Tóm tắt sơ lược
Bài viết này nghiên cứu những tiền đề giữa các cá nhân (interpersonal) và trong nội tâm (intrapersonal) của một người cùng với các hệ quả của việc cung cấp thực phẩm (food offering). Cung cấp thực phẩm là một trong những tương tác điều chỉnh/điều tiết hành vi sinh học sớm nhất (ealiest biobehavioral regulatory) giữa cha mẹ và con cái. Nó đảm bảo sự sống của đứa trẻ mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác để có thể nhận được thực phẩm. Chất lượng của những tương tác ban đầu này ảnh hưởng đến cách mọi người phản ứng với các tình huống trong cuộc sống sau này, và việc cung cấp thực phẩm nói riêng có thể liên quan mật thiết đến sự điều tiết/điều chỉnh cảm xúc xuyên suốt cuộc đời. Trong khi các nghiên cứu đã xem xét nhiều dạng điều tiết cảm xúc khác, và việc tiêu thụ thực phẩm cũng đã được nghiên cứu từ quan điểm nội tâm/hướng nội (intrapersonal), nhưng chúng ta lại chưa biết gì nhiều về ảnh hưởng giữa các cá nhân/liên cá nhân (interpersonal) của việc cung cấp thực phẩm. Sau khi xem xét tài liệu từ một loạt các ngành kiến thức, chúng tôi cho rằng cơ chế ẩn sau những ảnh hưởng này chính là sự điều tiết cảm xúc đồng cảm (Empathic Emotion Regulation / EER). Chúng tôi khái niệm hóa EER như một hệ thống điều tiết/điều chỉnh giữa các cá nhân mà trong đó phản ứng đồng cảm với trạng thái cảm xúc của người khác có thể sẽ điều chỉnh cả cảm xúc của người cung cấp và giữa các đối tượng/đối tác tương tác khác. Chúng tôi đề xuất rằng việc cung cấp thực phẩm bởi một người cung cấp đồng cảm được thúc đẩy bởi trạng thái cảm xúc của đối tượng tương tác (người nhận). Thông qua việc cung cấp thực phẩm, người cung cấp không chỉ nhắm đến việc giảm bớt tác động tiêu cực của người nhận mà còn của chính họ nữa. Do đó, việc cung cấp thực phẩm trở thành một công cụ giúp làm tăng tác động tích cực với cả người nhận và – khi sự cung cấp đạt được hiệu quả mong muốn – người cung cấp. Sau đó, chúng tôi đưa ra ý kiến rằng việc chia sẻ các nguồn thực phẩm cũng như sử dụng thực phẩm như một hành vi hỗ trợ sẽ làm tăng sự gần gũi giữa các cá nhân (interpersonal closeness). Cuối cùng, chúng tôi trình bày quá trình cung cấp thực phẩm trong một quan điểm phát triển. Nếu thành công về mặt điều chỉnh của việc cung cấp thực phẩm trở thành một sự thay thế cho các hành vi hỗ trợ khác, thì trẻ em từ rất sớm đã học được cách sử dụng thực phẩm như một phương tiện chính yếu để xoa dịu bản thân cùng với những người khác, từ đó có thể dẫn đến rối loạn ăn uống (eating disorders) và một phạm vi hành vi đối phó bị hạn chế.
Bác sĩ của tôi khuyên tôi không nên tiếp tục tham gia vào các bữa tối dành cho bốn người trừ khi có thêm ba người khác.
–Orson Welles
(trong cuốn Ăn sáng ở Paris, Ăn trưa ở Rome, Ăn tối ở London, trang 233 của Giriodi)
Thực phẩm là một nhu cầu cơ bản của con người mà ảnh hưởng đến cả trạng thái sinh lý lẫn cảm xúc của chúng ta. Như vậy, việc tìm kiếm và tiêu thụ thực phẩm đã định hình nên hành vi của con người và động vật. Mọi người cảm nhận mạnh mẽ về sở thích thực phẩm cá nhân của mình và về nền văn hóa ẩm thực mà ở đó họ được nuôi dưỡng. Hành vi ăn uống không chỉ xoay quanh dinh dưỡng và việc giảm bớt cảm giác đói bụng; gia đình, bạn bè, và di sản văn hóa cũng góp phần định hình nên sở thích thực phẩm của mỗi một cá nhân. Việc cung cấp thực phẩm có thể được sử dụng để bày tỏ tình cảm với những người thân yêu, để thể hiện sự hiếu khách với người lạ, hoặc để theo sát hay biểu hiện đức tin tôn giáo. Bài viết này sẽ khám phá những đặc điểm giữa các cá nhân của hoạt động cung cấp thực phẩm, và nghiên cứu thành phần cảm xúc liên quan đến việc cung cấp và tiếp nhận thực phẩm. Như đã được minh họa bởi đoạn trích dẫn từ cuốn sách của Orson Welles, chúng tôi kêu gọi các nhà nghiên cứu thực phẩm không nên bỏ qua tầm quan trọng của những người khác tại bàn ăn.
Từ khi còn rất sớm, trẻ sơ sinh đã học được cách liên kết thực phẩm với việc dỗ dành, xoa dịu và với các tương tác xã hội. Những đặc tính sinh lý của thực phẩm ảnh hưởng đến tâm trạng theo cách thông qua các chất dẫn truyền thần kinh, và phản ứng hệ nội tiết. Việc tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm đã được chứng minh là có khả năng làm giảm cảm giác bất lực, trầm cảm, mất kiểm soát, và đau khổ, đồng thời còn giảm căng thẳng, và tăng cảm giác phấn chấn. Ngoài các tác dụng sinh lý, thực phẩm còn có khả năng tăng cường ảnh hưởng tích cực bằng cách liên kết với các tình huống hoặc bối cảnh. Các mặt hàng thực phẩm không chỉ đơn thuần đại diện cho một phương tiện tạo sự thỏa mãn và cảm giác no, mà chúng còn có thể tượng trưng cho sự thoải mái hoặc phần thưởng. Ví dụ, mở một chai champagne thường là dấu hiệu của việc ăn mừng một sự thành công, và việc ăn (cực nhiều) kem thường tượng trưng cho sự an ủi sau khi bị thất vọng. Cho đến nay, việc sử dụng thực phẩm để điều tiết cảm xúc chủ yếu được nghiên cứu từ quan điểm/góc độ nội tâm, và xem xét những ảnh hưởng cảm xúc của một cá nhân. Tuy nhiên, khả năng mọi người có thể trải nghiệm những ảnh hưởng/hiệu ứng cảm xúc vì những quá trình điều tiết giữa các cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm cũng xứng đáng được nghiên cứu tỉ mỉ hơn.
Các loại thực phẩm mà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được tiếp cận phụ thuộc chủ yếu, nếu không muốn nói là hoàn toàn, vào những gì người khác cung cấp cho chúng. Sau này, mọi người chuẩn bị và cung cấp thực phẩm cho bạn bè, người quen, người yêu, con cái, và đôi khi cả người lạ nữa. Những loại thực phẩm được cung cấp có thể thay đổi như một chức năng của việc biểu thị cảm xúc của người khác và thường là một phép ẩn dụ cho sự thoải mái, khen thưởng, hoặc lễ kỉ niệm. Trong bài viết này, chúng tôi cho rằng việc cung cấp thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong thứ mà chúng tôi gọi là điều tiết cảm xúc đồng cảm (EER). Theo chúng tôi thì hành động cung cấp thực phẩm được thúc đẩy bởi – và là kết quả của quá trình điều tiết – trạng thái cảm xúc của cả người cung cấp lẫn người nhận. Chúng tôi cũng đề xuất rằng việc cung cấp các nguồn thực phẩm cũng như việc sử dụng thực phẩm như một hành vi hỗ trợ sẽ làm tăng sự gần gũi giữa các cá nhân.
Trong các phần sau, chúng tôi xem xét các tài liệu và giới thiệu một mẫu/mô hình khái niệm mới mà có thể dẫn dắt các nghiên cứu trong tương lai. Trong phần “Thực phẩm và sự điều tiết cảm xúc,” chúng tôi đánh giá những tài liệu về thực phẩm cũng như quá trình điều tiết cảm xúc từ một loạt các ngành kiến thức. Trong phần “Các khía cạnh xã hội của việc ăn uống” và “Điều tiết cảm xúc bằng thực phẩm quen thuộc mang lại sự thoải mái,” chúng tôi tranh luận rằng giữa hành vi ăn uống và những quá trình giữa các cá nhân có sự gắn bó mật thiết với nhau và, trong phần “Điều tiết cảm xúc đồng cảm,” chúng tôi đề xuất rằng EER là gốc rễ của sự kết nối này. Trong phần “EER thông qua việc cung cấp thực phẩm,” chúng tôi đưa ra quan điểm của mình về cách EER thông qua việc cung cấp thực phẩm có thể làm giảm tác động tiêu cực, tăng tác động tích cực và làm tăng cả sự gần gũi giữa các cá nhân. Cuối cùng, chúng tôi cho rằng EER thông qua việc cung cấp thực phẩm có thể dẫn đến những hệ quả chức năng và cả rối loạn chức năng, và gợi ý trong phần “Hướng dẫn tương lai” rằng việc liên kết chức năng của thực phẩm giữa các cá nhân trong nghiên cứu tương lai sẽ tạo điều kiện cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự phát triển của việc ăn uống không điều độ.
Thực phẩm và sự điều tiết cảm xúc
Động lực để ăn không chỉ đơn thuần được thúc đẩy bởi ham muốn dành cho các chất dinh dưỡng và cảm giác no cùng sự thỏa mãn; các quá trình cảm xúc và sinh lý cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trạng trái cảm xúc tác động đến thời điểm chúng ta ăn, đến lượng chúng ta ăn, và đến các loại thực phẩm mà ta chọn tiêu thụ. Đổi lại, việc tiêu thụ thực phẩm lại tác động đến các trạng thái cảm xúc tiếp theo. Thậm chí ở trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi thì dung dịch sucrose (saccarose) cũng mang lại hiệu quả làm dịu. Mọi người thay đổi môi hình ăn uống của họ như một cách phản ứng lại những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi những sự việc phiền phức hàng ngày gia tăng thì nữ giới với phản ứng cortisol cao sẽ tăng lượng thực phẩm tiêu thụ của họ. Những người bị căng thẳng báo cáo là ăn nhiều thực phẩm kiểu đồ ăn nhẹ/món ăn vặt giàu năng lượng hơn, và những người không giải được trò chơi đảo chữ thì ăn nhiều sôcôla và ăn ít nho hơn những người giải được trò đảo chữ. Một trạng thái tâm trạng chán nản sẽ làm tăng cảm giác thèm sôcôla và các món ngọt. Michels cùng cộng sự nhận ra rằng trẻ em phản ứng với các vấn đề bằng cách tiêu thụ nhiều đồ ăn ngọt và chứa hàm lượng chất béo cao hơn, đồng thời cũng ăn ít rau củ và trái cây hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc ăn uống – hoặc lựa chọn các những loại thực phẩm nhất định thay cho những loại khác – có thể thực sự làm giảm trạng thái tâm lý tiêu cực. Markus và đông nghiệp (1998) đã cho thấy rằng một chế độ dinh dưỡng giàu carbohydrate và ít protein có khả năng làm giảm cảm giác bất lực, trầm cảm, mất kiểm soát, và đau buồn bằng cách làm tăng nồng độ serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh – ND) trong cơ thể. Dallman cùng cộng sự (2003) đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ thực phẩm có thể hoạt động như một hình thức tự dùng thuốc/tự chữa trị, trong đó các glucocorticoid (hormone do tuyến vỏ thượng thận sản xuất – ND) gây ra bởi sự căng thẳng làm tăng sự thôi thúc dành cho chất béo và insulin. Đổi lại, việc tiêu thụ chất béo và insulin dẫn đến sự sụt giảm trong hoạt động của trục hạ đồi thị – tuyến yên – tuyến thượng thận (trục HPA, kiểm soát phản ứng thần kinh nội tiết đối với sự căng thẳng).
Ngay cả khi không có sự xuất hiện của các tác nhân gây căng thẳng trực tiếp thì nhiều loại thực phẩm dường như vẫn có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng. Macht và Dettmer (2006) đã yêu cầu những người tham gia ghi chép lại trạng thái tâm trạng của họ hai lần mỗi ngay trong vòng một tuần sau khi tiêu thụ một quả táo, một thanh sôcôla, hoặc không ăn bất cứ món gì. Mặc dù ít hơn so với sôcôla, nhưng táo cũng tăng cường tâm trạng của các đối tượng tham gia khi so sánh với nhóm đối chứng không tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm nào. Vì các món ngọt đã được chứng minh là có thể làm giảm căng thẳng và sự nhạy cảm đối với cơn đau, Smith cùng cộng sự (1990) đã đề xuất rằng các hệ thống opioid chịu trách nhiệm cho tác dụng của morphine cũng có thể giải thích hiệu quả giảm đau của đường ở trẻ sơ sinh. Bởi thế, các loại thực phẩm đều gắn liền với những tác dụng nâng cao và cải thiện tâm trạng.
Các khía cạnh xã hội của hoạt động ăn uống
Sở thích thực phẩm không được định hình trong sự cô lập, tách biệt; ăn uống là một hành vi xã hội vốn có. Một bữa ăn được chia sẻ với người khác được coi trọng hơn và được đánh giá là một bữa ăn phù hợp hơn so với việc ăn uống một mình. Trẻ sơ sinh phụ thuộc hoàn toàn vào những người chăm sóc trong việc cung cấp thực phẩm, và trẻ dần hình thành một phản xạ có điều kiện mà từ đó chúng biết liên kết sự hiện diện của người khác với việc nhu cầu của chúng sẽ được đáp ứng. Chọn lọc theo huyết thống/dòng dõi (kin selection) đưa ra một lời giải thích khác cho việc vì sao mọi người lại sẵn sàng để bị thiệt phần thức ăn của mình vì lợi ích của việc nuôi dưỡng các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, việc chia sẻ thức ăn dường như cũng là đặc điểm thích nghi cao ngay cả giữa những người không phải thành viên trong cùng một gia đình ở chỗ nó tạo điều kiện thúc đẩy sự hợp tác, cho phép duy trì mối quan hệ, và tạo ra cơ hội ghép đôi. Vì thế, mọi phí tổn của hoạt động chia sẻ các nguồn thực phẩm với người khác, kể cả người lạ, đều bị lấn át bởi những lợi ích xã hội mà việc cung cấp thực phẩm mang lại.
Mức độ hành vi ăn uống bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của người khác được nêu bật trong một nghiên cứu nhật ký cho thấy rằng mối quan hệ với ai đó càng thân thiết thì bữa ăn khi có mặt người đó càng lớn. Ví dụ, mọi người có xu hướng ăn những bữa lớn với các thành viên trong gia đình và bạn thân hơn là với đồng nghiệp hoặc bạn cùng lớp. Kích thước bữa ăn giảm dần khi sự thân mật xã hội giảm, trong đó thì những bữa ăn được tiêu thụ một mình là có kích thước nhỏ nhất. Đi đôi với các kết quả này, Koh và Pliner (2009) đã phát hiện thấy rằng những người tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khi ăn cùng một người bạn thì tiêu thụ nhiều mì Ý hơn là khi ăn với một người lạ. Sự xao lãng và thời gian dùng bữa tăng không thể giải thích hoàn toàn hiệu ứng tạo điều quan trọng quyết định lượng thực phẩm tiêu thụ (tăng). Hermans cùng cộng sự (2012) phát hiện thấy rằng những người tham gia bắt chước người mà họ đang dùng bữa cùng, mỗi khi người kia ăn thì họ cũng ăn một miếng thay vì ăn theo tốc độ của chính họ. Howland và đồng nghiệp (2012) chỉ ra rằng việc được tiếp xúc với hành vi ăn uống của bạn bè đã ảnh hưởng đến hành vi ăn uống sau đó ngay cả khi ở một mình, điều này cho thấy rằng hành vi ăn uống của người khác có thể báo hiệu một quy tắc, chuẩn mực xã hội (ví dụ, ăn theo các phần nhỏ) đủ mạnh để chuyển sang các thiết lập phi xã hội.
Nghiên cứu cho thấy rằng các mối quan hệ xã hội không chỉ ảnh hưởng đến hành vi ăn uống, mà rằng hành vi ăn uống cũng có thể là một sự phản ánh của – hoặc thậm chí giúp củng cố – các mối quan hệ. Ví dụ, khi hai người mời nhau ăn, những người quan sát đã đánh giá mối quan hệ của họ gần gũi hơn là khi không có sự cung cấp thực phẩm. Nếu hai người chia sẻ thức ăn bằng các đút cho nhau ăn thì những người quan sát đánh giá mối quan hệ của họ thậm chí còn thân mật hơn nữa. Dựa vào những phát hiện này, Miller cùng cộng sự (1998) đã kết luận rằng việc chia sẻ thức ăn và cho ăn là những dấu hiệu phi ngôn ngữ quan trọng của tình bạn cũng như của một mối quan hệ tình cảm. Alley (2012) và Alley cùng đồng nghiệp (2013) đã nhân bản những kết quả này và, ngoài ra, còn phát hiện thấy rằng những người tham gia nhận thức việc chia sẻ thức ăn của mọi người cũng đồng nghĩa với việc họ được thu hút với nhau hơn. Thống nhất với những phát hiện này, Kniffin và Wansink (2012) nhận thấy rằng những người tưởng tượng đối tác của họ chia sẻ bữa ăn với một tình địch/đối thủ tiềm năng thường cảm thấy ghen tuông hơn là khi hình dung bạn tình/vợ chồng/đối tác của họ trong một tương tác mặt đối mặt với tình địch mà không dùng bữa. Sobal và đồng nghiệp (2002) phát hiện thấy rằng những bữa ăn chung là một khía cạnh quan trọng của hành vi tìm hiểu/tán tỉnh, và mọi người thường xuyên ăn chung hơn khi sự cam kết gia tăng. Việc chia sẻ bữa ăn với họ hàng được coi là cách chính yếu để kết thân với gia đình của người kia – và là tín hiệu cho thấy rằng mối quan hệ này ngày càng nghiêm túc – trong khi việc hẹn hò chủ yếu xoay quanh việc ăn uống cùng nhau tại nhà hàng hoặc ở nhà của một trong hai người. Nhìn chung, những phát hiện này nhấn mạnh rằng mọi người nhận thức việc chia sẻ thực phẩm như một dấu hiệu quan trọng của – và là phương tiện để thiết lập và tăng cường – sự thân mật, tình bạn cũng như tình yêu.
Điều tiết cảm xúc bằng thực phẩm quen thuộc tạo cảm giác thoải mái (comfort food)
Troisi và Gabriel (2011) cho rằng khía cạnh xã hội của hoạt động ăn uống là một lý do quan trọng cho khả năng điều tiết cảm xúc của thực phẩm. Để cung cấp cho trẻ sơ sinh sự chăm sóc an toàn và đảm bảo, nhu cầu của trẻ sơ sinh đối với thực phẩm, sự ấm áp, giấc ngủ, sự xoa dịu, v.v., cần được điều chỉnh theo cách đáp ứng và nhạy bén. Theo đó, trẻ em dần biết cách liên kết việc nhu cầu của chúng cần được đáp ứng (ví dụ như cảm thấy ấm áp hoặc no nê) với các tín hiệu xã hội liên quan đến sự hiện diện và chăm sóc của người khác. Các cảm xúc cùng kỳ vọng trong cuộc sống sau này có liên quan đến những tương tác điều tiết thời thơ ấu này. Ví dụ như ở chuột con, các hành vi liếm láp, chăm sóc và vệ sinh lông của chuột mẹ là những yếu tố quan trọng trong sự phát triển hệ thống phản ứng căng thẳng của chuột con. Khi chuột con bị tách khỏi chuột mẹ, trục HPA của chúng không còn được điều chỉnh thông qua sự chăm sóc và cung cấp hơi ấm của chuột mẹ nữa. Sự vắng mặt của chuột mẹ có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn trong trục HPA, mà về lâu về dài có thể dẫn đến sự gia tăng trong nguy cơ mắc bệnh. Ở người, những tương tác điều chỉnh đầu đời cũng liên quan đến hệ thống phản ứng căng thẳng. Ngoài ra, Hofer (2006) đã cho thấy rằng thông qua các quá trình điều hòa và thiết lập những lược đồ cũng như biểu hiện tinh thần, ảnh hưởng sinh lý của các tương tác điều tiết giữa cha mẹ và con cái trở nên gắn kết với các khái niệm sinh lý liên quan đến những mối quan hệ gần gũi.
Đồng tình với ý tưởng về việc các quá trình sinh lý và tâm lý có liên quan với nhau, tài liệu về nhận thức được biểu hiện đã nhấn mạnh sự tương tác/tác động lẫn nhau giữa cơ thể, môi trường, và tâm trí. Theo Barsalou (1999), các trải nghiệm được cố định trong một tình huống, chẳng hạn như thông tin theo ngữ cảnh được mã hóa trong mối quan hệ với nhận thức (thông tin cảm giác), hành động (thông tin về các đặc tính không gian và sự vận động), và sự tự suy xét/quán chiếu nội tâm (các trạng thái tinh thần, ảnh hưởng, và động lực). Việc sử dụng và kết hợp thông tin từ nhiều phương thức khác nhau có thể tạo điều kiện cho việc học hỏi và hỗ trợ trong việc thể hiện các khái niệm trừu tượng. Ví dụ, trẻ em trải nghiệm sự ấm áp thể chất khi ai đó chăm sóc chúng, việc đó sau một thời gian có thể tạo ra mối tương quan giữa sự gần gũi về mặt xã hội và sự ấm áp về mặt thể chất. Khả năng kết hợp kinh nghiệm nền tảng về sự ấm áp thể chất với khái niệm trừu tượng về tình bạn tạo điều kiện cho việc thể hiện tri thức. Theo đó, Zhong và Leonardelli (2008) nhận thấy rằng khi mọi người phải chịu sự loại trừ và từ chối của xã hội, họ cảm thấy lạnh lẽo và thèm khát thức ăn ấm nóng, có lẽ như là một phương tiện để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt sự gần gũi xã hội. Tương tự, kinh nghiệm/trải nghiệm nền tảng về việc nếm một thứ gì đó đắng (ghê tởm về mặt thể xác) đã được chứng minh là làm khơi gợi cảm giác ghê tởm về mặt tinh thần, trong khi việc nếm thứ gì đó ngọt lại làm tăng sự dễ chịu cũng như các hành vi hướng cộng đồng. Những phát hiện này hỗ trợ ý kiến cho rằng những trải nghiệm thể chất chẳng hạn như cung cấp và chia sẻ thực phẩm có thể kích hoạt các khái niệm trừu tượng bậc cao hơn liên quan đến các mối quan hệ (gần gũi).
Nhận thức được biểu hiện có thể đặc biệt liên quan đến các loại thực phẩm quen thuộc (comfort food) – “một loại thực phẩm cụ thể được tiêu thụ trong một tình huống cụ thể để có được sự thoải mái về tâm lý.” Troisi và Gabriel (2011) cho rằng sự hấp dẫn của việc ăn thực phẩm quen thuộc có thể nảy sinh từ mối liên hệ của nó với sự gần gũi xã hội, do lịch sử thường xuyên tiêu thụ những loại thực phẩm này khi có mặt những đối tác quan hệ thân thiết. Quả thực, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng các cấu trúc liên quan đến mối quan hệ được kích hoạt trong số những người tham gia tiêu thụ thực phẩm quen thuộc (súp gà), nhưng không phải trong số những người tham gia không ăn gì. Thú vị là ở chỗ, họ cũng nhận thấy rằng ảnh hưởng của mối đe dọa thuộc về cảm giác cô độc được giảm bớt khi những người tham gia được hướng dẫn viết về trải nghiệm ăn một món ăn mà họ coi là thực phẩm quen thuộc đem lại cảm giác thoải mái. Các tác giả kết luận rằng “sức mạnh cảm xúc của thực phẩm quen thuộc bắt nguồn từ chính sự liên kết của nó với các mối quan hệ và được hiện thực hóa trong khuynh hướng giảm thiểu cảm giác đơn độc.” Tuy nhiên, với những người tham gia với phong cách gắn bó không an toàn/không vững chắc thì thực phẩm quen thuộc không làm giảm cảm giác cô đơn, có lẽ là do những tương tác giữa người chăm sóc – con trẻ không cho phép hình thành các biểu hiện tinh thần tích cực của sự thân thiết giữa các cá nhân thông qua lượng thực phẩm tiêu thụ.
Lupton (1994) đã giải nghĩa rằng tác dụng cảm xúc của thực phẩm được khắc sâu trong ký ức, cho dù đó là những ký ức về hoàn cảnh xã hội mà ở đó thực phẩm được tiêu thụ, hay những ký ức về sự xoa dịu và các mối quan hệ thân thuộc với tầng lớp, dân tộc hoặc nhóm tôn giáo của một người mà các loại thực phẩm cụ thể có thể đại diện hay thể hiện. Trong thực tế, thực phẩm làm tròn vai trò an ủi ngay cả trong những tình huống đau buồn nhất, những tình huống mà thực phẩm không còn bất cứ một giá trị dinh dưỡng nào nữa. Ví dụ như theo thông lệ ở Mỹ thì tử tù được phép yêu cầu một bữa ăn cuối cùng trước khi bị xử tử. Một phần tích về 193 bữa ăn cuối cùng cho thấy sở thích đối với những bữa ăn cực giàu chất béo và carbohydrate (trung bình 2756 calo) và khuynh hướng yêu cầu các món ăn quen thuộc, chẳng hạn như những hãng và các loại thực phẩm cụ thể phổ biến ở các khu vực miền Nam nước Mỹ, chẳng hạn như đồ chiên rán, xà lách trộn, và bánh nướng. Các tác giả cho rằng – thống nhất với kết quả của Zhong và Leonardelli – nhất là trong một bổi cảnh cực đoan của sự khai trừ xã hội, việc lựa chọn những món ăn thân thuộc với cộng đồng của một người có thể cung cấp cảm giác thoải mái, và sự kết nối xã hội mặc dù chỉ là tượng trưng.
Locher cùng cộng sự (2005) đã thiết kế một nghiên cứu chuyên sâu để xem xét cách sở thích thực phẩm được định hình bởi những mối quan hệ giữa các cá nhân như thế nào. Họ yêu cầu học sinh/sinh viên mang thực phẩm yêu thích đến lớp – những món ăn khiến họ thấy dễ chịu hoặc làm khuây khỏa. Các học sinh/sinh viên cũng được yêu cầu giải thích lý do vì sao họ chọn những món này. Các tác giả đã xác định được bốn danh mục thực phẩm quen thuộc tạo cảm giác thoải mái. Thực phẩm hoài niệm củng cố mối quan hệ văn hóa và gia đình. Những người tham gia lưu ý rằng nhất là khi họ phải rời xa gia đình và bạn bè, thì việc tiêu thụ thực phẩm hoài niệm (chẳng hạn như cánh gà liên quan đến những buổi tề tựu đông đủ của cả gia đình) đã giúp họ củng cố ý thức về bản thân và quan niệm rằng họ là một phần của một nhóm xã hội. Thực phẩm nuông chiều bao gồm những món xa xỉ (đơn cử như sushi) và/hoặc các loại thực phẩm có nhiều calo, chất béo, hoặc đường (chẳng hạn như bánh phô mai). Thực phẩm tiện lợi đáp ứng nhu cầu thỏa mãn tức thời (ví dụ như khoai tây chiên hoặc pizza đông lạnh). Cuối cùng, thực phẩm quen thuộc thể chất được mô tả là đem lại sự thoải mái về kết cấu hoặc nhiệt độ (ví dụ như kẹo bông hoặc súp nóng).
Ngoài ra, thực phẩm quen thuộc đem lại cảm giác thoải mái còn có những đặc tính cụ thể. Đầu tiên, nó khơi gợi cảm giác thân thuộc. Thứ hai, thực phẩm quen thuộc thường được dành riêng cho những dịp cụ thể (chẳng hạn như những lúc cảm thấy buồn hoặc căng thẳng). Thứ ba, và quan trọng nhất, mặc dù thực phẩm quen thuộc có liên quan đến những tương tác xã hội tích cực trong quá khứ, nhưng các học sinh/sinh viên đã báo cáo rằng họ tiêu thụ chúng khi chỉ có một mình. Những kết quả này nhất quán với phát hiện của Troisi và Gabriel về việc thực phẩm quen thuộc là “thực phẩm được yêu thích, là một truyền thống gia đình, một truyền thống văn hóa, là món mà bạn ăn trong kì nghỉ lễ, món cả gia đình cùng ăn trong một sự kiện quan trọng, là một phần quá khứ của người tham gia, hay là một lời gợi nhớ về quê nhà, về mái ấm.” Các loại thực phẩm được cung cấp trong một bối cảnh tích cực, giữa các cá nhân thường có khả năng kích hoạt những cảm xúc tích cực theo ngữ cảnh và cảm giác thân thuộc trong những lần tiêu thụ sau này.
Điều tiết cảm xúc đồng cảm
Thực phẩm có vẻ là một phương tiện hiệu quả trong việc điều tiết cảm xúc nội tâm vì các đặc tính sinh lý và tâm lý của nó. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là mặc dù các tác động/tác dụng điều tiết của thực phẩm bắt nguồn từ những tương tác giữa các cá nhân, nhưng thành phần xã hội này, theo vốn hiểu biết của chúng tôi, lại nhận được rất ít sự quan tâm chú ý từ khoa học. Nếu mọi người sử dụng thực phẩm để điều tiết cảm xúc của chính họ, thì quá trình điều tiết/điều chỉnh cảm xúc cũng có thể làm cơ sở cho việc cung cấp thực phẩm của mọi người. Chúng tôi cho rằng một cơ chế chịu trách nhiệm cho việc cung cấp thực phẩm là sự điều tiết cảm xúc đồng cảm (EER). EER có thể được coi là một hệ thống điều tiết giữa các cá nhân mà trong đó phản ứng đồng cảm với trạng thái cảm xúc của người khác không chỉ giúp điều chỉnh cảm xúc của người cung cấp, mà còn qua các đối tác tương tác nữa. Hình 1 cung cấp ví dụ về quá trình này. EER thông qua việc cung cấp thực phẩm có thể tự củng cố chính nó; mỗi khi một loại thực phẩm/món ăn được sử dụng thành công như một công cụ điều tiết, việc này có thể làm tăng mối quan hệ giữa thực phẩm với nhiều ảnh hưởng tích cực hơn và ít tác động tiêu cực hơn. Do đó, khả năng một người sử dụng thực phẩm để điều tiết cảm xúc trong các bối cảnh xã hội cũng gia tăng.
Hình 1: Ví dụ về quá trình điều tiết cảm xúc đồng cảm thông qua việc cung cấp thực phẩm
Ghi chú:
- Person is distressed: Một người đang đau khổ
- Provider experiences empathic concern: Người cung cấp tỏ ra quan tâm thấu cảm
- Provider experiences personal distress: Người cung cấp trải nghiệm sự đau khổ cá nhân
- Provider comforts by offering food: Người cung cấp an ủi bằng cách cung cấp thực phẩm
- Receiver experiences decrease in distress/increase in possitive affect: Người nhận bớt đau buồn/tăng tăng ảnh hưởng/hiệu quả tích cực
- Provider experiences decrease in affective arousal: Người cung cấp trải qua sự giảm thiểu trong việc kích thích cảm xúc
- Both target and provicer feel closer to one another: Cả người nhận và người cung cấp đều thấy gần gũi, thân thiết với nhau hơn
- Interpersonal: Giữa các cá nhân
- Intrapersonal: Nội tâm
Mọi người được thúc đẩy điều tiết cảm xúc của chính họ, nhưng sự đồng cảm – khả năng thấu hiểu và phản ứng sao cho tương ứng, thích hợp với cảm xúc của người khác – cũng kích thích động lực để điều tiết cả cảm xúc của người khác. Các tài liệu chỉ ra rằng sự đồng cảm bao gồm cả phản ứng nhận thức lẫn phản ứng cảm xúc. Việc biết nhìn nhận từ quan điểm của người khác (perspective taking) – cố gắng hiểu trạng thái cảm xúc của người khác – giúp chúng ta thông cảm, bày tỏ mối quan tâm lo ngại, và động lòng trắc ẩn với những người gặp khó khăn cần giúp đỡ. Đổi lại, những cảm xúc quan tâm đồng cảm này lại thôi thúc việc đưa ra hành vi hỗ trợ và giúp đỡ xuất phát từ những lý do vì người khác (ví dụ, lòng trắc ẩn, sự thương hại). Song, việc hình dung ta đang ở trong vị trí của một người phải chịu đau khổ (tưởng tượng xem ta sẽ cảm thấy thế nào trong tình cảnh này với người đó sẽ cảm thấy ra sao) có thể dẫn đến sự khó chịu và nỗi đau buồn cá nhân. Do đó, mọi người được thúc đẩy làm giảm sự kích động của chính họ, điều này có thể kích thích việc giúp đỡ bởi những lý do vì bản thân mình hơn (ví dụ, tránh hưởng thụ các cảm giác tiêu cực). Davis (1994) đã chỉ ra rằng mối quan tâm thấu cảm và nỗi đau buồn cá nhân không loại trừ lẫn nhau, và rằng chúng khơi gợi hành vi hỗ trợ. Việc giúp đỡ cũng như các hành vi hỗ trợ khác làm giảm bớt nỗi thống khổ và đau đớn của người tiếp nhận sự hỗ trợ; một khi người cung cấp hỗ trợ không còn phải đối mặt với một người đang gặp khó khăn nữa thì sự khó chịu và kích động cá nhân liên quan cũng sẽ thuyên giảm. Do đó, hành vi hỗ trợ giúp điều tiết cảm xúc của người đang gặp khó khăn, đau khổ cũng như sự kích động do mối quan tâm thấu cảm gây ra.
Ví dụ, việc chứng kiến sự thất vọng của đối tác khi không được thăng chức sau một thời gian dài có thể kích thích cả cảm giác đau buồn cá nhân lẫn lo ngại đồng cảm, điều này có thể thúc đẩy EER thông qua việc cung cấp/mời các loại thực phẩm như bánh quy. Do vậy, hiệu ứng tiêu cực của đối tác có thể thuyên giảm, còn ảnh hưởng tích cực lại gia tăng, nhờ vào sự kết hợp giữa các tác động sinh lý và những mối liên hệ tích cực với bánh quy trong quá khứ. Cũng nhờ đó mà sự đau khổ và kích động của người cung cấp cũng giảm bớt. Cuối cùng, những sự gắn kết trong quá khứ mà tồn tại ở cả người cung cấp lẫn người nhận với bánh quy cũng như các mối quan hệ xã hội (chẳng hạn như nướng bánh với bố hoặc mẹ, ăn chúng tại các bữa tiệc, chia sẻ chúng với bạn bè) cùng với việc cung cấp cấp/tiếp nhận sự hỗ trợ mà khiến cả hai cảm thấy dễ chịu, khuây khỏa hơn có thể dẫn đến cảm giác mỗi lúc một gần gũi, thân thiết giữa các cá nhân.
EER thông qua việc cung cấp thực phẩm
Tất nhiên, có rất nhiều cách khác nhau để hỗ trợ người khác, chẳng hạn như khuyến khích động viên, đưa ra lời khuyên, giúp đỡ một nhiệm vụ, hay bày tỏ sự đồng cảm hoặc lo ngại, bằng lời nói hoặc thể chất thông qua một sự đụng chạm hoặc một cái ôm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng EER thông qua việc cung cấp thực phẩm lại khác biệt hơn so với những hành vi hỗ trợ khác vì một số lý do. Đầu tiên, việc cung cấp thực phẩm là một trong những tương tác điều chỉnh hành vi sinh lý sớm nhất giữa cha mẹ và con cái. Khi nhà nhân chủng học Kathleen Barlow viết: “nếu thực phẩm và việc cho ăn không phải bản chất của việc làm mẹ, thì chúng cũng phải gần như vậy.” Việc trẻ em hình thành những mối liên hệ giữa thực phẩm, quá trình điều tiết cảm xúc, và sự gần gũi xã hội là điều không thể tránh khỏi.
Thứ hai, hành vi hỗ trợ có ảnh hưởng tích cực đến những mối quan hệ giữa các cá nhân, và làm tăng sự gần gũi giữa các đối tác/các bên trong một mối quan hệ. Khi thực phẩm được cung cấp như một hành vi hỗ trợ, nó cộng hưởng mối liên hệ giữa thực phẩm và các đặc tính xã hội cũng như cảm xúc của nó mà đã phát triển trong suốt cuộc đời. Do đó, sự thân thiết giữa người cung cấp thực phẩm và người nhận gia tăng không chỉ bởi việc cung cấp thực phẩm có vai trò như một hành vi hỗ trợ mà còn bởi những cảm giác gần gũi và thân thuộc mà loại thực phẩm/món ăn đó có thể đại diện/thể hiện cho cả người cung cấp lẫn người nhận.
Thứ ba, trái ngược với các phương tiện EER khác, cung cấp thực phẩm là một cách trực tiếp và bản năng để thỏa mãn nhu cầu cơ bản của người khác trong khi vẫn truyền đạt được vô số ý nghĩa xã hội. Vì thực phẩm cung cấp được ăn vào bụng, nên ảnh hưởng của nó bao gồm những đặc tính/đặc điểm về cảm xúc, tâm lý, và sinh lý. Hơn nữa, từ góc độ tiến hóa, việc lấy nguồn thực phẩm của chính mình để nuôi/cho người khác ăn đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ nhưng tiềm ẩn về việc muốn người đó sống – sau cùng thì thực phẩm vẫn luôn cần thiết cho việc sinh tồn. Những người được cho ăn uống đầy đủ có thể không mảy may nghĩ về việc chỉ một hành động cung cấp thực phẩm có thể giúp họ sống sót như thế nào, nhưng mối liên kết giữa thực phẩm và sự sống còn vẫn luôn ngầm hiện hữu xuyên suốt quá khứ tiến hóa chung.
Cuối cùng, cung cấp thực phẩm còn có một đặc tính phổ quát. Đa phần các hành vi hỗ trợ khác chỉ phù hợp trong bối cảnh của một mối quan hệ thân mật (ví dụ, vuốt tóc ai đó, ôm, mát-xa) và thay đổi đáng kể như một chức năng của văn hóa, tuổi tác, hoặc giới tính. Còn việc cung cấp thực phẩm lại có thể được áp dụng như một chiến lược EER trong bất cứ mối quan hệ nào. Thậm chí việc cung cấp thực phẩm cho người lạ vẫn được coi là phù hợp, và nó có thể đại diện cho một chiến lược thiết lập liên lạc ban đầu cũng như để củng cố những sự gắn bó trong các mối quan hệ vốn đã rất chặt chẽ, thân tình. Hơn nữa, hoạt động cung cấp thực phẩm còn có thể biến đối thủ thành đồng minh hay biến thù thành bạn. Khả năng điều tiết cảm xúc của người lạ thông qua việc cung cấp thực phẩm có thể quyết định sự khác biệt giữa một đối thủ/kẻ thù tiềm tàng và một đồng minh tiềm năng. Lịch sử có vô số ví dụ mà trong đó việc cung cấp thực phẩm và một bữa ăn chung được sử dụng như phương tiện để an ủi và khuyên giải. Ví dụ, bữa tiệc do Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tổ chức vào năm 1972 đã đánh dấu bước đầu tiên trong việc tiến tới một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh Lạnh.
EER thông qua việc cung cấp thực phẩm – kết quả chức năng
Sự phổ biến của việc cung cấp thực phẩm cho họ hàng, bạn bè, người quen, và thậm chí là người lạ cho thấy rằng hoạt động này có chức năng đặc biệt trong EER. Sự cung cấp sự hỗ trợ có thể là về mặt công cụ/phương tiện, cảm xúc, hoặc thông tin trong tự nhiên. Hỗ trợ công cụ là kiểu hỗ trợ vật chất, chẳng hạn như hỗ trợ hoặc giúp đỡ tài chính. Hỗ trợ cảm xúc có thể bao gồm việc bày tỏ sự cảm thông và trấn an. Việc đưa ra hướng dẫn hoặc lời khuyên để giúp ai đó đối phó với một tình cảnh khó khăn nằm trong nhóm hỗ trợ thông tin.
Việc cung cấp thực phẩm liên quan thế nào đến các dạng hỗ trợ khác? Việc chứng kiến một người bạn đau khổ sau khi chia tay hoặc một người vợ/chồng căng thẳng do công việc có khả năng khơi gợi sự quan tâm, lo lắng đồng cảm cùng với cảm giác đau khổ cá nhân. Chúng tôi cho rằng việc mời bạn bè ăn sôcôla hoặc nấu món lasagna cho vợ/chồng giúp làm giảm căng thẳng ở người nhận đồng thời cũng cải thiện cảm giác đau buồn thấu cảm của người cung cấp, và tăng cường các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, việc cung cấp thực phẩm không nhất thiết phải xảy ra riêng rẽ tách biệt, hoặc như một sự thay thế các hành vi hỗ trợ khác. Trong thực tế, hành động này có thể hoạt động như một yếu tố thúc đẩy/yếu tố tạo thuận lợi bằng cách tạo ra một thiết lập mà thông qua đó các hình thức hỗ trợ khác có thể được cung cấp. Ví dụ, trong truyền thống Do Thái, cả cộng đồng sẽ chung tay nuôi dưỡng một người đang phải chịu tang 7 ngày. Cung cấp thực phẩm là một cách để thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ, nhưng nó cũng cho mọi người một lý do để về thăm nhà, để nói về người đã khuất, để lưu ý những hình thức trợ giúp nào là cần thiết, và để quan tâm chăm sóc đến người đang chịu tang.
Hơn nữa, khi mọi người quẫn trí hoặc không thể nói về điều khiến họ phiền muộn, khó chịu thì việc cung cấp thức ăn có thể cho phép họ trấn tĩnh và cởi mở hơn. Thực phẩm có thể giúp giảm bớt các cảm xúc thái quá và sự tự nhận thức đang chế ngự họ bằng cách hướng sự chú ý đến môi trường trước mắt. Việc được mời sữa và bánh quy sôcôla chíp sau một ngày dài đi học ở trường có thể phần nào giảm thiểu mối đe dọa khiến trẻ sợ phải tiết lộ điểm kém, hoặc có thể khiến các em cảm thấy dễ dàng hơn khi nói về việc bị bắt nạt. Do vậy, sữa và bánh quy có thể vỗ về một đứa trẻ để chúng không tự cô lập mình trong phòng riêng, mà thay vào đó là ngồi xuống và chia sẻ cho người lớn về những chuyện đã xảy ra. Nhờ đó, bản thân việc cung cấp thực phẩm có thể là một hành vi hỗ trợ, nhưng nó cũng có thể là một yếu tố túc đẩy các hình thức hỗ trợ khác.
EER thông qua việc cung cấp thực phẩm – hệ quả rối loạn chức năng
Việc cung cấp thực phẩm có thể trở thành một chiến lược EER hiệu quả đối với các cá nhân hoặc trong những mối quan hệ mà nó có thể thay thế các hình thức hành vi hỗ trợ khác. Theo đó, EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm có thể đóng một vai trò chủ chổt trong sự phát triển của các thói quen ăn uống rối loạn chức năng và những vấn đề cân nặng tiềm tàng. Không phải tất cả mọi người đều phản ứng với sự căng thẳng và tác động tiêu cực bằng cách gia tăng lượng thực phẩm tiêu thụ. Một bài tổng quan do Macht (2008) trình bày đã chỉ ra rằng lượng thực phẩm tiêu thụ cũng có thể không bị ảnh hưởng hoặc giảm thiểu như một phản ứng với những cảm xúc dữ dội hoặc sự căng thẳng. Việc thực phẩm có được sử dụng như một cơ chế đối phó hay không dường như được dự đoán chủ yếu bởi mức độ mà mọi người ăn như một cách phản ứng với những kích động cảm xúc và sự lo âu thay vì ăn do đói. Đổi lại, việc ăn uống theo cảm xúc đã được chứng minh là có liên quan đến tình trạng thừa cân và các chứng rối loạn ăn uống. Những phụ huynh thường xuyên ăn uống theo cảm xúc dễ bị áp dụng (thái quá) việc cung cấp thực phẩm như EER với con cái họ hơn là những người cha người mẹ ít khi ăn uống theo cảm xúc. Nếu như việc hỗ trợ công cụ hoặc hỗ trợ thông tin – giúp làm bài tập về nhà, gọi điện cho một giáo viên không công bằng, nói chuyện về một ngày tồi tệ – có vẻ cần đến quá nhiều nỗ lực hoặc thường xuyên được chứng minh là không hiệu quả, thì việc sử dụng thức ăn như một hình thức hỗ trợ cảm xúc với những bậc cha mẹ thường xuyên ăn uống theo cảm xúc lại có thể hấp dẫn/cám dỗ quá mức. Nếu các đặc điểm sinh lý và tâm lý của EER thông qua việc cung cấp thực phẩm trước sau đều dẫn đến sự gia tăng ảnh hưởng tích cực với cả người nhận và người cung cấp, thì cha mẹ có thể bị phụ thuộc thái quá vào việc cung cấp thực phẩm như EER. Tuy nhiên, quá trình điều tiết cảm xúc dài hạn hiệu quả việc phát triển các chiến lược đối phó mang tính xây dựng đòi hỏi một môi trường có thể áp dụng và kích thích một loạt hành vi hỗ trợ và vô số chiến lược đối phó khác nhau. Thông qua việc làm mẫu/làm gương, những người cha người mẹ áp dụng việc cung cấp thực phẩm và ăn uống theo cảm xúc để thay thế cho hành vi hỗ trợ có thể kích thích trẻ em sử dụng thực phẩm như một phương tiện để điều tiết cảm xúc.
Việc cung cấp sự hỗ trợ hiệu quả cho người khác là rất tốn kém và không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là trong những hoàn cảnh căng thẳng. Những phụ huynh mà quá bận rộn, mệt mỏi, hoặc kiệt sức vì phải đối phó với các tác nhân gây căng thẳng hàng ngày có thể sử dụng thực phẩm trong những trường hợp mà hình phạt, việc giảm thiểu tầm quan trọng của cảm xúc hoặc giải quyết vấn đề có thể phát huy chức năng và có lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Do đó, những đứa trẻ có cha mẹ áp dụng thái quá việc cung cấp thực phẩm có thể nhận thấy sự thiếu hụt hành vi hỗ trợ xã hội đó, và bởi thế mà cũng đã được chứng minh là dẫn đến tình trạng ăn uống theo cảm xúc. Vì vậy, các tài liệu đã chỉ ra nhiều hệ thống khác nhau mà qua đó các thói quen ăn uống theo cảm xúc có thể phát triển. Dường như có một hệ thống trực tiếp mà ở đó các bậc cha mẹ sử dụng thái quá thực phẩm như một sự điều tiết cảm xúc và làm mẫu hành vi này cho con họ, trong khi tình trạng thiếu hụt sự hỗ trợ xã hội từ phía cha mẹ có thể gián tiếp khiến trẻ em sử dụng thực phẩm như một phương tiện bù đắp.
Ăn uống dựa vào cảm xúc có liên quan đến việc đối phó theo cảm xúc và sự đánh lạc hướng kiểu né tránh. Việc cho kẹo một đứa trẻ đang khóc có thể xoa dịu đứa trẻ nhanh hơn là tìm hiểu lý do vì sao chúng khóc. Thế nhưng, hành động cho kẹo về lâu về dài cũng có thể để lại hệ quả tồi tệ nếu chiến lược này trở thành thói quen, vì những vấn đề tiềm ẩn không nhận được sự quan tâm và không được giải quyết. Nhất quán với những gợi ý này, một nghiên cứu định tính về vai trò của thực phẩm trong các gia đình có thanh thiếu niên béo phì đã chỉ ra rằng một khi việc cung cấp thực phẩm trở thành phương tiện chính của EER thì các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy khó khăn khi không cung cấp thực phẩm, vì họ lo sợ rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với con mình cũng như ảnh hưởng của họ đối với chúng.
Một yếu tố khác có thể khiến mọi người tận dụng việc cung cấp thực phẩm như một lựa chọn thay thế cho các hành vi hỗ trợ khác là khả năng (hay sự thiếu khả năng) nhận thức cảm xúc của con người. Rommel cùng cộng sự đã phát hiện thấy rằng các đối tượng tham gia bị béo phì ít có khả năng xác định chính cảm xúc của họ cùng trạng thái cảm xúc của người khác hơn những người tham gia với cân nặng bình thường. Những người tham gia bị béo phì cũng có nhiều khả năng là những người ăn uống theo cảm xúc hơn, mặc dù nhận thức về cảm xúc thuyên giảm không dẫn đến sự gia tăng trong việc ăn uống theo cảm xúc. Phù hợp với nghiên cứu trước đây, các tác giả cho rằng những người bị béo phì và giảm nhận thức về cảm xúc phải phụ thuộc nhiều hơn vào việc ăn uống theo cảm xúc như một phương tiện điều chỉnh cảm xúc vì thiếu các chiến lược thay thế. Một câu hỏi quan trọng cho các nghiên cứu trong tương lai là liệu việc được nuôi dưỡng trong một môi trường mà EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm được ưu tiên hơn những chiến lược thay thế khác, có dẫn đến một phạm vi hạn chế trong hành vi đối phó và giảm nhận thức về cảm xúc của bản thân cùng với những người khác hay không.
Những phụ huynh hay ăn uống theo cảm xúc mà lại nhận thức thấp/kém về trạng thái cảm xúc của bản thân cũng như của người khác có thể có khuynh hướng sử dụng việc cung cấp thực phẩm như EER nhiều hơn những bậc cha mẹ nhận thức tốt/cao về trạng thái cảm xúc. Sự thiếu nhận thức về nhu cầu cảm xúc của người khác có thể khiến mọi người đánh giá EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm như một phản ứng phù hợp đối với sự đau khổ buồn rầu của người khác. Hơn nữa, nhận thức về cảm xúc suy giảm có thể khiến việc đồng cảm với người khác trở nên khó khăn hơn. Devoldre và đồng nghiệp cho rằng sự đau khổ và khó chịu cá nhân (tập trung vào cá nhân so với người khác) dẫn đến hành vi hỗ trợ ít mang tính xây dựng hơn. Việc sử dụng EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm để thay thế cho các hành vi hỗ trợ khác mang tính công cụ nhiều hơn có thể phản ánh mong muốn tránh né hoặc nhanh chóng dập tắt sự đau buồn cá nhân mà đánh đổi bằng các chiến lược thay thế mang tính xây dựng nhiều hơn nhưng có lẽ cũng mang tính đối đầu hơn đối với việc cung cấp sự hỗ trợ. Ví dụ, mời người vợ/người chồng đang bực tức, cáu kỉnh một bữa tối thịnh soạn sau nhiều tuần phải ở lại văn phòng để làm việc muộn có vẻ là một cách khắc phục dễ dàng hơn so với giảm giờ làm của họ.
Cuối cùng, EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm có khả năng là một cơ chế chức năng trong hầu hết các môi trường, nhưng lại có thể trở thành vấn đề trong một môi trường có sẵn một vài chiến lược thay thế cho EER (ví dụ, một bà mẹ đơn thân làm hai công việc để kiếm sống), được đặc trưng bởi một lượng lớn các yếu tố gây căng thẳng (ví dụ, sống trong một khu phố có tỷ lệ tội phạm cao), hoặc trong một môi trường dễ tiếp cận với đồ ăn vặt và thực phẩm tiện lợi (ví dụ, nhiều trường đại học ở Mỹ). Tình trạng kinh tế thấp đã được chứng minh là một yếu tố dự đoán quan trọng của bệnh béo phì tại các quốc gia phát triển cao, có lẽ là bởi nhu cầu đối với EER cao hơn và một loạt các chiến lược thay thế bị hạn chế. Ngoài ra, các công ty sản xuất luôn muốn làm nổi bật các đặc điểm hoài cổ, thỏa mãn, tiện lợi hoặc thoải mái về thể chất của các loại thực phẩm như một chiến lược tiếp thị. Quảng cáo khai thác những mối quan hệ tồn tại từ trước giữa thực phẩm và việc cung cấp hoặc tiếp nhận sự an ủi/xoa dịu, từ đó cám dỗ mọi người chọn sự hài lòng ngay lập tức thay vì những chiến lược điều tiết/điều chỉnh cảm xúc thay thế.
Hướng dẫn tương lai
Việc cung cấp thực phẩm trong thời thơ ấu, ở trường học, trong các nhóm xã hội và các mối quan hệ gần gũi tạo nền tảng cho mối quan hệ giữa thực phẩm và cảm xúc mà có thể bắt nguồn từ những biểu hiện tinh thần của con người và có thể được truyền sang cho người khác. Đến giờ, nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các tiền đề và hệ quả nội tâm của việc sử dụng thực phẩm để điều tiết cảm xúc. Tuy nhiên, việc chú trọng vào các quy trình xã hội bao quanh thực phẩm và việc điều chỉnh cảm xúc sẽ gia tăng nhận thức xã hội về việc cung cấp thực phẩm như một công cụ EER. Việc hiểu rõ hơn về các quy trình xã hội liên quan đến thực phẩm cùng mối liên kết của chúng với việc điều chỉnh cảm xúc còn có thể giúp thay đổi những môi trường mà ở đó hoạt động cung cấp thực phẩm đã biến thành một vấn đề.
Trong tương lai cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để xem xét vai trò của thực phẩm quen thuộc trong EER. Chúng tôi dự đoán rằng nhiều thực phẩm quen thuộc sẽ được cung cấp khi tình huống yêu cầu điều tiết cảm xúc, như một phản ứng với trạng thái cảm xúc tiêu cực chứ không phải trạng thái trung tính của người khác. Sau khi tiêu thụ thực phẩm như EER, chúng tôi hy vọng ảnh hưởng tiêu cực sẽ giảm ở người tiếp nhận và sự đau buồn cùng mối quan tâm thấu cảm cũng thuyên giảm ở người cung cấp. Chúng tôi cũng dự đoán rằng cả hai đối tác tương tác, dù là bạn bè hay người lạ, sẽ cảm thấy gần gũi hơn với nhau hơn sau khi việc trao đổi thực phẩm diễn ra. Các nghiên cứu nhật kí có thể được áp dụng để nghiên cứu cách EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm thay đổi như một chức năng của ảnh hưởng và cảm xúc hàng ngày trong các mối quan hệ và gia đình như thế nào. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để xem xét một cách có hệ thống sự phụ thuộc (hoặc không phụ thuộc) vào việc cung cấp thực phẩm cũng như các kiểu hỗ trợ khác trong cuộc sống thường nhật. Chúng tôi dự đoán rằng hoạt động cung cấp thực phẩm thường xuyên được sử dụng để giảm bớt những rắc rối và căng thẳng hàng ngày của các thành viên khác trong gia đình.
Các nhà nghiên cứu nên phân biệt ảnh hưởng trực tiếp (sinh lý) và ảnh hưởng gián tiếp (xã hội) của hoạt động cung cấp thực phẩm. Thực phẩm quen thuộc thường được coi là thực phẩm giàu đường, chất béo, hoặc carbohydrate. Ảnh hưởng trực tiếp của những hợp chất này đối với các chất dẫn truyền thần kinh và phản ứng nội tiết nên được cân nhắc khi nghiên cứu ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội đối với mối liên kết giữa việc cung cấp thực phẩm và tâm trạng.
Rất có thể, EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm không chỉ đơn thuần được sử dụng để điều tiết các cảm xúc tiêu cực, mà còn cả những cảm xúc tích cực nữa. Ví dụ, những người ăn uống hạn chế đã tăng lượng thực phẩm tiêu thụ sau khi trải qua cả cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực. Macht cùng cộng sự phát hiện thấy rằng sau khi trải qua trạng thái tâm trạng tích cực thì nam giới ăn nhiều sôcôla hơn, và thích ăn sôcôla hơn so với lúc họ có tâm trạng tiêu cực. Đặc biệt là trong những môi trường xã hội – nơi ảnh hưởng tích cực vốn đã cao sẵn – lượng thực phẩm tiêu thụ cũng cao hơn so với khi ăn một mình. Nghiên cứu về EER chỉ ra rằng mối quan hệ phúc lợi/hạnh phúc được tăng cường khi những người khác phản ứng tích cực và mang tính xây dựng với việc một người chia sẻ tin vui. Việc cung cấp thực phẩm như một phản ứng với các nỗ lực EER có thể là một tín hiệu phi ngôn ngữ của sự nhiệt huyết được chia sẻ/chung, được thúc đẩy bởi khả năng biết nhìn nhận từ quan điểm của người khác. Việc nghiên cứu hành vi ăn uống từ khía cạnh xã hội sẽ góp phần nâng cao vốn hiểu biết của chúng ta về các yếu tố tâm lý và cảm xúc mà khiến con người đứng trước nguy cơ mắc các dạng rối loạn chức năng của EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm.
Kết luận
Với tình trạng tăng cân và gia tăng bệnh béo phì đáng kể ở các quốc gia trên khắp thế giới, nghiên cứu khoa học về thực phẩm ngày càng trở nên liên quan, phù hợp. Chúng tôi khuyến khích rằng những nghiên cứu trong lĩnh vực này nên bao gồm các nghiên cứu hệ thống về những khía cạnh xã hội và chức năng liên cá nhân của hoạt động ăn uống. Sở thích thực phẩm và hành vi ăn uống được định hình trong thời thơ ấu và phát triển dưới sự tác động của người thân, bạn bè, đối tác, và môi trường văn hóa-xã hội. Ảnh hưởng của các chuẩn mực xã hội liên quan đến hành vi ăn uống vẫn tiếp tục hiện diện rõ rệt trong giai đoạn trưởng thành. Nhiều mối tương tác xã hội xoay quanh các bữa ăn chung, và cả khi một bữa ăn được tiêu thụ một mình thì các loại thực phẩm vẫn có thể gợi ra cảm giác “thuộc về” thông qua các mối quan hệ cũng như kí ức.
Trong thế giới phát triển, tình trạng thừa cân đã trở thành một vấn đề còn nhức nhối và cấp bách hơn cả suy dinh dưỡng. Mọi người tiêu thụ quá mức và sử dụng thực phẩm không chỉ để thỏa mãn cơn đói, mà còn theo một cách hưởng thụ và như một phản ứng với các trạng thái cảm xúc. Chúng tôi cho rằng việc cung cấp thực phẩm có thể là một phần của EER trong các mối quan hệ: tiếp xúc với cảm xúc tiêu cực của người khác, và có thể là cả cảm xúc tích cực, khơi gợi mối quan tâm thấu cảm, từ đó khiến mọi người sử dụng thực phẩm để điều tiết không chỉ cảm xúc của riêng họ mà còn của những người khác nữa. Vì thế, hoạt động cung cấp thực phẩm không chỉ đưa ra cách đối phó với sự đau buồn và mối quan tâm thấu cảm, mà còn là một phương tiện hiệu quả trong việc cung cấp sự hỗ trợ xã hội, từ đó gia tăng ảnh hưởng tích cực giữa các đối tác tương tác và gia tăng sự gần gũi, thân thiết giữa các cá nhân.
EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm, dù là phản ứng với cảm xúc tiêu cực hay tích cực, cũng có khả năng thích nghi, nhưng lại có thể dẫn đến các dạng rối loạn khi bị áp dụng quá mức. Kiến thức về các đặc điểm cá nhân, kinh nghiệm xã hội, cùng các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như căng thẳng, có thể làm tăng việc cung cấp thực phẩm như một phương tiện điều tiết cảm xúc – đánh đổi bằng các hành vi hỗ trợ khác – có thể góp phần vào sự phát triển của các biện pháp can thiệp dành cho những gia đình đang gặp khó khăn với vấn nạn thừa cân và béo phì. Việc xác định vai trò của EER thông qua hoạt động cung cấp thực phẩm có thể là một bước quan trọng trong những nghiên cứu tập trung vào sự hỗ trợ xã hội, cơ chế đối phó, cũng như hành vi ăn uống.
Xung đột lợi ích
Các tác giả tuyên bố rằng cuộc nghiên cứu được thực hiện mà không có bất cứ mối quan hệ thương mại hoặc tài chính nào mà có thể được xem như là một xung đột lợi ích tiềm năng.
(Dịch từ bài viết: Food for love: the role of food offering in empathic emotion regulation, tác giả: Myrte E. Hamburg,* Catrin Finkenauer, và Carlo Schuengel, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)