Bệnh trĩ là gì?
Trĩ, hay còn gọi là búi trĩ, là những đám rối tĩnh mạch bị viêm và sưng phồng xung quanh vùng hậu môn hoặc ở phần dưới trực tràng.
Hai loại trĩ là:
- Trĩ ngoại (external hemorrhoids) hình thành ở dưới vùng da quanh hậu môn
- Trĩ nội (internal hemorrhoids) hình thành ở niêm mạc hậu môn và phần dưới trực tràng
Mức độ phổ biến của bệnh trĩ?
Bệnh trĩ phổ biến ở cả nam giới và nữ giới và cứ 20 người Mỹ thì khoảng 1 người bị ảnh hưởng bởi bệnh này. Khoảng một nửa số người trưởng thành trên 50 tuổi mắc bệnh trĩ.
Ai có khả năng mắc bệnh trĩ?
Bạn có nhiều khả năng bị trĩ hơn nếu bạn
- Rặn trong khi đại tiện
- Ngồi bồn cầu trong khoảng thời gian dài
- Bị táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính
- Ăn những thực phẩm ít chất xơ
- Trên 50 tuổi
- Đang có thai
- Thường xuyên khuân vác đồ vật nặng
Biến chứng của bệnh trĩ là gì?
Những biến chứng của bệnh trĩ có thể bao gồm:
- Những khối máu đông (blood clots) trong búi trĩ ngoại
- Da thừa hậu môn (skin tag) – khi một cục máu đông trong một búi trĩ ngoại vỡ để sót lại da thừa
- Chỗ trĩ ngoại bị lở loét
- Trĩ nghẹt – khi các cơ quanh hậu môn ngăn máu cung cấp cho một búi trĩ nội bị sa ra ngoài hậu môn
- Thiếu máu
Triệu chứng và nguyên nhân
Triệu chứng của bệnh trĩ là gì?
Triệu chứng của bệnh trĩ tùy thuộc vào loại trĩ bạn mắc phải.
Nếu bạn bị trĩ ngoại (external hemorrhoids), có thể bạn sẽ:
- Bị ngứa hậu môn
- Xuất hiện một hoặc nhiều cục (lump) cứng, mềm gần hậu môn
- Đau rát hậu môn, đặc biệt khi ngồi
Rặn, cọ xát hoặc rửa quá nhiều quanh hậu môn có thể làm những triệu chứng này nặng hơn. Với nhiều người, các triệu chứng trĩ ngoại biến mất trong vòng vài ngày.
Nếu bạn bị trĩ nội (internal hemorrhoids), có thể bạn sẽ:
- Chảy máu trực tràng –– máu nhạt dính trên phân, trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu sau khi đi đại tiện
- Một búi trĩ rơi ra ngoài hậu môn thì gọi là sa búi trĩ
Những búi trĩ nội không rơi ra ngoài hậu môn phần lớn thường không đau. Những búi trĩ nội sa ngoài hậu môn thường gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh.
Mặc dù trĩ là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các triệu chứng ở hậu môn, nhưng không phải triệu chứng hậu môn nào cũng có nguyên nhân do búi trĩ. Một số triệu chứng bệnh trĩ tương tự với các vấn đề về đường tiêu hóa khác. Ví dụ như, chảy máu trực tràng có thể là một dấu hiệu của các bệnh về ruột như là bệnh Crohn, viêm loét đại tràng (ulcerative colitis) hoặc ung thư ruột kết hay ung thư trực tràng.
Khi nào tôi nên đến khám bác sĩ?
Bạn nên khám bác sĩ nếu:
- Vẫn còn các triệu chứng sau khi đã điều trị tại nhà (at-home treatment) trong một tuần
- Bị chảy máu trực tràng
Nguyên nhân gây ra trĩ?
Nguyên nhân gây ra các búi trĩ là do:
- Rặn khi đi đại tiện
- Ngồi bồn cầu trong thời gian dài
- Táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính
- Chế độ ăn uống ít chất xơ
- Các mô đỡ ở hậu môn và trực tràng bị suy yếu theo quá trình lão hóa
- Mang thai
- Thường xuyên nâng vác đồ vật nặng
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh trĩ bằng cách nào?
Bác sĩ có thể thường xuyên chẩn đoán được bệnh trĩ dựa trên tiền sử bệnh của bạn và khám trực tiếp. Bác sĩ có thể chẩn đoán trĩ ngoại bằng cách kiểm tra vùng quanh hậu môn. Để chẩn đoán được trĩ nội, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám trực tràng bằng ngón tay và có thể thực hiện vài phương pháp để khám bên trong hậu môn và trực tràng của bạn.
Tiền sử bệnh
Bác sẽ sẽ yêu cầu bạn cung cấp tiền sử bệnh của bản thân cũng như miêu tả các triệu chứng của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các thói quen ăn uống, thói quen đi vệ sinh, dùng thuốc xổ (enema) và thuốc nhuận tràng (laxative) và các bệnh hiện bạn đang mắc phải.
Khám trực tiếp
Bác sĩ sẽ khám vùng quanh hậu môn để kiểm tra xem có:
- Nổi cục (lump) hoặc sưng tấy không
- Búi trĩ nội rơi ra ngoài hậu môn gọi là sa trĩ
- Búi trĩ ngoại bị có khối máu đông trong tĩnh mạch
- Són phân (stool) hoặc chất nhầy (mucus)
- Kích ứng da
- Da thừa hậu môn – khi khối máu đông trong búi trĩ ngoại bị vỡ để lại da thừa
- Nứt hậu môn (anal fissures) — một vết nứt nhỏ ở hậu môn có thể gây ngứa ngáy, đau đớn hoặc chảy máu
Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám trực tràng bằng ngón tay để:
- Kiểm tra sự rắn chắc của các cơ trong hậu môn
- Kiểm tra độ mềm, kiểm tra xem có máu, có búi trĩ nội, và có nổi các cục (lumps) hoặc các khối (masses) không
Các phương pháp chẩn đoán
Bác sĩ có thể sẽ làm theo các phương pháp dưới đây để chẩn đoán trĩ nội:
- Nội soi. Để nội soi, bác sĩ dùng một máy nội soi (anoscope) để xem niêm mạc hậu môn và phần dưới trực tràng. Bác sĩ sẽ cẩn thận khám các mô niêm mạc hậu môn và phần dưới trực tràng để tìm các dấu hiệu của các vấn đề ở đường tiêu hóa dưới và bệnh về ruột. Bác sĩ thực hiện nội soi khi bạn đến khám tại phòng khám hoặc ở một trung tâm ngoại trú. Hầu hết bệnh nhân không cần gây tê.
- Nội soi trực-kết tràng ống cứng. Nội soi trực tràng cũng giống với nội soi, ngoại trừ việc bác sĩ dùng một dụng cụ gọi là ống soi trực tràng để xem niêm mạc hậu môn và phần dưới ruột kết. Bác sĩ sẽ cẩn thận khám các mô niêm mạc trực tràng và vùng dưới ruột kết để tìm các dấu hiệu của các vấn đề ở đường tiêu hóa dưới và bệnh về ruột. Bác sĩ thực hiện nội soi khi bạn đến khám tại phòng khám hoặc ở một trung tâm ngoại trú. Hầu hết bệnh nhân không cần gây tê.
Bác sĩ có thể sẽ chẩn đoán trĩ nội trong khi thực hiện các phương pháp khám các bệnh về đường tiêu hóa khác hoặc các lần khám định kỳ trực tràng và ruột kết. Những phương pháp này bao gồm nội soi ruột kết (colonoscopy), nội soi trực tràng ống mềm (flexible sigmoidoscopy).
Điều trị
Tôi có thể điều trị bệnh trĩ bằng cách nào?
Phần lớn bệnh trĩ thường có thể được điều trị ở nhà bằng cách:
- Ăn các thực phẩm chứa nhiều chất xơ
- Sử dụng thuốc làm mềm phân hoặc thuốc bổ sung chất xơ như là psyllium (Metamucil) hoặc methylcellulose (Citrucel)*
- Uống nước hoặc các loại chất lỏng khác không chứa cồn mỗi ngày theo như chuyên gia chăm sóc khuyến nghị
- Không rặn khi đi đại tiện
- Không ngồi bồn cầu trong thời gian dài
- Uống các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như là acetaminophen, ibuprofen, naproxen, hoặc aspirin*
- Ngồi trong bồn tắm nước ấm, còn gọi là sitz bath, vài lần một ngày để giúp giảm đau
*Lưu ý: trong bất cứ nội dung nào nói đến việc dùng thuốc bạn cần có sự chấp thuận của bác sĩ, chú thích của biên tập viên.
Bôi các loại kem hoặc thuốc mỡ không kê đơn dùng để điều trị bệnh trĩ hoặc dùng thuốc hình viên đạn (suppositories) – một loại thuốc dùng để nhét vào trực tràng – có thể giảm đau nhẹ, giảm sưng phù và ngứa ngáy do trĩ ngoại gây ra. Đa số thì, bác sĩ khuyến cáo sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn trong 1 tuần. Bạn nên tái khám bác sĩ nếu các dược phẩm đó:
- Không làm giảm triệu chứng sau một tuần
- Gây ra tác dụng phụ như là khô da quanh hậu môn hoặc phát ban nổi mẩn
Phần lớn các búi trĩ nội sa ngoài hậu môn (prolapsed internal hemorrhoids) biến mất mà không cần điều trị tại nhà. Tuy nhiên, những trường hợp trĩ nội chảy máu hoặc sa mạnh có thể sẽ cần điều trị bằng thuốc.
Bác sĩ điều trị bệnh trĩ như thế nào?
Bác sĩ điều trị bệnh trĩ bằng các thủ thuật tại phòng khám hoặc trong trung tâm khám ngoại trú hoặc ở bệnh viện.
Điều trị tại phòng khám gồm có các bước sau:
- Thắt búi trĩ bằng vòng cao su (Rubber band ligation). Thắt búi trĩ bằng vòng cao su là phương pháp được bác sĩ dùng để điều trị trĩ nội sa ngoài hậu môn hoặc trĩ nội chảy máu. Bác sĩ đặt một cái vòng cao su đặc biệt quanh gốc búi trĩ. Vòng này ngăn máu đi tới búi trĩ. Phần trĩ bị thắt teo lại và rụng xuống, đa số thường rụng trong vòng một tuần. Mô sẹo hình thành trong phần còn lại của búi trĩ, thường làm teo búi trĩ. Chỉ bác sĩ mới được phép thực hiện thủ thuật này – không bao giờ được phép tự làm. .
- Liệu pháp chích gây xơ cứng (Sclerotherap). Bác sĩ tiêm một loại dung dịch hóa chất vào trong búi trĩ nội, dung dịch này này làm hình thành mô sẹo. Mô sẹo ngăn máu đi tới búi trĩ, thường làm teo đi búi trĩ.
- Quang điện tia hồng ngoại (Infrared photocoagulation). Bác sĩ dùng một công cụ chiếu ánh sáng hồng ngoại vào một búi trĩ nội. Nhiệt do ánh sáng hồng ngoại tạo ra làm hình thành mô sẹo, ngăn máu đi tới búi trĩ và thường sẽ làm teo đi búi trĩ.
- Điện đông (Electrocoagulation). Bác sĩ dùng một dụng cụ bắn dòng điện vào trong búi trĩ nội. Dòng điện làm hình thành mô sẹo, ngăn máu đi tới búi trĩ và thường sẽ làm teo đi búi trĩ.
Điều trị tại trung tâm ngoại trú hoặc bệnh viện bao gồm:
- Thủ thuật cắt trĩ (Hemorrhoidectomy). Bác sĩ, thường là bác sĩ phẫu thuật, có thể thực hiện thủ thuật cắt trĩ để loại bỏ những búi trĩ ngoại cỡ lớn và các búi trĩ nội sa ngoài khi các biện pháp điều trị khác không có tác dụng. Bác sĩ sẽ gây mê cho bạn khi điều trị bằng phương pháp này.
- Hemorrhoid stapling. Bác sĩ, thường là bác sĩ phẫu thuật, có thể dùng một công cụ stapling để loại bỏ mô trĩ nội và kéo trĩ nội sa ngoài về lại trong hậu môn. Bạn sẽ được gây mê khi điều trị bằng cách này.
Đôi khi cũng cần điều trị các biến chứng bệnh trĩ.
[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]
Đi khám ngay lập tức
Bạn nên đi khám ngay lập tức nếu bạn cực kỳ đau rát hậu môn và chảy máu trực tràng, đặc biệt khó chịu hoặc đau đớn vùng bụng, bị tiêu chảy hoặc sốt.
[/dropshadowbox]
Tôi có thể phòng bệnh trĩ bằng cách nào?
Bạn có thể phòng bệnh trĩ bằng cách
- Ăn những thực phẩm nhiều chất xơ
- Uống nước hoặc các chất lỏng khác không chứa cồn mỗi ngày theo khuyến nghị của chuyên gia chăm sóc sức khỏe
- Không rặn khi đại tiện
- Không ngồi bồn cầu trong thời gian dài
- Tránh thường xuyên nâng vác nặng
Thói quen ăn uống, chế độ ăn kiêng và dinh dưỡng
Tôi nên ăn gì nếu bị trĩ?
Bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo bạn ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ hơn. Ăn những thực phẩm nhiều chất xơ có thể làm phân mềm hơn và dễ bị đẩy ra khỏi cơ thể hơn và có thể hỗ trợ điều trị và phòng chống bệnh trĩ. Uống nước và các loại chất lỏng khác như là nước ép hoa quả và các món súp loãng, có thể giúp chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn có tác dụng hơn. Tư vấn với bác sĩ về lượng chất lỏng bạn nên uống mỗi ngày dựa trên sức khỏe và mức độ hoạt động cũng như nơi bạn ở.
Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ giai đoạn 2015-2020 (2015-2020 Dietary Guidelines for Americans) khuyến cáo nên hấp thu từ chế độ ăn uống 14g chất xơ trên 1.000 calo nạp vào cơ thể. Ví dụ như, với một chế độ ăn uống nạp 2.000 calo vào cơ thể, lượng chất xơ khuyến cáo là 28g một ngày.
Lượng chất xơ có trong một loại thực phẩm được liệt kê trên nhãn thông tin dinh dưỡng của thực phẩm. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ được liệt kê trong bảng dưới đây.
Thực phẩm giàu chất xơ | |
---|---|
Thực phẩm và lượng khẩu phần | Lượng chất xơ |
Hạt ngũ cốc | |
⅓‒¾ cup(*) cám nhiều xơ, ngũ cốc dạng ăn sẵn | 9,1–14,3 g |
1‒1¼ cup vụn lúa mỳ, ngũ cốc ăn sẵn | 5,0–9,0 g |
1½ cup mỳ spaghetti nguyên cám, nấu chín | 3,2 g |
1 bánh muffin cám yến mạch cỡ nhỏ | 3,0 g |
Trái cây | |
1 quả lê cỡ vừa, ăn cả vỏ | 5,5 g |
1 quả táo cỡ vừa, ăn cả vỏ | 4,4 g |
½ cup quả mâm xôi | 4,0 g |
½ cup quả mận hầm | 3,8 g |
Rau củ | |
½ cup đậu Hà Lan xanh, nấu chín | 3,5–4,4 g |
½ cup rau củ hỗn hợp, nấu chín từ rau củ đông lạnh | 4,0 g |
½ cup cải rổ, nấu chín | 3,8 g |
1 củ khoai lang cỡ vừa, nướng cả vỏ | 3,8 g |
1 củ khoai tây cỡ vừa, nướng cả vỏ | 3,6 g |
½ cup bí mùa đông, nấu chín | 2,9 g |
Đậu hạt | |
½ cup đậu thận trắng (navy beans), nấu chín | 9,6 g |
½ cup đậu pinto, nấu chín | 7,7 g |
½ cup đậu tây (kidney beans), nấu chín | 5,7 g |
Nguồn: Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ (U.S. Department of Health and Human Services) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture). Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ 2015-2020 (2015-2020 Dietary Guidelines for Americans). Ấn bản lần thứ 8. Tháng 12 năm 2015. Xem thêm tại www.health.gov .
(*): cup là đơn vị dung tích thường dùng trong ăn uống tại Hoa Kỳ, 1 cup xấp xỉ 240ml.
Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn tìm hiểu cách bổ sung những thực phẩm nhiều chất xơ vào trong chế độ ăn uống của bạn.
Tôi nên tránh ăn gì nếu bị trĩ?
Nếu bạn bị trĩ do táo bón mãn tính, cố không nên ăn quá nhiều những thực phẩm không có hoặc có ít chất xơ như là
- Phô mai
- Khoai tây chiên
- Đồ ăn nhanh
- Kem
- Thịt
- Các loại thực phẩm sơ chế sẵn như là một số loại thực phẩm đông lạnh và đồ ăn vặt
- Các loại thực phẩm chế biến sẵn như là bánh mỳ kẹp xúc xích hot dogs và một số món ăn tối làm sẵn chỉ cần hâm nóng bằng lò vi sóng là ăn được.
(Theo Viện quốc gia về bệnh tiểu đường và tiêu hóa và bệnh thận, NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)