Bạn thấy mình đang lạc lối giữa vô vàn quảng cáo về các chương trình giảm cân và kế hoạch ăn kiêng? Trong bài viết trước đây, chúng ta đã xem xét vài chế độ ăn kiêng phổ biến – giờ là lúc đi vào đánh giá chi tiết từng kiểu ăn cụ thể, ở đây là cách ăn kiêng không chứa Gluten, cũng như đánh giá cơ sở nghiên cứu chứng minh cho chế độ ăn kiêng này.
Ăn kiêng giảm cân không chứa Gluten là như thế nào?
Chế độ ăn kiêng không chứa Gluten (gluten-free) không hề mới lạ gì. Đây là biện pháp điều trị duy nhất dành cho 1-2% người Mỹ mắc phải bệnh celiac, một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khi cơ thể tấn công một loại đạm gọi là gluten, chất này vốn có trong nhiều loại ngũ cốc nguyên cám, gây ra một loạt các triệu chứng từ trương phồng đến phá hủy đường ruột.
Cũng có đến 6% số người gặp phải tình trạng đau dạ dày có liên quan nhưng ít nguy hiểm hơn gọi là bệnh mẫn cảm với gluten không phải celiac (non-celiac gluten sensitivity). Với việc ít người thực sự cần chế độ ăn kiêng này, tại sao số lượng bán ra các sản phẩm phi gluten lại đứng đầu với giá trị 12 tỷ đô la Mỹ theo nghiên cứu thị trường?
Điểm mới—và điều làm tăng doanh số—chính là việc áp dụng chế độ ăn kiêng phi gluten để giảm cân, một phần bị kích thích bởi những xác nhận của người nổi tiếng và các bằng chứng cá nhân bao gồm không chỉ tác dụng giảm cân nhanh chóng mà còn cung cấp nhiều năng lượng hơn cho cơ thể, cải thiện tiêu hóa và thậm chí còn làm da sáng hơn.
Những cuộc khảo sát người tiêu dùng tiết lộ rằng nhiều người có nhận thức là các sản phẩm phi gluten lành mạnh hơn những sản phẩm chứa gluten, và gần một phần ba người Mỹ hiện nay đang tránh hoặc giảm lượng hấp thu gluten vào cơ thể.
Cơ chế tác động của chế độ ăn kiêng phi gluten
Chế độ ăn kiêng phi gluten loại bỏ tất các các loại thực phẩm chứa hoặc nhiễm gluten. Gluten có nhiều trong thực phẩm, là thành phần chính (của lúa mỳ, lúa mạch đen, lúa mạch, tiểu hắc mạch, yến mạch nhiễm chéo/cross-contaminated oats), trong các loại sốt (xì dầu, dấm mạch nha, bột), và là các chất phụ gia hoặc các chất làm dầy (maltodextrin, tinh bột lúa mỳ). Xem thêm: Gluten là gì?
Khi mới bắt đầu thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten, có lẽ sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là bạn phải từ bỏ các loại thực phẩm ưa thích là bánh mỳ, mỳ ống, ngũ cốc ăn liền và các loại đồ ăn vặt đã qua chế biến. Bởi vì vài loại trong số những sản phẩm này, những loại điển hình đã qua chế biến, có thể có ít dinh dưỡng và nhiều calo, bạn có thể sẽ cảm thấy khỏe hơn và thậm chí chẳng bao lâu sẽ giảm vài cân sau khi loại bỏ chúng ra khỏi chế độ ăn uống.
Mặc dù giờ có nhiều sản phẩm phi gluten thay thế cho các sản phẩm trên, nhưng chế độ ăn kiêng không chứa gluten thường khiến bạn phải ăn lại những thực phẩm phi gluten toàn phần tự nhiên như là trái cây, rau củ, và các loại ngũ cốc như là gạo lứt, hạt quinoa, và hạt kê. Việc cho các loại thực phẩm nhiều chất xơ và được xử lý tối thiểu vào chế độ ăn kiêng cũng có thể sẽ giúp bạn giảm cân và cảm thấy khỏe mạnh.
Nghiên cứu chứng minh chế độ ăn kiêng giảm cân phi gluten cho đến nay
Mặc dù nghiên cứu đã tìm ra những tác dụng của chế độ ăn kiêng phi gluten đối với chứng rối loạn tiêu hóa, tự kỷ, và hội chứng đau xơ cơ (fibromyalgia), không có một nghiên cứu nào đánh giá đơn thuần tác dụng giảm cân hay lợi ích với sức khỏe nói chung của chế độ ăn kiêng này.
Vì thiếu các nghiên cứu thực nghiệm về tác dụng giảm cân, vài nhà nghiên cứu thay vào đó kiểm tra ảnh hưởng dài hạn đối với những người mắc bệnh celiac thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten này, hay những đối tượng nhìn chung khỏe mạnh và có chế độ ăn uống ít bột mỳ và các loại ngũ cốc chứa gluten khác. Họ kết luận rằng các chế độ ăn kiêng phi gluten: 1) có thể sẽ gây ra thiếu hụt chất dinh dưỡng nhất định, 2) có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh kinh niên, và 3) thực tế có thể làm tăng cân.
- Những người mắc bệnh celiac thực hiện một chế độ ăn kiêng phi gluten nghiêm ngặt được kết luận là hấp thu thiếu chất xơ, sắt, và canxi. Nghiên cứu khác cũng cho thấy các sản phẩm ngũ cốc phi gluten không chỉ có ít các chất dinh dưỡng kia mà còn thiếu cả các vitamin nhóm B bao gồm thiamin, riboflavin, niacin, và folate.
- Một nghiên cứu có hơn 100.000 người tham gia không mắc bệnh celiac kết luận rằng những người hạn chế ăn vào gluten dường như hạn chế ăn các loại ngũ cốc nguyên cám và phải chịu nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với những người ăn nhiều gluten hơn. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người ăn nhiều ngũ cốc nguyên cám hơn bao gồm lúa mỳ nguyên cám (2-3 khẩu phần ăn hàng ngày) so với những nhóm ăn lượng ít hơn (ít hơn 2 khẩu phần ăn hàng ngày) có ít hơn nhiều nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, tiểu đường loại 2, và tử vong do mọi nguyên nhân.
- Gluten có thể hoạt động như một chất prebiotic, nuôi dưỡng những vi khuẩn “có lợi” trong cơ thể của chúng ta. Nó chứa một carbohydrate prebiotic gọi là arabinoxylan oligosaccharide chất này đã được chứng minh là kích thích hoạt động của các khuẩn bifido có trong ruột kết, loại vi khuẩn thường có trong ruột của người khỏe mạnh. Thay đổi về số lượng hay hoạt động của các vi khuẩn này có liên quan đến các bệnh tiêu hóa bao gồm bệnh viêm ruột, ung thư đại trực tràng, và hội chứng ruột kích thích.
- Nghiên cứu hiện bất đồng, nhưng vài nghiên cứu đã chứng minh những người mắc bệnh celiac đã tăng cân hoặc tăng chỉ số BMI sau khi bắt đầu thực hiện chế độ ăn kiêng phi gluten. Nguyên nhân một phần là do tăng cường hấp thu dinh dưỡng, giảm khó chịu dạ dày và tăng cảm giác ngon miệng sau khi bắt đầu thực hiện chế độ ăn kiêng này. Tuy nhiên, một nguyên nhân đáng ngờ khác là do người tham gia ăn nhiều hơn các loại thực phẩm phi gluten đã qua chế biến, chứa nhiều đường, chất béo và calo.
Nguy cơ tiềm ẩn của chế độ ăn kiêng giảm cân không chứa gluten
Những thực phẩm phi gluten mang một vầng hào quang tốt cho sức khỏe, một tín niệm rằng một loại thực phẩm nào đó tốt cho sức khỏe kể cả khi nó có thể không mang lại những lợi ích sức khỏe đặc biệt nào cho hầu hết mọi người.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu một phương diện nào đó của một loại thực phẩm được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe hay mọi người tin là nó tốt cho sức khỏe (trường hợp này, là thuật ngữ “phi gluten” – gluten free), thì người ta có xu hướng ăn loại thực phẩm đó nhiều lên.
Tương tự, quá phụ thuộc vào các sản phẩm phi gluten đã qua chế biến có thể sẽ dẫn đến việc ăn ít đi các chất dinh dưỡng nhất định như là chất xơ và các vitamin nhóm B có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh mãn tính.
Lời kết
Mặc dù chế độ ăn kiêng phi gluten là phương pháp điều trị chính cho căn bệnh celiac và có thể sẽ giúp giảm các triệu chứng của nhiều bệnh liên quan đến việc mẫn cảm với gluten, hiện chưa có bằng chứng chứng minh chế độ ăn kiêng phi gluten có tác dụng trong việc giảm cân hay có lợi cho sức khỏe nói chung.
Với những cá nhân không mắc bệnh celiac hay không bị mẫn cảm với gluten, thì họ không cần hạn chế hấp thu gluten.
Một mô hình ăn kiêng lành mạnh điển hình bao gồm ngũ cốc nguyên cám và ăn ít hơn các loại ngũ cốc tinh cũng như đường bổ sung.
(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)