Hội chứng ruột ngắn: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Hội chứng ruột ngắn là gì?

Hội chứng ruột ngắn (Short Bowel Syndrome – SBS) là một tập hợp các vấn đề liên quan đến cơ thể kém hấp thu các chất dinh dưỡng. Hội chứng ruột ngắn thường thấy ở những đối tượng:

  • Đã từng cắt bỏ ít nhất một nửa ruột non và đôi khi cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột già
  • Ruột non bị tổn thương đáng kể/ hỏng nhiều
  • Tính di động, hay di chuyển, bên trong ruột kém

Hội chứng ruột ngắn có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, tùy thuộc vào khả năng hoạt động của ruột non.

Đối tượng mắc phải hội chứng này không thể hấp thu đủ nước, các vitamin, khoáng chất, đạm, chất béo, calo và các dưỡng chất khác từ thức ăn. Tùy theo đoạn ruột non bị tổn thương hoặc cắt bỏ mà cơ thể khó hấp thu loại dinh dưỡng tương ứng.

Ruột non là gì?

Ruột non là một cơ quan dạng ống nằm giữa dạ dày và ruột già. Phần lớn quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn diễn ra ở trong ruột non. Ruột non dài khoảng 20 feet (khoảng 6m) và bao gồm tá tràng, hỗng tràng (ruột chay) và hồi tràng (ruột hồi):

  • Tá tràng (duodenum) — đoạn đầu tiên của ruột non, là nơi hấp thu sắt và các khoáng chất khác.
  • Hỗng tràng (jejunum) — đoạn giữa của ruột non, là nơi hấp thu carbohydrate, đạm, chất béo và phần lớn các vitamin.
  • Hồi tràng (ileum) — đoạn cuối của ruột non, là nơi hấp thu các axit mật (bile acids) và vitamin B12

Ruột già là gì?

Ở người trưởng thành ruột già dài khoảng 5 feet (khoảng 1,5m) và hấp thu nước cùng với những dưỡng chất còn lại trong thức ăn đã tiêu hóa một phần từ trên ruột non đẩy xuống. Sau đó ruột già biến đổi chất thải của cơ thể từ dạng lỏng thành dạng rắn gọi là phân.

hệ thống tiêu hóa
Hội chứng ruột ngắn liên quan mật thiết đến ruột non. Ruột non là cơ quan hình ống nằm giữa dạ dày và ruột già.

Nguyên nhân gây ra SBS?

Nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng ruột ngắn là do phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột non. Loại phẫu thuật này có thể nhằm điều trị các bệnh, các tổn thương đường ruột hoặc các dị tật bẩm sinh.

Một số trẻ sinh ra đã có ruột non ngắn bất thường hoặc bị thiếu mất đoạn ruột, cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột ngắn. Ở trẻ sơ sinh, hội chứng này thường xảy ra nhiều nhất sau khi phẫu thuật điều trị viêm ruột hoại tử (necrotizing enterocolitis), một loại bệnh mà phần mô trong ruột bị hoại tử.

Hội chứng ruột ngắn cũng có thể xảy ra hậu phẫu điều trị các bệnh như là:

  • Ung thư và hỏng ruột do điều trị ung thư
  • Bệnh Crohn, một rối loạn khiến bất cứ cơ quan nào trong đường tiêu hóa bị viêm, hoặc phình to và bị kích thích.
  • Tật nứt thành bụng (gastroschisis), xảy ra khi ruột lòi ra khỏi cơ thể qua một bên dây rốn.
  • Thoát vị nội (internal hernia), xảy ra khi ruột non di chuyển vào trong ổ bụng qua phúc mạc (mạc) nối vào ổ bụng.
  • Teo ruột (intestinal atresia), xảy ra khi một phần ruột vẫn chưa hoàn toàn hình thành.
  • Tổn thương ruột do thiếu dẫn máu vì mạch máu bị tắc.
  • Ruột tổn thương do chấn thương tâm lý.
  • Lồng ruột (intussusceptions), trong đó một phần ruột non hoặc ruột già tự gấp vào với nhau, trông giống như một chiếc kính viễn vọng kéo gấp lại.
  • Tắc ruột do phân xu (meconium ileus), xảy ra khi phân su, loại phân thải ra đầu tiên của trẻ sơ sinh, đặc và nặng mùi hơn bình thường và chặn nghẽn ruột hồi.
  • Xoắn trung tràng (midgut volvulus), xảy ra khi đường cung cấp máu đến đoạn giữa ruột non bị chặn hoàn toàn.
  • Khiếm khuyết cơ thành bụng (omphalocele), xảy ra khi ruột, gan hoặc các cơ quan khác lòi ra ngoài qua rốn.

Kể cả nếu không làm phẫu thuật, bệnh tật và tổn thương cũng có thể làm hỏng ruột non.

Mức độ phổ biến của Hội chứng ruột ngắn?

Hội chứng ruột ngắn là một tình trạng bệnh hiếm gặp. Mỗi năm cứ một triệu người thì có khoảng 3 người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này.

Hội chứng ruột ngắn có dấu hiệu và triệu chứng gì?

Triệu chứng chính của hội chứng ruột ngắn là tiêu chảy  – đi ngoài phân lỏng nhiều nước. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước, kém dinh dưỡng và sút cân. Mất nước có nghĩa là cơ thể không có đủ chất lưu và chất điện giải – tức các hợp chất hóa học dạng muối bao gồm Natri, Phốt pho và Clo – để hoạt động bình thường. Kém dinh dưỡng là tình trạng phát sinh khi cơ thể không được hấp thu đủ lượng vitamin, khoáng chất và dưỡng chất cần thiết để duy trì các mô khỏe mạnh cũng như đảm bảo chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Phân lỏng chứa nhiều chất lưu và chất điện giải hơn phân rắn. Những vấn đề trên có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị đúng cách.

Những dấu hiệu và triệu chứng khác có thể là

  • Sưng phù
  • Chuột rút
  • Kiệt sức hoặc cảm thấy mệt mỏi
  • Phân nặng mùi
  • Ợ nóng
  • Xì hơi quá nhiều
  • Nôn mửa
  • Yếu cơ (vô lực)

Những người mắc phải hội chứng này dễ phát sinh dị ứng và mẫn cảm với thực phẩm, như là tình trạng không dung nạp lactose. Không dung nạp lactose là tình trạng xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa – như là chướng bụng, tiêu chảy và xì hơi – ở những người sau khi ăn hoặc uống sữa và các sản phẩm sữa.

Hội chứng ruột ngắn có biến chứng gì?

Các biến chứng của hội chứng này có thể bao gồm:

  • Kém dinh dưỡng
  • Loét dạ dày tá tràng (peptic ulcers)—các vết loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng do có quá nhiều axit khí đường ruột.
  • Sỏi thận — những mảnh vật liệu cứng hình thành trong thận.
  • Tăng sinh quá mức vi khuẩn ruột non – tình trạng một số lượng lớn vi khuẩn tăng sinh bất thường trong ruột non.

Đi khám ngay lập tức khi thấy dấu hiệu hoặc triệu chứng mất nước nghiêm trọng

Những ai có các dấu hiệu hoặc triệu chứng mất nước nghiêm trọng như dưới đây nên gọi điện hoặc đi khám chuyên gia y tế ngay lập tức:

  • Khát quá mức
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Đi tiểu ít lần
  • Ngủ lịm, chóng mặt hoặc ngất
  • Da khô

Trẻ sơ sinh và trẻ em là các đối tượng dễ bị mất nước nhất. Cha mẹ hoặc người chăm sóc nên quan sát theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng mất nước dưới đây:

  • Khô miệng và khô lưỡi
  • Khóc khan không có nước mắt
  • Trẻ sơ sinh không tiểu ướt tã trong vòng 3 tiếng trở lên
  • Thấy thóp mềm ở trẻ sơ sinh
  • Hành vi cáu kỉnh hoặc ngủ lơ mơ bất thường
  • Mắt hoặc má phù thũng
  • Sốt

Nếu không chữa trị, mất nước nghiêm trọng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nặng nề:

  • Làm hỏng các cơ quan
  • Sốc – do huyết áp thấp ngăn máu và oxi đi đến các cơ quan
  • Hôn mê —  tình trạng giống như ngủ nhưng người bị hôn mê không còn nhận thức

Chẩn đoán Hội chứng ruột ngắn bằng cách nào?

Chuyên gia y tế chẩn đoán hội chứng ruột ngắn căn cứ trên:

  • Bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình
  • Khám sức khỏe trực tiếp
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm tìm mỡ trong phân
  • Chụp X quang ruột non và ruột già
  • Xét nghiệm chụp X quang bari đường tiêu hóa trên (upper gastrointestinal/GI series)
  • Chụp vi tính cắt lớp (computerized tomography/CT scan)

Bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình

Xem xét bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình có thể giúp chuyên gia y tế chẩn đoán được hội chứng ruột ngắn. Chuyên gia sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng và có thể yêu cầu cung cấp thông tin về các ca phẫu thuật đã từng thực hiện trước đây.

Khám sức khỏe trực tiếp

Khám sức khỏe trực tiếp có thể giúp chẩn đoán được hội chứng ruột ngắn. Trong khi khám, chuyên gia y tế thường  :

  • Khám cơ thể bệnh nhân, tìm xem có hiện tượng yếu cơ hoặc sút cân và các dấu hiệu thiếu hụt vitamin và khoáng chất không.
  • Nghe âm thanh trong bụng bệnh nhân bằng ống nghe.
  • Gõ lên những vùng cụ thể trên người bệnh nhân.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu gồm lấy mẫu máu ở nơi làm việc của chuyên gia y tế hoặc một cơ sở y tế thương mại rồi gửi mẫu đến phòng thì nghiệm để phân tích. Xét nghiệm máu có thể chỉ ra nồng độ vitamin và khoáng chất và tính toán được công thức máu (complete blood count).

Xét nghiệm tìm mỡ trong phân (Fecal Fat Tests)

Xét nghiệm tìm mỡ trong phân tính toán khả năng cơ thể phân giải và hấp thu chất béo. Với loại xét nghiệm này, bệnh nhân cung cấp mẫu phân tại nơi làm việc của chuyên gia y tế. Bệnh nhân cũng có thể dùng bộ lấy xét nghiệm ở nhà. Bệnh nhân thu phân đựng trong túi nilon được đặt trước đó trong bồn cầu và để vào trong lọ đựng. Người bệnh cũng có thể dùng một loại khăn giấy đặc biệt do phòng làm việc của chuyên gia y tế cung cấp để thu và đặt giấy ăn dính mẫu phân vào trong hộp. Với trẻ đóng bỉm, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể lót tã bằng nilon để lấy phân. Chuyên gia y tế sẽ gửi mẫu phân đến phòng thí nghiệm để phân tích. Xét nghiệm mỡ trong phân có thể cho thấy khả năng hoạt động của ruột non.

Chụp tia X quang

Chụp tia X quang là hình ảnh được tạo ra do dùng tia bức xạ và lưu lại trên fim hoặc máy tính. Chỉ dùng một lượng nhỏ tia bức xạ. Kỹ thuật viên chụp X quang thực hiện chụp tại bệnh biện hoặc trung tâm khám ngoại trú, và một bác sĩ X quang – bác sĩ chuyên môn vật lý – chụp hình y tế – sẽ đọc kết quả phim chụp. Chụp X quang ruột non có thể cho thấy được đoạn cuối cùng của ruột già nhỏ hơn bình thường. Phân tắc làm phần ruột trước đoạn ruột nhỏ hơn bình thường này bị căng dãn ra và phình lên.

Chụp X quang bari đường tiêu hóa trên (Upper Gastrointestinal Series)

Chụp X quang đường tiêu hóa trên (Upper GI series), còn gọi là chụp phim sau khi nuốt bari (barium), sử dụng tia X và phép nghiệm huỳnh quang để giúp chẩn đoán những vấn đề xảy ra ở đường tiêu hóa trên. Phép nghiệm huỳnh quang là một loại chụp X quang cho phép nhìn thấy các cơ quan bên trong cũng như chuyển động của những cơ quan đấy qua một màn hình video. Một kỹ thuật viên chụp X quang thực hiện loại kiểm tra này tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú và bác sĩ X quang đọc kết quả hình ảnh chụp được.

Trong khi thực hiện chụp kiểm tra, bệnh nhân sẽ đứng hoặc ngồi trước máy chụp X quang và uống bari (barium), một chất lỏng có màu trắng như phấn. Bari bao phủ thực quản, dạ dày và ruột non để bác sĩ X quang và chuyên gia y tế có thể thấy được hình dạng của những cơ quan này rõ ràng hơn trên tia X.

Bệnh nhân có thể bị sưng phù và buồn nôn một lúc sau khi làm kiểm tra. Trong vài ngay sau đó, chất lỏng bari trong đường tiêu hóa đi ra ngoài cơ thể tạo ra phân có màu sáng hoặc màu trắng. Chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân về việc ăn uống hậu kiểm tra. Chụp X quang bari đường tiêu hóa trên có thể cho thấy được sự thu hẹp và mở rộng của ruột non và ruột già.

Chụp vi tính cắt lớp/ Chụp CT (Computerized Tomography Scan)

Chụp vi tính cắt lớp kết hợp sử dụng tia X và công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh. Với chụp CT, chuyên gia y tế có thể cho bệnh nhân uống dung dịch và tiêm một loại chất màu đặc biệt, gọi là chất cản quang. Chụp CT yêu cầu bệnh nhân nằm trên bàn trượt vào một thiết bị hình phễu dùng để chụp X quang.

Một kỹ thuật viên chụp X quang thực hiện loại kiểm tra này tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú và bác sĩ X quang đọc kết quả hình ảnh chụp được. Bệnh nhân không cần gây mê. Chụp CT có thể cho thấy tình trạng tắc ruột và các thay đổi diễn ra trong đường ruột.

Điều trị Hội chứng ruột ngắn bằng cách nào?

Chuyên gia y tế sẽ đề nghị điều trị chữa hội chứng ruột ngắn dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân. Điều trị bao gồm:

  • Hỗ trợ dinh dưỡng
  • Dùng thuốc
  • Phẫu thuật
  • Cấy ghép ruột

Hỗ trợ dinh dưỡng

Cách điều trị chính hội chứng ruột ngắn này là hỗ trợ dinh dưỡng, có thể bao gồm các phương thức sau:

  • Bù điện giải bù nước bằng đường uống. Người trưởng thành nên uống nước, đồ uống thể thao, nước soda không có caffeine và các loại nước dùng đậm đà. Trẻ em nên uống các dung dịch bù điện giải – như là Pedialyte, Naturalyte, Infalyte, và CeraLyte có bán tại đa số các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc.
  • Dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa (Parenteral nutrition). Biện pháp điều trị này truyền chất lưu, chất điện giải và các vitamin và khoáng chất dạng lỏng vào máu qua ống truyền tĩnh mạch – một loại ống được đặt vào tĩnh mạch (intravenous tube/IV tube). Chuyên gia y tế đưa ra phác đồ dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa này cho những đối tượng không thể hoặc sẽ không hấp thu dinh dưỡng hoặc đủ chất lưu qua con đường ăn uống.
  • Dinh dưỡng trong đường tiêu hóa (Enteral nutrition). Biện pháp điều trị này chuyển thức ăn dạng lỏng vào dạ dày hoặc ruột non qua một ống ăn – một loại ống nhựa mềm nhỏ nhét qua mũi hoặc miệng vào dạ dày. Sỏi mật – những hợp chất nhỏ giống sỏi sinh ra trong túi mật là một biến chứng của dinh dưỡng trong đường tiêu hóa.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất. Trong hoặc sau khi áp dụng phác đồ hỗ trợ dinh dưỡng trong hoặc ngoài đường tiêu hóa thì bệnh nhân có thể sẽ cần uống bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Chế độ ăn kiêng đặc biệt. Chuyên gia y tế có thể khuyến nghị bệnh nhân áp dụng kế hoạch ăn kiêng đặc biệt có thể bao gồm:
    • Ăn ít và ăn thành nhiều bữa
    • Tránh ăn những loại thực phẩm có thể gây ra tiêu chảy, như là những loại thức ăn nhiều đường, nhiều đạm và nhiều chất xơ
    • Tránh ăn những loại thực phẩm nhiều chất béo

Dùng thuốc

Chuyên gia y tế có thể kê đơn thuốc điều trị hội chứng ruột ngắn, bao gồm

  • Thuốc kháng sinh nhằm ngăn chặn tăng sinh vi khuẩn
  • Thuốc ức chế H2 (H2 blockers) để điều trị tình trạng tiết quá nhiều dịch vị trong ruột
  • Thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibitors) để điều trị tình trạng tiết quá nhiều axit trong khí đường ruột
  • Thuốc lợi mật (choleretic agents) để cải thiện lưu thông mật và phòng tránh bệnh gan (do ứ mật)
  • Thuốc kết dính muối mật (bile-salt binders) để giảm tiêu chảy
  • Thuốc chống bài tiết (anti-secretin agents) để giảm nồng độ axit dạ dày trong ruột
  • Thuốc giảm khả năng vận động (hypomotility agents) để làm tăng thời gian thức ăn di chuyển qua ruột, dẫn đến tăng tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng
  • Hormone tăng trưởng để cải thiện hấp thu đường ruột
  • Thuốc teduglutide cải thiện hấp thu đường ruột

Phẫu thuật

Mục đích của phẫu thuật là làm tăng khả năng hấp thu dưỡng chất của ruột non. Gần một nửa số bệnh nhân mắc phải hội chứng ruột ngắn cần được làm phẫu thuật. Phẫu thuật dùng để điều trị hội chứng ruột ngắn gồm có các phương thức

  • Phòng tránh chặn nghẽn ruột non và bảo toàn độ dài của ruột non
  • Thu hẹp bất cứ đoạn ruột non nào bị giãn
  • Làm chậm thời gian thức ăn di chuyển qua ruột non
  • Kéo dài ruột non

Điều trị và phục hồi lâu dài, ở một số người kéo dài đến hàng năm, phụ thuộc một phần vào:

  • Đoạn ruột non nào bị cắt bỏ
  • Diện tích ruột bị hỏng
  • Khả năng hoạt động của cơ ruột
  • Khả năng thích nghi dần dần của đoạn ruột còn lại sau khi phẫu thuật

Cấy ghép ruột

Cấy ghép ruột là phẫu thuật cắt bỏ ruột bị tổn thương hoặc bị bệnh và thay thế nó bằng ruột non khỏe mạnh từ người mới mất, gọi là người hiến tạng. Đôi khi người hiến tạng còn sống cũng có thể hiến tặng một đoạn ruột của họ.

Phẫu thuật cấy ghép – bác sĩ có chuyên môn thực hiện phẫu thuật cấy ghép – thực hiện phẫu thuật những đối tượng là bệnh nhân không có phản ứng tích cực với các biện pháp điều trị khác và những người bệnh có các biến chứng đe dọa tính mạng do điều trị bằng phác đồ dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa trong thời gian dài. Đội cấy ghép ruột thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện. Bệnh nhân sẽ cần gây mê. Các biến chứng của cấy ghép ruột gồm có nhiễm trùng và bài xích cơ quan cấy ghép.

Một ca cấy ghép ruột thành công có thể là biện pháp cứu mạng đối với những người suy ruột (intestinal failure) do hội chứng ruột ngắn. Đến năm 2008, các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép đã thực hiện gần 2.000 ca cấy ghép ruột ở nước Mỹ, xấp xỉ 75% trong đó là bệnh nhân dưới 18 tuổi.

Chuyên gia y tế sẽ điều chỉnh các biện pháp điều trị tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh:

  • Điều trị hội chứng ruột ngắn mức độ nhẹ bao gồm ăn ít và ăn thành nhiều bữa; uống các chất lưu; uống các loại thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng; và sử dụng thuốc để điều trị tiêu chảy.
  • Điều trị hội chứng ruột ngắn mức độ vừa tương tự như cách điều trị của mức độ nhẹ, cộng thêm với dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa nếu cần.
  • Điều trị hội chứng ruột ngắn mức độ nặng bao gồm thực hiện phác đồ dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa và uống các dung dịch bù điện giải. Bệnh nhân cũng có thể được áp dụng dinh dưỡng trong đường tiêu hóa hoặc tiếp tục ăn uống như bình thường, mặc dù đa số dinh dưỡng không được cơ thể người bệnh hấp thu. Cả dinh dưỡng trong đường tiêu hóa và ăn uống bình thường đều kích thích phần ruột còn lại hoạt động tốt hơn và có thể giúp bệnh nhân ngừng sử dụng dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa. Một số bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn mức độ nặng cần áp dụng dinh dưỡng ngoài ruột không biết đến bao giờ hoặc phải phẫu thuật điều trị.

Có thể phòng tránh hội chứng ruột ngắn không?

Mọi người có thể tham khảo ý kiến chuyên gia y tế về các kỹ thuật phẫu thuật thu nhỏ sẹo. Các nhà khoa học đến giờ vẫn chưa tìm ra được cách phòng tránh hội chứng ruột ngắn xuất hiện bẩm sinh vì nguyên nhân đến nay vẫn chưa rõ.

Thích nghi ruột là gì?

Thích nghi ruột là quá trình thường diễn ra ở trẻ em sau khi cắt bỏ một đoạn lớn của ruột non. Phần ruột non còn lại trải qua giai đoạn thích nghi và tăng trưởng để tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Quá trình thích nghi có thể mất đến 2 năm, và trong thời gian này người bệnh có thể phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ dinh dưỡng trong và ngoài đường tiêu hóa.

Ăn uống, ăn kiêng và Dinh dưỡng

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được liệu ăn uống, ăn kiêng và dinh dưỡng có góp phần gây ra hoặc có tác dụng phòng tránh hội chứng ruột ngắn hay không.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

0 thoughts on “Hội chứng ruột ngắn: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị”

Leave a Comment