Tiêu chảy mạn tính ở trẻ em là gì?
Tiêu chảy mạn tính là đi ngoài phân (stools) lỏng nhiều nước từ 3 lần trở lên trong một ngày kéo dài ít nhất 4 tuần. Trẻ em bị tiêu chảy mạn tính có thể liên tục đi ngoài phân lỏng nhiều nước hoặc lúc bị lúc không. Tiêu chảy mạn tính có thể ảnh hưởng đến trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Tiêu chảy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn gọi là tiêu chảy cấp. Tiêu chảy cấp tính, một vấn đề phổ biến ở trẻ em, thường chỉ kéo dài vài ngày và tự biến mất.
Tiêu chảy mạn tính ở trẻ em có những biến chứng gì?
Kém hấp thu
Những bệnh và tình trạng sức khỏe nhất định gây ra tiêu chảy mạn tính có thể dẫn đến tình trạng kém hấp thu (malabsorption) – một loại vấn đề sức khỏe xảy ra khi cơ thể trẻ không thể hấp thu các dưỡng chất từ thức ăn, dẫn đến thiếu hụt đạm, calo và các vitamin. Xem danh sách các dấu hiệu cơ thể kém hấp thu ở bên dưới.
Trẻ không hấp thu đủ dưỡng chất từ thức ăn có thể trở nên kém dinh dưỡng (malnourished). Tình trạng kém dinh dưỡng (suy dinh dưỡng) trong những năm khi mà cơ thể trẻ đang cần có đủ dinh dưỡng để phát triển và tăng trưởng bình thường có thể gây ra những vấn đề sức khỏe.
Mất nước
Tiêu chảy mạn tính có thể dẫn đến cơ thể mất nước (dehydration). Với tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy cấp, cơ thể trẻ mất nhiều chất dịch và các chất điện giải (electrolytes) qua phân lỏng hơn là phân rắn. Xem danh sách các triệu chứng mất nước ở bên dưới.
Triệu chứng & Nguyên nhân
Tiêu chảy mạn tính ở trẻ có những triệu chứng gì?
Triệu chứng cơ bản của tiêu chảy mạn tính ở trẻ em là đi ngoài phân lỏng nhiều nước nhiều hơn 3 lần một ngày kéo dài từ 4 tuần trở lên.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, trẻ bị tiêu chảy mạn tính cũng có thể một hoặc các triệu chứng dưới đây:
- Phân dính máu
- Ớn lạnh
- Sốt
- Đại tiện mất kiểm soát
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Bụng đau hoặc bị chuột rút
Tiêu chảy mạn tính có thể gây ra tình trạng kém hấp thu và có thể dẫn đến cơ thể bị mất nước.
Trẻ bị mất nước và kém hấp thu có các triệu chứng gì?
Kém hấp thu
Các triệu chứng trẻ kém hấp thu có thể là:
- Chướng bụng (bloating)
- Thay đổi khẩu vị
- Trung tiện (gas)
- Đại tiện nặng mùi phân lỏng nhiều mỡ
- Sút cân hoặc tăng cân chậm
Mất nước
Các triệu chứng mất nước ở trẻ có thể là:
- Khát
- Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không tiểu ướt bỉm trong 3 tiếng trở lên
- Thiếu năng lượng
- Khô miệng
- Khóc khan không có nước mắt
- Giảm nếp véo da, nghĩa là khi bạn nhéo vào da trẻ và thả tay, vết nhéo không biến mất ngay lập tức
- Mắt má phù thũng hoặc thóp mềm
[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]
Đi khám ngay lập tức
Tiêu chảy có thể trở nên nguy hiểm nếu dẫn đến cơ thể bị mất nước nghiêm trọng. Tiêu chảy cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nặng hơn.
Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ bị tiêu chảy hoặc trẻ có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây nên đi khám bác sĩ ngay lập tức:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 24 tiếng
- Sốt từ 102 độ F (khoảng 38,9 độ C) trở lên
- Bụng hoặc trực tràng đau dữ dội
- Phân có máu hoặc mủ
- Phân đen như mực (kiểu hắc ín)
- Các dấu hiệu mất nước
[/dropshadowbox]
Nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính ở trẻ em là gì?
Những bệnh và các rối loạn thường gây ra tiêu chảy mạn tính ở trẻ em gồm có:
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa
- Bệnh Celiac
- Các rối loạn chức năng tiêu hóa
- Dị ứng và không dung nạp thực phẩm
- Bệnh viêm ruột
- Tăng sinh quá mức vi khuẩn ruột non
Nhiễm trùng đường tiêu hóa
Nhiễm trùng do các vi khuẩn, virut hoặc ký sinh trùng có hại đôi khi dẫn đến tiêu chảy mạn tính. Trẻ có thể bị lây nhiễm qua nguồn nước, đồ uống hoặc thức ăn nhiễm bẩn; hoặc do tiếp xúc trực tiếp. Sau khi bị nhiễm trùng, một số trẻ gặp vấn đề trong việc tiêu hóa carbohydrates như lactose hay proteins có trong thực phẩm như là sữa tươi, các sản phẩm từ sữa hoặc đậu nành (soy). Những vấn đề này có thể dẫn đến tiêu chảy kéo dài – thường lên đến 6 tuần – sau khi bị nhiễm trùng. Tương tự, một số loại nhiễm trùng do vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra tiêu chảy sẽ không nhanh chóng khỏi nếu không được điều trị.
Đọc thêm về các loại nhiễm trùng gây ra tiêu chảy như là ngộ độc thực phẩm (foodborne illnesses) và viêm dạ dày ruột do virut (viral gastroenteritis).
Bệnh Celiac
Bệnh Celiac là một loại rối loạn tiêu hóa làm hỏng ruột non của trẻ. Bệnh này bị kích phát khi trẻ ăn những thực phẩm chứa gluten. Gluten là một loại đạm vốn có trong lúa mỳ, đại mạch và lúa mạch đen. Gluten thường có trong những loại thực phẩm như là bánh mỳ, mỳ ống, bánh quy và bánh bông lan. Bệnh Celiac có thể gây ra tiêu chảy mạn tính ở trẻ thuộc bất kỳ lứa tuổi nào.
Các rối loạn chức năng đường tiêu hóa
Trong các rối loạn chức năng đường tiêu hóa, các triệu chứng xuất hiện do những thay đổi diễn ra ở cách hoạt động của đường tiêu hóa trong cơ thể trẻ. Trẻ em bị rối loạn chức năng đường tiêu hóa gặp các triệu chứng diễn ra thường xuyên, tuy thế đường tiêu hóa của trẻ không bị hủy hoại. Các rối loạn chức năng đường tiêu hóa không phải là bệnh; chúng là một loạt các triệu chứng diễn ra đồng thời.
Hai loại rối loạn chức năng đường tiêu hóa có thể gây ra tiêu chảy mạn tính ở trẻ là tiêu chảy ở trẻ tập đi và hội chứng ruột kích thích.
Tiêu chảy ở trẻ tập đi
Tiêu chảy ở trẻ tập đi – hay còn gọi là tiêu chảy chức năng hoặc một loại tiêu chảy mạn tính không đặc thù khi còn nhỏ – là nguyên nhân cơ bản gây ra tiêu chảy mạn tính ở trẻ tập đi (trẻ từ 1 đến 3 tuổi) và trẻ lứa tuổi trước khi đến trường (từ 3 đến 5 tuổi). Trẻ bị tiêu chảy ở tuổi tập đi có biểu hiện đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước từ 4 lần trở lên một ngày và không có các triệu chứng khác. Trẻ thường vẫn tăng trưởng tốt, vẫn tăng cân cũng như khỏe mạnh.
Tiêu chảy ở trẻ tập đi phát sinh từ khi 6 tháng đến 3 tuổi và thường tự biến mất khi trẻ bắt đầu đi học. Các nhà nghiên cứu cho rằng uống quá nhiều các đồ uống có đường, đặc biệt là những loại chứa nhiều siro bắp nhiều fructose và sorbitol có thể dẫn đến tiêu chảy ở trẻ tập đi.
Hội chứng ruột kích thích IBS
Triệu chứng thường thấy nhất của IBS là đau bụng, khó chịu hoặc chuột rút; đi kèm với tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai. Cơn đau hoặc sự khó chịu do IBS gây ra thường giảm đi sau khi đại tiện hoặc xì hơi. IBS không gây ra các triệu chứng như là sút cân, nôn mửa hoặc có máu trong phân.
IBS là nguyên nhân phổ biến gây ra tiêu chảy mạn tính ở trẻ lứa tuổi đến trường và vị thành niên. Bác sĩ hiếm khi chẩn đoán được bệnh này ở trẻ nhỏ tuổi hơn vì trẻ lứa tuổi này không thể chỉ ra được các dấu hiệu của bệnh như là đau bụng hay khó chịu.
Dị ứng và không dung nạp thực phẩm
Dị ứng thực phẩm, không dung nạp đường lactose, đường fructose và đường sucrose là các nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy mạn tính.
Dị ứng thực phẩm
Dị ứng sữa tươi, các sản phẩm từ sữa, và đậu nành là những loại dị ứng thực phẩm thường thấy nhất mà có ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ em. Dị ứng thực phẩm thường xuất hiện trong năm đầu đời của trẻ. Nhiều trẻ loại bỏ được các dị ứng với sữa tươi, sản phẩm từ sữa và đậu nành khi được 3 tuổi. Dị ứng với những thực phẩm khác như là hạt ngũ cốc, trứng và hải sản cũng có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa ở trẻ.
Không dung nạp đường Lactose
Không dung nạp đường lactose là một tình trạng sức khỏe thường gây ra tiêu chảy sau khi ăn uống những đồ có chứa sữa tươi hoặc các sản phẩm từ sữa. Tình trạng này xảy ra do nồng độ lactase trong cơ thể thấp – loại enzyme hỗ trợ tiêu hóa đường lactose – hay còn gọi là thiếu hụt lactase và kém hấp thu lactose.
Loại thiếu hụt lactase phổ biến nhất ở trẻ tăng dần theo thời gian, bắt đầu sau khi trẻ được khoảng 2 tuổi, thời điểm cơ thể trẻ bắt đầu sản xuất ít lactase hơn. Trẻ thiếu hụt lactase có thể không có các dấu hiệu của tình trạng không dung nạp lactose cho đến khi bước vào cuối giai đoạn tuổi teen hoặc đến tuổi trưởng thành.
Trẻ sơ sinh – trẻ mới sinh đến khi 1 tuổi – hiếm khi có tình trạng không dung nạp lactose bẩm sinh. Tuy nhiên, trẻ sinh non có thể không dung nạp lactose một thời gian ngắn sau sinh. Mọi người đôi khi nhầm lẫn dị ứng sữa tươi, có thể gây ra tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, với tình trạng không dung nạp lactose.
Không dung nạp đường Fructose
Không dung nạp fructose là một tình trạng sức khỏe cơ bản gây ra tiêu chảy sau khi ăn uống những đồ có chứa fructose, một loại đường có trong hoa quả, nước ép hoa quả và mật ong. Nhiều loại thực phẩm và đồ uống nhẹ đều bổ sung fructose dưới dạng chất tạo ngọt có tên gọi là siro bắp nhiều fructose. Kém hấp thu fructose dẫn đến tình trạng cơ thể không dung nạp fructose. Lượng fructose mà cơ thể trẻ có thể hấp thu cũng đa dạng. Khả năng hấp thu fructose của trẻ tăng dần theo tuổi. Một số trẻ có thể dung nạp được nhiều fructose hơn khi lớn hơn.
Không dung nạp đường Sucrose
Không dung nạp sucrose là một tình trạng sức khỏe cơ bản gây ra tiêu chảy sau khi ăn uống những đồ có chứa sucrose, còn gọi là đường cát hoặc đường trắng. Kém hấp thu sucrose dẫn đến tình trạng cơ thể không dung nạp được sucrose. Trẻ không dung nạp được sucrose thiếu loại enzyme hỗ trợ tiêu hóa sucrose. Phần lớn trẻ bị tình trạng này có khả năng tiêu hóa sucrose khi lớn hơn.
Bệnh viêm ruột IBD
Hai loại viêm ruột chính của IBD là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis). Những loại rối loạn có thể ảnh hưởng đến trẻ ở lứa tuổi bất kỳ. Tuy nhiên, chúng thường bắt đầu ảnh hưởng khi trẻ đi học hoặc bước vào tuổi vị thành niên.
Tăng sinh quá mức vi khuẩn ruột non SIBO
SIBO là tình trạng số lượng vi khuẩn tăng hoặc thay đổi chủng loại vi khuẩn sinh sống trong ruột non. SIBO thường liên quan đến những bệnh làm hỏng hệ tiêu hóa như là bệnh Crohn.
Chẩn đoán
Bác sĩ tìm nguyên nhân gây mạn tính ở trẻ bằng cách nào?
Để tìm ra được nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính ở trẻ, bác sĩ có thể sử dụng thông tin về bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình của trẻ, khám sức khỏe trực tiếp hoặc làm xét nghiệm.
Bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng của trẻ, như là
- Con bị tiêu chảy bao lâu rồi
- Đại tiện bao nhiêu phân
- Tần suất con bị tiêu chảy
- Phân của con có hình dạng thế nào, chẳng hạn như màu sắc và độ đặc của phân
- Con có các triệu chứng khác ngoài tiêu chảy không
Bác sĩ sẽ hỏi về các loại thực phẩm trẻ ăn cũng như những đồ mà trẻ đã uống. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị ghi lại nhật ký những thứ con bạn ăn uống hoặc thói quen đại tiện của trẻ.
Bác sĩ cũng có thể sẽ hỏi về tiền sử bệnh gia đình. Một số triệu chứng gây tiêu chảy mạn tính như là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng di truyền trong gia đình.
Khám sức khỏe trực tiếp
Trong khi khám sức khỏe, bác sĩ thường:
- Đo mạch đập và huyết áp
- Kiểm tra xem có các dấu hiệu mất nước và kém hấp thu không
- Dùng ống nghe nghe âm thanh vùng bụng của trẻ
- Gõ vào bụng trẻ để thử xem bụng có mềm hoặc đau không
Bác sĩ dùng các xét nghiệm gì để tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính ở trẻ?
Bác sĩ có thể dùng các loại xét nghiệm dưới đây để hỗ trợ tìm nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính ở trẻ:
Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân có thể chỉ ra được sự xuất hiện của máu và các dấu hiệu nhiễm trùng, dị ứng thực phẩm và các vấn đề ở đường tiêu hóa, như là kém hấp thu một số loại đường, đạm hoặc các dưỡng chất nào đó. Chuyên gia y tế sẽ cho bạn ống đựng để hứng và trữ mẫu phân của trẻ, cùng với hướng dẫn về địa điểm gửi hoặc lấy mẫu xét nghiệm. Bác sĩ cũng có thể thăm khám trực tràng bằng ngón tay để kiểm tra xem phân con bạn có máu không.
Xét nghiệm máu
Chuyên gia y tế có thể mang mẫu phân của trẻ đi xét nghiệm để tìm các dấu hiệu của những bệnh hoặc các loại rối loạn nhất định mà có thể là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng hoặc bệnh Celiac.
Xét nghiệm khí Hydrogen trong hơi thở
Loại xét nghiệm này đo lượng hydrogen có trong hơi thở của trẻ. Thông thường hơi thở của trẻ có ít khí hydrogen. Tuy nhiên, vi khuẩn phân giải những loại đường – như là đường lactose, fructose, và sucrose — chưa được tiêu hóa ở ruột non và sản sinh ra nhiều khí hydrogen. Bằng cách đo lượng hydrogen có trong hơi thở của trẻ, bác sĩ có thể chẩn đoán được tình trạng:
- Không dung nạp lactose
- Không dung nạp frutose
- Không dung nạp sucrose
- Tăng sinh quá mức vi khuẩn ruột non
Với loại kiểm tra không dung nạp lactose, trẻ sẽ uống một loại đồ uống có chứa lượng lactose xác định. Với loại kiểm tra không dung nạp fructose, trẻ sẽ uống một loại đồ uống có chứa lượng fructose xác định. Với loại kiểm tra không dung nạp sucrose, trẻ sẽ uống một loại đồ uống có chứa lượng sucrose xác định. Với loại kiểm tra SIBO, trẻ sẽ uống một loại đồ uống có chứa lượng đường xác định. Sau đó trẻ sẽ thở vào một ống hình bóng bay đo hydrogen. Nếu nồng độ hydrogen cao, bác sĩ sẽ chẩn đoán một trong những rối loạn này.
Kiểm tra bằng cách nhịn ăn
Để tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính ở trẻ có phải do dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm không, bác sĩ có thể sẽ đề nghị trẻ tránh ăn những thực phẩm chứa lactose, carbohydrates, lúa mì, hoặc các thành phần nguyên liệu khác để xem liệu thay đổi trong chế độ ăn uống của trẻ có làm giảm hoặc ngăn chặn tiêu chảy không.
Nội soi
Bác sĩ có thể dùng phương pháp nội soi để quan sát bên trong cơ thể trẻ giúp tìm nguyên nhân gây ra tiêu chảy mạn tính ở trẻ. Các phương pháp nội soi gồm có:
- Nội soi ruột kết (colonoscopy)
- Nội soi trực tràng ống mềm (flexible sigmoidoscopy)
- Nôi soi đường tiêu hóa trên (upper gastrointestinal (GI) endoscopy)
Điều trị
Bác sĩ điều trị tiêu chảy mạn tính ở trẻ bằng cách nào?
Cách bác sĩ điều trị tiêu chảy mạn tính ở trẻ tùy thuộc vào nguyên nhân của bệnh. Bác sĩ có thể làm giảm hoặc cắt hẳn tiêu chảy mạn tính bằng cách điều trị nguyên nhân.
Nhiễm trùng đường tiêu hóa
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn và các loại thuốc tiêu diệt ký sinh trùng để điều trị nhiễm trùng do ký sinh trùng. Nếu con bạn gặp phải các vấn đề tiêu hóa dai dẳng như là tiêu hóa những carbohydrates hoặc proteins nhất định sau khi bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thay đổi những thực phẩm trẻ ăn.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng tăng sinh quá mức vi khuẩn ruột non ở trẻ và có thể đề xuất thay đổi đồ ăn của trẻ.
Các rối loạn chức năng đường tiêu hóa
Tiêu chảy ở trẻ tập đi
Với tiêu chảy ở trẻ tập đi, thường thì không cần điều trị [nguyên văn: For toddler’s diarrhea, treatment is usually not needed]. Hầu hết trẻ đều khỏi bệnh này khi bắt đầu đi học (khoảng 5 tuổi). Ở nhiều trẻ, cắt giảm đồ uống có đường và tăng lượng chất xơ và chất béo trong chế độ ăn uống có thể cải thiện các triệu chứng tiêu chảy ở trẻ tập đi.
Hội chứng ruột kích thích
Bác sĩ có thể điều trị hội chứng ruột kích thích ở trẻ bằng việc thay đổi đồ trẻ ăn và dùng thuốc.
Dị ứng và không dung nạp thực phẩm
Dị ứng thực phẩm
Nếu con bạn bị dị ứng thực phẩm, bác sĩ sẽ đề nghị tránh những loại thực phẩm kích phát dị ứng. Ghi nhật ký đồ ăn thức uống cũng như thói quen đại tiện của trẻ sẽ hỗ trợ bác sĩ tìm ra loại thực phẩm nào gây dị ứng.
Bệnh Celiac
Nếu con bạn bị bệnh Celiac, bác sĩ sẽ khuyến cáo tránh những loại thực phẩn và sản phẩm chứa gluten.
Không dung nạp Lactose
Nếu con bạn không dung nạp lactose, bác sĩ sẽ khuyến cáo giảm hoặc tránh những loại đồ ăn thức uống có thành phần là sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Đa số trẻ không dung nạp lactose có thể dung nạp được một số lượng lactose có trong đồ ăn uống của trẻ. Cần thay đổi lượng đồ ăn thức uống của trẻ như thế nào còn phụ thuộc vào cơ thể trẻ có thể tiêu thụ bao nhiêu mà không xuất hiện các triệu chứng. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị sử dụng thực phẩm chức năng (dietary supplements) có chứa lactase, loại enzyme giúp tiêu hóa lactose. Bác sĩ có thể cũng sẽ khuyến nghị bổ sung thêm canxi.
Không dung nạp Fructose
Nếu con bạn không dung nạp fructose, bác sĩ sẽ khuyến cáo giảm hoặc tránh những loại đồ ăn thức uống có chứa fructose.
Không dung nạp Sucrose
Nếu con bạn không dung nạp sucrose, bác sĩ sẽ khuyến cáo giảm hoặc tránh những loại đồ ăn thức uống có chứa sucrose.
Bệnh viêm ruột
Bác sĩ có thể sẽ dùng thuốc, làm phẫu thuật và thay đổi đồ ăn thức uống của trẻ để điều trị các bệnh viêm ruột như là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis).
Ăn uống, ăn kiêng & dinh dưỡng
Đồ trẻ ăn có thể hỗ trợ phòng tránh hoặc điều trị tiêu chảy mạn tính bằng cách nào?
Ăn uống, ăn kiêng và dinh dưỡng có vai trò chính trong việc điều trị tiêu chảy mạn tính ở trẻ. Tùy vào nguyên nhân mà thay đổi những thứ trẻ ăn có thể làm giảm hoặc ngăn chặn tiêu chảy mạn tính. Thay đổi đồ ăn của con bạn có thể sẽ giúp giải quyết một số triệu chứng tiêu chảy mạn tính. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi đồ ăn của trẻ. Bác sĩ hoặc một chuyên gia dinh dưỡng có thể đề xuất một kế hoạch ăn uống lành mạnh thích hợp với con bạn.
Trẻ bị tiêu chảy mạn tính thì nên ăn gì?
Trẻ bị tiêu chảy mạn tính nên ăn những thực phẩm có thể làm thuyên giảm các triệu chứng cũng như đảm bảo dinh dưỡng đủ để phát triển và tăng trưởng bình thường.
Trẻ bị tiêu chảy mạn tính do bị nhiễm trùng đường tiêu hóa nên ăn những thực phẩm trẻ thường ăn. Nếu con bạn luôn gặp phải các vấn đề tiêu hóa carbohydrates hoặc protein nhất định sau khi bị nhiễm trùng, tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thức ăn trẻ nên ăn.
Tăng lượng chất béo và chất xơ có thể cải thiện các triệu chứng của tiêu chảy ở trẻ tuổi tập đi.
Trẻ bị tiêu chảy mạn tính thì nên tránh ăn gì?
Loại thức ăn trẻ nên tránh tùy thuộc vào nguyên nhân nào gây ra tiêu chảy mạn tính. Nói chung, trẻ nên tránh những loại thực phẩm làm các triệu chứng trở nặng hơn.
Để biết được những loại thức ăn nào kích phát các triệu chứng ở trẻ, ghi nhật ký và theo dõi
- Con ăn gì mỗi ngày
- Con có các triệu chứng gì
- Triệu chứng xuất hiện khi nào
- Những thực phẩm nào làm triệu chứng nặng hơn
Cung cấp những ghi chép đó cho bác sĩ và trao đổi với bác sĩ về những loại thực phẩm có khả ăng làm triệu chứng diễn ra nặng hơn. Con bạn có thể cần tránh hoặc ăn ít những loại thực phẩm này.
(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)