Ăn nhiều khoai tây có thể gây ra vấn đề với sức khỏe

Ở Mỹ, trung bình mỗi năm một người lại ăn 57kg khoai tây. Tuy nhiên, theo như Đĩa ăn lành mạnh của Harvard thì khoai tây không được tính là rau vì nó giàu loại carbohydrate (tinh bột) mà cơ thể tiêu hóa rất nhanh, khiến lượng đường trong máu và in*su*lin tăng giảm đột ngột (theo thuật ngữ khoa học thì chúng có chỉ số hấp thu tinh bột khi đi vào cơ thể ở mức cao).

ăn nhiều khoai tây

Ví dụ, một cốc khoai tây cũng ảnh hưởng đến lượng đường huyết tương đương một lon nước ngọt hoặc một nắm kẹo đường hình đậu. Hiệu ứng “tàu lượn” (cứ lên rồi lại xuống) này tác động lên đường huyết cũng như in*su*lin và có thể khiến ta vừa ăn xong đã thấy đói ngay, từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng ăn quá mức.

Về lâu về dài, các chế độ dinh dưỡng nhiều khoai tây và các thực phẩm giàu loại carbohydrate nhanh tiêu tương tự có thể góp phần gây ra béo phì, tiểu đường, và các bệnh về tim.

Khoai tây dường như là thủ phạm gây tăng cân và tiểu đường:

Một nghiên cứu từ năm 2011 do Tiến sỹ Mozaffarian tiến hành nhằm theo dõi thói quen ăn uống cũng như lối sống của 120.000 nam giới và nữ giới trong 20 năm đã xem xét cách những thay đổi nhỏ trong việc lựa chọn thực phẩm sau một thời gian có thể ảnh hưởng đến tình trạng tăng cân như thế nào.

  • Cứ mỗi bốn năm, những người tăng lượng khoai tây chiên tiêu thụ đã tăng 3.4 pound (1,5kg), và những người ăn nhiều khoai tây nướng hoặc nghiền hơn cũng tăng 1.3 pound (0,58kg).
  • Những người giảm lượng tiêu thụ các loại thực phẩm này cũng như những người ăn nhiều loại rau củ khác hơn lại ít bị tăng cân hơn.

Một nghiên cứu dài hạn tương tự cũng chỉ ra mối liên hệ giữa hàm lượng khoai tây và khoai tây chiên tiêu thụ cao với nguy cơ bị tiểu đường cao ở phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho biết rằng thay thế khoai tây bằng ngũ cốc nguyên cám có thể giảm bớt nguy cơ mắc căn bệnh này.

Đúng là khoai tây có chứa một số dưỡng chất quan trọng, trong đó phải kể đến vitamin C, kali, và vitamin B6. Nhưng khoai tây cũng không phải nguồn duy nhất cung cấp các chất dinh dưỡng này, càng không phải nguồn tối ưu nhất:

  • Ví dụ, hàm lượng vitamin C trong súp lơ xanh cao hơn gần 9 lần so với khoai tây.
  • Đậu trắng chứa nhiều kali hơn gần gấp đôi khoai tây.

Nên ăn gì thay cho khoai tây?

  • Ngũ cốc nguyên cám là sự lựa chọn tuyệt vời, đặc biệt là các loại ngũ cốc ít qua xử lý như gạo lứt và diêm mạch.
  • Đậu đỗ cũng có thể được dùng như một món phụ “giàu tinh bột”; chúng chứa nhiều chất xơ và protein, ngoài ra cũng không làm tăng đường huyết một cách đột ngột như ngũ cốc tinh luyện.
  • Nếu muốn ăn một món có kết cấu giống khoai tây nghiền thì bạn có thể tìm các công thức trên mạng với nguyên liệu thay thế là súp lơ trắng.

Nếu thay thế khoai tây bằng khoai lang thì bạn cũng không nên ăn quá nhiều: Mặc dù khoai lang rất giàu beta-caroten, nhưng chỉ số đường huyết cũng như chỉ số hấp thụ tinh bột khi đi vào cơ thể của loại thực phẩm này lại khá cao – cũng gần bằng khoai tây.

Hầu hết mọi người không ăn khoai lang với số lượng lớn như khoai tây, có lẽ vì thế mà các cuộc nghiên cứu chưa thể chứng minh được rằng khoai lang cũng là một thủ phạm gây ra bệnh béo phì và tiểu đường.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment