Thừa cân, béo phì liên quan đến nhiều loại bệnh tật nguy hiểm

Các vấn đề về cân nặng gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể xác.

Trong bài dân ca tôn giáo cổ “Dem Bones”, mỗi bộ phận cơ thể đều kết nối với một bộ phận bên cạnh nó theo thứ tự: xương đùi nối với xương đầu gối, xương đầu gối nối với xương cẳng chân, vân vân. Nhưng một “bộ phận” của cơ thể là “cân nặng” thì có liên quan đến gần như mọi bộ phận khác trên cơ thể.

Một mức cân nặng hợp lý là bệ đỡ cho hệ xương, hệ cơ, não bộ, trái tim và các bộ phận khác của cơ thể vận hành trơn tru hiệu quả trong nhiều năm.

Thừa cân, đặc biệt là béo phì, làm suy giảm gần như mọi phương diện của sức khỏe, từ chức năng sinh sản và hô hấp cho đến khả năng ghi nhớ cũng như tâm trạng của chúng ta. Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc một số căn bệnh suy nhược và gây chết người, bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư.

thừa cân béo phì liên quan đến nhiều loại bệnh

Béo phì làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong qua vô số con đường; con đường đơn giản có thể chỉ là khiến bạn bị stress vì cơ thể nặng nề do thừa cân và vài con đường khác thì bao gồm những thay đổi phức tạp ở hormone và quá trình chuyển hóa.

Béo phì làm giảm chất lượng sống và tuổi thọ, cũng như làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cá nhân, sức khỏe quốc gia và sức khỏe toàn cầu. Dù thế, tin mừng là việc giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến tình trạng béo phì. (1) Những người béo phì chỉ cần giảm đi 5 đến 10% khối lượng cơ thể cũng đã đã đem lại cho họ những lợi ích sức khỏe có giá trị, kể cả nếu họ chưa bao giờ có được mức cân nặng “lý tưởng”, và kể cả khi họ chỉ mới bắt đầu giảm cân về sau.

Đã có những cuốn sách chuyên sâu, tập trung viết cụ thể về những ảnh hưởng của béo phì trên nhiều biện pháp kiểm tra sức khỏe. Bài viết này tóm tắt ngắn gọn những mối liên quan giữa béo phì và sức khỏe của người trưởng thành.

Béo phì và bệnh tiểu đường

Cân nặng của cơ thể tác động nhiều nhất đến bệnh tiểu đường loại 2. Trong Nghiên cứu sức khỏe của Y tá (Nurses’ Health Study), theo dõi 114.000 phụ nữ trung niên trong 14 năm, khi bắt đầu nghiên cứu những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể BMI từ 35 trở lên có nguy cơ phát bệnh tiểu đường cao gấp 93 lần những phụ nữ có chỉ số BMI nhỏ hơn 22. Tăng cân trong giai đoạn trưởng thành cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, kể cả ở những phụ nữ có chỉ số BMI thuộc khoảng khỏe mạnh. Nghiên cứu theo dõi chuyên gia y tế (Health Professionals Follow-Up Study) cũng chỉ ra mối liên quan tương tự ở nam giới.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc đánh giá hệ thống 89 nghiên cứu về các bệnh liên quan đến cân nặng và làm một bài tổng kết thống kê, hay còn gọi là bài phân tích tổng hợp, về các dữ liệu thu thập trong nghiên cứu. Trong số 18 căn bệnh liên quan đến cân nặng được nghiên cứu, bệnh tiểu đường thuộc hàng đầu trong danh sách nguy cơ mắc bệnh:

So với nam, nữ giới có chỉ số BMI bình thường (thấp hơn 25), nam giới có chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại II cao gấp 7 lần, và nữ giới có chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 12 lần.

Các tế bào mỡ, đặc biệt là những tế bào tụ tập quanh vùng eo, tiết ra những hormone (kích thích tố) và các chất khác gây ra tình trạng viêm. Mặc dù hiện tượng viêm là một thành phần thiết yếu của hệ thống miễn dịch và cũng là một phần của quá trình điều trị bệnh, hiện tượng viêm bất thường gây ra vô số các vấn đề về sức khỏe.

Tình trạng viêm có thể khiến cơ thể phản ứng kém hơn với insulin và thay đổi cách cơ thể chuyển hóa chất béo và carbohydrate, dẫn đến nồng độ đường trong máu tăng và cuối cùng là bệnh tiểu đường đi kèm nhiều biến chứng. Một số các cuộc thử nghiệm quy mô lớn đã chỉ ra rằng giảm cân vừa đủ có thể phòng chống hoặc trì hoãn khởi phát bệnh tiểu đường ở những người đang có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Béo phì và bệnh tim mạch

Cân nặng của cơ thể có liên quan trực tiếp đến nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch khác nhau. Khi BMI tăng, huyết áp, cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL, hay cholesterol “có hại”), chất béo trung tính tryglicerides, đường trong máu và tình trạng viêm cũng đều tăng theo. Những thay đổi này đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc các bệnh động mạch vành, đột quỵ và tử vong do tim mạch đều tăng:

  • Béo phì và bệnh động mạch vành. Vô số nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan trực tiếp giữa thừa cân và căn bệnh động mạch vành (CAD). Các nhà nghiên cứu cộng tác BMI-CAD (BMI-CAD Collaboration Investigators) đã tiến hành một cuộc phân tích tổng hợp 21 nghiên cứu dài hạn theo dõi hơn 300.000 người tham gia trung bình trong 16 năm. Những người tham gia nghiên cứu bị thừa cân có nguy cơ mắc bệnh CAD (động mạch vành) cao hơn 32% so với những người có cân nặng bình thường; những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 81% so với người có cân nặng bình thường. Mặc dù những điều chỉnh về huyết áp và nồng độ cholesterol có hơi làm giảm các ước tính nguy cơ mắc bệnh này, thì những ước tính nguy cơ mắc bệnh này vẫn tương đối cao đối với người béo phì. Các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng ảnh hưởng của tình trạng thừa cân với huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu chỉ chiếm khoảng một nửa nguy cơ mắc bệnh động mạch vành liên quan đến béo phì.
  • Béo phì và đột quỵ. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (cục máu đông) và bệnh động mạch vành có rất nhiều quá trình phát bệnh và các yếu tố nguy cơ giống nhau. Một bài phân tích tổng hợp 25 nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu (prospective cohort study) với 2,3 triệu người tham gia đã chỉ ra được mối liên quan trực tiếp có phân loại giữa thừa cân và nguy cơ đột quỵ. Thừa cân làm tăng 22% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ, và béo phì tăng 64% nguy cơ bị bệnh này. Tuy nhiên, không có nhiều liên hệ giữa thừa cân hoặc béo phì với đột quỵ do xuất huyết (chảy máu gây ra). Một bài phân tích lặp lại giải thích theo thống kê về việc huyết áp, cholesterol và bệnh tiểu đường làm yếu đi những mối liên quan này, đã gợi ý rằng những yếu tố nguy cơ này là trung gian tác động của béo phì đối với đột quỵ.
  • Béo phì và tử vong do tim mạch. Trong một bài phân tích tổng hợp 26 nghiên cứu quan sát bao gồm 390.000 phụ nữ và đàn ông, thuộc một số nhóm sắc tộc và dân tộc, và nhóm đối tượng nghiên cứu mẫu đến từ Mỹ và những nước khác, béo phì có liên quan lớn đến tử vong do bệnh động mạch vành CAD và các bệnh về tim mạch. Nữ giới có chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ tử vong sớm do CAD cao hơn 62% và cũng có nguy cơ tử vong sớm do bất cứ bệnh tim mạch nào khác cao hơn 53% so với những người phụ nữ có chỉ số BMI thuộc khoảng bình thường (18,5 đến 24,9). Đàn ông có chỉ số BMI từ 30 trở lên tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao tương tự.

Tin mừng là người thừa cân béo phì giảm 5 đến 10% cân nặng cơ thể là đã có thể hạ huyết áp, giảm cholesterol LDL và chất béo trung tính tryglicerides, cũng như giảm các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác.

Béo phì và bệnh ung thư

Mối liên quan giữa béo phì và bệnh ung thư không rõ ràng như mối liên quan với bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Điều này một phần bởi vì thực tế là ung thư không phải là một bệnh đơn lẻ mà là tập hợp nhiều bệnh cá biệt.

Trong một bài đánh giá toàn diện các dữ liệu phát hành năm 2007, một hội đồng chuyên gia do Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (World Cancer Research Fund) và Viện nghiên cứu ung thư Mỹ (American Institute for Cancer Research) thành lập, đã kết luận rằng có bằng chứng thuyết phục về mối liên quan giữa béo phì và các bệnh ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy, ung thư ruột kết và trực tràng, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, và ung thư thận, và có thể có liên quan giữa bệnh béo phì và ung thư túi mật.

Béo bụng và tăng cân trong thời kỳ trưởng thành cũng có liên quan đến một số bệnh ung thư. Một bài phân tích tổng hợp và đánh giá hệ thống sau đó đã xác nhận mối liên quan trực tiếp giữa béo phì và ung thư vú, đại tràng và trực tràng, nội mạc tử cung, thực quản, thận, buồng trứng và tuyến tụy. Đáng khích lệ là, Nghiên cứu sức khỏe của y tá (Nurses’ Health Study) đã phát hiện ra rằng đối với những phụ nữ thừa cân chưa bao giờ sử dụng liệu pháp thay thế hormone, giảm cân sau thời kỳ mãn kinh – cũng như duy trì cân nặng – đã giảm được một nửa nguy cơ mắc bệnh giai đoạn sau mãn kinh.

Béo phì, trầm cảm và chất lượng cuộc sống

Tỉ lệ béo phì và tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao, cũng như mối liên quan của từng bệnh trên với bệnh tim đã thúc giục nhiều nhà điều tra nghiên cứu khám phá mối quan hệ giữa cân nặng và tâm trạng. Một bài phân tích 17 nghiên cứu tiêu biểu kết luận rằng những người bị béo phì có khả năng bị trầm cảm cao hơn những người có mức cân nặng lành mạnh.

Bởi vì những nghiên cứu này bao gồm bài phân tích đánh giá cân nặng và tâm trạng chỉ tại một thời điểm nên các nhà nghiên cứu không thể khẳng định rằng liệu béo phì làm tăng nguy cơ trầm cảm hay trầm cảm làm tăng nguy cơ béo phì. Bằng chứng mới đây xác nhận rằng mối quan hệ giữa béo phì và trầm cảm có thể là hai chiều:

Một bài phân tích tổng hợp 15 nghiên cứu dài hạn theo dõi 58.000 người tham gia kéo dài đến 28 năm kết luận rằng những người béo phì khi bắt đầu nghiên cứu có nguy cơ trầm cảm cao hơn 55% vào cuối giai đoạn nghiên cứu và những người bị trầm cảm khi bắt đầu nghiên cứu có nguy cơ bị béo phì cao hơn 58%.

Mặc dù mối liên quan về mặt sinh học giữa béo phì và trầm cảm cuối cùng vẫn chưa được làm rõ, nhưng mối liên quan này có thể có những biểu hiện bao gồm sự kích hoạt tình trạng viêm, sự thay đổi trục thượng thận-tuyến yên-dưới đồi (hypothalamic-pituitary-adrenal axis), tình trạng kháng insulin và các yếu tố văn hóa xã hội.

Các nghiên cứu về ảnh hưởng của béo phì đối với kết quả sức khỏe cụ thể ví dụ như là tiểu đường hoặc trầm cảm chỉ mới đưa ra một cái nhìn thoáng qua về tác động toàn diện của béo phì đối với sức khỏe và an sinh. Chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe (HRQoL/Health-related quality of life) tích hợp cả ảnh hưởng của béo phì (hoặc bất cứ tình trạng bệnh lý nào khác) đối với các mặt xã hội, tâm lý, thể chất. Mặc dù HRQoL vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối non trẻ, nhiều nghiên cứu đã đánh giá tác động toàn diện của béo phì đối với HRQoL. Trong 32 nghiên cứu ở người trưởng thành, đa số chứng minh rằng béo phì có liên quan lớn đến việc suy giảm HRQoL, so với cân nặng bình thường. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra mối liên quan tương tự giữa 5 nghiên cứu HRQoL ở trẻ em và trẻ vị thành niên.

Béo phì và khả năng sinh sản

Béo phì có thể ảnh hưởng đến vô số phương diện của chức năng sinh sản của cơ thể, từ hoạt động tình dục cho đến khả năng thụ thai.

Ở phụ nữ, mối liên quan giữa béo phì và vô sinh, chủ yếu là vô sinh rụng trứng, được biểu thị bằng một đường cong hình chữ U cơ bản. Trong Nghiên cứu sức khỏe y tá (Nurses’ Health Study), những phụ nữ có chỉ số BMI thuộc khoảng 20 và 24 có ít khả năng vô sinh nhất, và khả năng vô sinh tăng lên theo chỉ số BMI cao hơn hoặc thấp hơn khoảng đó.

Nghiên cứu này đề xuất rằng 25% trường hợp vô sinh buồng trứng ở Mỹ có thể là do béo phì. Trong thời gian mang thai, béo phì có thể làm tăng khả năng sảy thai sớm hoặc muộn, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và biến chứng trong chuyển dạ và sinh nở. Nó cũng làm tăng thêm xác suất mang thai bị dị tật bẩm sinh. Một cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên quy mô nhỏ cũng đề xuất rằng giảm cân vừa phải cải thiện khả năng sinh nở ở những phụ nữ béo phì.

Ảnh hưởng của béo phì đối với bệnh vô sinh ở nam giới thì không rõ ràng bằng. Trong một nghiên cứu do Hammoud và các cộng sự thực hiện, tỉ lệ mắc mới bệnh giảm tinh trùng (oligospermia) và bệnh tinh trùng di chuyển kém (asthenospermia) tăng theo chỉ số BMI, lần lượt từ 5,3% và 4,5%, ở nam giới có cân nặng bình thường đến 15,6% và 13,3% ở nam giới bị béo phì. Ngược lại, một nghiên cứu do Chavarro và các đồng nghiệp thực hiện đã phát hiện ra rằng cân nặng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của tinh dịch ngoại trừ những trường hợp có chỉ số BMI cao nhất (trên 35), bất kể những khác biệt chính trong nồng độ hormone sinh sản với cân nặng tăng.

Chức năng tình dục có thể cũng bị ảnh hưởng bởi bệnh béo phì. Dữ liệu từ Nghiên cứu theo dõi chuyên gia y tế (Health Professionals Follow-Up Study), Khảo sát đánh giá dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia (National Health and Nutrition Examination Survey – NHANES), và Nghiên cứu lão hóa ở nam giới Massachusetts (Massachusetts Male Aging Study) phát hiện ra rằng tình trạng phát sinh rối loạn khả năng cương cứng dương vật sẽ tăng theo chỉ số BMI tăng. Cần chú ý là, việc giảm cân có vẻ như có chút hữu ích trong việc duy trì khả năng cương cứng của nam giới.

Ảnh hưởng của béo phì đối với khả năng tình dục của nữ giới thì không rõ ràng như ở nam giới. Trong một nghiên cứu của Pháp mới đây, phụ nữ béo phì thừa nhận là khả năng họ có bạn tình trong 12 tháng trước nghiên cứu kém hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường, nhưng tỉ lệ hiện hành của chứng rối loạn chức năng tình dục ở cả hai giới đều tương tự nhau. Trong một khảo sát quy mô nhỏ hơn gồm 118 người phụ nữ tham gia, Esposito cùng các cộng sự đã phát hiện ra rằng những người phụ nữ bị béo phì có số điểm thấp hơn trên Bảng chỉ số chức năng tình dục ở nữ giới (Female Sexual Function Index), với sự tương liên giữa chỉ số BMI tăng và vấn đề phát sinh ở những phương diện bao gồm khơi gợi hứng thú, bôi trơn âm đạo, cực khoái và khoái cảm.

Béo phì và bệnh về hô hấp/chức năng của phổi

Thừa cân làm suy yếu chức năng hô hấp của cơ thể thông qua con đường chuyển hóa và con đường cơ học. Việc tích lũy mỡ bụng, ví dụ là sẽ hạn chế sự lên xuống của cơ hoành và kéo theo đó hạn chế giãn nở ở phổi, trong khi đó mỡ nội tạng được tích lũy có thể làm giảm độ linh hoạt của thành ngực, chúng ngầm phá hoại sức mạnh cơ của hệ hô hấp, và thu hẹp đường dẫn khí ở trong phổi. Những chất Cytokines thải ra do tình trạng viêm cấp độ nhẹ vốn đi kèm với tình trạng béo phì có thể còn cản trở chức năng của phổi.

Hen suyễn và khó thở khi ngủ là hai bệnh hô hấp phổ biến có liên quan đến béo phì. Trong một bài phân tích tổng hợp 7 nghiên cứu tiền cứu bao gồm 333.000 đối tượng tham gia, béo phì làm tăng đến 50% nguy cơ phát sinh bệnh hen suyễn ở cả nam giới và nữ giới. Béo phì cũng là một yếu tố chính góp phần vào chứng khó thở khi ngủ (OSA), hội chứng ước tính ảnh hưởng xấp xỉ 1/5 người trưởng thành; cứ một trong 15 người mắc phải chứng khó thở khi ngủ mức độ vừa hoặc mắc độ nặng. Tình trạng này có liên quan đến việc buồn ngủ vào ban ngày, các tai nạn, chứng tăng huyết áp, bệnh tim mạch và tử vong sớm. Trong khoảng từ 59% và 75% những người mắc OSA đều bị béo phì. Những cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy giảm cân vừa phải có thể có tác dụng trong việc điều trị chứng khó thở khi ngủ.

Béo phì, khả năng ghi nhớ và khả năng nhận thức

Bệnh Alzheimer và chứng mất trí là tai họa đối với nhóm dân số có nguyện vọng sống thọ. Ở Mỹ, những bệnh này ảnh hưởng đến hơn 7,5 triệu người, phần lớn trong số họ đều trên 65 tuổi. Khi đến tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer dự đoán là 17,2% ở nữ giới và 9,1% ở nam giới. Cân nặng cơ thể là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể cải biến được của bệnh Alzheimer và chứng mất trí.

Một bài phân tích tổng hợp 10 nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu gồm gần 42.000 đối tượng tham gia từ 3 đến 36 tháng đã chỉ ra mối liên hệ hình chữ U giữa chỉ số BMI và bệnh Alzheimer. So với việc thuộc khoảng cân nặng bình thường, thiếu cân cũng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn đến 36%, trong khi béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn đến 42%. Càng nghiên cứu lâu thì mối liên hệ càng rõ ràng chặt chẽ hơn. Một phân tích tổng hợp gần đây đã chứng minh mối liên quan chặt chẽ tương tự giữa béo phì và bệnh Alzheimer.

Béo phì và các rối loạn cơ xương

Thừa cân gây áp lực cơ học và áp lực chuyển hóa lên hệ xương, hệ cơ và khớp của cơ thể. Ở Mỹ, ước tính 46 triệu người trưởng thành (tỉ lệ khoảng 1/5) được bác sĩ chẩn đoán bị viêm khớp. Thoái hóa khớp đầu gối và hông đều có liên quan rõ ràng đến bệnh béo phì và những bệnh nhân bị béo phì chiếm khoảng 1/3 mọi ca phẫu thuật thay thế khớp. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ đau lưng, đau cánh tay cẳng chân, và tàn tật do tình trạng bệnh về cơ xương.

Béo phì và các bệnh trạng khác

Rất nhiều hậu quả sức khỏe khác đều liên quan đến tình trạng thừa cân. Bao gồm phát bệnh sỏi mật ở nam giới và nữ giới, cũng như là bệnh gout, bệnh thận mãn tính, và bệnh gan nhiễm mỡ không do uống rượu bia.

Béo phì và tử vong

Với những tai hại của béo phì về các phương diện sức khỏe, thì cũng dễ hiểu thôi khi những bệnh đó cũng làm giảm khả năng sinh tồn hay làm tăng khả năng tử vong sớm ở chúng ta. Tuy nhiên, việc khẳng định rằng béo phì góp phần tăng tỉ lệ tử vong sớm vẫn gây tranh cãi và có vấn đề ở phương pháp luận.

Hai trong số những vấn đề lớn nhất mà các nhà nghiên cứu phải giải quyết là hệ quả đảo ngược (reverse causation) – nhẹ cân thường là kết quả hơn là nguyên nhân của bệnh kinh niên – và ảnh hưởng của việc hút thuốc. Những người có chỉ số BMI thấp hơn 25 là tập hợp gồm những người khỏe mạnh và những người bị sụt cân do bệnh ung thư hoặc một số bệnh khác có thể đã hoặc có thể chưa được chẩn đoán.

Việc hút thuốc cũng làm vấn đề thêm rối rắm bởi vì người hút thuốc có xu hướng nhẹ cân hơn những người không hút. Khi vẫn chưa hoàn toàn lý giải được hệ quả đảo ngược và tác dụng phụ của việc hút thuốc, thì tỉ lệ tử vong ở người gầy sẽ bị thổi phồng và tỉ lệ này ở những người thừa cân và béo phì sẽ bị giảm đi. Đó chính là vấn đề xảy ra với một nghiên cứu được công bố rộng rãi dựa trên dữ liệu từ NHANES, nghiên cứu này ước tính có tương đối ít ca tử vong liên quan đến thừa cân béo phì. Một bài phê bình kỹ càng sử dụng dữ liệu của NHANES để dự tính tỉ lệ tử vong chứng minh rằng việc chỉnh sửa những sai số thống kê làm tăng lên đáng kể con số dự đoán của các ca tử vong được cho là do béo phì.

Kết quả từ những nghiên cứu có quy mô lớn hơn mà giải thích được chính xác hơn về hệ quả đảo ngược và việc hút thuốc chỉ ra rằng tăng cân làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư và các nguyên nhân khác. Trong một nghiên cứu đoàn hệ gồm 1 triệu người tham gia trong 14 năm, các nhà nghiên cứu đã giới hạn phân tích của họ ở những người ban đầu khỏe mạnh không hút thuốc. Nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, bệnh tim, ung thư hoặc các bệnh khác đều tăng lên khi chỉ số BMI tăng vượt khoảng lành mạnh 23,5 đến 24,9 ở nam giới và 22,0 đến 23,4 ở nữ giới. Mối liên quan tương tự giữa cân nặng và khả năng tử vong được quan sát thấy ở một phân tích kỹ càng khác về 5 nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu và một nghiên cứu tiền cứu gồm hơn 500.000 nam nữ cao tuổi trong nghiên cứu AARP/ Viện sức khỏe quốc gia (National Institutes of Health/AARP study).

Lời kết

Béo phì gây hại đến gần như mọi mặt của sức khỏe, từ việc rút ngắn cuộc sống và góp phần làm phát sinh các bệnh kinh niên như là tiểu đường và bệnh tim mạch đến cản trở khả năng tình dục, khả năng hít thở, tâm trạng và tương tác xã hội.

Người béo phì không nhất thiết bị gắn vào tình trạng này vĩnh viễn. Ăn kiêng, tập thể dục, dùng thuốc thậm chí là phẫu thuật có thể giúp bạn giảm cân. Tuy vậy, giảm cân thì khó hơn rất rất nhiều so với việc tăng cân.

Phòng ngừa béo phì nên bắt đầu từ khi còn trẻ và kéo dài cả cuộc đời, nhờ vậy nó có thể cải thiện rất nhiều sức khỏe cá nhân và sức khỏe cộng đồng, giảm đi những đau đớn mà bạn phải chịu cũng như tiết kiệm hàng tỉ đô la chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment