Trào ngược dạ dày thực quản ở thanh thiếu niên & thiếu nhi: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

GER là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux/GER) xảy ra khi axit có trong dạ dày trào ngược lại vào thực quản (esophagus).

Axit dạ dày tiếp xúc với niêm mạc thực quản có thể gây ra tình trạng ợ nóng (heartburn), còn gọi là đa toan dịch vị (acid indigestion).

GER có tên gọi khác không?

Bác sĩ cũng gọi GER là:

  • Đa toan dịch vị
  • Trào ngược axit
  • Ợ axit (ợ chua)
  • Ợ nóng
  • Trào ngược

Mức độ phổ biến của GER ở thanh thiếu niên & thiếu nhi?

Thỉnh thoảng bị trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng phổ biến ở thiếu nhi và thanh thiếu niên – tuổi từ 2 đến 19 (gọi chung là trẻ em hoặc trẻ-người dịch) – và không phải luôn đồng nghĩa với việc trẻ bị mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease/GERD).

GERD là gì?

GERD là một dạng trào ngược dạ dày thực quản (GER) dai dẳng và nghiêm trọng hơn trong đó trào ngược axit làm kích thích thực quản.

Sự khác biệt giữa GER và GERD là gì?

GER diễn ra hơn hai lần một tuần trong vài tuần có thể trở thành GERD. GERD có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn theo thời gian. Nếu bạn cho rằng con mình (ở độ tuổi thiếu nhi hoặc thanh thiếu niên) bị mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bạn nên đưa con đến khám bác sĩ hoặc bác sĩ nhi.

Mức độ phổ biến của GERD ở thanh thiếu niên & thiếu nhi?

Có tới 25% số trẻ em có các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản mặc dù bệnh này phổ biến hơn ở người trưởng thành.

GERD ở thanh thiếu niên & thiếu nhi có biến chứng gì?

Nếu không điều trị, GERD đôi khi dần dần có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

Viêm thực quản

Viêm thực quản (Esophagitis) có thể tạo ra những vết loét, một loại tổn thương trong niêm mạc thực quản.

Hẹp thực quản

Hẹp thực quản (Esophageal stricture) xảy ra khi thực quản bị trở nên quá hẹp. Bệnh này có thể khiến việc nuốt đồ ăn thức uống trở nên khó khăn.

Các vấn đề hô hấp

Thanh thiếu niên hoặc thiếu nhi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể sẽ hít axit dạ dày vào phổi. Khi đó axit dạ dày sẽ kích thích họng và phổi, gây ra các vấn đề hô hấp, như là:

  • Hen suyễn (asthma) — một căn bệnh dai dẳng ở phổi khiến trẻ cực kỳ nhạy cảm với những thứ mà cơ thể dị ứng
  • Tắc nghẽn ngực, hoặc thừa chất dịch trong phổi
  • Ho khan dai dẳng hoặc đau rát họng
  • Khàn giọng – mất giọng một phần
  • Viêm thanh quản – sưng thanh quản dẫn đến mất giọng trong thời gian ngắn
  • Viêm phổi – một hoặc cả hai lá phổi bị nhiễm trùng – tái đi tái lại
  • Thở khò khè – khi thở tạo ra tiếng rít chói tai

Bác sĩ nhi khoa nên theo dõi trẻ em bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản để phòng tránh hoặc điều trị các vấn đề sức khỏe lâu dài.

Triệu chứng & Nguyên nhân

GER & GERD ở thanh thiếu niên & thiếu nhi có những triệu chứng gì?

Nếu bị trào ngược thực quản (GER), trẻ có thể sẽ nếm thấy vị thức ăn hoặc axit dạ dày trong họng.

Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ở thanh thiếu niên và thiếu nhi có thể thay đổi đa dạng tùy theo lứa tuổi. Những triệu chứng phổ biến nhất của GERD ở trẻ từ 12 tuổi trở lên là ợ nóng (heartburn) thường xuyên, cảm giác đau đớn bỏng rát ở giữa ngực, sau xương ức và giữa bụng. Trong nhiều ca bệnh, trẻ dưới 12 tuổi mắc GERD không bị ợ nóng.

Những triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản phổ biến khác gồm có:

  • Hơi thở có mùi hôi
  • Buồn nôn
  • Đau ngực hoặc đau bụng trên
  • Gặp khó khăn hoặc cảm thấy đau đớn khi nuốt
  • Các vấn đề hô hấp
  • Nôn mửa
  • Mòn răng

Nguyên nhân gây ra GER & GERD ở thanh thiếu niên & thiếu nhi?

GER và GERD xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới (lower esophageal sphincter) của trẻ trở nên yếu hoặc nghỉ (mở) khi không đúng lúc, làm cho axit dạ dày trào ngược vào thực quản. Cơ vòng thực quản dưới bị yếu hoặc nghỉ (mở) bất thường vì những lý do nhất định, chẳng hạn như

  • Vùng bụng chịu nhiều áp lực hơn do thừa cân, béo phì hoặc mang thai
  • Sử dụng những loại thuốc nhất định, bao gồm:
    • Thuốc được bác sĩ chỉ định điều trị hen suyễn – một loại bệnh phổi dai dẳng khiến cơ thể trở nên nhạy cảm quá mức với những thứ trẻ bị dị ứng
    • Thuốc kháng histamine – các thuốc điều trị triệu chứng dị ứng
    • Thuốc giảm đau
    • Thuốc an thần — các thuốc giúp dễ ngủ hơn
    • Thuốc chống trầm cảm (antidepressants) — các thuốc điều trị bệnh trầm cảm
  • Hút thuốc, hành vi này dễ thấy ở thanh thiếu niên hơn là ở trẻ nhỏ, hoặc hít vào khói thuốc thụ động

Những lý do khác làm trẻ phát sinh bệnh GERD là:

  • Trước đó đã từng phẫu thuật thực quản
  • Cực kỳ chậm phát triển hoặc mắc phải tình trạng tổn thương thần kinh nghiêm trọng, chẳng hạn như bại não (cerebral palsy).

Khi nào tôi nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ?

Gọi bác sĩ ngay lập tức nếu con bạn ở độ tuổi thiếu nhi hoặc thanh thiếu niên:

    • Thường xuyên nôn mửa phun mạnh, hoặc nôn dữ dội
    • Dịch nôn:
      • Có màu xanh lá hoặc màu vàng
      • Trông giống bã cà phê
      • Có máu
  • Khó thở sau khi nôn
  • Đau miệng hoặc họng khi ăn
  • Khó hoặc đau đớn khi nuốt
  • Luôn không chịu ăn, dẫn đến sút cân hoặc tăng trưởng kém
  • Có các dấu hiệu mất nước, như là khóc khan không chảy nước mắt

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán GER ở thiếu nhi & thanh thiếu niên bằng cách nào?

Trong đa số trường hợp, bác sĩ chẩn đoán trào ngược thực quản (GER) bằng cách đánh giá các triệu chứng và bệnh sử của trẻ. Nếu các triệu chứng không được cải thiển khi đã thay đổi sinh hoạt và dùng thuốc, có thể cần cho trẻ làm xét nghiệm.

Bác sĩ chẩn đoán GERD ở thiếu nhi & thanh thiếu niên bằng cách nào?

Nếu các triệu chứng của trẻ không thuyên giảm, nếu thường xuyên tái đi tái lại hoặc trẻ nuốt khó khăn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị làm xét nghiệm tầm soát bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Bác sẽ có thể sẽ giới thiệu trẻ đến khám bác sĩ nhi chuyên khoa dạ dày ruột (gastroenterologist) để chẩn đoán và điều trị GERD.

Bác sĩ dùng những xét nghiệm gì đến chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản?

Một số loại xét nghiệm có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bác sĩ có thể yêu cầu làm nhiều hơn một loại xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán.

Chụp X quang đường tiêu hóa trên (Upper GI series)

Chụp X quang đường tiêu hóa trên để quan sát hình dáng đường tiêu hóa trên của trẻ.

Trong khi chụp, trẻ sẽ uống dung dịch cản quang (barium hoặc gastrograffin) để chất này phủ lên lớp niêm mạc bên trong đường tiêu hóa trên. Kỹ thuật viên chụp X quang chụp vài lần theo chất cản quang này di chuyển qua đường tiêu hóa. Kỹ thuật viên hoặc bác sĩ chụp X quang sẽ thường xuyên thay đổi tư thế của trẻ nhằm giúp quan sát được đường tiêu hóa một cách rõ nhất. Trong khi chụp họ có thể sẽ ấn lên bụng của trẻ.

Chụp X quang đường tiêu hóa trên không thể cho thấy được tình trạng kích thích nhẹ của thực quản. Phương pháp này có thể phát hiện những vấn đề liên quan đến GERD, chẳng hạn như hẹp thực quản, hoặc các vấn đề nằm ở cấu tạo cơ thể mà có thể tạo ra các triệu chứng của GERD.

Trẻ em hoặc thanh thiếu niên có thể bị chướng bụng và buồn nôn một lúc sau khi chụp. Trong vài ngày sau đó, trẻ có thể đại tiện ra phân trắng hoặc sáng màu do bari. Chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn bạn cụ thể về cách cho con ăn uống sau khi thực hiện chụp X quang.

Theo dõi độ pH thực quản và trở kháng (Esophageal pH and impedance monitoring)

Phương pháp chính xác nhất để phát hiện trào ngược axit là thông qua theo dõi độ pH thực quản và trở kháng. Bằng cách theo dõi độ pH thực quản và trở kháng bác sĩ có thể đo được lượng axit hoặc lượng dịch có trong thực quản của trẻ trong khi trẻ vẫn hoạt động bình thường, như là ăn và ngủ.

Phương pháp này được thực hiện tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Y tá hoặc bác sĩ luồn một ống mềm xuyên qua mũi đi xuống dạ dày của trẻ. Sau đó kéo ngược ống lại vào thực quản và được giữ cố định tại chỗ bằng băng dính dán vào má trẻ. Một đầu của ống nằm trong thực quản để đo nồng độ và thời điểm axit hoặc dịch đi từ dạ dày vào thực quản. Một đầu kia thì gắn với một màn hình bên ngoài cơ thể trẻ để ghi lại kết quả đo được. Việc đặt ống đôi khi được thực hiện trong khi trẻ đang ngủ do thuốc mê sau khi thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên, nhưng cũng có thể được thực hiện khi trẻ hoàn toàn tỉnh.

Con bạn sẽ đeo màn hình theo dõi trong vòng 24 giờ tiếp theo. Bạn sẽ cần cho con quay lại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú để tháo ống. Trẻ là đối tượng thiếu nhi thì có thể cần ở lại bệnh viện để theo dõi trở kháng và độ pH thực quản.

Phương pháp này trợ giúp bác sĩ nhiều nhất nếu bạn ghi chép lại nhật ký ăn uống của con bao gồm ăn những gì, khi nào và ăn bao nhiêu cũng như các triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản nào xuất hiện sau khi ăn. Bác sĩ chuyên khoa có thể biết được mối quan hệ giữa những triệu chứng, những loại thức ăn xác định và số lần cụ thể xuất hiện triệu chứng trong ngày. Phương pháp này cũng có thể hỗ trợ chỉ ra được liệu trào ngược axit có dẫn phát đến những vấn đề hô hấp nào không.

Xét nghiệm sinh thiết và nội soi đường tiêu hóa trên

Trong khi nội soi đường tiêu hóa trên (upper GI endoscopy), bác sĩ chuyên khoa dạ dày ruột, bác sĩ phẫu thuật hoặc chuyên gia y tế đã qua đào tạo khác dùng ống nội soi (endoscope) để quan sát bên trong đường tiêu hóa trên (upper GI tract) của trẻ. Phương pháp này được thực hiện ở bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú.

Thiếu nhi hoặc thanh thiếu niên sẽ được truyền thuốc vào ven cánh tay qua mũi kim tiêm tĩnh mạch (intravenous /IV needle) để trẻ có thể thả lỏng và thoải mái trong quá trình nội soi. Trẻ cũng có thể sẽ được súc họng bằng dung dịch gây tê hoặc được xịt thuốc gây tê vào cuống họng. Bác sĩ cẩn thận đưa máy nội soi xuống thực quản và rồi vào đến dạ dày và tá tràng của trẻ. Một máy quay được gắn trên máy nội soi gửi kết quả hình ảnh quay được về màn hình, để bác sĩ khám kỹ lớp niêm mạc trong đường tiêu hóa trên. Ống nội soi bơm không khí vào đường tiêu hóa của trẻ để dễ quan sát các cơ quan này hơn.

Bác sĩ có thể thực hiện lấy sinh thiết bằng ống nội soi thông qua việc lấy một mẩu mô nhỏ từ lớp niêm mạc trong thực quản của trẻ. Trẻ sẽ không cảm nhận được quá trình lấy sinh thiết. Nhà nghiên cứu bệnh học xét nghiệm mẫu mô đó ở trong phòng thí nghiệm.

Trong hầu hết các trường hợp, phương pháp này chỉ chẩn đoán được bệnh trào ngược dạ dày thực quản nếu trẻ có các triệu chứng ở mức độ vừa đến mức độ nặng.

Điều trị

Bác sĩ điều trị GER & GERD ở thanh thiếu niên & thiếu nhi bằng cách nào?

Lưu ý: Bất kỳ loại thuốc nào sử dụng cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên môn. Tự ý dùng thuốc có thể khiến bệnh tình trầm trọng thêm – Chú thích của biên tập viên.

Bạn có thể hỗ trợ kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản (GER) hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) của thanh thiếu niên hoặc thiếu nhi bằng cách:

  • Không cho trẻ ăn hoặc uống những thứ có thể dẫn đến GER, như là đồ ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ
  • Không cho trẻ ăn quá nhiều
  • Tránh không để trẻ hút thuốc và hít khói thuốc thụ động
  • Giúp trẻ giảm cân nếu trẻ bị thừa cân hoặc béo phì
  • Giúp trẻ tránh ăn cách giờ đi ngủ 2 đến 3 tiếng đồng hồ
  • Cho trẻ uống những loại thuốc như là Alka-Seltzer, Maalox, hoặc Rolaids

Bác sĩ điều trị GERD ở thanh thiếu niên & thiếu nhi bằng cách nào?

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng trẻ gặp phải mà bác sĩ có thể sẽ đề nghị thay đổi lối sống, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

Thay đổi lối sống

Giúp con bạn thay đổi lối sống có thể làm giảm các triệu chứng GER và GERD của trẻ. Trẻ nên:

  • Giảm cân, nếu cần thiết.
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ
  • Tránh những loại thức ăn nhiều chất béo
  • Mặc trang phục rộng phần bụng. Trang phục bó bụng có thể ép khu vực dạ dày và đẩy axit ngược lên thực quản
  • Sau khi ăn giữ tư thế thẳng lưng trong 3 tiếng. Tránh ngồi dựa và ngồi thõng vai
  • Ngủ gối đầu cao hơn thân một góc độ nhỏ. Nâng đầu giường cao lên 15 – 20cm bằng cách đặt những khối chặn dưới chân giường. Chỉ dùng thêm gối thì sẽ không có tác dụng tạo được góc độ nhỏ
  • Nếu thanh thiếu niên hút thuốc, giúp trẻ bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động

Sử dụng thuốc kê đơn và không kê đơn

Nếu các triệu chứng của trẻ không biến mất, bạn nên đưa con đến khám bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp làm thuyên giảm các triệu chứng của trẻ. Một số loại thuốc có sẵn tại hiệu thuốc mà không cần kê đơn.

Mọi loại thuốc trị GERD đều có tác dụng theo các cách khác nhau. Trẻ có thể sẽ cần kết hợp sử dụng các loại thuốc trị GERD để kiểm soát các triệu chứng.

Thuốc trung hòa axit dạ dày (Antacids)

Trước tiên bác sĩ thường chỉ định các thuốc trung hòa axit để làm giảm các triệu chứng GER và GERD mức độ nhẹ khác. Bác sĩ sẽ cho bạn biết loại thuốc kháng axit không cần kê đơn nào có thể cho trẻ uống, chẳng hạn như:

  • Alka-Seltzer
  • Maalox
  • Mylanta
  • Riopan
  • Rolaids

Thuốc trung hòa axit có thể có tác dụng phụ bao gồm tiêu chảytáo bón. Đừng cho con bạn uống các loại thuốc kháng axit không kê đơn khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Thuốc ức chế H2

Thuốc ức chế H2 làm giảm sản sinh axit. Chúng có hiệu quả giảm các triệu chứng GER và GERD trong thời gian ngắn và theo nhu cầu của người sử dụng. Thuốc này cũng có thể giúp làm lành thực quản mặc dù là tác dụng không tốt bằng các loại thuốc khác. Nếu bác sĩ đề nghị cho con bạn sử dụng một loại thuốc ức chế H2, bạn có thể mua ở các hiệu thuốc hoặc bác sĩ có thể kê đơn cho bạn. Các loại thuốc ức chế H2 gồm có:

  • cimetidine (Tagamet HB)
  • famotidine (Pepcid AC)
  • nizatidine (Axid AR)
  • ranitidine (Zantac 75)

Nếu trẻ bị ợ nóng sau khi ăn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sẽ kê thuốc trung hòa axit và thuốc ức chế H2 cho con bạn. Thuốc kháng axit sẽ trung hòa axit dạ dày, và thuốc ức chế H2 ngăn dạ dày tạo axit. Đến khi thuốc kháng axit hết hiệu lực, thuốc ức chế H2 đã chặn được axit trong dạ dày.

Đừng cho con bạn sử dụng loại thuốc ức chế H2 không cần bán theo đơn khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

PPI hạ lượng axit dạ dày tạo ra. PPI có hiệu quả điều trị GERD hơn thuốc ức chế H2. Chúng có thể làm lành niêm mạc thực quản ở hầu hết những người mắc GERD. Bác sĩ thường kê đơn các thuốc PPI để điều trị GERD lâu dài.

Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng PPI trong thời gian dài hoặc sử dụng liều cao dễ bị rạn xương cột sống, xương cổ tay và xương hông. Trẻ cần uống thuốc này khi chưa ăn gì để axit dạ dày có thể khiến thuốc này hoạt động bình thường.

Một số loại PPI có sẵn được bác sĩ kê đơn, bao gồm:

  • esomeprazole (Nexium)
  • lansoprazole (Prevacid)
  • omeprazole (Prilosec, Zegerid)
  • pantoprazole (Protonix)
  • rabeprazole (AcipHex)

Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc cho con uống thuốc omeprazole hoặc lansoprazole giảm nồng độ, không cần bán theo đơn thuốc. Đừng cho con bạn sử dụng loại thuốc ức chế bơm proton không cần bán theo đơn khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Thuốc hỗ trợ nhu động

Thuốc hỗ trợ nhu động giúp dạ dày đẩy thức ăn nhanh hơn. Thuốc hỗ trợ nhu động bán theo đơn bao gồm:

  • bethanechol (Urecholine)
  • metoclopramide (Reglan)

Cả hai loại này đều có tác dụng phụ, gồm:

  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Kiệt sức hoặc cảm thấy mệt mỏi
  • Trầm cảm
  • Lo âu
  • Cơ thể cử động bất thường hoặc chậm ì

Thuốc hỗ trợ nhu động có thể gây ra rắc rối nếu con bạn dùng chung với các thuốc khác, vì thế hãy cho bác sĩ biết toàn bộ các loại thuốc con bạn đang dùng.

Kháng sinh

Thuốc kháng sinh, gồm erythromycin, có thể giúp dạ dày đẩy thức ăn đi nhanh hơn. Erythromycin có ít tác dụng phụ hơn thuốc hỗ trợ nhu động, tuy nhiên có thể gây tiêu chảy.

Phẫu thuật

Bác sĩ nhi chuyên khoa dạ dày ruột có thể sẽ đề nghị phẫu thuật nếu các triệu chứng của con bạn không cải thiện theo những thay đổi lối sống hoặc việc sử dụng thuốc. Trẻ dễ gặp phải biến chứng do phẫu thuật hơn là do dùng thuốc.

Phẫu thuật bao đáy vị (Fundoplication) là loại phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị GERD. Đa số trường hợp thì phẫu thuật này cho kết quả kiểm soát trào ngược lâu dài.

Bác sĩ phẫu thuật thực hiện phẫu thuật bao đáy vị bằng ống nội soi ổ bụng (laparoscope), một ống mỏng có gắn video camera mini. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ khâu phần trên của dạ dày quanh thực quản để làm tăng áp lực đầu dưới của thực quản và giảm trào ngược.

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện. Trẻ sẽ được gây mê toàn thân và có thể xuất viện trong vòng 1 đến 3 ngày. Hầu hết trẻ quay lại sinh hoạt hàng ngày trong 2 đến 3 tuần.

Kỹ thuật nội soi, chẳng hạn như khâu nội soi và dùng tần số sóng radio, hỗ trợ kiểm soát GERD ở một số ít người bệnh. Khâu nội soi dùng mũi kim nhỏ để thắt chặt cơ vòng (sphincter). Tần số sóng radio tạo ra những vết thương hoặc vết loét rộp giúp thắt chặt cơ vòng. Bác sĩ thực hiện cả 2 loại phẫu thuật đều bằng máy nội soi (endoscope) ở bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú và con bạn được gây mê toàn thân.

Kết quả từ những kỹ thuật nội soi có thể không có hiệu quả cao như phẫu thuật bao đáy vị. Bác sĩ cũng không thường sử dụng các kỹ thuật này.

Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Chế độ ăn uống có thể hỗ trợ phòng tránh hoặc làm giảm GER hoặc GERD ở thanh thiếu niên & thiếu nhi như thế nào?

Bạn có thể giúp thanh thiếu niên hoặc thiếu nhi phòng tránh hoặc làm thuyên giảm các triệu chứng do trào ngược dạ dày thực quản (GER) hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) bằng cách thay đổi chế độ ăn uống của trẻ. Trẻ có thể sẽ cần tránh những loại đồ ăn thức uống nhất định mà khiến các triệu chứng xấu đi. Các thay đổi ăn uống khác có thể giúp giảm các triệu chứng của trẻ gồm có:

  • Giảm các loại đồ ăn nhiều chất béo
  • Ăn ít, ăn thành nhiều bữa thay vì ba bữa ăn nhiều

Thanh thiếu niên hoặc thiếu nhi nên tránh ăn hoặc uống gì khi bị GERD?

Trẻ nên tránh ăn hoặc uống những thứ có thể khiến GER hay GERD nặng hơn dưới đây:

  • Sô cô la
  • Cà phê
  • Bạc hà
  • Thức ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ
  • Cà chua và các sản phẩm từ cà chua

Thanh thiếu niên hoặc thiếu nhi có thể ăn gì nếu bị GERD?

Ăn uống đủ các loại thức ăn khác nhau một cách lành mạnh và cân đối có lợi cho sức khỏe toàn diện của con bạn. Để biết thêm thông tin về ăn uống cân đối, ghé xem Chọn đĩa ăn lành mạnh.

Nếu con bạn bị thừa cân hoặc béo phì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về các thay đổi ăn uống mà có thể hỗ trợ trẻ giảm cân và giảm các triệu chứng GERD.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment