Béo phì ở người trưởng thành

Quan sát đánh giá tỉ lệ béo phì đang gia tăng trên toàn cầu

Béo phì thực sự đã trở thành một vấn đề trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến cả nước giàu và nước nghèo. Như thế thì có bao nhiêu đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì? Đó là một câu hỏi bình thường – và cũng là một câu hỏi khó ngờ đợi các nhà nghiên cứu giải đáp.

Vấn đề này nằm ở quy mô lớn. Dữ liệu từ vài khu vực thì không đồng đều. Vì vậy dự đoán về nhóm này có hơi khác với ước tính về nhóm kia. Nhưng mọi dữ liệu đều chỉ ra rằng tỉ lệ béo phì toàn cầu tăng khủng khiếp trong vòng ba thập kỷ qua – cũng như kết luận rằng nạn dịch béo phì này không có dấu hiệu suy giảm nếu không có những nỗ lực chuyên biệt nhằm đánh bại nó.

béo phì ở người trưởng thành

Một trong những ước tính toàn cầu cẩn thận và gần đây nhất cho thấy khoảng 500 triệu người trưởng thành bị béo phì (theo định nghĩa là chỉ số khối cơ thể hay BMI từ 30 trở lên). Như thế là gần 10% đàn ông và 14% phụ nữ – và gần gấp đôi tỉ lệ béo phì năm 1980. Gần 1,5 tỉ người trưởng thành bị thừa cân hoặc béo phì (theo định nghĩa là chỉ số BMI từ 25 trở lên).

Dữ liệu về béo phì ở trẻ em thì ít ỏi hơn, nhưng một ước tính toàn cầu kết luận rằng vào năm 2010, 43 triệu trẻ mầm non bị béo phì hoặc thừa cân, theo mức chuẩn quốc tế mới về thừa cân béo phì trẻ em, và tỉ lệ béo phì vẫn tăng đều đặn ở trẻ mầm non từ những năm 1990. Nếu không có hành động giải quyết nạn dịch này, đến năm 2030 dự đoán hơn 1 tỉ người trưởng thành sẽ bị béo phì.

Không lâu trước đây, béo phì chủ yếu vẫn chỉ là vấn đề của người giàu, đa số ở những nước giàu. Toàn cầu hóa, dù thế đã khiến toàn thế giới có nhiều của cải hơn. Và khi cán cân thu nhập của các nước nghèo tăng lên, và mọi người chuyển đổi từ sinh sống bằng cách ăn uống truyền thống sang ăn uống quá nhiều kiểu ăn của phương Tây, béo phì trở thành một căn bệnh của người nghèo. Kết quả:

Trong vài thập kỷ qua, béo phì đã thầm lặng biến thành một “đại dịch” ở những nước đang phát triển.

Một nghịch lý của cái được gọi là “thời kỳ quá độ của dinh dưỡng” đó là kể cả khi tỉ lệ béo phì tăng, tình trạng thiếu cân vẫn còn dai dẳng, đôi khi còn xuất hiện ngay trong cùng hộ gia đình có tình trạng béo phì. Những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thường phải đối mặt với một gánh nặng kép – các bệnh truyền nhiễm đi kèm tình trạng kém dinh dưỡng, và các căn bệnh suy nhược mãn tính đang gia tăng có liên quan đến béo phì và lối sống kiểu phương Tây.

Bài viết này tóm lược tổng quan các xu hướng béo phì toàn cầu ở người trưởng thành. Thừa cân là tình trạng có chỉ số BMI từ 25 đến 29,9. Kiểu phân loại kết hợp “thừa cân và béo phì” chỉ những người có chỉ số BMI từ 25 trở lên. Bởi vì người châu Á có nguy cơ mắc những bệnh liên quan đến cân nặng cao hơn dù họ ở mức chỉ số BMI thấp hơn, một số nước châu Á dùng ngưỡng chỉ số thấp hơn để định nghĩa thừa cân và béo phì. Nhưng dựa trên mục đích của bài viết này, giả sử rằng nghiên cứu đã áp dụng giao điểm BMI ở người trưởng thành theo chuẩn quốc tế là 25 để chỉ thừa cân và 30 để chỉ béo phì, trừ trường hợp nêu cụ thể theo cách khác.

Bắc Mỹ

Đọc hết các thông tin truyền thông đưa về con số người bị béo phì mới nhất ở Mỹ, và có thể bạn tưởng rằng nước này đã vượt qua được nạn dịch béo phì: “Tỉ lệ béo phì của người Mỹ đã chạm đến mức bình ổn, Dữ liệu CDC cho biết”, và “Tin mừng: Tỉ lệ béo phì chững lại.” Nhưng những tiêu đề lạc quan đó chỉ nói được một phần của câu chuyện mà thôi. Trong khi nhìn chung tỉ lệ béo phì ở Mỹ đã giữ vững từ năm 2003, thì chúng đã tăng gấp đôi kể từ năm 1980. Chúng vẫn ở mức cao đến đáng lo ngại – cao nhất trong tất cả các nước thu nhập cao trên thế giới. Và béo phì gây thiệt hại nghiêm trọng hơn ở các nhóm dân tộc và sắc tộc Mỹ so với các nhóm khác, với tỉ lệ béo phì vẫn đang tiếp tục tăng. Xem xét cụ thể hơn về số lượng người trưởng thành Mỹ thì:

  • Khoảng 2 trong 3 người Mỹ trưởng thành bị thừa cân hoặc béo phì (69%) và 1 trong 3 người bị béo phì (36%).
  • Người trưởng thành da đen không phải gốc Tây Ban Nha, người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Mexico có tỉ lệ béo phì cao hơn người trưởng thành da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
  • Phụ nữ da đen không phải gốc Tây Ban Nha có tỉ lệ béo phì cao nhất ở Mỹ – gần 59%, so với 44% ở phụ nữ Mỹ gốc Mexico, 41% phụ nữ gốc Tây Ban Nha và 33% phụ nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
  • Mặc dù tỉ lệ béo phì nói chung ở Mỹ vẫn giữ vững từ năm 2003, thì tỉ lệ béo phì ở đàn ông, phụ nữ da đen không phải gốc Tây Ban Nha và phụ nữ Mỹ gốc Mexico vẫn tiếp tục tăng.
  • Nếu các xu hướng ở Mỹ tiếp tục không suy giảm, đến năm 2030, ước tính có khoảng một nửa số nam giới và nữ giới trưởng thành sẽ bị béo phì.

Tỷ lệ béo phì ở Canada không cao bằng ở Mỹ, nhưng Canada đã ghi nhận tỉ lệ béo phì gia tăng tương tự trong ba thập kỷ qua. Năm 1979, 14% người Canada trưởng thành bị béo phì. Đến năm 2008, 25% số người trưởng thành bị béo phì, và 62% bị thừa cân hoặc béo phì. Béo phì cũng phổ biến hơn ở nhóm người thổ dân Canada so với các nhóm khác: Các cuộc điều tra từ 2007-2008 cho thấy tỷ lệ béo phì là 25% trong nhóm thổ dân sống ngoài khu bảo tồn, so với 17% ở nhóm dân số không phải thổ dân.

Trung và Nam Mỹ

Có rất nhiều dữ liệu dài hạn về tỷ lệ béo phì ở Trung và Nam Mỹ. Không giống như ở Mỹ, nơi thường có nhiều cuộc điều tra quốc gia nhằm đánh giá chỉ số BMI ở mọi nhóm tuổi, nhiều quốc gia Trung và Nam Mỹ có khuynh hướng tiến hành các cuộc khảo sát quy mô nhỏ hơn, giả như điều tra về các kiểu chỉ số BMI ở nhóm cư dân thành phố hoặc trong các nhóm tuổi cụ thể mà có thể không đưa ra được toàn cảnh chính xác về xu hướng béo phì. Tuy nhiên xem xét tổng hợp thì các cuộc khảo sát này chỉ ra được Trung và Nam Mỹ đã ghi nhận chỉ số BMI tăng đều trong ba thập kỷ qua, cũng như là tỷ lệ béo phì hiện tại sánh với tỉ lệ béo phì ở Mỹ và Canada. Xem xét kỹ hơn dữ liệu khu vực thì:

  • Từ 1980 đến 2008, Finucane và các cộng sự ước tính rằng BMI trung bình ở phụ nữ Trung Mĩ Latinh và Nam Mĩ Latinh tăng 1,3 và 1,4 đơn vị mỗi thập kỷ. Nam giới ở những khu vực này cũng có tỉ lệ béo phì tăng tương tự, dù không tăng nhanh như ở phụ nữ.
  • Năm 2008, hơn 30% nữ giới ở Trung và Nam Mĩ Latinh bị béo phì, theo như ước tính của Finucane, và khoảng 25% nam giới ở Nam Mĩ Latinh và 20% nam giới ở Trung Mĩ Latinh bị béo phì.
  • Ở Mexico, một báo cáo mới đây dựa trên dữ liệu thu thập trên toàn Mexico, kết luận rằng khoảng 30% người Mexico trưởng thành bị béo phì và 70% bị thừa cân hoặc béo phì, tăng 12% kể từ năm 2000. Ba trong bốn người Mexico trưởng thành bị béo phì vùng bụng, và phụ nữ có tỉ lệ béo phì và béo phì vùng bụng cao hơn nam giới.

Có bằng chứng cho thấy Mexico và các nước khác ở Trung và Nam Mỹ đã đang phải hứng chịu gánh nặng của béo phì từ người giàu cho đến người nghèo. Ví dụ như ở Mexico, nhóm dân số giàu hơn vẫn có tỉ lệ béo phì cao hơn những nhóm kinh tế xã hội thấp hơn. Nhưng không có cách biệt lớn về chỉ số BMI trung bình giữa những khu vực phát triển hơn của Mexico miền Bắc và những khu vực kém phát triển hơn ở miền Nam. Trong khi đó ở Brazil, từ 1975 đến 2003, tỉ lệ béo phì tăng nhanh hơn nhiều ở nhóm người có thu nhập thấp so với nhóm dân số giàu nhất; đến năm 2003, cách biệt tỉ lệ béo phì giữa đàn ông giàu có và đàn ông thu nhập thấp đã thu hẹp, và cách biệt tỉ lệ béo phì giữa phụ nữ đã hầu như biến mất.

Châu Âu và Trung Á

Nạn dịch béo phì ở châu Âu có lẽ còn lâu mới phản ánh đồng bộ được cảnh quan văn hóa và kinh tế đa dạng của châu Âu. Nhưng rõ ràng là tỉ lệ béo phì đang tăng lên trên khắp lục địa này, dù không tăng mạnh hoặc tăng nhiều như ở Mỹ.

Một khó khăn khi theo dõi các xu hướng cân nặng trên khắp châu Âu đó là một số nước, đặc biệt là những nước thuộc khối Xô Viết cũ chỉ có những dữ liệu ít ỏi. Nhưng ước tính chính xác nhất hiện có cho thấy trong vòng 30 năm qua, BMI trung bình  ở nam giới Tây và Trung Âu đã tăng nhanh hơn một chút so với Đông Âu và Trung Á (lần lượt là 0,6 , 0,4 , 0,2 , và 0,2 đơn vị mỗi thập kỷ). BMI trung bình ở nữ giới vẫn tương đối ổn định ở Đông Âu và Trung Âu và Trung Á – một số rất ít nơi trên toàn cầu ghi nhận xu hướng như thế – và tăng 0,4 đơn vị mỗi thập kỷ ở Tây Âu.

Năm 2008, đàn ông Tây và Trung Âu có tỉ lệ béo phì cao hơn đàn ông Đông Âu (20-25% so với 15-20%). Tỉ lệ béo phì cao hơn ở phụ nữ Đông Âu (25-30%) so với phụ nữ Tây Âu (15-20%) hoặc Trung Âu (20-25%). Không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều phát hiện được đặc điểm này ở phụ nữ Đông Âu, tuy nhiên là có thêm dữ liệu từ khu vực này có thể giúp làm rõ những xu hướng này.

Nội trong khu vực Tây Âu, có sự cách biệt rõ rệt giữa tỉ lệ béo phì của từng nước. Ví dụ như vào năm 2008, BMI trung bình ở vương quốc Anh cao nhất trong khu vực Tây Âu – 27,4 ở nam giới và 26,9 ở nữ giới. Trong khi đó Pháp và Thụy Sĩ có chỉ số BMI thấp hơn nhiều – lần lượt là 25,9 và 26,2 ở nam giới và 24,8 và 24,1 ở nữ giới. Tỉ lệ béo phì của vương quốc Anh đã tăng khoảng 1% mỗi năm kể từ giữa những năm 1990, và vào năm 2009, khoảng 25% số người trưởng thành ở vương quốc Anh bị béo phì và 57% bị thừa cân.

Bắc Phi và Trung Đông

Dữ liệu ở những nước thuộc Bắc Phi và Trung Đông không nhiều, nhưng kể cả như thế, có bằng chứng xác đáng cho thấy tỉ lệ béo phì đang trên đà gia tăng. Các nhà nghiên cứu đã quan sát cẩn thận hơn các xu hướng béo phì ở 6 nước thuộc Vành đai Ả Rập/Arabian Gulf (Oman, Bahrain, Liên minh các tiểu vương quốc Ả Rập, Ả Rập Saudi, Qatar, và Kuwait), bởi vì những nước này có của cải – và cân nặng – tăng rất nhiều kể từ khi phát hiện ra các quặng trữ dầu vào những năm 1960.

Ngày nay, tỉ lệ béo phì ở một số nước thuộc các nước Vành đai Ả Rập có thể sánh với hoặc còn vượt cả tỉ lệ béo phì ở Mỹ: chẳng hạn như ở Ả Rập Saudi, các cuộc điều tra mới đây cho thấy rằng 28% nam giới và 44% nữ giới bị béo phì, và 66% nam giới và 71% nữ giới bị thừa cân hoặc béo phì. Ở Kuwait, 36% nam giới và 48% nữ giới bị béo phì trong khi 74 % nam giới và 77% nữ giới bị thừa cân hoặc béo phì. Mặc dù tỉ lệ béo phì ở nữ giới trong khu vực cao hơn nam giới, nhưng dường như tỉ lệ này đang tăng nhanh nhanh hơn ở đàn ông so với phụ nữ.

Khu vực Châu Phi cận sa mạc Sahara

Sự quan tâm chú ý của y tế công trước đây tập trung vào vấn đề thiếu dinh dưỡng hơn là tình trạng thừa dinh dưỡng ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara. Thế nhưng ngày nay, béo phì và các bệnh mãn tính đi kèm đã trở thành một vấn đề đang diễn ra nhanh hơn trên toàn lục địa rộng lớn và đa dạng này. Một số người đã gọi béo phì là “nạn dịch thầm lặng”, nó xâm nhập vào những quốc gia vẫn đang phải vật lộn với các gánh nặng y tế và kinh tế của tình trạng kém dinh dưỡng, còi cọc, bệnh truyền nhiễm, và tỉ lệ tử vong cao khi còn nhỏ.

Tương tự như ở những khu vực đang phát triển khác, các nghiên cứu tiêu biểu cấp quốc gia về béo phì ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara vẫn còn ít. Mặc dù thế, những nghiên cứu sẵn có chỉ ra rằng tỉ lệ béo phì dao động mạnh giữa nước này với nước kia.

Ví dụ là vào năm 2008, chỉ số BMI trung bình ở nam giới thuộc Cộng Hòa Dân Chủ Công-gô là 19,9 – thấp nhất trên toàn thế giới. Tuy vậy, ở Nam Phi, nam giới có chỉ số BMI trung bình là 26,9 – sánh ngang với BMI trung bình ở Canada (27,5) và Mỹ (28,5).

Một số nghiên cứu trong môi trường đô thị đã kết luận rằng tỉ lệ béo phì tăng nhanh hơn ở người nghèo so với người giàu. Cần có thêm nghiên cứu để cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về các xu hướng béo phì trên toàn châu lục này.

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Mặc dù châu Á là nơi cư trú của một số nhóm dân cư gầy nhất trên trái đất, không nghi ngờ gì khi vấn đề béo phì đã trở nên nghiêm trọng và đang gia tăng trên toàn khu vực này trong hai thập kỷ qua.

Tỉ lệ béo phì ở “Australasia” (Australia và New Zealand) cũng không hề kém cạnh tỉ lệ ở Mỹ và Canada – khoảng 25% với cả nam nữ giới. Ở Châu Đại Dương, BMI trung bình đã tăng 1,3 đơn vị sau mỗi thập kỷ trong suốt ba thập kỷ qua; 15-20% nam giới và 25-30% nữ giới bị béo phì.

Một số nước ở Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á có chỉ số BMI trung bình nằm trong số thấp nhất trên thế giới. Ví dụ như ở Bangladesh, BMI trung bình ước tính năm 2008 thấp hơn 21, ở cả nam giới (20,4) và nữ giới (20,5). Nhưng kể cả ở Bangladesh và các nước khác, nơi tình trạng thiếu dinh dưỡng vẫn đang là mối đe dọa to lớn –Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, và Việt Nam – đã ghi nhận tình trạng béo phì và thừa cân mới xuất hiện ở phụ nữ tăng từ những năm 1990 đến suốt giữa những năm 2000, trong khoảng từ 3,5 đến 38,5% một năm.

Các xu hướng béo phì gần đây ở Trung Quốc và Ấn độ là mối lo ngại hết sức đặc thù. Mặc dù tỉ lệ béo phì nhìn chung vẫn khá thấp, nhưng Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia đông dân nhất trên Trái Đất – với tổng cộng hơn 2,5 tỉ người – vì vậy dù tỉ lệ béo phì chỉ tăng ít phần trăm thì cũng đồng nghĩa với việc có thêm hàng triệu ca mắc bệnh mãn tính.

Ở Trung Quốc, từ 1993 đến 2009, béo phì (được định nghĩa là có BMI từ 27,5 trở lên) tăng từ khoảng 3% lên đến 11% ở nam giới và từ khoảng 5% lên đến 10% ở nữ giới. Béo phì vùng bụng (béo bụng – theo định nghĩa là có chu vi vòng bụng lớn hơn hoặc bằng 90cm ở nam giới và lớn hơn hoặc bằng 80cm ở nữ giới) cũng tăng trong giai đoạn thời gian này, từ 8% lên 28% ở nam giới và từ 28% lên 46% ở nữ giới. Điều đó thật đáng lo ngại bởi vì béo bụng có thể tiềm ẩn nhiều hậu quả chuyển hóa chất nghiêm trọng hơn so với béo phì nói chung.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, dữ liệu gần đây cho thấy vào năm 2005, gần 14% nữ giới tuổi từ 18 đến 49 bị thừa cân hoặc béo phì, với tỉ lệ này cao hơn ở phụ nữ thành phố (25%) so với phụ nữ nông thôn (8%). Tỉ lệ thừa cân và béo phì ở nữ giới nhìn chung tăng 3,5% một năm giai đoạn 1998-2005.

Lời kết: Giải quyết nạn dịch “Béo phì toàn cầu”

Tỉ lệ béo phì toàn thế giới tăng trong vòng ba thập kỷ qua đã dẫn đến các bệnh mãn tính liên quan đến béo phì tăng theo, loại xu hướng này sẽ đe dọa hệ thống y tế, các nền kinh tế và cuộc sống của mỗi cá nhân.

Với những chi phí tiêu tốn cho béo phì – cả chi phí công và tư – cũng như vấn đề giảm cân cực kỳ khó khăn một khi đã bị béo phì – con đường phòng tránh béo phì chính là bí quyết để giải quyết được nạn dịch này.

Làm chậm tốc độ gia tăng của béo phì và giải quyết nạn dịch sẽ đòi hỏi những nỗ lực đa chiều trên quy mô lớn, trong mỗi quốc gia và trên toàn cầu, để cải thiện những chọn lựa thực phẩm và tăng hoạt động thể chất của mọi người. Nên nghiêm túc bắt đầu những nỗ lực này càng sớm càng tốt.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment