Không chỉ đơn thuần là bữa trưa: Việc dùng bữa với người khác có thể gây ghen tuông

Tóm tắt sơ lược

Mọi người có tin rằng chia sẻ thực phẩm có thể liên quan đến việc chia sẻ nhiều thứ hơn chỉ là thực phẩm thôi không? Để làm rõ vấn đề này, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu đánh giá mức độ ghen tuông của họ (Nghiên cứu 1) – hoặc của bạn thân họ (Nghiên cứu 2) – khi người yêu hiện tại của họ được tình cũ liên lạc và sau đó là tham gia vào một loạt hoạt động liên quan đến đồ ăn thức uống.

Chúng tôi đã phát hiện thấy một cách thống nhất – ở cả nam giới và nữ giới – rằng sự ghen tuông được khơi gợi từ các bữa ăn nhiều hơn là từ những sự tương tác mặt đối mặt/trực diện mà không liên quan đến việc ăn, chẳng hạn như uống cà phê. Những phát hiện này chỉ ra là mọi người thường cho rằng việc dùng chung một bữa ăn góp phần đẩy mạnh sự hợp tác.

Trong bối cảnh của các cặp đôi yêu nhau/các cặp tình nhân, chúng tôi nhận thấy là những người tham gia có thể gặp rủi ro liên quan đến mối quan hệ mà việc dùng bữa với người khác ngoài cặp (mà không phải người yêu) đem lại. Ví dụ, với những người bạn trai/chồng, bạn gái/vợ không được cùng dùng bữa với nửa kia của mình, chúng tôi thấy xuất hiện một quan điểm phổ biến cho rằng bữa trưa không chỉ đơn thuần là “bữa trưa.”

Giới thiệu

“Chỉ là bữa trưa” là tên của dịch vụ ghép đôi/mai mối nhằm thu hút những người đăng ký tiềm năng với ý tưởng là bữa trưa cung cấp một môi trường không hề có tính đe dọa để gặp gỡ một người xa lạ cũng đang muốn phát triển một mối quan hệ tình cảm. Tất nhiên, trong bối cảnh các nghiên cứu chứng minh tầm quan trọng của việc dùng chung bữa – hay nói cách khác là ăn cùng nhau – ở các gia đình cũng như các cặp tình nhân, sẽ thật hợp lý khi đặt câu hỏi về việc liệu một bữa ăn chính như bữa trưa có thực sự chỉ là bữa trưa hay không. Trong quá trình nhận ra rằng việc dùng chung bữa là một phần kết cấu của các mối quan hệ thân mật nhất của con người, người ta thấy rõ ràng là thực hành ăn cùng nhau có thể còn có ý nghĩa chức năng khác ngoài việc tiêu thụ calo đồng thời.

Mặc dù quá trình mua sắm, chế biến, và tiêu thụ thực phẩm chung được coi là các hoạt động tinh túy của con người, vẫn thật thú vị khi nhận ra rằng công nghệ hiện đại – chẳng hạn như tủ lạnh và lò vi sóng – cùng các công việc kinh doanh chuyên biệt – ví dụ như quán ăn và dịch vụ giao bánh pizza – đã tách quá trình mua sắm và chế biến khỏi quá trình tiêu thụ. Tuy nhiên, mặc dù các tài nguyên có sẵn ngày nay cho phép việc ăn một mình, nhưng việc một người ăn theo nhóm vẫn là một thói quen/thực hành bình thường. Chú trọng vào những cặp tình nhân, các nhà nghiên cứu trước đây đã ghi nhận tầm quan trọng của thực phẩm đối với việc tìm hiểu/tán tỉnh cùng với các câu hỏi liên quan đến sở thích cụ thể về ẩm thực, giá cả, và địa điểm ở nhà hay ngoài hàng.

Trong bài báo này, chúng tôi sẽ tìm hiểu mức độ mà ở đó “việc dùng chung bữa với người khác” – ăn với một hoặc nhiều người khác mà không có người yêu của mình – có thể khơi gợi sự ghen tuông, đồng thời tìm hiểu xem nó có khác biệt giữa nam giới và nữ giới hay không. Mặc dù có nhiều cuộc tranh luận dữ dội về việc mức độ ghen tuông thực chất là quá trình thích nghi cảm xúc giúp mọi người cảnh giác, đề phòng những kẻ lừa dối, nhưng những bất đồng lại tập trung vào một mô hình chung mà ở đó nam giới có xu hướng ghen tuông với việc ngoại tình về thể chất, còn nữ giới lại thường ghen với sự lừa dối về mặt cảm xúc/tình cảm hơn. Các nhà tâm lý học tiến hóa cho rằng mô hình như vậy là rất có lý vì nam giới – người có vai trò kém rõ ràng hơn trong khả năng/quá trình sinh sản – sẽ phản ứng một cách hợp lý hơn với việc ngoại tình về thể xác để giúp đảm bảo quyền làm bố của họ với các con mình, trong khi đó thì phụ nữ lại có xu hướng phản ứng nhiều hơn khi nửa kia của họ xuất hiện những thay đổi trong sự chú ý hoặc trong các tài nguyên mà có thể bị gây ra bởi sự lừa dối cảm xúc.

Dùng chung bữa là một yếu tố thú vị để xem xét trong bối cảnh này vì viện ăn uống cùng nhau liên quan đến các thành phần thể chất và xã hội. Nói chung, chúng tôi áp dụng một quan điểm chức năng của sự ghen tuông và đặt ra giả thuyết rằng nếu việc dùng chung bữa với người khác khơi gợi các phản ứng ghen tương đối, thì nó chỉ ra rằng con người đã phát triển/tiến hóa để nhận thấy rằng việc ăn cùng nhau thường có xu hướng liên quan, hoặc có thể là dẫn đến, một thứ gì đó “còn hơn cả ẩm thực/thực phẩm.”

Cụ thể hơn là nghiên cứu của chúng tôi đem lại sự tinh tế mới cho các cuộc tranh luận liên quan đến tính ghen tuông vì tác nhân kích thích của chúng tôi không bị giới hạn với những sự tương phản trái ngược giữa các vấn đề thể chất và tình cảm. Ví dụ, mặc dù tâm lý học tiến hóa dự đoán rằng nam giới có xu hướng phản ứng mạnh mẽ hơn khi nửa kia của họ “ăn nằm/quan hệ với người khác” – một thuật ngữ được vay mượn từ các nghiên cứu thuộc lĩnh vực sinh học, mối quan tâm của chúng tôi về việc dùng chung bữa với người khác sẽ mở rộng một tập hợp các hoạt động có thể kích thích sự ghen tuông trong mối quan hệ của các cặp đôi. Tuy rằng chúng tôi có thể nghiên cứu mức độ ghen tuông được khơi gợi bởi các hoạt động ngoài cặp (các hoạt động không có sự tham gia của một trong hai người trong một cặp tình nhân hoặc vợ chồng) chẳng hạn như khiêu vũ ở hộp đêm với ai đó không phải nửa kia của mình, song chúng tôi lại quyết định tập trung vào các hoạt động trần tục hơn như ăn uống, vì mọi người thường ăn uống nhiều lần một ngày.

Chia sẻ thực phẩm và hành vi xã hội

Trong khi việc tiêu thụ thực phẩm trong mối quan hệ với các hệ quả thể chất chẳng hạn như tăng cân đã được nghiên cứu rất nhiều và tỉ mỉ, thì việc chú ý đến ảnh hưởng của thực phẩm đối với hành vi xã hội vẫn còn khá xa lạ. Trong số những thí nghiệm từng khám phá chủ đề này, Williams và Bargh đã báo cáo rằng việc nhận được đồ uống ấm nóng dường như khơi gợi được những nhận thức có lợi. Ít thuận lợi hơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc tiêu thụ soda ăn kiêng có thể dẫn đến sự ham muốn, bốc đồng, còn việc tiêu thụ soda không ăn kiêng lại có vẻ như – trong một cuộc khảo sát với sự tham gia của học sinh trung học thành thị – ảnh hưởng đến tỷ lệ hành vi chống đối xã hội (antisocial behavior). Trong một nghiên cứu quan sát liên quan ở thẩm phán, Danziger, Levav, và Avnaim-Pesso đã nhận thấy rằng các phán quyết được đưa ra sau giờ nghỉ ăn thì khoan dung hơn đáng kể so với những quyết định được đưa ra ngay trước giờ nghỉ.

Nghiên cứu của chúng tôi được xây dựng dựa trên những nghiên cứu trước đây bằng cách mở rộng giả thuyết cho rằng con người coi việc tiêu thụ thực phẩm chung có ý nghĩa chức năng đối với các mối quan hệ xã hội. Cụ thể hơn là nếu việc dùng chung bữa được coi là một cơ chế liên kết, thì chúng tôi có thể kì vọng là việc dùng chung bữa với người khác (không phải người yêu hay vợ/chồng) sẽ kích thích sự ghen tuông ở các cặp đôi. Còn nếu việc dùng chung bữa không được coi là gì khác ngoài việc tiêu thụ thực phẩm cùng thời điểm, cùng địa điểm thì chúng tôi có thể cho rằng hoạt động này sẽ chỉ kích thích mức độ ghen tuông như với các tương tác mặt đối mặt/trực diện khác, chẳng hạn như hẹn gặp nhau uống cà phê.

Hơn nữa, nếu việc dùng chung bữa với người khác giới được coi như một thứ có khả năng đe dọa đến mối quan hệ tình cảm của một người, thì chúng tôi có thể suy luận – nếu chúng tôi chấp nhận một mô hình ghen tuông đặc trưng theo giới tính – rằng nam giới sẽ phản ứng dữ dội hơn nữ giới nếu việc ăn uống cùng nhau được nhìn nhận thiên về mặt thể chất, còn nữ giới sẽ phản ứng quyết liệt hơn nếu việc dùng bữa với người khác giới được coi là một hoạt động chủ yếu mang tính cảm xúc/tình cảm hoặc xã hội.

Tuyên bố đạo đức

Với mỗi một nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện, những người tham gia cung cấp sự đồng thuận bằng lời nói sau khi đã được giải thích vì cam kết tiến hành phân tích ẩn danh của chúng tôi không yêu cầu thông tin đồng thuận bằng văn bản. Các đối tượng tham gia thừa nhận vốn hiểu biết của họ về quá trình đồng thuận thông qua các cử chỉ và chúng tôi cũng nhắc nhở họ rằng họ có thể chấm dứt việc tham gia ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc nghiên cứu mà không bị phạt.

Hình thức thỏa thuận và thủ tục của chúng tôi được phê duyệt bởi Hội đồng Đánh giá Thể chế (IRB) của trường Đại học Cornell. Việc sử dụng sự đồng thuận bằng lời nói được phê duyệt bởi IRB Đại học Cornell và không cần đến văn bản thỏa thuận.

Thí nghiệm 1

Phương pháp

79 sinh viên (52 nam sinh) của một trường đại học tư ở miền Đông Bắc nước Mỹ đã tham gia vào nghiên cứu này để đổi lấy một khoản tiền khích lệ trên danh nghĩa. 96,2% người được hỏi có độ tuổi từ 18-22.

Các đối tượng tham gia được thông báo rằng “Sáu câu hỏi tiếp theo sẽ yêu cầu các bạn hình dung ra cách mình sẽ phản ứng với các tình huống giả định” và yêu cầu “Sau đó, hãy vận dụng trí tưởng tượng của mình để phản ứng như thể sự kiện giả định đã thực sự xảy ra.”

Theo thứ tự ngẫu nhiên, các đối tượng tham gia được giới thiệu sáu tình huống mà đều bắt đầu bằng cách lưu ý rằng “Gần đây, [người có mối quan hệ tình cảm] với bạn được [tình cũ] của cô ấy/anh ấy liên lạc và cô ấy/anh ấy dành khoảng một tiếng” (1) trao đổi qua email, (2) nói chuyện điện thoại, (3) hẹn gặp uống cà phê vào buổi sáng muộn, (4) gặp người kia để cùng dùng bữa sáng muộn (hoặc bữa trưa), (5) gặp uống cà phê chiều muộn, và (6) gặp nhau để dùng bữa chiều muộn (hoặc bữa tối).

Để cá nhân hóa các tình huống, các đối tượng tham gia nam được yêu cầu đánh giá cách họ sẽ phản ứng với những điều kiện giả định liên quan đến việc bạn gái họ liên lạc với bạn trai cũ. Tương tự như vậy, các đối tượng tham gia nữ cũng được yêu cầu đánh giá cách họ sẽ phản ứng với những điều kiện giả định liên quan đến việc bạn trai họ giao thiệp với tình cũ.

Các đối tượng tham gia sau đó được hỏi với từng câu hỏi “Trên thang điểm từ 1 đến 5, vui lòng ước tính mức độ ghen của bạn,” với 1 là “Không hề ghen” và 5 tương đương với “Cực kì ghen.”

Kết quả

Đáng chú ý là không tồn tại sự khác biệt đáng kể về giới tính đối với tất cả các điều kiện, và do đó chúng tôi đã báo cáo những chỉ số trung bình cho mẫu đầy đủ ở hàng trên của Bảng 1. Không có gì bất ngờ khi các đối tượng tham gia ước lượng mức độ ghen tuông cao hơn đối với việc liên lạc trực tiếp. Ví dụ, liên lạc qua điện thoại khơi gợi mức độ ghen đáng kể hơn là trao đổi qua email (t = -6,01; p < ,001).

Bảng 1: Xếp hạng mức độ ghen tuông trung bình với từng tình huống (và độ lệch chuẩn).

Trao đổi qua email Nói chuyện điện thoại Uống cà phê sáng muộn Bữa trưa Uống cà phê chiều muộn Bữa tối
Mức độ ghen tuông tự báo cáo [Nghiên cứu 1] 2,92 (1,15) 3,37 (1,15) 3,33 (1,19) 3,49 (1,19) 3,51 (1,13) 3,57 (1,17)
Mức độ ghen tuông của bạn thân [Nghiên cứu 2] 2,93 (1,15) 3,53 (1,13) 3,49 (1,19) 3,61 (1,15) 3,58 (1,24) 3,86 (1,16)

1 = Không hề ghen và 5 = Cực kì ghen.

Đối với bốn tình huống ăn uống, Bữa trưa kích thích cảm giác ghen tuông nhiều hơn là Uống cà phê sáng muộn (t  =  −2,97; p < ,01) còn Uống cà phê chiều muộn lại làm nảy sinh nhiều cảm giác ghen tuông hơn Uống cà phê sáng muộn (t  =  −3,49; p  =  ,001). Khi thu gọn hai biến cà phê và bữa ăn với nhau, chúng tôi nhận thấy rằng Bữa ăn khơi gợi sự ghen tuông nhiều hơn là Cà phê (t = 2,16; p = ,034), Bữa ăn kích thích sự ghen tuông nhiều hơn Nói chuyện qua điện thoại (t = 2,34; p = ,022), và Cà phê thì không gợi sự ghen tuông nhiều hơn là Nói chuyện qua điện thoại.

Thí nghiệm 2

Độc lập với các nhà nghiên cứu lập luận rằng sự ghen tuông có thể phục vụ các mục đích chức năng hoặc thích ứng về mặt xã hội, những tình cảm/cảm tính thông thường thường coi ghen tuông như một đặc điểm không mong muốn. Với nền tảng này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thứ hai để giải quyết những mối quan ngại về sự thiên vị trong phản hồi bằng cách yêu cầu các đối tượng tham gia ước tính cách bạn thân nhất của họ phản ứng với một tập hợp các điều kiện tương tự.

Phương pháp

74 sinh viên (51 nữ sinh) ở một trường đại học tư tại miền Đông Bắc nước Mỹ đã tham gia vào nghiên cứu này để đổi lấy việc hoàn thành một phần tín chỉ khóa học và một khoản khích lệ bằng tiền mặt danh nghĩa. Có 59 đối tượng tham gia tuổi từ 18-22; 9 người nằm trong độ tuổi 23-29; 2 người từ 30-39 tuổi; và 4 người là từ 40 tuổi trở lên.

Theo thứ tự ngẫu nhiên, các đối tượng tham gia được giới thiệu với những tình huống tương tự với sự điều chỉnh là họ được yêu cầu ước tính cách “bạn thân đồng giới” của mình phản ứng nếu người yêu hoặc vợ chồng của người ấy tham gia vào sáu hoạt động. Giống như Nghiên cứu 1, các đối tượng tham gia nam và nữ cũng nhận được sáu câu hỏi cụ thể theo giới tính mà trong đó nam giới được yêu cầu ước tính cách người bạn nam thân nhất với họ phản ứng nếu bạn gái của anh ta liên lạc với tình cũ, còn người tham gia là nữ được yêu cầu ước chừng mức độ phản ứng của bạn thân họ nếu bạn trai của những người này liên lạc với bạn gái cũ.

Kết quả

Giống Nghiên cứu 1, chúng tôi cũng không phát hiện ra sự khác biệt nào về giới tính đối với các điều kiện, và do đó chúng tôi báo cáo mức đánh giá trung bình với các mẫu đầy đủ ở hàng dưới của Bảng 1. Phù hợp với các mối quan tâm về việc có sự thiên vị trong phản hồi/phản ứng mà từ đó thúc đẩy chúng tôi tiến hành cả hai nghiên cứu, mức đánh giá tự báo cáo trung bình thường cao hơn với cả sáu điều kiện. Tương tự như vậy, chúng tôi cũng phát hiện thấy rằng điều kiện Nói chuyện qua điện thoại khơi gợi sự ghen tuông nhiều hơn là Trao đổi qua email (t = -4,90; p < ,0001).

Cụ thể hơn, Bữa tối làm nảy sinh sự ghen tuông nhiều hơn đáng kể so với Uống cà phê chiều muộn (t = 3,94; p < ,0001) cũng như Bữa tối gây ghen tuông nhiều hơn đáng kể Bữa trưa (t = ,272; p < ,01). Ngoài ra, chúng tôi còn nhận thấy rằng Các bữa ăn cũng gợi nhiều sự ghen tuông hơn là Cà phê ((t = 2,72; p < ,01) và không tồn tại sự khác biệt đáng kể giữa Các bữa ăn và Nói chuyện qua điện thoại hay Cà phê và Nói chuyện điện thoại.

Thảo luận

Mặc dù những phát hiện của chúng tôi về việc liên lạc qua Điện thoại và Email không có gì bất ngờ, nhưng Biểu đồ 1 sẽ biểu thị mô hình thú vị mà qua đó Các bữa ăn khơi gợi sự ghen tuông nhiều hơn những tương tác mặt đối mặt/trực diện (đơn cử như uống cà phê) mà không liên quan đến thức ăn. Những phát hiện này cho thấy là mọi người tin rằng việc dùng chung bữa còn liên quan đến nhiều yếu tố khác chứ không chỉ đơn thuần là tiêu thụ calo vật lý/vật chất. Cụ thể hơn, mô hình ở cả hai nghiên cứu đều cho thấy rằng mọi người dễ phải đối mặt với những rủi ro tiềm tàng đe dọa mối quan hệ mà họ nghĩ rằng bắt nguồn từ việc dùng chung bữa với người khác (không phải người yêu hay vợ chồng).

Biểu đồ 1: Đánh giá mức độ ghen tuông trung bình thay đổi theo bối cảnh xã hội.

Khi các đối tượng tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ ghen tuông của chính họ (Nghiên cứu 1) hoặc của bạn thân (Nghiên cứu 2) nếu nửa kia của họ tham gia vào một loạt hoạt động với tình cũ, các bữa ăn đã khơi gợi sự ghen tuông nhiều hơn đáng kể so với những tương tác dài tương đương liên quan đến cà phê. Sử dụng thang đo từ 1 (Không hề ghen) đến 5 (Cực kì ghen), các đối tượng tham gia trong cả hai nghiên cứu đều phản ứng với các hoạt động liên lạc trực tiếp một cách dữ dội hơn là với hoạt động trao đổi qua email.

Trong bối cảnh của các nghiên cứu liên quan đến ghen tuông trước đây, sự thiếu vắng của các khác biệt/chênh lệch giới tính là rất đáng chú ý. Vì tầm quan trọng của việc hiểu rõ sự ghen tuông trong mối quan hệ với sự gây hấn/hung hăng và vì các nghiên cứu trước đây đã nêu bật những khác biệt trong giới tính, nên phát hiện của chúng tôi về thái độ thường gặp đối với việc dùng chung bữa/ăn chung là cực kì hữu ích. Cụ thể, chúng tôi có thể tạm thời suy luận từ nghiên cứu của mình rằng mọi người coi việc dùng chung bữa/ăn chung như một sự tương tác liên quan đến những trao đổi cả về thể chất lẫn cảm xúc/tình cảm.

Trong bối cảnh của những nghiên cứu coi việc hợp tác là một câu đố cần lời giải thích, các phát hiện của chúng tôi đã làm nổi bật một cơ chế – dùng chung bữa – mà trước giờ chưa được nghiên cứu đầy đủ như một công cụ giúp phát triển và củng cố các mối quan hệ xã hội. Ví dụ, trong khi sự tồn tại của các mối quan hệ tình cảm khác giới/dị tính không gây khó khăn cho các nhà tâm lý học tiến hóa, thì những nghiên cứu của chúng tôi lại nhấn mạnh một cơ chế ứng cử viên cho các nhà nghiên cứu đang muốn tìm hiểu lý do vì sao những đối thủ cạnh tranh không có mối liên hệ về mặt di truyền lại thường chọn hợp tác với nhau. Trong số các lĩnh vực tiềm năng khác mà ở đó hoạt động dùng chung bữa/ăn chung có thể được nghiên cứu chặt chẽ như một cơ chế xây dựng cộng đồng, Wilson, Kauffman, và Purdy đã xác định việc tiêu thụ các bữa ăn trong môi trường trung học đặc biệt dành cho học sinh có nguy cơ là một phần của việc tạo ra môi trường văn hóa thành công.

Nghiên cứu của chúng tôi có hai hạn chế, hạn chế đầu tiên liên quan đến sự phụ thuộc của chúng tôi vào những đánh giá từ các mẫu đối tượng tham gia tương đối đồng nhất – sinh viên chưa tốt nghiệp của một trường đại học từ ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Do đó, trong tương lai sẽ cần có thêm nhiều nghiên cứu được tiến hành với các nhóm đối tượng tham gia không thuần nhất để kiểm tra khả năng khái quát hóa (generalizability) của các phát hiện của chúng tôi. Ví dụ, rất có thể là các mô hình khác nhau sẽ xuất hiện nếu những câu hỏi này được giới thiệu đến các nhóm phụ khác nhau ở Mỹ và, rộng hơn nữa, là các nhóm văn hóa trên toàn thế giới, nơi các giá trị liên quan đến bữa ăn và sự ghen tuông chắc chắn sẽ khác biệt.

Hạn chế thứ hai trong các nghiên cứu của chúng tôi liên quan đến thực tế là các tác nhân kích thích của chúng tôi trước giờ chỉ cho thấy triển vọng của việc người yêu hay vợ chồng của một người ăn uống, hoặc liên lạc với tình cũ. Những nghiên cứu trong tương lai sẽ phải kiểm tra mức độ mà ở đó các mô hình tương đương có thể tồn tại khi người yêu hay vợ chồng của một người ăn, uống, hoặc giao thiệp với một người tình tiềm năng mà họ chưa từng có tiền sử yêu đương cùng. Ví dụ, chúng ta không nên cho rằng sự ghen tuông sẽ được khơi gợi nếu một người biết được rằng nửa kia của mình đang ăn trưa cùng một đồng nghiệp mới vào làm, và cũng không nên dám chắc rằng sự ghen tuông sẽ xuất hiện khi người yêu/vợ chồng của họ đang đang ăn với một góa phụ hoặc một người góa vợ cao tuổi sống ở nhà bên, và không có các đặc điểm phù hợp với một đối thủ tiềm năng trong mối quan hệ tình cảm này.

Ngoài việc đề xuất tiến hành những cuộc nghiên cứu giúp giải quyết các hạn chế của bài báo này, trọng tâm của chúng tôi đối với ảnh hưởng của việc ăn đối với bản chất của các mối quan hệ xã hội đã mở ra một số phương pháp nghiên cứu mới. Ví dụ, vì các nghiên cứu trước đây cho thấy tầm quan trọng của các đặc điểm phi thể chất/vật chất đối với nhận thức về sự hấp dẫn thể chất, có vẻ hợp lý khi cho rằng việc người lạ ăn uống cùng nhau có thể phát triển những nhận thức được tăng cường của sự hấp dẫn thể chất sau khi cùng nhau dùng bữa. Trong thực tế, một mô hình như thế là kiểu bằng chứng giúp xác nhận rằng sự ghen tuông được khơi gợi trong nghiên cứu của chúng tôi chính là những phản ứng chức năng và thích nghi với các yếu tố đe dọa mối quan hệ.

Về cơ bản, mặc dù nghiên cứu của chúng tôi không phát hiện ra sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới trong khía cạnh ghen tuông, nhưng có vẻ hợp lý khi cho rằng phụ nữ có thai có thể biểu hiện sự ghen tuông nhiều hơn khi nửa kia của họ dùng chung bữa với người khác giới, nhất là nếu họ đặc biệt nhạy cảm với việc sự quan tâm chú ý cũng như các tài nguyên bị chia sẻ/phân tán cho một người khác. Tương tự, có thể là các cặp đôi đã kết hôn có xu hướng ghen tuông nhiều hơn – đặc biệt là khi họ đã có con – khi các bữa ăn được chia sẻ với người khác (chứ không phải vợ hoặc chồng); đồng thời họ cũng có thể ít ghen tuông hơn khi cả người vợ lẫn người chồng đều làm việc ở ngoài chứ không làm ở nhà, và do đó mà không phải phụ thuộc vào thu nhập của nhau.

Nhìn chung, các phát hiện hiện tại của chúng tôi đã góp phần làm tăng mối quan tâm về sức ảnh hưởng của thực phẩm đối với hành vi cá nhân cũng như hành vi xã hội. Tuy rằng tính đồng nhất tương đối trong các mẫu nghiên cứu của chúng tôi đã giới hạn mức độ mà chúng tôi có thể đưa ra những sự khái quát rộng rãi, nhưng nghiên cứu của chúng tôi vẫn chỉ ra rằng công ty mai mối/ghép đôi chuyên nghiệp “Chỉ là bữa trưa” có lẽ vô tình được hưởng lợi từ những đức tin ngầm về việc ăn cùng nhau mà giúp họ kết nối mọi người. Không chỉ vậy, các phát hiện của chúng tôi còn cho thấy rằng có thể tồn tại một câu nói chính xác và vô thường hơn “Chỉ là bữa trưa,” và đó là “Chỉ là uống cà phê thôi” vì có vẻ như mọi người đều xem việc uống cà phê trong ngày là tương đối trong sáng, thuần khiết.

Lời cảm ơn

Chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với Anne Clark, Jim Detert, William Schulze, David Sloan Wilson và hai nhà phê bình ẩn danh vì đã cung cấp những thông tin hữu ích. Xin được cảm ơn Dan Connolly, Kevin Krieger, Charles Marquet, Kale Smith, John Taber, Diana Viglucci, Zach West, và Jubo Yan vì đã giúp chúng tôi tổ chức cũng như thực hiện các cuộc nghiên cứu. Chúng tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến những người đã tham gia vào hai cuộc nghiên cứu của mình.

Xung đột lợi ích: Các tác giả tuyên bố không tồn tại bất cứ xung đột lợi ích nào.

Tài trợ: Không có sự tài trợ từ bên ngoài cho các nghiên cứu hiện tại.

– – –

  • Dịch từ bài viết: It’s Not Just Lunch: Extra-Pair Commensality Can Trigger Sexual Jealousy
  • Tác giả: Kevin M. Kniffin và Brian Wansink
  • DOI: 10.1371/journal.pone.0040445
  • Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng

Leave a Comment