Táo bón ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Táo bón ở trẻ em là gì?

Táo bón ở trẻ em là tình trạng con bạn có thể:

  • Đại tiện ít hơn hai lần một tuần
  • Phân cứng, khô, thành cục
  • Khó khăn hoặc đau đớn khi cơ thể đẩy phân ra ngoài

Con cũng có thể nói cho bạn biết rằng trẻ có cảm giác là chưa ra hết phân.

táo bón ở trẻ em
Táo bón ở trẻ em. Ảnh minh họa được chụp bởi delta_avi_delta / Flickr

Một số trẻ đại tiện nhiều hơn những trẻ khác, vì thế kiểu đại tiện được coi là bình thường với trẻ này có thể không giống với kiểu bình thường của trẻ khác. Tương tự, con bạn càng lớn thì kiểu đại tiện của trẻ có thể sẽ thay đổi. Kể cả việc đại tiện của trẻ sơ sinh cũng thay đổi rất nhiều trong vài tuần và vài tháng đầu đời.

Táo bón không phải là bệnh nhưng có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe khác. Trong đa số trường hợp, táo bón ở trẻ em diễn ra trong thời gian ngắn và không nguy hiểm.

Mức độ phổ biến của chứng táo bón ở trẻ em?

Táo bón phổ biến ở trẻ thuộc mọi lứa tuổi. Cứ 20 trẻ đến khám bác sĩ thì có gần 1 trẻ là vì nguyên nhân táo bón.

Táo bón ở trẻ em có những biến chứng gì?

Trẻ bị táo bón trong thời gian ngắn thường không có biến chứng. Tuy nhiên, tránh hoặc nhịn đi đại tiện có thể dẫn đến:

  • Táo bón dai dẳng
  • Đại tiện đau đớn
  • Các vấn đề kiểm soát bàng quang
  • Ứ phân

Các biến chứng của táo bón kéo dài, đặc biệt là ở thiếu niên, có thể là:

  • Trĩ 
  • Nứt hậu môn
  • Sa trực tràng

Triệu chứng & Nguyên nhân

Táo bón ở trẻ em có triệu chứng gì?

Các triệu chứng của táo bón ở trẻ em có thể bao gồm con bạn:

  • Đại tiện ít hơn hai lần một tuần
  • Đại tiện ra phân cứng, khô, thành cục
  • Đẩy phân ra ngoài khó khăn hoặc đau đớn
  • Nói rằng trẻ cảm thấy phân chưa ra ngoài hết
  • Thay đổi tư thế để tránh hoặc nhịn đi đại tiện, gồm:
    • Đứng nhón chân rồi đi nhón gót
    • Thít chặt cơ mông
    • Lắc lư uốn éo bất thường
  • Bụng trương phềnh, hay chướng bụng
  • Tè dầm ban ngày hoặc ban đêm
  • Phân dây ra quần lót trông như bị tiêu chảy

Nếu con bạn tránh hoặc nhịn đi đại tiện, trẻ cỏ thể sẽ bị ứ phân (fecal impaction).

[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]

Khi nào con tôi nên đi khám bác sĩ?

Con bạn nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng của trẻ kéo dài hơn 2 tuần hoặc không chấm dứt khi đã điều trị tại nhà.

Đưa con đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu con bị táo bón và có bất cứ triệu chứng nào dưới đây:

  • Chảy máu trực tràng
  • Phân dính máu
  • Chướng bụng
  • Đau bụng liên tục
  • Nôn mửa
  • Sút cân

[/dropshadowbox]

Nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ em?

Trẻ em đa phần thường bị táo bón do giữ phân lại trong người để tránh hoặc nhịn đi đại tiện. Khi phân ở trong kết tràng (colon) quá lâu, kết tràng hấp thu quá nhiều chất lỏng có trong phân. Sau đó phân trở nên cứng, khô và khó đẩy ra ngoài. Tìm hiểu thêm về hệ tiêu hóa và cơ chế hoạt động của nó.

Con bạn có thể nhịn hoặc tránh đại tiện bởi vì trẻ:

  • Cảm thấy căng thẳng với việc tập đại tiểu tiện trong nhà vệ sinh
  • Cảm thấy xấu hổ khi dùng nhà vệ sinh công cộng
  • Không muốn gián đoạn giờ chơi
  • Sợ đi đại tiện đau đớn hoặc khó chịu

Những loại thuốc nhất định

Thuốc và thực phẩm chức năng (dietary supplements) có thể khiến tình trạng táo bón ở trẻ nặng hơn gồm có:

  • Thuốc trung hòa axit dạ dày (antacids) có chứa nhôm và canxi
  • Thuốc kháng cholin  (anticholinergics) và trị co thắt (antispasmodics)
  • Thuốc chống co giật – dùng để ngăn ngừa các cơn co giật (seizures)
  • Thực phẩm chức năng bổ sung sắt (iron supplements)
  • Thuốc giảm đau nhóm opioid (narcotic pain medicines)
  • Một số loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm (depression)

Những vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng nhất định

Những vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng nhất định có thể gây ra táo bón ở trẻ em:

  • Không ăn đủ chất xơ
  • Không uống đủ chất lỏng hoặc bị mất nước
  • Mắc bệnh Hirschsprung
  • Mắc bệnh Celiac
  • Các rối loạn ảnh hưởng đến não bộ và cột sống, chẳng hạn như tật nứt đốt sống (spina bifida)
  • Các tổn thương não bộ hoặc tủy sống
  • Các tình trạng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của trẻ như là bệnh tiểu đường
  • Các tình trạng ảnh hưởng đến kích thích tố (hormones) của trẻ, chẳng hạn như suy tuyến giáp (hypothyroidism)
  • Các vấn đề làm tắc hoặc thu hẹp kết tràng hoặc trực tràng, gồm các khối u

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em bằng cách nào?

Bác sĩ sử dụng bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình của con bạn, khám sức khỏe trực tiếp, hoặc làm xét nghiệm y tế để chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây táo bón.

Bệnh sử và tiền sử bệnh

Bác sĩ có khả năng đặt những câu hỏi về thói quen sinh hoạt và các triệu chứng của con bạn, chẳng hạn như:

  • Con bạn có thường đi đại tiện không?
  • Con bạn có các triệu chứng bao lâu rồi?
  • Phân trẻ đi ra trông thế nào?
  • Phân của trẻ có dính các vệt màu đỏ không?
  • Có các vệt máu dính trên giấy vệ sinh khi trẻ lau không?
  • Thói quen hàng ngày của trẻ, gồm tập đi đại tiểu tiện, tập thể dục và trông giữ trẻ ban ngày, là như thế nào?
  • Trẻ có thói quen ăn uống như thế nào?
  • Trẻ sử dụng thuốc gì?

Bạn có thể sẽ muốn theo dõi việc đại tiện của con bạn cũng như là muốn biết phân của trẻ trông như thế nào trong vài ngày hoặc vài tuần trước khi đi khám bác sĩ. Viết xuống giấy hoặc ghi lại những thông tin đó như vậy bạn có thể cung cấp cho bác sĩ.

Khám sức khỏe trực tiếp

Trong khi khám sức khỏe, bác sĩ có thể sẽ:

  • Đo huyết áp, thân nhiệt và nhịp tim của trẻ
  • Kiểm tra xem có tình trạng mất nước không
  • Dùng ống nghe để nghe âm thanh bên trong bụng của trẻ
  • Kiểm tra xem bụng trẻ:
    • Có trương phồng không
    • Có mềm hoặc đau không
    • Có nổi u, hoặc cục không
  • Thực hiện khám trực tràng

Bác sĩ dùng những xét nghiệm y tế nào để tìm nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em?

Thông thường bác sĩ không cần đến xét nghiệm y tế để chẩn đoán táo bón ở trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ dùng xét nghiệm y tế để hỗ trợ tìm nguyên nhân gây ra táo bón.

Xét nghiệm phòng thí nghiệm (lab test)

Bác sĩ có thể tìm các dấu hiệu của những bệnh hoặc tình trạng sức khỏe nhất định mà có thể đang là nguyên nhân khiến con bạn bị táo bón hoặc có liên quan đến chứng táo bón của trẻ. Bác sĩ có thể dùng một hay nhiều loại xét nghiệm phòng thí nghiệm dưới đây.

  • Xét nghiệm máu có thể phát hiện được các dấu hiệu của bệnh thiếu máu, suy tuyến giáp và bệnh Celiac
  • Xét nghiệm phân có thể phát hiện được máu trong phân và các dấu hiệu viêm nhiễm
  • Xét nghiệm nước tiểu có thể chỉ ra được những tình trạng sức khỏe như là nhiễm trùng bàng quang, mà có thể do táo bón gây ra

Xét nghiệm chức năng ruột (Bowel function tests)

Nếu chứng táo bón của con bạn không cải thiện theo những thay đổi dinh dưỡng, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm chức năng ruột, gồm các khảo sát đường đi đại tràng (colorectal transit studies). Những loại xét nghiệm này giúp bác sĩ biết được khả năng di chuyển của phân qua kết tràng (colon) của trẻ.

Xét nghiệm vật lý-chụp hình (Imaging tests)

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể dùng các xét nghiệm vật lý-chụp hình để tìm kiếm các vấn đề mà có thể đang là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ. Xét nghiệm vật lý chụp hình gồm:

  • Siêu âm (ultrasound)
  • Chụp X quang (x-rays)
  • Chụp cắt lớp vi tính/CT (computed tomography (CT) scan)

Đọc thêm về các xét nghiệm y tế bác sĩ có thể sử dụng để tìm nguyên nhân gây táo bón ở thiếu niên.

Xét nghiệm khác

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị xét nghiệm sinh thiết trực tràng. Sinh thiết trực tràng là loại xét nghiệm chuẩn xác nhất để chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh Hirschsprung. Xét nghiệm sinh thiết trực tràng là phương pháp bao gồm lấy những mẩu mô nhỏ từ trực tràng và xét nghiệm bằng kính hiển vi. Bác sĩ sẽ quan sát mô đó để tìm những dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe.

Điều trị

Tôi có thể chữa táo bón cho con bằng cách nào?

Hầu hết thường là bạn có thể chữa táo bón cho con tại nhà bằng cách thực hiện những điều sau:

Thay đổi đồ ăn và thức uống của con

Thay đổi những thứ con bạn ăn và uống có thể làm cho phân của trẻ mềm hơn và dễ tống ra ngoài hơn. Để hổ trợ làm giảm các triệu chứng, bạn hãy cho con:

  • Ăn thêm những thực phẩm nhiều chất xơ
  • Uống nhiều nước và những chất lỏng khác nếu con bạn ăn thêm chất xơ

Đọc về những thứ con bạn nên ăn và uống ở phần cuối bài viết này để biết cách hỗ trợ giảm tình trạng táo bón.

Thay đổi hành vi của con

Thay đổi hành vi và kiểu đi đại tiện của con có thể giúp trị táo bón.

  • Yêu cầu con tập đi vệ sinh sau bữa ăn để tạo thói quen.
  • Dùng cơ chế khen thưởng khi trẻ sử dụng nhà vệ sinh đều đặn.
  • Tạm dừng tập cho trẻ đại tiểu tiện cho đến khi tình trạng táo bón biến mất.

Bác sĩ điều trị táo bón ở trẻ em như thế nào?

Bác sĩ có thể đề nghị cho con bạn sử dụng thuốc thụt hậu môn (enema) hoặc thuốc nhuận tràng (laxative) để giúp điều trị chứng táo bón của trẻ. Đa số thuốc nhuận tràng đều là loại thuốc bán không cần đơn dạng uống cho đến khi việc đại tiện của trẻ trở lại bình thường. Bác sĩ có thể sẽ khuyến nghị dừng sử dụng thuốc nhuận tràng một khi trẻ có thói quen ăn uống và đại tiện chuyển biến tốt hơn. Bạn không nên tự ý cho trẻ uống thuốc nhuận tràng trừ khi bác sĩ yêu cầu.

Nếu con bạn đang sử dụng thuốc bán theo đơn hoặc không theo đơn hoặc thực phẩm chức năng có thể gây ra táo bón, bác sĩ có thể sẽ đề nghị dừng sử dụng chúng, đổi liều lượng hoặc chuyển hẳn sang một loại khác. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dừng sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

Tôi có thể chữa biến chứng táo bón cho con bằng cách nào?

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn nên điều trị biến chứng táo bón gồm trĩ hoặc nứt hậu môn bằng cách:

  • Thay đổi chế độ ăn uống của trẻ để phòng tránh táo bón
  • Dùng thuốc thụt hậu môn hoặc thuốc nhuận tràng theo đề nghị của bác sĩ
  • Cho con tắm bồn nước ấm để làm mềm vùng hậu môn

Bác sĩ điều trị biến chứng táo bón ở trẻ em như thế nào?

Bác sĩ có thể điều trị biến chứng của táo bón khi trẻ đến khám tại văn phòng làm việc của bác sĩ. Bác sĩ cũng có thể sẽ đề xuất các biện pháp điều trị tại nhà.

Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sử dụng dầu khoáng. Con bạn sẽ dùng dầu khoáng bằng đường uống hoặc bằng dụng cụ thụt hậu môn.

Bác sĩ có thể sẽ điều trị sa trực tràng trong khi trẻ khám tại phòng làm việc của bác sĩ bằng cách dùng tay nhét trực tràng vào lại hậu môn của trẻ. Giúp trẻ phòng tránh táo bón là cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa tình trạng sa trực tràng.

Tôi có thể phòng tránh cho con khỏi bị táo bón bằng cách nào?

Bạn có thể giúp con phòng tránh táo bón bằng những điều làm tương tự để chữa táo bón

  • Cung cấp đủ chất xơ trong chế độ ăn uống của con
  • Cho con uống nhiều nước và các loại chất lỏng khác
  • Khiến việc đi đại tiện trở thành một phần trong thói quen sinh hoạt của con

Tìm hiểu thêm về cách bạn có thể giúp con phòng tránh táo bón bằng cách thay đổi đồ ăn thức uống của trẻ.

Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Con tôi nên ăn uống những gì nếu bị táo bón?

Cho con bạn ăn đủ chất xơ. Cho con uống nhiều chất lỏng để giúp chất xơ hoạt động hiệu quả hơn.

Ăn chất xơ

Tùy vào tuổi và giới tính của con bạn, trẻ nên hấp thu 14 đến 30,8g chất xơ một ngày. Chưa có hướng dẫn hấp thu chất xơ dành cho trẻ sơ sinh nhỏ hơn 1 tuổi. Bác sĩ có thể cho bạn biết những loại thực phẩm nào trẻ sơ sinh nên ăn và liệu bạn có thể thử thay đổi loại sữa công thức hoặc sữa mẹ của trẻ được hay không.

Trao đổi với bác sĩ để lên kế hoạch các bữa ăn có đủ lượng chất xơ cho gia đình bạn. Đảm bảo là bạn đưa từng ít một chất xơ vào chế độ ăn uống của gia đình như vậy để mọi thành viên đều bắt đầu quen dần được với sự thay đổi.

Các nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ là:

  • Ngũ cốc nguyên cám, như là bánh mỳ và mỳ ống làm từ lúa mỳ nguyên cám, bột yến mạch và bánh ngũ cốc nguyên cám
  • Các cây họ đậu như là đậu lăng, đậu đen, đậu tây, đậu tương và đậu gà
  • Trái cây như là quả mọng, táo nguyên vỏ, cam và lê
  • Rau củ như là cà rốt, súp lơ xanh, đậu Hà Lan và cải rổ
  • Quả hạch khô như là hạnh nhân, lạc và hồ đào

Uống nhiều nước

Nếu con bạn bị mất nước, cho con uống nhiều nước và những loại chất lỏng khác như là nước ép trái cây và rau củ ngọt tự nhiên và món súp nước trong để giúp chất xơ hoạt động tốt hơn.

Uống đủ nước và những loại chất lỏng khác cũng giúp tránh được tình trạng mất nước. Giữ cơ thể đủ nước tốt cho sức khỏe toàn diện của mọi thành viên trong gia đình và có thể giúp tránh được táo bón. Hỏi bác sĩ về lượng chất lỏng con bạn nên uống mỗi ngày căn cứ trên kích thước cơ thể, sức khỏe, cường độ hoạt động của trẻ cũng như khí hậu nơi gia đình đang sinh sống.

Con tôi nên tránh ăn hoặc uống những gì nếu bị táo bón?

Để giúp phòng tránh hoặc làm thuyên giảm tình trạng táo bón, trẻ nên tránh ăn những thực phẩm có ít hoặc không có chất xơ như là:

  • Khoai tây chiên
  • Đồ ăn nhanh
  • Thịt
  • Thực phẩm chuẩn bị sẵn, như là một số món ăn đông lạnh và đồ ăn vặt
  • Thực phẩm chế biến sẵn như là bánh mỳ kẹp xúc xích (hot dog) hay một số món ăn tối làm sẵn khi ăn chỉ cần dùng lò vi sóng hâm lại

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment