Sỏi mật: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Sỏi mật là gì?

Sỏi mật là những mẩu vật liệu cứng giống sỏi làm từ cholesterol hoặc bilirubin, hình thành trong túi mật của bạn. Kích cỡ của viên sỏi có thể dao động từ cỡ một hạt cát cho đến cỡ một quả bóng gôn. Túi mật có thể tạo ra một viên sỏi mật to, hàng trăm viên sỏi rất nhỏ hoặc cả sỏi to và sỏi nhỏ.

Khi các viên sỏi chặn nghẽn ống mật trong đường mật của bạn, sỏi mật có thể gây đau nhói vùng bụng trên bên phải. Cơn đau này có tên gọi là đau túi mật hoặc đau quặn gan. Nếu các triệu chứng của bạn vẫn tiếp diễn mà không được điều trị, sỏi mật có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên đã số sỏi mật không gây tắc nghẽn và không gây đau đớn, còn gọi là những viên sỏi mật “thầm lặng”. Bạn thường không cần điều trị y tế với trường hợp bị sỏi mật thầm lặng.

Các loại sỏi mật

Có hai loại sỏi mật chính là:

  • Sỏi cholesterol (cholesterol stones)
  • Sỏi sắc tố mật (pigment stones)

Sỏi cholesterol thường là những viên màu xanh vàng và cấu tạo từ cholesterol phần lớn đã bị cứng hóa. Ở một số quốc gia, sỏi cholesterol chiếm khoảng 75% số ca bị sỏi mật.

Sỏi sắc tố mật có màu sẫm và được tạo thành từ bilirubin. Một số người có kết hợp cả hai loại sỏi.

sỏi mật
Kích cỡ viên sỏi mật có thể dao động từ cỡ một hạt cát cho đến một quả bóng gôn.

Sỏi mật có tên gọi khác không?

Bác sĩ đôi khi thường gọi sỏi mật là bệnh sạn túi mật (cholelithiasis).

Đường mật là gì?

Đường mật của bạn, bao gồm túi mật và ống mật, giúp quá trình tiêu hóa bằng cách giải phóng mật.

Túi mật là một cơ quan nhỏ hình quả lê dùng để trữ mật và nằm tại vùng bụng trên bên phải của bạn, ở dưới gan.

Ống mật trong đường mật gồm có ống gan (hepatic), ống mật chủ (common bile duct) và ống túi mật (cystic duct). Các ống dẫn mật cũng vận chuyển chất thải và dịch tiêu hóa từ gan và tuyến tụy vào tá tràng.

Gan tiết ra mật, có thành phần chủ yếu là cholesterol, muối mật, và bilirubin. Túi mật trữ mật đến khi cần dùng. Khi bạn ăn thứ gì đó vào người, cơ thể báo hiệu cho túi mật cung cấp mật đến tá tràng để trộn với thức ăn. Ống mật vận chuyển mật từ trong túi mật vào tá tràng.

túi mật và gan
Đường mật của cơ thể người, gồm có túi mật và các ống mật, hỗ trợ tiêu hóa bằng cách vận chuyển mật vào ruột non.

Mức độ phổ biến của sỏi mật?

Sỏi mật là tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng 10 đến 15% dân số Mỹ, tức gần 25 triệu người. Khoảng một phần tư trong gần một triệu người được chẩn đoán bị sỏi mật mỗi năm sẽ cần được điều trị, thường là bằng phương pháp phẫu thuật.

Đối tượng dễ bị sỏi mật?

Những nhóm đối tượng nhất định có nguy cơ bị sỏi mật hơn những nhóm khác.

  • Phụ nữ dễ bị sỏi mật hơn đàn ông. Phụ nữ có dư estrogen trong cơ thể do mang thai, áp dụng liệu pháp thay thế hormone (hormone replacement therapy), hoặc dùng thuốc tránh thai dễ có khả năng sản sinh sỏi mật hơn.
  • Người lớn tuổi dễ bị sỏi mật. Khi tuổi tác tăng, xác suất bị sỏi mật sẽ cao hơn.
  • Những người có bệnh sử gia đình bị sỏi mật cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
  • Người Mỹ gốc da đỏ có các gien (genes) làm tăng lượng cholesterol có trong mật và có tỉ lệ bị sỏi mật cao nhất ở Mỹ.
  • Người Mỹ gốc Mexico cũng có nhiều nguy cơ bị sỏi mật hơn.

Những người có các vấn đề sức khỏe nhất định

Bạn dễ bị sỏi mật hơn nếu bạn đang gặp phải một trong những vấn đề sức khỏe sau:

  • Bệnh xơ gan, tình trạng gan dần dần xơ hóa và dừng hoạt động do tổn thương mãn tính, hay tổn thương kéo dài
  • Nhiễm trùng ống mật, đây cũng có thể là một biến chứng của sỏi mật
  • Thiếu máu tan huyết (hemolytic anemia), tình trạng các tế bào hồng cầu liên tục bị phá hủy, ví dụ như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm (sickle cell anemia)
  • Một số bệnh ruột ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dưỡng chất bình thường như là bệnh Crohn
  • Nồng độ triglyceride cao
  • HDL cholesterol thấp
  • Hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome) cũng có thể làm tăng nguy cơ bị biến chứng sỏi mật
  • Tiểu đường và kháng insulin

Những người có vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng và ăn kiêng

Bạn dễ bị sỏi mật hơn nếu bạn:

  • Bị béo phì, đặc biệt nếu bạn là phụ nữ
  • Đã giảm cân nhanh, ví dụ như sau khi thực hiện phẫu thuật giảm cân
  • Đã đang thực hiện chế độ ăn kiêng nhiều calo (calories) và carbonhydrate tinh luyện và ít chất xơ

Sỏi mật có những biến chứng gì?

Các biến chứng của sỏi mật có thể là:

  • Viêm túi mật
  • Túi mật, ống mật hoặc gan bị tổn hại nghiêm trọng hoặc bị nhiễm trùng nặng
  • Viêm tụy sỏi mật, tình trạng tuyến tụy bị viêm do tắc sỏi mật

Nhiều người không thấy các triệu chứng sỏi mật cho đến khi biến chứng của sỏi mật xuất hiện.

Nếu không được điều trị, sỏi mật có thể gây chết người. Điều trị sỏi mật thường là phẫu thuật loại bỏ sỏi mật.

Triệu chứng & Nguyên nhân

Sỏi mật có các triệu chứng gì?

Nếu sỏi mật làm tắc các ống mật, mật có thể sẽ tích tụ trong túi mật, gây đau túi mật, đôi khi còn được gọi là đau quặn gan (biliary colic). Đau túi mật thường gây đau đớn ở vùng bụng trên bên phải, đôi khi kéo dài vài giờ đồng hồ. Đau túi mật thường xuất hiện sau những bữa ăn quá nhiều và thường về buổi tối hoặc trong đêm. Nếu bạn đã từng bị đau túi mật, thì sau đó những cơn đau càng dễ xuất hiện hơn.

Đau túi mật thường biến mất khi sỏi mật di chuyển và không còn chặn ống mật nữa. Tuy nhiên nếu bất cứ ống mật nào của bạn vẫn bị tắc trong hơn vài giờ đồng hồ, tình trạng của bạn có thể sẽ tiến triển thành biến chứng sỏi mật. Sỏi mật mà không chặn các ống mật thì không gây ra các triệu chứng.

sỏi mật chặn gây đau
Khi bạn phát triển sỏi mật làm ngăn chặn ống dẫn mật của bạn, mật tích tụ trong túi mật, gây đau túi mật.

Sỏi mật thầm lặng

Đa số mọi người có sỏi mật không xuất hiện các triệu chứng. Sỏi mật mà không gây ra triệu chứng thì được gọi là sỏi mật thầm lặng. Loại sỏi mật này không ngăn trở hoạt động của túi mật, gan hoặc tuyến tụy, vì thế không cần điều trị loại sỏi mật này.

Bị đau túi mật thì tìm hỗ trợ y tế ngay lập tức

Đi khám bác sĩ ngay nếu bạn thấy có các triệu chứng dưới đây trong khi hoặc sau khi bị đau túi mật:

  • Đau bụng kéo dài vài giờ đồng hồ
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Sốt – kể cả là sốt nhẹ – hoặc ớn lạnh
  • Da hoặc lòng trắng mắt có sắc vàng, gọi là bệnh vàng da
  • Nước tiểu màu lá chè và phân sáng màu

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của tình trạng túi mật, gan hoặc tuyến tụy bị viêm hoặc nhiễm trùng nặng. Các triệu chứng sỏi mật có thể tương tự với các triệu chứng của những bệnh khác như là viêm ruột thừa, loét dạ dày, viêm tuyến tụy và trào ngược dạ dày thực quản, mà toàn bộ những vấn đề này cần được bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Biến chứng sỏi mật có thể xuất hiện nếu các ống mật bị tắc. Nếu không được điều trị tắc nghẽn ống mật hoặc ống tụy, người bệnh có thể bị tử vong.

Nguyên nhân gây sỏi mật?

Sỏi mật có thể hình thành nếu mật chứa quá nhiều cholesterol, quá nhiều bilirubin, hoặc không có đủ muối mật. Các nhà nghiên cứu không hoàn toàn hiểu được lý do tại sao có những biến đổi đó ở trong mật. Sỏi mật có thể cũng hình thành nếu túi mật không vận chuyển hết mật hoặc không thường xuyên vận chuyển hết. Những đối tượng nhất định dễ bị sỏi mật hơn những người khác do các yếu tố nguy cơ bị sỏi mật, gồm béo phì và các kiểu ăn kiêng nhất định.

Ăn kiêng

Cân nặng tác động như thế nào đến sỏi mật?

Thừa cân hoặc béo phì có thể khiến bạn dễ bị sỏi mật hơn, đặc biệt khi bạn là nữ giới. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người béo phì có thể có nồng độ cholesterol trong mật cao hơn, điều này có thể dẫn đến sỏi mật. Những người bị béo phì cũng có khả năng có túi mật to mà không hoạt động tốt. Một số nghiên cứu chứng minh rằng những người có nhiều mỡ quanh eo có khả năng dễ bị sỏi mật hơn những người có mỡ quanh hông và đùi.

Tuy nhiên giảm cân rất nhanh cũng có thể làm tăng xác suất hình thành sỏi mật. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia y tế về việc làm cách nào để bạn có thể giảm cân an toàn.

Giảm cân nhanh tác động như thế nào đến sỏi mật?

Khi bạn không ăn trong thời gian dài hoặc bạn giảm cân nhanh chóng, gan giải phóng thừa cholesterol vào mật. Giảm cân nhanh cũng có thể ngăn túi mật vận chuyển mật như bình thường. Phẫu thuật giảm cân có thể dẫn đến giảm cân nhanh và nguy cơ bị sỏi mật cao hơn.

Nguy cơ bị sỏi mật của bạn có thể phụ thuộc vào loại biện pháp giảm cân mà bạn chọn thực hiện. Các chế độ ăn kiêng hoặc những loại phẫu thuật dẫn đến giảm cân nhanh có nhiều khả năng gây ra các vấn đề sỏi mật hơn là chế độ ăn kiêng hoặc loại phẫu thuật có kết quả giảm cân chậm. Nếu bạn bị sỏi mật thầm lặng, các triệu chứng sỏi mật cũng dễ xuất hiện ở bạn hơn.

Một số yếu tố có thể làm tăng xác suất gặp phải các vấn đề với sỏi mật sau khi phẫu thuật giảm cân hoặc thực hiện một chế độ ăn kiêng rất ít calo. Các yếu tố này gồm có

  • Sỏi mật mà bạn có trước khi làm phẫu thuật giảm cân hoặc trước khi bạn áp dụng chế độ ăn kiếng rất ít calo, đặc biệt là nếu sỏi gây ra các triệu chứng
  • Thừa nhiều cân trước khi bạn làm phẫu thuật giảm cân hoặc thực hiện chế độ ăn kiêng rất ít calo.
  • Giảm cân rất nhanh sau khi phẫu thuật giảm cân hoặc thực hiện chế độ ăn kiêng rất ít calo.

Nếu bạn đang bắt đầu chế độ ăn kiêng rất ít calo hoặc sẽ làm phẫu thuật giảm cân, hãy trao đổi với bác sĩ về việc làm cách nào để hạ thấp xác suất bị sỏi mật. Loại thuốc ursodiol có thể hỗ trợ ngăn ngừa sỏi mật ở những người giảm cân nhanh do các chế độ ăn kiêng rất ít calo hoặc phẫu thuật giảm cân.

Chu trình cân nặng có phải là vấn đề không?

Chu trình cân nặng (weight cycling), hay cân giảm rồi lại tăng lặp đi lặp lại, cũng có thể dẫn đến sỏi mật. Bạn càng giảm và tăng lại nhiều cân trong một chu trình, bạn càng có nhiều nguy cơ bị sỏi mật.

Hãy tránh xa những chế độ “ăn kiêng cấp tốc” mà hứa hẹn sẽ giúp bạn giảm cân nhanh chóng. Hãy nhắm đến việc giảm cân ở tốc độ chậm hơn và duy trì được cân nặng sau khi giảm theo thời gian.

Làm sao để tôi có thể giảm cân an toàn mà làm hạ được xác suất bị sỏi mật?

Giảm cân từ từ có thể khiến bạn có ít khả năng bị sỏi mật hơn. Với những người bị thừa cân hoặc béo phì, các chuyên gia khuyến cáo nên bắt đầu giảm 5 đến 10% số cân nặng ban đầu trong giai đoạn 6 tháng. Bên cạnh đó, giảm cân có thể mang lại nhiều lợi ích cho bạn chẳng hạn như tâm trạng tốt hơn, nhiều năng lượng hơn và tự nhận thức tích cực về bản thân.

Khi đưa ra những lựa chọn thực phẩm lành mạnh nhằm giúp mình giảm cân, bạn có thể chọn những loại thực phẩm cũng có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi mật.

Hoạt động thể chất thường xuyên, sẽ cải thiện sức khỏe toàn diện của bạn, cũng có thể làm giảm xác suất bị sỏi mật. Để tăng cường sức khỏe hoặc ngăn ngừa tăng cân, bạn hãy đặt mục tiêu hoạt động thể chất hai tiếng rưỡi mỗi tuần.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một kế hoạch ăn kiêng hoặc hoạt động thể chất nhằm cải thiện sức khỏe hoặc duy trì cân nặng sau khi giảm.

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán sỏi mật bằng cách nào?

Bác sĩ dùng bệnh sử, khám sức khỏe trực tiếp và các xét nghiệm vật lý chụp hình và phòng thí nghiệm để chẩn đoán sỏi mật.

Chuyên gia y tế sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn. Họ sẽ hỏi xem liệu bạn có tiền sử gặp phải các tình trạng sức khỏe hoặc các vấn đề mà có khả năng làm bạn dễ bị sỏi mật không. Chuyên gia y tế cũng có thể hỏi xem liệu gia đình bạn có tiền sử bị sỏi mật không và bạn thường ăn uống những gì. Trong khi khám, họ sẽ khám thân thể và kiểm tra xem bụng bạn có đau không.

Chuyên gia y tế dùng những xét nghiệm kiểm tra nào để chẩn đoán sỏi mật?

Chuyên gia y tế có thể dùng xét nghiệm phòng thí nghiệm hoặc kiểm tra vật lý chụp hình để chẩn đoán sỏi mật.

Xét nghiệm phòng thí nghiệm

Chuyên gia y tế có thể sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Xét nghiệm máu có thể chỉ ra được các dấu hiệu ống mật, túi mật, tuyến tụy hoặc gan bị nhiễm trùng hoặc viêm.

Kiểm tra vật lý chụp hình

Chuyên gia y tế dùng các phương pháp kiểm tra vật lý chụp hình để tìm sỏi mật. Kỹ thuật viên tiến hành kiểm tra tại văn phòng của bác sĩ, trung tâm ngoại trú hoặc bệnh viện. Bác sĩ X quang đọc và đưa ra kết luận từ kết quả hình ảnh chụp được. Thường thì bạn không cần gây tê hoặc uống thuốc để duy trì bình tĩnh trong đa số các phương pháp kiểm tra này. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ gây tê hoặc cho bạn sử dụng thuốc để bạn bình tĩnh khi làm nội soi mật tụy ngược dòng ERCP (endoscopic retrograde cholangiopancreatography).

Siêu âm. Siêu âm là phương pháp kiểm tra vật lý chụp hình hiệu quả nhất trong việc phát hiện sỏi mật. Siêu âm dùng một thiết bị gọi là bộ chuyển đổi rọi các sóng âm thanh an toàn không đau phản chiếu các cơ quan trong cơ thể tạo thành hình ảnh về cấu tạo của các cơ quan đó. Nếu bạn bị sỏi mật, sỏi sẽ xuất hiện trên kết quả hình ảnh. Đôi khi, chuyên gia y tế phát hiện ra những viên sỏi mật thầm lặng khi bạn không thấy xuất hiện bất cứ triệu chứng nào.

Chụp cắt lớp vi tính. Chụp CT có thể kết hợp sử dụng tia X quang (x-rays) và công nghệ máy tính để tạo ra hình tuyến tụy, túi mật và các ống mật trong cơ thể bạn. Chụp CT có thể cho thấy được sỏi mật hoặc các biến chứng như là nhiễm trùng và tắc nghẽn túi mật hay ống mật. Tuy nhiên chụp CT cũng có thể bỏ sót những viên sỏi mật mà có thể có trong cơ thể bạn.

Chụp cộng hưởng từ. Máy MRI dùng các sóng vô tuyến và nam châm để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và mô mềm trong cơ thể mà không cần dùng tia X quang. MRI có thể cho thấy sỏi mật trong các ống thuộc đường mật.

Chụp hình nhấp nháy túi mật (Cholescintigraphy). Phương pháp ảnh nhận phóng xạ túi mật – còn gọi là quét axit hydroxyl iminodiacetic, quét HIDA, hay quét túi mật (hepatobiliary scan)—dùng một chất liệu phóng xạ an toàn để cho kết quả hình ảnh đường mật trong cơ thể bạn. Bạn sẽ nằm trên một cái bàn trong khi chuyên gia y tế tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ vào tĩnh mạch (vein) cánh tay. Chuyên gia y tế cũng có thể tiêm một loại chất khiến túi mật của bạn co siết lại. Một máy ảnh đặc thù chụp hình ảnh chất phóng xạ khi chất này di chuyển qua đường mật. Bác sĩ dùng phương pháp chụp hình nhấp nháy túi mật để chẩn đoán những co rút bất thường của túi mật hoặc tình trạng chặn nghẽn trong các ống mật.

Nội soi mật tụy ngược dòng. ERCP kết hợp nội soi đường tiêu hóa trên và tia X quang để điều trị các vấn đề phát sinh với ống mật và ống tụy. ERCP giúp chuyên gia y tế định vị được ống mật gặp vấn đề và sỏi mật. Phương pháp này mang tính xâm lấn nhiều hơn – hay cần đưa nhiều dụng cụ vào trong cơ thể bạn – hơn so với các phương pháp khác. Bác sĩ dùng phương pháp này một cách chọn lọc, thường là để loại bỏ viên sỏi mật kẹt trong ống mật chủ.

Điều trị

Chuyên gia y tế điều trị sỏi mật như thế nào?

Nếu sỏi mật trong cơ thể bạn không gây ra các triệu chứng, có thể bạn sẽ không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu bạn bị đau túi mật hoặc có các triệu chứng khác, hãy liên hệ với bác sĩ. Mặc dù các triệu chứng có thể biến mất, những chúng có thể xuất hiện trở lại và bạn có khả năng cần được điều trị. Bác sĩ có thể sẽ giới thiệu bạn đến khám bác sĩ chuyên khoa dạ dày ruột hoặc bác sĩ phẫu thuật để chữa trị.

Biện pháp điều trị sỏi mật thông thường là phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Thỉnh thoảng bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp phi phẫu thuật (nonsurgical treatments) để điều trị sỏi cholesterol, nhưng với sỏi sắc tố mật thì thường cần phải làm phẫu thuật.

Phẫu thuật

Phẫu thuật nhằm loại bỏ túi mật, gọi là phẫu thuật cắt bỏ túi mật (cholecystectomy), là một trong những loại phẫu thuật phổ biến nhất được thực hiện ở người trưởng thành tại Mỹ. Túi mật không phải là một cơ quan thiết yếu, tức là bạn có thể sống bình thường mà không cần túi mật.

Chuyên gia y tế sẽ thường cho bạn gây mê toàn thân để làm phẫu thuật. Một khi bác sĩ cắt bỏ túi mật, mật đi ra từ gan qua ống gan và ống mật chủ rồi trực tiếp đi vào tá tràng, thay vì được lưu trữ trong túi mật.

Bác sĩ phẫu thuật tiến hành hai loại phẫu thuật cắt bỏ túi mật:

Phẫu thuật cắt bỏ túi mật nội soi (Laparoscopic cholecystectomy). Gần như mọi bác sĩ phẫu thuật đều tiến hành cắt bỏ túi mật bằng máy nội soi ổ bụng (laparoscopy). Bác sĩ tiến hành nhiều ca phẫu thuật cắt bỏ túi mật nội soi (laparoscopic cholecystectomies) trên cơ sở ngoại trú, tức là bạn có thể về nhà trong cùng ngày. Bạn có thể quay lại hoạt động thể chất bình thường trong vòng khoảng một tuần.

Phẫu thuật cắt bỏ túi mật mở bụng (Open cholecystectomy). Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ túi mật mở bụng khi túi mật của bạn bị nhiễm trùng nặng hoặc thành sẹo do các lần phẫu thuật khác. Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ túi mật nếu có vấn đề phát sinh trong khi phẫu thuật nội soi. Hậu phẫu, bạn có thể sẽ cần ở lại bệnh viện tối đa một tuần. Bạn có thể hoạt động bình thường trở lại sau khoảng một tháng.

Chuyện gì xảy ra sau khi cắt bỏ túi mật?

Một ít người đi tiêu nhiều hơn và phân mềm hơn sau khi cắt bỏ túi mật, bởi vì giờ mật chảy vào tá tràng nhiều hơn. Tuy nhiên những thay đổi trong thói quen đại tiện thường chỉ là tạm thời, hãy trao đổi với bác sĩ về điều này.

Mọi ca phẫu thuật đều đi kèm rủi ro biến chứng có thể phát sinh; tuy nhiên hiếm có biến chứng của phẫu thuật túi mật. Biến chứng thường xuất hiện nhất là tổn thương ống mật, mà có thể dẫn đến nhiễm trùng. Bạn có thể sẽ cần phẫu thuật thêm một hoặc vài lần để phục hồi ống mật.

Điều trị phi phẫu thuật

Bác sĩ áp dụng điều trị phi phẫu thuật với sỏi mật chỉ trong những tình huống đặc thù, như là bạn bị sỏi cholesterol và bạn đang gặp tình trạng sức khỏe nghiêm trọng mà không cho phép phẫu thuật. Kể cả đã điều trị, sỏi mật vẫn có thể xuất hiện trở lại. Do đó bạn có thể sẽ thường xuyên phải chữa trị sỏi mật trong thời gian dài, hoặc thậm chí suốt đời.

Bác sĩ có thể sẽ áp dụng những kiểu điều trị phi phẫu thuật sau để loại bỏ hoặc làm tan sỏi cholesterol:

Nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic retrograde cholangiopancreatography /ERCP). Đôi khi bác sĩ áp dụng biện pháp ERCP để loại bỏ một viên sỏi kẹt trong ống mật chủ.

Liệu pháp tan sỏi đường uống (Oral dissolution therapy). Ursodiol (Actigall) và chenodiol (Chenix) là các loại thuốc có chứa axit mật có thể hòa tan sỏi mật. Loại thuốc này có tác dụng nhất với các viên sỏi cholesterol cỡ nhỏ. Có thể mất đến nhiều tháng hoặc nhiều năm điều trị bạn mới có thể hòa tan hết sỏi.

Tán sỏi bằng sóng xung (Shock wave lithotripsy). Bác sĩ có thể dùng thủ thuật tán sỏi (lithotripsy) bằng sóng xung để nghiền sỏi mật thành những mẩu nhỏ. Chỉ hiếm lắm bác sĩ mới dùng phương pháp này, và đôi khi dùng kèm với ursodiol.

Tôi có thể hỗ trợ ngăn ngừa sỏi mật bằng cách nào?

Bạn có thể hỗ trợ ngăn ngừa sỏi mật bằng cách:

  • Điều chỉnh kế hoạch ăn uống để đưa thêm thực phẩm nhiều chất xơ và các chất béo lành mạnh, loại bỏ bớt carbonhydrate tinh luyện và đường.
  • Giảm cân an toàn nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì
  • Duy trì cân nặng lành mạnh bằng việc ăn uống tốt cho sức khỏe và hoạt động thể chất thường xuyên.

Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Những thứ tôi ăn có thể giúp ngăn ngừa sỏi mật không?

Bạn có thể giảm nguy cơ bị sỏi mật bằng cách thực hiện một kế hoạch ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên nhằm giúp bản thân đạt được và duy trì mức cân nặng lành mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo nên làm theo những điều dưới đây để ngăn ngừa sỏi mật:

  • Ăn nhiều thực phẩm nhiều chất xơ, chẳng hạn như
  • Ăn ít carbonhydrate tinh luyện và ít đường.
  • Ăn những chất béo lành mạnh, như là dầu oliu và dầu cá, để giúp túi mật co rút và thường xuyên đẩy hết mật đi.
  • Tránh những loại chất béo không lành mạnh, như là những chất béo thường có trong đồ tráng miệng và thực phẩm chiên rán.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi kế hoạch ăn uống của bạn. Giảm cân quá nhanh cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Chế độ ăn kiêng rất ít calo và phẫu thuật giảm cân có thể dẫn đến giảm cân nhanh chóng và làm tăng nguy cơ bạn bị sỏi mật.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment