Hội chứng ruột kích thích (IBS) ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?

Hội chứng ruột kích thích là một loại rối loạn chức năng đường tiêu hóa (GI), nghĩa là một vấn đề xảy ra do các thay đổi diễn ra trong cách hoạt động của đường tiêu hóa. Trẻ em bị rối loạn chức năng đường tiêu hóa thường xuyên gặp phải các triệu chứng, nhưng đường tiêu hóa không bị phá hỏng. IBS không phải là bệnh; nó là một tập hợp gồm các triệu chứng xuất hiện đồng thời. Các triệu chứng phổ biến nhất của IBS là đau bụng hoặc bụng khó chịu thường được ghi nhận là bị chuột rút, đi kèm với tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai. Trong quá khứ, IBS từng được gọi là viêm kết tràng (colitis), viêm kết tràng niêm dịch (mucous colitis), co thắt kết tràng (spastic colon), kết tràng bị kích thích (nervous colon), và co thắt ruột (spastic bowel). Tên của nó đã được thay đổi để phản ánh sự hiểu biết rằng loại rối loạn này có cả nguyên nhân từ cơ thể và tâm lý cũng như là hội chứng này không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng con người.

Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán khi trẻ đang tăng trưởng bình thường bị đau bụng hoặc bụng khó chịu một lần một tuần trong ít nhất 2 tháng mà không có bệnh hay tổn thương nào khác là nguyên nhân gây ra cơn đau đó. Sự đau đớn hoặc khó chịu của IBS có thể xuất hiện kèm với tần suất đại tiện hoặc độ đặc của phân hoặc có thể thuyên giảm sau khi đại tiện.

Đường tiêu hóa là gì?

Đường tiêu hóa là một loạt các cơ quan rỗng tham gia vào một ống dài xoắn đi từ miệng xuống hậu môn. Chuyển động của các cơ trong đường tiêu hóa, cùng với việc giải phóng các hormone (kích thích tố) và enzyme, cho phép diễn ra quá trình tiêu hóa thức ăn. Những cơ quan cấu thành đường tiêu hóa là miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già – gồm có ruột thừa, manh tràng, kết tràng, và trực tràng – và cuối cùng là hậu môn. Ruột (intestines) đôi khi còn có được gọi là tràng (bowel). Đoạn cuối của đường tiêu hóa – gọi là đường tiêu hóa dưới – gồm có ruột già và hậu môn.

Ruột già hấp thu nước và bất cứ dưỡng chất nào còn thừa lại trong những thức ăn đã được tiêu hóa một phần từ ruột non. Sau đó ruột già biến đổi chất thải tiêu hóa từ dạng lỏng thành dạng rắn gọi là phân. Phân đi từ kết tràng xuống trực tràng. Trực tràng nằm giữa đoạn cuối cùng của kết tràng – có tên là kết tràng sigma —và hậu môn. Trực tràng trữ phân trước khi đại tiện. Trong khi đại tiện, phân di chuyển từ trực tràng xuống hậu môn, lối phân đi ra khỏi cơ thể.

Đường tiêu hóa dưới

Mức độ phổ biến của hội chứng ruột kích thích ở trẻ em?

Chưa có nhiều thông tin về số trẻ em mắc phải hội chứng ruột kích thích. Các nghiên cứu cũ hơn đã ghi nhận tỉ lệ hiện hành của tình trạng đau bụng tái đi tái lại ở trẻ em là vào khoảng 10 đến 20%. Tuy nhiên những nghiên cứu này không phân biệt IBS với đau bụng chức năng, chứng khó tiêu, và đau nửa vùng bụng. Một nghiên cứu về trẻ em Bắc Mỹ phát hiện ra rằng 14% học sinh trung học phổ thông và 6% học sinh trung học cơ sở có hội chứng ruột kích thích. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng IBS ảnh hưởng như nhau đối với bé trai và bé gái.

Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em có các triệu chứng gì?

Các triệu chứng của IBS gồm có bụng đau hoặc khó chịu và thói quen đại tiện thay đổi. Để đúng với định nghĩa, cơn đau hoặc sự khó chịu nên đi kèm với hai trong ba triệu chứng dưới đây:

  • Xuất hiện khi đại tiện diễn ra nhiều hoặc ít hơn thường lệ
  • Xuất hiện khi phân trông lỏng và nhiều nước hoặc cứng và nhiều cục hơn thường lệ
  • Đỡ đau hơn sau khi đại tiện

Các triệu chứng khác của IBS có thể là:

  • Tiêu chảy — đi ngoài phân lỏng nhiều nước từ 3 lần trở lên một ngày và cảm thấy rất buồn đi đại tiện
  • Táo bón — đi ngoài ra phân cứng, khô; đại tiện từ 2 lần trở xuống trong một tuần; hoặc phải rặn mới đẩy phân ra ngoài được
  • Cảm giác chưa đại tiện xong
  • Đi ngoài ra chất nhầy, một loại chất lỏng trong suốt do ruột tạo ra để che phủ và bảo vệ các mô trong đường tiêu hóa
  • Chướng bụng

Các triệu chứng có thể thường diễn ra sau khi ăn. Để đúng với khái niệm của IBS, các triệu chứng phải xảy ra ít nhất một lần một tuần trong tối thiểu 2 tháng.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích ở trẻ em?

Hiện giờ nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được làm rõ. Các nhà nghiên cứu tin rằng kết hợp các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể xác có thể gây ra IBS. Những nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích ở trẻ em có thể là:

  • Các vấn đề trao đổi tín hiệu giữa não bộ và ruột (Brain-gut signal problems). Các tín hiệu giữa não bộ và những dây thần kinh của ruột non và ruột già, còn gọi là lòng (gut), kiểm soát cách hoạt động của ruột. Các vấn đề phát sinh ở tín hiệu não-ruột có thể tạo ra những triệu chứng IBS, chẳng hạn như thay đổi thói quen đại tiện và đau bụng hoặc bụng khó chịu.
  • Các vấn đề xảy ra ở chuyển động trong đường tiêu hóa (GI motor problems). Trẻ mắc phải IBS có thể không có sự chuyển động, hay di chuyển, bình thường trong kết tràng. Chuyển động chậm có thể dẫn đến táo bón và chuyển động nhanh có thể gây ra tiêu chảy. Các cơn co thắt, hay những sự co rút mạnh đột ngột của cơ lúc có lúc không, có thể gây ra đau bụng. Một số trẻ mắc IBS cũng có thể có phản ứng quá mẫn, là tình trạng tăng co rút cơ ruột quá mức khi phản ứng với căng thẳng hoặc việc ăn uống.
  • Tính quá mẫn. Trẻ bị hội chứng ruột kích thích mẫn cảm hơn với cơn đau vùng bụng so với những trẻ không mắc phải hội chứng này. Những trẻ bị ảnh hưởng bởi IBS ghi nhận có trương lực cơ trực tràng (rectal tone) và phản ứng vận động trực tràng (rectal motor response) khác biệt sau khi ăn.
  • Những vấn đề sức khỏe tâm thần. IBS có liên quan đến những vấn đề sức khỏe tinh thần, hoặc tâm lý, như là lo âu và trầm cảm ở trẻ em.
  • Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn. Một số trẻ bị viêm dạ dày ruột do vi khuẩn – một loại nhiễm trùng hoặc kích thích dạ dày và ruột do vi khuẩn gây ra – làm phát sinh hội chứng ruột kích thích. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa viêm dạ dày ruột và IBS ở người trưởng thành nhưng chưa có ở trẻ em. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng hội chứng IBS hậu nhiễm trùng có xảy ra ở trẻ em. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết tại sao viêm dạ dày ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích ở một số người này và không gây ra ở những người khác.
  • Tăng sinh quá mức vi khuẩn ruột non (SIBO). Thông thường, có một số vi khuẩn cư trú trong ruột non của người. SIBO là sự gia tăng số lượng hoặc thay đổi chủng loại vi khuẩn có trong ruột non. Những vi khuẩn này có thể sản sinh ra quá nhiều khí đường ruột và cũng có thể gây ra tiêu chảy và sút cân. Một số nhà nghiên cứu tin rằng SIBO có khả năng dẫn đến IBS, và vài nghiên cứu đã chứng minh rằng thuốc kháng sinh có hiệu quả trong việc điều trị IBS. Tuy nhiên, các nghiên cứu này vẫn chưa có độ tin cậy cao và cần có thêm nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa SIBO và IBS.
  • Di truyền học. Liệu hội chứng IBS có nguyên nhân di truyền không, tức là di truyền trong gia đình, vẫn còn là điều mơ hồ. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng IBS phổ biến hơn ở những người có thành viên trong gia đình từng có tiền sử mắc các vấn đề về đường tiêu hóa. Tuy nhiên nguyên nhân này có thể là do môi trường hoặc là kết quả của việc gia tăng nhận thức về những triệu chứng đường tiêu hóa.

Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích ở trẻ em bằng cách nào?

Để chẩn đoán được hội chứng ruột kích thích, chuyên gia y tế sẽ tiến hành khám sức khỏe trực tiếp và ghi lại bệnh sử đầy đủ của trẻ. Bệnh sử sẽ bao gồm những câu hỏi về các triệu chứng trẻ gặp phải, các thành viên gia đình mắc phải những rối loạn đường tiêu hóa, những lần lây nhiễm gần đây, sử dụng thuốc và các sự kiện căng thẳng liên quan đến sự xuất hiện của các triệu chứng.

IBS được chẩn đoán ra khi khám sức khỏe không xác định được bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến các triệu chứng của trẻ và trẻ có đủ những tiêu chí sau:

  • Đã có những triệu chứng ít nhất một lần một tuần diễn ra trong tối thiểu hai tháng
  • Đang phát triển tăng trưởng bình thường
  • Không có bất cứ biểu hiện nào cho thấy có nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng

Thường thì không cần làm xét nghiệm bổ sung, mặc dù chuyên gia y tế có thể làm xét nghiệm máu để sàng lọc các vấn đề sức khỏe khác. Có thể cần làm các xét nghiệm chẩn đoán bổ sung căn cứ trên kết quả của xét nghiệm máu sàng lọc và với những trẻ cũng có các dấu hiệu như là:

  • Bụng trên bên phải hoặc bụng dưới bên phải đau dai dẳng
  • Đau khớp
  • Đau tỉnh giữa giấc ngủ
  • Bệnh ở các mô quanh trực tràng
  • Khó nuốt
  • Nôn mửa liên tục
  • Tốc độ tăng trưởng giảm
  • Đường tiêu hóa chảy máu
  • Dậy thì muộn
  • Tiêu chảy về đêm

Cũng cần có thêm các xét nghiệm chẩn đoán đối với trẻ có tiền sử bệnh gia đình gồm:

  • Bệnh viêm ruột—những rối loạn kéo dài gây ra kích thích và các vết loét, hay vết tổn thương, trong đường tiêu hóa
  • Bệnh Celiac — một căn bệnh hệ miễn dịch mà người bệnh không thể dung nạp gluten, một loại đạm có trong lúa mỳ, lúa mạch đen và đại mạch, bởi vì loại đạm này sẽ phá hỏng lớp niêm mạc ruột non và ngăn cản ruột non hấp thu dưỡng chất
  • Bệnh loét dạ dày —một loại tổn thương niêm mạc thực quản hoặc dạ dày

Các xét nghiệm chẩn đoán bổ sung có thể bao gồm xét nghiệm phân, siêu âm và nội soi ruột kết hoặc nội soi trực tràng ống mềm.

Xét nghiệm phân. Xét nghiệm phân là là phân tích mẫu phân. Chuyên gia y tế sẽ cung cấp cho người chăm sóc trẻ một ống đựng để hứng và trữ phân của trẻ. Mẫu phân này được đưa lại cho chuyên gia y tế hay cơ sở y tế tư nhân và được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Đôi khi trong lúc khám chuyên gia y tế cũng có thể sẽ khám trực tràng, để kiểm tra sẽ có máu dính trong phân không. Xét nghiệm phân có thể cho thấy sự xuất hiện của ký sinh trùng hoặc máu.

Siêu âm. Siêu âm dùng một thiết bị gọi là bộ chuyển đổi phản xạ lại những sóng âm an toàn không đau từ các cơ quan để tạo ra hình ảnh về cấu tạo của các cơ quan đó. Phương pháp này được thực hiện trong phòng khám của chuyên gia y tế, trung tâm ngoại trú, hay bệnh viện bởi một kỹ thuật viên đã được đào tạo đặc biệt, và bác sĩ X quang – bác sĩ chuyên môn vật lý chụp hình sẽ đọc giải kết quả hình ảnh; không cần gây mê. Kết quả hình ảnh có thể chỉ ra được những vấn đề xảy ra trong đường tiêu hóa mà gây ra cơn đau hoặc các triệu chứng khác.

Nội soi kết tràng (colonoscopy) hay nội soi trực tràng ống mềm (Flexible sigmoidoscopy). Hai phương pháp kiểm tra nội soi này giống nhau, nhưng nội soi kết tràng được dùng để quan sát trực tràng và toàn bộ kết tràng, trong khi nội soi trực tràng ống mềm được dùng để quan sát trực tràng và đoạn dưới của kết tràng. Bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột – bác sĩ có chuyên môn về những bệnh tiêu hóa thực hiện những xét nghiệm này tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Với cả hai loại kiểm tra này, chuyên gia y tế sẽ cung cấp tờ hướng dẫn chuẩn bị làm sạch ruột trẻ tại nhà. Trẻ có thể sẽ được yêu cầu tuân thủ ăn uống những chất lỏng loãng trong từ 1 đến 3 ngày trước khi làm cả hai loại kiểm tra. Đêm trước khi kiểm tra, trẻ có thể sẽ cần dùng thuốc sổ. Có thể cũng cần cho trẻ dùng một hoặc nhiều liều thuốc thụt hậu môn đêm hôm trước và khoảng 2 tiếng trước khi làm kiểm tra.

Trong đa số trường hợp, gây tê nhẹ và có thể dùng cả thuốc giảm đau giúp trẻ thả lỏng. Với cả hai loại nội soi, trẻ sẽ nằm trên bàn trong khi bác sĩ chuyên khoa đưa một ống mềm vào hậu môn. Một máy quay mini gắn trên ống gửi về hình ảnh quay được của lớp niêm mạc ruột đến màn hình máy tính. Phương pháp nội soi này có thể cho thấy các dấu hiệu của những vấn đề phát sinh ở đường tiêu hóa dưới.

Bác sĩ chuyên khoa dạ dày ruột cũng có thể thực hiện xét nghiệm sinh thiết, phương pháp bao gồm lấy một mẩu niêm mạc ruột để xét nghiệm dưới kính hiển vi. Trẻ sẽ không cảm nhận được quá trình lấy sinh thiết. một nhà nghiên cứu bệnh học – bác sĩ chuyên môn chẩn đoán bệnh – xét nghiệm mô trong phòng thí nghiệm.

Một giờ đầu sau khi nội soi có thể xuất hiện tình trạng chuột rút hoặc chướng bụng. Đến ngày hôm sau trẻ sẽ trở lại bình thường.

Điều trị hội chứng ruột kích thích ở trẻ em bằng cách nào?

Mặc dù chưa có biện pháp chữa trị IBS, kết hợp các biện pháp sau có thể điều trị các triệu chứng của hội chứng này:

  • Thay đổi ăn uống, ăn kiêng và dinh dưỡng
  • Sử dụng thuốc
  • Sử dụng probiotic
  • Liệu pháp điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần

Ăn uống, ăn kiêng và dinh dưỡng

Những bữa ăn nhiều có thể gây ra chuột rút và tiêu chảy, vì ăn thành nhiều bữa nhỏ hoặc các các phần ít hơn có thể giúp cải thiện các triệu chứng của IBS. Ăn các bữa ít béo và nhiều carbohydrate, chẳng hạn như mỳ ống, cơm, bánh mỳ và ngũ cốc nguyên cám, trái cây, và rau củ có thể có tác dụng hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

Những loại đồ ăn thức uống nhất định có thể gây ra các triệu chứng IBS ở một số trẻ, chẳng hạn như là:

  • Thực phẩm nhiều chất béo
  • Sản phẩm từ sữa
  • Đồ uống có chứa cafein
  • Đồ uống có nhiều chất tạo ngọt nhân tạo, là những chất được dùng thay thế đường
  • Đồ ăn có thể gây ra xì hơi, như là đậu hạt và bắp cải

Trẻ bị IBS có thể sẽ muốn hạn chế hoặc tránh những thực phẩm này. Duy trì ghi nhật ký ăn uống là một biện pháp hữu hiệu để theo dõi được những loại thực phẩm nào gây ra các triệu chứng như vậy có thể loại bỏ hoặc cắt giảm những loại thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn uống của trẻ.

Bổ sung chất xơ qua thực phẩm có thể làm giảm táo bón ở những trẻ bị IBS, nhưng nó có thể không hỗ trợ làm giảm cơn đau. Chất xơ giúp giữ cho phân mềm để có thể di chuyển trơn tru ra khỏi kết tràng. Viện Dinh dưỡng và Chuyên khoa Ăn uống (Academy of Nutrition and Dietetics) khuyến nghị trẻ tiêu thụ “số tuổi cộng thêm 5” gam chất xơ hàng ngày. Ví dụ như, trẻ 7 tuổi thì cần hấp thu “7 cộng 5”, hay 12g chất xơ một ngày. Chất xơ có thể dẫn đến xì hơi và kích phát các triệu chứng ở một số trẻ bị IBS. Tăng hấp thu 2 đến 3g chất xơ một ngày có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ tăng xì hơi và chướng bụng .

Sử dụng thuốc

Chuyên gia y tế sẽ chọn các loại thuốc dựa trên các triệu chứng của trẻ. Người chăm sóc trẻ không nên tự ý cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc nào trừ khi được chuyên gia y tế yêu cầu.

  • Thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ. Thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ có thể được đề nghị sử dụng để giảm táo bón khi tăng bổ sung chất xơ qua đường thực phẩm không có tác dụng.
  • Thuốc nhuận tràng. Có thể điều trị chứng táo bón bằng thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng hoạt động theo nhiều cách và chuyên gia  y tế có thể cung cấp cho bạn thông tin về loại nào là phù hợp nhất với trẻ. Người chăm sóc trẻ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng trừ khi bác sĩ yêu cầu.
  • Thuốc trị tiêu chảy. Người ta đã chứng minh được rằng Loperamide làm giảm tiêu chảy ở trẻ bị IBS dù nó không làm giảm đau, chướng bụng hay các triệu chứng khác. Loperamide làm giảm tần suất đi ngoài và làm tăng độ đặc của phân bằng cách làm chậm lại chuyển động của phân qua kết tràng. Những loại thuốc điều trị tiêu chảy ở người trưởng thành có thể nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và chỉ nên được dùng cho trẻ khi bác sĩ yêu cầu.
  • Thuốc chống co thắt. Thuốc chống co thắt ví dụ như hyoscine, cimetropium, và pinaverium, hỗ trợ kiểm soát các cơn co thắt cơ kết tràng và làm giảm đau bụng.
  • Thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm Tricyclic và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc liều thấp có thể giúp làm thuyên giảm các triệu chứng IBS gồm cả đau bụng. Những loại thuốc này được cho là làm giảm cảm giác đau, cải thiện tâm trạng và đặc điểm giấc ngủ, và điều chỉnh hoạt động của đường tiêu hóa.

Sử dụng Probiotic

Probiotic là những vi sinh vật sống, thường là vi khuẩn, tương tự những vi sinh vật thường cư trú trong đường tiêu hóa. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các probiotic, đặc biệt là Bifidobacteria và những tổ hợp probiotic nhất định cải thiện các triệu chứng của IBS khi được sử dụng một số lượng đủ lớn. Nhưng cần có thêm nghiên cứu. Probiotic có thể được tìm thấy trong những thực phẩm chức năng như là viên nang, viên nén và bột, trong một số loại thực phẩm như là sữa chua. Chuyên gia y tế có thể cung cấp thông tin về chủng và lượng probiotic thích hợp để uống nhằm cải thiện các triệu chứng IBS. Có thểm tìm hiểu thêm thông tin về probiotic trong tập thông tin Nhập môn/Tổng quan về Probiotic (An Introduction to Probiotics) của Trung tâm Y học Tổng hợp và Bổ sung Quốc gia (National Center for Complementary and Integrative Health)

Liệu pháp điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần

Các liệu pháp sau có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của IBS có nguyên nhân là do các vấn đề sức khỏe tâm thần:

  • Liệu pháp tâm sự (trò chuyện). Tâm sự với một nhà trị liệu tâm lý có thể làm giảm căng thằng và cải thiện các triệu chứng IBS. Hai loại liệu pháp tâm sự được dùng để điều trị IBS là liệu pháp nhận thức-hành vi và liệu pháp tâm lý động học, hay liệu pháp tương tác cá nhân. Liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào suy nghĩ và hành động của trẻ. Liệu pháp tâm lý động học tập trung vào cách xảm xúc tác động đến các triệu chứng IBS. Loại phương pháp trị liệu này thường bao gồm thả lỏng thư giãn và các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng.
  • Liệu pháp thôi miên. Trong liệu pháp thôi miên, nhà trị liệu dùng thuật thôi miên để giúp trẻ thả lỏng rơi vào trạng thái xuất thần. Loại trị liệu này có thể giúp trẻ thả lỏng cơ trong kết tràng.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment