Viêm dạ dày ruột siêu vi (“Cúm dạ dày”): Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm dạ dày ruột siêu vi (“cúm dạ dày”) là bệnh gì?

Viêm dạ dày ruột siêu vi (viral gastroenteritis) là một loại nhiễm trùng ruột thường dẫn đến đi tiêu ra nước, đau hoặc chuột rút bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa và đôi khi phát sốt.

Viêm dạ dày ruột siêu vi do virut gây ra. Virut xâm nhập vào các tế bào bình thường trong cơ thể người. Nhiều virut gây nhiễm trùng có thể lây lan từ người sang người.

Mọi người thường gọi viêm dạ dày ruột siêu vi là “cúm dạ dày”, nhưng thuật ngữ này về y tế thì không đúng. Viêm dạ dày ruột siêu vi là một loại nhiễm trùng ở ruột, chứ không phải ở dạ dày, và nguyên nhân gây ra không phải là do virut cúm influenza. Vắc-xin cúm không giúp chúng ta tránh được bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi.

Viêm dạ dày ruột siêu vi là bệnh cấp tính, tức là bệnh đột ngột xuất hiện và diễn ra trong thời gian ngắn. Đa phần các ca mắc viêm dạ dày ruột siêu vi diễn ra trong vòng một tuần, và hầu hết bệnh tình của mọi người tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Trong một số trường hợp, viêm dạ dày ruột siêu vi có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hoặc có khả năng dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước.

Mức độ phổ biến của viêm dạ dày ruột siêu vi?

Viêm dạ dày ruột siêu vi là bệnh rất phổ biến. Virut noro (Norovirus) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh này. Ở Mỹ, virut noro là nguyên nhân gây ra 19 đến 21 triệu ca bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi mỗi năm. Bệnh này do các loại virut khác gây ra thì kém phổ biến hơn.

Đối tượng nào dễ bị viêm dạ dày ruột siêu vi?

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải bệnh này. Một số đối tượng dễ xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng hơn, gồm có:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Người lớn tuổi
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu

Viêm dạ dày ruột siêu vi có những biến chứng gì?

Cơ thể bị mất nước là biến chứng thường thấy nhất của bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi. Khi bệnh này làm bạn nôn mửa hoặc tiêu chảy, cơ thể của bạn bị mất nước và chất điện giải. Nếu không bù lượng nước và chất điện giải đã mất đó, bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước. Khi bị mất nước, cơ thể bạn không có đủ nước và chất điện giải để hoạt động bình thường. Xem danh sách các dấu hiệu mất nước bên dưới.

Tình trạng mất nước đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Nếu không điều trị, mất nước có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như là phá hỏng các cơ quan trong cơ thể, gây sốc, rơi vào hôn mê hoặc thậm chí là tử vong.

Triệu chứng & Nguyên nhân

Viêm dạ dày ruột siêu vi có những triệu chứng gì?

Các triệu chứng của viêm dạ dày ruột siêu vi là:

  • Tiêu chảy ra nước
  • Bụng đau hoặc chuột rút
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đôi khi bị sốt

Cơ thể mất nước có các triệu chứng gì?

Các dấu hiệu của tình trạng mất nước, biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi, ở người trưởng thành có thể là:

  • Cực kỳ khát và khô miệng
  • Đi tiểu ít hơn bình thường
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Nếp véo da biến mất chậm, tức là khi da bị véo rồi thả ra, nếp véo không biến mất ngay lập tức
  • Mắt hoặc má phù thũng
  • Choáng váng hoặc ngất

Nếu bạn là cha mẹ hoặc người chăm sóc của trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi, bạn nên để ý những dấu hiệu mất nước của trẻ dưới đây:

  • Khát
  • Đi tiểu ít hơn bình thường, hoặc không làm ướt tã trong từ 3 tiếng trở lên
  • Uể oải
  • Khô miệng
  • Khóc khan không chảy nước mắt
  • Nếp véo da biến mất chậm
  • Mắt hoặc má phù thũng

Tìm hỗ trợ y tế ngay lập tức

Trong đa phần các ca bệnh, viêm dạ dày ruột siêu vi không gây hại cho người mắc phải. Tuy nhiên, bệnh này có thể trở nên nguy hiểm nếu nó khiến cơ thể người bệnh bị mất nước. Bất cứ ai có các dấu hiệu hoặc triệu chứng mất nước thì nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Người nào bị mất nước nghiêm trọng có thể sẽ cần phải điều trị tại bệnh viện.

Các triệu chứng của viêm dạ dày ruột siêu vi có thể giống với triệu chứng của những vấn đề sức khỏe khác. Những triệu chứng nhất định có thể chỉ ra được liệu người bệnh có gặp phải một vấn đề sức khỏe khác không.

Các triệu chứng liệt kê dưới đây có thể cho thấy rằng người trưởng thành hoặc trẻ em mắc phải bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi mức độ nặng, bị mất nước hoặc gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn thay vì mắc bệnh này.

Người trưởng thành

Người trưởng thành có bất cứ dấu hiệu nào dưới đây thì nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

  • Thay đổi trạng thái tinh thần, ví dụ như cáu kỉnh hoặc uể oải
  • Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày
  • Sốt cao
  • Thường xuyên nôn mửa
  • Đi tiêu ra phân lỏng từ 6 lần trở lên trong một ngày
  • Đau bụng hoặc đau trực tràng dữ dội
  • Phân có màu hắc ín và có chứa máu hoặc mủ
  • Các dấu hiệu mất nước

Người trưởng thành cũng nên đi khám bác sĩ nếu họ không thể uống đủ chất lỏng hoặc dung dịch uống bù điện giải – như là Pedialyte, Naturalyte, Infalyte, và CeraLyte— nhằm ngăn ngừa mất nước hoặc nếu tình trạng của họ không chuyển biến tốt sau khi đã uống các dung dịch bù điện giải.

Người lớn tuổi, phụ nữ có thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc phải tình trạng sức khỏe khác cũng nên đi khám bác sĩ ngay nếu thấy có bất cứ triệu chứng nào của bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi.

Nhũ nhi và trẻ em

Nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ em có các dấu hiệu hay triệu chứng của viêm dạ dày ruột siêu vi, đừng ngần ngại gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn. Tiêu chảy đặc biệt nghiêm trọng đối với những em bé mới sinh và nhũ nhi, vì có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng chỉ trong vòng một hoặc hai ngày. Trẻ có các triệu chứng mất nước có thể tử vong trong vòng một ngày nếu không được điều trị.

Nếu bạn là cha mẹ hoặc người chăm sóc của trẻ sơ sinh và trẻ em mà có bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào dưới đây, cho trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức.

  • Trạng thái tinh thần của trẻ thay đổi ví dụ như cáu kỉnh hoặc uể oải
  • Tiêu chảy hơn một ngày
  • Trẻ sơ sinh bị sốt
  • Sốt cao ở trẻ độ tuổi thiếu niên
  • Thường xuyên đi tiêu ra phân lỏng
  • Thường xuyên nôn mửa
  • Đau bụng hoặc đau trực tràng dữ dội
  • Các dấu hiệu hay triệu chứng mất nước
  • Phân có màu hắc ín hoặc có dính máu hay mủ

Bạn cũng nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ ngay nếu trẻ có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm dạ dày ruột siêu vi và nếu trẻ là nhũ nhi, bị sinh non hoặc có tiền sử mắc các bệnh khác. Cũng nên cho trẻ đi khám nếu bé không có khả năng uống đủ chất lỏng hoặc dung dịch bù điện giải nhằm ngăn ngừa mất nước hoặc nếu tình trạng của bé không cải thiện sau khi uống các dung dịch bù điện giải.

Những loại virut nào gây ra viêm dạ dày ruột siêu vi?

Nhiều loại virut gây ra bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi. Các loại phổ biến nhất gây ra bệnh này gồm có:

  • norovirus. Virut noro là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày ruột siêu vi. Các triệu chứng thường bắt đầu 12 đến 48 tiếng sau khi bạn tiếp xúc với virut này và kéo dài 1 đến 3 ngày.
  • rotavirus. Các triệu chứng thường bắt đầu khoảng 2 ngày sau khi bạn tiếp xúc với virut này và kéo dài 3 đến 8 ngày. Vắc-xin có thể ngăn ngừa nhiễm rotavirut.
  • adenovirus. Các triệu chứng thường bắt đầu 3 đến 10 ngày sau khi bạn tiếp xúc với virut này và kéo dài 1 đến 2 tuần.
  • astrovirus. Các triệu chứng thường bắt đầu 4 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc với virut này và kéo dài 1 đến 4 ngày.

Norovirus gây nhiễm trùng ở mọi lứa tuổi. Rotavirus, adenovirus, và astrovirus thường thấy nhất là gây nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng ở người trưởng thành.

Virut có thể gây ra bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Ở Mỹ, norovirus, rotavirus, và astrovirus dễ gây bệnh vào mùa đông hơn.

Virut cúm có gây bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi (“cúm dạ dày”) không?

Mặc dù một số người gọi viêm dạ dày ruột siêu vi là “cúm dạ dày”, nhưng virut cúm influenza không gây ra bệnh này. Virut cúm khiến hệ hô hấp bị nhiễm trùng, trong khi viêm dạ dày ruột siêu vi là loại nhiễm trùng ở ruột.

Virut có phải là nguyên nhân duy nhất gây bệnh viêm dạ dày ruột không?

Không phải. Trong khi virut là nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi, thì vi khuẩn, kí sinh trùng và các hóa chất khác có thể gây ra các loại viêm dạ dày ruột khác.

Viêm dạ dày ruột có nguyên nhân là do tiêu thụ đồ ăn hoặc thức uống nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc hóa chất thì gọi là ngộ độc thực phẩm.

Viêm dạ dày ruột siêu vi lây lan bằng cách nào?

Viêm dạ dày ruột siêu vi lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với phân hoặc chất nôn của người nhiễm virut.

Nếu bị viêm dạ dày ruột siêu vi, trong phân và chất nôn của bạn sẽ có virut. Bạn có thể làm phát tán virut này chỉ bằng một ít phân hoặc chất nôn, đặc biệt là nếu bạn đi vệ sinh xong không rửa sạch tay và làm những điều sau:

  • Tiếp xúc với những bề mặt hoặc đồ vật của người khác
  • Sơ chế hoặc phục vụ đồ ăn hoặc thức uống cho người khác
  • Bắt tay hoặc chạm vào người khác

Những người bị nhiễm virut mà không xuất hiện các triệu chứng vẫn có thể phát tán virut. Ví dụ, trong phân của bạn có thể phát hiện thấy virut trước khi cả bạn xuất hiện các triệu chứng và vẫn còn ở trong phân đến tận 2 tuần sau khi bạn khỏi.

Norovirus đặc biệt dễ phát tán, tức là rất dễ lây từ người này sang người kia. Norovirus có thể sống trong nhiều tháng trên những bề mặt như là bàn bếp và bàn thay tã. Khi người bị nhiễm virut nôn mửa, virut có thể phát tán trong không khí và bám vào các bề mặt hoặc bám lên những người khác.

Viêm dạ dày ruột siêu vi có thể phát tán trong các hộ gia đình, trung tâm trông giữ trẻ và trường học, viện dưỡng lão, tàu chở khách du lịch, nhà hàng và những nơi có nhiều người tụ tập thành các nhóm.

Nếu nước tiếp xúc với phân của những người bị nhiễm virut, nước có thể bị nhiễm virut. Nước bị nhiễm bệnh này có thể phát tán virut vào đồ ăn hoặc thức uống và những người ăn uống những đồ đó có thể bị nhiễm virut. Những người bơi ở vùng nước bị nhiễm virut này cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày ruột siêu vi bằng cách nào?

Bác sĩ thường chẩn đoán viêm dạ dày ruột siêu vi dựa trên các triệu chứng. Nếu triệu chứng của bạn ở mức độ nhẹ và diễn ra trong thời gian ngắn, thường thì bạn sẽ không cần phải làm xét nghiệm.

Trong một số trường hợp, bệnh sử, khám sức khỏe trực tiếp và xét nghiệm phân có thể hỗ trợ chẩn đoán được bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành xét nghiệm bổ sung nhằm kiểm tra xem có các vấn đề sức khỏe khác không.

Bệnh sử

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn gặp phải, chẳng hạn như:

  • Bạn có những triệu chứng gì
  • Bạn có các triệu chứng trong bao lâu rồi
  • Tần suất xuất hiện các triệu chứng đó

Bác sĩ có thể cũng sẽ hỏi bạn về:

  • Việc tiếp xúc gần đây với những người bị bệnh
  • Việc đi du lịch gần đây
  • Các vấn đề sức khỏe trước đây và hiện tại
  • Những loại thuốc kê đơn và không kê đơn mà bạn đang sử dụng

Khám sức khỏe trực tiếp

Trong khi khám, bác sĩ có thể sẽ:

  • Đo huyết áp và mạch đập của bạn để xem có các dấu hiệu mất nước không
  • Khám thân thể bạn để tìm các dấu hiệu sốt hoặc mất nước
  • Dùng ống nghe để nghe âm thanh trong bụng bạn
  • Gõ bụng bạn để xem có mềm hoặc đau không

Đôi khi, bác sĩ tiến hành khám trực tràng bằng ngón tay. Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn cúi sấp người trên bàn hoặc nằm nghiêng một bên gập đầu gối đưa về ngực. Sau khi đeo găng tay, bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đã bôi trơn vào hậu môn của bạn để kiểm tra xem có máu trong phân không. Ngoài là dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi, thì máu trong phân cũng có thể là một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác mà có thể đang gây ra các triệu chứng của bạn.

Xét nghiệm phân

Chuyên gia y tế sẽ cho bạn một ống đựng để hứng và trữ phân. Bạn sẽ được hướng dẫn về địa điểm gửi hoặc lấy ống đựng phân để phân tích. Xét nghiệm phân có thể cho thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm cũng như là các bệnh và các chứng rối loạn tiêu hóa.

Điều trị

Tôi có thể điều trị viêm dạ dày ruột siêu vi bằng cách nào?

Trong đa số các trường hợp, người bị viêm dạ dày ruột siêu vi sẽ tự đỡ mà không cần điều trị y tế. Bạn có thể chữa bệnh này bằng cách bù nước và điện giải đã mất để ngăn ngừa mất nước. Trong một số ca bệnh, thuốc bán không cần đơn có thể hỗ trợ làm thuyên giảm các triệu chứng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt không hỗ trợ điều trị viêm dạ dày ruột siêu vi. Khi bị bệnh này, có thể bạn sẽ nôn mửa sau khi ăn hoặc mất khẩu vị trong thời gian ngắn. Khi có khẩu vị trở lại, đa phần bạn thường có thể ăn lại như bình thường, kể cả nếu bạn vẫn đang bị tiêu chảy. Xem các gợi ý nên ăn gì khi bị viêm dạ dày ruột siêu vi ở phần dưới.

Nếu con bạn có các triệu chứng viêm dạ dày ruột siêu vi, như là nôn mửa hoặc tiêu chảy, đừng ngần ngại gọi cho bác sĩ để được tư vấn.

Bù nước và chất điện giải đã mất

Khi bị viêm dạ dày ruột siêu vi, bạn cần bù lượng nước và điện giải đã mất nhằm ngăn ngừa mất nước hoặc để chữa trị tình trạng mất nước nhẹ. Bạn nên uống nhiều chất lỏng. Nếu vẫn còn bị nôn thì hãy thử nhấp từng ngụm nhỏ các loại chất lỏng loãng trong.

Đa phần người trưởng thành bị viêm dạ dày ruột siêu vi có thể bù nước và điện giải bằng các chất lỏng như là:

  • Nước
  • Nước ép trái cây
  • Đồ uống thể thao
  • Nước dùng

Ăn bánh quy mặn cũng có thể giúp bù điện giải.

Nếu con bạn bị viêm dạ dày ruột siêu vi, bạn nên cho con uống các dung dịch bù điện giải —như là Pedialyte, Naturalyte, Infalyte, và CeraLyte—đúng theo hướng dẫn được dùng để bù nước và điện giải đã mất. Các dung dịch bù điện giải là những chất lỏng có chứa đường glucose và các chất điện giải. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc cho con sơ sinh của bạn uống những dung dịch này. Trẻ sơ sinh nên uống sữa mẹ hoặc sữa công thức như bình thường.

Người lớn tuổi, những người có hệ miễn dịch suy yếu, và những người bị tiêu chảy nặng hoặc có các triệu chứng mất nước cũng nên uống các dung dịch bù điện giải.

Thuốc bán không cần kê đơn

Chú thích của biên tập viên: dùng bất cứ loại thuốc nào cũng phải được sự đồng ý của bác sĩ.

Trong một số trường hợp, người trưởng thành có thể sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn như là loperamide (Imodium) và bismuth subsalicylate  (Pepto-Bismol, Kaopectate) để điều trị tiêu chảy do viêm dạ dày ruột siêu vi gây ra.

Những thuốc này có thể không an toàn với trẻ sơ sinh và trẻ em. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng một loại thuốc bán không cần đơn.

Nếu bạn tiêu chảy ra máu hoặc bị sốt – các dấu hiệu bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng – không được sử dụng những loại thuốc bán không cần đơn để điều trị tiêu chảy. Đi khám bác sĩ để được chữa trị.

Bác sĩ điều trị viêm dạ dày ruột siêu vi bằng cách nào?

Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát tình trạng nôn mửa nghiêm trọng. Bác sĩ không kê kháng sinh để điều trị bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các loại nhiễm trùng do virut.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng probiotics . Probiotics là các vi sinh vật sống, đa phần thường là vi khuẩn, mà tương tự với những vi sinh vật thường có trong đường tiêu hóa của bạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại probiotics có thể có tác dụng rút ngắn tình trạng tiêu chảy. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu việc áp dụng probiotics vào điều trị bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi. Vì các lý do an toàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng probiotics hay bất cứ biện pháp y tế hoặc các loại thuốc thay thế hay bổ sung nào khác.

Bất cứ ai có các dấu hiệu hoặc triệu chứng mất nước nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ có thể sẽ cần điều trị cho những người bị mất nước nghiêm trọng tại bệnh viện.

Tôi có thể phòng tránh viêm dạ dày ruột siêu vi bằng cách nào?

Bạn có thể làm một số việc để tránh cho mình bị nhiễm hoặc lây lan gây bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi. Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước.

  • Sau khi đi vệ sinh
  • Sau khi thay tã
  • Trước và sau khi tiếp xúc, sơ chế hoặc ăn uống

Bạn có thể rửa những bề mặt mà có khả năng đã tiếp xúc với phân hoặc chất nôn bị nhiễm virut , ví dụ như là bàn bếp và bàn thay tã, bằng hỗn hợp gồm 5 đến 25 thìa canh chất tẩy rửa gia dụng pha với 1 gallon (~3,8l) nước. Nếu quần áo hoặc vải lanh có thể đã tiếp xúc với phân hoặc chất nôn của người bị nhiễm bệnh, bạn nên làm sạch chúng bằng hóa chất giặt tẩy quay trong máy theo chế độ thời gian dài nhất và làm khô bằng máy. Để tránh cho mình bị nhiễm virut, bạn nên đeo găng tay cao su trong khi cầm những đồ giặt là bẩn và xong xuôi thì phải rửa tay.

Nếu bị viêm dạ dày ruột siêu vi, bạn nên tránh cầm và sơ chế thực phẩm cho người khác trong khi bạn đang bị bệnh và trong 2 ngày sau khi các triệu chứng chấm dứt. Người bị viêm dạ dày ruột siêu vi có thể lây lan virut đến bất cứ loại đồ ăn nào mà họ cầm, đặc biệt là nếu họ không rửa tay sạch. Nước nhiễm bẩn cũng có thể phát tán virut đến thực phẩm trước khi được thu hoạch. Ví dụ như, trái cây, rau củ và hàu bị nhiễm virut dẫn đến các đợt bùng phát norovirut. Rửa sạch trái cây và rau củ trước khi sử dụng và nấu chín kỹ hàu cũng như là các loại động vật có vỏ khác. Xem thêm các mẹo giúp bảo quản thực phẩm an toàn.

Vắc xin cúm không giúp chúng tránh được viêm dạ dày ruột siêu vi. Mặc dù một số người gọi bệnh này là “cúm dạ dày”, nhưng virut cúm influenza không gây ra bệnh này. Tuy nhiên, vắc xin rotavirut có thể ngăn ngừa viêm dạ dày ruột siêu vi do virut rota gây ra.

Vắc-xin Rotavirus

Hai loại vắc-xin, mà trẻ sơ sinh được uống, đều đã được phê duyệt là có tác dụng phòng tránh nhiễm virut rota.

  • RotaTeq: Trẻ sơ sinh uống thành ba liều, khi 2, 4 và 6 tháng tuổi
  • Rotarix: Trẻ sơ sinh uống vắc xin này thành hai liều khi 2 và 4 tháng tuổi

Để vắc-xin rotavirus có hiệu quả nhất, trẻ sơ sinh nên được cho uống liều đầu tiên khi được 15 tuần tuổi. Đến khi được 8 tháng tuổi trẻ nên hoàn thành đủ toàn bộ số liều vắc-xin.

Nếu bạn có con, tham khảo ý kiến bác sĩ nhi về việc cho con uống vắc xin rotavirut.

Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Tôi nên ăn gì nếu bị viêm dạ dày ruột siêu vi?

Khi bị viêm dạ dày ruột siêu vi, bạn nên uống nhiều chất lỏng để bù lượng nước và chất điện giải đã mất. Bạn cũng có thể sẽ nôn mửa sau khi ăn hoặc mất khẩu vị trong thời gian ngắn. Khi có khẩu vị trở lại, đa phần bạn thường có thể ăn uống lại như bình thường, kể cả nếu bạn vẫn đang bị tiêu chảy.

Khi con bị viêm dạ dày ruột siêu vi, cha mẹ và người chăm sóc nên cho trẻ ăn như bình thường ngay khi trẻ có lại khẩu vị. Cha mẹ và người chăm sóc nên cho trẻ sơ sinh uống sữa mẹ hoặc sữa công thức như bình thường.

Tôi nên tránh ăn gì nếu bị viêm dạ dày ruột siêu vi?

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt không có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm dạ dày ruột siêu vi. Đa số các chuyên gia không khuyến khích nhịn ăn hoặc ăn uống quá kiêng khem khi bạn bị bệnh này.

Với một số người, những thành phần thực phẩm nhất định có thể làm các triệu chứng chuyển biến xấu hơn, gồm:

  • Đồ uống chứa cafein, như là cà phê và trà và một số đồ uống nhẹ.
  • Những đồ ăn nhiều chất béo, như là đồ chiên rán, pizza, và đồ ăn nhanh.
  • Đồ ăn và thức uống có chứa nhiều đường đơn, chẳng hạn như những đồ uống có đường và một số loại nước ép trái cây.
  • Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa mà có chứa đường lactose. Một số người sau khi khỏi bệnh viêm dạ dày ruột siêu vi gặp phải các vấn đề tiêu hóa đường lactose trong tới tận một hoặc nhiều tháng.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Bài đăng vào: Tháng 11/2018

Đánh giá lại: Tháng 11/2021

Leave a Comment