Tiêu chảy: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là đi đại tiện ra phân lỏng nhiều nước ba lần trở lên một ngày. Tiêu chảy có thể là cấp tính, dai dẳng hoặc mạn tính:

  • Tiêu chảy cấp tính là tình trạng phổ biến điển hình kéo dài 1 hoặc 2 ngày và tự hết.
  • Tiêu chảy dai dẳng kéo dài hơn 2 tuần và dưới 4 tuần.
  • Tiêu chảy mạn tính kéo dài ít nhất 4 tuần. Các triệu chứng tiêu chảy mạn tính có thể liên tục hoặc xuất hiện rồi biến mất.

Mức độ phổ biến của bệnh tiêu chảy?

Tiêu chảy là tình trạng bệnh phổ biến. Tiêu chảy cấp tính phổ biến hơn tiêu chảy dai dẳng hay mạn tính. Các nhà nghiên cứu ước tính mỗi năm ở Mỹ có khoảng 179 triệu ca tiêu chảy cấp tính xảy ra. (Trong khi dân số Mỹ vào khoảng 325 triệu người – chú thích của biên tập viên)

Tiêu chảy có những biến chứng gì?

Mất nước

Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước, có nghĩa là cơ thể bạn thiếu chất lỏng và các chất điện giải để hoạt động bình thường. Các chất lỏng và các chất điện giải đi ra khỏi cơ thể theo phân lỏng nhiều hơn so với phân rắn. Xem danh sách các triệu chứng mất nước ở phần bên dưới.

Kém hấp thu

Tiêu chảy có thể khiến cơ thể gặp phải tình trạng kém hấp thu. Nếu con người không hấp thu đủ dưỡng chất từ thức ăn, thì có thể bị suy dinh dưỡng. Một số tình trạng gây ra tiêu chảy mạn tính – như là bị nhiễm trùng, dị ứng và không dung nạp được thực phẩm cùng với những vấn đề nhất định ở đường tiêu hóa – cũng có thể gây ra tình trạng kém hấp thu. Xem danh sách các triệu chứng kém hấp thu ở phần bên dưới.

Triệu chứng và nguyên nhân

Các triệu chứng của tiêu chảy là gì?

Triệu chứng chính của tiêu chảy là đi đại tiện ra phân lỏng nhiều nước từ ba lần trở lên trong một ngày.

Những người bị tiêu chảy cũng có thể có một hay nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Rất buồn đi vệ sinh
  • Chuột rút
  • Đi đại tiện mất kiểm soát
  • Buồn nôn
  • Đau bụng

Những người bị tiêu chảy do nhiễm trùng cũng có thể gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Phân dính máu
  • Sốt và ớn lạnh
  • Chóng mặt và choáng váng đầu óc
  • Nôn mửa

Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng cơ thể mất nước và kém hấp thu.

Cơ thể mất nước và kém hấp thu có triệu chứng gì?

Mất nước và kém hấp thu có thể là những biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy. Triệu chứng của những biến chứng này ở người trưởng thành, trẻ sơ sinh, trẻ tuổi tập đi và trẻ nhỏ được liệt kê như dưới đây.

Mất nước

Triệu chứng mất nước ở người trưởng thành có thể bao gồm:

  • Cảm thấy khát
  • Đi tiểu ít hơn bình thường
  • Cảm thấy mệt
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Khô miệng
  • Nếp véo da mất chậm, nghĩa là khi bạn véo da và thả ra, nếp véo da không lập tức biến mất
  • Má hoặc mắt bị phù thũng
  • Choáng váng đầu óc hoặc ngất

Những dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh, trẻ tập đi và trẻ nhỏ có thể bao gồm

  • Khát
  • Đi tiểu ít hơn bình thường, hoặc trong 3 tiếng đồng hồ trở lên không tiểu ra bỉm
  • Thiếu sức lực
  • Khô miệng
  • Khóc không ra nước mắt
  • Nếp véo da mất chậm
  • Mắt, gò má phù thũng hoặc sờ thấy chỗ mềm trên xương sọ

Kém hấp thu

Triệu chứng kém hấp thu ở người trưởng thành có thể bao gồm:

  • Sưng phù
  • Thay đổi khẩu vị
  • Đầy hơi
  • Đại tiện nặng mùi phân lỏng và mỡ
  • Sút cân

Những triệu chứng kém hấp thu ở trẻ sơ sinh, trẻ tuổi tập đi và trẻ nhỏ có thể bao gồm

  • Sưng phù
  • Thay đổi khẩu vị
  • Đầy hơi
  • Đại tiện nặng mùi phân lỏng và mỡ
  • Sút cân hoặc chậm tăng cân

[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]

Đi khám ngay lập tức

Tiêu chảy có thể trở nên nguy hiểm nếu dẫn đến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Tiêu chảy có thể còn báo hiệu một tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Người trưởng thành

Người trưởng thành nếu gặp phải bất cứ triệu chứng nào dưới đây thì nên đi khám bác sĩ ngay lập tức:

  • Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày
  • Sốt từ 102 độ F (~38,9 độ C) trở lên
  • Thường xuyên nôn mửa
  • Đi ngoài phân lỏng sáu lần trở lên trong vòng 24 tiếng
  • Đau bụng hoặc đau trực tràng dữ dội
  • Phân đen như mực (trông như hắc ín) hoặc dính máu hay mủ
  • Các dấu hiệu mất nước

Người cao tuổi và người trưởng thành có hệ miễn dịch suy yếu hay mắc các bệnh khác mà bị tiêu chảy thì nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Trẻ sơ sinh, trẻ tập đi và trẻ nhỏ

Bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ tập đi hoặc trẻ nhỏ bị tiêu chảy và có bất cứ dấu hiệu nào sau đây thì nên cho bé đi khám ngay lập tức:

  • Tiêu chảy kéo dài hơn 24 tiếng
  • Sốt từ 102 độ F (~38,9 độ C) trở lên
  • Đau bụng và đau trực tràng dữ dội
  • Phân có máu hoặc mủ
  • Phân đen như mực (trông như hắc ín)
  • Các dấu hiệu mất nước

[/dropshadowbox]

Nguyên nhân gây ra tiêu chảy?

Tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy dai dẳng có thể có nguyên nhân khác với tiêu chảy mạn tính. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ không tìm được nguyên nhân gây ra tiêu chảy. Phần lớn tiêu chảy tự hết trong vòng 4 ngày và không cần thiết phải tìm nguyên nhân.

Tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy dai dẳng

Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy dai dẳng và cấp tính là do nhiễm trùng, tiêu chảy ở người đi du lịch, và tác dụng phụ của thuốc.

Nhiễm trùng

Ba loại nhiễm trùng có thể gây ra tiêu chảy bao gồm:

  • Nhiễm vi rút. Nhiều loại vi rút gây ra tiêu chảy bao gồm nô-rô vi rút (norovirus) và rô-ta vi rút (rotavirus). Viêm ruột do virut thường là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp tính.
  • Nhiễm vi khuẩn. Một số loại vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể bạn qua nguồn thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn và gây ra tiêu chảy. Những loại vi khuẩn thường gây ra tiêu chảy gồm có Campylobacter , Escherichia coli  (E. coli), Salmonella , và Shigella.
  • Nhiễm ký sinh trùng. Ký sinh trùng (Parasites) có thể xâm nhập cơ thể bạn qua đường thức ăn hoặc nước uống và sinh sống trong đường tiêu hóa của bạn. Những ký sinh trùng gây ra tiêu chảy gồm có Cryptosporidium enteritis , Entamoeba histolytica , và Giardia lamblia .

Những nhiễm trùng trong đường tiêu hóa mà lây lan qua con đường thức ăn và thức uống được gọi là các bệnh ngộ độc thực phẩm.

Nhiễm trùng kéo dài từ hơn 2 tuần đến dưới 4 tuần có thể gây ra tình trạng tiêu chảy dai dẳng.

Tiêu chảy ở người đi du lịch

Tiêu chảy ở người đi du lịch (Travelers’ diarrhea) xảy ra là do ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút hoặc nhiễm ký sinh trùng. Tiêu chảy ở người đi du lịch phần lớn thường là cấp tính. Tuy nhiên, một số loại ký sinh trùng gây ra tình trạng tiêu chảy dài ngày hơn. Tiêu chảy ở người đi du lịch có thể là loại vấn đề hay xảy ra khi đi du lịch đến các nước đang phát triển.

Tác dụng phụ của thuốc

Nhiều loại thuốc gây ra tiêu chảy. Các loại thuốc có thể gây ra tiêu chảy gồm có kháng sinh (antibiotics), thuốc trung hòa axit dạ dày (antacids) chứa magie và các loại thuốc được dùng để điều trị ung thư.

Tiêu chảy mạn tính

Một số tình trạng nhiễm trùng, dị ứng và không dung nạp thức ăn, các vấn đề đường tiêu hóa, phẫu thuật bụng và sử dụng thuốc thời gian dài có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy mạn tính.

Nhiễm trùng

Một số loại nhiễm trùng vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra tiêu chảy không nhanh khỏi nếu không điều trị. Tương tự, sau khi bị nhiễm trùng, bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề về tiêu hóa các chất carbohydrates như là đường lactose hoặc đạm proteins có trong thực phẩm như là sữa bò, các sản phẩm sữa hoặc đậu nành. Những vấn đề tiêu hóa carbohydrates hoặc protein có thể làm tiêu chảy kéo dài.

Dị ứng và không dung nạp thực phẩm

Dị ứng với những thực phẩm như là sữa bò, đậu nành, hạt ngũ cốc, trứng và hải sản có thể gây ra tiêu chảy mạn tính.

Tình trạng không dung nạp đường lactose thường gây ra bệnh tiêu chảy sau khi ăn phải thức ăn hoặc uống những thức uống chứa sữa hoặc sản phẩm từ sữa.

Tình trạng không dung nạp đường fructose có thể gây ra tiêu chảy sau khi ăn hoặc uống những thức ăn hoặc thức uống có chứa chất fructose, một loại đường có trong trái cây, nước ép trái cây và mật ong. Đường fructose được bổ sung vào nhiều loại thức ăn và đồ uống nhẹ như là một chất tạo ngọt có tên gọi siro bắp nhiều fructose.

Các loại đường năng lượng thấp như là sorbitol, mannitol, và xylitol có thể gây ra tiêu chảy ở một số người. Các loại kẹo và kẹo cao su không đường thường có những loại đường năng lượng thấp này.

Các vấn đề về đường tiêu hóa

Các vấn đề về đường tiêu hóa có thể gây ra tiêu chảy mạn tính bao gồm:

Phẫu thuật vùng bụng

Bạn có thể mắc phải tiêu chảy mạn tính sau khi phẫu thuật vùng bụng. Phẫu thuật vùng bụng bao gồm các phẫu thuật thực hiện trên ruột thừa, túi mật, ruột già, gan, tuyến tụy, ruột non, lá lách hoặc dạ dày.

Dùng thuốc thời gian dài

Thuốc phải uống trong thời gian dài có thể gây ra tiêu chảy mạn tính. Một số loại thuốc như là kháng sinh, có thể làm thay đổi khu hệ ruột (gut flora) bình thường và làm tăng khả năng bị nhiễm Clostridium difficile, một loại vi khuẩn gây ra tiêu chảy mạn tính.

Chẩn đoán

Bác sĩ tìm nguyên nhân tiêu chảy bằng cách nào?

Thường thì bác sĩ không cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp tính. Nếu bạn bị tiêu chảy hơn 4 ngày hoặc có những triệu chứng như là sốt hoặc đi ngoài ra phân có máu, bác sĩ có thể sẽ cần tìm nguyên nhân gây tiêu chảy. Bác sĩ có thể sẽ dùng những thông tin từ tiền sử bệnh và tiền sử bệnh gia đình của bạn, khám sức khỏe trực tiếp hoặc làm xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ra tiêu chảy.

Bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình

Bác sĩ sẽ hỏi thông tin về các triệu chứng của bạn, chẳng hạn như:

  • Bạn bị tiêu chảy bao lâu rồi
  • Đi ngoài bao nhiêu phân
  • Tần suất bị tiêu chảy
  • Hình dáng phân thế nào, như là màu sắc hoặc độ đặc
  • Bên cạnh tiêu chảy còn có các triệu chứng nào khác không

Bác sĩ sẽ hỏi về những thứ bạn đã ăn và những đồ bạn đã uống. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm, họ có thể sẽ khuyến nghị bạn thay đổi loại thức ăn để xem triệu chứng có thuyên giảm không.

Bác sĩ cũng sẽ hỏi về:

  • Bệnh bạn đã và đang mắc phải
  • Thuốc kê đơn và các loại thuốc không cần kê bạn sử dụng
  • Gần đây có tiếp xúc với người bệnh không
  • Gần đây có đến các nước đang phát triển không

Bác sĩ có thể hỏi có ai trong gia đình bạn có tiền sử mắc các bệnh gây ra tiêu chảy như là bệnh celiac, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, chứng không dung nạp đường lactose và viêm loét đại tràng không.

Bác sĩ có thể sẽ dùng những thông tin từ bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình của bạn, khám trực tiếp hoặc làm xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ra tiêu chảy.

Khám sức khỏe trực tiếp

Trong khi khám trực tiếp, bác sĩ có thể:

  • Kiểm tra huyết áp và nhịp mạch của bạn để xem có dấu hiệu mất nước không
  • Khám thân thể của bạn xem có dấu hiệu sốt hoặc mất nước không
  • Dùng ống nghe để nghe âm thanh bên trong bụng của bạn
  • Gõ lên bụng của bạn để kiểm tra độ mềm hay mức độ đau

Đôi khi bác sĩ thực hiện thăm khám trực tràng bằng ngón tay. Bác sĩ sẽ bảo bạn cúi xuống một cái bàn hoặc nằm nghiêng một bên gập đầu gối đưa gần về phía ngực của bạn. Sau khi đeo găng tay, bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đã được bôi trơn vào trong hậu môn của bạn để kiểm tra xem có máu dính trong phân không.

Bác sĩ dùng những xét nghiệm gì để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tiêu chảy?

Bác sĩ có thể dùng những xét nghiệm sau để giúp tìm được nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở bạn.

Xét nghiệm phân

Các xét nghiệm phân có thể chỉ ra sự xuất hiện của máu, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; hoặc cho thấy các dấu hiệu của bệnh tật và những rối loạn. Chuyên gia y tế sẽ cho bạn một ống đựng để hứng và trữ phân. Bạn sẽ được chỉ dẫn nơi lấy hoặc gửi ống đựng mẫu phân để phân tích.

Xét nghiệm máu

Chuyên gia y tế có thể lấy mẫu máu để xét nghiệm xác định bệnh hoặc rối loạn nhất định gây ra tiêu chảy.

Xét nghiệm Hydrogen trong hơi thở

Xét nghiệm này được dùng để chẩn đoán chứng không dung nạp lactose bằng cách đo lượng hydrogen có trong hơi thở của bạn. Thông thường, trong hơi thở thường phát hiện ít hydrogen. Với người mắc chứng không dung nạp đường lactose, lactose không tiêu hóa được dẫn đến nồng độ  hydrogen cao trong hơi thở. Với xét nghiệm này, bạn sẽ uống một loại đồ uống có chứa lượng lactose xác định. Sau đó bạn thở vào một ống hình quả bóng bay dùng để đo nồng độ hydrogen trong hơi thở của bạn. Nếu nồng độ hydrogen cao, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn mắc chứng không dung nạp lactose dẫn đến tiêu chảy.

Kiểm tra bằng cách nhịn ăn

Để tìm ra xem tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm của cơ thể bạn có dẫn đến bệnh tiêu chảy hay không, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn tránh những loại thực phẩm có chứa lactose, carbohydrates, lúa mì, hoặc các thành phần khác để xem liệu thay đổi ăn uống có tác dụng với bệnh tiêu chảy không.

Nội soi

Bác sĩ có thể dùng máy nội soi để quan sát bên trong cơ thể bạn nhằm giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy. Các phương pháp nội soi bao gồm:

  • Nội soi ruột kết
  • Nội soi trực tràng ống mềm
  • Nnội soi đường tiêu hóa trên

Điều trị

Tôi điều trị bệnh tiêu chảy bằng cách nào?

Trong hầu hết trường hợp, bạn có thể điều trị tiêu chảy cấp tính bằng thuốc bán không cần đơn như là loperamide (Imodium) và bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol, Kaopectate). Nói chung bác sĩ không khuyến nghị những người đi ngoài ra phân dính máu hoặc bị sốt – dấu hiệu cơ thể nhiễm khuẩn (bacteria) hoặc nhiễm ký sinh trùng (parasites) dùng loại thuốc không kê đơn. Nếu bị tiêu chảy hơn 2 ngày, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Khi bạn bị tiêu chảy cấp tính, có thể bạn sẽ mất khẩu vị ăn uống trong thời gian ngắn. Khi lại có khẩu vị thì bạn ăn uống bình thường. Tìm hiểu thêm về vấn đề ăn uống khi bị tiêu chảy ở phần bên dưới.

Con tôi bị tiêu chảy cấp thì điều trị bằng cách nào?

Những loại thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp không cần kê đơn dành cho người lớn có thể nguy hiểm khi dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ tập đi và trẻ nhỏ. Hãy tư vấn với bác sĩ trước khi cho con bạn uống loại thuốc không kê đơn. Nếu con bạn bị tiêu chảy hơn 24 giờ, đi khám bác sĩ ngay.

Bạn có thể cho con ăn uống bình thường phù hợp theo lứa tuổi của bé. Bạn có thể cho con ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức như bình thường.

Bác sĩ điều trị tiêu chảy dai dẳng và mạn tính bằng cách nào?

Cách bác sĩ điều trị tiêu chảy mạn tính và dai dẳng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tiêu chảy. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và những loại thuốc diệt ký sinh trùng để điều trị. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc điều trị một số bệnh gây ra tiêu chảy như là bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, hoặc viêm loét đại tràng. Phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy mạn tính ở trẻ em cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng probiotics. Probiotics là những vi sinh vật sống, phần lớn thường là các vi khuẩn, chúng giống với những vi sinh vật thường có trong đường tiêu hóa. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu việc ứng dụng probiotics vào điều trị bệnh tiêu chảy. [Bạn có thể tìm hiểu thêm về probiotics trong bài viết về hệ vi sinh vật trong cơ thể. – chú thích của biên tập viên]

Vì lý do an toàn, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi dùng probiotics hay bất cứ thuốc thay thế hay thuốc bổ sung hoặc các phương pháp nào khác. Nếu bác sĩ khuyến nghị bạn nên dùng probiotics, thì bạn hãy tư vấn thêm với bác sĩ về việc bạn nên dùng bao nhiêu probiotics và dùng trong bao lâu.

Làm cách nào để tôi có thể phòng tránh tiêu chảy?

Bạn có thể phòng tránh vài loại tiêu chảy nhất định như là tiêu chảy do bị nhiễm trùng– gồm có nhiễm rotavirus và tiêu chảy ở người đi du lịch — và các bệnh nhiễm độc do các tác nhân gây ra qua con đường tiêu hóa thức ăn (foodborne illnesses).

Nhiễm trùng

Bạn có thể giảm khả năng bị nhiễm trùng hoặc truyền nhiễm dẫn đến tiêu chảy bằng cách rửa sạch tay bằng xà phòng và nước ấm trong 15 đến 30 giây:

  • Sau khi đi vệ sinh
  • Sau khi thay tã
  • Trước và sau khi tiếp xúc hoặc sơ chế thực phẩm

Rotavirus, loại vi rút gây ra bệnh viêm ruột, từng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tiêu chảy ở trẻ sơ sinh trước khi có vắc-xin rotavirut. Vắc xin này đã làm giảm số ca trẻ em nhiễm rotavirut và nhập viện ở Mỹ.

Hai loại vắc xin đường uống được kiểm duyệt nhằm bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm rotavirut là:

  • Vắc xin rotavirut, hoạt tính, dạng uống, 5 trong 1 (RotaTeq). Bác sĩ cho trẻ sơ sinh uống vắc xin này thành 3 liều: khi trẻ được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi và 6 tháng tuổi.
  • Vắc xin rotavirut, hoạt tính, dạng uống (Rotarix). Bác sĩ cho trẻ sơ sinh uống loại vắc xin này thành 2 liều: khi trẻ được 2 và 4 tháng tuổi.

Để vắc xin rotavirut có hiệu quả, trẻ sơ sinh nên được uống đủ liều trước khi được 8 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh từ 15 tuần tuổi trở lên chưa được uống vắc xin rotavirut thì nên bắt đầu uống.

Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ sơ sinh nên trao đổi với bác sĩ về vấn đề cho trẻ uống vắc xin rotavirut .

Tiêu chảy ở người đi du lịch

Để giảm khả năng bị tiêu chảy khi đi du lịch đến những nước đang phát triển, tránh:

  • Uống nước máy
  • Dùng nước máy để làm đá, sơ chế thực phẩm hoặc đồ uống hoặc đánh răng
  • Uống nước ép hoặc sữa tươi hoặc ăn các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng – chưa được xử lý nhiệt để tiêu diệt các vi khuẩn có hại – virut, vi khuẩn và ký sinh trùng
  • Ăn đồ bán ở hàng rong
  • Ăn thịt, cá hoặc động vật có vỏ dạng sống, chưa nấu chín hoặc không nóng
  • Ăn rau sống và hầu hết các loại trái cây còn non

Bạn có thể uống nước đóng chai, đồ uống nhẹ và các thức uống nóng như là cà phê hoặc trà pha bằng nước sôi.

Nếu bạn lo lắng bị tiêu chảy khi đi du lịch, tư vấn với bác sĩ trước khi đi. Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn uống kháng sinh trước và trong chuyến đi để đề phòng bị tiêu chảy. Điều trị sớm bằng kháng sinh có thể rút ngắn thời gian bị tiêu chảy khi đi du lịch.

Ngộ độc thực phẩm 

Bạn có thể đề phòng ngộ độc thực phẩm gây ra tiêu chảy bằng cách bảo quản, chế biến, rửa và tiếp xúc thực phẩm đúng cách.

Làm cách nào để tôi có thể chữa trị hoặc phòng tránh được mất nước do tiêu chảy?

Để điều trị hoặc phòng tránh mất nước, bạn cần thay thế những chất lưu và điện giải (electrolytes) đã bị mất đi do tiêu chảy – gọi là liệu pháp bù nước bù điện giải – đặc biệt là nếu bạn bị tiêu chảy cấp. Mặc dù uống nhiều nước cũng quan trọng trong việc điều trị và phòng tránh mất nước, thì bạn cũng nên uống những chất lỏng chứa chất điện giải, như là các loại dưới đây:

  • Nước dùng/canh
  • Đồ uống nhẹ không chứa caffeine
  • Nước ép trái cây

Nếu bạn là người cao tuổi hoặc có hệ miễn dịch kém, bạn nên uống các dung dịch bù điện giải như Pedialyte, Naturalyte, Infalyte, hay CeraLyte. Dung dịch uống bù điện giải là những chất lỏng chứa đường gluco và chất điện giải.

Làm cách nào để chữa hoặc tránh cho con tôi không mất nước khi cháu bị tiêu chảy?

Để trị hoặc phòng mất nước, cho con uống các chất lỏng có chứa chất điện giải. Bạn cũng có thể cho cháu uống dung dịch bù nước như là Pedialyte, Naturalyte, Infalyte, hay CeraLyte theo hướng dẫn. Tư vấn với bác sĩ về việc cho con bạn uống những loại dung dịch này.

Ăn uống, ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Tôi nên ăn gì nếu bị tiêu chảy?

Nếu bạn bị tiêu chảy, có thể bạn sẽ mất khẩu vị trong thời gian ngắn. Đa số trường hợp khi có khẩu vị thì bạn có thể ăn uống bình thường trở lại. Cha mẹ và người chăm sóc nên cho trẻ bị tiêu chảy ăn uống bình thường phù hợp với lứa tuổi và cho trẻ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn nên thay đổi chế độ ăn uống nhằm điều trị một số nguyên nhân gây ra tiêu chảy mạn tính, như là tình trạng không dung nạp đường lactose hoặc bệnh celiac.

Tôi nên tránh ăn gì nếu bị tiêu chảy?

Bạn nên tránh ăn những thực phẩm có thể khiến tình trạng tiêu chảy của bạn chuyển biến xấu, như là:

  • Các đồ uống có cồn
  • Những đồ uống và đồ ăn có chứa caffeine
  • Chế phẩm từ sữa như là sữa tươi, phô mai và kem lạnh
  • Những thực phẩm béo và nhiều dầu mỡ
  • Đồ ăn thức uống chứa fructose
  • Trái cây như là táo, đào và lê
  • Đồ ăn cay
  • Đồ uống ăn kiêng và các loại kẹo và kẹo cao su không đường có chứa các chất tạo ngọt như là sorbitol, mannitol, và xylitol

Nghiên cứu cho thấy trong đa số trường hợp việc thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem hạn chế không giúp điều trị được bệnh tiêu chảy. Phần lớn các chuyên gia không khuyến khích nhịn ăn hoặc ăn uống kiêng khem hạn chế khi bị tiêu chảy.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment