Trải nghiệm sự ấm áp thể chất thúc đẩy sự ấm áp liên cá nhân

Tóm tắt sơ lược

“Sự ấm áp/sự nồng hậu/sự niềm nở/lòng nhiệt thành” (warmth) là đặc điểm tính cách mạnh mẽ nhất trong đánh giá xã hội, và những nhà lý luận theo học thuyết gắn bó (attachment theory) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp xúc thể chất ấm áp với người chăm sóc trong giai đoạn trứng nước để xây dựng mối quan hệ lành mạnh khi bước vào tuổi trưởng thành.

Thú vị là ở chỗ, các nghiên cứu gần đây ở người đã chỉ ra sư liên quan của thùy đảo trong quá trình xử lý cả thông tin nhiệt độ thân thể lẫn sự ấm áp liên cá nhân (lòng tin). Theo đó, chúng tôi đã đặt ra giả thuyết rằng những trải nghiệm về sự ấm áp (hoặc lạnh lùng) thể chất/thân thể có thể làm tăng cảm giác về sự ấm áp (hoặc lạnh lùng) giữa các cá nhân, mà những người này không nhận thức được tác động đó.

Trong nghiên cứu 1, những người tham gia cầm một cốc cà phê nóng (so với lạnh) trong một thời gian ngắn đánh giá một người mục tiêu là có tính cách “ấm áp” hơn (hào phóng, chu đáo); trong nghiên cứu 2, các đối tượng tham gia cầm một miếng cao dán trị liệu nóng (so với lạnh) có nhiều khả năng chọn một món quà cho bạn bè hơn là cho bản thân họ.

Kể từ lần đầu tiên Solomon Asch chứng minh sức mạnh biến đổi của “ấm áp” và “lạnh lùng” như những đặc điểm tính cách trong ấn tượng ban đầu của các cá nhân, khái niệm về sự ấm áp tâm lý đã được nêu bật trong những nghiên cứu về nhận thức xã hội và sự quý mến giữa các cá nhân.

Khía cạnh ấm áp-lạnh lùng là một trong hai thành phần chính của những ấn tượng ban đầu (cùng với năng lực) mà chúng ta nhanh chóng hình thành về người khác; cùng nhau, chúng chiếm một tỷ lệ chênh lệch lớn (82%) trong sự đánh giá hành vi xã hội của con người.

Đáng chú ý là các khía cạnh ấm áp và năng lực được cho là hai khía cạnh cơ bản làm nền tảng cho mọi khuôn mẫu nhóm được nghiên cứu ở hàng chục quốc gia. Trong hai khía cạnh cơ bản này thì sự ấm áp là chính yếu, vì “mọi người nhạy cảm với thông tin về sự ấm áp hơn là với thông tin về năng lực,” và nó đưa ra những đánh giá đáng tin cậy về khuôn mặt nhanh hơn là các đặc điểm khác, bao gồm cả đặc điểm năng lực.

Chính xác thì việc cảm nhận một người nào đó là “ấm áp” so với “lạnh lùng” thực sự có ý nghĩa gì? Theo giả thuyết cùng các nghiên cứu gần đây về sự nhận thức xã hội, sự ấm áp liên cá nhân đề cập đến một nhóm các đặc điểm liên quan đến mức độ thuận lợi được nhận thức về ý định của người khác đối với chúng ta, bao gồm sự thân thiện, hữu ích, và đáng tin cậy.

Hoạt động đánh giá ấm áp-lạnh lùng là “sự phê duyệt ngay từ đầu” của người nhận thức xã hội về việc liệu cá nhân mục tiêu (hoặc nhóm xã hội) có thể được tin cậy như một người bạn, hoặc chí ít cũng “không phải kẻ thù” hay không (tức là ấm áp), hay thay vào đó là một kẻ thù tiềm năng có thể can thiệp vào nỗ lực theo đuổi mục tiêu đang diễn ra của một người (tức là lạnh lùng).

Sau đó, đánh giá khả năng là kiểu đánh giá “phê duyệt lần hai” về việc liệu cá nhân (hoặc nhóm) mới gặp gỡ có khả năng hành động sao cho phù hợp với những ý định được nhận thức hay không. Dường như đây là một sự đánh giá tự động và bắt buộc không đòi hỏi ý định thực hiện của người nhận thức.

Vậy thì tại sao chúng ta lại nói một cách tự nhiên về những cá nhân “ấm áp” và “lạnh lùng” (mà không phải “bạn bè” hoặc “kẻ thù,” hay “đáng tin” và “không đáng tin”) như vậy? Ngoài trực giác của bản thân thì Asch không đưa ra căn cứ hợp lý nào để hỗ trợ giả thuyết của mình về việc ấm áp và lạnh lùng có thể là “các đặc điểm trung tâm” độc đáo trong sự hình thành ấn tượng.

Tuy nhiên, trong giả thuyết tiếp sau đó thì ông ấy đã đưa ra một manh mối, lập luận rằng đa số các khái niệm tâm lý trừu tượng đều dựa vào những trải nghiệm thể chất cụ thể một cách ẩn dụ. Các nhà ngôn ngữ học nhận thức đương đại đã đưa ra những lập luận tương tự cho rằng mọi người thường khái niệm hóa thế giới nội tâm, tinh thần của họ bằng cách loại suy với thế giới vật chất.

Áp dụng cho câu hỏi làm thế nào mà các vật thể ấm nóng có thể tạo ra trạng thái cảm xúc tương tự như một người “ấm áp,” các nhà lý luận hiện thân (embodiment theorists) đã chú thích cách các vật thể và sự kiện tạo ra cùng một chất lượng phản ứng cảm xúc được liên kết (phân loại) với nhau như thế nào trong bộ nhớ. Bằng cách này, cảm giác ấm áp khi một người cầm một cốc cà phê nóng hoặc tắm nước nóng có thể kích hoạt kí ức về những cảm giác khác liên quan đến sự ấm áp (tin tưởng và thoải mái), đó là nhờ những trải nghiệm ban đầu với người chăm sóc cung cấp sự ấm áp, chở che, an toàn, và nuôi dưỡng.

Harry Harlow, trong các nghiên cứu kinh điển của mình về mối quan hệ giữa mẹ-con ở các loài linh trưởng không phải người, đã chứng minh rằng khỉ macaca thích ở gần khỉ mẹ thay thế bằng vải hơn là vật mẹ thay thế bằng dây kim loại. Sự ưu tiên này duy trì ngay cả khi khỉ mẹ thay thế bằng dây kim loại là nguồn thực phẩm của khỉ sơ sinh (một bình bú được gắn vào dây) còn khỉ bằng vải thì không. Nói một cách dễ hiểu, khỉ bằng vải và khỉ bằng dây kim loại khác nhau ở một khía cạnh quan trọng khác: Khỉ bằng vải (chứ không phải dây) là nguồn cung cấp hơi ấm cho khỉ con (một bóng đèn 100 W được đặt sau lớp vải). Theo kết luận của Harlow, sự thoải mái khi tiếp xúc với mẹ là mộ yếu tố quan trọng đối với khỉ sơ sinh, hơn cả khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của nó; ngoài ra, những con khỉ “được nuôi dưỡng” bởi khỉ mẹ bằng vải ấm áp còn cho thấy sự phát triển xã hội tương đối bình thường khi trưởng thành, trái ngược hoàn toàn với những con khỉ sơ sinh phải ở một mình với khỉ bằng dây kim loại.

Thống nhất với các phát hiện của Harlow, nhà lý luận theo học thuyết gắn bó có ảnh hưởng sâu rộng John Bowlby cũng đã khẳng định là tồn tại một nhu cầu bẩm sinh đối với việc tiếp xúc thể chất trực tiếp với người chăm sóc, bên cạnh khả năng của người chăm sóc trong việc đáp ứng những nhu cầu căn bản của trẻ sơ sinh liên quan đến đói và khát. Bowlby, cũng như trước ông ấy là Lorenz, đã lập luận rằng việc duy trì sự gẫn gũi với người chăm sóc trong giai đoạn còn ẵm ngửa, một giai đoạn tương đối bất lực, là cực kì cần thiết cho sự sống còn của rất nhiều loài động vật.

Chính nhờ những trải nghiệm đầu đời thường xuyên diễn ra với người chăm sóc đáng tin cậy này, nên một mối liên kết tinh thần chặt chẽ có thể phát triển giữa những khái niệm về hơi ấm thể chất và sự ấm áp tâm lý. Quả thực, nghiên cứu gần đây về sinh học-thần kinh của sự gắn bó đã góp phần hỗ trợ cho mối liên hệ được đề xuất giữa cảm giác về nhiệt độ hiển nhiên (qua xúc giác) với cảm giác về sự ấm áp và tin tưởng tâm lý.

Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng vỏ não đảo (insular cortex) có liên quan đến quá trình xử lý thông tin về các phiên bản ấm áp cả về thể chất và tâm lý. Đầu tiên, thùy đảo phía sau mặt lưng hoạt động trong cả cảm giác nhiệt độ và cảm giác đụng chạm. Ví dụ, hoạt động ở vỏ não đảo phía trước bên phải có mối tương quan chặt chẽ với nhận thức được báo cáo của người tham gia bình thường về cường độ nhiệt của tác nhân kích thích, và việc kích thích nhiệt độ ấm với túi chườm nóng (so với kích thích nhiệt trung tính) làm gia tăng hoạt tính của vỏ não đảo đối bên, giữa các vùng khác.

Thùy đảo còn liên quan đến cảm giác tin tưởng, đồng cảm, cũng như những cảm xúc xã hội liên quan đến cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Thật vậy, dường như tồn tại các tế bào chuyên biệt dành cho những chức năng xã hội này mà mới chỉ được quan sát ở hai vùng của não bộ, một trong số đó là vùng vỏ não trước. Sau quá trình loại trừ hoặc chối bỏ xã hội thì thùy đảo được kích hoạt cao hơn là so với sau khi hòa nhập và chấp nhận xã hội, và hoạt động được nâng cao trong võ não trước có liên quan đến việc từ chối những lời đề nghị không công bằng trong một trò chơi về lòng tin kinh tế. Gần đây, căn bệnh tâm thần nghiêm trọng của chứng rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder), với đặc điểm là không có khả năng hợp tác với người khác, đã được chứng minh là có liên quan đến sự thiếu hụt phản ứng khác biệt trong thùy đảo trước đối với hành vi đáng tin cậy so với hành vi không đáng tin ở các đối tác tham gia trò chơi kinh tế.

Vì những lý do lý thuyết và thực nghiệm này, chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng những trải nghiệm xúc giác đơn thuần về sự ấm áp thể chất sẽ kích hoạt những khái niệm hoặc cảm giác về sự ấm áp liên cá nhân. Hơn nữa, việc kích hoạt được gia tăng tạm thời này của các khái niệm ấm áp liên cá nhân sau đó sẽ ảnh hưởng, theo một cách không chủ đích, đến những phán đoán và hành vi đối với người khác mà người đó không nhận biết về ảnh hưởng này.

Những hiệu ứng mồi hoặc hiệu ứng xây dựng tính tiếp cận như vậy, mà ở đó các khái niệm được kích hoạt trong một bối cảnh vẫn tiếp tục hoạt động trong một thời gian ngắn sau đó và ảnh hưởng đến sự đánh giá cũng như hành vi trong các bối cảnh tiếp theo mà không người nào nhận ra, là một yếu tố chính yếu của nghiên cứu tâm lý xã hội đương đại.

Chúng tôi đã tuyển mộ 41 nữ sinh viên đại học da trắng với độ tuổi trung bình là 18,5. Các đối tượng tham gia được chỉ định vào một trong hai điều kiện mồi nhiệt độ. Họ được mồi nhiệt độ bằng cách cầm một cốc cà phê nóng, hoặc một cốc cà phê đá lạnh. Để làm việc này, một người thí nghiệm “trà trộn” (confederate: người tham gia vào một thử nghiệm tâm lý và vờ là người tham gia nhưng thực ra lại làm việc cho các nhà nghiên cứu – ND) không được biết về các giả thuyết của cuộc nghiên cứu đã gặp những người tham gia ở sảnh của tòa nhà tâm lý, tay cầm một cốc cà phê, một bảng tạm, và hai quyển vở. Trong khi đi thang máy lên phòng thí nghiệm ở tầng bốn, người thí nghiệm sẽ ngẫu nhiên nhờ các đối tượng tham gia cầm hộ cốc cà phê một lúc trong khi cô ấy ghi lại tên và thời gian tham gia của họ. Sau khi viết xong thông tin, người này lấy lại chiếc cốc. Nhiệt độ của cốc cà phê (nóng so với lạnh) là thao tác duy nhất giữa các chủ thể.

Khi các đối tượng tham gia đến phòng thí nghiệm, họ nhận được một bao bì bên trong chứa bảng câu hỏi liên quan đến ấn tượng về tính cách, theo quy trình tương tự như trong nghiên cứu của Asch. Những người tham gia đã đọc là “Người A” thông minh, khéo léo, cần cù, quyết đoán, thực tế và thận trọng. Sau đó, họ đánh giá đối tượng mục tiêu trên 10 đặc điểm tính cách bằng cách sử dụng thang đo lưỡng cực/song cực dựa vào một đặc điểm nhất định cùng với đặc điểm tương phản với nó. Một nửa số đặc điểm tính cách có liên quan học đến khía cạnh ấm áp-lạnh lùng về mặt ngữ nghĩa, và nửa còn lại thì không liên quan, một lần nữa vẫn theo quy trình của Asch.

Theo giả thuyết, những người cầm cốc cà phê trong một thời gian ngắn cảm thấy đối tượng mục tiêu ấm áp hơn đáng kể (trung bình = 4,71; 1 = lạnh, 7 = ấm) so với những người cầm cốc cà phê đá lạnh trong một thời gian ngắn [trung bình = 4,25, F(1, 39) = 4,08, P = 0,05]. Thao tác với cà phê không ảnh hưởng đến xếp hạng đối với các đặc điểm không liên quan tới khía cạnh ấm-lạnh [F(1, 39) = 0,67, không đáng kể], và giúp tái tạo những phát hiện của Asch và Kelley trong các minh chứng ban đầu của họ về hiệu ứng ấm-lạnh đối với sự hình thành ấn tượng.

Ảnh hưởng của thao tác cà phê rất cụ thể với những cảm giác về sự ấm áp liên cá nhân và không phải một tâm trạng chung hay hiệu ứng “lan tỏa” (hay hiệu ứng hào quang “halo” effect). Do đó, trải nghiệm thể chất ấm hoặc lạnh trong một thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến những phán đoán, đánh giá liên cá nhân kế tiếp của người tham gia đối với đối tượng mục tiêu theo cách tương tự như việc trình bày các từ “ấm áp” hoặc “lạnh lẽo” được phát hiện là tác động đến sự phán đoán của đối tượng mục tiêu trong nghiên cứu nguyên gốc của Asch; hơn nữa, những người tham gia trong nghiên cứu hiện tại cho thấy không có nhận thức về ảnh hưởng của trải nghiệm thể chất đối với những đánh giá của họ.

Nghiên cứu thứ hai có hai mục tiêu. Đầu tiên, mặc dù người thí nghiệm trong nghiên cứu ban đầu không được biết về các giả thuyết, nhưng đương nhiên là cô ấy vẫn biết về tình trạng thí nghiệm của người tham gia (vì chính bản thân cô ấy cầm cốc cà phê nóng với cốc cà phê đá lạnh), và do đó có thể vô tình đối xử với các đối tượng tham gia trong hai điều kiện một cách khác biệt.

Trong nghiên cứu thứ hai, vấn đề tiềm ẩn này bị loại bỏ thông qua việc sử dụng miếng cao dán trị liệu Icy Hot được người tham gia trực tiếp lấy ra sau khi nhận được tài liệu hướng dẫn; người thí nghiệm không biết gì về tình trạng thí nghiệm trước khi đưa cho các đối tượng tham gia tài liệu hướng dẫn, và không tương tác lại với người tham gia cho đến khi tất cả các biện pháp đo lường phụ thuộc đã được hoàn thành.

Thứ hai, chúng tôi đã tìm cách mở rộng những phát hiện ban đầu từ lĩnh vực phán đoán giữa các cá nhân đến lĩnh vực hành vi của chính người tham gia. Để phù hợp với nghiên cứu chứng minh hệ quả hành vi trực tiếp của những khái niệm được kích hoạt tự động trong quá trình nhận thức xã hội, chúng tôi đã kì vọng những cảm xúc được mồi của sự ấm áp liên cá nhân sẽ không chỉ ảnh hưởng đến phán xét/phán đoán/đánh giá của người khác, mà cả hành vi của một người đối với người khác nữa.

Chúng tôi đã yêu cầu một nhóm gồm 53 người tham gia cầm miếng cao dán trị liệu nóng hoặc lạnh trong một thời gian ngắn dưới vỏ bọc là đánh giá sản phẩm. Sau khi người tham gia đánh giá mức độ hiệu quả của miếng cao dán nóng hoặc lạnh, họ được lựa chọn phần thưởng cho việc tham gia vào nghiên cứu. Sự lựa chọn này cấu thành nên biến phụ thuộc của cuộc nghiên cứu. Những người tham gia được yêu cầu chọn một món đồ uống Snapple, hoặc một phiếu quà tặng trị giá 1 đôla được quy đổi ở cửa hàng kem địa phương. Những phần thưởng này được cơ cấu/dàn xếp như một món quà xã hội lợi ích cho người khác để “khao một người bạn,” hoặc một phần thưởng cá nhân dành cho chính những người tham gia. Điều kiện cơ cấu/dàn xếp/dựng khung được cân bằng/đối trọng sao cho nửa số người tham gia chọn một đồ uống Snapple cho họ và một phiếu quà tặng cho một người bạn, còn nửa còn lại chọn đồ uống Snapple cho bạn và lấy phiếu quà tặng cho bản thân.

Giả thuyết của chúng tôi là các đối tượng tham gia mà đánh giá miếng cao dán nóng sẽ có nhiều khả năng chọn tùy chọn ấm ấp liên cá nhân hơn hay cụ thể là chọn phần thưởng cho một người bạn, còn những người tham gia đánh giá miếng cao dán lạnh dễ chọn phần thưởng cho chính họ. Thống nhất với dự đoán này, một sự tương tác đáng kể đã được thu thập giữa nhiệt độ miếng cao dán và điều kiện cơ cấu (hồi quy logistic B = 2,85, P < 0,05), do đó, dù là loại quà nào (Snapple hay kem), thì những người tham gia được mồi sự lạnh lẽo về thể chất cũng có nhiều khả năng chọn quà cho bản thân mình (75%) hơn là lấy quà cho bạn (25%), trong khi đó thì những người được mồi sự ấm áp thể chất dễ chọn quà cho bạn (54%) hơn là lấy quà cho chính mình (46%), Không có tác động chính của điều kiện nhiệt độ hoặc điều kiện cơ cấu/dàn xếp với sở thích quà tặng.

Tóm lại, những trải nghiệm nhiệt độ thể chất thực chất tác động đến ấn tượng của một người về hành vi xã hội với người khác, mà người này không nhận thức được những ảnh hưởng, tác động đó. Những phát hiện này phù hợp với kiến thức mới nổi về vai trò của thùy đảo trong cả cảm giác của trạng thái sinh lý của một người (chẳng hạn như nhiệt độ da) và khả năng phát hiện mức độ tin cậy của người khác, từ đó góp phần hỗ trợ luận điểm của Bowlby về việc những trải nghiệm thời thơ ấu về sự ấm áp thể chất từ người chăm sóc là hết sức cần thiết cho sự phát triển bình thường của khả năng phát hiện sự ấm áp thể chất và hành vi liên cá nhân ở người trưởng thành. Nửa thế kỷ sau khi Asch đề cập đến những trực giác ban đầu của mình, chúng ta bắt đầu hiểu được lý do vì sao khía cạnh ấm-lạnh lại là trung tâm của nhận thức và hành vi giữa các cá nhân.

Lời cảm ơn

Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến P. Bloom, J. Gray, F. Keli, E. Morsella, A. Poehlman, P. Winkielman, S. Gottlieb, K Connolly, S. Hennessey, và sự tài trợ của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Học bổng Nghiên cứu Sau đại học của NSF, và Học bổng Nghiên cứu Tài chính Whitebox của Trung tâm Quốc tế Yale.

– – –

  • Bài gốc: Experiencing Physical Warmth Promotes Interpersonal Warmth
  • Tác giả: Lawrence E. Williams, và John A. Bargh
  • DOI: 10.1126/science.1162548
  • Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng

Leave a Comment