Bệnh Crohn: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Bệnh Crohn là bệnh gì?

Bệnh Crohn là một căn bệnh mạn tính gây ra tình trạng viêm và kích thích trong đường tiêu hóa của bạn. Thường thấy nhất là bệnh này ảnh hưởng đến ruột non và đoạn đầu ruột già. Tuy nhiên, bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào trong đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Tìm hiểu thêm về hệ tiêu hóa và cơ chế hoạt động của nó ở đây.

Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease/IBD). Viêm loét đại tràng (ulcerative colitis) và viêm đại tràng vi thể (microscopic colitis) là những loại viêm ruột phổ biến.

Bệnh Crohn đa phần thường bắt đầu từ từ và dần dần chuyển biến nặng hơn. Bạn có thể sẽ có những đoạn thời gian bệnh thuyên giảm trong nhiều tuần hoặc nhiều năm.

Mức độ phổ biến của bệnh Crohn?

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có hơn một nửa triệu người ở Mỹ mắc bệnh Crohn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, theo thời gian bệnh Crohn đã trở nên phổ biến hơn ở Mỹ và những khu vực khác trên thế giới. Các chuyên gia không biết nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc bệnh này.

Đối tượng nào dễ mắc bệnh Crohn?

Bệnh Crohn có thể phát sinh ở đối tượng thuộc bất cứ lứa tuổi nào và dễ thấy hơn ở những người

  • Tuổi từ 20 đến 29
  • Có thành viên gia đình, đa số thường là anh chị em ruột hoặc bố mẹ, mắc bệnh viêm ruột (IBD)
  • Hút thuốc lá

Bệnh Crohn có những biến chứng gì?

Các biến chứng của bệnh Crohn có thể bao gồm:

  • Tắc ruột. Bệnh Crohn có thể làm dày thành ruột. Dần dần, đoạn ruột có thành bị dày lên có khả năng bị co hẹp lại, chặn nghẽn ruột của bạn. Tắc ruột cục bộ hay tắc ruột toàn phần, còn gọi là chặn nghẽn ruột (bowel blockage), có thể chặn sự di chuyển của thức ăn hoặc phân đi qua ruột của bạn.
  • Đường rò. Trong bệnh Crohn, tình trạng viêm có thể đi theo thành ruột và tạo ra những đường dẫn, hay đường rò (fistula). Đường rò là những những lối thông bất thường giữa hai cơ quan, hoặc giữa một cơ quan với bên ngoài cơ thể. Đường rò có thể bị nhiễm trùng.
  • Áp xe. Tình trạng viêm lan xuyên qua thành ruột có thể gây ra áp-xe. Áp-xe là những ổ nhiễm trùng đầy mủ, sưng phù và đau đớn.
  • Nứt hậu môn. Nứt hậu môn là những vết rách ở hậu môn gây ngứa ngáy, đau đớn hoặc chảy máu.
  • Vết loét. Tình trạng viêm xảy ra ở bất cứ đoạn nào dọc đường tiêu hóa đều có thể dẫn đến lở loét hoặc các vết thương hở trong miệng, ruột, hậu môn hoặc đáy chậu (perineum).
  • Kém dinh dưỡng. Tình trạng kém dinh dưỡng xảy ra khi cơ thể không hấp thu đủ lượng vitamin, khoáng chất và dưỡng chất cần thiết để bảo vệ các mô khỏe mạnh cũng như duy trì chức năng của cơ quan.
  • Viêm ở những khu vực khác của cơ thể. Các khớp, mắt và da của bạn cũng có thể bị viêm.

Những người bị bệnh Crohn còn có những vấn đề sức khỏe khác nào?

Nếu bị bệnh Crohn ở ruột già, bạn có thể dễ phát triển thành bệnh ung thư kết tràng (colon cancer). Nếu bạn đang điều trị bệnh Crohn và duy trì ở tình trạng bệnh thuyên giảm, có thể nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư ruột kết sẽ giảm.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về tần suất bạn nên đi sàng lọc bệnh ung thư ruột kết. Sàng lọc là xét nghiệm tầm soát bệnh khi bạn chưa có các triệu chứng. Sàng lọc ung thư ruột kết có thể bao gồm nội soi ruột kết (colonoscopy) kèm xét nghiệm sinh thiết (biopsies). Mặc dù sàng lọc không giảm nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư ruột kết, nhưng nó có thể giúp phát hiện ung thư giai đoạn đầu và làm tăng khả năng chữa trị ung thư.

Triệu chứng & Nguyên nhân

Bệnh Crohn có những triệu chứng gì?

Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Crohn là:

Các triệu chứng khác gồm:

  • Thiếu máu
  • Mắt đỏ hoặc đau mắt
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau hoặc nhức khớp
  • Buồn nôn hoặc mất khẩu vị
  • Xuất hiện những thay đổi ở da bao gồm nổi những cục u mềm màu đỏ dưới lớp da

Triệu chứng của bạn có thể thay đổi tùy theo vị trí và mức độ viêm.

Một số nghiên cứu đề xuất rằng căng thẳng, gồm áp lực khi phải sống chung với bệnh Crohn có thể làm các triệu chứng chuyển biến xấu hơn. Tương tự, một số người nhận thấy rằng những loại thực phẩm nhất định có thể kích phát các triệu chứng hoặc khiến chúng chuyển biến xấu hơn.

Nguyên nhân gây ra bệnh Crohn?

Bác sĩ chưa chắc chắn về nguyên nhân nào gây ra bệnh Crohn. Các chuyên gia cho rằng những yếu tố dưới đây có thể góp phần gây ra bệnh Crohn.

Phản ứng miễn dịch tự động

Một nguyên nhân gây ra bệnh Crohn có thể là do phản ứng miễn dịch tự động – khi hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể bạn. Các chuyên gia cho rằng vi khuẩn trong đường tiêu hóa có thể kích hoạt hệ miễn dịch. Phản ứng này của hệ miễn dịch gây ra tình trạng viêm, làm xuất hiện các triệu chứng của bệnh Crohn.

Gien

Bệnh Crohn đôi khi di truyền trong gia đình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn có bố mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh Crohn, bạn có thể sẽ dễ mắc bệnh này hơn. Các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu mỗi liên hệ giữa gien (genes) và bệnh Crohn.

Các yếu tố khác

Một số nghiên cứu đề xuất những yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn:

  • Hút thuốc có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh Crohn.
  • Dùng các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như là aspirin hoặc ibuprofen, kháng sinh (antibiotics) và thuốc tránh thai (birth-control pills) có khả năng làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh Crohn.
  • Chế độ ăn uống nhiều chất béo cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh Crohn.

Căng thẳng áp lực và ăn uống những loại thực phẩm nhất định không gây ra bệnh Crohn (dù chúng có thể làm các triệu chứng bệnh nặng thêm).

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán bệnh Crohn bằng cách nào?

Bác sĩ thường kết hợp các loại xét nghiệm để chấn đoán bệnh Crohn. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về bệnh sử của bạn – bao gồm những loại thuốc bạn đang sử dụng – và tiền sử bệnh gia đình và thực hiện khám trực tiếp.

Khám sức khỏe trực tiếp

Trong khi khám phần lớn bác sĩ thường:

  • Kiểm tra xem bụng bạn có chướng không
  • Dùng ống nghe nghe âm thanh bên trong bụng bạn
  • Gõ lên bụng để kiểm tra độ mềm và độ đau cũng như để xem gan hoặc lá lách có bất thường hay phình to không

Các xét nghiệm chẩn đoán

Bác sĩ có thể sử dụng những xét nghiệm dưới đây để hỗ trợ chẩn đoán bệnh Crohn:

  • Xét nghiệm phòng thí nghiệm (lab tests)
  • Nội soi ruột (intestinal endoscopy)
  • Chụp X quang đường tiêu hóa trên
  • Chụp cắt lớp vi tính

Bác sĩ cũng có thể thực hiện những xét nghiệm để loại trừ các bệnh khác, như là bệnh viêm loét đại tràng (ulcerative colitis), viêm túi thừa (diverticular disease), hoặc ung thư, những bệnh mà cũng tạo ra những dấu hiệu tương tự như triệu chứng của bệnh Crohn.

Bác sĩ dùng những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh Crohn?

Bác sĩ có thể thực hiện những xét nghiệm dưới đây để hỗ trợ chẩn đoán bệnh Crohn.

Xét nghiệm phòng thí nghiệm

Những loại xét nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm giúp chẩn đoán bệnh Crohn bao gồm:

Xét nghiệm máu. Chuyên gia y tế sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm xem có những thay đổi diễn ra trong:

  • Tế bào hồng cầu không? Nếu số lượng tế bào hồng cầu ít hơn hoặc nhỏ hơn bình thường, bạn có thể bị thiếu máu.
  • Tế bào bạch cầu không? Nếu số lượng tế bào bạch cầu nhiều hơn bình thường, bộ phận nào đó trong cơ thể bạn có thể bị viêm hoặc nhiễm trùng.

Xét nghiệm phân. Xét nghiệm phân là phân tích mẫu phân. Bác sĩ sẽ đưa cho bạn một ống đựng để bạn hứng và trữ phân. Bạn sẽ được hướng dẫn về địa điểm để gửi hoặc nhận bộ dụng cụ lấy mẫu phân để phân tích. Bác sĩ dùng loại xét nghiệm này để loại trừ những nguyên nhân khác gây ra các bệnh tiêu hóa.

Nội soi ruột

Nội soi ruột là phương pháp chính xác nhất trong việc chẩn đoán bệnh Crohn và loại trừ những tình trạng sức khỏe khác mà có thể gây ra các triệu chứng tương tự bệnh Crohn, chẳng hạn như bệnh viêm loét đại tràng, viêm túi thừa hoặc ung thư. Phương pháp nội soi ruột bao gồm các loại sau:

Nội soi ruột kết. Nội soi ruột kết (Colonoscopy) là phương pháp mà bác sĩ dùng một ống hẹp mềm dài gắn đèn và máy quay mini vào một đầu của ống, gọi là ống nội soi ruột kết (colonoscope) hay ống nội soi, để quan sát bên trong trực tràng và kết tràng. Có thể bác sĩ cũng sẽ khám cả hồi tràng (ileum) để tìm các dấu hiệu của bệnh Crohn.

Chuyên gia đã qua đào tạo thực hiện nội soi ruột kết ở bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Chuyên gia y tế sẽ cung cấp cho bạn giấy hướng dẫn những điều cần chuẩn bị cho ruột của bạn (bowel prep) tại nhà trước khi đi nội soi. Bạn sẽ được cấp cho thuốc an thần, thuốc gây tê hoặc thuốc giảm đau trong khi thực hiện kiểm tra.

Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm lên bàn rồi nhét ống nội soi ruột kết vào hậu môn và từ từ hướng ống đi xuyên qua trực tràng và ruột kết rồi vào đoạn dưới của hồi tràng. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh Crohn, quá trình nội soi sẽ bao gồm cả việc lấy sinh thiết của hồi tràng, kết tràng và trực tràng. Bạn sẽ không phát hiện được quá trình lấy sinh thiết này.

Nội soi ruột non và nội soi đường tiêu hóa trên. Trong phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên, bác sĩ sử dụng một ống nội soi để quan sát bên trong đường tiêu hóa trên, còn gọi là đường GI trên (upper GI tract).

Chuyên gia đã qua đào tạo thực hiện phương pháp kiểm tra này tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Bạn không nên ăn hoặc uống trước khi nội soi. Chuyên gia y tế sẽ chỉ cho bạn cách chuẩn bị cho quá trình nội soi đường tiêu hóa trên. Đa số thường là bạn sẽ được cấp một dung dịch gây tê để làm họng bạn tê và thuốc an thần liều nhẹ để giúp bạn thả lỏng và thoải mái trong quá trình nội soi.

Trong khi kiểm tra, bác sĩ cẩn thận đưa ống nội soi xuống thực quản rồi vào dạ dạy và tá tràng (phần đầu của ruột non, nối với phần cuối của dạ dày).

Trong khi nội soi ruột non, bác sĩ khám ruột non của bạn bằng một ống nội soi đặc thù và dài hơn, dùng một trong những thủ pháp dưới đây:

  • Nội soi đẩy (push enteroscopy), dùng một ống nội soi dài để khám những đoạn trên của ruột non
  • Nội soi bóng đơn hoặc bóng kép (single- or double-balloon enteroscopy), sử dụng quả bóng bay cỡ nhỏ để giúp chuyển ống nội soi vào trong ruột non
  • Nội soi xoắn (spiral enteroscopy), dùng một ống gắn với ống nội soi để hoạt động như một chốt xoắn để đẩy dụng cụ nội soi vào trong ruột non

Nội soi viên nang (Capsule endoscopy). Trong nội soi viên nang, bạn nuốt một viên nang có chứa một máy quay mini giúp bác sĩ quan sát bên trong đường tiêu hóa của bạn. Bạn không nên ăn hoặc uống trước khi làm kiểm tra. Chuyên gia y tế sẽ chỉ cho bạn cách chuẩn bị cho kiểm tra nội soi viên nang. Bạn không cần gây mê khi thực hiện phương pháp này.

Xét nghiệm này bắt đầu ở văn phòng của bác sĩ, nơi bạn nuốt viên nang. Trong quá trình kiểm tra bạn có thể rời khỏi văn phòng của bác sĩ. Vì khi viên nang đi qua đường tiêu hóa của bạn, máy quay sẽ ghi lại và truyền hình ảnh đến một thiết bị thu nhận cỡ nhỏ bạn mang theo trên người. Khi quá trình ghi hình hoàn tất, bác sĩ tải kết quả về và đánh giá các hình ảnh thu được. Viên nang chứa máy quay ra khỏi cơ thể bạn theo đường đại tiện, và bạn có thể an toàn xả trong bồn cầu.

Chụp X quang đường tiêu hóa trên

Chụp X quang đường tiêu hóa trên là phương pháp mà bác sĩ dử dụng tia X quang ( x-rays), phép soi huỳnh quang (fluoroscopy) và một dung dịch màu phấn gọi là bari (barium) để quan sát đường tiêu hóa trên của bạn.

Kỹ thuật viên chụp X quang và bác sĩ X quang (radiologist) thực hiện kiểu kiểm tra này tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Bạn không nên ăn hoặc uống trước khi chụp. Chuyên gia y tế sẽ chỉ cho bạn cách chuẩn bị cho quá trình chụp X quang. Bạn không cần gây mê đối với phương pháp này.

Với phương pháp này, bạn sẽ được yêu cầu đứng hoặc ngồi trước máy chụp X quang và uống bari. Bari sẽ khiến đường tiêu hóa của bạn hiển thị rõ hơn trên tia X quang. Sau đó bạn sẽ nằm xuống bàn chụp X quang, và bác sĩ X quang sẽ quan sát bari di chuyển qua đường tiêu hóa trên tia X quang và huỳnh quang.

Chụp CT

Chụp CT (CT scan) là phương pháp kết hợp tia X quang và công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh đường tiêu hóa của bạn.

Với chụp CT, chuyên gia y tế có thể cho bạn uống một dung dịch và tiêm một chất màu đặc biệt, gọi là chất cản quang. Chất cản quang giúp bác sĩ dễ quan sát các cấu trúc bên trong cơ thể bạn hơn trong quá trình chụp. Bạn sẽ nằm trên một cái bàn trượt vào một thiết bị hình ống dùng để chụp X quang. Chụp CT có thể chẩn đoán được cả bệnh Crohn và các biến chứng của bệnh này.

Điều trị

Bác sĩ điều trị bệnh Crohn bằng cách nào?

Bác sĩ điều trị bệnh Crohn bằng cách sử dụng thuốc, cho ruột nghỉ, và phẫu thuật.

Với bệnh Crohn thì không một biện pháp điều trị đơn lẻ nào có tác dụng với tất cả người bệnh. Mục tiêu điều trị là làm giảm tình trạng viêm trong ruột, để ngăn các triệu chứng bùng phát, và duy trì bệnh của bạn ở trạng thái tạm thời thuyên giảm.

Sử dụng thuốc

Nhiều người bị bệnh Crohn cần sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc nào thì phụ thuộc vào các triệu chứng của bạn.

Mặc dù không có thuốc chữa được bệnh Crohn, nhưng nhiều loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng.

Aminosalicylates. Những thuốc này chứa axit 5-aminosalicylic (5-ASA), giúp kiểm soát tình trạng viêm. Bác sĩ dùng aminosalicylates để điều trị những bệnh nhân mới chẩn đoán ra bệnh Crohn có những triệu chứng nhẹ. Aminosalicylates gồm:

  • balsalazide
  • mesalamine
  • olsalazine
  • sulfasalazine

Một số tác dụng phụ thường thấy khi sử dụng nhóm thuốc aminosalicylates là:

  • Tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Ợ nóng
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đau bụng

Corticosteroids. Corticosteroids, hay còn gọi là thuốc steroids, giúp giảm hoạt động của hệ miễn dịch và giảm viêm. Bác sĩ kê thuốc corticosteroids cho bệnh nhân có các triệu chứng vừa đến nặng. Nhóm thuốc corticosteroids gồm:

  • budesonide
  • hydrocortisone
  • methylprednisolone
  • prednisone

Tác dụng phụ của corticosteroids là:

  • Nổi mụn
  • Giảm khối lượng xương
  • Chỉ số đường huyết cao
  • Huyết áp cao
  • Có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng hơn
  • Tâm trạng thất thường
  • Tăng cân

Trong đa số trường hợp, bác sĩ không chỉ định sử dụng nhóm thuốc corticosteroids trong thời gian dài.

Immunomodulators. Những thuốc này làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, dẫn đến đường tiêu hóa ít bị viêm hơn. Thuốc immunomodulators có thể mất vài tuần đến 3 tháng mới bắt đầu có tác dụng. Nhóm thuốc immunomodulators gồm có:

  • 6-mercaptopurine , hay 6-MP
  • azathioprine
  • cyclosporine
  • methotrexate

Bác sĩ chỉ định những loại thuốc này để giúp bệnh của bạn thuyên giảm tạm thời hoặc hỗ trợ bạn khi các biện pháp điều trị khác không có tác dụng. Bạn có thể sẽ gặp phải những tác dụng phụ sau:

  • Số lượng tế bào bạch cầu thấp, điều này có thể dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Viêm tuyến tụy (pancreatitis)

Đa số thường là bác sĩ chỉ định dùng thuốc cyclosporine chỉ khi bạn mắc bệnh Crohn mức độ nặng do các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ về tác dụng cũng như rủi ro khi sử dụng cyclosporine.

Liệu pháp sinh học. Những thuốc này có mục tiêu là các protein do hệ miễn dịch tạo ra. Trung hòa những protein đó làm giảm tình trạng viêm trong ruột. Các liệu pháp sinh học hoạt động để giúp bệnh của bạn thuyên giảm, đặc biệt là nếu các loại thuốc khác không có tác dụng với bạn. Các liệu pháp sinh học bao gồm:

  • Liệu pháp yếu tố α hoại tử chống khối u (anti-tumor necrosis factor-alpha), như là  adalimumab, certolizumab, và infliximab
  • Liệu pháp kháng integrin (một loại protein xuyên màng), như là natalizumab và vedolizumab
  • Liệu pháp kháng interleukin (một họ glycoprotein)-12 và kháng interleukin-23, như là ustekinumab

Đa số thường là bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng thuốc infliximab cứ 6 đến 8 tuần một đợt ở bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Các tác dụng phụ có thể là phản ứng độc với thuốc và có nhiều nguy cơ phát sinh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm khuẩn lao (tuberculosis).

Các thuốc khác. Bác sĩ kê đơn các loại thuốc khác điều trị các triệu chứng hoặc biến chứng có thể là:

  • acetaminophen trị cơn đau nhẹ. Bạn nên tránh sử dụng ibuprofen, naproxen, và aspirin vì những loại thuốc này có thể khiến các triệu chứng của bạn trở nặng hơn.
  • Thuốc kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng chẳng hạn như áp xe và đường rò.
  • loperamide nhằm giúp làm chậm hoặc ngăn chặn tiêu chảy nặng. Trong đa số trường hợp, người bệnh chỉ sử dụng loại thuốc này trong thời gian ngắn vì nó có thể làm tăng khả năng phát bệnh phình đại tràng (megacolon).

Cho ruột nghỉ (bowel rest)

Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh Crohn ở mức độ nặng, có thể bạn sẽ cần cho ruột tạm dừng hoạt động trong vài ngày đến vài tuần. Cho ruột nghỉ bao gồm việc chỉ uống những chất lỏng nhất định hoặc không ăn hay không uống bất cứ thứ gì. Trong khi ruột nghỉ, bác sĩ có thể:

  • Yêu cầu bạn uống một loại dịch có chứa dưỡng chất
  • Cung cấp cho bạn một loại dịch có chứa dưỡng chất qua ống nuôi đưa vào dạ dày hoặc ruột non của bạn.
  • Cho bạn truyền dinh dưỡng vào trong tĩnh mạch qua một loại ống đặc thù cắm vào tĩnh mạch cánh tay của bạn

Bạn có thể ở lại bệnh viện, hoặc có thể được điều trị tại gia. Trong hầu hết các trường hợp, ruột của bạn sẽ lành trong quá trình ruột nghỉ.

Phẫu thuật

Kể cả đã dùng thuốc, nhiều người vẫn cần phải phẫu thuật để điều trị bệnh Crohn. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng gần 60% số người phẫu thuật trong vòng 20 năm do mắc bệnh Crohn. Mặc dù phẫu thuật không chữa khỏi hẳn bệnh này, nhưng nó có thể điều trị các biến chứng và làm thuyên giảm các triệu chứng. Bác sĩ thường đề nghị phẫu thuật để điều trị:

  • Đường rò
  • Chảy máu đe dọa đến tính mạng
  • Tắc ruột (intestinal obstructions)
  • Khi tác dụng phụ do thuốc đe dọa đến sức khỏe của bạn
  • Các triệu chứng khi dùng thuốc không cải thiện tình trạng bệnh của bạn

Bác sĩ có thể thực hiện những loại phẫu thuật khác nhau để điều trị bệnh Crohn.

Với bất cứ loại phẫu thuật nào, bạn đều sẽ được gây mê (anesthesia) toàn thân. Bạn sẽ thường ở lại bệnh viện trong 3 đến 7 ngày hậu phẫu thuật. Để hồi phục hoàn toàn có thể mất từ 4 đến 6 tuần.

Cắt bỏ ruột non (Small bowel resection). Cắt bỏ ruột non là loại phẫu thuật nhằm cắt bỏ một đoạn ruột non. Khi bạn bị tắc ruột hoặc mắc bệnh Crohn nặng ở ruột non, bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ cần loại bỏ phần ruột đó. Hai loại phẫu thuật cắt bỏ ruột non là:

  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng (laparoscopic)— bác sĩ rạch vài đường ngắn nửa inch trong bụng bạn. Bác sĩ đưa một máy nội soi ổ bụng (laparoscope) – một loại ống mỏng có gắn đèn và máy quay camera trên một đầu – đi vào cơ thể bạn thông qua vết rạch. Máy quay gửi về hình ảnh phóng đại từ bên trong cơ thể bạn đến một màn hình video, cho phép bác sĩ quan sát cận cảnh ruột non của bạn. Trong khi nhìn màn hình, bác sĩ phẫu thuật đưa các dụng cụ y tế qua những vết rạch nhỏ và loại bỏ những đoạn ruột non bị tắc hoặc bị bệnh. Bác sĩ sau đó sẽ nối các đoạn ruột còn lại với nhau.
  • Phẫu thuật mổ mở— bác sĩ rạch một đường dài khoảng 6 inch (15cm) trên bụng bạn. Bác sĩ sẽ định vị đoạn ruột non bị tắc hoặc bị bệnh và cắt bỏ hoặc sửa chữa đoạn ruột đó. Sau đó bác sĩ sẽ nối các đoạn ruột còn lại với nhau.

Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột già (Subtotal colectomy). Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột già, hay còn gọi là cắt bỏ ruột già (đại tràng), là loại phẫu thuật loại bỏ một phần ruột già. Khi bạn bị tắc ruột, có đường rò hoặc mắc bệnh Crohn nặng ở ruột già, bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ cần loại bỏ đoạn ruột đó. Bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện cắt bỏ ruột già bằng:

  • Phẫu thuật cắt bỏ nội soi (laparoscopic colectomy)— bác sĩ rạch vài đường ngắn nửa inch trên bụng bạn. Trong khi quan sát màn hình, bác sĩ phẫu thuật loại bỏ đoạn ruột già bị tắc hoặc bị bệnh. Sau đó bác sĩ sẽ nối các đoạn ruột còn lại với nhau.
  • Phẫu thuật mổ mở bụng (open surgery)—bác sĩ rạch một đường dài khoảng 6 inch (15cm) trên bụng bạn. Bác sĩ sẽ định vị đoạn ruột già bị chặn hoặc bị bệnh và cắt bỏ hoặc sửa chữa đoạn ruột đó. Sau đó bác sĩ sẽ nối các đoạn ruột còn lại với nhau.

Cắt bỏ toàn bộ ruột già (Proctocolectomy) và hậu môn nhân tạo (ileostomy). Cắt bỏ toàn bộ ruột già là loại phẫu thuật loại bỏ toàn bộ kết tràng và trực tràng của bạn. Hậu môn nhân tạo (ileostomy) là một lối mở (stoma), hay một lỗ hổng trong bụng bạn, được bác sĩ tạo ra từ một bộ phận hồi tràng (ileum) của bạn. Bác sĩ đưa đoạn cuối của hồi tràng qua lỗ hổng trong bụng bạn và gắn nó vào da, tạo ra một lỗ thoát bên ngoài cơ thể. Lối mở này có chiều dài từ khoảng ¾ inch cho đến ngắn hơn 2 inch một chút và thường có vị trí ở bụng dưới của bạn, ngay dưới vòng eo.

Một túi hứng phân bên ngoài tháo ra được, gọi là túi hậu môn nhân tạo hay dụng cụ hậu môn nhân tạo, nối với lỗ hổng và hứng phân bên ngoài cơ thể bạn. Phân đi ra khỏi cơ thể qua lỗ hổng thay vì qua hậu môn. Lỗ hổng này không có cơ vì thế nó không thể kiểm soát được dòng đi của phân và bất cứ khi nào có phân thì phân cứ tuôn ra.

Nếu bạn thực hiện loại phẫu thuật này, bạn sẽ phải dùng hậu môn nhân tạo cả đời.

Bác sĩ điều trị biến chứng của bệnh Crohn như thế nào?

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị các biện pháp điều trị những biến chứng dưới đây của bệnh Crohn:

  • Tắc ruột. Tắc ruột toàn bộ đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Nếu bạn bị tắc toàn bộ, bạn sẽ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bác sĩ thường điều trị tắc ruột toàn bộ bằng phẫu thuật.
  • Đường rò. Cách bác sĩ chữa trị đường rò sẽ tùy thuộc vào việc bạn có đường rò loại nào và mức độ nghiêm trọng của chúng. Với một số người, các đường rò này lành sau khi sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống trong khi đó những người khác sẽ cần phải được phẫu thuật.
  • Áp xe. Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh và làm khô áp xe. Bác sĩ có thể làm khô áp xe bằng cách dùng kim chích xuyên qua da hoặc phẫu thuật.
  • Nứt hậu môn. Đa số các vết nứt hậu môn lành khi điều trị bằng thuốc, bao gồm bôi thuốc mỡ, tắm bồn nước ấm và thay đổi chế độ ăn uống.
  • Vết loét. Trong đa số trường hợp, việc điều trị bệnh Crohn cũng sẽ chữa lành các vết loét (ulcers).
  • Kém dinh dưỡng. Bạn có thể cần truyền dịch tĩnh mạch hoặc dùng ống nuôi để thay thế những dưỡng chất và chất lỏng bị hao hụt.
  • Viêm ở những bộ phận khác trong cơ thể. Bác sĩ có thể điều trị viêm bằng cách thay đổi loại thuốc bạn dùng hoặc kê thuốc mới.

Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng

Chế độ ăn uống có thể hỗ trợ các triệu chứng của bệnh Crohn như thế nào?

Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn thay đổi chế độ ăn uống như là:

  • Tránh những đồ uống có ga, hay “sủi bọt”
  • Tránh ăn bỏng ngô, vỏ rau củ, quả hạch và những loại thực phẩm nhiều chất xơ khác
  • Uống nhiều chất lỏng hơn
  • Ăn những bữa nhỏ thường xuyên hơn
  • Ghi lại nhật ký thực phẩm để giúp xác minh những loại thực phẩm nào gây ra vấn đề

Tùy vào các triệu chứng hoặc loại thuốc bạn sử dụng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị một chế độ ăn kiêng đặc biệt, chẳng hạn như một chế độ ăn kiêng

  • Nhiều calo
  • Không chứa lactose
  • Ít chất béo
  • Ít chất xơ
  • Ít muối

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những cải biến và khuyến nghị ăn uống cụ thể.

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn dùng những loại vitamin và chất bổ sung dinh dưỡng nếu bạn không hấp thu đủ dưỡng chất. Vì lý do an toàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng (dietary supplements) như là các vitamin, hoặc bất cứ loại thuốc thay thế hay bổ sung (complementary or alternative) hoặc những biện pháp y tế nào khác.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment