Chứng khó tiêu, chậm tiêu: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Khó tiêu là tình trạng gì?

Khó tiêu, hay còn gọi là chậm tiêu hoặc bụng trên (vùng thượng vị) khó chịu, là một thuật ngữ chung mô tả tập hợp các triệu chứng diễn ra đồng thời ở dạ dày-ruột (gastrointestinal). Những triệu chứng này đa số thường là:

  • Đau, cảm giác bỏng rát hoặc khó chịu ở vùng bụng trên
  • Cảm thấy no quá nhanh khi đang ăn
  • Cảm thấy no một cách khó chịu sau khi ăn

Khó tiêu có thể:

  • Không diễn ra thường xuyên – thỉnh thoảng mới xuất hiện
  • Là mãn tính – xảy ra thường xuyên trong vài tuần hoặc vài tháng
  • Thuộc về chức năng — xuất hiện các triệu chứng mãn tính mà không có nguyên do cụ thể

Khó tiêu không phải là bệnh. Tuy nhiên, chứng này có thể là dấu hiệu của những tình trạng hoặc bệnh đường tiêu hóa nhất định. Chứng khó tiêu không phải lúc nào cũng liên quan đến chuyện ăn uống.

Đôi khi những bệnh đường tiêu hóa như là loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày (gastritis) và ung thư dạ dày (stomach cancer) gây ra chứng khó tiêu mãn tính. Tuy nhiên đa số trường hợp thường là bác sĩ không biết nguyên nhân gây ra khó tiêu mãn tính. Chứng khó tiêu mãn tính mà có các triệu chứng không phải do vấn đề sức khỏe hoặc bệnh về đường tiêu hóa gây ra thì gọi là khó tiêu chức năng (functional dyspepsia).

Mức độ phổ biến của chứng khó tiêu?

Khó tiêu là một tình trạng sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1 trong 4 người ở Mỹ mỗi năm.

Trong số những người bị khó tiêu đi khám bác sĩ, gần 3 trong 4 người đó được chẩn đoán bị chậm tiêu chức năng.

Đối tượng nào dễ bị khó tiêu?

Bạn dễ bị khó tiêu hơn nếu bạn:

  • Uống:
    • Quá nhiều đồ uống có cồn
    • Quá nhiều cà phê hoặc những loại đồ uống có chứa cafein
  • Ăn:
    • Quá nhanh hoặc quá nhiều trong bữa ăn
    • Những loại đồ ăn cay, béo hoặc nhiều dầu mỡ
    • Những loại thực phẩm có chứa nhiều axit như là cà chua, các sản phẩm từ cà chua và cam
  • Cảm thấy căng thẳng áp lực
  • Mắc những vấn đề sức khỏe hoặc các bệnh đường tiêu hóa nhất định
  • Hút thuốc
  • Sử dụng những loại thuốc nhất định

Khó tiêu có những biến chứng gì?

Trong đa số trường hợp, khó tiêu không gây ra biến chứng mặc dù nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Triệu chứng & Nguyên nhân

Khó tiêu có các triệu chứng gì?

Khi bị khó tiêu, có thể bạn sẽ gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

  • Đau đớn, cảm giác bỏng rát hoặc khó chịu ở bụng
  • Cảm thấy no quá nhanh trong khi đang ăn
  • Cảm thấy no một cách khó chịu sau khi ăn
  • Chướng bụng

Những triệu chứng khác có thể là:

  • Ợ lên thức ăn hoặc chất lỏng
  • Dạ dày kêu ùng ục hoặc phát ra tiếng sôi to
  • Buồn nôn
  • Xì hơi

Thỉnh thoảng khi bị khó tiêu, bạn cũng có thể bị ợ nóng (heartburn). Tuy nhiên, ợ nóng và chứng khó tiêu là hai tình trạng sức khỏe riêng biệt.

Đi khám ngay lập tức

Nếu bạn bị khó tiêu và gặp phải bất cứ triệu chứng nào dưới đây, bạn có thể mắc phải một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn và nên đi khám bác sĩ ngay lập tức:

  • Phân màu đen như nhựa đường
  • Nôn ra máu
  • Khó khăn hoặc đau đớn khi nuốt
  • Giảm cân không chủ đích
  • Đau vùng ngực, hàm, cổ hoặc cánh tay
  • Bụng đau liên tục và đau dữ dội
  • Thở ngắn
  • Chảy mồ hôi
  • Mắt hoặc da chuyển sang màu vàng

Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu chứng khó tiêu của bạn kéo dài hơn 2 tuần.

Nguyên nhân gây ra khó tiêu?

Một số nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu gồm có

  • Uống:
    • Quá nhiều đồ uống có cồn
    • Quá nhiều cà phê hoặc quá nhiều thức uống chứa cafein
    • Quá nhiều đồ uống có ga hay đồ uống sủi bọt
  • Ăn:
    • Quá nhanh hoặc quá nhiều trong bữa ăn
    • Những đồ ăn cay, béo hoặc nhiều dầu mỡ
    • Những thực phẩm chứa nhiều axit, như là cà chua, các sản phẩm từ cà chua hoặc cam
  • Cảm thấy căng thẳng áp lực
  • Hút thuốc

Một số loại thuốc có thể gây khó tiêu, chẳng hạn như:

  • Những loại thuốc kháng sinh nhất định—loại thuốc tiêu diệt vi khuẩn
  • Những loại thuốc chống viêm không steroid

Những vấn đề sức khỏe và các bệnh đường tiêu hóa có thể gây khó tiêu, bao gồm:

Các nhà nghiên cứu chưa biết nguyên nhân gây ra khó tiêu chức năng. Một số nghiên cứu đề xuất rằng những yếu tố dưới đây có thể góp phần là nguyên nhân:

  • Ăn uống
  • Liệt dạ dày
  • Các vấn đề xảy ra trong đoạn đầu của ruột non (đọc thêm bài hệ thống đường tiêu hóa), gồm tình trạng viêm hoặc bị mẫn cảm quá mức với axit dạ dày
  • Nhiễm trùng do các vi sinh vật như là H. pylori, Salmonella , Escherichia coli  (E. coli), Campylobacter \, giardia, hoặc norovirus
  • Các vấn đề tâm lý, đặc biệt là sự lo âu
  • Gien — đặc điểm di truyền từ cha mẹ sang con

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán khó tiêu bằng cách nào?

Bác sĩ chẩn đoán khó tiêu căn cứ trên bệnh sử của bạn, khám sức khỏe trực tiếp, nội soi đường tiêu hóa trên và các xét nghiệm khác.

Bệnh sử

Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Họ sẽ hỏi bạn về các thói quen ăn uống của bạn, các loại thuốc kê đơn và không kê đơn bạn đang sử dụng và bạn có hút thuốc không.

Khám sức khỏe trực tiếp

Trong khi khám, bác sĩ có thể:

  • Khám xem bạn có bị chướng bụng không
  • Nghe âm thanh vùng bụng bằng ống nghe
  • Gõ bụng để xem có mềm, có đau hoặc nổi cục không
  • Xem mắt hoặc da bạn có chuyển vàng không

Nội soi đường tiêu hóa trên

Bác sĩ có thể làm nội soi đường tiêu hóa trên cho bạn để chẩn đoán những tình trạng sức khỏe hoặc các loại bệnh có thể gây ra khó tiêu, chẳng hạn như:

  • Viêm dạ dày
  • Loét dạ dày
  • Ung thư dạ dày

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị làm nội soi đường tiêu hóa trên cho những đối tượng bị khó tiêu trên 55 tuổi hoặc những người bị khó tiêu ở mọi lứa tuổi mà:

  • Có tiền sử bệnh gia đình bị ung thư
  • Khó khăn khi nuốt
  • Có bằng chứng cho thấy đường tiêu hóa chảy máu
  • Nôn mửa liên tục
  • Sút cân

Trong khi nội soi đường tiêu hóa trên, bác sĩ có thể dùng những dụng cụ mini chuyển qua máy nội soi để lấy những mẩu mô nhỏ từ niêm mạc dạ dày và tá tràng của bạn. Phương pháp này gọi là xét nghiệm sinh thiết đường tiêu hóa trên. Bác sĩ sẽ xét nghiệm những mẫu mô đó để tìm ra các vấn đề hoặc các bệnh đường tiêu hóa, gồm cả nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori).

Các xét nghiệm khác

Xét nghiệm vật lý chụp hình (Imaging tests). Bác sĩ có thể sẽ làm các xét nghiệm vật lý chụp hình như là chụp X quang (x-rays), chụp cắt lớp vi tính (CT scans) hoặc siêu âm (ultrasound) để tìm ra các bệnh hoặc các vấn đề diễn ra trong đường tiêu hóa mà có thể là nguyên nhân khiến bạn bị khó tiêu.

Xét nghiệm khuẩn H. pylori. Bác sĩ có thể phát hiện được tình trạng nhiễm khuẩn H. pylori bằng các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm hơi thở hoặc qua xét nghiệm sinh thiết đường tiêu hóa trên.

Xét nghiệm máu. Chuyên gia y tế có thể sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi mẫu đó đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm tìm các dấu hiệu nhiễm khuẩn H. pylori.

Xét nghiệm phân. Bác sĩ có thể cho bạn làm xét nghiệm phân để tìm các dấu hiệu nhiễm khuẩn H. pylori. Bác sĩ cũng có thể dùng xét nghiệm phân để xem liệu biện pháp điều trị đã có tác dụng loại bỏ khuẩn H. pylori chưa.

Xét nghiệm ure trong hơi thở (Urea breath test). Bác sĩ có thể dùng xét nghiệm ure trong hơi thở để tìm ra tình trạng nhiễm khuẩn H. pylori . Bạn sẽ nuốt một viên con nhộng, uống một chất lỏng hoặc ăn một cái bánh pudding có chứa ure— một sản phẩm chất thải do cơ thể sản sinh ra khi phân giải đạm (protein). Chất ure này được “gắn nhãn” bằng một nguyên tử cacbon đặc biệt. Nếu H. pylori xuất hiện, nó sẽ biến chất ure đó thành CO2. Sau vài phút, bạn sẽ thở vào một ống đựng, thở ra khí CO2. Chuyên gia y tế sẽ xét nghiệm hơi thở ra của bạn xem có chất CO2 được gắn nhãn không. Nếu xét nghiệm phát hiện ra nguyên tử cacbon được gắn nhãn, chuyên gia y tế sẽ xác nhận đường tiêu hóa của bạn bị nhiễm khuẩn H. pylori. Bác sĩ cũng có thể dùng xét nghiệm này để xem liệu biện pháp điều trị đã có tác dụng loại bỏ khuẩn H. pylori chưa.

Điều trị

Bác sĩ điều trị khó tiêu bằng cách nào?

Điều trị khó tiêu tùy thuộc và nguyên nhân gây ra chứng này và có thể gồm:

  • Sử dụng các loại thuốc kê đơn và không kê đơn
  • Thay đổi những đồ bạn thường ăn uống
  • Các liệu pháp tâm lý

Thuốc kê đơn và không kê đơn

Lưu ý: Sử dụng bất cứ loại thuốc nào đều phải được sự đồng ý của các bác sĩ. Tự ý sử dụng thuốc có thể làm vấn đề của bạn trầm trọng thêm – chú thích của biên tập viên.

Bạn có thể mua nhiều thuốc để trị khó tiêu mà không cần đơn, chẳng hạn như thuốc kháng axit, thuốc ức chế H2, hoặc thuốc ức chế bơm proton. Tuy nhiên, nếu bạn bị khó tiêu kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc ức chế axit mạnh hơn những loại thuốc bạn có thể mua, thuốc kháng sinh, thuốc hỗ trợ nhu động hoặc các loại thuốc điều trị tâm lý.

Thuốc kháng axit (Antacids). Bác sĩ trước tiên thường đề nghị bạn dùng thuốc kháng axit – loại thuốc không kê đơn dùng để trung hòa axit dạ dày. Các thuốc kháng axit gồm có  :

  • Canxi cacbonat calcium carbonate (Rolaids, Tums)
  • Thuốc trị tiêu chảy loperamide  (Imodium)
  • Thuốc trị đầy hơi simethicone  (Maalox, Mylanta)
  • Thuốc chống axit và kiềm hóa sodium bicarbonate  (Alka-Seltzer)

Kháng sinh (Antibiotics). Để điều trị nhiễm trùng khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh—loại thuốc tiêu diệt vi khuẩn. Họ sẽ kê ít nhất 2 loại trong số những loại sau:

  • amoxicillin (Amoxil)
  • clarithromycin (Biaxin)
  • metronidazole (Flagyl)
  • tetracycline (Sumycin)
  • tinidazole (Tindamax)

Thuốc ức chế H2 (H2blockers). Thuốc ức chế H2 là loại thuốc làm giảm lượng axit dạ dày tạo ra. Thuốc ức chế H2 có tác dụng ngắn hạn theo nhu cầu của nhiều người bị khó tiêu. Bạn có thể mua thuốc ức chế H2 hoặc bác sĩ có thể kê đơn cho bạn. Các thuốc ức chế H2 bao gồm:

  • cimetidine (Tagamet HB)
  • famotidine (Pepcid AC)
  • nizatidine (Axid AR)
  • ranitidine (Zantac 75)

Thuốc ức chế bơm proton (Proton pump inhibitors/PPIs). Các thuốc ức chế bơm proton có hiệu quả nhất trong việc điều trị khó tiêu nếu bạn cũng bị ợ nóng. Bạn có thể mua một số loại thuốc này hoặc bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho bạn. Các thuốc PPI bao gồm:

  • esomeprazole (Nexium)
  • lansoprazole (Prevacid)
  • omeprazole (Prilosec, Zegerid)
  • pantoprazole (Protonix)
  • rabeprazole (AcipHex)

Thuốc hỗ trợ nhu động (Prokinetics). Thuốc hỗ trợ nhu động giúp dạ dày bạn hoạt động nhanh hơn. Những loại thuốc hỗ trợ nhu động kê đơn gồm có:

  • bethanechol (Urecholine)
  • metoclopramide (Reglan)

Thay đổi đồ ăn thức uống bạn thường sử dụng

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn tránh ăn uống những loại đồ ăn thức uống nhất định mà có thể gây ra khó tiêu hoặc làm các triệu chứng của bạn nặng hơn, chẳng hạn như là:

  • Các đồ uống có cồn
  • Các đồ uống có ga, hoặc sủi bọt
  • Những đồ ăn hoặc thức uống có chứa cafein
  • Những thực phẩm chứa nhiều axit như là cà chua, các sản phẩm từ cà chua và cam
  • Đồ ăn cay, béo hoặc nhiều dầu mỡ

Liệu pháp tâm lý

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị dùng một loại liệu pháp tâm lý tên là “’liệu pháp tâm sự” (talk therapy) để giúp chữa trị những lo âu và trầm cảm mà có thể là nguyên nhân khiến bạn bị khó tiêu. Nếu căng thẳng áp lực là nguyên nhân gây ra khó tiêu, bác sĩ có thể sẽ đề xuất những cách giúp bạn giảm căng thẳng, như là thiền, các bài tập thả lỏng thư giãn, hoặc tư vấn. Liệu pháp tâm sự cũng có thể giúp bạn học cách giảm căng thẳng áp lực.

Tôi có thể làm gì để phòng tránh khó tiêu?

Bên cạnh việc thay đổi những đồ bạn thường ăn uống, bạn có thể hỗ trợ phòng tránh khó tiêu bằng cách thay đổi lối sống chẳng hạn như:

  • Tránh tập thể dục ngay sau khi ăn
  • Nhai thức ăn kỹ và cẩn thận
  • Giảm cân
  • Không ăn vặt khuya muộn
  • Không sử dụng nhiều thuốc chống viêm không steroid
  • Bỏ hút thuốc
  • Cố gắng giảm căng thẳng áp lực trong cuộc sống
  • Sau khi ăn 2 đến 3 tiếng mới nên nằm xuống

Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Chế độ ăn uống có thể giúp tôi phòng tránh khó tiêu như thế nào?

Bạn có thể phòng tránh khó tiêu bằng cách thay đổi đồ ăn thức uống của bạn. Có thể bạn sẽ cần tránh ăn những loại đồ ăn thức uống gây khó tiêu.

Tôi nên tránh những loại đồ ăn thức uống nào nếu bị khó tiêu?

Nếu bị khó tiêu, bạn nên tránh những loại đồ ăn thức uống có thể khiến các triệu chứng của bạn trở nặng hơn, chẳng hạn như:

  • Các đồ uống có cồn
  • Các đồ uống có ga, hoặc sủi bọt
  • Những đồ ăn hoặc thức uống có chứa cafein
  • Những thực phẩm chứa nhiều axit như là cà chua, các sản phẩm từ cà chua và cam
  • Đồ ăn cay, béo hoặc nhiều dầu mỡ

Tôi có thể ăn được những gì nếu bị khó tiêu?

Bạn nên ăn uống cân đối lành mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể cải thiện sức khỏe toàn diện của bạn, hỗ trợ giải quyết những tình trạng hoặc bệnh nhất định cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment