Viêm dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm dạ dày là bệnh gì?

Viêm dạ dày (Gastritis) là tình trạng niêm mạc dạ dày – có tên gọi là màng nhầy (mucosa) – bị viêm hoặc sưng phù. Lớp niêm mạc dạ dày có chứa các tuyến sản sinh axit dạ dày và một loại enzyme có tên là pepsin. Axit dạ dày phân giải thức ăn và pepsin tiêu hóa đạm (protein).

Một lớp chất nhầy dày bao phủ lên niêm mạc dạ dày và hỗ trợ ngăn dịch tiêu hóa có tính axit ăn mòn các mô dạ dày. Khi niêm mạc dạ dày bị viêm, thì sản sinh ít axit và enzyme hơn. Tuy nhiên, niêm mạc dạ dày cũng tạo ra ít chất nhầy và các chất khác hơn mà thông thường những chất này dùng để bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi bị dịch tiêu hóa có chứa axit ăn mòn.

Viêm dạ dày có thể là cấp tính hoặc mãn tính:

  • Viêm dạ dày cấp tính xuất hiện đột ngột và diễn ra trong thời gian ngắn.
  • Viêm dạ dày mãn tính diễn ra trong thời gian dài. Nếu không điều trị, viêm dạ dày mãn tính có thể kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí cả đời.

Viêm dạ dày có khả năng là thể ăn mòn hoặc không ăn mòn:

  • Viêm dạ dày thể ăn mòn có khả năng làm mòn niêm mạc dạ dày, tạo ra những vết xói mòn – những vết nứt nông trong niêm mạc dạ dày – hay còn gọi là vết loét – những vết tổn thương sâu ở trong niêm mạc dạ dày.
  • Viêm dạ dày thể không ăn mòn gây viêm trong niêm mạc dạ dày; tuy nhiên không đi kèm các vết mòn hay vết loét.
hệ tiêu hóa
Chuyên gia y tế có thể sẽ giới thiệu bệnh nhân đến khám bác sĩ chuyên khoa dạ dày ruột – bác sĩ có chuyên môn điều trị các bệnh tiêu hóa.

Nguyên nhân gây viêm dạ dày?

Nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày gồm:

  • Nhiễm trùng vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)
  • Niêm mạc dạ dày bị hủy hoại dẫn đến viêm dạ dày phản ứng (reactive gastritis)
  • Phản ứng tự miễn

Nhiễm trùng khuẩn H. pylori. H. pylori là một loại vi khuẩn – sinh vật có thể gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng khuẩn H. pylori:

  • Là nguyên nhân gây ra đa số các ca viêm dạ dày
  • Thường gây ra viêm dạ dày thể không ăn mòn
  • Có thể dẫn đến viêm dạ dày cấp tính hoặc mãn tính

Nhiễm trùng khuẩn H. pylori là tình trạng phổ biến, cụ thể là ở những nước đang phát triển, và tình trạng nhiễm trùng này thường bắt đầu từ khi còn bé. Nhiều người bị nhiễm trùng khuẩn H. pylori chưa bao giờ có bất cứ triệu chứng nào. Người trưởng thành dễ biểu hiện các triệu chứng ra ngoài hơn khi những triệu chứng thực sự xuất hiện.

Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về cách nhiễm trùng khuẩn H. pylori lây lan, mặc dù họ cho rằng thực phẩm, nước nhiễm bẩn hoặc những dụng cụ ăn uống có thể truyền vi khuẩn. Một số người bị nhiễm khuẩn này trong nước bọt, có nghĩa là nhiễm trùng vi khuẩn này có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc các chất dịch khác của cơ thể.

Niêm mạc dạ dày bị hủy hoại dẫn đến viêm dạ dày phản ứng. Một số người có niêm mạc dạ dày bị hủy hoại có thể phát triển thành viêm dạ dày phản ứng.

Viêm dạ dày phản ứng:

  • Có thể cấp tính hoặc mãn tính
  • Có thể gây ra các vết xói mòn
  • Có thể gây viêm nhẹ hoặc không gây viêm

Viêm dạ dày phản ứng cũng có thể được gọi là đau dạ dày phản ứng (reactive gastropathy) khi loại viêm dạ dày này gây viêm ít hoặc không gây viêm.

Nguyên nhân gây viêm dạ dày phản ứng có thể là do:

  • Sử dụng thuốc chống viêm không chứa steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs /NSAID), một loại thuốc không cần bán theo đơn.
  • Uống rượu.
  • Dùng cocain.
  • Phơi nhiễm phóng xạ hoặc điều trị phóng xạ.
  • Trào ngược mật trong ruột non vào dạ dày. Trào ngược mật có thể xảy ra ở những người đã cắt bỏ một phần dạ dày.
  • Phản ứng với stress (căng thẳng, áp lực) do tổn thương tâm lý, bệnh hiểm nghèo, bỏng nặng và đại phẫu thuật. Loại viêm dạ dày phản ứng này gọi là viêm dạ dày do stress.

Phản ứng tự miễn. Với loại viêm dạ dày tự miễn, hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong niêm mạc dạ dày. Thông thường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể người chống lại nhiễm trùng bằng cách nhận diện và tiêu diệt vi khuẩn, virut và các chất ngoại lai tiềm ẩn nguy cơ gây hại khác. Viêm dạ dày tự miễn là bệnh mãn tính và thường không phải là thể ăn mòn.

Các nguyên nhân kém phổ biến hơn gây ra viêm dạ dày có thể là:

  • Bệnh Crohn khiến bất cứ bộ phận nào trong đường tiêu hóa bị viêm và kích thích.
  • Bệnh sacoit (sarcoidosis), một căn bệnh gây ra tình trạng viêm không khỏi được. Viêm mãn tính dẫn đến hình thành những khối kết mô bất thường rất bé trong nhiều cơ quan của cơ thể. Bệnh này thường khởi phát từ phổi, da và các hạch bạch huyết.
  • Dị ứng thực phẩm, như là sữa bò và đậu nành, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
  • Nhiễm trùng do virut, kí sinh trùng, nấm và vi khuẩn ngoài khuẩn H. pylori, thường ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Viêm dạ dày có dấu hiệu và triệu chứng gì?

Một số người bị viêm dạ dày thấy đau hoặc khó chịu ở vùng thượng vị (bụng trên) – vùng giữa ngực và hông. Tuy nhiên, nhiều người bị viêm dạ dày không có bất cứ dấu hiệu và triệu chứng nào. Mối quan hệ giữa viêm dạ dày và các triệu chứng của một người không rõ ràng. Thuật ngữ “viêm dạ dày” đôi khi bị dùng nhầm để miêu tả các triệu chứng đau hoặc khó chịu ở vùng thượng vị.

Khi các triệu chứng xuất hiện, có thể là:

  • Đau hoặc khó chịu vùng thượng vị
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]

Khi bạn có các triệu chứng chảy máu dạ dày thì cần tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế

Viêm dạ dày thể ăn mòn có khả năng gây loét hoặc xói mòn niêm mạc dạ dày dẫn đến chảy máu. Các dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết dạ dày gồm có:

  • Thở ngắn
  • Choáng váng hoặc cảm giác chóng mặt
  • Nôn ra máu đỏ
  • Phân đen như mực
  • Phân dính máu đỏ
  • Yếu mệt
  • Xanh xao

Người nào có bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng xuất huyết dạ dày (bleeding in the stomach) nên gọi hoặc đi khám chuyên gia y tế ngay lập tức.

[/dropshadowbox]

Viêm dạ dày mãn tính và cấp tính có biến chứng gì?

Biến chứng của viêm dạ dày mãn tính có thể gồm:

  • Loét dạ dày tá tràng (peptic ulcers). Loét dạ dày tá tràng là những vết loét có trong niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng, đoạn đầu của ruột non. Sử dụng NSAID và viêm dạ dày do nhiễm trùng khuẩn H. pylori làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh loét dạ dày tá tràng.
  • Viêm teo dạ dày (atrophic gastritis). Viêm teo dạ dày xảy ra khi tình trạng viêm niêm mạc dạ dày mãn tính làm mất đi niêm mạc và các tuyến dạ dày. Viêm dạ dày mãn tính có thể tiến triển thành viêm teo dạ dày.
  • Thiếu máu (anemia). Viêm dạ dày thể ăn mòn có khả năng gây xuất huyết mãn tính ở dạ dày và lượng máu bị mất đi đó có thể khiến cơ thể bị thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng số lượng tế bào hồng cầu ít hơn bình thường, ngăn tế bào của cơ thể hấp thu đủ oxi. Các tế bào hồng cầu chứa hemoglobin, một loại protein giàu sắt tạo ra màu đỏ của máu và giúp các tế bào hồng cầu có khả năng vận chuyển oxi từ phổi đến các mô trong cơ thể. Nghiên cứu chỉ ra rằng viêm dạ dày do khuẩn H. pylori  và viêm teo dạ dày tự miễn (autoimmune atrophic gastritis) có thể ngăn trở khả năng hấp thu sắt từ trong thức ăn của cơ thể, điều này cũng có thể gây ra thiếu máu.
  • Thiếu hụt vitamin B12 và thiếu máu ác tính (pernicious anemia). Những người bị viêm teo dạ dày tự miễn không sản xuất đủ yếu tố nội tại (intrinsic factor). Yếu tố nội tại là một loại protein được tạo ra ở trong dạ dày và giúp ruột hấp thu vitamin B12. Cơ thể cần có vitamin B12 để sản xuất các tế bào hồng cầu và tế bào thần kinh. Hấp thu kém vitamin B12 có thể dẫn đến một loại thiếu máu có tên gọi là thiếu máu ác tính.
  • Các khối u trong niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày mãn tính làm tăng xác suất phát triển thành các khối u lành tính, hay phi ung thư và ác tính, hay ung thư trong niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày mãn tính do nhiễm khuẩn H. pylori , làm tăng khả năng phát triển thành  một loại ung thư có tên gọi là ung thư mô bạch huyết niêm mạc (mucosa-associated lymphoid tissue/MALT lymphoma). Đọc thêm về ung thư MALT và ung thư dạ dày.

Trong đa số các trường hợp, viêm dạ dày cấp tính không gây ra biến chứng. Trong những trường hợp hiếm gặp, viêm dạ dày cấp do stress có thể gây xuất huyết nghiêm trọng mà có khả năng đe dọa đến tính mạng.

Chẩn đoán viêm dạ dày bằng cách nào?

Chuyên gia y tế chẩn đoán viêm dạ dày dựa trên:

  • Bệnh sử
  • Khám sức khỏe trực tiếp
  • Nội soi đường tiêu hóa trên
  • Các xét nghiệm khác

Bệnh sử

Tìm hiểu bệnh sử có thể giúp chuyên gia y tế chẩn đoán được viêm dạ dày. Họ sẽ yêu cầu người bệnh cung cấp bệnh sử. Bệnh sử có thể bao gồm những câu hỏi về các triệu chứng mãn tính và việc du lịch đến các nước đang phát triển.

Khám sức khỏe

Khám sức khỏe trực tiếp có thể giúp chẩn đoán bệnh viêm dạ dày. Trong khi khám, chuyên gia y tế thường:

  • Khám thân thể của bệnh nhân
  • Dùng ống nghe để nghe bên trong bụng
  • Gõ bụng để kiểm tra xem có mềm hoặc đau không

Nội soi đường tiêu hóa trên

Nội soi đường tiêu hóa trên là phương pháp sử dụng ống nội soi – một máy quay linh hoạt nhỏ có gắn đèn – để quan sát đường tiêu hóa trên (upper GI tract). Chuyên gia y tế thực hiện loại kiểm tra này tại bệnh viện hoặc một trung tâm ngoại trú. Chuyên gia y tế cẩn thận đưa ống nội soi xuống thực quản và vào dạ dày rồi đến tá tràng. Máy quay nhỏ gắn ở trong ống truyền về hình ảnh quay được tới một màn hình giúp khám niêm mạc đường tiêu hóa được kỹ hơn. Chuyên gia y tế có thể cho bệnh nhân ngậm dung dịch thuốc tê hoặc xịt thuốc tê vào cuống họng của bệnh nhân trước khi đưa ống nội soi vào. Chuyên gia y tế sẽ cắm mũi kim tiêm tĩnh mạch vào tĩnh mạch cánh tay để đưa thuốc an thần vào cơ thể bệnh nhân. Thuốc an thần giúp người bệnh thả lỏng và thoải mái. Kiểm tra này có thể cho thấy dấu hiệu viêm hoặc xói mòn trong niêm mạc dạ dày.

Chuyên gia y tế có thể dùng những dụng cụ rất bé đưa qua ống nội soi để thực hiện sinh thiết. Sinh thiết là phương pháp bao gồm lấy một mẩu mô để xét nghiệm dưới kính hiển vi do nhà nghiên cứu bệnh học – bác sĩ chuyên môn xét nghiệm mô để chẩn đoán bệnh thực hiện. Chuyên gia y tế có thể dùng sinh thiết để chẩn đoán viêm dạ dày, tìm nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm dạ dày và tìm hiểu xem liệu viêm dạ dày mãn tính đã tiến triển thành viêm teo dạ dày chưa.

Các xét nghiệm khác

Chuyên gia y tế có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm kiểm tra khác để xác định nguyên nhân gây viêm dạ dày hay bất cứ biến chứng nào. Những xét nghiệm kiểm tra này có thể là:

  • Chụp X quang đường tiêu hóa trên. Chụp X quang đường tiêu hóa trên là một loại kiểm tra bằng chụp X quang cho phép quan sát hình dạng đường tiêu hóa trên. Kỹ thuật viên chụp X quang thực hiện loại kiểm tra này tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú, và bác sĩ X quang – bác sĩ chuyên môn vật lý chụp hình – đọc giải thích kết quả hình ảnh. Phương pháp này không cần gây mê. Bệnh nhân không nên ăn hoặc uống trước khi làm kiểm tra, làm đúng theo sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Bệnh nhân nên trao đổi với chuyên gia y tế về những điều cần chuẩn bị cho quá trình chụp X quang. Trong khi chụp, bệnh nhân sẽ đứng hoặc ngồi trước máy chụp X quang và uống bari (barium), một dung dịch có màu phấn. Bari bao phủ thực quản, dạ dày và ruột non để bác sĩ X quang và chuyên gia y tế có thể quan sát hình dáng của các cơ quan rõ ràng hơn trên tia X quang. Bệnh nhân có thể cảm thấy chướng bụng và buồn nôn một thời gian ngắn sau khi chụp. Trong vài ngày sau đó, dung dịch bari ở đường tiêu hóa có thể khiến phân thải ra ngoài cơ thể có màu trắng hoặc sáng màu. Chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân cụ thể về chuyện ăn uống hậu kiểm tra.
  • Xét nghiệm máu. Chuyên gia y tế sẽ dùng xét nghiệm máu để kiểm tra xem có hiện tượng thiếu máu hoặc có sự hiện diện của khuẩn H. pylori không. Họ sẽ lấy mẫu máu trong khi khám tại văn phòng hoặc tại cơ sở y tế thương mại và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để phân tích.
  • Xét nghiệm phân. Chuyên gia y tế có thể sẽ dùng xét nghiệm phân để kiểm tra xem có máu trong phân không, đây là một dấu hiệu khác của hiện tượng chảy máu trong dạ dày, và kiểm tra xem cơ thể bệnh nhân có bị nhiễm trùng khuẩn H. pylori không. Xét nghiệm phân là phân tích mẫu phân. Chuyên gia y tế sẽ cung cấp cho bệnh nhân một ống đựng để hứng và trữ phân. Bệnh nhân đưa mẫu phân của mình về cho chuyên gia y tế hoặc gửi tới một cơ sở y tế tư nhân rồi mẫu sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích.
  • Xét nghiệm ure trong hơi thở. Chuyên gia y tế có thể dùng xét nghiệm ure trong hơi thở để kiểm tra xem bệnh nhân có bị nhiễm trùng khuẩn H. pylori không. Bệnh nhân nuốt một viên nang, một dung dịch hoặc ăn bánh pudding có chứa ure – một loại sản phẩm được cơ thể thải ra khi phân giải đạm. Ure được “gắn nhãn” bằng một nguyên tử cacbon đặc thù. Nếu trong cơ thể có H. pylori, thì vi khuẩn này sẽ biến đổi ure thành khí cacbon dioxit. Sau vài phút, bệnh nhân thở vào một ống chứa, thở ra khí CO2. Y tá hoặc kỹ thuật viên sẽ tiến hành xét nghiệm này tại văn phòng của chuyên gia y tế hoặc một cơ sở y tế thương mại rồi gửi mẫu đến phòng thí nghiệm. Nếu xét nghiệm phát hiện thấy nguyên tử cacbon đã gắn nhãn có trong hơi thở ra của bệnh nhân, chuyên gia y tế sẽ kêt luận bệnh nhân bị nhiễm trùng khuẩn H. pylori trong đường tiêu hóa.

Điều trị viêm dạ dày bằng cách nào?

Chuyên gia y tế điều trị viêm dạ dày bằng thuốc nhằm:

  • Giảm lượng axit có trong dạ dày
  • Điều trị nguyên nhân ngầm

Giảm lượng axit có trong dạ dày

Lưu ý của biên tập viên: bất cứ loại thuốc nào sử dụng phải có sự đồng ý của bác sĩ chuyên môn.

Niêm mạc dạ dày của một người bị bệnh viêm dạ dày sẽ ít được bảo vệ khỏi dịch tiêu hóa axit hơn. Giảm lượng axit có thể gia tăng quá trình làm lành của niêm mạc dạ dày. Thuốc giảm axit gồm có:

  • Thuốc kháng axit, ví dụ như Alka-Seltzer, Maalox, Mylanta, Rolaids, và Riopan. Nhiều nhãn hiệu thuốc dùng các tổ hợp khác nhau của ba loại muối cơ bản – magie, nhôm và canxi – kèm với các ion OH- hoặc HCO3- để trung hòa axit dạ dày. Tuy nhiên thuốc kháng axit có thể gây ra tác dụng phụ. Muối magie có thể dẫn đến tiêu chảy, muối nhôm có thể dẫn đến táo bón. Muối nhôm và muối magie thường được kết hợp vào một sản phẩm để cân bằng các tác dụng phụ này. Thuốc kháng axit canxi cacbonat như là Tums, Titralac, và Alka-2, có thể gây ra táo bón.
  • Thuốc ức chế H2, ví dụ như cimetidine (Tagamet HB), famotidine (Pepcid AC), nizatidine (Axid AR), và ranitidine (Zantac 75). Thuốc ức chế H2 làm giảm sinh axit. Thuốc này có bán sẵn cả theo đơn và không theo đơn.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) gồm có omeprazole (Prilosec, Zegerid), lansoprazole (Prevacid), dexlansoprazole (Dexilant), pantoprazole (Protonix), rabeprazole (AcipHex), và esomeprazole (Nexium). PPI làm giảm sinh axit hiệu quả hơn thuốc ức chế H2. Toàn bộ những thuốc này có sẵn bán theo đơn thuốc. Omeprazole và lansoprazole cũng có bán sẵn không cần đơn thuốc.

Điều trị nguyên nhân tiềm ẩn

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm dạ dày, chuyên gia y tế có thể sẽ đề nghị điều trị bổ sung.

  • Quan trọng là điều trị nhiễm trùng khuẩn H. pylori bằng kháng sinh, kể cả nếu người bệnh không có các triệu chứng nhiễm trùng. Chữa trị tình trạng nhiễm trùng thường sẽ chữa luôn bệnh viêm dạ dày và giảm nguy cơ phát triển thành biến chứng, như là bệnh loét dạ dày tá tràng, ung thư hạch bạch huyết MALT, và ung thư dạ dày.
  • Tránh nguyên nhân gây ra viêm dạ dày phản ứng có thể cũng là cách chữa trị. Ví dụ như, nếu dùng NSAID kéo dài là nguyên nhân gây viêm dạ dày, chuyên gia y tế có thể sẽ khuyến nghị bệnh nhân dừng sử dụng NSAID, giảm liều hoặc đổi loại thuốc giảm đau.
  • Chuyên gia y tế có thể sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị viêm dạ dày do stress ở những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày gồm có sucralfate (Carafate), thuốc ức chế H2, và PPI. Điều trị những bệnh hoặc tổn thương ngầm đa phần thường chữa trị được viêm dạ dày do căng thẳng (stress gastritis).
  • Chuyên gia y tế có thể điều trị những người bị thiếu máu ác tính do viêm teo dạ dày tự miễn bằng cách tiêm vitamin B12 vào người.

Có thể phòng tránh viêm dạ dày bằng cách nào?

Mọi người có thể giảm xác suất bị viêm dạ dày bằng cách ngăn ngừa lây nhiễm khuẩn H. pylori . Không ai biết chắc được cách nhiễm khuẩn H. pylori lây lan, vì vậy việc phòng tránh là khó khăn. Để hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng, chuyên gia y tế cũng khuyến cáo mọi người nên:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi dùng nhà vệ sinh và trước khi ăn
  • Ăn thực phẩm đã được rửa sạch và nấu đúng cách
  • Uống nước từ nguồn nước sạch an toàn

Ăn uống, Ăn kiêng, và Dinh dưỡng

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa kết luận về việc ăn uống, ăn kiêng và dinh dưỡng có đóng vai trò chính trong việc gây ra hoặc ngăn ngừa viêm dạ dày hay không.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment