Tình trạng cân nặng của cha mẹ, việc xem TV, ăn vặt, và chỉ số khối cơ thể của các bé gái

Tóm tắt sơ lược

Mục tiêu

Mục đích của nghiên cứu này là để kiểm nghiệm xem việc xem TV có cung cấp bối cảnh cho các mô hình ăn vặt thúc đẩy tình trạng thừa cân ở những bé gái đến từ các gia đình bị thừa cân hoặc không bị thừa cân hay không.

Phương pháp và quy trình/thủ tục nghiên cứu

Các đối tượng tham gia bao gồm 173 bé gái da trắng không có gốc Tây Ban Nha (non-Hispanic white girls) và cha mẹ của các em từ vùng trung tâm Pennsylvania, được đánh giá theo thời gian/theo chiều dọc (longitudinally) khi các bé gái được 5, 7, và 9 tuổi. Phân tích đường dẫn (path analysis) được áp dụng để kiểm tra các mô hình mối quan hệ giữa việc xem TV, ăn vặt trong khi xem TV, tần suất ăn vặt, lượng chất béo tiêu thụ từ các món ăn vặt giàu năng lượng, và sự gia tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) của các em từ 5-9 tuổi.

Kết quả

Trong cả hai nhóm gia đình thừa cân và không thừa cân, những bé gái mà xem TV nhiều hơn thì tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt/món ăn nhẹ trước màn hình vô tuyến hơn.

Ở các gia đình mà cả bố cả mẹ đều không bị thừa cân, việc xem TV là yếu tố dự đoán đáng kể duy nhất trong sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái.

Đối với các gia đình có một hoặc cả hai phụ huynh bị thừa cân thì những cô con gái xem nhiều TV hơn cũng ăn vặt thường xuyên hơn, và những bé gái ăn vặt thường xuyên hơn lại có lượng chất béo tiêu thụ từ đồ ăn vặt giàu năng lượng cao hơn, điều này dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các em trong giai đoạn từ 5-9 tuổi. Hoạt động xem TV không trực tiếp dự báo sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của những bé gái đến từ các gia đình thừa cân.

Thảo luận

Kết quả của nghiên cứu này hỗ trợ và mở rộng những phát hiện trước đây mà cho thấy rằng việc xem TV quá nhiều và các mô hình ăn vặt chính là những yếu tố nguy cơ dẫn đến sự phát triển của tình trạng thừa cân ở trẻ em; tuy nhiên, mô hình các mối quan hệ có thể khác nhau dựa vào tình trạng cân nặng của cha mẹ (parental weight status). Với những gia đình vốn đã thừa cân, việc xem TV có thể cung cấp một bối cảnh cho việc tiêu thụ đồ ăn vặt quá mức, bên cạnh việc lười vận động/không hoạt động (inactivity).

Giới thiệu

Việc xem TV lâu nay vẫn được cho là có liên quan đến sự phát triển tình trạng thừa cân ở trẻ em. Mặc dù mối quan hệ giữa việc xem TV và tình trạng cân nặng đã được chỉ rõ, nhưng các yếu tố trung gian của mối quan hệ này lại vẫn khá mơ hồ. Vô tuyến/TV có thể góp phần dẫn đến tình trạng thừa cân theo nhiều cách khác nhau: bằng cách khiến trẻ giảm hoạt động và tiêu tốn ít năng lượng hơn, thông qua những đoạn quảng cáo khuyến khích trẻ ăn thưc phẩm giàu năng lượng chứa hàm lượng đường, chất béo, và muối cao, hoặc bằng cách cung cấp một bối cảnh thúc đẩy việc ăn vặt thường xuyên hoặc ăn uống quá mức. Nghiên cứu này sẽ tập trung xem xét khả năng thứ ba.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá xem việc trẻ em xem TV có liên quan đến tần suất ăn vặt cũng như lượng đồ ăn vặt tiêu thụ mà chứa hàm lượng chất béo và đường cao hay không, sau đó là để xem xét xem tần suất ăn vặt nhiều hơn có thúc đẩy những mô hình tiêu thụ dẫn đến tình trạng thừa cân hay không. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra mối quan hệ giữa việc xem TV, mô hình ăn vặt, và sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái từ 5-9 tuổi khác nhau ở các gia đình mà cả bố cả mẹ đều không thừa cân so với những gia đình có một hoặc cả hai phụ huynh bị thừa cân. Cha mẹ cung cấp gen và môi trường cho con trẻ mà có thể thúc đẩy sự phát triển của tình trạng thừa cân cùng với những hành vi kích thích tình trạng này. Mặc dù bệnh béo phì di truyền trong gia đình, nhưng các yếu tố di truyền không thể giải thích cho toàn bộ sự khác biệt trong tình trạng tăng cân ở trẻ. Là tấm gương/hình mẫu cho việc tiêu thụ thực phẩm và mô hình hoạt động của con trẻ, cha mẹ cung cấp cơ hội để trẻ có những mô hình dinh dưỡng lành mạnh hoặc không lành mạnh, cũng như lối sống lười nhác hoặc năng vận động. Các phát hiện trước đây tiết lộ rằng những phụ huynh bị thừa cân có thể tạo ra môi trường dễ gây béo phì cho trẻ; các gia đình với cha mẹ bị thừa cân có mức độ hoạt động thể chất thấp hơn cùng mô hình tiêu thụ dinh dưỡng không lành mạnh so với những gia đình không thừa cân. Do đó việc trẻ em đến từ những gia đình thừa cân bị tăng cân một phần có thể là do những yếu tố lối sống khác với trẻ em ở các gia đình không thừa cân.

Phương pháp và quy trình nghiên cứu

Đối tượng tham gia

Những người tham gia là một phần của nghiên cứu theo thời gian/dài hạn/theo chiều dọc (longitudinal study) với dữ liệu được thu thập từ các bé gái và cha mẹ của các em trong ba lần/dịp đo lường: khi các bé gái được 5, 7, và 9 tuổi. Lần đầu tiên, có 197 gia đình tham gia vào nghiên cứu; đến Lần 2 có 192 gia đình và Lần 3 là 183 gia đình. Các bé gái phải đáp ứng những tiêu chí tuyển mộ sau để có thể tham gia vào cuộc nghiên cứu: sống cùng bố mẹ đẻ, không bị dị ứng thực phẩm nặng hoặc mắc các vấn đề y tế mãn tính ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thức ăn, và không có các hạn chế dinh dưỡng liên quan đến thực phẩm có nguồn gốc động vật; các gia đình không được tuyển mộ dựa vào tình trạng cân nặng của con trẻ hoặc phụ huynh hay dựa vào mối quan tâm về cân nặng. Trong lần đo lường đầu tiên, dữ liệu được thu thập ở các bé gái trong suốt mùa hè trước khi các em đi học mẫu giáo. Vào thời điểm tuyển mộ, độ tuổi trung bình của các bé gái là 5,4 ± 0,3; tuổi trung bình của những người mẹ và những người bố lần lượt là 35,4 ± 4,8 và 37,4 ± 5,4. Hội đồng Thẩm định Cơ sở hay Hội đồng Đánh giá Thể chế của Đại học Bang Pennsylvania đã phê duyệt tất cả các quy trình/thủ tục nghiên cứu, và các phụ huynh cũng đã đồng thuận với sự tham gia của gia đình họ trước khi bắt đầu quá trình thu thập dữ liệu.

Biện pháp đo lường

Các biện  pháp đo lường việc tiêu thụ dinh dưỡng, nhân trắc học (anthropometry), hoạt động thể chất, và nhân khẩu học (demography) được tiến hành khi các bé gái được 5, 7, và 9 tuổi, ngoại trừ việc xem TV được tiến hành khi các em được 7 và 9 tuổi, và hoạt động ăn vặt trong khi xem TV được thực hiện khi các bé gái lên 9 tuổi.

Việc xem TV của các bé gái

Sử dụng những câu hỏi được phát triển trong phòng thí nghiệm của chúng tôi, các bà mẹ được yêu cầu báo cáo số giờ trung bình mà con gái họ xem TV trong những ngày đi học và những ngày được nghỉ. Những câu hỏi này được phát triển dựa vào câu hỏi dùng trong các cuộc khảo sát quốc gia để ước lượng việc xem TV. Việc xem TV trung bình của các bé gái xuất phát từ việc tính giờ xem TV trung bình được báo cáo từ hoạt động xem TV trong ngày đi học và ngày được nghỉ (năm ngày đi học, hai ngày nghỉ).

Hoạt động thể chất của các bé gái

Xu hướng tham gia vào các hoạt động thể chất của trẻ em được đánh giá bằng cách sử dụng Thang đo Hoạt động Thể chất của Trẻ em bởi Tucker. Biện pháp này bao gồm 15 hạng mục và bốn lựa chọn phản hồi tiềm năng, từ hoàn toàn đúng đến hoàn toàn sai. Các câu hỏi được đưa ra nhằm mục đích chứng minh/làm sáng tỏ xem liệu trẻ thích các hoạt động “giàu năng lượng” hay “ít năng lượng.” Ví dụ, điểm số thấp hơn ở những câu hỏi như là “Tôi thích xem TV hoặc chơi trong nhà hơn là chơi ngoài trời” chỉ ra sự thích thú hơn đối với các hoạt động ít phải vận động.

Hồi tưởng dinh dưỡng trong 24 giờ

Những sự hồi tưởng được thu thập bởi nhân viên được đào tạo tại Trung tâm Đánh giá Chế độ dinh dưỡng Đại học Bang Pennsylvania cùng với Hệ thống Nghiên cứu Dữ liệu Dinh dưỡng được hỗ trợ bằng máy tính (cơ sở dữ liệu 4.01_30; Trung tâm Điều phối Dinh dưỡng, Đại học Minnesota, Minneapolis, MN) để ước tính lượng dinh dưỡng tiêu thụ của các bé gái, sử dụng phương pháp tương tự được áp dụng trong nghiên cứu chương trình giáo dục dinh dưỡng hướng dẫn tự động giữa cha mẹ-con cái. Mỗi một đối tượng tham gia được yêu cầu cung cấp ba sự hồi tưởng 24 tiếng trong khoảng thời gian từ 2-3 tuần; 2 ngày thường trong tuần và 1 ngày cuối tuần được chọn ngẫu nhiên trong suốt mùa hè diễn ra quá trình đo lường. Các bé gái báo cáo việc tiêu thụ thực phẩm với mẹ của chúng để đảm bảo tính chính xác cao hơn. Những tấm áp phích hiển thị phần thức ăn (Hình ảnh trực quan Phần Thức ăn 2D; Doanh nghiệp Hướng dẫn Dinh dưỡng, Framingham, MA) được áp dụng như một công cụ hỗ trợ trực quan để ước tính lượng thực phẩm ăn vào. Dữ liệu dinh dưỡng được tính trung bình trong 3 ngày để thu được lượng năng lượng và dinh dưỡng tiêu thụ trung bình ước chừng.

Việc ăn vặt được đo bằng cách tự báo cáo như một phần của quy trình hồi tưởng dinh dưỡng; sau khi báo cáo sản phẩm thực phẩm được tiêu thụ, các bà mẹ cùng con gái họ đã báo cáo liệu sản phẩm đó là món chính hay món ăn nhẹ/ăn vặt. Những món ăn được tiêu thụ giữa hai bữa liên tiếp được xác định như một lần ăn vặt. Phân tích nhóm thực phẩm được tiến hành bằng cách sử dụng tập hợp dữ liệu từ Hệ thống Dữ liệu Dinh dưỡng để xác định số lượng khẩu phần trung bình từ nhóm thực phẩm ngũ cốc, rau củ, trái cây, các sản phẩm làm từ sữa, thịt, chất béo, cho đến nhóm thực phẩm bánh kẹo do Tháp Hướng dẫn Thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến nghị. Việc xác định nhóm thực phẩm và số lượng khẩu phần được dựa vào hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Mỗi một nhóm thực phẩm sau đó được phân loại thành các nhóm con/phân nhóm, cung cấp thông tin về các loại thực phẩm khác nhau được tiêu thụ trong từng nhóm thực phẩm. Dựa vào dữ liệu nhóm thực phẩm con, lượng đồ ăn vặt giàu năng lượng tiêu thụ xuất phát từ việc kết hợp lượng tiêu thụ của các bé gái từ 1) phân nhóm bánh quy/bánh nướng, 2) phân nhóm bánh quy mặn/khoai tây chiên, và 3) phân nhóm bánh kẹo/mứt kẹo. Mặc dù thông tin về việc tiêu thụ của các bé gái được thu thập từ các nhóm con khác, nhưng những phân nhóm trên vẫn được sử dụng để tạo ra một hợp phần các món ăn vặt giàu năng lượng từ những phân nhóm được biết là bao gồm các loại thực phẩm chứa hàm lượng đường và chất béo cao. Sau khi thu thập lượng (tính bằng gram) đồ ăn vặt giàu năng lượng được tiêu thụ, tổng lượng chất béo và năng lượng tiêu thụ của các bé gái từ những món ăn vặt giàu năng lượng đã được tính toán.

Sau khi các bà mẹ cùng con gái họ báo cáo việc tiêu thụ một mặt hàng thực phẩm như bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, hay bữa phụ/bữa ăn nhẹ/ăn vặt, họ được yêu cầu chỉ ra là liệu bữa ăn này được ăn tại bàn, trước màn hình TV, hay ở một số địa điểm nào khác. Tổng lượng đồ ăn vặt tiêu thụ trước TV được tính toán như tổng dữ liệu hồi tưởng trong 3 ngày.

Tình trạng cân nặng của trẻ

Cân nặng và chiều cao của các bé gái được đo bởi một nhân viên được đào tạo theo các thủ tục/quy trình được mô tả bởi Lohman cùng cộng sự, và được áp dụng để xác định chỉ số khối cơ thể BMI (kg/m2) trong mỗi một lần đo. Trẻ được mặc quần áo nhẹ và đo khi không đi giày. Chiều cao được đo ba lần đến 0,10cm gần nhất bằng cách sử dụng máy đo độ cao Shorr Productions (Irwin Shorr, Olney, MD). Cân nặng được đo ba lần đến 0,10kg gần nhất bằng Cân điện tử Seca (Seca Corp., Birmingham, Anh). Tiêu chí tham khảo quốc tế do Cole và đồng nghiệp phác thảo được sử dụng để xác định tỷ lệ thừa cân ở các bé gái trong mẫu này. Ngưỡng/giới hạn chỉ số khối cơ thể được dựa trên dữ liệu quốc tế và tương ứng với phân vị/số phần trăm thứ 85 và 95, lần lượt liên quan đến việc phân loại tình trạng thừa cân và bệnh béo phì. Các ngưỡng/giới hạn cung cấp những điểm giới hạn theo độ tuổi và giới tính cụ thể từ 2-18 tuổi. Chúng tôi đã sử dụng các ngưỡng cho từng mốc nửa năm (5 tuổi rưỡi, 7 tuổi rưỡi, và 9 tuổi rưỡi) để tính đến một chuỗi những ngày sinh trong suốt một năm đối với mẫu của chúng tôi.

Tình trạng cân nặng của cha mẹ

Chỉ số khối cơ thể của các ông bố bà mẹ cũng được tính toán bằng những thủ tục/quy trình tương tự dành cho các bé gái như đã được mô tả ở trên. Dựa vào những ngưỡng/giới hạn chỉ số khối cơ thể được công nhận rộng rãi đối với tình trạng thừa cân, những gia đình được phân vào nhóm không thừa cân (BMI < 25 kg/m2) mà trong đó không có phụ huynh nào bị thừa cân (N = 101), và bị phân loại là thừa cân (BMI ≥ 25 kg/m2) khi một hoặc cả hai phụ huynh đều thừa cân (N = 72).

Phân tích thống kê

Trong số 183 gia đình tham gia vào Lần đo lường 3, có năm người cha (đã ly dị) không còn tham gia vào cuộc nghiên cứu nữa, hai bé gái bị thiếu thông tin về việc xem TV, hai bé gái có điểm cực cao trong hoạt động xem TV, và một bé gái cho thấy sự gia tăng chỉ số khối cơ thể rất cao trong giai đoạn từ 5-9 tuổi. Những trường hợp cực độ/cực đoan này được xác định như những giá trị ngoại lệ, ảnh hưởng đến tầm quan trọng của các mối liên kết, và bị loại trừ khỏi các phân tích, để lại tổng cộng 173 trường hợp hoàn chỉnh với tất cả phân tích.

Những phép biến đổi logarit được thực hiện trên chỉ số khối cơ thể của các ông bố, bà mẹ để cải thiện tính tiêu chuẩn/tính chuẩn tắc. Sử dụng gói phần mềm Hệ thống Phân tích Thống kê, một loạt tương quan không thức bậc của Pearson (Pearson’s zero-order correlation) đã được khái quát hóa để mô tả những mối quan hệ đơn giản giữa các biến. Phân tích đường dẫn được áp dụng để kiểm tra một tập hợp các mối quan hệ được đặt giả thuyết giữa các biến. Phân tích đường dẫn sử dụng kỹ thuật hồi quy đa biến để ước tính các tham số/tham biến (đường dẫn hồi quy) trong khi kiểm soát các biến khác trong mẫu dự đoán kết quả: sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái. Phân tích đường dẫn là một công cụ thống kê hữu ích với phân tích này vì thực tế là chúng tôi có một số ý tưởng tiên nghiệm về bản chất của các mối quan hệ giữa việc xem TV, hành vi ăn vặt, và sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái. Các mẫu/mô hình đường dẫn được kiểm tra bằng gói phần mềm AMOS, cung cấp một phương pháp đơn giản để đánh giá các mô hình/mẫu phức tạo bằng đồ thị. Nhiều sự so sánh nhóm tương đối dễ truy cập và diễn giải khi dùng phần mềm này. Tầm quan trọng của các đường dẫn hồi quy bên trong các mẫu và giữa các nhóm là trọng tâm chính của nghiên cứu này, chúng tôi không báo cáo về sự phù hợp/khớp với mẫu/mô hình.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của các đường dẫn hồi quy đã được kiểm nghiệm trong một mẫu/mô hình mà tìm hiểu mối quan hệ giữa việc xem TV, ăn vặt trong khi xem TV, tần suất ăn vặt, lượng chất béo tiêu thụ từ đồ ăn vặt giàu năng lượng, và sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái từ 5-9 tuổi (Hình 1). Để kiểm soát những đóng góp về di truyền và môi trường khác ảnh hưởng đến sự gia tăng tình trạng cân nặng của trẻ, chỉ số khối cơ thể của trẻ cũng như thu nhập gia đình khi các bé gái được 5 tuổi đã được tính đến như hiệp biến/đồng tham số. Những mối quan hệ này được kiểm tra trong một mẫu/mô hình hai nhóm được phân tầng bởi tình trạng cân nặng của cha mẹ để xác định xem yếu tố này có làm giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động xem TV đối với hành vi ăn vặt và sự tăng cân ở các bé gái hay không. Các bé gái được chia thành hai nhóm dựa vào tình trạng cân nặng của cha mẹ: nhóm không thừa cân (N = 101) trong đó không có phụ huynh nào bị thừa cân, và nhóm thừa cân (N = 72) với một hoặc cả hai bố mẹ đều thừa cân. Để kiểm tra xem những mối liên kết/liên hệ trong các mẫu/mô hình có khác nhau đáng kể giữa các nhóm hay không, kết quả của phương pháp kiểm định sự khác biệt/chênh lệch Chi bình phương (χ2 difference test) đã được đánh giá sau khi cài đặt từng đường dẫn hồi quy bằng nhau (một cách riêng biệt). Một sự chênh lệch/khác biệt đáng kể trong χ2 dưới những sự ràng buộc như vậy cung cấp bằng chứng về khả năng giảm bớt ảnh hưởng của tình trạng cân nặng của cha mẹ. Ý nghĩa đối với tất cả các mối quan hệ được xác định ở cấp độ p < 0,05; các xu hướng được ghi nhận ở mức có ý nghĩa/đáng kể p ≤ 0,10.

hình 1, xem tivi

Hình 1: Biểu đồ đường dẫn của mẫu/mô hình giả thuyết. A là ảnh hưởng trực tiếp của việc xem TV đối với sự thay đổi trong chỉ số khối cơ thể của các bé gài từ 5-9 tuổi. B đại diện cho ảnh hưởng gián tiếp (tần suất ăn vặt và lượng chất béo tiêu thụ từ đồ ăn vặt giàu năng lượng) của việc xem TV đối với sự thay đổi trong chỉ số khối cơ thể của các bé gái. C biểu thị mối quan hệ giữa việc xem TV ở giai đoạn 7 tuổi với việc ăn vặt trong khi xem TV khi 9 tuổi. D thể hiện cho các hệ số đối với các hiệp biến, hoặc các biến đối chứng/kiểm soát Lần 1. R2 là tổng phương sai trong sự thay đổi chỉ số khổi cơ thể của các bé gái được giải thích bởi mẫu.

Kết quả

Đặc điểm của con trẻ và cha mẹ

Thống kê mô tả (descriptive statistic) dành cho các biến quan tâm được trình bày trong Bảng 1. Dựa vào tiêu chí tham khảo quốc tế do Cole cùng cộng sự đề xuất, 21% bé gái 5 tuổi bị phân loại là thừa cân, trong khi đó có 4% bị xếp vào nhóm béo phì. Các mô hình này cũng tương tự với những bé gái 7 tuổi (21% thừa cân, 5% béo phì) và với những bé gái 9 tuổi (32% thừa cân, 9% béo phì). Chỉ số khối cơ thể trung bình của các phụ huynh đã vượt quá ngưỡng/giới hạn hiện tại: 52% bà mẹ và 73% ông bố là bị thừa cân khi con gái của họ 5 tuổi, 55% người mẹ và 73% người cha bị thừa cân khi con gái họ 7 tuổi, và 60% bà mẹ cùng 78% ông bố bị thừa cân khi con gái họ lên 9.

Bảng 1: Các đặc điểm cơ bản và chỉ số/điểm trung bình với các biến quan tâm

Biến Bố mẹ không thừa cân   (N = 101) BMI < 25 kg/m2 Bố mẹ thừa cân   (N = 72) BMI ≥ 25 kg/m2
Chỉ số khối cơ thể BMI của trẻ (kg/m2)
 5 tuổi 15,7 ± 1,5 16,2 ± 1,8*
 7 tuổi 16,2 ± 2,1 17,3 ± 2,8*
 9 tuổi 17,6 ± 2,7 19,8 ± 3,9*
Thay đổi trong BMI của trẻ (5-9 tuổi) 1,9 ± 1,8 3,5 ± 2,6*
Hoạt động thể chất của trẻ (1-5 tuổi) 2,8 ± 0,4 2,7 ± 0,4
Thời gian xem TV trung bình hàng ngày (h) 1,6 ± 0,7 1,7 ± 0,8
Tần suất ăn vặt (0-4 lần/ngày) 1,8 ± 0,7 1,9 ± 0,7
Số lần ăn vặt khi xem TV (quá 3 ngày) 1,0 ± 1,1 1,3 ± 1,4
Lượng chất béo từ đồ ăn vặt giàu năng lượng (g) 3,0 ± 3,3 4,6 ± 5,6*
BMI của mẹ Lần 1 (kg/m2) 23,3 ± 3,9 26,4 ± 5,8*
BMI của bố Lần 1 (kg/m2) 26,8 ± 4,1 28,1 ± 4,6*
Thu nhập gia đình 35.000 đến 50.000 đôla 35.000 đến 50.000 đôla

Các giá trị được hiển thị dưới dạng trung bình ± độ lệch chuẩn.

*Nhóm cha mẹ thừa cân khác biệt đáng kể so với nhóm cha mẹ không thừa cân ở mức p ≤ 0,05.

Lần 1 = khi các bé gái 5 tuổi.

Như đã trình bày trong Bảng 1, những bé gái đến từ các gia đình thừa cân có chỉ số khối cơ thể cao hơn đáng kể ở các độ tuổi 5, 7, và 9 so với những bé gái có gia đình không thừa cân. Vì lý do này, chỉ số khối cơ thể của các bé gái trong thời kỳ 5 tuổi được đưa vào như một biến đối chứng/kiểm soát trong các phân tích về sau mà so sánh mối quan hệ giữa việc xem TV cùng với hành vi ăn vặt ở các gia đình thừa cân và không thừa cân. Không có sự khác biệt/chênh lệch đáng kể nào trong các yếu tố xem TV, khuynh hướng hoạt động/vận động cùng với tần suất ăn vặt hoặc thu nhập gia đình của những bé gái đến từ gia đình thừa cân và gia đình không thừa cân. Các bé gái có cha mẹ thừa cân cho thấy sự gia tăng lớn hơn trong chỉ số khối cơ thể trong giai đoạn 5-9 tuổi và có lượng chất béo tiêu thụ cao hơn đáng kể từ các món ăn vặt giàu năng lượng so với những bé gái có phụ huynh không bị thừa cân. Nhìn chung, con gái có cha mẹ thừa cân sẽ có khuynh hướng ăn vặt nhiều hơn, tiêu thụ nhiều món ăn vặt trong khi xem TV hơn, và xem TV nhiều hơn những bé gái mà bố mẹ không bị tình trạng này. Mặc dù trong số này không có biến nào khác biệt nhau đáng kể, nhưng khi xét chung theo thời gian thì chúng đều có thể góp phần dẫn đến những khác biệt/chênh lệch lớn hơn trong tình trạng thừa cân ở các bé gái xuất thân từ gia đình thừa cân. Cha mẹ trong các gia đình thừa cân cũng nặng hơn đáng kể so với phụ huynh trong các gia đình không thừa cân vào mọi thời điểm.

Dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái

Những tương quan không thứ bậc giữa các yếu tố dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái được trình bày ở Bảng 2. Dựa vào sức mạnh và mô hình liên kết giữa các biến quan tâm, các mẫu đường dẫn đã được kiểm tra để đánh giá những mối quan hệ giữa việc xem TV, tần suất ăn vặt, lượng chất béo tiêu thụ từ đồ ăn vặt giàu năng lượng, cũng như sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái trong giai đoạn từ 5-9 tuổi. Xu hướng hướng đến hoạt động thể chất của các bé gái có liên quan đến chỉ số khối cơ thể của chính các em khi mới 5 tuổi cũng như khi lên 9 tuổi, nhưng nó không dự đoán được sự thay đổi trong chỉ số khối cơ thể, và cũng chẳng liên quan gì đến việc xem TV của các bé gái. Vì thế nên nó không được đưa vào mô hình/mẫu dự đoán.

Bảng 2: Những mối quan hệ hai biến giữa các biến số liên quan đến con trẻ đối với các gia đình thừa cân (in đậm) và các gia đình không thừa cân

1 Xem TV hàng ngày 2 Số lần ăn vặt khi xem TV 3 Tần suất ăn vặt 4 Chất béo từ đồ ăn vặt 5 Δ BMI (5-9 tuổi)
1. Xem TV hàng ngày
2. Ăn vặt trong khi xem TV 0,33*
0,29*
3. Tần suất ăn vặt 0,30* 0,27*
0,06 0,21
4. Chất béo từ đồ ăn vặt giàu năng lượng 0,04 0,03 0,26*
−0,01 0,05 0,29*
5. Thay đổi trong BMI (5-9 tuổi) 0,10 0,07 0,05 0,26*
0,29* 0,00 −0,03 0,14

*p < 0,05.

Các gia đình thừa cân so với các gia đình không thừa cân

Những sự ước tính được hiển thị trong Hình 2 là dành cho một mẫu mà trong đó tất cả các biến đều được bao gồm cùng một lúc trong một mô hình phân tầng theo tình trạng cân nặng của cha mẹ. Trong số các bé gái không có bố mẹ bị thừa cân, việc xem TV là yếu tố dự đoán đáng kể/có ý nghĩa duy nhất trong sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái trong độ tuổi từ 5-9, mặc dù lượng chất béo tiêu thụ từ những món ăn vặt giàu năng lượng của các em cũng gần đạt đến mức đáng kể/có ý nghĩa. Trong các gia đình không thừa cân, những bé gái ăn vặt thường xuyên hơn vào năm 7 tuổi đã báo cáo ăn nhiều đồ ăn vặt trong khi xem TV hơn khi lên 9 tuổi. Con gái của các gia đình không thừa cân mà ăn vặt thường xuyên hơn có lượng chất béo tiêu thụ cao hơn từ những món ăn vặt giàu năng lượng; tuy nhiên, việc xem TV không liên quan đến tần suất ăn vặt cao hơn của những bé gái này. Các mối quan hệ khác không đáng kể.

hình 2, xem tivi

Hình 2: Biểu đồ đường dẫn so sánh các mối quan hệ giữa những bé gái đến từ gia đình thừa cân (in đậm) so với gia đình không thừa cân. Hai hệ số xuất hiện trên từng đường dẫn. Hệ số đường dẫn trên trong kiểu chữ in đậm là dành cho những bé gái trong các gia đình thừa cân; hệ số đường dẫn dưới dành cho những bé gái đến từ các gia đình không thừa cân. *Các mối quan hệ đáng kể được ghi nhận ở giá trị p ≤ 0,05.

Đối với những bé gái có cha mẹ/gia đình thừa cân, những bé gái xem nhiều TV hơn đã báo cáo là ăn nhiều đồ ăn vặt trong khi xem TV hơn, đồng thời cũng ăn vặt thường xuyên hơn. Tần suất ăn vặt có liên quan đến lượng chất béo tiêu thụ cao hơn từ các món ăn vặt giàu năng lượng, từ đó dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái trong độ tuổi từ 5-9. Tuy nhiên, hoạt động xem TV của các bé gái lại không liên quan trực tiếp đến sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các em.

Trong cả hai nhóm, các mối quan hệ vẫn đáng kể/có ý nghĩa sau khi tính đến ảnh hưởng của chỉ số khối cơ thể của các bé gái vào năm 5 tuổi và thu nhập của gia đình đối với sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các em. Kết quả của các phương pháp kiểm định chênh lệch χ2 đã xác nhận rằng mối quan hệ giữa việc xem TV và tần suất ăn vặt (χ2 chênh lệch = 4,58 <1>, p = 0,05) khác biệt đáng kể ở những bé gái có gia đình/cha mẹ thừa cân so với các gia đình không thừa cân. Ngoài ra không còn mối quan hệ nào khác biệt đáng kể, mặc dù đa số các mối quan hệ đều mạnh mẽ hơn ở những bé gái có gia đình thừa cân.

Thảo luận

Những phát hiện này xác nhận/chứng thực rằng việc xem TV có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng cân nặng của trẻ thông qua những tác động đối với lượng thực phẩm tiêu thụ/việc tiêu thụ thực phẩm. Những bé gái xem nhiều TV hơn đã báo cáo là thường xuyên ăn vặt hơn trong khi xem TV. Những bé gái ăn vặt thường xuyên hơn có lượng chất béo tiêu thụ cao hơn từ các món ăn vặt giàu năng lượng. Tình trạng cân nặng của cha mẹ làm giảm ảnh hưởng của việc xem TV và hành vi ăn vặt đối với cân nặng của các bé gái. Trong các gia đình không thừa cân, mô hình ăn vặt của các bé gái không dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các em trong giai đoạn từ 5-9 tuổi. Cũng trong những gia đình này, các bé gái xem nhiều TV hơn cũng tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt hơn trong khi xem TV, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các em ăn vặt thường xuyên hơn. Hoạt động xem TV là yếu tố dự đoán đáng kể duy nhất cho sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái. Do đó, mặc dù việc xem TV có góp phần dẫn đến sự gia tăng này ở những bé gái đến từ các gia đình không thừa cân, nhưng mối liên kết này cũng có thể là kết quả chủ yếu của sự giảm thiểu hoạt động đốt cháy/tiêu hao năng lượng thay vì ảnh hưởng của các mô hình ăn vặt. Phát hiện cho rằng ảnh hưởng của việc xem TV và ăn vặt khác nhau đối với các bé gái dựa vào tình trạng cân nặng của cha mẹ cho thấy sự đóng góp của hoạt động xem TV đối với tình trạng tăng cân ở những bé gái không bị thừa cân do tác động/ảnh hưởng di truyền cũng như môi trường từ tình trạng cân nặng của cha mẹ.

Ở những gia đình có một hoặc cả hai phụ huynh thừa cân, việc xem TV không trực tiếp dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái, nhưng nó lại liên quan gián tiếp thông qua các mô hình ăn vặt; hoạt động xem TV của các bé gái có liên quan đến hành vi ăn vặt trong khi xem TV gia tăng và tần suất ăn vặt cao hơn, và hai yếu tố này lại liên quan đến sự gia tăng lượng chất béo tiêu thụ từ các món ăn vặt giàu năng lượng. Mô hình tiêu thụ liên quan đến việc xem TV đã dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái trong độ tuổi từ 5-9. Do đó, ít nhất là trong mẫu này, đối với các gia đình có thiên hướng thừa cân di truyền, hoạt động xem TV có thể cung cấp một bối cảnh cho các mô hình ăn vặt ảnh hưởng đến sự phát triển tình trạng thừa cân. Trong các gia đình thừa cân, mô hình ăn vặt của các bé gái, mà có vẻ như bị tác động bởi mô hình xem TV, góp phần vào sự gia tăng chỉ số khối cơ thể ở các bé gái từ 5-9 tuổi, không phụ thuộc vào sự đóng góp của yếu tố chỉ số khối cơ thể khi các em mới 5 tuổi, điều này phản ánh cả tác động/ảnh hưởng di truyền lẫn tác động môi trường.

Nghiên cứu này xem xét mối liên hệ giữa hoạt động xem TV và việc tiêu thụ đồ ăn vặt giàu năng lượng của con trẻ, cung cấp thông tin bổ sung liên quan đến các cơ chế hành vi mà có thể giải thích mối quan hệ đã được báo cáo trước đó giữa việc xem TV và bệnh béo phì ở trẻ em. Trẻ em có sở thích tự nhiên dành cho đồ ngọt và các loại thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao, và có thể yêu cầu/đòi hỏi ăn những loại thực phẩm này thường xuyên hơn là thức ăn lành mạnh. Bên cạnh đó, những yêu cầu này có thể xuất phát từ thực tế là những loại thực phẩm này thường xuyên được quảng cáo trong các chương trình TV dành cho trẻ. Các nghiên cứu gần đây đã đề cập đến ảnh hưởng của hoạt động xem TV đối với việc tiêu thụ đồ ăn vặt, đặc biệt là việc tiêu thụ ngày càng nhiều các loại thực phẩm được quảng cáo; tuy nhiên, những nghiên cứu này lại không bao gồm tình trạng cân nặng như một hệ quả. Jahns và Popkin gần đây đã báo cáo những xu hướng ăn vặt ngày một tăng đối với trẻ em ở Mỹ trong cùng thời kỳ tình trạng thừa cân ở trẻ nhỏ tăng cao đáng kể. Những phát hiện này cung cấp bằng chứng hạn chế về khả năng điều hòa tác động của hành vi ăn vặt đối với ảnh hưởng của việc xem TV lên tình trạng béo phì ở trẻ.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh được rằng các xu hướng trường kỳ trong việc xem TV gia tăng là đi đôi với sự gia tăng tình trạng thừa cân ở trẻ. Dường như trong nhiều thập kỷ qua, trẻ em vẫn luôn xem TV ở mức độ cao. Vì vậy, quan trọng là phải kiểm tra các biến số bối cảnh khác trong môi trường gia đình mà có thể giúp giải thích các xu hướng gia tăng trong tình trạng thừa cân ở trẻ nhỏ. Phát hiện chỉ ra rằng tình trạng cân nặng của cha mẹ có thể điều tiết/giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động xem TV và hành vi ăn vặt đã nhấn mạnh nhu cầu kiểm tra các biến số bối cảnh gia đình mà có thể góp phần dẫn đến những khác biệt giữa các gia đình thừa cân và không thừa cân. Ví dụ về các biến số môi trường gia đình tiềm năng là hồ sơ dinh dưỡng, mô hình hoạt động gia đình, và sự khuyến khích hoạt động. Quan trọng hơn, ảnh hưởng của sự đóng góp di truyền đến sự khác biệt giữa các gia đình thừa cân và không thừa cân cũng không thể bị bỏ qua. Những khác biệt này có thể bị sinh ra bởi các nguyên nhân như sở thích thực phẩm di truyền, phong cách ăn uống, khả năng điều chỉnh lượng năng lượng tiêu thụ, tốc độ tăng trưởng và/hoặc tốc độ chuyển hóa/trao đổi chất.

Mẫu/mô hình được thử nghiệm trong nghiên cứu này mở rộng quan điểm truyền thống cho rằng TV góp phần dẫn đến sự phát triển tình trạng thừa cân ở trẻ bằng cách thúc đẩy hành vi lười vận động và giảm bớt sự tiêu hao/đốt cháy năng lượng của trẻ. Klesges cùng cộng sự đã báo cáo rằng tốc độ chuyển hóa/trao đổi chất của trẻ trong thời gian xem TV thì thấp hơn tốc độ chuyển hóa trong khi nghỉ ngơi. Các tác giả kết luận rằng sự sụt giảm trong tốc độ chuyển hóa này có thể đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa TV và bệnh béo phì. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng trẻ em xem nhiều TV hơn còn có thể tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt giàu năng lượng hơn, và những mô hình tiêu thụ này có thể góp phần làm trẻ tăng cân quá mức theo thời gian, đặc biệt là ở những đứa trẻ có cha mẹ thừa cân, có thiên hướng dễ tăng cân về mặt di truyền.

Vì thực tế là trẻ em nặng cân hơn cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ hơn trong tình trạng cân nặng theo thời gian so với trẻ không bị thừa cân, nên chỉ số khối cơ thể của các bé gái vào năm 5 tuổi đã được tính đến như một yếu tố dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái từ 5-9 tuổi. Ngoài ra, các mối quan hệ được thử nghiệm riêng rẽ với trẻ em đến từ các gia đình thừa cân và không thừa cân. Cuối cùng, thu nhập gia đình được đưa vào như một hiệp biến, vì nó đã được chứng minh là ảnh hưởng đến tình trạng cân nặng thông qua một số cơ chế, bao gồm mô hình dinh dưỡng. Trong số những bé gái từ các gia đình thừa cân, việc xem TV và mô hình tiêu thụ dinh dưỡng liên quan đến việc xem TV tiếp tục góp phần dẫn đến những thay đổi trong sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái, ngay cả khi đã đối chứng/kiểm soát tình trạng cân nặng trước đây của các em cũng như mức thu nhập gia đình. Việc này cung cấp một thử nghiệm thận trọng về ảnh hưởng của việc xem TV đối với hành vi ăn vặt và ảnh hưởng của hành vi ăn vặt đối với sự thay đổi chỉ số khối cơ thể của các bé gái từ 5-9 tuổi, sau khi phương sai do những thay đổi trong tình trạng cân nặng của con trẻ và cha mẹ cùng với thu nhập gia đình vào năm 5 tuổi đã bị loại bỏ. Chúng tôi ghi nhận rằng chỉ số khối cơ thể của cha mẹ và của con trẻ vào năm 5 tuổi có sức mạnh trong việc dự đoán tình trạng cân nặng sau này của trẻ. Bằng cách loại bỏ phương sai từ tình trạng cân nặng của cha mẹ và của con trẻ trước đó, chúng tôi đã có thể đưa ra những tuyên bố chắc chắn hơn về các biến số giải thích tỷ lệ phương sai vượt quá tỷ lệ liên quan đến chỉ số khối cơ thể của cha mẹ và con trẻ. Do đó, trong nghiên cứu này, những mối quan hệ có ý nghĩa/đáng kể giữa hoạt động xem TV và hành vi ăn vặt bổ sung vào việc dự đoán sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái từ 5-9 tuổi, độc lập với chỉ số khối cơ thể của cha mẹ và con trẻ vào năm 5 tuổi.

Khi các bé gái phát triển trong giai đoạn từ 5-9 tuổi, sự gia tăng chỉ số khối cơ thể tiêu chuẩn/thông thường xảy ra khi các em bắt đầu dậy thì. Tuy nhiên, các phát hiện của nghiên cứu này đã tiết lộ rằng những bé gái cho thấy sự gia tăng chỉ số khối cơ thể cao nhất thì thường xem nhiều TV hơn (ở các gia đình không thừa cân) và tiêu thụ nhiều chất béo từ các món ăn vặt giàu năng lượng hơn (ở các gia đình thừa cân). Cha mẹ có thể tạo ra một một môi trường dễ gây béo phì cho trẻ, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thực phẩm của trẻ bằng những món ăn được chế biến và có sẵn trong nhà, thói quen/thực hành nuôi dưỡng/cho trẻ ăn, và bản thân mô hình dinh dưỡng cũng như phong cách ăn uống của chính cha mẹ. Phụ huynh cũng có thể ảnh hưởng đến mô hình hoạt động của trẻ bằng cách tạo cơ hội để trẻ hoạt động tích cực và bằng cách làm mẫu/làm gương những lối sống năng động về mặt thể chất.

Trong nghiên cứu này, việc xem TV chỉ dự đoán trực tiếp sự gia tăng chỉ số khối cơ thể của các bé gái mà có cả bố lẫn mẹ đều không bị thừa cân. Vì vậy, đối với các bé gái có gia đình không thừa cân mà có thể không phải chịu những ảnh hưởng về di truyền và môi trường từ tình trạng cân nặng của cha mẹ, một lối sống lười vận động có thể là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định tình trạng tăng cân quá mức. Với những bé gái đến từ các gia đình thừa cân, ảnh hưởng của TV là gián tiếp. Các mô hình xem TV tác động đến tình trạng cân nặng của các bé gái thông qua những ảnh hưởng đối với hành vi ăn vặt ở những bé có một hoặc cả hai phụ huynh thừa cân. Hoạt động xem TV có liên quan đến tình trạng tăng cân thông qua hành vi ăn vặt, với hoạt động xem TV gia tăng liên quan đến việc ăn vặt trong khi xem TV nhiều hơn cũng như ăn vặt nói chung nhiều hơn. Những yếu tố này có liên quan đến lượng chất béo tiêu thụ cao hơn từ các món ăn vặt giàu năng lượng, dự đoán tình trạng tăng cân của các bé gái từ 5-9 tuổi. Điều này hỗ trợ thêm cho những khuyến nghị trước đây về việc hướng đến mục tiêu giảm thiểu việc xem TV cùng các hoạt động lười vận động khác để giảm bớt hoặc ngăn chặn nguy cơ béo phì ở trẻ em. Các phát hiện chỉ ra rằng mối liên hệ giữa hoạt động xem TV và tình trạng cân nặng có thể thông qua các mô hình ăn vặt, chí ít là ở những gia đình thừa cân. Điều này cho thấy rằng các biện pháp can thiệp nên bao gồm 1) những phương pháp giảm thiểu cơ hội trẻ tiêu thụ đồ ăn vặt giàu năng lượng trong khi xem TV, 2) những phương pháp giảm thiểu việc tiêu thụ đồ ăn giàu năng lượng, và 3) những phương pháp bao gồm các bậc cha mẹ như các tác nhân thay đổi, vì họ rõ ràng là những người có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với hành vi ăn uống cũng như mô hình hoạt động của trẻ.

Những phát hiện này thúc đẩy vốn hiểu biết của chúng tôi về các yếu tố môi trường góp phần dẫn đến sự phát triển tình trạng thừa cân ở trẻ em; tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn có một số hạn chế. Nghiên cứu này tập trung vào một mẫu các phụ huynh da trắng, học vấn tốt, chủ yếu là ở tầng lớp trung lưu cùng con gái của họ. Mẫu đồng nhất/thuần nhất này gây trở ngại cho việc khái quát hóa của những phát hiện với các nhóm kinh tế xã hội, dân tộc, và chủng tộc khác, cũng như là với các bé trai. Điều này đặc biệt có vấn đề vì thực tế là tỷ lệ béo phì ở trẻ em Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha lại thường cao hơn trẻ em da trắng không có gốc Tây Ban Nha, cũng như như nguy cơ mắc bệnh béo phì liên quan đến tỷ lệ xem TV cao. Trẻ em Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban được phát hiện là xem TV nhiều hơn trẻ em không phải gốc Tây Ban Nha.

Tóm lại, chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa việc xem TV và tình trạng thừa cân ở trẻ em có thể được điều tiết/giảm bớt bởi tình trạng cân nặng của cha mẹ, và chí ít là ở các gia đình thừa cân, điều này có thể một phần là do những ảnh hưởng đối với hành vi ăn vặt của trẻ. Các phát hiện cho thấy rằng mức độ xem TV cao hơn có thể thúc đẩy tình trạng thừa cân thông qua những ảnh hưởng đối với cả lượng năng lượng tiêu thụ/việc tiêu thụ năng lượng lẫn các mô hình hoạt động và có thể khác nhau dựa vào khuynh hướng thừa cân của trẻ. Cha mẹ và người chăm sóc nên được khuyến khích đặt ra giới hạn đối với thời lượng/thời gian trẻ dành vào việc xem TV và ngăn chặn những cơ hội cho trẻ biết rằng việc xem TV là một bối cảnh cho việc ăn uống. Điều này có thể được thực hiện bằng cách hạn chế cơ hội xem TV của trẻ cũng như bằng cách hạn chế việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu năng lượng trong khi xem TV. Cha mẹ, những người chịu trách nhiệm chính cho việc mua bán thực phẩm, nên cung cấp cho trẻ nhiều sự lựa chọn ăn nhẹ/ăn vặt thay thế lành mạnh hơn. Nhu cầu loại bỏ môi trường ăn uống và môi trường hoạt động gây béo phì là hết sức cấp thiết, đặc biệt là với những gia đình mà con trẻ có thiên hướng thừa cân.

Lời cảm ơn

Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn đến toàn thể các gia đình đã tham gia vào nghiên cứu này, xin cảm ơn Trung tâm Dinh dưỡng Bang Penn vì đã giúp chúng tôi thu thập dữ liệu hồi tưởng dinh dưỡng, cảm ơn những người đồng nghiệp đã cung cấp tài liệu cho bản thảo này, và mọi thành viên đã làm việc hăng say không biết mệt mỏi để thu thập những dữ liệu này. Các dịch vụ do Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Tổng hợp của trường Đại học Bang Pennsylvania cung cấp đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi các quỹ tài trợ M01 RR10732, HD32973, và NIH HD32973-03S1 của Viện Y tế Quốc gia.

(Dịch từ bài viết Parental Weight Status and Girls’ Television Viewing, Snacking, and Body Mass Indexes, tác giả: Lori A. Francis, Yoonna Lee, và Leann L. Birch, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment