Bối cảnh văn hóa và xã hội của sử dụng rượu: Những tác động trong khuôn khổ sinh thái-xã hội

Tóm tắt

Sử dụng và lạm dụng rượu chiếm 3,3 triệu ca tử vong hàng năm hay 6% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Tác hại của lạm dụng rượu sâu rộng và có phạm vi từ các nguy cơ sức khỏe cá nhân, tỉ lệ bệnh tật và tử vong cho đến các hệ lụy đối với gia đình, bạn bè, và xã hội ở quy mô lớn hơn.

Bài viết này đánh giá một vài ảnh hưởng văn hóa và xã hội đến việc sử dụng rượu và đặt sử dụng rượu cá nhân vào trong các bối cảnh và môi trường con người sinh sống và tương tác.

Bài viết bao gồm phần bàn luận về các yếu tố cấp độ vĩ mô như là quảng cáo và tiếp thị, các yếu tố nhập cư và phân biệt đối xử, cùng với cách khu dân cư hàng xóm, gia đình và những người đồng đẳng ảnh hưởng đến sử dụng/lạm dụng rượu. Cụ thể, bài viết mô tả bối cảnh xã hội và văn hóa ảnh hưởng đến việc sử dụng / lạm dụng rượu và sau đó khám phá các hướng tương lai nghiên cứu về rượu.

Các tài liệu nghiên cứu về rượu chú trọng quá nhiều vào các yếu tố nguy cơ do sử dụng rượu từ cấp độ xã hội đến cấp độ cá nhân.

Trên toàn thế giới, vào năm 2012 có 3,3 triệu ca tử vong là do lạm dụng rượu. Uống rượu vô độ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đứng thứ ba ở Mỹ, chịu trách nhiệm cho 88.000 ca tử vong mỗi năm.

Trên toàn cầu, bệnh tật và thương tổn do rượu là nguyên nhân dẫn đến ước tính tỉ lệ tử vong 4% và 4 đến 5% số năm sống hiệu chỉnh theo mức độ tàn tật (disability-adjusted life-years/DALYs).

Những nguy hại của việc lạm dụng rượu đang lan tràn trên diện rộng và có phạm vi từ các tai nạn và thương tổn cho đến bệnh tật và tử vong, cũng như là các hệ lụy đối với gia đình, bạn bè và xã hội rộng hơn.

Tiêu thụ rượu quá mức gia tăng đáng kể chi phí kinh tế. Chỉ riêng ở Mỹ, chi phí cho sử dụng rượu quá mức ước tính là 223,5 tỉ đô la Mỹ năm 2006, hay 746 đô la Mỹ mỗi người. Đa phần trong số chi phí này là do mất năng lực tại nơi làm việc cũng như là các chi phí y tế, dính líu đến pháp lý hình sự và các vụ va chạm phương tiện cơ giới.

Bài viết này đánh giá một số ảnh hưởng văn hóa và xã hội đối với sử dụng rượu và đặt việc sử dụng rượu cá nhân vào trong bối cảnh và môi trường con người sinh sống và tương tác. Đây không phải là một bài phê bình toàn diện nhưng có mục đích trình bày phạm vi điều kiện bối cảnh rộng lớn mà có thể định hình việc sử dụng rượu.

Chênh lệch và ảnh hưởng đối với sử dụng rượu: khung sinh thái – xã hội

Tiêu thụ rượu thay đổi theo giới tính và dân tộc/chủng tộc. Trên thế giới, đàn ông uống nhiều rượu hơn phụ nữ, và phụ nữ tại các nước phát triển hơn lại tiêu thụ rượu nhiều hơn so với phụ nữ tại các nước đang phát triển.

Đàn ông Mỹ dễ sử dụng rượu hơn phụ nữ (tương ứng 56,5% với 47,9%), dễ uống vô độ hơn (tương ứng với 30,4% với 16%) và dễ uống nhiều rượu hơn (tương ứng 9,9% với 3,4%). (Uống rượu vô độ được định nghĩa ở đây là số dịp trong 12 tháng qua mà phụ nữ uống 4 ly trở lên và đàn ông uống 5 ly trở lên trong giai đoạn 2 tiếng đồng hồ.)

Trong các nhóm dân tộc và chủng tộc, người da trắng ghi nhận tổng sử dụng rượu cao nhất ở những người tuổi từ 12 trở lên (57,4%). Người da đỏ/Thổ dân Alaska ghi nhận mức uống rượu vô độ cao nhất (30,2%), xếp sau là người da trắng (23,9%), người Latinh/gốc Tây Ban Nha (23,2%), người Mỹ gốc Phi (20,6%) và người châu Á (12,7%).

Đáng báo động là, theo hai mẫu tiêu biểu quốc gia, các xu hướng lạm dụng rượu đã gia tăng ở cả nam và nữ cùng với giới trẻ người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha trong một thập kỷ từ 1991–1992 đến 2001–2002. Tỉ lệ nghiện rượu cũng tăng ở nam giới, phụ nữ da đen trẻ tuổi và nam giới châu Á trong cùng giai đoạn thời gian.

Với những xu hướng này thì rõ ràng là cần có hiểu biết sâu sắc hơn về những yếu tố văn hóa và xã hội căn bản góp phần tạo nên những chênh lệch cách biệt này. Ví dụ, các chỉ báo địa vị kinh tế xã hội (SES) (tức trình độ học vấn, thu nhập và nghề nghiệp) thường là những chỉ báo rõ ràng cho các hành vi sức khỏe và kết quả cũng như là có xu hướng liên quan dương tính với sức khỏe. Những người có địa vị kinh tế xã hội cao hơn thì có xu hướng uống rượu thường xuyên hơn những người khác. Trong số những đối tượng uống rượu, nhóm có SES thấp hơn thường uống lượng rượu nhiều hơn.

Giống như các vấn đề sức khỏe khác, sử dụng rượu có thể liên quan đến một phạm vi phức tạp gồm các yếu tố từ các đặc điểm cấp độ cá thể (tức di truyền) đến cấp độ quần thể (tức yếu tố văn hóa và xã hội). Ở cấp độ quần thể dân số, nghiên cứu mới nổi đã khảo chứng mối quan hệ giữa các định tố xã hội với sức khỏe, và cụ thể là dịch tễ học xã hội về sử dụng rượu. Thuyết vốn xã hội (social capital theory) cho rằng mạng lưới và các quan hệ xã hội có ảnh hưởng đối với sức khỏe. Những người có mức độ hỗ trợ xã hội và gắn kết cộng đồng cao hơn nhìn chung được cho là khỏe mạnh hơn vì họ có những con đường hiệu quả hơn dẫn đến thông tin sức khỏe cơ bản, dễ tiếp cận đến các dịch vụ y tế hơn cũng như là có nhiều hỗ trợ tài chính với chi phí y tế hơn.

Bài viết này khảo sát những ảnh hưởng cấp độ quần thể cũng như cá thể này thông qua một khung sinh thái xã hội (social-ecological framework), mà ấn định rằng sức khỏe và phát triển con người diễn ra trên khắp một phổ – từ cấp độ cá nhân đến vĩ mô hay xã hội.

Trong bối cảnh sử dụng rượu, các cá nhân được xếp lồng vào trong hệ vi mô của họ (gia đình, công việc và môi trường học hành của họ), mà bản thân nó được lồng trong một cộng đồng phạm vi lớn hơn. Những yếu tố cấp độ vi mô, như là tiếp xúc với quảng cáo, có thể ảnh hưởng đến thái độ và chuẩn tắc gia đình cùng mạng lưới đồng đẳng, mà sau cùng ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của mỗi cá nhân (xem hình).

Cấp độ vĩ mô/chính sách:

Quảng cáo và tiếp thị, chính sách liên quan đến sử dụng rượu, vân vân

Cộng đồng:

Thái độ và chuẩn tắc của cộng đồng liên quan đến sử dụng rượu, chuẩn tắc văn hóa, chuẩn tắc giới tính, vân vân

Hệ thống vi mô:

Môi trường gia đình và tổ ấm, trường học và đồng đẳng, mạng lưới đồng nghiệp, đồng đẳng cổ vũ, gia đình ủng hộ, cha mẹ quản giáo, cha mẹ sử dụng rượu, vân vân

Cá nhân:

Dân tộc/chủng tộc, tình trạng nhập cư, SES, vân vân

Hình

Khung sinh thái-xã hội để giải thích về những yếu tố tác động đến việc sử dụng rượu. Các yếu tố cấp độ cá nhân ảnh hưởng đến sử dụng rượu nằm trong trong gia đình, công việc và môi trường học hành, ba yếu tố này được lồng vào trong trong cộng đồng phạm vi lớn hơn. Các yếu tố cấp độ vĩ mô như là tiếp xúc với quảng cáo, có thể ảnh hưởng đến thái độ cùng chuẩn tắc của gia đình và mạng lưới đồng đẳng, sau cùng tác động đến thái độ và hành vi của mỗi cá nhân.

Ảnh gốc tiếng Anh:

những yếu tố tác động đến việc sử dụng rượu

Ảnh hưởng xã hội: quảng cáo, tiếp thị và truyền thông xã hội

Tiếp xúc với truyền thông hỗ trợ tác động đến các chuẩn tắc xã hội (social norm) về rượu thông qua quảng cáo, product placements (đặt sản phẩm trong phim) và các câu chuyện từ đa dạng nhiều nguồn, gồm phim, truyền hình, truyền thông xã hội và các hình thức giải trí khác. Mặc dù doanh số và tiếp thị rượu được kiểm soát quản lý chặt chẽ, nhưng mọi người vẫn tiếp xúc với đa dạng các loại quảng cáo về rượu và rượu mạnh, đặc biệt là ở Mỹ.

Liệu những quảng cáo này có trực tiếp dẫn đến gia tăng tiêu thụ hay không vẫn là chủ đề trong nhiều tranh luận về chính sách công cùng với nhiều khảo sát về rượu và người tiêu dùng. Những nghiên cứu gần đây đã dùng các thiết kế phương pháp luận phù hợp để đánh giá những ảnh hưởng của quảng cáo lên lượng rượu tiêu thụ. Mặc dù các nghiên cứu theo chiều dọc đã kết luận rằng quảng cáo rượu đặc biệt ảnh hưởng đến khuynh hướng tiêu thụ rượu của thanh thiếu niên nhỏ tuổi hơn, nhưng một thiết kế nghiên cứu thực nghiệm phân bổ ngẫu nhiên sinh viên cao đẳng vào xem quảng cáo về rượu không ghi nhận kết quả khác biệt nào so với nhóm đối chứng.

Có vẻ như là ảnh hưởng của quảng cáo thay đổi theo các nhóm tuổi và chủng tộc. Ngành công nghiệp rượu sử dụng những chiến lược tiếp thị có mục tiêu phức hợp tập trung vào người người Mỹ gốc Phi, người Latinh và người da đỏ, trong các nhóm nhân khẩu khác như là giới trẻ và các dân tộc thiểu số khác.

Những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy tiếp thị rượu có định hướng dẫn đến cá nhân hình thành những niềm tin tích cực đối với việc uống rượu và hình thành cùng với mở rộng những môi trường có thể chấp nhận và khuyến khích sử dụng rượu. Những yếu tố này có thể gây ra sự xâm lấn mạnh mẽ của việc uống rượu và uống vô độ cũng như là tăng tiêu thụ rượu.

Từ khi xuất hiện đồ uống có cồn tăng hương vị (flavored alcoholic beverages) vào những năm 1980, ngành công nghiệp rượu đã tiến hành các công cuộc tiếp thị có định hướng nhắm tới người trẻ nói chung và đặc biệt là nữ giới trẻ tuổi. Những sản phẩm có hương vị trái cây ngọt ngọt, hình thức và đóng gói sặc sỡ cũng như là nồng độ cồn thấp được thiết kế để thu hút phụ nữ trẻ tuổi. Đồ uống trái cây dùng vị ngọt đường của đồ uống nhẹ để che lấp vị đồ uống có cồn truyền thống, khiến thị trường tiêu dùng này thấy chúng ngon miệng hơn. Mặc dù ngành công nghiệp rượu tuyên bố rằng các chiến lược tiếp thị của ngành là hướng tới người trưởng thành tuổi từ 21–29, các sản phẩm như là đồ uống có cồn kèm vị vẫn hấp dẫn những người uống rượu trẻ tuổi hơn.

Khảo sát ước tính 38,5% học sinh cấp ba đã sử dụng rượu trong một tháng vừa qua và  20,5% lứa tuổi teen bắt đầu uống rượu trước 13 tuổi. Xấp xỉ 75% học sinh lớp lớn ở cấp ba và 64% học sinh cấp ba khối 10 cho biết đã thử rượu. Người trẻ dưới 21 tuổi nhìn và nghe thấy tiếp thị về đồ uống có cồn tăng cường hương vị trên căn cứ theo đầu người bất tương xứng so với người trưởng thành, và số lượng người trẻ không tương xứng tiêu thụ đồ uống có cồn. Hơn nữa, giới trẻ tiếp xúc với quảng cáo rượu thì có xu hướng trung bình uống nhiều hơn đồng đẳng (peers/hiểu nôm na là người cùng tuổi, bạn bè chơi cùng nhau) của họ những người ít tiếp xúc với tiếp thị gắt gao liên quan đến rượu. Cụ thể là, nhóm các tác giả phát hiện ra rằng người trẻ tuổi cứ xem thêm một quảng cáo thì số lượng ly tiêu thụ ghi nhận tăng thêm 1%.

Hoạt động marketing (tiếp thị) rượu cũng có thể dẫn đến hình thành phát triển sở thích đối với nhãn hiệu rượu của giới trẻ và thanh niên, có thể ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ rượu của họ. Ví dụ, giới trẻ báo cáo trung bình tiêu thụ thêm 11 ly mỗi tháng khi phản hồi một điều tra trực tuyến mà sử dụng những công cụ đo kiểm cụ thể theo nhãn hiệu so với điều tra dùng những công cụ đo kiểm rượu chung chung hơn. Mối quan hệ giữa khả năng dễ tiếp thu nhãn hiệu và tiêu thụ rượu theo nhãn hiệu cũng có liên quan đến liệu có hay không và khi nào thì thanh thiếu niên bắt đầu uống rượu vô độ.

Tăng sử dụng truyền thông xã hội để tiếp thị rượu sánh bước với những thay đổi trong phương pháp truyền thông ở thanh thiếu niên và người trẻ lứa tuổi đại học cao đẳng. Các kỹ xảo tiếp thị đa dạng nhiều loại sản phẩm phản ánh những nghiên cứu cho thấy rằng trên giao diện trực tuyến thì dễ tác động đến hành vi của thanh thiếu niên. Các con đường truyền thông xã hội được người trẻ dùng rộng rãi, với 92% tuổi vị thành niên cho biết lên mạng hàng ngày và 24% lên mạng “gần như liên tục”. Các mạng xã hội như là Twitter, Instagram và Facebook đều có hoạt động marketing liên quan đến rượu. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đến năm 2012, có hơn 1.000 trang liên quan đến rượu chỉ riêng ở trên Facebook. Sử dụng rượu gia tăng cùng với số quan hệ đồng đẳng trực tuyến và mật độ đồng đẳng cao hơn, một công cụ kiểm tra tính chất liên kết trong mạng xã hội. Bất kể những quy định tự áp đặt có mục đích ngăn không để người trẻ chưa đủ tuổi tiếp cận các quảng cáo về rượu trên truyền thông xã hội, người trẻ chưa đủ tuổi uống rượu hợp pháp vẫn có thể tiếp cận được hơn hai phần ba số quảng cáo về rượu trên YouTube.

Dân tộc và chủng tộc thiểu số, đặc biệt là những đối tượng sinh sống trong các cộng đồng người Mỹ gốc Phi, cũng tiếp xúc tương tự với quảng cáo đồ uống có cồn theo định hướng. Người Mỹ gốc Phi chiếm 13% dân số Mỹ, nhưng họ mua 67% trong toàn bộ số rượu mạnh làm từ mạch nha (malt liquor) bán ra. Rượu mạnh từ mạch nha nhìn chung là có nồng độ cồn cao hơn, rẻ hơn và bán số lượng lớn so với các loại bia và rượu bia khác cùng với việc người Mỹ gốc Phi tiếp xúc với nhiều quảng cáo về rượu mạnh mạch nha hơn các nhóm khác. Phát hiện không tương xứng các bảng quảng cáo và những quảng cáo khác về rượu mạnh từ mạch nha trong các khu dân cư có số phần trăm người Mỹ gốc Phi cao hơn, và lời bài hát nhạc ráp thường xuyên nhắc đến rượu mạnh từ mạch nha. Khi khảo sát quảng cáo rượu trên báo chí, Cohen và các cộng sự (2006) đã nhận thấy rằng có nhiều quảng cáo liên quan đến rượu hơn trong báo định hướng độc giả người Mỹ gốc Phi so với báo định hướng độc giả đại trà hơn. Kwate và Meyer (2009) đã tìm ra mối tương quan giữa uống rượu gây vấn đề ở phụ nữ Mỹ Phi và việc tiếp xúc với quảng cáo rượu, cho rằng khi tăng tiếp xúc với quảng cáo thì cũng tăng tiêu thụ rượu.

Tuy nhiên, phải thận trọng lý giải những phát hiện này, vì khó mà xác định được liệu quảng cáo có trực tiếp dẫn đến tăng tiêu thụ rượu hay không. Để bắt đầu thì một loạt các chiến lược tiếp thị bao gồm phân phối, phát triển sản phẩm, định giá và tiếp thị có định hướng đều có khả năng tác động đến quan hệ giữa quảng cáo và tiêu thụ rượu. Ví dụ, Molloy (2015) cho biết sau khi kiểm soát việc định hướng quảng cáo, thì chỉ chứng kiến được một chút ảnh hưởng của quảng cáo đối với tiêu thụ rượu, bất kể những tương quan chặt chẽ giữa quảng cáo rượu và uống rượu trong giới trẻ. Cũng chưa rõ những phương diện nào của quảng cáo truyền thông xã hội trực tuyến có liên quan đến những tương quan đã quan sát được. Khảo sát cho thấy những người uống rượu thích quảng cáo về rượu hơn những người không uống rượu, có đáp ứng thần kinh với quảng cáo mạnh mẽ hơn những người không uống và có thể nhớ lại quảng cáo rõ ràng hơn, khiến khó phân biệt được giữa những cơ chế đặc thù đằng sau các mối quan hệ đã quan sát được. Kết quả là những khẳng định nhân quả về việc sử dụng rượu và tiếp thị gây nhiều vấn đề do thứ tự thời gian giữa sử dụng rượu và xem quảng cáo không thường được thiết đặt.

Bất kể những thách thức này, điều quan trọng là phải phát triển những chiến lược mới để khảo sát có hệ thống tác động của quảng cáo và tiếp thị đối với sử dụng rượu trong các quần thể khác nhau. Ví dụ, các nhà khảo sát có thể tiếp tục so sánh các chiến lược quảng cáo và tiếp thị trong các khu dân cư cụ thể để hiểu trọn vẹn hơn ảnh hưởng của tiếp thị có định hướng đối với sử dụng rượu. Cũng cần có thêm khảo sát và nghiên cứu đánh giá có thể hỗ trợ thiết lập nên liệu có hay không và bằng cách nào mà quảng cáo và tiếp thị có thể dẫn đến sử dụng rượu trong các nhóm dân số bất lợi và dễ bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng do phân biệt

Nhiều yếu tố văn hóa và xã hội dự báo cho sự gia tăng sử dụng rượu, bao gồm sự phân biệt và kỳ thị liên quan. Phân biệt và áp lực từ lâu đã có vai trò trong các hành vi nguy cơ liên quan đến sức khỏe, bao gồm sử dụng rượu. Khung stress (căng thẳng áp lực) và đối phó stress thường được áp dụng để giải thích cho ảnh hưởng của sự phân biệt và kỳ thị đối với sức khỏe. Giả thiết có từ lâu này ấn định rằng mọi người uống rượu để tiêu sầu giải tỏa stress trong cuộc sống thường ngày, gồm những tác nhân gây căng thẳng áp lực liên quan đến công việc cùng với phân biệt chủng tộc và dân tộc.

Phân biệt được nhìn nhận như một tác nhân gây stress xã hội chủ chốt đem đến phản ứng sinh lý bao gồm tăng huyết áp và giải phóng các hormone stress, những nội tiết tố này có thể đem đến tai hại suốt đời, bao gồm tăng sử dụng rượu. Đối xử bất công tự báo cáo và phân biệt chủng tộc có liên quan đến sử dụng rượu nhiều hơn ở người Mỹ gốc Á và người Latinh.

Bức tranh kém rõ ràng hơn ở người Mỹ gốc Phi. Mặc dù đã phát hiện được những liên hệ dương giữa mức độ phân biệt và sử dụng rượu trong quần thể này, các nghiên cứu khác gần đây ở người trưởng thành Mỹ gốc Phi không ghi nhận mối quan hệ nào giữa mức phân biệt chủng tộc cao và uống rượu nhiều theo thời đoạn. Tuy nhiên, Borrell và các cộng sự (2007) có ghi nhận mối quan hệ giữa sự phân biệt và sử dụng rượu trong năm qua. Kết quả lẫn lộn gây bối rối ở người Mỹ gốc Phi có thể liên quan nhiều đến địa vị kinh tế xã hội hơn là sự phân biệt. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng người Mỹ gốc Phi có trình độ giáo dục cao hơn thì dễ thừa nhận đã phải chịu đựng sự phân biệt hơn, trong khi điều ngược lại thì đúng với người da trắng. Nguyên nhân có thể là do những người Mỹ gốc Phi học hành nhiều hơn tự nhận thấy bản thân rơi vào những tình huống phân biệt diễn ra với họ, hoặc họ có thể nhận thức nhanh hơn về mức độ biểu hiện tinh vi khó phát hiện của sự phân biệt. Điều này có thể giải thích cho kết quả phức tạp phát hiện được từ cụ thể phân khúc dân số này, vì địa vị kinh tế xã hội thực sự có thể giảm ảnh hưởng của sự phân biệt đối với việc uống rượu. Cần có thêm nghiên cứu để khảo sát những cơ chế tiềm tàng này cùng với những yếu tố căn bản khác tương tác với sự phân biệt chủng tộc để tác động đến sử dụng và lạm dụng rượu trong các nhóm thiểu số.

Một nhóm khác mà có thể đang có nguy cơ cụ thể gặp phải các vấn đề với rượu bắt nguồn từ những trải nghiệm của họ với sự phân biệt là những nhóm trong cộng đồng đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới (cộng đồng LGBT), những đối tượng chịu nhiều phân biệt liên quan đến thiên hướng tình dục (sexual orientation) và gender identification (bản dạng giới). Một nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn hai phần ba số người trưởng thành trong cộng đồng LGBT đã phải chịu sự phân biệt và những ai thừa nhận bị phân biệt theo chủng tộc, giới tính và thiên hướng tình dục có nhiều khả năng sử dụng rượu và các chất khác gấp gần bốn lần. Điều này cho thấy các nghiên cứu trong tương lai và can thiệp y tế công cộng nên tập trung không chỉ vào phân biệt chủng tộc và giới tính mà còn cả thiên hướng tình dục và bản dạng giới.

Những ảnh hưởng liên quan đến nhập cư

Ảnh hưởng xã hội có thể hình thành hành vi uống rượu ở những dân nhập cư vào Mỹ. Năm 2010, gần 40 triệu người, hay 13% dân số Mỹ sinh ra ở quốc gia khác – con số dân nhập cư Mỹ tuyệt đối lớn nhất từng có và tỉ lệ cao nhất những người sinh ở nước ngoài kể từ những năm 1920. Với sự đa dạng lớn trong dân nhập cư về mặt cố hương, ngôn ngữ, tôn giáo và tầng lớp xã hội, cùng với thậm chí là nhiều nguyên nhân và cách thức nhập cư hơn bao giờ hết, không có gì lạ khi bằng chứng về tiêu thụ rượu trong dân nhập cư cũng phức tạp tương tự như thế.

Nhập cư có thể tác động đến tiêu thụ rượu và các hệ lụy của nó theo ít nhất hai cách. Giả thiết thứ nhất cho rằng dân nhập cư gặp phải khó khăn và gian khổ khi họ quá độ sang một văn hóa và xã hội mới. Những gian khổ bao gồm áp lực căng thẳng khi trải nghiệm môi trường và văn hóa mới; sống trong các khu dân cư nghèo khổ; tìm kiếm công ăn việc làm phù hợp đảm bảo trong môi trường an toàn; gặp được ít cơ hội để tăng thu nhập hoặc tài sản; và tham gia vào ít mạng lưới xã hội và có quy mô nhỏ hơn mà nếu không như thế thì họ đã nhận được hỗ trợ về phương tiện và cảm xúc. Cũng có thể là dân nhập cư không dung nhập hoàn toàn vào xã hội Mỹ do đã có trải nghiệm bị phân biệt và các chướng ngại trong cơ động xã hội (social mobility). Vì những yếu tố này có liên quan đến tiêu thụ rượu và các vấn đề với rượu, dân nhập cư có thể sẽ tiêu thụ rượu nhiều hơn. Khi cuộc sống của họ trở nên ổn định hơn trong xã hội mới, mô hình tiêu thụ rượu này giảm đi. Một giả thiết thứ hai ấn định rằng tiêu thụ rượu tăng thời gian sinh sống lâu hơn của dân nhập cư tại một địa điểm mới. Theo thời gian dân nhập cư có thể học được các hành vi và thích ứng với lối sống thường liên quan đến tiêu thụ rượu trong xã hội Mỹ (tức là trải qua tiếp nhập văn hóa).

Bằng chứng rõ ràng ám chỉ rằng những chuẩn tắc mạnh mẽ của quê hương gây ảnh hưởng lâu dài đối với các kiểu cách uống rượu của dân nhập cư. Dân nhập cư mới đây nhìn chung có tỉ lệ sử dụng rượu và uống rượu quá mức thấp hơn dân cư Mỹ. Các bài phê bình sẵn có nhận thấy việc tiếp nhập văn hóa dẫn đến tiêu thụ nhiều rượu hơn ở dân nhập cư, gồm người Latinh. Tăng tiếp nhập văn hóa có liên quan đến tăng tỉ lệ uống rượu và uống rượu nhiều ở phụ nữ Latinh. Kết quả ở đàn ông Latinh dường như kém rõ ràng hơn, với việc tăng tiếp nhập văn hóa gắn chặt với tăng khả năng uống rượu nhưng không phải là một mô hình chắc chắn của uống rượu gây vấn đề.

Các nghiên cứu bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của những yếu tố tiền nhập cư, bao gồm mức độ sử dụng rượu trước khi nhập cư cũng như là những ảnh hưởng văn hóa của quê hương. Một nghiên cứu ở người Latinh đã phát hiện ra rằng đàn ông Latinh với mức độ sử dụng rượu cao hơn trước khi nhập cư, lại giảm mạnh mức độ sử dụng sau khi nhập cư so với phụ nữ Latinh. Phát hiện này cho thấy các nghiên cứu trong tương lai có thể sẽ cần tập trung vào các quỹ đạo sử dụng rượu để hướng đến xử lý làm rõ các nỗ lực phòng tránh rượu. Hơn nữa, giữ gìn văn hóa quê hương cũng đã được chứng minh có tác dụng phòng ngừa sử dụng rượu, bao gồm các giá trị truyền thống và gia đình phòng ngừa bảo vệ.

Thời điểm nhập cư cũng có thể quan trọng khi tìm hiểu mối quan hệ giữa nhập cư và tiêu thụ rượu. Tuổi lúc nhập cư có thể được xem như điều kiện phát triển kinh nghiệm của dân nhập cư khi họ lần đầu tiên đến Mỹ. Điều kiện này giúp định hình việc sử dụng ngôn ngữ, đồng nhất hóa mạng lưới xã hội và học hành. Có đa dạng các định chế xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân theo lứa tuổi nhập cư. Số lượng nhóm và thể chế xã hội như là trường học, câu lạc bô, mạng lưới bạn bè và quan hệ gia đình, với mục đích hỗ trợ trẻ em dung nhập vào xã hội mới của trẻ thì có nhiều hơn hẳn so với những nhóm và thể chế sẵn có dành cho người trưởng thành. Những nhóm xã hội này, theo đó, đem đến nhiều khả năng tiếp cận các cấu trúc cơ hội trong một nền văn hóa mới hơn cho trẻ. Ngược lại, có thể có sẵn một tập hợp nhiều nhóm xã hội hơn dành cho trẻ nhập cư hơn là cho người nhập cư lớn tuổi. Kết quả là, trẻ cũng có thể chịu nhiều tác nhân gây stress và ảnh hưởng tiêu cực hơn mà có thể dẫn đến các hệ quả sức khỏe và xã hội bất lợi khi trẻ trưởng thành. Dân nhập cư đến Mỹ khi còn nhỏ có thể có nguy cơ phát triển những hành vi như là sử dụng rượu và lạm dụng rượu do trẻ có khả năng tham gia vào các mạng xã hội cung cấp nhiều khả năng tiếp cận và cơ hội thực hiện những hành vi này hơn, cũng như là có ít mức độ gắn bó với cha mẹ hơn.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng dân nhập cư người Mexico đến Mỹ trước 14 tuổi có tỉ lệ tiêu thụ rượu cao hơn những người nhiều tuổi hơn thế khi nhập cư. Dân nhập cư đến khi còn nhỏ tuổi có các kiểu cách tiêu thụ rượu giống với dân sinh ra tại Mỹ. Nghiên cứu của Reingle và các cộng sự cũng chứng minh rằng dân nhập cư đến Mỹ tại thời điểm dưới 14 tuổi và sống xa khu vực biên giới Mỹ – Mexico có tỉ lệ sử dụng rượu cao hơn nhiều so với dân sống trong vùng biên giới. Kết quả cụ thể này đề xuất rằng địa điểm sinh sống của dân nhập cư là một bối cảnh xã hội khác đáng được nghiên cứu điều tra thêm.

Ảnh hưởng cộng đồng

Tài liệu nghiên cứu khoa học về những ảnh hưởng cộng đồng đối với sử dụng rượu tập trung chủ yếu vào các khía cạnh xã hội, như là những đặc điểm khu dân cư và cơ hội mua và tiêu thụ rượu. Chẳng hạn như, một nghiên cứu phát hiện ra rằng những người sống trong một khu dân cư có môi trường xây dựng kém, đặc trưng có tình trạng các tòa nhà xuống cấp, các chỉ báo về nhà ở, nước và vệ sinh kém, có nhiều hơn 150% khả năng uống rượu so với những người sống trong môi trường xây dựng chất lượng cao hơn.

Các nghiên cứu khác đã khảo sát dịch tễ học không gian về khu dân cư liên quan đến tính sẵn có của rượu, tiêu thụ cá nhân cùng với vô tổ chức cộng đồng và bạo lực (community disorganization and violence). Những mối quan hệ về không gian giữa các đại lý rượu và tiêu thụ cá nhân cũng có thể là một đáp án lý giải tỉ lệ sử dụng rượu khu biệt ở các nhóm dân tộc/chủng tộc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các cộng đồng người thiểu số có mật độ tập trung cửa hàng bán rượu lớn hơn các cộng đồng người da trắng, có thể tăng khả năng tiếp cận rượu trong các nhóm dân thiểu số. Hơn nữa, sống trong một khu dân cư nghèo khó từ khi còn nhỏ gây ra những hậu quả lâu dài. Tiếp xúc với bạo lực từ khi còn bé làm tăng tiếp xúc với hồ bằng cẩu hữu phạm tội và sử dụng rượu. Trong một nghiên cứu khác, việc biết được rằng kiếm rượu dễ dàng đến mức nào, chứng kiến các vụ mua bán ma túy trong khu dân cư và thấy những người đồng đẳng uống rượu đều có liên quan đến tăng sử dụng rượu.

Các đặc điểm khu dân cư liên quan đến nguy cơ sử dụng rượu có ích trong việc hoạch định chính sách y tế công cộng vì nó cho phép các nhà hoạch định chính sách và thiết lập chương trình hiểu được các yếu tố cấp độ cấu trúc đang biến đổi của môi trường vật chất có thể ảnh hưởng như thế nào đến những hành vi gây nguy cơ cho sức khỏe, gồm sử dụng rượu. Tuy nhiên vẫn còn có các thách thức phương pháp luận khi phân tích tác động của các yếu tố cộng đồng phức tạp đối với hành vi của cá nhân. Những yếu tố như thế bao gồm phân tầng xã hội (tức xác suất sinh sống trong những khu dân cư nhất định, xác suất này cao hơn với một số kiểu người nhất định) và chọn lọc xã hội (tức xác suất những người uống rượu dễ chuyển đến sống trong những kiểu khu dân cư nhất định). Vẫn chưa rõ liệu sự nghèo khổ gian khó của khu dân cư có gây ra các vấn đề với rượu hay không cũng như là liệu những người thường xuyên uống rượu thực tế bị thu hút đến những khu dân cư nhất định (tức tự chọn lọc) hay không. Những thách thức này hạn chế việc diễn giải của nghiên cứu về những ảnh hưởng cấp độ cộng đồng. Một số nghiên cứu đã cố gắng làm rõ ba vấn đề này thông qua các chỉ báo có thời gian cụ thể và trùng khớp xu hướng. Các nghiên cứu tương lai nên cân nhắc những thách thức này và giải quyết những chênh lệch nhóm phụ trong việc sử dụng rượu trên mọi chủng tộc/dân tộc và giới tính.

Chuẩn tắc xã hội

Chuẩn tắc và niềm tin xã hội là những yếu tố dự đoán đáng tin về uống rượu hiện thời và uống rượu nhiều thường xuyên. Trong mọi chủng tộc và dân tộc thì người ta ghi nhận rằng người Mỹ gốc Phi và người Latinh có thái độ bảo thủ hơn đối với uống rượu so với người da trắng. Những chuẩn tắc bảo thủ hơn này có thể liên quan đến tỉ lệ uống rượu thấp hơn ở người Mỹ gốc Phi và người Latinh so với người da trắng. Một vài nghiên cứu khảo sát sự đa dạng trong các nhóm chủng tộc và dân tộc như là người Latinh, người da đen, và người châu Á, hạn chế khả năng chúng ta đáp ứng được nhu cầu của những nhóm dân số nhỏ cụ thể. Một số nghiên cứu cho rằng các vấn đề liên quan đến rượu thay đổi đáng kể giữa các nhóm nhỏ dân Latinh, bao gồm tỉ lệ lạm dụng và nghiện rượu cao hơn ở đàn ông Mỹ gốc Mexico và đàn ông Puerto Rico so với người Mỹ gốc Cuba và người Trung cùng Nam Mỹ. Những phát hiện này có thể được lý giải xác đáng nhất thông qua nhiều khác biệt trong chuẩn tắc văn hóa, đặc biệt là những tín ngưỡng văn hóa liên quan đến sử dụng rượu thích đáng. Ví dụ, một số học giả giải thích cho các kiểu cách uống nhiều rượu ở đàn ông Latinh bằng khái niệm lòng tự tôn của đấng mày râu, một ảnh hưởng văn hóa quan trọng trong nhiều thế hệ và vẫn vẹn nguyên trong bản sắc đàn ông Latinh. Lòng tự tôn của nam nhi chỉ ra rằng đàn ông Latinh cố gắng tỏ vẻ mạnh mẽ và nam tính do các giá trị văn hóa, và uống được nhiều rượu hơn càng chứng tỏ nam tính của họ. Mới đây hơn, các nhà học giả đã nhận xét rằng những khái niệm như là lòng tự tôn nam nhi không thể giải thích cho tính phức tạp của hành vi uống rượu của người Latinh.

Mặt khác, người châu Á nhìn chung được cho là có tỉ lệ không uống rượu cao hơn so với các nhóm dân tộc và chủng tộc khác, đặc biệt là khi họ đã dung nhập gắn bó sâu sắc vào văn hóa dân tộc của họ. Một cách kiểm tra việc gìn giữ các giá trị dân tộc cùng chuẩn tắc văn hóa đó là tình trạng thế hệ con cháu thứ bao nhiêu (generation status). Tức là dân nhập cư càng sống ở Mỹ lâu hơn thì họ càng dễ tiếp nhập chuẩn tắc văn hóa của nước họ nhập cư. Mức độ bản sắc dân tộc kém hơn có thể là một lời giải cho những cách biệt này giữa các nhóm nhỏ người châu Á. Người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Philippines và người Mỹ gốc Hàn thường ở Mỹ lâu hơn các nhóm nhỏ người châu Á khác, như là người Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, cũng như là ghi nhận mức độ sử dụng rượu nhiều hơn so với các dân nhập cư người châu Á và người Mỹ gốc Á khác. Bản sắc dân tộc có thể thúc đẩy các giá trị gia đình và quan hệ truyền thống chặt chẽ hơn, dẫn đến mức độ sử dụng rượu thấp hơn. Hơn nữa, thanh thiếu niên Mỹ-Á gắn bó nhiều với gia đình hoặc có chung thái độ tiêu cực đối với việc uống rượu thì không dễ tiêu thụ rượu.

Các chuẩn tắc văn hóa cũng đa dạng thay đổi theo bối cảnh và địa điểm. Một số nhà nghiên cứu về rượu đã dùng các phương thức tiếp cận đa cấp độ để phân biệt các tác động nhân quả của các chuẩn tắc ở cấp độ cá nhân và khu dân cư. Ví dụ, Ahern và các cộng sự (2008) phát hiện ra rằng các chuẩn tắc khu dân cư không ủng hộ chuyện say xỉn là một chỉ báo vững chắc và rõ ràng hơn về việc uống rượu vô độ thay vì những niềm tin tùy ý về chuyện đó của cá nhân hay bạn bè và gia đình. Nếu một người sống trong khu dân cư không tán thành uống rượu vô độ thì người đó sẽ ít khả năng uống rượu hơn, kể cả khi họ tin là người ta chấp nhận việc đó. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ, cho chúng ta thấy rằng chuẩn tắc giới tính quanh sử dụng rượu có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến tiêu thụ rượu.

Cụ thể là, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những chênh lệch giới tính trong sử dụng rượu có thể phản ánh được nhiều kỳ thị xã hội hướng tới phụ nữ uống rượu hơn. Điều này có vẻ rõ ràng hơn trong những văn hóa nhất định, chẳng hạn như đã ghi nhận các chuẩn tắc giới tính rõ ràng hơn liên quan đến sử dụng rượu trong các văn hóa Latinh so với Mỹ. Kết quả này dẫn đến chênh lệch giới tính lớn hơn trong sử dụng rượu ở người Latinh so với các nhóm dân số Mỹ khác, với các xu hướng gần đây chỉ ra mức độ uống rượu vô độ tương tự giữa nam và nữ trong các văn hóa Tây phương. Điều này có thể biểu thị rằng niềm tin về giới tính và địa vị xã hội đang cải biến. Mặc dù được truyền thống nhìn nhận là một hành vi “nam tính”, uống rượu vô độ giờ đây còn dễ được chấp nhận hơn ở nữ giới trong những văn hóa nhất định cổ vũ vai trò giới tính cân bằng hơn.

Ảnh hưởng từ đồng đẳng và gia đình đối với việc uống rượu của thanh thiếu niên

Một vài trong số những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với hành vi uống rượu của thanh thiếu niên xuất phát từ những người dành nhiều thời gian nhất cùng với giới trẻ: gia đình và bạn bè. Các nghiên cứu đã kết luận rằng mức độ sử dụng rượu nhiều hơn ở cha mẹ và những người xung quanh có liên quan đến tăng sử dụng rượu ở thanh thiếu niên. Theo sự phát triển thì, các bối cảnh xã hội của mọi người chuyển biến từ đơn vị gia đình khi còn bé đến tập trung hơn vào bạn bè và trường lớp trong giai đoạn thanh thiếu niên. Phản ánh điều này, cha mẹ sử dụng rượu dường như gây nhiều ảnh hưởng hơn đến trẻ trước 15 tuổi và giảm dần theo thời gian.

Ngược lại, hỗ trợ của gia đình, gắn kết ràng buộc và sự quản giáo của cha mẹ có liên quan đến việc ít sử dụng rượu hơn, và các mạng xã hội cùng với hỗ trợ xã hội cũng có các tác dụng phòng ngừa sử dụng rượu. Ví dụ, một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc rời nhà đi học đại học cao đẳng đã kết luận rằng mặc dù quá độ nhìn chung là có liên quan đến mức độ sử dụng rượu nhiều hơn, người trẻ tuổi có ít bạn sử dụng rượu cũng ghi nhận mức độ mộ đạo cao hơn. Cha mẹ quản giáo chặt hơn cũng phòng ngừa người trẻ sử dụng rượu và hút cần sa. Hơn nữa, mức độ chủ nghĩa gia đình cao hơn (những giá trị đặt nhu cầu của gia đình lên trên nhu cầu cá nhân) cùng với việc là một thành viên trong gia đình hạt nhân, có vai trò như những yếu tố phòng ngừa sử dụng rượu ở thanh thiếu niên.

Các chuẩn tắc đồng đẳng (peer norms) giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn cuộc đời này. Đến cuối thời kỳ thanh thiếu niên, cha mẹ có ít ảnh hưởng liên quan đến việc sử dụng rượu hơn so với những người đồng đẳng. Đa phần trọng tâm ảnh hưởng đồng đẳng đã đề cao các mạng lưới nguy cơ liên quan đến sử dụng rượu. Áp lực đồng đẳng, chuẩn tắc uống rượu đồng đẳng và giao du với những người sử dụng chất, có liên quan đến lạm dụng rượu và uống rượu vô độ. Các nghiên cứu nhận thấy việc rời bỏ môi trường gia đình, vào đại học cao đẳng và tham gia vào các tổ chức Hy Lạp (Greek organizations) đã gia tăng sử dụng rượu do các chuẩn tắc xã hội tùy ý hơn xoay quanh việc uống rượu.

Những nghiên cứu mới đây hơn đã nỗ lực đánh giá ảnh hưởng đồng vận của đồng đẳng và gia đình. Trong khi đa số các nghiên cứu về đồng đẳng đã chú trọng vào những hệ lụy tiêu cực của các mạng xã hội, khảo sát điều tra cho thấy cha mẹ quản giáo và cổ vũ nhiều hơn có thể dẫn đến những hội đồng đằng có lợi cho xã hội. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng các tác dụng phòng ngừa trong phạm vi của cha mẹ có thể làm giảm đi tác hại từ những ảnh hưởng đồng đẳng tiêu cực trong các sinh viên cao đẳng đại học người Latinh. Cụ thể là, giao tiếp với mẹ dẫn đến ít sử dụng rượu hơn; ngược lại, chuẩn tắc tùy ý từ phía người mẹ và các chuẩn tắc đồng đẳng có liên quan đến sử dụng rượu nhiều hơn. Cha mẹ phản đối uống rượu có liên quan đến việc người trẻ ít tham gia vào mạng lưới đồng đẳng sử dụng rượu, chịu ít ảnh hưởng đồng đẳng hơn trong việc uống rượu, và tăng khả năng tự tin vào năng lực của bản thân cũng như là các kỹ năng dàn xếp hiệu quả hơn để tránh sử dụng rượu. Các can thiệp nhắm đến thiết lập và đẩy mạnh chuẩn tắc đồng đẳng bảo thủ được phát hiện là hiệu quả hơn cá nhân luyện từ chối rượu, trong khi đó nhiều can thiệp kết hợp đồng đẳng, gia đình và cộng đồng được biết là có hiệu quả ở thanh thiếu niên.

Những can thiệp thành công hiện có nhằm giảm sử dụng rượu bao gồm kết hợp các mô hình truyền bá nhạy cảm văn hóa, như là tuyển dụng các nhân viên y tế cộng đồng trong nhóm người Latinh và dùng các biện pháp can thiệp căn cứ trên trang web để thay đổi chuẩn tắc. Trong một bài tổng quan gần đây, Familias: Preparando la Nueva Generación (Gia đình: tạo dựng một thế hệ mới), một can thiệp căn cứ trên văn hóa dành cho các bậc phụ huynh để cổ vũ khuyến khích người trẻ gốc Mexico, ghi nhận giảm uống rượu ở cha mẹ. Bởi vì các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng cha mẹ có thể làm giảm đi ảnh hưởng đồng đẳng tiêu cực, do đó nên ưu tiên đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ giữa nhiều bối cảnh điều kiện.

Phương hướng nghiên cứu trong tương lai

Bài viết nhấn mạnh những ví dụ về cách thức các yếu tố xã hội, chuẩn tắc văn hóa, khu dân cư, hàng xóm láng giềng và bối cảnh xã hội có thể liên quan đến lạm dụng rượu.

Rõ ràng vẫn còn những khoảng trống nhất định trong cơ sở tài liệu lý luận. Về phương pháp thì những phát hiện này nên được lý giải thận trọng, bởi lẽ khó mà phân biệt được giữa những ảnh hưởng cấp độ xã hội và cộng đồng.

Nghiên cứu trong tương lai nên dùng các phương pháp thống kê nâng cao như là kĩ thuật lấy mẫu đa cấp, căn cứ trên các phương thức tiếp cận lý thuyết và khái niệm trong sức khỏe quần thể. Ngoài ra, dữ liệu theo chiều dọc sẽ giúp hỗ trợ các giả thiết và quan hệ nguyên nhân kết quả.

Các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa, hội đồng đẳng có lợi cho xã hội và mối quan hệ đồng vận giữa các bối cảnh xã hội xứng đáng được nghiên cứu sâu hơn. Trong những người nhập cư, việc giữ lại các giá trị văn hóa của quê hương đã được chứng minh là có tác dụng phòng ngừa sử dụng rượu, và phát hiện này nên được kết hợp vào các can thiệp trong tương lai dành cho dân nhập cư. Tập trung vào các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa sẽ giúp cung cấp thông tin cho các chương trình hướng đến việc giải quyết tình huống bắt đầu sử dụng rượu, cụ thể là giúp cha mẹ và cộng đồng hiểu được việc họ có thể ảnh hưởng đến sử dụng rượu ở thanh thiếu niên như thế nào.

Nghiên cứu về rượu cũng nên chủ động nhìn nhận những bối cảnh xã hội mới trong văn hóa giới trẻ. Việc hiểu rõ hơn ảnh hưởng của các mạng xã hội trực tuyến và truyền thông mới đối với sử dụng rượu là đặc biệt quan trọng ở nhóm dân số thanh thiếu niên, và nên được khám phá tìm hiểu trọn vẹn hơn trong các nghiên cứu sau này.

Cần có các chiến lược phát triển thích đáng để trì hoãn phát sinh hành vi uống rượu khi môi trường gia đình có thể không tác động nhiều đến thanh thiếu niên như nhóm người đồng đẳng, chuẩn tắc xã hội và truyền thông. Can thiệp tương lai nên chú trọng vào nhiều cấp độ môi trường xã hội, từ cấp cộng đồng đến cá nhân.

Cuối cùng, trong hoàn cảnh nhân khẩu đang biến đổi của Mỹ, bao gồm dân nhập cư nhiều và đa dạng hơn, các can thiệp và lựa chọn giải quyết cũng nên phản ánh nhu cầu gia tăng của những nhóm nhất định. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ tập trung vào những chuẩn tắc xã hội thôi thì chưa đủ, và những can thiệp đường biên ảnh hưởng đến nhiều cấp độ môi trường của một cá nhân, như là gia đình và trường học, có thể tác động nhiều hơn. Các chương trình giáo dục về rượu cũng cần làm rõ giải quyết mục đích và động lực cá nhân trong khi đem đến phản hồi cá nhân hóa và các chiến lược hành vi phòng ngừa. Các chương trình y tế công cộng và điều trị cần phải phù hợp về văn hóa, đặc biệt chú ý đến các yếu tố văn hóa như là bản sắc dân tộc (ethnic identification) và định hướng dân tộc (ethnic orientation).

Chú thích

Công khai tài chính

Nhóm các tác giả tuyên bố họ không có xung đột lợi ích.

– – –

Dịch từ bài viết: Social and Cultural Contexts of Alcohol Use

Các tác giả: Tiến sĩ. May Sudhinaraset, Thạc sĩ Công tác xã hội, Nhân viên Công tác xã hội lâm sàng có chứng chỉ hành nghề Christina Wigglesworth, và Tiến sĩ. David T. Takeuchi.

Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng

Leave a Comment