Bệnh Celiac là bệnh gì?
Bệnh Celiac là một loại rối loạn tiêu hóa phá hủy ruột non. Bệnh này bị kích phát do ăn phải những thực phẩm chứa gluten. Gluten là một loại đạm vốn có trong lúa mỳ, đại mạch và lúa mạch đen và thường thấy trong những đồ ăn như là bánh mỳ, mỳ ống, bánh quy mềm và bánh bông lan. Nhiều thực phẩm đóng gói sẵn, son dưỡng môi và son môi, các sản phẩm chăm sóc da và tóc, kem đánh răng, thành phần bổ sung vitamin và dưỡng chất, và một số loại thuốc hiếm thấy có chứa gluten.
Bệnh Celiac có thể trở nên rất nghiêm trọng. Bệnh này gây ra những vấn đề tiêu hóa kéo dài và khiến cơ thể không thể hấp thu đủ nhu cầu dưỡng chất. Ngoài ruột, bệnh Celiac còn ảnh hưởng đến toàn cơ thể.
Bệnh Celiac khác với chứng mẫn cảm với gluten (gluten sensitivity) hay chứng không dung nạp lúa mỳ. Nếu bạn mẫn cảm với gluten, bạn có thể gặp phải các triệu chứng giống các triệu chứng của bệnh Celiac, chẳng hạn như đau bụng và mệt mỏi. Không giống như bệnh Celiac, chứng mẫn cảm với gluten không làm hỏng ruột non (bạn có thể đọc bài viết về cơ chế hoạt động của hệ tiêu hóa để hiểu rõ hơn vị trí và vai trò của ruột non).
Bệnh Celiac cũng khác với tình trạng dị ứng lúa mỳ. Trong cả hai trường hợp, hệ miễn dịch (immune system) của cơ thể đều có phản ứng với lúa mỳ. Tuy nhiên, một số triệu chứng của dị ứng lúa mỳ khác với bệnh Celiac, chẳng hạn như là ngứa mắt hoặc có lúc khó thở. Dị ứng lúa mỳ về lâu dài không làm hỏng ruột non.
Mức độ phổ biến của bệnh Celiac?
Có nhiều đến mức cứ 1 trong số 141 người Mỹ mắc bệnh Celiac, mặc dù đa số mọi người không biết đến bệnh này.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh Celiac?
Mặc dù bệnh Celiac ảnh hưởng đến trẻ em và người trưởng thành ở mọi khu vực trên thế giới, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở người da trắng và thường được chẩn đoán ở nữ giới. Bạn dễ mắc bệnh Celiac nếu có thành viên nào đó trong gia đình cũng mắc bệnh này. Bệnh này cũng phổ biến hơn ở những người mắc những bệnh nhất định khác, như là hội chứng Down, hội chứng Turner và tiểu đường loại 1.
Người mắc bệnh Celiac còn gặp phải những vấn đề sức khỏe nào khác?
Nếu bạn mắc bệnh Celiac, bạn cũng có thể có nguy cơ mắc
- Bệnh Addison
- Bệnh Hashimoto
- Xơ gan ứ mật tiên phát (primary biliary cirrhosis)
- Tiểu đường loại 1
Bệnh Celiac có những biến chứng gì?
Về lâu dài, biến chứng của bệnh Celiac gồm có:
- Kém dinh dưỡng, tình trạng mà cơ thể không hấp thu đủ nhu cầu các vitamin, khoáng chất và dưỡng chất khác để duy trì khỏe mạnh
- Tăng nhanh tốc độ loãng xương hoặc làm mềm xương, gọi là bệnh nhuyễn xương (osteomalacia)
- Các vấn đề ở hệ thần kinh
- Các vấn đề liên quan đến chức năng sinh sản
Các biến chứng hiếm gặp là:
- Ung thư ruột
- Các bệnh gan
- Ung thư hạch bạch huyết, một loại ung thư phát sinh tại một bộ phận của hệ miễn dịch, gọi là hệ bạch huyết bao gồm ruột.
Trong những trường hợp biến chứng hiếm gặp, có thể bạn sẽ vẫn tiếp tục khó mà hấp thu được dưỡng chất kể cả khi bạn đã đang thực hiện một chế độ ăn kiêng không có gluten nghiêm ngặt. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, còn gọi là bệnh Celiac khó chữa, ruột của bạn đã bị hủy hoại nghiêm trọng và không thể lành lại được. Có thể bạn sẽ cần phải được truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Triệu chứng & Nguyên nhân
Bệnh Celiac có những triệu chứng gì?
Đa số những người mắc bệnh Celiac có một hoặc nhiều triệu chứng. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh này có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc không cảm thấy ốm yếu. Đôi khi các vấn đề sức khỏe như là phẫu thuật, mang thai, sinh con, viêm dạ dày ruột do vi khuẩn, nhiễm virut, hoặc áp lực tinh thần nặng nề có thể kích phát các triệu chứng của bệnh Celiac.
Nếu bạn mắc bệnh Celiac, có thể bạn sẽ gặp phải những vấn đề tiêu hóa hoặc các triệu chứng khác. Các triệu chứng tiêu hóa thường dễ xuất hiện hơn ở trẻ em và có thể gồm:
- Chướng bụng, hay cảm giác no tức hoặc trương phù
- Tiêu chảy mãn tính
- Táo bón
- Xì hơi
- Buồn nôn
- Xanh xao, phân có mùi hôi, hoặc phân nổi váng mỡ
- Đau dạ dày
- Nôn mửa
Với trẻ em mắc bệnh Celiac, việc không thể hấp thu những dưỡng chất thiết yếu trong quá trình tăng trưởng và phát triển bình thường có thể dẫn đến:
- Phá hỏng men răng vĩnh viễn
- Dậy thì muộn
- Trẻ sơ sinh chậm phát triển
- Tâm trạng thất thường, hoặc cảm thấy bực bội hay mất kiên nhẫn
- Tăng trưởng chậm và có chiều cao thấp
- Sút cân
Người trưởng thành có ít khả năng gặp phải các triệu chứng tiêu hóa hơn, và thay vào đó, có thể gặp phải một hoặc nhiều vấn đề dưới đây:
- Thiếu máu
- Lưỡi bóng, trơn mượt và đỏ
- Đau xương hoặc đau khớp
- Trầm cảm hoặc lo âu
- Bệnh viêm da dạng Herpes
- Đau đầu
- Vô sinh hoặc sảy thai tự phát liên tục
- Kỳ kinh nguyệt đến muộn
- Các vấn đề ở miệng như là loét miệng hoặc khô miệng
- Co giật (seizures)
- Đau nhói dây thần kinh tê bì chân tay
- Mệt mỏi
- Xương yếu và dễ gãy
Người trưởng thành mắc bệnh Celiac gặp các triệu chứng tiêu hóa có thể gồm:
- Đau bụng và chướng bụng
- Nghẽn chặn ruột (intestinal)
- Mệt mỏi kéo dài
- Loét, hay các tổn thương trong dạ dày hoặc trên niêm mạc ruột
Bệnh Celiac cũng có thể gây ra phản ứng ở hệ miễn dịch, hay hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể, tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Phản ứng này có thể lan ra bên ngoài đường tiêu hóa tới các bộ phận khác trong cơ thể, bao gồm:
- Xương
- Khớp
- Hệ thần kinh
- Da
- Lá lách
Tùy thuộc vào độ tuổi của bạn khi được bác sĩ chẩn đoán ra bệnh Celiac, một số triệu chứng như là có chiều cao thấp và các khuyết tật răng sẽ không thể cải thiện được.
Viêm da dạng Herpes
Viêm da dạng Herpes (Dermatitis herpetiformis ) là tình trạng da phát ban nổi bóng nước gây ngứa ngáy thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, mông, lưng hoặc da đầu. Tình trạng phát ban này ảnh hưởng đến khoảng 10% số người mắc bệnh Celiac. Nó có thể tác động đến người bệnh ở mọi lứa tuổi nhưng thường thấy nhất là lần đầu xuất hiện ở những người trong khoảng từ 30 đến 40 tuổi. Nam giới bị phát ban cũng có thể xuất hiện những vết loét miệng hoặc những vết loét ở bộ phận sinh dục hiếm gặp. Một số người mắc bệnh Celiac có thể phát ban và không có các triệu chứng nào khác.
Tại sao các triệu chứng của bệnh Celiac lại đa dạng?
Các triệu chứng của bệnh Celiac không giống nhau giữa người này với người kia. Chúng có thể còn phụ thuộc vào việc:
- Bạn được ăn sữa mẹ trong bao lâu; một số nghiên cứu đã chứng minh, bạn càng được bú mẹ lâu thì các triệu chứng của bệnh Celiac càng xuất hiện muộn hơn
- Bạn ăn bao nhiêu gluten vào người
- Khi bắt đầu ăn gluten là vào lúc bao nhiêu tuổi
- Mức độ ruột non bị hủy hoại
- Tuổi của bạn – các triệu chứng có thể thay đổi giữa trẻ em và người trưởng thành
Những người mắc bệnh Celiac mà không có triệu chứng nào vẫn có thể phát triển thành các biến chứng theo thời gian nếu không được điều trị.
Nguyên nhân gây ra bệnh Celiac?
Nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh Celiac chỉ xuất hiện ở những cá nhân có những gien cụ thể. Những gien này phổ biến và có trong khoảng một phần ba dân số. Mọi người cũng phải ăn những thực phẩm chứa gluten thì mới phát bệnh Celiac. Các nhà nghiên cứu không biết chính xác điều gì kích phát bệnh Celiac ở những người có nguy cơ mắc bệnh này mà ăn gluten trong thời gian dài. Đôi khi bệnh này cũng di truyền trong gia đình. Khoảng 10 đến 20% họ hàng gần của những người mắc bệnh Celiac cũng bị bệnh này ảnh hưởng.
Xác suất phát bệnh Celiac tăng lên khi cơ thể bạn có biến đổi gien hay có các biến thể gien. Những biến thể gien nhất định và các yếu tố khác như là những thứ có trong môi trường của bạn, có thể gây ra bệnh Celiac.
Chẩn đoán
Bác sĩ chẩn đoán bệnh Celiac bằng cách nào?
Có thể khó mà chẩn đoán được bệnh Celiac vì một số triệu chứng của bệnh này giống với triệu chứng của những bệnh khác như là hội chứng ruột kích thích và chứng không dung nạp lactose. Bác sĩ có thể chẩn đoán ra bệnh Celiac bằng bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình của bạn, khám sức khỏe trực tiếp và làm xét nghiệm. Xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm gien và sinh thiết (biopsy).
Bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về thông tin sức khỏe gia đình bạn – cụ thể là trong nhà bạn có ai có tiền sử mắc bệnh Celiac không.
Khám sức khỏe trực tiếp
Trong khi khám, bác sĩ đa phần thường là:
- Kiểm tra thân thể bạn xem có phát ban hoặc kém dinh dưỡng không, tình trạng nảy sinh khi cơ thể bạn không hấp thu đủ nhu cầu vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất khác để duy trì khỏe mạnh.
- Dùng ống nghe để nghe âm thanh bên trong bụng của bạn
- Gõ vào bụng bạn để xem có đau và no tức hoặc trương phù không
Khám nha khoa
Với một số người, bước đầu tiên để tầm soát ra bệnh Celiac là đi khám răng. Những khuyết tật men răng, chẳng hạn như những điểm trắng, vàng hoặc nâu trên răng, là những vấn đề khá phổ biến ở những người mắc bệnh Celiac, đặc biệt là trẻ em. Những khuyết tật này có thể giúp nha sĩ và các chuyên gia y tế khác nhận diện được bệnh Celiac.
Bác sĩ dùng những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh Celiac?
Xét nghiệm máu
Chuyên gia y tế sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra xem thấy có những kháng thể thường xuất hiện khi bị bệnh Celiac không. Nếu kết quả xét nghiệm máu là âm tính mà bác sĩ vẫn nghi ngờ bạn mắc bệnh Celiac, họ có thể sẽ yêu cầu bạn làm thêm xét nghiệm máu.
Xét nghiệm gien
Nếu sinh thiết và các xét nghiệm máu khác không kết luận rõ ràng được bệnh Celiac, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm gien để kiểm tra xem có những biến đổi gien (gene) nhất định, hay biến thể gien, không. Bạn có khả năng cao là không mắc bệnh Celiac nếu không có những biến thể gien này. Chỉ riêng việc có những biến thể gien này thì chưa đủ cơ sở để chẩn đoán ra bệnh Celiac vì những biến thể gien này cũng phổ biến ở những người không mắc bệnh Celiac. Thực tế thì đa số những người mang trong mình các gien này sẽ không bao giờ mắc bệnh Celiac.
Sinh thiết ruột
Nếu xét nghiệm máu cho thấy bạn bị bệnh Celiac, bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết cho chắc chắn. Trong khi làm sinh thiết, bác sĩ lấy một mẩu mô nhỏ từ ruột non của bạn trong quá trình kiểm tra nội soi đường tiêu hóa trên.
Sinh thiết da
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh viêm da dạng Herpes, họ sẽ thực hiện sinh thiết da. Với loại xét nghiệm này, bác sĩ lấy những mẩu mô rất bé từ trên da để xét nghiệm dưới kính hiển vi.
Bác sĩ xét nghiệm mô da và kiểm tra mô đó xem có các kháng thể thường phản ứng với bệnh Celiac không. Nếu mô da có các kháng thể, bác sĩ sẽ cho bạn làm xét nghiệm máu để khẳng định kết luận bạn mắc bệnh Celiac. Nếu cả sinh thiết da và xét nghiệm máu đều cho kết quả là bệnh Celiac, có thể bạn sẽ không cần làm sinh thiết ruột nữa.
Bác sĩ có sàng lọc bệnh Celiac không?
Sàng lọc là tầm soát bệnh khi chưa có các triệu chứng. Bác sĩ ở Mỹ không thường sàng lọc bệnh Celiac cho mọi người. Tuy nhiên, họ hàng ruột thịt của những người mắc bệnh Celiac và những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 nên tham khảo ý kiến bác sĩ về xác suất mắc bệnh Celiac của mình.
Nhiều nhà nghiên cứu khuyến cáo nên làm sàng lọc đều đặn cho mọi thành viên trong gia đình, như là cha mẹ và con cái, để tầm soát bệnh Celiac. Tuy nhiên, sàng lọc gien (genetic screening) định kỳ để tầm soát bệnh Celiac thường không có tác dụng khi chẩn đoán bệnh này.
Điều trị
Bác sĩ điều trị bệnh Celiac bằng cách nào?
Chế độ ăn kiêng phi gluten
Bác sĩ điều trị bệnh Celiac bằng chế độ ăn kiêng phi gluten (gluten-free diet). Gluten là một loại đạm vốn có trong lúa mì, đại mạch và lúa mạch đen làm kích phát phản ứng của cơ thể nếu bạn mắc bệnh Celiac. Hầu hết những người mắc bệnh này mà trung thành với chế độ ăn kiêng phi gluten thì các triệu chứng bệnh của họ thuyên giảm đáng kể. Những năm gần đây, các cửa hàng tạp hóa và các nhà hàng đã bổ sung thêm nhiều thực phẩm và sản phẩm phi gluten hơn, khiến việc ăn uống phi gluten trở nên dễ dàng hơn.
Bác sĩ có thể sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng người chuyên môn điều trị cho những người mắc bệnh Celiac. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ hướng dẫn bạn cách để tránh gluten trong khi thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Họ sẽ giúp bạn:
- Kiểm tra thực phẩm và nhãn thông tin sản phẩm xem chúng có chứa gluten không
- Tạo lập kế hoạch các bữa ăn hàng ngày
- Đưa ra những lựa chọn lành mạnh về các loại thực phẩm nên ăn
Với hầu hết mọi người, việc thực hiện một chế độ ăn kiêng phi gluten sẽ chữa lành những tổn hại trong ruột non và ngăn không để ruột bị tổn hại thêm. Bạn có thể nhận thấy được các triệu chứng cải thiện trong vài ngày cho đến vài tuần sau khi bắt đầu chế độ ăn kiêng. Ruột non thường lành lại trong 3 đến 6 tháng đối với trẻ em. Hồi phục hoàn toàn có thể mất đến vài năm đối với người trưởng thành. Một khi ruột non đã lành, các lông nhung (villi) mà bị bệnh này hủy hoại, sẽ mọc lại và hấp thu dưỡng chất từ thức ăn vào máu như bình thường.
Chế độ ăn kiêng phi Gluten và bệnh viêm da dạng Herpes
Nếu bạn bị viêm da dạng Herpes (dermatitis herpetiformis) — tình trạng da phát ban nổi bóng nước gây ngứa ngáy— thì nhìn chung chế độ ăn kiêng phi gluten có tác dụng đối với các triệu chứng của da. Tuy nhiên các triệu chứng da này có thể xuất hiện lại nếu bạn lại đưa gluten vào trong chế độ ăn uống của mình. Các loại thuốc như là dapsone, dạng uống, có thể kiểm soát các triệu chứng da. Những người uống dapsone cần phải làm xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra xem có tác dụng phụ của thuốc không.
Dapsone không điều trị các triệu chứng hay tổn thương của ruột, đó là lý do tại sao bạn nên thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten nếu bị phát ban nổi mụn nước. Kể cả khi bạn thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten, thì tình trạng phát ban cũng cần đến nhiều tháng hoặc nhiều năm mới lành hoàn toàn – và thường bị lại qua nhiều năm.
Tránh thuốc vào các sản phẩm phi thực phẩm có thể chứa gluten
Bên cạnh chỉ định áp dụng thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten, bác sĩ sẽ muốn bạn tránh mọi nguồn tiềm ẩn chứa gluten. Nếu bạn mắc bệnh Celiac, hãy hỏi dược sĩ về thành phần có trong:
- Thành phần bổ sung dinh dưỡng và thảo dược
- Thuốc bán theo đơn và không theo đơn
- Thành phần bổ sung vitamin và khoáng chất
Bạn cũng có thể nạp vào cơ thể hoặc truyền từ tay đến miệng những sản phẩm khác chứa gluten mà không biết. Những sản phẩm có thể chứa gluten gồm:
- Bột nặn của trẻ, ví dụ như Play-Doh
- Mỹ phẩm
- Son môi, son bóng và son dưỡng
- Sản phẩm chăm sóc da và tóc
- Kem đánh răng và nước súc miệng
- Bánh xốp (communion wafers)
Thuốc là nguồn chứa gluten hiếm gặp. Kể cả nếu có gluten trong thuốc, thì khả năng cũng chỉ là lượng nhỏ nên sẽ không gây ra bất cứ triệu chứng nào.
Đọc nhãn thông tin sản phẩm đôi khi có thể giúp bạn tránh được gluten. Một số nhà sản xuất ghi nhãn sản phẩm của họ là phi gluten. Nếu sản phẩm không liệt kê nguyên liệu thành phần thì hãy hỏi nhà sản xuất để biết được nguyên liệu thành phần.
Nếu thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten không có tác dụng thì làm sao?
Nếu bạn không đỡ hơn sau khi bắt đầu thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten, có thể bạn vẫn đang ăn hoặc sử dụng một lượng nhỏ gluten. Có thể chế độ ăn kiêng phi gluten sẽ bắt đầu có tác dụng một khi bạn tìm ra và loại bỏ được mọi nguồn tiềm ẩn chứa gluten. Các nguồn đó gồm có các chất phụ gia (additives) làm bằng lúa mỳ, như là:
- Tinh bột thực phẩm biến tính
- Hương mạch nha
- Chất bảo quản
- Chất ổn định
Nếu bạn vẫn có các triệu chứng kể cả sau khi đã thay đổi chế độ ăn uống, có thể bạn mắc phải tình trạng sức khỏe hoặc rối loạn giống với bệnh Celiac, như là hội chứng ruột kích thích, chứng không dung nạp lactose, viêm đại tràng vi thể, rối loạn chức năng tuyến tụy và tăng sinh quá mức vi khuẩn ruột non.
Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng
Tôi nên tránh ăn gì nếu bị bệnh Celiac?
Tránh những thực phẩm chứa gluten, một loại đạm vốn có trong lúa mì, lúa mạch đen và đại mạch, là quan trọng trong việc điều trị bệnh Celiac. Loại bỏ gluten ra khỏi chế độ ăn uống sẽ cải thiện các triệu chứng của bạn, làm lành các thương tổn trong ruột non và ngăn ngừa các tổn hại sau này theo thời gian. Trong khi bạn có thể sẽ cần phải tránh những thực phẩm nhất định, tin mừng là có rất nhiều sản phẩm và thực phẩm phi gluten lành mạnh.
Bạn nên tránh mọi loại sản phẩm chứa gluten, chẳng hạn như hầu hết món ngũ cốc, hạt ngũ cốc và mỳ ống cũng như là nhiều thực phẩm chế biến sẵn. Hãy đảm bảo rằng mình luôn đọc thành phần nguyên liệu của thực phẩm cẩn thận nhằm chắc chắn loại thực phẩm bạn muốn ăn không chứa gluten. Bên cạnh đó, hãy thảo luận về các lựa chọn thực phẩm phi gluten với chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia y tế chuyên môn điều trị bệnh Celiac.
Tôi nên ăn gì nếu bị bệnh Celiac?
Những thực phẩm như là thịt, cá, trái cây, rau củ, gạo và khoai tây mà không chứa chất phụ gia hoặc gia vị không chứa gluten và là một phần của chế độ ăn uống cân đối hợp lý. Bạn có thể ăn các loại bánh mỳ, mỳ ống và những thực phẩm phi gluten khác giờ dễ tìm thấy hơn ở các cửa hàng, nhà hàng và những công ty thực phẩm đặc thù. Bạn cũng có thể ăn khoai tây, cơm, đậu nành, hạt amaranth, hạt quinoa (diêm mạch), kiều mạch (buckwheat), hoặc bột từ đậu hạt thay cho bột mì.
Trong quá khứ, bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên ăn yến mạch nếu mắc bệnh Celiac. Bằng chứng chỉ ra rằng đa số những người mắc bệnh này có thể an toàn ăn một ít yến mạch, miễn là loại yến mạch đó không tiếp xúc với gluten lúa mì trong quá trình chế biến. Bạn nên trao đổi với đội ngũ y tế về việc liệu có nên đưa yến mạch vào chế độ ăn uống của bạn không.
Khi đi mua sắm hoặc ăn ngoài, nhớ phải:
- Đọc nhãn thông tin thực phẩm — đặc biệt là nhãn thông tin in trên các loại thực phẩm đóng hộp, đông lạnh và chế biến sẵn – để xem có các thành phần nguyên liệu chứa gluten không
- Nhận diện những loại thực phẩm có ghi nhãn “phi gluten”, theo luật, những thực phẩm này phải chứa dưới 20 ppm (parts per million) gluten, phải dưới ngưỡng này để tránh gây ra các vấn đề ở đa số bệnh nhân mắc bệnh Celiac
- Hỏi phục vụ và đầu bếp nhà hàng về cách sơ chế thực phẩm và có gì trong món đó
- Tìm xem có thực đơn phi gluten không
- Hỏi chủ trì bữa tối hoặc bữa tiệc xem có các lựa chọn đồ ăn uống phi gluten không trước khi tham gia các buổi tụ tập
Thực phẩm ghi nhãn phi gluten thường đắt hơn những thực phẩm cùng loại chứa gluten. Bạn có thể sẽ phát hiện ra rằng những thực phẩm vốn không chứa gluten sẽ rẻ hơn nhiều. Cứ tập nhiều thì việc phát hiện ra gluten có thể trở thành bản năng thứ hai của bạn.
Nếu bạn vừa được chẩn đoán mắc bệnh Celiac, bạn và các thành viên trong gia đình có thể sẽ thấy các nhóm hỗ trợ hữu ích khi bạn điều chỉnh theo một cách ăn uống mới.
Nếu tôi không mắc bệnh Celiac mà áp dụng chế độ ăn kiêng phi gluten thì có an toàn không?
Những năm gần đây, càng có nhiều người không mắc bệnh Celiac áp dụng chế độ ăn kiêng phi gluten với niềm tin là tránh ăn gluten thì sẽ lành mạnh hơn hoặc có thể giúp họ giảm cân. Hiện chưa có dữ liệu nào đề xuất rằng mọi người (không mắc bệnh Celiac) nên duy trì chế độ ăn kiêng phi gluten để giảm cân hoặc để đạt được sức khỏe tốt hơn.
Chế độ ăn kiêng phi gluten không phải lúc nào cũng là chế độ ăn uống lành mạnh. Ví dụ như là, chế độ ăn kiêng này có thể không cung cấp đủ dưỡng chất, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, chẳng hạn như là chất xơ, sắt và canxi. Một số sản phẩm phi gluten có thể nhiều calo và đường.
Nếu bạn cho rằng có thể mình mắc bệnh Celiac, đừng nên bắt đầu tránh ăn gluten khi chưa trao đổi trước với bác sĩ. Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn mắc bệnh Celiac, họ sẽ chỉ định cho bạn áp dụng chế độ ăn kiêng phi gluten.
Các quy định ghi nhãn thực phẩm phi gluten
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration/FDA) đã đưa ra quy định về khái niệm “phi gluten” là như thế nào trên các nhãn thực phẩm. Quy định ghi nhãn thực phẩm là phi gluten yêu cầu bất cứ loại thực phẩm nào có các cụm từ “phi gluten / gluten-free”, “không chứa gluten / no gluten”, “không gluten / free of gluten” và “không có gluten / without gluten” trên nhãn thông tin thì phải đáp ứng đủ mọi quy định về khái niệm này.
Trong khi quy định của FDA không áp dụng cho những thực phẩm chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture), gồm thịt và các sản phẩm trứng, thì quy định này vẫn thường được tuân theo thực hiện.
(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)