Kiến thức dinh dưỡng, thói quen ăn uống và thái độ sức khỏe của sinh viên đại học Trung Quốc (một nghiên cứu cắt ngang)

Tóm tắt sơ lược

Bối cảnh

Trước đây chúng tôi đã chỉ ra rằng lối sống bất thường của nữ sinh Nhật Bản có liên quan đáng kể đến mong muốn gầy đi của họ. Trong nghiên cứu hiện tại, chúng tôi xem xét kiến thức dinh dưỡng và thói quen ăn uống của sinh viên đại học ở Trung Quốc và so sánh chúng với kiến thức cũng như thói quen của các nhóm dân số khác ở châu Á.

Phương pháp

Một bảng câu hỏi tự báo cáo (self-reported) được phát cho 540 sinh viên, tuổi đời từ 19-24. Sinh viên y khoa từ Đại học Bắc Kinh (135 nam giới và 150 nữ giới) tại miền Bắc Trung Quốc và Đại học Y Côn Minh ở miền Nam Trung Quốc (95 nam giới và 160 nữ giới) đã tham gia vào nghiên cứu này. Các biến tham số được phân tích bằng phương pháp kiểm định t của sinh viên. Kiểm định/phân tích chi bình phương (Chi-square) được tiến hành với các biến không phải tham số.

Kết quả

Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng 80,5% sinh viên có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường và 16,6% sinh viên bị thiếu cân (underweight), còn với tỷ lệ béo phì BMI>30 thì cực thấp trong mẫu nghiên cứu này. Mong muốn gầy đi của nữ sinh Trung Quốc (62%) lớn hơn của nam sinh (47,4%). Những thói quen liên quan đến các mô hình ăn uống thường xuyên và lượng rau củ tiêu thụ đã được báo cáo và đại diện cho những thực hành nên được khuyến khích.

Kết luận

Phạm vi trường đại học và cao đẳng đại diện cho cơ hội giáo dục về sức khỏe và dinh dưỡng cuối cùng của một lượng lớn sinh viên xét từ quan điểm giáo dục. Các phát hiện của chúng tôi cho thấy sự cần thiết phải có những chiến lược được thiết kế để cải thiện năng lực trong lĩnh vực dinh dưỡng.

Bối cảnh

Vấn nạn béo phì ngày càng tăng đã được quan sát tại nhiều nước có thu nhập nhấp trong vài thập kỷ qua. Trung Quốc đã áp dụng chính sách mở cửa thị trường (thị trường tự do/open-market policy) và trải qua một sự tăng trưởng kinh tế bùng nổ, nhờ vậy mà giảm được tình trạng khan hiếm lương thực ở cấp quốc gia, đồng thời chế độ dinh dưỡng của người dân nước này cũng đã có những chuyển biến rõ rệt về mặt cấu trúc. Giờ đây, người Trung Quốc ăn theo một chế độ dinh dưỡng giàu chất béo và thịt, nhưng lại ít carbohydrate và chất xơ. Thêm vào đó, sự sụt giảm trong mức độ hoạt động thể chất và giải trí đã dẫn đến sự gia tăng trong tỷ lệ mắc bệnh thừa cân, béo phì cùng các bệnh không truyền nhiễm mà có liên quan đến dinh dưỡng.

Trong các báo cáo trước, chúng tôi đã xem xét thói quen ăn uống cùng với kiến thức dinh dưỡng của nữ sinh ở Nhật Bản. Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng lối sống bất thường có liên quan đáng kể đến một lời phàn nàn không giới hạn, với phần lớn học sinh sinh viên đều có mong muốn gầy hơn mặc dù tỷ lệ học sinh sinh viên bị thừa cân là cực kỳ thấp trong mẫu nghiên cứu này. Các trường đại học và cao đẳng là những mục tiêu quan trọng tiềm năng đối với sự thúc đẩy lối sống lành mạnh của dân số trưởng thành. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều thông tin về sự phân bố chỉ số khối cơ thể và các hành vi liên quan đến dinh dưỡng cũng như sức khỏe của sinh viên đại học ở Trung Quốc. Mục tiêu của nghiên cứu này là có được sự hiểu biết sơ bộ về mức độ phân bố chỉ số khối cơ thể tương đối của sinh viên Trung Quốc, và để xác định kiến thức dinh dưỡng cũng như nhận thức về dáng người của những đối tượng này.

Tài liệu và phương pháp

Nghiên cứu này được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 2/2001 đến tháng 4/2002. Sinh viên y khoa từ Đại học Bắc Kinh (135 nam giới và 150 nữ giới) ở miền Bắc Trung Quốc và Đại học Y Côn Minh ở miền Nam Trung Quốc (95 nam giới và 160 nữ giới) đã tham gia vào nghiên cứu này. Một mẫu gồm 540 sinh viên từ 19-24 tuổi được cung cấp một bảng câu hỏi tự báo cáo. Bảng này gồm 21 câu hỏi liên quan đến thói quen ăn uống và hút thuốc lá (19 câu hỏi), cùng với 2 câu hỏi liên quan đến việc ăn kiêng (cố gắng giảm cân). Chiều cao và cân nặng tự báo cáo được dùng để tính toán chỉ số khối cơ thể (kg/m2). Bảng câu hỏi được các tác giả của cuộc nghiên cứu thiết kế và dựa vào một khảo sát dinh dưỡng quốc gia do Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản tiến hành. Một số tác giả cũng đã đến Trung Quốc để nghiên cứu cuộc sống dinh dưỡng của người Trung Quốc và để thuận tiện hơn cho việc thiết kế bảng câu hỏi. Bảng câu hỏi ban đầu được soạn bằng tiếng Nhật và sau đó được dịch ra tiếng Trung Quốc bằng các dịch vụ song ngữ thuần thục, trôi chảy. Phiên bản dịch sang tiếng Trung sau đó đã được dịch ngược lại để đảm bảo giữ nguyên vẹn nghĩa gốc. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều đã cam kết/chấp thuận trên cơ sở được thông tin theo Tuyên bố Helsinki (tập hợp các nguyên tắc đạo đức liên quan đến thử nghiệm của con người được phát triển cho cộng đồng y tế bởi Hiệp hội Y khoa Thế giới – ND). Bộ chương trình phần mềm thống kê SPSS 10.0 được sử dụng cho việc phân tích dữ liệu. Trong nghiên cứu này, các biến tham số được phân tích bằng phương pháp kiểm định t của Sinh viên. Còn phương pháp kiểm định/phân tích chi bình phương được tiến hành với các biến không phải tham số. Tất cả đều là kiểm định hai phía/hai đầu (two-tailed), và một giá trị ‘p’ nhỏ hơn 0,05 được coi là có ý nghĩa thống kê.

Kết quả

Đặc điểm của mẫu và các nhóm/hạng mục chỉ số khối cơ thể BMI

Tỷ lệ phản hồi là 96% (512/540). Đặc điểm của các đối tượng được biểu thị trong Bảng 1. Có tổng cộng 212 nam giới và 300 nữ giới, với độ tuổi trung bình là 20 ± 1,9 năm, đã tham gia vào nghiên cứu này. Chiều cao trung bình là 165,8 ± 7,8cm, còn cân nặng trung bình là 56,9 ± 9,2kg. Chỉ số khối cơ thể BMI trung bình là 20,6 ±  2,2. Để phân tích sự phân bố BMI và hành vi liên quan đến sức khỏe, BMI được chia thành 4 nhóm với chỉ số trung bình ± 1 độ lệch chuẩn (SD) (Biểu đồ 1). BMI trung bình của sinh viên nam là 21,4 ± 2,4 và là cao nhất trong các nhóm 18,9≤BMI<21,4 (37,7%) và 21,4≤BMI<23,9 (32,5%). BMI trung bình đối với nữ sinh là 20,0 ± 1,8 với các nhóm 18,2≤BMI<20,0 (37,5%) và 20,0≤BMI<21,8 (31,4%) hiển thị các giá trị cao. Theo phân loại BMI của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 97,1% sinh viên được phân vào nhóm thiếu cân hoặc có cân nặng bình thường. 2,5% (13/512) sinh viên bị thừa cân (BMI>25) và có 0,4% (2/512) sinh viên là bị béo phì. Giá trị BMI lệch từ mẫu trung bình cho thấy sự hiện diện của một vài giá trị cực.

phân bố BMI

Biểu đồ 1

Sự phân bố BMI của sinh viên đại học ở Trung Quốc. BMI của sinh viên nam và sinh viên nữ được chia ra làm 4 nhóm theo BMI trung bình ± 1 độ lệch chuẩn (SD).

Bảng 1: Đặc điểm của các đối tượng tham gia

Tổng cộng Nam giới Nữ giới
Biến n = 512 n = 212 n = 300
Tuổi (y) 20,4 ± 1,9 20,3 ± 1,7 20,4 ± 2,0
Cân nặng (kg) 56,9 ± 9,2 63,7 ± 8,8 52,1 ± 5,9
Chiều cao (cm) 165,8 ± 7,8 172,3 ± 5,5 161,2 ± 5,6
BMI (kg/m2) 20,6 ± 2,2 21,4 ± 2,5 20,0 ± 1,8

Sự phân bố về giới tính trong dân số/quần thể mẫu. BMI được tính dựa vào chiều cao và cân nặng tự báo cáo. BMI = cân nặng (kg)/chiều cao (m2).

Thói quen ăn uống

Các thói quen về lối sống được so sánh theo giới tính. Phần lớn sinh viên (83,6%) đều báo cáo là dùng bữa thường xuyên, trong đó có 79,0% là ăn 3 bữa/ngày; không có sự khác biệt giới tính. Tuy nhiên, một sự khác biệt giới tính đáng kể lại được tìm thấy trong phản ứng liên quan đến việc tiêu thụ bữa sáng, với 66,8% nam sinh và 82,3% nữ sinh cho biết là thường xuyên ăn sáng (p < 0,0006). Tần suất ăn vặt ở nữ cao hơn đáng kể (31,1%) so với nam (11,5%; p < 0,0001). Mẫu hiện tại cho thấy mức tiêu thụ cao các loại rau củ như cải bó xôi và cà rốt, và 32,5% đối tượng cho biết là có ăn hoa quả hàng ngày. Nữ sinh thường ăn nhiều trái cây hơn nam sinh (p < 0,0001). Ngoài ra, nữ sinh cũng thường xuyên ăn uống cùng bạn bè và gia đình hơn là các sinh viên nam (p < 0,01). Có một vài đối tượng hút thuốc hoặc uống rượu bia. Khi sinh viên ăn uống ở bên ngoài (ăn hàng), nữ sinh thường cân nhắc đến hàm lượng calo trong thực đơn hơn so với nam sinh (dữ liệu không được hiển thị). Mặc dù có đến 85,6% sinh viên biết đến khái niệm thực phẩm cân bằng dinh dưỡng, nhưng chỉ có một số ít (7%) là áp dụng được khái niệm này khi lựa chọn thức ăn từ thực đơn. Hơn nữa, chỉ có 51% sinh viên là cho thấy mong muốn được tìm hiểu về các chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Hình ảnh cơ thể và ý thức về sức khỏe

Khi được hỏi về lịch sử ăn kiêng của mình, 22,7% đối tượng được hỏi cho biết là họ đã từng ăn kiêng. Tỷ lệ sinh viên nữ có kinh nghiệm ăn kiêng (29,8%) cao hơn gấp đôi so với các sinh viên nam (12,7%; p < 0,0006). Tổng cộng, 56% sinh viên đã lựa chọn “gầy hoặc thanh mảnh là đẹp.” Tỷ lệ theo giới tính là, 47,4% đối với sinh viên nam và 62,0% đối với sinh viên nữ. Ước muốn gầy đi của nữ giới mãnh liệt hơn của nam giới (p < 0,001). Hơn một nửa số sinh viên được hỏi đã báo cáo là muốn được áp dụng các thói quen dinh dưỡng lành mạnh hơn. Ngoài ra, một câu hỏi liên quan đến mức độ ý thức về sức khỏe và dinh dưỡng đã được đưa ra; 45,2% sinh viên nam và 48,3% sinh viên nữ muốn được tìm hiểu về sức khỏe và chế độ dinh dưỡng. Trong số các đối tượng nữ, chỉ số BMI < 18,2 cho thấy rõ ràng ý thức về sức khỏe cũng như dinh dưỡng của họ (p < 0,03).

Thảo luận

Nghiên cứu này nhằm xác định kiến thức sức khỏe, dinh dưỡng và hành vi ăn uống của sinh viên đại học ở Trung Quốc. Do đó, chúng tôi đã ghi nhận được sự phân bố BMI trong số học sinh Trung Quốc và phát hiện thấy tỷ lệ bị béo phì thấp, một phát hiện phù hợp với nghiên cứu của nữ sinh ở Nhật Bản (tình trạng thừa cân với chỉ số BMI≥25 là 5,8%, tỷ lệ béo phì với BMI>30 là 0%). Ở Mỹ, 35% sinh viên đại học được báo cáo là bị thừa cân hoặc béo phì (BMI≥25). Theo định nghĩa về béo phì của WHO, BMI>30 là điểm giới hạn. Định nghĩa này được dựa trên nghiên cứu về các dân số da trắng. Dân số châu Á được báo cáo là có lượng mỡ cơ thể cao hơn (%) với chỉ số BMI thấp hơn so với người da trắng. Công tác tham khảo ý kiến chuyên gia của WHO đã báo cáo rằng BMI ở các dân số châu Á liên quan đến bệnh tật ở mức độ thấp hơn. Để so sánh tỷ lệ béo phì giữa các nhóm dân tộc, điểm giới hạn BMI đối với người châu Á phải được xem xét bởi các nghiên cứu thành phần cơ thể được thiết lập và chuẩn hóa tốt. Đáng chú ý là ở Trung Quốc, tỷ lệ người thừa cân đã tăng từ năm 1991-1997, với mức tăng thay đổi từ 6,4-7,7. Tỷ lệ năng lượng lấy từ chất béo của cả hai nguồn thực vật và động vật tăng lên hàng năm. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng năng lượng có nguồn gốc từ chất béo dinh dưỡng chiếm hơn 30% tổng năng lượng. Những thay đổi trong thành phần dinh dưỡng, tương ứng với sự tăng trưởng kinh tế xã hội, có thể đẩy nhanh tỷ lệ bị béo phì ở Trung Quốc.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng phần lớn sinh viên thường ăn ba lần/ngày, và gần 80% sinh viên ăn rau củ và trái cây hai lần/ngày. Những thói quen ăn uống này nên được khuyến khích. Chế độ dinh dưỡng truyền thống của Trung Quốc chứa rất nhiều rau củ và dựa vào gạo. Nghiên cứu hiện tại báo cáo tỷ lệ ăn sáng hàng ngày cao ở sinh viên Trung Quốc. Ngược lại, một khảo sát dinh dưỡng với đối tượng tham gia là người Nhật trẻ lại tiết lộ tỷ lệ thấp các cá nhân tham gia vào những mô hình ăn uống thường xuyên. Việc bỏ bữa sáng đã được chứng minh là có liên quan đến tình trạng dinh dưỡng thấp hơn cũng như nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Người ta còn báo cáo là thói quen không ăn sáng đầy đủ có thể góp phần dẫn đến sự xuất hiện và phát triển hơn nữa của bệnh béo phì. Do đó, tầm quan trọng của các mô hình ăn uống thường xuyên không thể bị coi nhẹ trong giáo dục dinh dưỡng.

Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng nhận thức về hình thể của nam sinh và nữ sinh khác nhau đáng kể. Một số nhà nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa hình ảnh cơ thể với vai trò giới tính. Nữ giới thường muốn có vóng dáng gầy, thanh mảnh hơn, hay lo âu hơn về việc tăng cân, và dễ ăn kiêng hơn nam giới. Ngược lại, nam giới lại mong muốn có vóc dáng và cơ bắp đầy đặn hơn. Trong những năm gần đây, những chứng rối loạn ăn uống đã gia tăng mạnh mẽ ở nữ giới trẻ tuổi. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không xác nhận đề xuất này với mức độ ý nghĩa thống kê; tuy nhiên, điều đáng nói là 65,0% nữ sinh với BMI<20, dưới mức cân nặng bình thường, thường lại vẫn mong muốn được gầy. Sự không hài lòng/thỏa mãn với hình thể và bệnh rối loạn ăn có mối tương quan mật thiết với nhau. Trẻ tuổi, nữ giới, và ăn kiêng là những yếu tố nguy cơ được xác định là có mối liên hệ đáng tinh cậy với sự phát triển của chứng rối loạn ăn uống. Người ta đã suy đoán rằng một số sinh viên mà quá bận tâm đến việc sở hữu vóc dáng thanh mảnh có thể phát triển tình trạng rối loạn ăn uống. Do vậy, việc khuyến khích các thói quen kiểm soát cân nặng lành mạnh nên được cân nhắc khi phát triển các chương trình giáo dục sức khỏe.

Kết luận

Kết luận, các phát hiện của chúng tôi đã cho thấy rằng phần lớn sinh viên được phân loại vào nhóm BMI bình thường, với tỷ lệ béo phì BMI>30 cực thấp trong mẫu nghiên cứu này. Các nữ sinh viên trẻ tuổi thường mong muốn được gầy đi hơn là các sinh viên nam. Những thói quen liên quan đến các mô hình ăn uống thường xuyên và việc tiêu thụ rau củ quả đã được phát hiện, và đại diện cho những thói quen cần được khuyến khích. Các mô hình bữa ăn chính và ăn vặt/ăn nhẹ ở sinh viên Trung Quốc rất giống với mô hình ăn uống truyền thống, mặc dù các chế độ dinh dưỡng đang thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc cũng như các nước thu nhập thấp khác. Môi trường đại học và cao đẳng đại diện cho cơ hội cuối cùng đối với giáo dục dinh dưỡng của một số lượng lớn sinh viên từ quan điểm của người làm giáo dục. Những phát hiện của chúng tôi cho thấy sự cần thiết phải có các chiến lược được thiết kế nhằm cải thiện năng lực trong lĩnh vực dinh dưỡng, đặc biệt là liên quan đến thông tin về các nguồn dinh dưỡng cùng với việc kiểm soát cân nặng lành mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu của công chúng về thông tin dinh dưỡng nên được cân nhắc khi thực hiện các chiến lược nhắm đến mục tiêu cải thiện sức khỏe dinh dưỡng của mỗi cá nhân.

Đóng góp của các tác giả

R.S đã thiết kế bảng câu hỏi, soạn thảo bản thảo và điều phối cuộc nghiên cứu. K.T tham gia vào khâu soạn thảo và sửa đổi bài báo. R.A góp sức vào việc nhập dữ liệu và công tác phân tích nó. L.CJ tham gia thiết kế bảng câu hỏi, thu thập dữ liệu và biên dịch ngôn ngữ. N.S đóng góp vào việc phê duyệt cuối cùng bản thảo.

  1. Tài liệu bổ sung

Tài liệu bổ sung 1:

Bảng 2 chứa kết quả của các câu hỏi có liên quan đến những thực hành về lối sống với sự tham khảo đặc biệt về thói quen thực phẩm. Các mô hình bữa ăn, việc tiêu thụ trái cây và rau củ, tiêu thụ thực phẩm chiên rán, tiêu thụ đồ uống có cồn đã được đánh giá ở cả sinh viên nam và nữ. Phương pháp kiểm định chi bình phương được áp dụng để so sánh những khác biệt trong hành vi theo giới tính. Những đánh giá có ý nghĩa thống kê được thực hiện với p < 0,05.

Bảng 2: Thói quen/thực hành lối sống theo giới tính

Câu hỏi Mức độ Tổng giá trị (%) Nam giới (%) Nữ giới (%) Giá trị p
Bạn có thường xuyên ăn đủ bữa không Thường xuyên 428 (83,6) 173 (81,6) 255 (85,0) Không đáng kể
Không thường xuyên 84 (16,4) 39 (18,4) 45 (15,0)
Bạn có thường xuyên ăn sáng không Hàng ngày 387 (75,9) 141 (66,8) 246 (82,3)
3-4 lần/tuần 56 (11) 29 (13,7) 27 (9) p<0,0006
1-2 lần/tuần 29 (5,7) 18 (8,5) 11 (3,7)
Hiếm khi 38 (7,4) 23 (10,9) 15 (5)
Trừ bữa ăn nhẹ ra thì ngày bạn ăn mấy bữa Một bữa 4 (0,8) 1 (0,5) 3 (1,0) Không đáng kể
Hai bữa 80 (16) 38 (18,8) 42 (14)
Ba bữa 395 (79,0) 150 (74,3) 245 (82,3)
Bốn bữa 21 (4,2) 13 (6,4) 8 (2,7)
Ngoài các bữa ăn bình thường, bạn có thường xuyên ăn nhẹ/ăn vặt không Hàng ngày 117 (23,1) 24 (11,5) 93 (31,3) p<0,0001
3-4 lần/tuần 80 (15,8) 19  (9,1) 61 (20,5)
1-2 lần/tuần 148 (29,2) 58 (27,8) 90 (30,3)
Hiếm khi 161 (31,8) 108 (51,7) 53 (17,8)
Bạn có thường xuyên ăn các loại rau củ có màu xanh lá, đỏ hoặc vàng không Hàng ngày 244 (47,9) 93 (43,9) 151 (50,8) Không đáng kể
3-4 lần/tuần 190 (37,2) 84 (39,6) 106 (35,5)
1-2 lần/tuần 64 (12,7) 29 (13,7) 35 (12,0)
Hiếm khi 11 (2,2) 6 (2,8) 5 (1,7)
Một tuần bạn ăn trái cây mấy lần Hàng ngày 166 (32,5) 56 (26,4) 110 (36,8) p<0,0001
3-4 lần/tuần 86 (16,8) 15 (7,1) 71 (23,7)
1-2 lần/tuần 138 (27,0) 54 (25,5) 84 (28,1)
Hiếm khi 120 (23,5) 87 (41,0) 33 (11,1)
Tần suất ăn đồ chiên rán của bạn Hàng ngày 160 (31,6) 69 (32,5) 91 (30,9) Không đáng kể
3-4 lần/tuần 55 (10,8) 25 (11,8) 30 (10,1)
1-2 lần/tuần 131 (25,7) 46 (21,7) 85 (28,5)
Hiếm khi 163 (32,0) 72 (34,0) 91 (30,5)
Bạn có thường xuyên uống rượu bia Hàng ngày 4 (0,8) 2 (1,0) 2 (0,7) p<0,006
2-3 lần/tuần 23 (4,6) 17 (8,1) 6 (2,1)
Hiếm khi 473 (94,6) 191 (91,0) 282 (97,3)
Tần suất bạn dùng bữa cùng bạn bè và gia đình Hàng ngày 86 (17) 25 (12) 61 (20,6) p<0,01
3-4 lần/tuần 92 (18,2) 41 (19,6) 51 (17,2)
1-2 lần/tuần 165 (32,7) 63 (30,1) 102 (34,5)
Luôn ăn một mình 161 (31,9) 80 (38,3) 81 (27,7)
Vui lòng cho biết tiền sử hút thuốc lá của bạn Hiện tại có hút 36 (7,0) 29 (10,3) 7 (0,7) p<0,0001
Từng hút trong quá khứ 16 (3,1) 14 (4,5) 2 (2,3)
Chưa bao giờ hút 459 (89,8) 169 (85,2) 290 (97,0)
Bạn nghĩ mình nên ăn loại thực phẩm nào để cân bằng dinh dưỡng Chủ yếu là thịt 14 (2,8) 10 (4,8) 4 (1,4) Không đáng kể
Chủ yếu là rau 40 (7,9) 13 (6,3) 27 (9,1)
Thịt, rau và các loại thực phẩm đa dạng khác 438 (86,9) 178 (85,6) 260 (87,8)
Các loại thực phẩm khác 12 (2,4) 7 (3,4) 5 (1,7)

Các thói quen về lối sống được so sánh theo giới tính. Những khác biệt đáng kể giữa hai giới được xác định bằng phương pháp kiểm định chi bình phương (p < 0,05).

Tài liệu bổ sung 2:

Bảng 3 chứa kết quả cho thấy nhận thức về hình thể và ý thức sức khỏe của nam sinh và nữ sinh. Các đối tượng trả lời nam và nữ được phân loại thành 4 nhóm lần lượt, theo BMI trung bình ± 1 độ lệch chuẩn. Các phân tích được thực hiện giữa các nhóm BMI sử dụng phương pháp kiểm định chi bình phương. Những đánh giá có ý nghĩa thống kê được tiến hành với p < 0,05.

Bảng 3: Nhận thức về hình thể và ý thức sức khỏe của sinh viên Trung Quốc

Xem bảng dữ liệu bổ sung ở đây: https://utemshop.com/wp-content/uploads/2019/01/du-lieu-bo-sung-sv-trung-quoc.pdf

Nhận thức về hình thể được so sánh giữa các nhóm BMI ở nam giới và nữ giới. Khác biệt đáng kể giữa các nhóm BMI được xác định bởi phương pháp kiểm định chi bình phương (p < 0,05).

Lời cảm ơn

Các tác giả đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ vô giá của Tiến sỹ Wang tại Đại học Bắc Kinh, Tiến sỹ Zhao ở Đại học Y Côn Minh, cùng tất cả những người tham gia nghiên cứu ở cả hai viện. Chúng tôi cũng cảm ơn Tiến sỹ Shigeki Minakami về những bình luận quý báu dành cho bản thảo.

Tên bài viết gốc: Nutritional knowledge, food habits and health attitude of Chinese university students –a cross sectional study

Các tác giả: Ruka Sakamaki,corresponding, Kenji Toyama, Rie Amamoto, Chuan-Jun Liu, và Naotaka Shinfuku – doi: 10.1186/1475-2891-4-4

Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng. Biên tập: Nguyễn Đức Anh

Leave a Comment