Đại tiện không tự chủ (Són phân): Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Đại tiện không tự chủ là chứng gì?

Đại tiện không tự chủ (Bowel Control Problems), còn gọi là són phân (Fecal Incontinence), là ngẫu nhiên đại tiện không chủ đích – gồm đùn ra phân rắn, phân lỏng hoặc chất nhầy – từ hậu môn của bạn.

Loại đại tiện không tự chủ thường thấy nhất có tên gọi là són phân cấp kỳ (urge incontinence). Khi bạn bị són phân cấp kỳ, bạn cảm thấy cấp thiết cần đại tiện nhưng không thể ngăn việc đại tiện diễn ra trước khi đến được nhà vệ sinh. Nếu bạn bị són phân cấp kỳ, các cơ sàn chậu (pelvic floor muscles) của bạn có khả năng là quá yếu để có thể kìm được việc đại tiện do cơ bị tổn thương hoặc dây thần kinh bị hủy hoại.

Một loại đại tiện không tự chủ nữa là són phân thụ động. Khi bị són phân thụ động, phân bị rỉ ra ngoài mà bạn không hay biết. Nếu bị són phân thụ động, cơ thể bạn có thể không cảm nhận được khi nào trực tràng đã đầy phân.

Són phân có thể gây bực bội khó chịu và làm bạn thấy lúng túng. Một số người có thể cảm thấy xấu hổ và cố gắng che giấu vấn đề. Bạn có thể sẽ e ngại hoặc ngượng ngùng khi nói về tình trạng són phân của mình với bác sĩ. Tuy nhiên, việc trao đổi cởi mở và thẳng thắn với bác sĩ là yếu tố quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị chứng són phân của bạn.

Chứng mất chủ động đại tiện có tên gọi khác không?

Chứng mất chủ động đại tiện còn được gọi là:

  • Đại tiện không chủ đích
  • Đại tiện mất tự chủ
  • Tiêu đùn (encopresis)—thuật ngữ dùng chủ yếu cho tình trạng són phân ở trẻ em

Mức độ phổ biến của chứng mất chủ động đại tiện?

Các chuyên gia y tế cho rằng són phân là một tình trạng sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1 trong 3 người đi khám sơ bộ với chuyên gia y tế.

  • Són phân thường thấy hơn ở người lớn tuổi
  • Trong những người trưởng thành nằm viện hoặc ở nhà dưỡng lão, 7 đến 15 người trong 100 người bị đại tiện không tự chủ.
  • Trong những người trưởng thành nằm viện, 18 đến 33 trong 100 người bị đại tiện không chủ đích.
  • Trong những người trưởng thành ở nhà dưỡng lão, 50 đến 70 trong 100 người bị mất chủ động đại tiện.

Khoảng 2 trong số 100 trẻ bị tiêu đùn.

Đối tượng nào dễ bị mất chủ động đại tiện?

Bạn dễ bị són phân hơn nếu bạn:

  • Trên 65 tuổi
  • Không năng vận động thể chất
  • Mắc những bệnh kinh niên và các tình trạng sức khỏe nhất định
  • Đã cắt bỏ túi mật
  • Đang có thói quen hút thuốc

Trẻ em được sinh ra kèm những dị tật bẩm sinh nhất định ở tủy sống, hậu môn hay trực tràng dễ bị tiêu đùn hơn. Trẻ bị táo bón cũng có nhiều khả năng bị tiêu đùn hơn.

Người bị són phân còn gặp phải những vấn đề sức khỏe nào khác?

Nếu bị són phân, có thể bạn còn gặp phải những vấn đề sức khỏe khác, gồm có:

  • Tiêu chảy
  • Sức khỏe kém toàn diện
  • Các rối loạn và bệnh mãn tính như là:
    • Hội chứng ruột kích thích
    • Tiểu đường loại 2
    • Các bệnh ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở hậu môn, sàn chậu, hay trực tràng
    • Bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease)
  • Làm hỏng hoặc suy yếu các cơ hậu môn, cơ sàn chậu hoặc cơ trực tràng
  • Hỏng dây thần kinh ở hậu môn, sàn chậu hoặc trực tràng
  • Són tiểu
  • Viêm trực tràng (proctitis)

Mất chủ động đại tiện có thể gây ra những vấn đề gì?

Các vấn đề có khả năng phát sinh do són phân là:

  • Da quanh hậu môn bị khó chịu hoặc bị kích ứng
  • Cảm giác đau khổ và lo âu về xã hội, như là lo sợ, xấu hổ, tách biệt khỏi xã hội, mất lòng tự trọng, giận dữ hoặc trầm cảm
  • Các vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống, như là không thể tập thể dục, làm việc, đến lớp học hoặc đến các buổi tụ tập

Triệu chứng & Nguyên nhân

Mất chủ động đại tiện có những triệu chứng gì?

Triệu chứng són phân tùy thuộc vào loại đại tiện không tự chủ.

  • Nếu bạn bị són phân cấp kỳ, bạn sẽ biết khi nào mình cần tống phân ra ngoài nhưng không có khả năng kiểm soát được việc đẩy phân ra ngoài trước khi đến được nhà vệ sinh.
  • Nếu bạn bị són phân thụ động, bạn sẽ tống phân hay chất nhầy ra khỏi hậu môn mà không hay biết gì.

Một số chuyên gia y tế tính cả các vệt hay các vết phân hoặc chất nhầy dính ở quần lót của bạn – gọi là ỉa ra quần – là một triệu chứng són phân.

Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng đại tiện không tự chủ diễn ra thường xuyên hoặc ở mức độ nghiêm trọng. Mặc dù một số người có thể tự xoay sở được với tình trạng són phân mức độ nhẹ hoặc không thường xuyên, nhưng bạn nên đi khám nếu tình trạng này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn hoặc khiến bạn có cảm giác đau khổ hoặc lo âu về xã hội.

Nguyên nhân nào gây đại tiện không tự chủ ở người trưởng thành?

Đại tiện không tự chủ do rất nhiều nguyên nhân, gồm các rối loạn đường tiêu hóa và các bệnh mãn tính. Một số nguyên nhân gây són phân, ví dụ như là do sinh con qua đường âm đạo, chỉ xảy ra ở phụ nữ.

Tiêu chảy

Phân lỏng nhiều nước do tiêu chảy nhanh chóng làm đầy trực tràng (rectum) của bạn và bạn khó mà kìm phân lỏng hơn phân rắn. Tiêu chảy là yếu tố nguy cơ thường thấy nhất dẫn đến tình trạng són phân ở những người không nằm trong bệnh viện, nhà dưỡng lão hoặc các viện tương tự khác. Tiêu chảy có thể là do các vấn đề đường tiêu hóa như là:

  • Bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease)
  • Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome)
  • Viêm trực tràng (proctitis)

Táo bón

Táo bón có thể làm phân dồn thành cục to, cứng và khó tống phân ra ngoài. Phân cứng làm giãn các cơ trực tràng và theo thời gian làm yếu đi các cơ này. Những cơ trực tràng bị yếu đi làm phân chứa nhiều nước tích tụ sau chỗ phân cứng do táo bón bị són ra ngoài.

Tổn thương cơ hay yếu cơ

Nếu các cơ ở hậu môn, cơ sàn chậu hay cơ trực tràng bị thương hoặc bị suy yếu, chúng có khả năng không thể giữ được hậu môn đóng kín, làm phân bị són ra ngoài. Các cơ này có thể bị thương hoặc suy yếu do

  • Phẫu thuật
    • Cắt bỏ ung thư ở hậu môn hoặc trực tràng
    • Cắt bỏ búi trĩ (hemorrhoids)
    • Điều trị áp-xe (abscesses) và nứt (fistulas) hậu môn
  • Chấn thương

Dây thần kinh bị tổn hại

Nếu các dây thần kinh kiểm soát các cơ hậu môn, cơ sàn chậu và cơ trực tràng bị tổn hại, thì các cơ trong các khu vực này không thể hoạt động như bình thường. Các dây thần kinh mà báo hiệu cho bạn biết khi nào có phân trong trực tràng bị tổn hại thì sẽ khiến bạn khó mà biết được khi nào cần tìm nhà vệ sinh. Các dây thần kinh bị tổn hại do

  • Thói quen rặn để tống phân ra ngoài trong thời gian dài
  • Tổn thương não
  • Tổn thương dây thần kinh tủy sống

Các bệnh thần kinh

Các bệnh thần kinh mà ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở hậu môn, sàn chậu hay trực tràng có thể gây són phân. Những bệnh này gồm có:

  • Sa sút trí tuệ
  • Đa xơ cứng
  • Bệnh Parkinson
  • Đột quỵ
  • Tiểu đường loại 2

Giảm khả năng giãn cơ ở trực tràng

Nếu trực tràng của bạn bị sẹo hóa hoặc bị viêm, các cơ trở nên cứng ngắc và không thể giãn căng mạnh để giữ phân. Trực tràng của bạn có thể nhanh chóng trữ đầy phân, và phân có thể són ra ngoài. Phẫu thuật trực tràng, xạ trị ở vùng chậu, và bệnh viêm ruột có thể làm sẹo hóa và gây viêm ở trực tràng của bạn.

Trĩ

Bệnh trĩ có thể khiến các cơ quanh hậu môn của bạn không thể đóng hoàn toàn, dẫn đến một ít phân hoặc chất nhầy són ra ngoài.

Sa trực tràng hậu môn

Sa trực tràng – tình trạng làm trực tràng của bạn rơi xuống qua hậu môn – cũng có thể ngăn không để các cơ quanh hậu môn đóng hoàn toàn được, dẫn đến một ít phân hoặc chất nhầy són ra ngoài.

Ít vận động thể chất

Nếu bạn không phải là người năng vận động, đặc biệt là nếu bạn ngồi hoặc nằm trong nhiều giờ trong ngày, có thể bạn đang trữ rất nhiều phân trong trực tràng. Phân lỏng có thể rỉ quanh phân cứng. Vì lý do này nên những người lớn tuổi yếu nhược dễ bị són phân liên quan đến táo bón.

Sinh con qua đường âm đạo

Sinh con đôi khi gây tổn thương các cơ vòng hậu môn, điều này có thể dẫn đến són phân. Nguy cơ bị són phân cao hơn nếu:

  • Thai to trước khi sinh ra
  • Bạn sinh con có sự hỗ trợ của kẹp gắp thai (forcep)
  • Bạn sinh con có sự hỗ trợ của giác hút
  • Bác sĩ rạch, gọi là rạch tầng sinh môn, ở vùng âm đạo nhằm ngăn ngừa đầu của đứa bé xé rách âm đạo của bạn trong khi sinh.

Sa trực tràng âm đạo

Sa trực tràng âm đạo là tình trạng trực tràng lòi ra ngoài qua đường âm đạo. Sa trực tràng âm đạo có thể xảy ra khi lớp cơ mỏng để tách biệt trực tràng và âm đạo trở nên suy yếu. Phân có thể ở trong trực tràng bởi vì sa trực tràng khiến bạn khó tống phân ra ngoài hơn.

Nguyên nhân nào gây tiêu đùn ở trẻ em?

Với những trẻ trên 4 tháng tuổi, nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu đùn là táo bón kèm tình trạng dồn nhiều phân ở trong trực tràng. Khi phân són ra ngoài, trẻ có khả năng không thể cảm nhận được khi nào có phân mới đi vào trong trực tràng. Trẻ có thể không biết rằng mình đã đại tiện. Phân có nhiều trong trực tràng có khả năng khiến cơ thắt trong hậu môn nội trở nên thả lỏng mãn tính, dẫn đến phân mềm rỉ qua phân cứng và són ra ngoài.

Các dị tật bẩm sinh ở hậu môn, trực tràng hay đại tràng (colon) như là bệnh phì đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung disease), có thể gây tiêu đùn ở trẻ. Những dị tật bẩm sinh này có thể làm suy yếu các cơ sàn chậu hoặc gây tổn hại đến các dây thần kinh ở hậu môn hoặc trực tràng. Những tổn thương dây thần kinh ở hậu môn và trực tràng, giống như các tổn thương tủy sống hoặc dị tật bẩm sinh ở tủy sống, cũng có thể dẫn đến són phân.

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán chứng mất tự chủ đại tiện như thế nào?

Bác sĩ sử dụng bệnh sử của bạn, khám trực tiếp và xét nghiệm y tế để chẩn đoán tình trạng mất chủ động đại tiện và nguyên nhân gây són phân.

Bệnh sử

Bên cạnh đánh giá bệnh sử tổng quát của bạn, bác sĩ có thể sẽ hỏi những câu sau:

  • Tình trạng són phân của bạn bắt đầu từ khi nào?
  • Bạn bắt đầu bị són phân sau khi:
    • Sinh con?
    • Bị tai nạn xe ô tô?
    • Bị ngã?
    • Bị một bệnh khác?
  • Tần suất bạn bị són phân?
  • Bao nhiêu phân bị són ra ngoài?
  • Bạn són ra phân lỏng hay phân rắn?
  • Bạn có cảm giác cấp bách muốn đại tiện trước khi bị són phân không?
  • Bạn có biết được khi nào bạn cần đại tiện trước khi són phân không?
  • Bạn có bị són phân mà không hay biết gì không?
  • Bạn rỉ ra phân lỏng hay chất nhầy?
  • Bạn có són phân khi đang bị tiêu chảy hay táo bón không?
  • Tình trạng són phân có nặng hơn sau khi bạn ăn uống không?
  • Những loại thực phẩm nhất định dường như có khiến tình trạng són phân của bạn nặng hơn không?
  • Són phân ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của bạn?

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn ghi nhật ký đại tiện để giúp giải đáp những câu hỏi này. Nhật ký đại tiện là một bảng biểu ghi lại cụ thể việc đại tiện hàng ngày của bạn. Bác sĩ có thể sẽ cung cấp cho bạn một mẫu nhật ký mà họ tạo. Hoặc bạn có thể tự thiết kế mẫu nhật ký đại tiện của mình hoặc ghi lại chi tiết đại tiện của mình trong một quyển sổ.

Có thể bạn sẽ cảm thấy xấu hổ hoặc ngượng ngùng khi trả lời bác sĩ. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ không bị sốc hay bất ngờ với những câu trả lời đó. Bạn càng cung cấp nhiều ví dụ và chi tiết của các vấn đề của mình, bác sĩ sẽ càng có khả năng giúp đỡ bạn. Bạn có thể chủ động trong việc chẩn đoán tình trạng của bản thân bằng cách trao đổi cởi mở và thẳng thắn với bác sĩ.

Những gợi ý giúp bạn trao đổi với bác sĩ

  • Hãy chuẩn bị cho chuyến đi khám và viết xuống khoảng thời gian các triệu chứng xuất hiện và có các dấu hiệu gì.
  • Viết xuống các câu hỏi dành cho bác sĩ trước khi đi khám.
  • Đảm bảo là bạn cho bác sĩ biết hết các triệu chứng của bản thân.
  • Hãy cởi mở và thẳng thắn về các triệu chứng của bạn, kể cả khi bạn cảm thấy xấu hổ hoặc ngượng ngùng. Hãy nhớ rằng són phân là một vấn đề sức khỏe.
  • Hỏi bác sĩ nếu bạn không hiểu họ đang nói gì.
  • Cho bác sĩ biết nếu bạn lo lắng băn khoăn về việc điều trị.
  • Trao đổi với bác sĩ nếu bạn không hiểu hướng dẫn của họ.
  • Gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn chuyển nặng.

Khám sức khỏe trực tiếp

Bác sĩ sẽ khám trực tiếp, gồm:

  • Khám trực tràng bằng ngón tay
  • Khám vùng chậu – để xem các cơ quan sinh sản bên trong của phụ nữ có bình thường không thông qua cảm nhận hình dáng và kích cỡ của chúng

Bác sĩ dùng những xét nghiệm y tế nào để chẩn đoán đại tiện không tự chủ?

Xét nghiệm phòng thí nghiệm

Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều loại xét nghiệm phòng thí nghiệm dưới đây để tìm các dấu hiệu của những bệnh và tình trạng sức khỏe nhất định mà có thể đang là nguyên nhân khiến bạn bị són phân.

  • Xét nghiệm máu có thể cho thấy dấu hiệu thiếu máu, viêm và nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân có thể chỉ ra được sự hiện diện của máu và các dấu hiệu viêm nhiễm.
  • Xét nghiệm nước tiểu có thể cho biết các dấu hiệu của những bệnh như là tiểu đường loại 2.

Kiểm tra chức năng đại tiện

Bác sĩ có thể tiến hành một hoặc nhiều xét nghiệm kiểm tra dưới đây để xem khả năng hoạt động của các cơ và dây thần kinh trong hậu môn, sàn chậu và trực tràng:

  • Đo áp lực hậu môn trực tràng (anorectal manometry)—loại xét nghiệm kiểm tra mức độ nhạy cảm của trực tràng, khả năng hoạt động của trực tràng và khả năng hoạt động của cơ vòng (sphincters) hậu môn.
  • Chụp X quang trực tràng động (defecography)—chụp X quang (x-ray) vùng quanh hậu môn và hậu môn để đánh giá khả năng giữ và tống phân của bạn.
  •  Xét nghiệm điện cơ đồ (electromyography) – một loại xét nghiệm kiểm tra khả năng hoạt động của các cơ và dây thần kinh ở hậu môn và sàn chậu.

Nội soi

Bác sĩ có thể tiến hành nội soi để quan sát bên trong hậu môn, trực tràng và đại tràng của bạn nhằm tìm các dấu hiệu viêm và các vấn đề đường tiêu hóa mà có thể đang là nguyên nhân khiến bạn bị són phân. Các phương pháp nội soi chẩn đoán són phân gồm có:

  • Nội soi hậu môn
  • Nội soi đại tràng
  • Nội soi trực tràng sigma ống mềm
  • Nội soi trực tràng – phương pháp tương tự nội soi đại tràng để quan sát bên trong trực tràng

Kiểm tra vật lý chụp hình

Để tìm ra các vấn đề ở hậu môn, sàn chậu hoặc trực tràng mà có thể là đang là nguyên nhân khiến bạn bị són phân, bác sĩ tiến hành kiểm tra vật lý chụp hình như là:

  • Chụp X quang đường tiêu hóa dưới
  • Chụp cộng hưởng từ
  • Siêu âm

Điều trị

Bước đầu tiên trong quá trình điều trị tình trạng đại tiện không tự chủ của bạn là đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn biết nguyên nhân gây són phân và cách chữa trị những nguyên nhân đó. Các biện pháp điều trị đơn giản – chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc, tập đại tiện (bowel training) và tập thể dục để làm khỏe cơ sàn chậu – có thể cải thiện đến khoảng 60% các triệu chứng. Những biện pháp điều trị này có thể ngăn chặn tình trạng són phân ở 1 trong 5 người.

Bác sĩ có thể đề xuất các cách mà bạn có thể hỗ trợ kiểm soát và điều trị tình trạng són phân. Họ cũng có thể đề nghị với bạn những biện pháp giảm sự khó chịu ở hậu môn và giải quyết tình trạng đại tiện không tự chủ của bạn.

Bạn có thể đóng vai trò chủ động trong quá trình điều trị của mình bằng cách trao đổi thẳng thắn và cởi mở với bác sĩ về các triệu chứng của bản thân cũng như là các biện pháp điều trị đang dùng có tác dụng đến đâu.

Tôi có thể kiểm soát và điều trị đại tiện không tự chủ bằng cách nào?

Bạn có thể hỗ trợ kiểm soát và chữa trị tình trạng són phân bằng những cách sau.

Dùng các miếng thấm hút

Đặt các miếng thấm hút trong quần lót là cách điều trị thường được áp dụng nhiều nhất với tình trạng đại tiện không tự chủ. Với các hình thức đại tiện không tự chủ ở mức độ nhẹ – số lần són phân ít, lượng phân són ra không nhiều hay làm vấy bẩn quần lót – thì việc dùng các miếng thấm hút có thể khiến chất lượng cuộc sống của bạn khác đi nhiều. Có thể kết hợp sử dụng các miếng hút với những biện pháp điều trị khác.

Thay đổi chế độ ăn uống

Thay đổi những thứ bạn ăn có thể hỗ trợ ngăn ngừa hoặc làm thuyên giảm tình trạng đại tiện không tự chủ của bạn. Nếu tiêu chảy là vấn đề gây són phân, bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn nên tránh những đồ ăn thức uống khiến tình trạng tiêu chảy của bạn trở nên nặng hơn. Để biết được những loại đồ ăn thức uống nào khiến tình trạng són phân của bạn chuyển biến tích cực hoặc tiêu cực, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn ghi nhật ký ăn uống để theo dõi:

  • Những thứ bạn ăn mỗi ngày
  • Lượng thức ăn nhất định mà bạn ăn
  • Thời điểm bạn ăn
  • Những triệu chứng bạn có
  • Bạn đại tiện kiểu gì, ví dụ như tiêu chảy hay táo bón
  • Khi nào xuất hiện tình trạng són phân
  • Loại đồ ăn thức uống nào làm tình trạng són phân của bạn đỡ hơn hoặc nặng hơn

Mang nhật ký ăn uống của bạn đến cho bác sĩ xem để trao đổi về những loại đồ ăn thức uống ảnh hưởng đến tình trạng đại tiện không tự chủ của bạn.

Nếu táo bón hoặc trĩ là nguyên nhân khiến bạn bị són phân, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn nên ăn thêm chất xơuống thêm chất lỏng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng chất xơ và chất lỏng thích hợp với bạn.

Thuốc không kê đơn

Tùy thuộc vào nguyên nhân, các loại thuốc không kê đơn có thể giúp làm ngớt hoặc thuyên giảm đi tình trạng són phân của bạn. Nếu tiêu chảy là nguyên nhân, bác sĩ có thể sẽ đề nghị những loại thuốc như là loperamide (Imodium) và bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol, Kaopectate). Nếu táo bón là nguyên nhân, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sử dụng nhóm thuốc nhuận tràng (laxatives), thuốc làm mềm phân hoặc thuốc bổ sung chất xơ như là psyllium (Metamucil) hay methylcellulose (Citrucel).

Chú ý: bạn chỉ được sử dụng thuốc dưới sự cho phép của bác sĩ chuyên môn.

Tập đại tiện

Bác sĩ có thể đề nghị bạn nên tự tập đại tiện vào những thời điểm xác định trong ngày, chẳng hạn như sau các bữa ăn. Phát triển thói quen đại tiện đều đặn có thể mất nhiều tuần đến nhiều tháng mới cải thiện được tình trạng són phân.

Các bài tập cơ sàn chậu

Các bài tập cơ sàn chậu, còn có tên gọi là các bài tập Kegel, có thể cải thiện các triệu chứng són phân. Thít chặt và thả lỏng các cơ sàn chậu nhiều lần trong ngày có thể làm khỏe các cơ hậu môn sàn chậu, và trực tràng. Bác sĩ có thể giúp đảm bảo bạn đang tập đúng cách.

Bác sĩ điều trị đại tiện không tự chủ như thế nào?

Cách thức bác sĩ điều trị chứng đại tiện không tự chủ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng đó. Bác sĩ có thể sẽ đề xuất một hoặc nhiều biện pháp dưới đây:

Liệu pháp phản hồi sinh học

Liệu pháp phản hồi sinh học dùng các thiết bị giúp bạn học cách tập thể dục cường cơ sàn chậu. Liệu pháp này cũng có thể giúp bạn học cách:

  • Cảm nhận khi phân đang lấp đầy trực tràng nếu bạn đang bị són phân thụ động
  • Kiểm soát cảm giác cấp bách mãnh liệt muốn đại tiện nếu bạn bị són phân cấp kỳ

Liệu pháp phản hồi sinh học có thể sẽ hiệu quả hơn việc bạn tự tập các bài tập cơ sàn chậu. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng một máy hay thiết bị phản hồi sinh học.

Điện kích thần kinh đốt cùng

Dây thần kinh đốt cùng kiểm soát cơ vòng hậu môn, đại tràng và trực tràng. Bác sĩ dùng biện pháp kích thích thần kinh đốt cùng – một loại thủ pháp điện kích – khi các dây thần kinh không hoạt động bình thường. Với loại biện pháp điều trị này, bác sĩ đặt những dây điện mảnh dưới da gần dây thần kinh đốt cùng, ngay trên xương cụt. Một thiết bị chạy bằng pin truyền xung điện nhẹ qua dây điện dẫn tới các dây thần kinh đốt cùng.

Thủ pháp điện kích các dây thần kinh xương cùng có tác dụng giúp chúng hoạt động đúng cách. Xung điện không gây đau. Bạn có thể bật hay tắt thiết bị điện kích bất cứ lúc nào.

Thuốc bán theo đơn

Nếu những loại thuốc không kê đơn để điều trị chứng són phân của bạn không có tác dụng với các triệu chứng, bác sĩ có thể kê cho bạn những loại thuốc mạnh hơn. Những thuốc này có thể điều trị được nguyên nhân gây đại tiện không tự chủ, như là hội chứng ruột kích thích , bệnh Crohn và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis).

Đặt bóng âm đạo

Với phụ nữ bị són phân, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một thiết bị bơm hơi một quả bóng đặt trong âm đạo. Bóng này gây áp lực lên thành trực tràng thông qua thành âm đạo. Áp lực trên thành trực tràng ngăn không để phân đi qua trực tràng. Sau khi bác sĩ đảm bảo là thiết bị được lắp đặt vừa vặn bạn có thể bơm hơi hoặc rút hơi từ thiết bị theo nhu cầu chủ động đại tiện của bản thân.

Chất độn không tiêu

Các chất độn không tiêu là những chất được tiêm vào thành hậu môn để làm phồng các mô xung quanh hậu môn. Những mô đã phồng lên chiếm diện tích làm lối thông hậu môn của bạn trở nên hẹp hơn như vậy cơ vòng có thể đóng chặt hơn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể là một lựa chọn điều trị tình trạng đại tiện không tự chủ khi các biện pháp điều trị khác không có tác dụng hay khi nguyên nhân gây ra tình trạng són phân là do các tổn thương ở cơ sàn chậu hoặc cơ vòng hậu môn.

Phẫu thuật tạo hình cơ thắt. Phẫu thuật tạo hình cơ thắt – loại phẫu thuật điều trị són phân phổ biến nhất – nối lại những đầu bị giãn của cơ thắt hậu môn rách do sinh con hoặc do các tổn thương khác.

Cơ thắt hậu môn nhân tạo. Thủ thuật này gồm việc đặt một cái vòng quanh hậu môn và cấy ghép một cái bơm nhỏ vào dưới da để bạn có thể bơm hơi hoặc xì hơi trong cái vòng. Bơm hơi cái vòng có tác dụng kiểm soát được việc tống đẩy phân ra ngoài. Loại thủ thuật này không phải là biện pháp điều trị phổ biến vì nó có thể gây ra tác dụng phụ.

Thủ thuật mở thông ruột kết. Mở thông ruột kết (Colostomy) là biện pháp phẫu thuật trong đó ruột kết được đưa qua lối thông trong thành bụng, và phân được thu trong một cái túi bên ngoài bụng. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị làm loại phẫu thuật này như là giải pháp cuối cùng để điều trị đại tiện không tự chủ. Tuy nhiên, biện pháp này hiếm khi được sử dụng do hậu quả của nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Các loại phẫu thuật khác. Bác sĩ có thể tiến hành các loại phẫu thuật khác để điều trị nguyên nhân gây són phân, như là:

  • Trĩ
  • Sa trực tràng hậu môn
  • Sa trực tràng âm đạo

Tôi nên làm gì khi hậu môn có cảm giác khó chịu?

Đại tiện không tự chủ có thể làm hậu môn của bạn có cảm giác khó chịu, chẳng hạn như là hậu môn bị tấy, đau hoặc ngứa. Bạn có thể giúp giảm sự khó chịu đó bằng cách:

  • Rửa vùng hậu môn sau khi đại tiện
  • Thay quần dính phân càng sớm càng tốt
  • Giữ vùng hậu môn khô thoáng
  • Dùng kem dưỡng ẩm ở vùng quanh hậu môn
  • Dùng các loại bột phấn không chứa thuốc
  • Dùng các miếng lót làm từ vật liệu wicking (có khả năng thấm hút và thoát mồ hôi vượt trội) hay quần lót dùng một lần
  • Mặc quần áo và đồ lót thoáng khí

Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về loại kem giữ ẩm hoặc phấn bột nào thích hợp với bạn.

Làm sao để tôi giải quyết được tình trạng són phân?

Thực hiện những điều sau có thể giúp bạn khắc phục được tình trạng đại tiện không tự chủ:

  • Đi vệ sinh trước khi ra khỏi nhà
  • Mang theo túi có chứa các đồ dùng tẩy rửa và một bộ quần áo để thay khi ra khỏi nhà
  • Tìm nhà vệ sinh công cộng trước khi cần dùng
  • Mặc các miếng lót trong quần lót
  • Mặc quần lót dùng một lần
  • Dùng chất khử mùi phân – những viên thuốc có bán không cần đơn thuốc để làm giảm mùi phân và mùi rắm
  • Sử dụng các loại thuốc có bán không cần đơn để ngăn ngừa tiêu chảy trước khi ăn ở nhà hàng hay tại các buổi tụ tập

Với tư cách là một phần trong công cuộc khắc phục tình trạng đại tiện không tự chủ, bạn hãy nhớ rằng bị són phân:

  • Không có gì mà phải xấu hổ cả – nó đơn giản chỉ là một vấn đề sức khỏe
  • Thường có thể chữa trị được – có nhiều biện pháp điều trị thành công
  • Không phải lúc nào cũng là một điều bình thường trong quá trình lão hóa
  • Thường sẽ không tự hết – đa số mọi người cần được điều trị

Tôi nên làm gì khi con mình bị tiêu đùn?

Nếu con bạn bị tiêu đùn và bé trên 4 tuổi cũng như là đã tự biết đi vệ sinh, bạn nên cho bé đi khám để tìm nguyên nhân. Cách bác sĩ điều trị cho trẻ còn phụ thuộc vào nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tiêu đùn đó.

Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Làm sao để chế độ ăn uống có thể giúp tôi phòng tránh hoặc làm thuyên giảm chứng đại tiện không tự chủ?

Tùy thuộc vào nguyên nhân, thay đổi những thứ bạn ăn uống có thể hỗ trợ ngăn ngừa hoặc làm thuyên giảm tình trạng són phân.

Tôi nên ăn gì nếu bị đại tiện không tự chủ?

Bạn nên ăn uống đủ cân đối lành mạnh. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyến nghị cho bạn một kế hoạch ăn uống lành mạnh mà thích hợp với bạn.

Nếu nguyên nhân gây són phân là táo bón hay trĩ, thì việc ăn nhiều chất xơ và uống nhiều chất lỏng có thể cải thiện các triệu chứng của bạn. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng chất xơ và chất lỏng thích hợp với bạn.

Tôi nên tránh ăn gì nếu bị đại tiện không tự chủ?

Nếu bạn bị són phân do tiêu chảy, bạn nên tránh những thực phẩm làm chuyển biến xấu các triệu chứng, như là:

  • Đồ uống có cồn
  • Đồ ăn thức uống có chứa cafein
  • Chế phẩm từ sữa như là sữa tươi, phô mai và kem lạnh
  • Đồ ăn dầu mỡ và nhiều chất béo
  • Đồ ăn thức uống có chứa fructose
  • Trái cây như là táo, đào và lê
  • Đồ ăn cay
  • Sản phẩm, gồm kẹo và kẹo cao su, có chứa các chất tạo ngọt có đuôi là “–ol,” như là sorbitol, mannitol, xylitol, và maltitol

Duy trì ghi nhật ký ăn uống

Bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng có thể đề xuất bạn nên duy trì ghi nhật ký ăn uống, giúp bạn biết được những loại đồ ăn thức uống nào làm các triệu chứng của bạn đỡ hơn hoặc nặng lên. Sau vài ngày, nhật ký có thể chỉ ra được mối liên hệ giữa những loại đồ ăn thức uống nhất định với tình trạng đại tiện không tự chủ của bạn. Thay đổi đồ ăn thức uống mà có liên quan đến tình trạng són phân có thể cải thiện được các triệu chứng.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

0 thoughts on “Đại tiện không tự chủ (Són phân): Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị”

  1. Mình rất lo lắng khi mình căn bênh khó nói này . Mỗi khi mình đi đại tiện xong mình lại bị són ra quần . Mình cản thấy bất tiện khí chịu . Mong muốn dc tư vấn và điều trị

    Reply
  2. Con mình được 11 tuổi rồi cháu thường xuyên bị son phan ra quân hu cũng bị lại rồi mình cứ nghĩ là trẻ con thì nó vậy đến bây giờ thì thấy lo lắng bạn nào biết bệnh này nên khám ở bệnh viện nào ko ah

    Reply
  3. Con em dc 2tháng rưỡi rồi ạ, nhưng khi cháu được hơn 1tháng thì em thấy cháu thường són ít phân ở quần, có ngày 1lần có ngày nhiều lần. Cháu chỉ bú mẹ thôi em ăn uống cũng rất cẩn thận. Cháu thường ị 2_3lần một ngày. Em xin hỏi như vậy là con em có bị làm sao ko ạ.Em mong dc tư vấn ạ

    Reply
  4. bạn ơi, có thể chỉ cho mình chỗ cần đến để khám về bệnh này, hoặc chỗ mua thuốc cho bệnh này k?

    Reply
    • Bạn đến bệnh viện trung ương như Bạch Mai chẳng hạn. Mình không rành về bệnh viện lắm.

      Reply

Leave a Comment