Sự thật về đậu nành

Đậu nành là một loại thực phẩm được nghiên cứu rộng rãi vì tác dụng estrogen và chống estrogen của nó đối với cơ thể. Các nghiên cứu có thể đưa ra những kết luận trái chiều về đậu nành, nhưng việc này chủ yếu là do các biến thể khác nhau trong cách nghiên cứu đậu nành.

Kết quả của các nghiên cứu dân số gần đây đã chỉ ra rằng đậu nành có thể đem lại những ảnh hưởng có lợi hoặc trung tính với nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Đậu nành là nguồn protein dồi dào mà có thể được tiêu thụ an toàn nhiều lần/tuần, và có khả năng cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe – nhất là khi được tiêu thụ như một loại thực phẩm thay thế cho thịt đỏ và thịt đã qua chế biến.

đậu nành

Đậu nành được một số người ca tụng như một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, với khả năng kiểm soát tình trạng xung nhiệt đột ngột (hot flashes), ngăn ngừa loãng xương, và chống lại các bệnh ung thư liên quan đến hormone như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Nhưng đồng thời cũng lại có những người tránh xa đậu nành vì lo sợ nó có thể dẫn đến bệnh ung thư vú, cùng các vấn đề về tuyến giáp, cũng như gây sa sút trí tuệ.

Dù có hay không những bài báo nổi tiếng hoặc các nghiên cứu lâm sàng được thiết kế hiệu quả về đậu nành, thì một số ý kiến tranh luận vẫn giữ nguyên. Các nhà khoa học dinh dưỡng thường nói về đậu nành như một loại thực phẩm có tiềm năng cung cấp những lợi ích sức khỏe đáng kể, nhưng vì những nghiên cứu đối lập cho rằng đậu nành gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong các trường hợp nhất định, nên người ta vẫn do dự chưa thể thúc đẩy đậu nành một cách hết lòng.

Sự không chắc chắn này một phần là do tính chất phức tạp trong những ảnh hưởng của đậu nành đối với cơ thể. Đậu nành độc đáo ở chỗ nó chứa nồng độ isoflavone cao, một loại estrogen thực vật có chức năng tương tự như estrogen của người nhưng tác dụng của nó yếu hơn. Isoflavone đậu nành có thể liên kết với các thụ thể estrogen trong cơ thể và gây ra hoạt động estrogen hoặc hoạt động chống estrogen yếu kém. Hai isoflavone đậu nành chính được gọi là genistein và daidzein. Isoflavone và protein đậu nành dường như có các tác động khác nhau trong cơ thể dựa vào những yếu tố sau:

  • Kiểu nghiên cứu. Đậu nành được thử nghiệm trong nghiên cứu trên động vật hay người? Đậu nành có thể được chuyển hóa theo một cách khác ở động vật, vì vậy kết quả của các nghiên cứu trên động vật có thể không thể áp dụng với người.
  • Sắc tộc. Đậu nành có thể được cơ thể chuyển hóa và sử dụng theo những cách khác nhau ở các nhóm dân tộc không giống nhau, đó là lý do vì sao những cá nhân từ các quốc gia tiêu thụ nhiều đậu nành lại có vẻ được hưởng lợi từ loại thực phẩm này.
  • Nồng độ hormone. Vì đậu nành có thể mang các đặc tính estrogen, nên ảnh hưởng của nó có thể thay đổi tùy theo mức độ hiện tại của các hormone trong cơ thể. Phụ nữ tiền mãn kinh có mức estradiol lưu thông – dạng estrogen chính trong cơ thể người – cao hơn phụ nữ sau mãn kinh. Trong bối cảnh này, đậu nành có thể hoạt động như một chất chống estrogen, nhưng đối với phụ nữ sau mãn kinh thì nó lại mang chức năng của estrogen nhiều hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ bị ung thư vú được phân loại theo hormone – hoặc là ung thư vú dương tính với hormone (ER+/PR+) hoặc là ung thư vú âm tính với hormone (ER-/PR-) – và cách phản ứng của những khối u này với các loại estrogen cũng khác nhau.
  • Loại đậu nành. Loại đậu nành nào được dùng để nghiên cứu: Các loại thực phẩm đậu nành toàn phần chẳng hạn như đậu phụ và đậu tương, các phiên bản đã qua xử lý như bột đậu nành protein, hay bánh kẹp chay đậu nành? Thực phẩm làm từ đậu nành lên men hay chưa lên men? Nếu thực phẩm bổ sung được sử dụng, liệu chúng có chứa isoflavone hoặc protein đậu nành hay không?

Vì vậy, có rất nhiều yếu tố có thể gây khó khăn cho việc xây dựng tuyên bố bao quát về những lợi ích sức khỏe của đậu nành.

Kể cả vậy thì ngoài hàm lượng isoflavone ra, các loại thực phẩm đậu nành còn giàu những dưỡng chất khác như vitamin B, chất xơ, kali, magiê, và protein chất lượng cao. Không giống một số loại protein thực vật khác, protein đậu nành được coi là protein hoàn chỉnh chứa đầy đủ chín axit amin thiết yếu mà cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp và phải thu thập từ chế độ dinh dưỡng. Thực phẩm đậu nành còn được chia ra làm hai loại lên men hoặc không lên men (xem bảng ví dụ ở bên dưới). Lên men có nghĩa là thực phẩm đậu nành đã được nuôi cấy với vi khuẩn, nấm men, hoặc nấm mốc có lợi. Một số người tin rằng việc lên men đậu nành có thể cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thụ loại thực phẩm này trong cơ thể, vì quá trình này sẽ chuyển hóa một phần các phân tử đường và protein của đậu nành.

Thực phẩm đậu nành không lên men Hàm lượng isoflavone (mg) Protein (g)
Sữa đậu nành, 1 cốc (236ml) 6 7
Đậu phụ, mềm,  85g 20 8
Đỗ tương, chín, luộc, 1/2 cốc 55 15
Đỗ tương, rang khô, 28g 40 11
Đậu nành luộc, 1/2 cốc 16 11
Phô mai đậu nành, 28g 2 4
Nhân đậu nành kẹp burger, 1 miếng 5 14
Thực phẩm đậu nành lên men Hàm lượng isoflavone (mg) Protein (g)
Canh tương miso, 85g 37 10
Món Natto, 85g 70 14
Tempeh, nấu chín, 85g 30 13
Tương đậu nành 0,02 0

Nghiên cứu về đậu nành và sức khỏe

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về các nghiên cứu về đậu nành và những bệnh cụ thể hoặc các tình trạng khác:

Bệnh tim

Protein đậu nành trở thành tâm điểm chú ý sau khi các nghiên cứu chỉ ra rằng nó có thể giảm bớt nồng độ cholesterol gây hại. Một phân tích tổng hợp từ năm 1995 của 38 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng đã cho thấy rằng việc ăn khoảng 50g protein đậu nành/ngày (đây không phải một lượng nhỏ vì nó tương đương với 680g đậu phụ hoặc một cốc sữa đậu nành 236ml!) thay thế cho protein động vật làm giảm nồng độ cholesterol LDL xấu xuống 12,9%. Những sự thuyên giảm như vậy, nếu được duy trì theo thời gian, có thể giảm được hơn 20% nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ, hoặc các dạng khác của bệnh tim mạch. Để đáp lại phát hiện này, vào năm 1999, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cho phép các công ty tuyên bố rằng những chế độ dinh dưỡng có hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol thấp mà chứa cả đậu nành “có thể giảm nguy cơ bị bệnh tim.”

Tuy nhiên, kể từ lúc ấy đã có một số nghiên cứu khác hãm bớt phát hiện đó lại. Cụ thể là theo một bản cập nhật đầy đủ về nghiên cứu đậu nành do ban dinh dưỡng của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) công bố vào năm 2000, việc ăn 50g đậu nành/ngày chỉ giảm được nồng độ cholesterol LDL xuống 3% mà thôi. Vào tháng 10/2017, sau khi đánh giá các nghiên cứu khoa học bổ sung kể từ khi tuyên bố về sức khỏe được cho phép, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã đề xuất một quy định để hủy bỏ tuyên bố vì đã có quá nhiều nghiên cứu công bố những phát hiện không nhất quán trong mối quan hệ giữa protein đậu nành và bệnh tim. Một số sự thiếu nhất quán này có thể là do đậu nành bị đem ra so sánh với nhiều loại thực phẩm thay thế khác nhau.

Ngay cả khi protein đậu nành không tạo ra được nhiều ảnh hưởng trực tiếp đối với cholesterol thì các loại thực phẩm đậu nành về cơ bản vẫn tốt cho tim và mạch máu nếu chúng được dùng để thay thế những sự lựa chọn kém lành mạnh hơn, chẳng hạn như thịt đỏ. Và vì đậu nành cũng chứa nhiều chất béo không bão hòa đa, chất xơ, các loại vitamin, cùng nhiều khoáng chất khác, bên cạnh đó thì hàm lượng chất béo bão hòa của chúng cũng rất thấp.

Xung nhiệt đột ngột

Liệu pháp thay thế hormone thường được áp dụng như một phương pháp điều trị hiệu quả chứng xung nhiệt đột ngột và các triệu chứng khó chịu khác trong thời kỳ mãn kinh, nhưng việc sử dụng lâu dài liệu pháp này lại mang tới mối lo ngại về sự gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh bao gồm ung thư vú và đột quỵ. Đậu nành là một phương pháp điều trị thay thế phổ biến, nhưng hiển nhiên là nó không được các cuộc nghiên cứu ủng hộ; về lý thuyết, tác động estrogen tiềm năng của các isoflavone đậu nành có thể giúp kiểm soát xung nhiệt đột ngột bằng cách tạo ra một mức tăng giống estrogen trong thời gian giảm bớt nồng độ estrogen.

Tại các nước châu Á nơi đậu nành được tiêu thụ hàng ngày, nữ giới có tỷ lệ mắc các triệu chứng mãn kinh thấp hơn, mặc dù vậy thì các cuộc nghiên cứu đang mâu thuẫn trong việc xác định xem liệu có phải đậu nành là nhân tố góp phần chính hay không. Các báo cáo chỉ ra rằng có khoảng 70-80% nữ giới trong độ tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh ở Mỹ phải đối mặt với chứng xung nhiệt đột ngột, so với 10-20% nữ giới châu Á. Ngoài ra, nồng độ isoflavone genistein trong máu trung bình của nữ giới châu Á cũng cao hơn khoảng 12 lần so với phụ nữ ở Mỹ, vì họ tiêu thụ nhiều đậu nành hơn.

Song, nhiều phân tích tổng hợp và thử nghiệm lâm sàng có đối chứng kỹ lưỡng đến giờ vẫn chưa tìm ra bằng chứng vững chắc giúp chứng minh mối liên hệ này. Một đánh giá của Hiệp hội Tim mạch Mỹ trong năm 2006 đã kết luận rằng có thể là các isoflavone đậu nành không tạo ra đủ hoạt động estrogen để tác động đáng kể đến chứng xung nhiệt đột ngột cũng như các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh. Một đánh giá của JAMA (Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ) trong cùng năm đó lại tìm ra những kết quả mâu thuẫn với chiết xuất isoflavone đậu nành, và nói rõ rằng các bằng chứng tổng thể không hề hỗ trợ lợi ích của nó trong việc kiểm soát chứng xung nhiệt đột ngột.

Một đánh giá bao gồm 43 thử nghiệm nhẫu nhiên có đối chứng đã xem xét ảnh hưởng của estrogen thực vật đối với chứng xung nhiệt đột ngột và tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm ở phụ nữ tiền mãn kinh và hậu mãn kinh. Đã có bốn thử nghiệm phát hiện ra rằng lượng genistein chiết xuất ở mức 30mg hoặc nhiều hơn có khả năng làm giảm tần suất xuất hiện triệu chứng này. Những thử nghiệm khác sử dụng đậu nành dinh dưỡng hoặc chiết xuất đậu nành cho thấy sự thuyên giảm trong tần suất cùng với mức độ nghiêm trọng của chứng xung nhiệt đột ngột và tình trạng toát mồ hôi vào ban đêm khi so sánh với giả dược (placebo), nhưng những thử nghiệm này lại có quy mô nhỏ trong khi tác dụng của giả dược có thể tương đối lớn. Trong 2 năm theo dõi, các tác giả không ghi nhận được bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào từ các phương pháp điều trị bằng đậu nành, nhưng nhìn chung thì họ cũng cảm thấy những bằng chứng về lợi ích của đậu nành không đủ thuyết phục và thống nhất.

Một phân tích tổng hợp của 16 nghiên cứu khác đã cho thấy rằng thực phẩm bổ sung isoflavone đậu nành có tác dụng nhỏ và từ từ trong việc làm suy yếu chứng xung nhiệt đột ngột của thời kỳ mãn kinh so với estradiol (estrogen của người). Tuy nhiên, các tác giả cũng ghi nhận những nhược điểm của phân tích do có khá ít người tham gia cũng như tính biến thiên cao của thiết kế nghiên cứu.

Lĩnh vực này cần được nghiên cứu thêm vì vẫn còn nhiều câu hỏi về lợi ích tiềm năng của đậu nành chưa tìm được lời giải đáp. Cho đến nay kết quả thu được vẫn hết sức mâu thuẫn, có thể là do sự thay đổi trong các loại chế phẩm đậu nành được sử dụng, số lượng xác định và thời gian chúng được sử dụng.

Ung thư vú

Estrogen thực vật không phải lúc nào cũng giống hệt estrogen. Trong một số mô và ở một số người, chúng có thể ngăn chặn tác động của estrogen. Nếu hoạt động ngăn chặn estrogen của đậu nành xảy ra ở vú, thì việc ăn đậu nành, về lý thuyết, có thể giảm được nguy cơ ung thư vú vì estrogen kích thích sự phát triển và nhân lên của vú và các tế bào ung thư vú. Cho tới nay, các nghiên cứu vẫn chưa cung cấp được câu trả lời rõ ràng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra được lợi ích của việc tiêu thụ đậu nành với bệnh ung thư vú, nhưng số khác lại không chứng minh được mối liên hệ này. Có vẻ như ảnh hưởng của đậu nành có thể thay thổi tùy thuộc vào tình trạng mãn kinh, độ tuổi tiêu thụ đậu nành, và loại ung thư vú.

Trong nghiên cứu ở động vật và tế bào, liều lượng isoflavone hoặc chiết xuất protein đậu nành biệt lập cao có xu hướng kích thích sự phát triển ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát những người tiêu thụ thực phẩm đậu nành theo thời gian lại không chỉ ra được tác động bảo vệ, cũng chẳng chứng minh được ảnh hưởng trung lập nào. Dường như nữ giới từ các quốc gia châu Á nhận được lợi ích phòng ngừa bệnh ung thư lớn hơn vì có lượng đậu nành tiêu thụ cao hơn phụ nữ ở Mỹ và châu Âu, nhưng điều này cũng có thể chỉ đơn giản là sự khác biệt trong số lượng đậu nành được tiêu thụ. Phụ nữ châu Á có thể có nồng độ equol cao hơn, một chất được chuyển hóa từ isoflavone daidzein bởi hệ vi sinh đường ruột. Equol được tin là có khả năng ngăn chặn những tác động tiêu cực từ estrogen của người, nhưng không phải tất cả phụ nữ đều có sẵn loại vi khuẩn cần thiết cho việc tạo ra equol. Người ta ước tính rằng trong nhân loại chỉ có khoảng 30-50% là có thể tự tạo ra equol. Việc ăn thực phẩm đậu nành từ lúc nhỏ (chẳng hạn như các loại thực phẩm có trong chế độ dinh dưỡng truyền thống của người châu Á) có thể là lý do vì sao nữ giới từ một số quốc gia có được nhiều lợi ích hơn từ những loại thực phẩm này. Tuy nhiên, bằng chứng tổng thể về equol và nguy cơ ung thư ở phụ nữ châu Á, châu Âu, và Mỹ vẫn không chưa có sự thống nhất.

Nghiên cứu sức khỏe nữ giới Thượng Hải mà theo dõi 73.223 nữ giới Trung Quốc trong hơn 7 năm là nghiên cứu có quy mô lớn nhất và chi tiết nhất về đậu nành cùng với nguy cơ bị ung thư vú ở một quần thể có lượng tiêu thụ đậu nành cao. Trong nghiên cứu này, những người phụ nữ ăn nhiều đậu nành nhất giảm được 59% nguy cơ bị ung thư vú tiền mãn kinh so với những người ăn ít nhất. Nguy cơ này còn giảm được 43% khi đậu nành bắt đầu được tiêu thụ từ thời niên thiếu. Bảy năm sau, các tác giả của cuộc nghiên cứu này công bố bản phân tích từ một nghiên cứu thuần tập tương tự mà kéo dài 13 năm nhằm đánh giá bất cứ mối liên hệ nào giữa thực phẩm đậu nành và các bệnh ung thư cụ thể được xác định bởi các thụ thể hormone và tình trạng mãn kinh (Estrogen [ER] +/-; Progesterone [PR] +/-). Dưới đây là những điểm nổi bật của cuộc nghiên cứu:

  • Giảm 22% nguy cơ bị ung thư vú khi so sánh lượng đậu nành tiêu thụ thấp nhất và cao nhất trong giai đoạn trưởng thành.
  • Giảm 28% nguy cơ bị ung thư vú do dương tính với hormone (ER+, PR+) ở phụ nữ hậu mãn kinh.
  • Giảm 54% nguy cơ bị ung thư vú do âm tính với hormone (ER-, PR-) ở phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Giảm 47% nguy cơ bị ung thư tiền mãn kinh khi so sánh mức đậu nành tiêu thụ cao với mức tiêu thụ thấp trong thời niên thiếu và giai đoạn trưởng thành.

Đăng ký Ung thư vú Gia đình (The Breast Cancer Family Registry) là một nghiên cứu tiền cứu với đối tượng tham gia là 6.235 nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú đang sống ở Mỹ và Canada; hàm lượng isoflavone đậu nành tiêu thụ được nghiên cứu trong mối quan hệ với nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân. Sau đây là các điểm nổi bật của cuộc nghiên cứu:

  • Nữ giới ăn nhiều isoflavone đậu nành nhất giảm được 21% nguy cơ tử vong so với những người tiêu thụ ít nhất.
  • Nữ giới bị ung thư do âm tính với hormone và không dùng tamoxifen dường như nhận được nhiều lợi ích nhất từ hàm lượng isoflavone đậu nành tiêu thụ cao hơn. Tuy nhiên, lượng isoflavone tiêu thụ cũng không gây ra tác động tiêu cực đối với phụ nữ dùng thuốc tamoxifen hoặc bị ung thư do dương tính với hormone.
  • Trong số tất cả các dân tộc, phụ nữ người Mỹ gốc Á thường tiêu thụ nhiều isoflavone đậu nành nhất với khoảng 6mg/ngày, nhưng hàm lượng này vẫn thấp hơn nhiều so với phụ nữ sống tại các nước châu Á mà ăn gần 46mg/ngày. Các tác giả cũng ghi nhận rằng nữ giới người Mỹ có vẻ vẫn nhận được lợi ích từ việc ăn ít đậu nành hơn.

Một nghiên cứu tiền cứu khác theo dõi 1.954 nữ giới người Mỹ trong vòng sáu năm, và những người này đều đã chiến thắng căn bệnh ung thư vú. Sau đây là những điểm nổi bật của cuộc nghiên cứu:

  • Trong số những phụ nữ hậu mãn kinh được điều trị bằng tamoxifen, tỷ lệ tái phát bệnh ung thư vú là thấp hơn 60% khi so sánh mức daidzein (một loại isoflavone đậu nành cụ thể) thấp nhất và cao nhất với nhau. Các tác giả không quan sát thấy lợi ích nào ở những phụ nữ chưa từng sử dụng tamoxifen.
  • Tỷ lệ tái phát giảm khi lượng isoflavone tiêu thụ tăng trong số những phụ nữ bị ung thư do dương tính với hormone chứ không phải âm tính với hormone.
  • Những nguồn thực phẩm đậu nành được sử dụng thường xuyên nhất không phải thực phẩm đậu nành toàn phần hay ít qua xử lý nhất, mà là nước tương đậu nành, bữa sáng đậu nành hoặc đồ uống ăn kiêng, đậu phụ, thanh dinh dưỡng, và bột protein đậu nành cô lập. Lượng isoflavone trung bình trong nhóm có mức tiêu thụ “cao” rơi vào khoảng 19mg daidzein/ngày và 27mg genistein/ngày – vẫn chỉ là một lượng khiêm tốn so với của dân số châu Á.
  • Các tác giả kết luận rằng isoflavon đậu nành khi được ăn ở mức tương đương với dân số châu Á có thể làm giảm nguy cơ tái phát bệnh ung thư ở nhóm nữ giới tiếp nhận liệu pháp tamoxifen, và dường như không ảnh hưởng đến hiệu quả của tamoxifen. Tuy nhiên, những phát hiện này cần được xác nhận vì chúng chủ yếu được thu thập từ các nhóm phụ và có thể xảy ra ngẫu nhiên.

Ung thư tuyến tiền liệt

Các nước châu Âu có tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao nhất, trong khi đó tỷ lệ này lại thấp nhất tại các quốc gia châu Á, nơi thực phẩm đậu nành được tiêu thụ thường xuyên trong chế độ ăn uống hàng ngày của họ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu quan sát đã phát hiện thấy sự gia tăng trong nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt ở những nam giới Trung Quốc và Nhật Bản mà chuyển đến các nước phương Tây và ăn theo chế độ dinh dưỡng phương Tây, nhưng không phải ở những người đã chuyển đến những nước này và vẫn tiếp tục ăn theo chế độ dinh dưỡng truyền thống của họ. Isoflavone đậu nành, đặc biệt là genistein và daidzein, được tìm thấy dưới dạng tập trung trong mô tuyến tiền liệt, có thể hoạt động như estrogen yếu và cung cấp lợi ích giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Trong một phân tích tổng hợp của 30 nghiên cứu bệnh chứng và nghiên cứu thuần tập từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, và Trung Quốc, các mức tiêu thụ thực phẩm đậu nành toàn phần, genistein, daidzein, và thực phẩm đậu nành không lên men có liên quan đáng kể đến sự giảm thiểu nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt.

Một bài đánh giá của tám thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã xem xét ảnh hưởng của đậu nành ở nam giới đang bị hoặc có nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Hai trong số tám nghiên cứu này đã chỉ ra rằng thực phẩm bổ sung isoflavone hoặc protein đậu nành dinh dưỡng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới có nguy cơ phát triển căn bệnh này cao. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào tìm được ra ảnh hưởng đáng kể đến mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). PSA là một protein do tuyến tiền liệt tạo ra mà được dùng để phát hiện bệnh ung thư ở phần này của cơ thể. Không có tác động bất lợi nào được báo cáo với với việc bổ sung đậu nành. Các tác giả đã đề cập đến những hạn chế của bài đánh giá, bao gồm số lượng người tham gia ít, thời gian tiến hành nghiên cứu ngắn (chưa đến một năm), và sự biến đổi trong liều lượng cũng như loại đậu nành được sử dụng.

Chức năng ghi nhớ và nhận thức

Thời kỳ mãn kinh đã được liên hệ với những sự thay đổi trong tâm trạng và tình trạng suy giảm trí nhớ. Nồng độ estrogen thấp kéo dài ở nữ giới có thể làm giảm số lượng thụ thể estrogen trong não bộ mà cực kỳ cần thiết cho các chức năng nhận thức cụ thể, chẳng hạn như ghi nhớ và học hỏi. Người ta đã đặt giả thuyết về việc isoflavone đậu nành daidzein có khả năng làm giảm sự suy giảm chức năng nhận thức, hoặc các quá trình bệnh liên quan đến nhận thức và hành vi. Do đó, các cuộc nghiên cứu đã nâng cao khả năng về việc ăn thực phẩm đậu nành có thể giúp ngăn chặn chứng mất trí nhớ hoặc sự suy giảm kỹ năng tư duy do tuổi già.

Các cuộc thử nghiệm lại đưa ra kết quả đối lập nhau; một số thử nghiệm đã chỉ ra lợi ích của việc bổ sung isoflavone đậu nành, trong khi số khác lại chẳng chứng minh được bất cứ lợi ích nào. Một đánh giá của 13 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã cho thấy rằng trong phân nửa các cuộc nghiên cứu, việc bổ sung isoflavone đã tác động có lợi đến sự nhận thức của nam giới và phụ nữ cao tuổi so với các nhóm đối chứng, bao gồm sự cải thiện trong mức độ tập trung, tốc độ xử lý thông tin, và trí nhớ. Tuy nhiên, kết quả tổng thể vẫn không có sự nhất quán, vì có những nghiên cứu không chỉ ra được lợi ích của việc bổ sung isoflavone. Việc này có thể là do sự khác biệt trong liều lượng được đưa ra hoặc trong các loại xét nghiệm nhận thức được sử dụng.

Một nghiên cứu quy mô lớn ở nam giới đã tìm thấy ảnh hưởng bất lợi đối với chức năng nhận thức. Trong một nghiên cứu thuần tập tương lai với sự tham gia của hơn 3.700 nam giới người Mỹ gốc Nhật Bản sống tại Hawaii, lượng đậu phụ tiêu thụ cao nhất (hầu như ngày nào cũng ăn) ở những người thuộc độ tuổi trung niên liên quan đáng kể đến sự suy giảm nhận thức và teo não trong tương lai so với nhóm nam giới tiêu thụ ít đậu phụ nhất (gần như không bao giờ ăn). Tuy nhiên, số lượng nam giới thực sự ăn nhiều đậu phụ lại rất ít, và thông tin dinh dưỡng trong quá khứ được thu thập bằng cách dựa vào trí nhớ của người tham gia, trong đó có một số người có thể đã bị suy giảm nhận thức. Chính vì lẽ này mà các nhà nghiên cứu cho rằng những phát hiện này là quá sơ bộ để họ có thể đưa ra khuyến nghị.

Tuyến giáp

Đậu nành có thể ảnh hưởng tới thuốc hormone tuyến giáp được sử dụng để điều trị bệnh cường giáp. Trong một thử nghiệm mù đôi ngẫu nhiên (phương pháp nghiên cứu mà trong đó cả đối tượng được nghiên cứu và cả các nhà khoa học đều không biết thuốc thật hay giả dược đang được sử dụng), 60 bệnh nhân bị cường giáp nhẹ (hay còn gọi là cường giáp cận lâm sàng) được cho uống liều thấp hoặc liều cao thực phẩm bổ sung estrogen thực vật (cả hai đều chứa 30g protein đậu nành), hàm lượng có thể đạt được từ chế độ ăn chay. Nguy cơ phát triển bệnh cường giáp cận lâm sàng đã tăng ở nhóm dùng estrogen thực vật theo liều cao hơn (không quan sát thấy ảnh hưởng trong nhóm dùng liều thấp hơn). Theo các tác giả thì những bệnh nhân nữ ăn chay bị cường giáp cận lâm sàng có thể cần được theo dõi chức năng tuyến giáp một cách cẩn thận hơn. Tuy nhiên, họ cũng tìm thấy lợi ích trong việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ bị bệnh tim mạch ở nhóm dùng estrogen thực vật theo liều cao, với mức giảm đáng kể trong tình trạng kháng insulin, các dấu hiệu viêm, và huyết áp. Nói chung, ảnh hưởng của đậu nành đối với chức năng tuyến giáp vẫn cần được nghiên cứu thêm.

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment