Chứng không dung nạp Lactose: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa

Không dung nạp lactose là chứng gì?

Không dung nạp lactose là tình trạng khi cơ thể bạn có các triệu chứng tiêu hóa – như là chướng bụng, tiêu chảy và xì hơi – sau khi tiêu thụ những loại đồ ăn hoặc thức uống có chứa lactose.

Lactose là một loại đường tự nhiên có trong sữa tươi và các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như là phô mai hoặc kem lạnh.

nhiều người thường xuyên uống sữa mà không biết họ bị tình trạng không dung nạp lactose
Sữa và các chế phẩm từ sữa thường chứa nhiều lactose

Trong tình trạng không dung nạp lactose, các triệu chứng tiêu hóa phát sinh do chứng kém hấp thu đường lactose (lactose malabsorption). Kém hấp thu lactose là tình trạng ruột non trong cơ thể không thể tiêu hóa được, hay không thể phân giải được, toàn bộ đường lactose bạn ăn hoặc uống vào người.

Không phải người nào bị kém hấp thu lactose cũng có những triệu chứng tiêu hóa sau khi họ tiêu thụ lactose. Chỉ những người gặp các triệu chứng tiêu hóa thì mới gọi là đối tượng không dung nạp được lactose.

Đa số những người không dung nạp lactose có thể tiêu thụ một chút lactose mà không xuất hiện các triệu chứng. Tùy từng người mà lượng lactose cơ thể có thể dung nạp sẽ khác nhau trước khi xuất hiện những triệu chứng.

Chứng không dung nạp lactose khác với dị ứng sữa (milk allergy). Dị ứng sữa là một loại rối loạn hệ miễn dịch.

Mức độ phổ biến của chứng kém hấp thu lactose?

Trong khi đa số trẻ sơ sinh có thể tiêu hóa đường lactose, rất nhiều người bắt đầu phát sinh chứng kém hấp thu lactose – suy giảm khả năng tiêu hóa lactose – sau khi hết giai đoạn sơ sinh. Các chuyên gia ước tính có khoảng 68% dân số bị chứng kém hấp thu lactose.

Chứng kém hấp thu lactose phổ biến hơn ở một số vùng này so với những vùng khác ở trên thế giới. Ở châu Phi và châu Á, đa số mọi người bị chứng kém hấp thu lactose.

Ở một số khu vực, chẳng hạn như Bắc Âu, trong cơ thể nhiều người có một loại gien (gene) giúp họ tiêu hóa lactose sau khi hết giai đoạn sơ sinh và chứng kém hấp thu lactose ở đây kém phổ biến hơn.

Còn tính riêng ở Mỹ, khoảng 36% dân số có tình trạng kém hấp thu lactose.

Trong khi kém hấp thu lactose dẫn đến tình trạng không dung nạp lactose, thì không phải ai kém hấp thu lactose cũng mắc phải chứng không dung nạp lactose.

Đối tượng nào dễ mắc phải chứng không dung nạp lactose?

người gốc Á, gốc Phi và Châu Mỹ latinh có tỷ lệ cao mắc chứng không dung nạp lactose
Người gốc Á, gốc Phi và Châu Mỹ latinh có tỷ lệ cao mắc chứng không dung nạp lactose. Nguồn ảnh Wikipedia, tác giả: NmiPortal

Bạn dễ không dung nạp được lactose nếu bạn, hoặc gia đình bạn, có nguồn gốc từ một vùng phổ biến chứng kém hấp thu lactose trên thế giới. Ở Mỹ, những dân tộc và chủng tộc dưới đây dễ bị chứng kém hấp thu lactose:

  • Người Mỹ gốc Phi
  • Người Mỹ bản địa (thổ dân châu Mỹ)
  • Người Mỹ gốc Á
  • Người gốc Tây Ban Nha/người Latinh

Bởi vì những dân tộc và chủng tộc này dễ bị kém hấp thu lactose, nên họ cũng dễ có các triệu chứng không dung nạp lactose.

Chứng không dung nạp lactose ít thấy nhất ở những người hoặc những gia đình có gốc châu Âu.

Chứng không dung nạp lactose có những biến chứng gì?

Không dung nạp lactose có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn nếu chứng này cản trở bạn hấp thu đủ dưỡng chất, như là canxi (calcium)vitamin D. Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa, những loại thực phẩm có chứa lactose, là một số nguồn cung cấp chính canxi, vitamin D và các dưỡng chất khác.

Cả đời bạn đều cần canxi để tăng trưởng và giữ xương chắc khỏe. Nếu không hấp thu đủ canxi, xương của bạn có thể trở nên yếu và dễ bị gãy hơn. Tình trạng này gọi là bệnh loãng xương (osteoporosis).

Nếu bạn mắc phải chứng không dung nạp lactose, bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống của mình để đảm bảo cơ thể hấp thu đủ canxi đồng thời cũng kiểm soát được các triệu chứng.

Bạn có thể tham khảo các thực phẩm giàu canxi để phòng tránh thiếu canxi trong trường hợp không uống sữa.

Triệu chứng & Nguyên nhân

Không dung nạp lactose có triệu chứng gì?

Nếu bạn không dung nạp được lactose, các triệu chứng tiêu hóa có thể sẽ xuất hiện trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi bạn sử dụng sữa tươi hay các sản phẩm từ sữa hoặc những loại thực phẩm khác có chứa lactose. Các triệu chứng có thể là:

  • Chướng bụng
  • Tiêu chảy
  • Xì hơi
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Bụng “sôi” hoặc phát ra tiếng ùng ục
  • Nôn mửa

Triệu chứng bạn gặp phải có thể ở mức độ nhẹ hoặc nặng, tùy thuộc vào lượng lactose bạn đã nạp vào người.

Nguyên nhân gây ra chứng không dung nạp lactose?

Kém hấp thu lactose gây ra chứng không dung nạp lactose. Nếu bạn bị kém hấp thu lactose, ruột non không sản xuất ra nhiều lactase – loại enzyme phân giải lactose – và không thể tiêu hóa toàn bộ lượng lactose bạn ăn hoặc uống vào cơ thể.

Lactose chưa được tiêu hóa đi xuống kết tràng (colon). Vi khuẩn trong kết tràng phân giải lactose và sản sinh ra chất lỏng cũng như khí đường ruột. Ở một số người, lượng chất lỏng và khí đường ruột dư thừa này tạo ra các triệu chứng của tình trạng không dung nạp đường lactose.

Trong một số trường hợp, các gien di truyền (genes) trong cơ thể bạn là nguyên nhân gây ra chứng không dung nạp lactose. Gien di truyền đóng một vai trò trong những tình trạng sau, mà những tình trạng này có thể dẫn đến nồng độ lactase thấp trong ruột non cũng như là chứng kém hấp thu lactose:

  • Gián đoạn hoạt động của lactase (lactase nonpersistence). Ở những người bị gián đoạn hoạt động của lactase (lactase nonpersistence), ruột non sản xuất ra ít lactase hơn sau khi hết giai đoạn sơ sinh. Nồng độ lactase thấp đi theo tuổi tác tăng lên. Các triệu chứng không dung nạp lactose có thể sẽ chưa bắt đầu cho đến khi vào cuối thời thơ ấu, những năm tuổi thanh thiếu niên, hoặc đầu thời kỳ trưởng thành. Gián đoạn hoạt động của lactase, hay còn gọi là thiếu hụt lactase nguyên phát, là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nồng độ lactase thấp trong ruột non.
  • Thiếu hụt lactase bẩm sinh (Congenital lactase deficiency). Trong trường hợp hiếm này, ruột non sản xuất ít hoặc không sản xuất từ khi sinh ra.

Không phải mọi nguyên nhân gây ra chứng không dung nạp lactose đều là do gien. Những điều kiện dưới đây cũng có thể là nguyên nhân:

  • Ruột non bị tổn thương. Nhiễm trùng, bệnh tật hoặc các tình trạng khác làm tổn thương ruột non, như là bệnh Crohn hoặc bệnh Celiac, có thể khiến ruột sản xuất ít lactase hơn. Các biện pháp – chẳng hạn như sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc điều trị phóng xạ (radiation therapy) – để chữa trị những tình trạng sức khỏe khác cũng có thể làm tổn thương ruột non. Chứng kém hấp thu có nguyên nhân là do ruột non bị tổn thương thì được gọi là chứng không dung nạp lactose thứ phát. Nếu điều trị được nguyên nhân gây ra tổn thương ruột, bạn có thể sẽ lại dung nạp được lactose.
  • Sinh non. Ở những trẻ sinh non, hay những em bé sinh quá sớm, ruột non có thể chưa sản xuất đủ lactase trong thời gian ngắn sau sinh. Ruột non thường sản xuất được nhiều lactase hơn khi bé lớn hơn.

Sự khác biệt giữa không dung nạp lactose và dị ứng sữa tươi?

Không dung nạp lactose và dị ứng sữa tươi là những tình trạng khác nhau do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Không dung nạp lactose là do các vấn đề tiêu hóa lactose, loại đường tự nhiên có trong sữa tươi. Ngược lại, dị ứng sữa tươi là do phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể với một hoặc nhiều loại đạm có trong sữa tươi và các sản phẩm từ sữa.

Tình trạng dị ứng sữa tươi đa số thường xuất hiện trong một năm đầu đời, trong khi đó chứng không dung nạp lactose điển hình xuất hiện sau giai đoạn đó. Chứng không dung nạp lactose có thể gây ra những triệu chứng không dễ chịu, trong khi đó phản ứng nặng của tình trạng dị ứng với sữa tươi có thể đe dọa tính mạng.

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán chứng không dung nạp lactose bằng cách nào?

Để chẩn đoán chứng không dung nạp lactose, bác sẽ sẽ hỏi về các triệu chứng, bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình cũng như là thói quen ăn uống của bạn.

Bác sĩ có thể thực hiện khám trực tiếp và làm xét nghiệm cho bạn để giúp chẩn đoán chứng không dung nạp lactose hoặc kiểm tra xem có những vấn đề sức khỏe nào khác không. Những tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích, bệnh Celia, bệnh viêm ruột hay tăng sinh quá mức vi khuẩn ruột non có thể gây ra những triệu chứng tương tự với các triệu chứng của tình trạng không dung nạp lactose.

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn dừng ăn uống sữa tươi và các sản phẩm từ sữa trong một đoạn thời gian để xem liệu các triệu chứng có hết không. Nếu các triệu chứng không biến mất, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn làm thêm xét nghiệm.

Khám trực tiếp

Trong khi khám, bác sĩ có thể sẽ:

  • Kiểm tra xem bụng bạn có bị chướng phồng không
  • Nghe âm thanh trong bụng bằng ống nghe
  • Gõ bụng để xem có mềm hoặc đau không

Bác sĩ dùng những xét nghiệm gì để chẩn đoán chứng không dung nạp lactose?

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm hydrogen trong hơi thở để xem khả năng tiêu hóa lactose của ruột non.

Xét nghiệm hydrogen trong hơi thở

Bác sĩ dùng phương pháp này để chẩn đoán chứng kém hấp thu lactose và không dung nạp lactose. Thông thường, có một lượng nhỏ khí hydrogen, một loại khí đường ruột, trong hơi thở của bạn. Nếu bạn bị kém hấp thu lactose, phần lactose chưa được tiêu hóa làm hơi thở của bạn có nồng độ hydrogen cao.

Với loại xét nghiệm này, bạn sẽ uống một dung dịch có chứa lượng lactose xác định. Cứ 30 phút trong vài giờ, bạn sẽ thở vào một ống dạng hình bóng bay để đo lượng hydrogen có trong hơi thở của bạn. Trong lúc đó, chuyên gia y tế sẽ hỏi bạn về các triệu chứng. Nếu trong khi xét nghiệm, cả nồng độ hydrogen tăng và các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, thì bác sĩ có thể chẩn đoán được bạn mắc phải chứng không dung nạp lactose.

Điều trị

Tôi có thể giải quyết các triệu chứng không dung nạp lactose bằng cách nào?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể giải quyết các triệu chứng không dung nạp lactose bằng cách thay đổi chế độ ăn uống để hạn chế hoặc tránh những loại đồ ăn thức uống có chứa lactose, ví dụ như sữa tươi và các sản phẩm từ sữa.

Một số người chỉ cần hạn chế lượng lactose họ ăn hoặc uống vào cơ thể, trong khi những người khác có thể sẽ cần tránh hoàn toàn lactose. Sử dụng các sản phẩm lactase có thể giúp một số người kiểm soát được các triệu chứng của họ.

Các sản phẩm lactase

Các sản phẩm lactase là dạng viên hoặc dạng giọt lỏng có chứa lactase, loại enzyme giúp phân giải lactose. Bạn có thể uống viên lactase trước khi ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa. Bạn cũng có thể nhỏ giọt lactase vào sữa trước khi uống. Lactase phân giải lactose có trong đồ ăn thức uống, làm giảm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng không dung nạp lactose.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những sản phẩm lactase. Một số đối tượng, như là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú, có thể không được sử dụng những sản phẩm này.

Bác sĩ điều trị chứng không dung nạp lactose bằng cách nào?

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng không dung nạp lactose. Nếu nguyên nhân là do gián đoạn hoạt động của lactase hay thiếu hụt lactase bẩm sinh, không một biện pháp điều trị nào có thể làm tăng lượng lactase ruột non sản sinh ra. Bác sĩ có thể giúp bạn thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát những triệu chứng này.

Nếu nguyên nhân là do tổn thương ruột non, bác sĩ có thể điều trị nguyên nhân gây ra tổn thương đó. Sau điều trị bạn có thể dung nạp được lactose.

Trong khi một số trẻ sinh non không dung nạp được lactose, thì tình trạng này thường cải thiện dần khi bé lớn lên mà không cần điều trị.

Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Tôi nên thay đổi chế độ ăn uống như thế nào nếu mắc phải chứng không dung nạp lactose?

Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc thay đổi chế độ ăn uống nhằm kiểm soát các triệu chứng không dung nạp lactose đồng thời cần đảm bảo là bạn hấp thu đủ dưỡng chất.

Nếu con bạn mắc phải chứng không dung nạp lactose, giúp con thực hiện kế hoạch ăn kiêng do bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo.

Để kiểm soát được các triệu chứng, có thể bạn sẽ cần giảm lượng lactose bạn ăn hoặc uống vào cơ thể. Đa số mọi người có chứng không dung nạp lactose có thể hấp thu một chút lactose mà không phát sinh các triệu chứng.

Thực phẩm chứa lactose

Bạn có thể không cần tránh hoàn toàn những đồ ăn thức uống có chứa lactose – chẳng hạn như sữa tươi hoặc các sản phẩm từ sữa. Nếu bạn tránh mọi loại sữa tươi và các sản phẩm từ sữa tươi, có thể bạn sẽ hấp thu ít canxi và vitamin hơn so với nhu cầu của cơ thể.

Những người có chứng không dung nạp lactose có thể dung nạp được những lượng lactose khác nhau. Nghiên cứu đề xuất rằng nhiều người có thể hấp thu 12g lactose – lượng lactose có trong 1 cốc sữa – mà không có các triệu chứng gì hoặc chỉ có các triệu chứng ở mức độ nhẹ.

Bạn cũng có khả năng dung nạp được sữa tươi và các sản phẩm từ sữa nếu bạn:

  • Uống sữa từng ít một và uống kèm trong bữa ăn
  • Bổ sung từng ít một sữa và các sản phẩm từ sữa vào chế độ ăn uống và xem bạn có cảm thấy thế nào
  • Thử ăn sữa chua và phô mai cứng, như là phô mai cheddar hoặc phô mai Thụy Sĩ, những loại này có ít lactose hơn các loại sản phẩm khác từ sữa
  • Dùng các sản phẩm lactase để hỗ trợ tiêu hóa lactose có trong sữa tươi và các sản phẩm từ sữa.

Sữa tươi và sản phẩm sữa không chứa lactose và đã giảm lactose

Dùng sữa tươi và các sản phẩm sữa không chứa lactose và đã giảm lactose có thể hỗ trợ hạ lượng lactose trong chế độ ăn uống của bạn. Những sản phẩm này có sẵn ở nhiều cửa hàng tạp hóa và cũng tốt cho sức khỏe như những loại sữa tươi và sản phẩm từ sữa thông thường.

Canxi và Vitamin D

Nếu bạn không dung nạp được lactose, hãy đảm bảo rằng mình hấp thu đủ canxi và vitamin D mỗi ngày. Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa là những nguồn cung cấp canxi (calcium) phổ biến nhất.

Nhiều loại thực phẩm không chứa lactose cũng là nguồn cung cấp canxi. Ví dụ gồm có:

  • Cá xương mềm, chẳng hạn như là cá hồi hoặc cá mòi đóng hộp
  • Súp lơ xanh và những loại rau xanh lá
  • Cam
  • Hạnh nhân, hạt quả hạch Brazil (Brazil nuts), và đậu hạt khô
  • Đậu phụ
  • Những sản phẩm có nhãn thông báo đã tăng cường bổ sung canxi, như là một số loại ngũ cốc, nước ép trái cây và sữa đậu nành

Vitamin D giúp cơ thể hấp thu và sử dụng canxi. Bạn hãy đảm bảo rằng mình có ăn những thực phẩm chứa vitamin D như là trứng và những loại cá nhất định như là cá hồi. Một số loại ngũ cốc ăn sẵn và nước cam cũng được bổ sung vitamin D. Một số loại sữa tươi và các sản phẩm sữa tươi cũng có bổ sung vitamin D. Nếu bạn có thể uống một ít sữa tươi hoặc các sản phẩm từ sữa mà không xuất hiện các triệu chứng, hãy chọn những loại đã bổ sung vitamin D. Tương tự, ra ngoài phơi nắng giúp cơ thể sản xuất vitamin D.

Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc liệu bạn có đang hấp thu đủ nhu cầu dưỡng chất của cơ thể không. Vì những lý do an toàn, cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng (dietary supplements) hay bất cứ loại thuốc bổ sung hay thay thế (complementary or alternative) hoặc những biện pháp nào khác. Cũng nên nói chuyện với bác sĩ về việc phơi nắng và an toàn khi tiếp xúc với ánh mặt trời.

Những đồ ăn thức uống nào chứa lactose?

Lactose có trong mọi loại sữa tươi và sản phẩm từ sữa cũng như là có thể có trong những loại đồ ăn thức uống khác.

Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa có thể được bổ sung vào những loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói, đông lạnh, đóng lon và đóng hộp. Nếu bạn có các triệu chứng sau khi sử dụng một lượng nhỏ lactose, bạn nên cẩn thận với nhiều sản phẩm có thể chứa lactose, chẳng hạn như:

  • Bánh mì và các sản phẩm bánh khác như là bánh kếp (pancakes), bánh bích quy (biscuits), bánh quy mềm (cookies) và bánh bông lan (cake)
  • Những thực phẩm chế biến sẵn, gồm có ngũ cốc ăn sáng, khoai tây ăn liền, súp, macgarin, sốt salad và các loại khoai tây chiên có hương vị cũng như những đồ ăn vặt khác
  • Các loại thịt chế biến sẵn, như là ba rọi xông khói, xúc xích, bánh mỳ kẹp xúc xích hot dog và các loại thịt nguội
  • Những loại sản phẩm thay thế bữa ăn có thành phần chính là sữa (milk-based meal replacement) dạng lỏng hoặc dạng bột, smoothie và các loại bột protein và thanh protein
  • Kem cho vào cà phê dạng bột và dạng lỏng không có nguồn gốc từ sữa và các loại toppings đánh bông không có nguồn gốc từ sữa

Bạn có thể kiểm tra thành phần nguyên liệu trên bao bì của những thực phẩm đóng gói để xem liệu sản phẩm đó có chứa lactose không. Những từ dưới đây có nghĩa là sản phẩm có chứa lactose:

  • milk (sữa tươi)
  • lactose
  • whey (váng sữa)
  • curds (sữa đông)
  • milk by-products (phụ phẩm của sữa tươi)
  • dry milk solids (sữa khô)
  • nonfat dry milk powder (bột sữa không béo)

Trong một số loại thuốc kê đơn và không kế đơn có thể có một ít lactose. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng lactose có trong loại thuốc bạn đang sử dụng, đặc biệt nếu bạn không thể dung nạp được dù chỉ một chút lactose.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment