấm nước ngọt có ga và đồ ăn vặt khỏi máy bán hàng tự động tại các trường công lập vào năm 2004, không hề đơn độc trong nỗ lực cấm các loại nước giải khát này.
- Vào năm 2011, bệnh viện Carney ở Boston cũng đã công bố là họ sẽ cấm các loại nước giải khát có hàm lượng đường cao trong khuôn viên bệnh viện. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên trong thành phố thực hiện lệnh cấm này.
- Phòng khám Cleveland đã cấm những loại đồ uống giàu đường từ máy bán hàng tự động và căng-tin của họ vào tháng 8/2010.
- San Francisco, quận Los Angeles, và các thành phố khác cũng đã hạn chế bớt việc bán đồ uống có đường trên tài sản thuộc quyền sở hữu của thành phố.
Mục tiêu của những lệnh cấm này là để mọi người có thể tiếp cận với các loại đồ uống lành mạnh một cách dễ dàng hơn – và cũng là để ngăn các nhà sản xuất nước giải khát vung hàng tỷ đô la mỗi năm vào việc tiếp thị nước ngọt. Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng đó chính là kiểu hỗ trợ môi trường mà người Mỹ cần để kìm nén cơn khát các loại đồ uống giàu đường của họ, và từ đó có thể kiềm chế cả đại dịch béo phì.
Tiến sỹ Walter Willett, chủ tịch Khoa Dinh dưỡng của trường Y tế Công cộng Harvard, cũng là người đã cùng thị trưởng Menino công bố lệnh cấm nước ngọt, cho hay: “Có rất nhiều bằng chứng chỉ ra rằng lượng tiêu thụ nước ngọt tăng mạnh trong vòng 40 năm qua chính là nhân tố quan trọng nhất gây ra đại dịch béo phì của Mỹ. Những bước đi này sẽ đóng góp rất nhiều vào công cuộc tạo ra tiêu chuẩn xã hội mới, mà ở đó các loại nước giải khát lành mạnh hơn sẽ là những sự lựa chọn được ưa chuộng.”
Thành phố cũng công bố một chiến dịch quảng cáo kiểu “đèn giao thông” để giúp người tiêu dùng lựa chọn những thức uống lành mạnh hơn dựa vào hàm lượng đường cũng như dưỡng chất của chúng. Chiến dịch này đã phân loại nước giải khát thành ba nhóm “đỏ” (hạn chế), “vàng” (thỉnh thoảng tiêu thụ), và “xanh lá cây” (lựa chọn tối ưu). Nó cũng tương tự với cẩm nang hướng dẫn lựa chọn đồ uống “Nó ngọt đến mức nào” do Khoa Dinh dưỡng của trường Y tế Công cộng Harvard phát triển vào năm 2009.
(Click vào link bên dưới ảnh, phóng to để nhìn rõ hơn)
Link 1: https://utemshop.com/wp-content/uploads/2018/10/canh-bao-do-uong-co-duong.png
Link 2: https://utemshop.com/wp-content/uploads/2018/10/canh-bao-do-uong-co-duong-2.png
(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)