Thừa cân, béo phì gây tốn kém kinh tế

Bạn sẽ phải trả giá cho số cân nặng thừa ra của cơ thể mình

Thừa cân gây hại cho sức khỏe bằng rất nhiều cách. Nó làm tăng nguy cơ phát sinh nhiều bệnh như là tiểu đường, bệnh tim, thoái hóa khớp và một số bệnh ung thư, đây mới chỉ điểm qua vài căn bệnh mà thôi, đấy là còn chưa kể nó cũng làm giảm cả tuổi thọ nữa. Điều trị béo phì và các tình trạng bệnh liên quan đến béo phì tiêu tốn hàng tỉ đô la mỗi năm.

Theo một ước tính, Mỹ chi 190 tỉ đô la cho các chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến bệnh béo phì vào năm 2005 – gấp đôi con số ước tính trước đó. Gánh nặng kinh tế to lớn này cũng như thiệt hại khổng lồ mà tình trạng thừa cân gây ra cho sức khỏe và an sinh đang bắt đầu dấy lên nhận thức trong chính trị toàn cầu rằng các cá nhân, cộng đồng, các bang, các quốc gia và các tổ chức quốc tế phải thực hiện thêm các hành động nhằm ngăn chặn cơn thủy triều béo phì đang ngày càng dâng cao này.

béo phì gây tốn kém về kinh tế

Chi phí trực tiếp và gián tiếp của bệnh béo phì

Hai loại chi phí liên quan đến điều trị béo phì và các bệnh liên quan:

Chi phí trực tiếp là những chi phí từ các dịch vụ y tế nội trú và ngoại trú (bao gồm cả phẫu thuật), xét nghiệm phóng xạ và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, và liệu trình điều trị bằng thuốc.

Chi phí gián tiếp, loại chi phí được định nghĩa là “những thiệt hại không lấy lại được do bệnh tật gây ra” chia thành nhiều loại sau:

  • Thiệt hại do nghỉ việc. Những ngày không đi làm đều là thiệt hại với cả nhân viên (mất lương) và người thuê lao động (công việc lỡ dở chưa xong). Những nhân viên bị béo phì bỏ lỡ nhiều ngày công hơn do họ xin nghỉ ngắn ngày, không có khả năng đi làm thời gian dài, và tử vong sớm so với những nhân viên không bị béo phì. Họ cũng có thể làm việc chưa hết khả năng (còn biết đến dưới thuật ngữ presenteeism – người lao động ở lại làm thêm ngoài giờ để chứng minh bản thân làm lụng chăm chỉ với chủ thuê lao động).
  • Chi phí bảo hiểm. Nhà tuyển dụng trả chi phí bảo hiểm nhân thọ cao hơn và trả chi phí đền bù lao động cho những nhân viên béo phì nhiều hơn là những nhân viên không béo phì.
  • Lương. Vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì liên quan đến mức lương thấp và mức thu nhập gia đình thấp.

Những chi phí gián tiếp thường khó xác minh và khó tính toán hơn những chi phí trực tiếp.

Nhìn chung chi phí tiêu tốn cho béo phì đang tăng

Trong một trong những bài phân tích sớm nhất, Colditz xem xét chi phí trực tiếp và gián tiếp ở Mỹ tiêu tốn cho 6 bệnh liên quan đến béo phì – tiểu đường loại 2, huyết áp cao, bệnh tim mạch, bệnh sỏi mật, ung thư ruột kết và ung thư vú hậu mãn kinh – và đã xác định được phần trăm chi phí tiêu tốn cho béo phì. Ông ta ước tính rằng vào năm 1986, béo phì là nguyên nhân của 5,5% các chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến những bệnh này, hay khoảng 39 tỉ đô la. Những báo cáo sau đó về chi phí tiêu tốn cho những bệnh liên quan đến béo phì (chi phí trực tiếp) được ghi nhận tăng đều đặn trong tổng chi phí tiêu tốn cho bệnh béo phì của những năm vừa qua, khi nạn dịch này đã phát triển.

Một ước tính của Finkelstein và các cộng sự được trích dẫn rộng rãi, dựa trên những dữ liệu từ Khảo sát chi phí y tế của Mỹ (U.S. Medical Expenditure Panel Survey – MEPS), chỉ ra rằng béo phì là nguyên nhân của khoảng 6% chi phí y tế năm 1998, hay khoảng 42 tỉ đô la (theo tỉ giá đô la năm 2008). Đến năm 2006, béo phì là nguyên nhân của gần 10% chi phí y tế —gần 86 tỉ đô la một năm. Chi phí cho các bệnh liên quan đến béo phì ước tính chiếm 8,5% chi phí Y tế Medicare, 11,8% chi phí Medicaid và 12,9% chi phí cá nhân tự trả tiền.

MEPS ước tính chi phí chăm sóc sức khỏe thấp hơn một chút so với thực tế, bởi vì nó không tính những người sống trong các viện (tổ chức), và theo đó có thể có sức khỏe kém hơn dân số nói chung. Vì vậy khi Finkelstein và các cộng sự xem xét bộ dữ liệu chi phí chăm sóc sức khỏe “tiêu chuẩn vàng” ở Mỹ (the National Health Expenditure Accounts dataset), họ tính toán rằng béo phì có thể là nguyên nhân lên đến 147 tỉ đô la chi phí chăm sóc sức khỏe năm 2006.

Gần đây hơn, Cawley và Meyerhoefer đưa ra những tiêu đề dự đoán rằng béo phì chiếm 21% chi phí y tế – 190 tỉ đô năm 2005 – gấp hơn hai lần so với dự toán trước đó của Finkelstein và các cộng sự từ dữ liệu MEPS. Cawley và Meyerhoefer cũng sử dụng dữ liệu MEPS để đưa ra ước tính. Nhưng họ sử dụng một phương pháp khác và có tiềm năng chính xác hơn trong việc tính toán chi phí, có tên gọi là “phương pháp biến công cụ” (instrumental variable approach). Phương pháp này xem xét đến mối quan hệ hai chiều của béo phì và bệnh kinh niên, bằng cách sử dụng chỉ số BMI của một đứa trẻ sinh học (con ruột) làm biến đại diện cho chỉ số BMI của cá nhân.

Khi nhìn vào tương lai, các nhà nghiên cứu đã dự tính rằng đến năm 2030, nếu xu hướng béo phì vẫn tiếp tục không được kiểm soát, chỉ riêng các chi phí y tế liên quan đến bệnh béo phì có thể tăng từ 48 đến 66 tỉ đô một năm ở Mỹ.

Các nước có tỉ lệ béo phì thấp hơn Mỹ chi phần tiền chăm sóc sức khỏe cho béo phì ít hơn, nhưng gánh nặng thì cũng vẫn to lớn lắm. Xem bảng bên dưới:

Quốc gia Chi phí liên quan đến béo phì
(% của tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe)
Năm công bố
Brazil 3.0–5.8 2007
Trung Quốc 3.4 2008
Canada 2.9 2001
Pháp 0.7–1.5 2000
Nhật Bản 3.2 2007
Thụy Điển 2.3 2005
Hoa Kỳ 20.6 2012

Tính toán chi phí tiêu tốn cho béo phì theo đầu người

Một số nhà điều tra đã đánh giá chi phí béo phì ở mức độ cá nhân. Finkelstein và các cộng sự đã phát hiện ra vào năm 2006 rằng chi phí y tế theo đầu người tăng thêm 1.429 đô (tăng thêm 42%) ở những người béo phì so với những người có cân nặng bình thường. Trong khi đó Cawley và Meyerhoefer cũng nhận thấy rằng chi phí y tế theo đầu người cao hơn 2.741 đô la Mỹ ở những người béo phì so với những người không bị béo phì – tăng 150%.

Thompson và các cộng sự kết luận rằng, tính theo cả đời người thì chi phí tiêu tốn cho béo phì theo đầu người bằng chi phí tiêu cho việc hút thuốc. Ở nam giới trung tuổi, việc điều trị năm bệnh liên quan đến béo phì (đột quỵ, bệnh động mạch vành, tiểu đường, tăng huyết áp và tăng nồng độ cholesterol trong máu) dẫn đến tiêu tốn nhiều hơn gần 9.000 đến 17.000 đô la Mỹ so với những người trưởng thành có cân nặng bình thường.

Lời kết: Phòng chống béo phì là giải pháp để cắt giảm chi phí cao tiêu tốn cho bệnh béo phì

Hiểu biết rõ ràng về về chi phí tiêu tốn cho béo phì có thể sẽ thúc đẩy thêm những chương trình cấp bách và có quy mô lớn hơn nhằm phòng chống và điều trị căn bệnh béo phì. Trong khi Mỹ đã đầu tư vào việc phòng chống béo phì, với chương trình tiên phong “Hãy cùng vận động” của Đệ nhất phu nhân Mỹ (First Lady’s “Let’s Move”) và Toàn thể cộng đồng chung tay phòng chống béo phì trong công việc (Communities Putting Prevention to Work), những nỗ lực này biểu thị những bước tiến tương đối ngắn về phía trước, và việc gây quỹ phòng chống bảo vệ sức khỏe công trong tương lai vẫn còn có nguy cơ. Để có thể tạo ra những tiến bộ thực sự, những chương trình tiên phong này nên là một phần của những nỗ lực chung của nhiều bên bao gồm chính quyền bang và chính quyền quốc gia, các tổ chức y tế và tổ chức phi lợi nhuận, các công ty sản xuất thực phẩm, các nhà quảng cáo và tất cả mọi người để biến mức cân nặng lành mành trở thành một điều bình thường chứ không phải là ngoại lệ như bây giờ.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment