Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là những mẩu vật liệu cứng giống sỏi hình thành trong một hoặc cả hai quả thận khi nồng độ các loại khoáng chất nhất định có trong nước tiểu tăng cao. Sỏi thận hiếm khi khiến cơ thể bị tổn hại vĩnh viễn nếu được chuyên gia y tế điều trị.
Viên sỏi thận có kích cỡ và hình dáng đa dạng. Chúng có thể chỉ nhỏ bằng hạt cát hoặc lớn bằng hạt đậu. Hiếm khi mà có một số viên sỏi to bằng quả bóng gôn. Sỏi thận có thể trơn nhẵn hoặc xù xì và thường có màu nâu hoặc vàng.
Một viên sỏi thận cỡ nhỏ có thể tự trôi qua đường tiết niệu, khiến người bị sỏi có cảm giác hơi đau hoặc không đau. Viên sỏi cỡ to hơn có thể bị kẹt trên đường tiểu. Viên sỏi thận bị kẹt đó có thể chặn dòng nước tiểu, khiến người bị sỏi đau đớn dữ dội hoặc chảy máu. Tìm hiểu thêm về đường tiết niệu và cơ chế hoạt động của nó ở bài viết sau của chúng tôi.
Nếu bạn có các triệu chứng sỏi thận bao gồm đau đớn dữ dội hoặc chảy máu, hãy đi khám ngay lập tức. Bác sĩ, ví dụ như bác sĩ chuyên khoa tiết niệu có thể chữa khỏi bất cứ cơn đau nào của bạn và ngăn ngừa phát sinh các vấn đề khác, như là nhiễm trùng đường tiết niệu.
Sỏi thận có tên gọi khác không?
Tên khoa học của sỏi thận là renal calculus (sạn thận) hay nephrolith (sỏi thận). Có thể bạn sẽ nghe thấy chuyên gia y tế gọi bệnh này là sỏi thận (nephrolithiasis), sỏi niệu quản (urolithiasis), hay sỏi tiết niệu (urinary stones).
Tôi bị loại sỏi thận nào?
Bạn có khả năng bị một trong 4 loại sỏi thận chính. Việc điều trị sỏi thận thường phụ thuộc vào kích cỡ của sỏi, vị trí của sỏi và thành phần cấu tạo nên sỏi.
Sỏi canxi
Sỏi canxi, gồm sỏi canxi oxalate (calcium oxalate stones) và canxi photphat (calcium phosphate), là những loại sỏi thận thường thấy nhất. Sỏi canxi oxalate thường phổ biến hơn sỏi canxi photphat.
Canxi từ trong thức ăn không làm bạn tăng khả năng bị sỏi canxi oxalate. Thông thường, canxi dư không được cơ và xương sử dụng sẽ đi đến thận và được thải ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu. Khi quá trình này không diễn ra, canxi ở lại trong thận và hợp với các chất thải khác để hình thành sỏi thận.
Sỏi axit uric
Sỏi axit uric (acid uric stones) có thể hình thành khi nước tiểu của bạn chứa quá nhiều axit. Ăn nhiều cá, động vật có vỏ và thịt – đặc biệt là thịt nội tạng – có thể làm tăng axit uric trong nước tiểu.
Sỏi struvite
Sỏi struvite (struvite stones) có thể hình thành sau khi bạn bị UTI (nhiễm trùng đường tiết niệu). Chúng có thể phát triển đột ngột và tăng nhanh về kích thước.
Sỏi cystine
Sỏi cystine (cystine stones) hình thành do một loại rối loạn gọi là cystine niệu (cystinuria) di truyền qua các thế hệ. Chứng rối loạn này làm amino axit cystine rò qua thận và thải vào nước tiểu.
Mức độ phổ biến của sỏi thận?
Sỏi thận là tình trạng phổ biến và đang trên đà gia tăng. Khoảng 11% nam giới và 6% nữ giới ở Mỹ bị sỏi thận ít nhất một lần trong đời.
Đối tượng nào dễ bị sỏi thận?
Nam giới dễ bị sỏi thận hơn nữ giới. Nếu gia đình bạn có tiền sử bị sỏi thận, thì nguy cơ bạn cũng bị sẽ cao hơn. Bạn cũng có nhiều khả năng bị sỏi thận lại nếu bạn đã từng bị một lần.
Bạn cũng có thể bị sỏi thận nếu bạn không uống đủ chất lỏng.
Đối tượng có các vấn đề sức khỏe nhất định
Bạn dễ bị sỏi thận hơn nếu đang gặp phải những tình trạng sức khỏe nhất định, gồm:
- Nghẽn đường tiết niệu
- Viêm ruột mãn tính, hay diễn ra trong thời gian dài
- Bệnh nang thận (cystic kidney diseases), là các rối loạn khiến hình thành các túi dịch trên thận
- Chứng tiểu ra cystin (cystinuria)
- Các vấn đề tiêu hóa hoặc đã từng làm phẫu thuật đường tiêu hóa
- Bệnh gout một loại rối loạn khiến các khớp sưng phù đau đớn
- Tăng canxi niệu (hypercalciuria), tình trạng di truyền trong gia đình mà lượng canxi có trong nước tiểu nhiều một cách bất thường; đây là tình trạng thường thấy nhất ở những người bị sỏi canxi
- Tăng oxalat niệu (hyperoxaluria), tình trạng lượng oxalate có trong nước tiểu nhiều một cách bất thường
- Cường tuyến cận giáp (hyperparathyroidism), tình trạng các tuyến cận giáp (parathyroid glands) giải phóng quá nhiều hormone tuyến cận giáp gây thừa canxi trong máu
- Tăng uric niệu (hyperuricosuria), loại rối loạn mà có quá nhiều axit uric trong nước tiểu
- Béo phì
- Tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), hay bị đi bị lại nhiễm trùng đường tiết niệu
- Toan hóa ống thận (renal tubular acidosis), bệnh xảy ra khi thận không đào thải được axit vào nước tiểu khiến máu có tính axit quá cao.
Đối tượng sử dụng những loại thuốc nhất định
Bạn dễ bị sỏi thận hơn nếu bạn đang sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc dưới đây trong thời gian dài:
- Thuốc lợi tiệu (diuretics), thường được gọi là water pills, giúp đào thải nước ra khỏi cơ thể
- Thuốc trung hòa axit (antacids) có thành phần chính là canxi
- indinavir, một loại thuốc ức chế dùng để điều trị nhiễm HIV (HIV infection)
- topiramate, một loại thuốc chống co giật (seizure)
Sỏi thận có những biến chứng gì?
Sỏi thận hiếm khi phát triển biến chứng nếu bạn đi chữa trị trước khi các vấn đề phát sinh.
Nếu không điều trị sỏi thận, bệnh này có thể dẫn đến:
- Huyết niệu (hematuria), hay tiểu tiện ra máu
- Đau dữ dội
- Các nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), gồm nhiễm trùng thận
- Suy giảm chức năng thận
Triệu chứng & Nguyên nhân
Sỏi thận có những triệu chứng gì?
Triệu chứng của sỏi thận gồm có:
- Đau quặn ở lưng, đau mạn sườn, bụng dưới hay háng
- Máu (có màu đỏ, hồng hoặc nâu) trong nước tiểu, còn gọi là huyết niệu
- Mót tiểu liên tục
- Tiểu đau
- Không tiểu được hoặc chỉ tiểu ít nhỏ giọt
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
Khám chuyên gia y tế ngay lập tức nếu bạn gặp phải bất cứ triệu chứng nào dưới đây. Những triệu chứng này có thể đồng nghĩa với việc bạn bị sỏi thận hoặc gặp phải tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Cơn đau của bạn có thể diễn ra trong thời gian dài hoặc ngắn hay có thể xuất hiện rồi biến mất theo các đợt. Đi kèm với cơn đau, bạn còn có thể bị:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Các triệu chứng khác gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
Nguyên nhân nào gây ra sỏi thận?
Sỏi thận hình thành là do canxi (calcium), oxalate (oxalate) và photpho (phosphorus) có nồng độ cao trong nước tiểu. Những khoáng chất này bình thường có trong nước tiểu và không gây ra vấn đề gì nếu ở nồng độ thấp.
Những loại thực phẩm nhất định có thể làm tăng xác suất bị sỏi thận ở những người dễ bị sỏi thận.
Chẩn đoán
Chuyên gia y tế chẩn đoán sỏi thận như thế nào?
Chuyên gia y tế dùng bệnh sử của bạn, khám sức khỏe trực tiếp và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với kiểm tra vật lý chụp hình để chẩn đoán sỏi thận.
Chuyên gia y tế sẽ hỏi xem bạn có từng gặp phải những tình trạng sức khỏe mà dễ gây sỏi thận không. Họ cũng có thể hỏi xem gia đình bạn có tiền sử bị bệnh thận không và bạn thường ăn những gì. Trong khi khám trực tiếp, chuyên gia y tế khám thân thể bạn. Họ sẽ đặt câu hỏi về những triệu chứng của bạn.
Chuyên gia y tế dùng những xét nghiệm nào để chẩn đoán sỏi thận?
Chuyên gia y tế có thể dùng xét nghiệm phòng thí nghiệm hoặc các phương pháp kiểm tra vật lý chụp hình để chẩn đoán sỏi thận.
Xét nghiệm phòng thí nghiệm
Xét nghiệm nước tiểu có thể chỉ ra được liệu nồng độ của những khoáng chất mà là thành phần cấu tạo của sỏi thận trong nước tiểu của bạn có cao không. Xét nghiệm máu và nước tiểu cũng có thể giúp chuyên gia y tế biết được bạn bị loại sỏi thận nào.
Phân tích nước tiểu. Phân tích nước tiểu là quá trình chuyên gia y tế xét nghiệm mẫu nước tiểu của bạn. Bạn sẽ cung cấp mẫu nước tiểu của bạn tại văn phòng làm việc của bác sĩ hoặc tại phòng thí nghiệm và chuyên gia y tế sẽ xét nghiệm mẫu đó. Xét nghiệm nước tiểu có thể chỉ ra được liệu có máu trong nước tiểu không và có các loại khoáng chất cấu thành sỏi thận không. Xuất hiện các tế bào hồng cầu và vi khuẩn trong nước tiểu thì có nghĩa là bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Xét nghiệm máu. Chuyên gia y tế sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Xét nghiệm máu có thể chỉ ra được nồng độ những khoáng chất nhất định trong máu mà có thể dẫn đến sỏi thận có cao không.
Kiểm tra vật lý chụp hình
Chuyên gia y tế sử dụng những phương pháp kiểm tra vật lý chụp hình để tầm soát sỏi thận. Các phương pháp này cũng có thể phát hiện những vấn đề sức khỏe khiến hình thành sỏi thận, chẳng hạn như nghẽn đường tiết niệu hoặc dị tật bẩm sinh. Bạn không cần gây tê khi làm những loại kiểm tra vật lý chụp hình này.
Chụp X quang bụng (Abdominal x-ray). Chụp X quang bụng là chụp hình ảnh bụng bằng cách dùng một lượng nhỏ phóng xạ (radiation) và lưu lại hình ảnh trên phim chụp hoặc máy tính. Kỹ thuật viên chụp X quang bụng ở bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú, và bác sĩ X quang (radiologist) đọc kết quả hình ảnh. Trong khi chụp, bạn sẽ nằm trên bàn hoặc đứng thẳng. Kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh vị trí của máy chụp X quang lên trên hoặc ngang tầm bụng bạn và yêu cầu bạn nín thở để ảnh chụp không bị mờ. Kỹ thuật viên sau đó sẽ yêu cầu bạn đổi tư thế để chụp thêm hình. Hình chụp X quang bụng có thể chỉ ra được vị trí của sỏi thận trong đường tiết niệu. Không phải mọi viên sỏi đều hiển thị trên hình ảnh chụp X quang.
Chụp cắt lớp vi tính (Computed tomography/CT scans). Chụp CT dùng kết hợp phương pháp chụp X quang và công nghệ máy tính để tạo hình ảnh đường tiết niệu của bạn. Mặc dù chụp CT không cần chất cản quang thường được dùng phổ biến hơn để quan sát đường tiết niệu, nhưng chuyên gia y tế vẫn có thể tiêm chất cản quang vào người bạn. Chất cản quang là một loại chất màu hoặc loại chất khác mà khiến việc quan sát các cấu trúc bên trong cơ thể dễ dàng hơn trong quá trình chụp. Bạn sẽ nằm trên một cái bàn và bàn được đẩy vào trong một thiết bị hình ống dùng để chụp X quang. Chụp CT có thể cho thấy kích cỡ và vị trí của sỏi thận, có thể chỉ ra được liệu sỏi có chặn nghẽn đường tiết niệu không và có các tình trạng sức khỏe có thể là nguyên nhân hình thành sỏi không.
Điều trị
Chuyên gia y tế điều trị sỏi thận như thế nào?
Chuyên gia y tế thường điều trị sỏi thận dựa trên kích cỡ sỏi, vị trí của sỏi và loại sỏi.
Những viên sỏi thận nhỏ có thể đi qua đường tiết niệu mà không cần điều trị. Nếu bạn có thể thải sỏi thận ra ngoài, chuyên gia y tế có thể sẽ yêu cầu bạn giữ viên sỏi đó trong hộp đựng đặc thù. Họ sẽ gửi viên sỏi đó đến phòng thí nghiệm để xem nó thuộc loại nào. Họ có thể sẽ khuyến nghị bạn nên uống nhiều chất lỏng nếu bạn có khả năng đẩy sỏi ra ngoài. Chuyên gia y tế có thể sẽ kê thuốc giảm đau.
Những viên sỏi có kích cỡ lớn hơn hoặc những viên chặn nghẽn đường tiết niệu hoặc gây đau nhiều có thể sẽ cần điều trị khẩn cấp. Nếu bạn nôn mửa hoặc bị mất nước, bạn có thể sẽ cần đến bệnh viện và truyền dịch qua tĩnh mạch (IV).
Loại bỏ sỏi thận
Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu có thể loại bỏ sỏi thận hoặc tán sỏi thành những mẩu nhỏ bằng những biện pháp điều trị sau:
Tán sỏi bằng sóng xung (shock wave lithotripsy). Bác sĩ có thể dùng thủ thuật tán sỏi bằng sóng xung để nghiền sỏi thành những mảnh nhỏ. Những mảnh sỏi thận nhỏ sau đó có thể đi ra ngoài cơ thể qua đường tiết niệu. Bác sĩ có thể sẽ gây mê cho bạn trong khi thực hiện thủ thuật ngoại trú này.
Soi bàng quang (cystoscopy) và nội soi niệu quản (ureteroscopy). Trong khi soi bàng quang, bác sĩ dùng thiết bị nội soi bàng quang để quan sát bên trong niệu đạo hoặc bọng đái. Trong khi nội soi niệu quản, bác sĩ dùng thiết bị nội soi niệu quản, dài và mỏng hơn ống nội soi bàng quang, để quan sát hình ảnh chi tiết của niêm mạc trong niệu quản và thận. Bác sĩ đưa ống nội soi bàng quang hoặc ống nội soi niệu quản qua niệu đạo để quan sát phần còn lại của đường tiết niệu. Một khi phát hiện thấy sỏi, bác sĩ có thể loại bỏ hoặc nghiền nhỏ nó. Bác sĩ tiến hành các thủ thuật này tại bệnh viện và trong quá trình thực hiện thì bệnh nhân được gây mê. Bạn thường có thể về nhà trong ngày.
Tán sỏi thận qua da (Percutaneous nephrolithotomy). Bác sĩ dùng một công cụ quan sát mỏng, gọi là thiết bị nội soi thận (nephroscope), để định vị và loại bỏ sỏi thận. Bác sĩ đưa thiết bị này trực tiếp vào thận qua một vết rạch nhỏ ở lưng. Với những viên sỏi lớn hơn, bác sĩ có thể cũng dùng laser để tán nhỏ sỏi. Bác sĩ tiến hành thủ thuật tán sỏi thận qua da (percutaneous nephrolithotomy) ở bệnh viện và trong quá trình thực hiện thì bệnh nhân được gây mê. Bạn có thể sẽ phải ở lại bệnh viện trong vài ngày sau khi làm thủ thuật.
Sau khi làm những thủ thuật này, đôi khi bác sĩ chuyên khoa tiết niệu có thể để lại một ống mềm mỏng gọi là ống dẫn lưu niệu quản (ureteral stent) trong đường tiết niệu để giúp nước tiểu chảy hoặc giúp đẩy sỏi ra ngoài. Một khi đã loại bỏ sỏi, bác sĩ gửi sỏi đó hoặc các mảnh nhỏ của viên sỏi đến phòng thí nghiệm để tìm hiểu loại sỏi thận.
Chuyên gia y tế cũng có thể yêu cầu bạn lấy mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ sau khi sỏi đã bị đẩy hoặc loại bỏ ra khỏi cơ thể. Chuyên gia y tế khi đó có thể tính được lượng nước tiểu thải ra trong một ngày của bạn, cùng với nồng độ các khoáng chất có trong nước tiểu. Bạn dễ hình thành sỏi thận nếu bạn không tiểu đủ mỗi ngày hoặc gặp vấn đề với nồng độ khoáng chất cao.
Tôi có thể ngăn ngừa sỏi thận bằng cách nào?
Để hỗ trợ ngăn ngừa sỏi thận sau này, bạn cũng cần phải biết nguyên nhân nào gây ra sỏi thận trước đó của bạn. Một khi đã biết được loại sỏi thận mà bạn bị, chuyên gia y tế có thể giúp bạn thay đổi việc ăn uống, ăn kiêng và dinh dưỡng của bạn nhằm ngăn ngừa sỏi thận sau này.
Uống nhiều chất lỏng
Trong đa số các trường hợp, uống đủ chất lỏng mỗi ngày là cách ngăn ngừa hữu hiệu nhất hầu hết các loại sỏi thận. Uống đủ lượng chất lỏng làm loãng nước tiểu của bạn và giúp xả bỏ những khoáng chất là thành tố tạo nên sỏi.
Mặc dù nước là loại chất lỏng tốt nhất, nhưng các chất lỏng khác như là những đồ uống hoa quả có vị chua (citrus drinks) cũng có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa sỏi thận. Một số nghiên cứu chứng minh rằng những đồ uống có vị chua như là nước chanh và nước cam, bảo vệ cơ thể chống lại sỏi thận vì trong những nước này có chứa citrate, chất ngăn các tinh thể lắng đọng thành sỏi.
Trừ trường hợp bạn bị suy thận, thì một ngày bạn nên uống sáu đến tám ly chất lỏng có dung tích 8 ounce (~236,5ml). Nếu trước đây bạn đã từng bị sỏi cystine, có thể bạn còn cần phải uống nhiều hơn thế. Hãy trao đổi với chuyên gia y tế nếu bạn không thể uống đủ lượng chất lỏng khuyến nghị do các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như són tiểu (urinary incontinence), tiểu dắt (urinary frequency) hoặc suy thận.
Lượng chất lỏng bạn cần uống phụ thuộc vào thời tiết và mức độ hoạt động thể chất của bạn. Nếu bạn sống, làm việc hoặc tập thể dục trong thời tiết nóng nực, có thể bạn sẽ cần nhiều chất lỏng hơn để bù nước mất qua con đường tiết mồ hôi. Chuyên gia y tế có thể sẽ yêu cầu bạn lấy mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ để xác định lượng nước tiểu của bạn trong một ngày. Nếu lượng này quá ít, chuyên gia y tế có thể sẽ khuyến nghị bạn nên uống thêm chất lỏng.
Sử dụng thuốc
Nếu bạn đã bị sỏi thận, chuyên gia y tế cũng có thể kê thuốc nhằm ngăn ngừa sỏi thận sau này. Tùy vào loại sỏi mà bạn bị cũng như là loại thuốc mà chuyên gia y tế kê, bạn có thể sẽ phải sử dụng thuốc trong vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn.
Ví dụ như, nếu bạn bị sỏi struvite, có thể bạn sẽ phải uống kháng sinh trong từ 1 đến 6 tuần, hoặc có khả năng lâu hơn.
Nếu bạn bị loại sỏi khác, bạn có thể sẽ phải uống viên nén kali xitrat (potassium citrate) 1 đến 3 lần hàng ngày. Bạn có thể sẽ phải sử dụng kali xitrat trong nhiều tháng hoặc thậm chí còn lâu hơn cho đến khi chuyên gia y tế thông báo rằng bạn không còn có nguy cơ bị sỏi thận nữa.
Loại sỏi thận | Loại thuốc bác sĩ có thể kê |
Sỏi canxi |
|
Sỏi axit uric |
|
Sỏi Struvite |
|
Sỏi Cystine |
|
Trao đổi với chuyên gia y tế về tiền sử sức khỏe của bạn trước khi uống những thuốc điều trị sỏi thận. Một số loại thuốc chữa sỏi thận có các tác dụng phụ từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng. Tác dụng phụ dễ phát sinh hơn khi bạn dùng thuốc trong thời gian càng dài và liều thuốc càng cao. Hãy cho chuyên gia y tế biết về bất cứ tác dụng phụ nào xuất hiện khi bạn sử dụng thuốc trị sỏi thận.
Phẫu thuật cường tuyến cận giáp
Những người bị cường tuyến cận giáp (hyperparathyroidism), tình trạng dẫn đến lượng canxi (calcium stones) trong máu quá cao, đôi khi phát triển thành sỏi canxi. Chữa trị cường tuyến cận giáp có thể được thực hiện bằng cách phẫu thuật cắt bỏ tuyến cận giáp ở bụng. Loại bỏ tuyến cận giáp (parathyroid gland) giúp chữa khỏi bệnh cường tuyến cận giáp và có thể ngăn ngừa sỏi thận. Phẫu thuật đôi khi gây ra biến chứng, gồm nhiễm trùng.
Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng
Tôi có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách thay đổi đồ ăn hoặc thức uống của mình được không?
Uống đủ chất lỏng, chủ yếu là nước, là việc quan trọng nhất mà bạn có thể làm để ngăn ngừa sỏi thận. Trừ trường hợp bạn bị suy thận, thì nhiều chuyên gia y tế đều khuyến nghị rằng mỗi ngày bạn nên uống sáu đến tám ly chất lỏng có dung tích 8 ounce (~236,5ml). Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế về việc bạn nên uống bao nhiêu chất lỏng một ngày.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng chế độ ăn kiêng bằng Phương pháp ăn uống nhằm ngăn chứng tăng huyết áp (Dietary Approaches to Stop Hypertension/DASH) có thể giảm nguy cơ bị sỏi thận. Tìm hiểu thêm về chế độ ăn kiêng DASH.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng thừa cân làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn đề ra các bữa hỗ trợ bạn giảm cân.
Loại sỏi thận trong cơ thể có ảnh hưởng đến việc tôi chọn thực phẩm không?
Có. Nếu bạn đã bị sỏi thận, hãy hỏi chuyên gia y tế về việc bạn bị loại sỏi thận nào. Dựa trên loại sỏi thận mà bạn bị, bạn có thể ngăn ngừa sỏi thận bằng cách thay đổi lượng natri, đạm (protein) động vật, canxi hay oxalat (oxalate) có trong thức ăn của mình.
Bạn có thể sẽ cần thay đổi đồ ăn thức uống của bản thân đối với những loại sỏi thận sau:
- Sỏi canxi oxalat
- Sỏi canxi photphat
- Sỏi axit uric
- Sỏi cystine
Chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn về phòng tránh sỏi thận có thể hỗ trợ bạn vạch ra các bữa ăn nhằm ngăn ngừa sỏi thận. Hãy tìm một chuyên gia dinh dưỡng người có thể giúp đỡ bạn.
Sỏi canxi oxalate
Giảm oxalate. Nếu bạn bị sỏi canxi oxalate, bạn có thể sẽ muốn tránh những thực phẩm này để giảm lượng oxalat có trong nước tiểu của mình:
- Quả hạch và các sản phẩm từ quả hạch
- Lạc peanuts— là cây họ đậu, không phải quả hạch và nhiều oxalate
- Rau rhubarb
- Rau chân vịt (spinach)
- Cám lúa mì
Trao đổi với chuyên gia y tế về những nguồn thực phẩm chứa oxalat và lượng oxalate nên có trong những thứ bạn ăn.
Giảm natri. Nguy cơ bị sỏi thận tăng lên khi bạn ăn nhiều natri. Natri là một bộ phận cấu thành muối. Natri có trong nhiều thực phẩm đóng gói, đóng hộp và đồ ăn nhanh. Nó cũng có trong nhiều loại gia vị, hạt nêm và các loại thịt.
Hãy trao đổi với chuyên gia y tế về việc bạn nên ăn bao nhiều natri là đủ. Xem các mẹo ngay bên dưới bài viết này để biết cách giảm lượng natri nạp vào cơ thể.
Hạn chế đạm động vật. Ăn nhiều đạm động vật có thể làm bạn tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Chuyên gia y tế có thể sẽ yêu cầu bạn hạn chế ăn đạm động vật, gồm
- Thịt bò, thịt gà và thịt lợn, đặc biệt là thịt nội tạng
- Trứng
- Cá và động vật có vỏ
- Sữa tươi, phô mai và các chế phẩm khác từ sữa
Mặc dù có thể bạn sẽ cần hạn chế lượng đạm động vật ăn mỗi ngày, nhưng bạn vẫn cần đảm bảo mình ăn đủ đạm. Hãy cân nhắc thay thế một số loại thịt và đạm động vật bạn thường ăn thành đậu hạt, đậu Hà Lan khô và đậu lăng, là những loại thực phẩm gốc thực vật nhiều đạm và ít oxalate.
Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế về việc tổng lượng đạm bạn nên ăn, và lượng đạm nguồn gốc động vật hoặc thực vật là bao nhiêu.
Hấp thu đủ canxi từ thực phẩm. Kể cả khi canxi nghe có vẻ như là nguyên nhân gây sỏi canxi, nhưng thực tế thì không phải. Ăn đủ lượng canxi có thể ngặn chặn các chất khác trong đường tiêu hóa mà có thể gây sỏi thận. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế về việc bạn nên ăn bao nhiêu canxi để giúp ngăn ngừa sỏi canxi oxalate và để hỗ trợ xương chắc khỏe. Tốt nhất nên hấp thu canxi từ những thực phẩm gốc thực vật chứa ít oxalate như là những loại nước ép tăng cường bổ sung canxi, ngũ cốc, bánh mì, một số loại rau củ và một số loại đậu hạt. Hãy hỏi chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia y tế khác xem loại thực phẩm nào là nguồn cung cấp canxi tốt nhất cho bạn.
Sỏi canxi photphat
Giảm natri. Nguy cơ bị sỏi thận tăng lên khi bạn ăn nhiều natri. Natri là một bộ phận cấu thành muối. Natri có trong nhiều thực phẩm đóng gói, đóng hộp và đồ ăn nhanh. Nó cũng có trong nhiều loại gia vị, hạt nêm và các loại thịt. Hãy trao đổi với chuyên gia y tế về việc bạn nên ăn bao nhiều natri.
Hạn chế đạm động vật. Ăn nhiều đạm động vật có thể làm bạn tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Chuyên gia y tế có thể sẽ yêu cầu bạn hạn chế ăn đạm động vật, gồm:
- Thịt bò, thịt gà và thịt lợn, đặc biệt là thịt nội tạng
- Trứng
- Cá và động vật có vỏ
- Sữa tươi, phô mai và các chế phẩm khác từ sữa
Mặc dù có thể bạn sẽ cần hạn chế lượng đạm động vật bạn ăn mỗi ngày, bạn vẫn cần đảm bảo mình ăn đủ đạm. Hãy cân nhắc thay thế một số loại thịt và đạm động vật bạn thường ăn thành đậu hạt, đậu Hà Lan khô và đậu lăng, là những loại thực phẩm gốc thực vật nhiều đạm và ít oxalate.
Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế về tổng lượng đạm bạn nên ăn, và lượng đạm có nguồn gốc động vật hoặc thực vật là bao nhiêu.
Hấp thu đủ canxi từ thực phẩm. Kể cả khi canxi nghe có vẻ như là nguyên nhân gây sỏi canxi, nhưng thực tế thì không phải. Ăn đủ lượng canxi có thể ngặn chặn các chất khác trong đường tiêu hóa mà có thể gây sỏi thận. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế về việc bạn nên ăn bao nhiêu canxi để giúp ngăn ngừa sỏi canxi oxalate và để hỗ trợ xương chắc khỏe. Tốt nhất nên hấp thu canxi từ những thực phẩm gốc thực vật chứa ít oxalate như là những loại nước ép tăng cường bổ sung canxi, ngũ cốc, bánh mì, một số loại rau củ và một số loại đậu hạt. Hãy hỏi chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia y tế khác xem loại thực phẩm nào là nguồn cung cấp canxi tốt nhất cho bạn.
Sỏi axit uric
Hạn chế đạm động vật. Ăn nhiều đạm động vật có thể làm bạn tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Chuyên gia y tế có thể sẽ yêu cầu bạn hạn chế ăn đạm động vật, gồm:
- Thịt bò, thịt gà và thịt lợn, đặc biệt là thịt nội tạng
- Trứng
- Cá và động vật có vỏ
- Sữa tươi, phô mai và các chế phẩm khác từ sữa
Mặc dù bạn có thể sẽ cần hạn chế lượng đạm động vật bạn ăn mỗi ngày, bạn vẫn cần đảm bảo mình hấp thu đủ đạm. Hãy cân nhắc thay thế một số loại thịt và đạm động vật bạn thường ăn bằng một số những loại thực phẩm gốc thực vật giàu đạm dưới đây:
- Các cây họ đậu như là đậu hạt, đậu hạt khô, đậu lăng và lạc
- Thực phẩm từ đậu nành như là sữa đậu nành, bơ đậu nành và đậu phụ
- Quả hạch và các sản phẩm từ quả hạch như là hạnh nhân và bơ hạnh nhân, hạt điều và bơ điều, hạt óc chó và hạt dẻ cười
- Hạt hướng dương
Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế về việc tổng lượng đạm bạn nên ăn, và lượng đạm nguồn gốc động vật hoặc thực vật là bao nhiêu.
Giảm cân nếu đang bị thừa cân là việc đặc biệt quan trọng với những người bị sỏi axit uric.
Sỏi cystine
Uống đủ chất lỏng, chủ yếu là nước, là một thay đổi lối sống quan trọng nhất mà bạn có thể làm để ngăn ngừa sỏi cystine. Tham khảo ý kiến chuyên gia y tế về lượng chất lỏng bạn nên uống.
Các mẹo để giảm hấp thu natri. Đa phần người Mỹ tiêu thụ quá nhiều natri. Người trưởng thành nên đặt mục tiêu tiêu thụ dưới 2.300 mg Na một ngày. Một thìa cà phê muối tinh có chứa 2.325 mg natri. Nếu bạn bị sỏi canxi oxalate hoặc canxi photphat, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn này, kể cả nếu bạn đang sử dụng thuốc ngăn ngừa sỏi thận.
[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]
Dưới đây là những mẹo giúp bạn giảm lượng natri nạp vào cơ thể:
- Xem phần % Giá trị hàng ngày (Percent Daily Value/%DV) của Natri trong mục Nutrition Facts (Thông tin dinh dưỡng) trên bao bì của nhiều loại thực phẩm. Ít natri là từ 5% trở xuống và nhiều natri là từ 20% trở lên.
- Cân nhắc viết xuống lượng natri bạn nên tiêu thụ mỗi ngày.
- Khi ăn ngoài, hỏi hàm lượng natri có trong thức ăn.
- Nấu đồ ăn từ nguyên liệu tươi. Tránh những đồ ăn chế biến sẵn và đồ ăn nhanh, các loại rau củ và súp đóng hộp, và các loại thịt nguội.
- Tìm dùng những loại thực phẩm có nhãn: sodium free (không chứa natri), salt free (không muối), very low sodium (chứa rất ít natri), low sodium (chứa ít natri), reduced or less sodium (đã giảm natri), light in sodium (ít natri), no salt added (không bổ sung muối), unsalted (không thêm muối), và lightly salted (hơi mặn/có ít muối).
Kiểm tra nhãn sản phẩm xem thành phần và có thành phần natri ẩn, như là:
- sodium bicarbonate, tên hóa học của baking soda
- Bột nướng bánh (baking powder), có chứa sodium bicarbonate và các chất hóa học khác
- disodium phosphate
- monosodium glutamate (mì chính), hay MSG
- sodium alginate
- sodium nitrate hay nitrite
[/dropshadowbox]
(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)