Cách nấu cơm gạo lứt

Mình đoán rằng, mặc dù biết gạo lứt là lựa chọn rất tốt cho bữa ăn người Việt, nhưng nhiều bạn ngại ăn cơm gạo lứt vì cơm hơi cứng so với gạo trắng. Nhưng chắc chắn không ít bạn sẽ hào hứng nấu cơm gạo lứt sau khi đọc hết bài này. Mình không chỉ hướng dẫn bạn cách nấu cơm mềm mà còn nấu ngon và nấu sao để hấp thụ tốt nhất.

Ngâm gạo ngũ cốc

Ngâm gạo lứt trước khi nấu và nấu chín kĩ

Bài này, bạn chỉ cần nhớ rằng, gạo lứt phải được ngâm tối thiểu 9 tiếng mới có thể nấu cơm vừa ngon vừa mềm và bảo đảm hấp thụ tốt chất dinh dưỡng. Với gạo lứt, mình thường ngâm qua đêm.

Đơn giản là rửa qua bụi đất rồi cho hạt vào trong nước, thêm một thìa muối biển. Thi thoảng thay nước, nếu ngâm vào ban đêm, mình chỉ thay nước 1 lần trước khi ngủ.

Ví dụ, 7h tối sau khi dọn dẹp phòng bếp xong, mình tiến hành ngâm gạo và ngũ cốc. Trước khi đi ngủ mình thay nước một lần (nếu là đêm mùa hè nóng bức, mình bỏ thau hạt vào ngăn mát tủ lạnh). Mình thức dậy vào 5h sáng và nấu cơm ăn cho cả ngày luôn. Bữa trưa, bữa tối mình hâm nóng lại ngay trong nồi cơm điện. Cơm gạo lứt rất khó bị thiu như cơm gạo trắng.

Còn không, các bạn ngâm nhiều gạo một thể, thay nước thường xuyên và nấu từng bữa riêng rẽ. Hoặc tối ngâm gạo để nấu cho bữa sáng + trưa, và buổi sáng lại ngâm gạo để nấu cho bữa tối. Với mình, nếu ngày nào không quá bận rộn, mình sẽ nấu riêng rẽ từng bữa một.

Có thể ngâm gạo lứt đến độ nảy mầm: Gao lứt khi ngâm đến độ nảy mầm (khoảng 3 ngày) lại trở thành môt loại gạo tốt hơn nữa vì chứa nhiều GABA, một loại amino axit có giá trị cao với sức khỏe. GABA gây ức chế sự hưng phấn của thần kinh và giúp thần kinh hoạt động ổn định. Hàm lượng GABA trong gạo lứt nảy mầm chứa gấp 3-5 lần trong gạo lứt thường.

Cách ngâm cho gạo nảy mầm (theo cuốn Nhân tố enzym): Vào ngày hè nóng nực, chỉ cần ngâm gạo lứt trong nước thường, tự nhiên hạt gạo sẽ nảy mầm, khi đạt 1cm là thành công.

Vào ngày trời lạnh bạn cần duy trì nhiệt độ trong nước khoảng 30 độ C, như vậy phải thường xuyên thay nước ấm. Cách này hơi mất công, bạn hãy ngâm gạo lứt vào nước sau đó bảo quản trong tủ lạnh, như vậy mất khoảng 3 ngày để nảy nầm và không cần thay nước. Cho nước trên mặt gạo hay nhiều hơn một chút và không đậy kín đồ đựng vì trong quá trình nảy mầm gạo cần đến oxy.

Gạo nảy mầm bạn chắt nước, phơi hoặc sấy khô cho vào bao đựng kín bảo quản chỗ râm mát, nhưng nên ăn hết càng sớm càng tốt.

-> Các bạn hãy trải nghiệm cả 2 cách ngâm gạo nảy mầm xem có đúng như vậy không nhé, nếu không nảy mầm thì lý do nào chúng ta cần nghĩ đến?

Phối trộn ngũ cốc khi nấu

Việc phối trộn gạo lứt và các loại ngũ cốc khác vừa để cơm thơm ngon hơn lại vừa đa dạng dinh dưỡng. Tỷ lệ phối trộn thông thường của mình là 5 gạo lứt + 1 ngũ cốc khác. Đương nhiên, có bữa mình có thể phối trộn theo tỷ lệ khác nhau theo sở thích.

Ngoài ra, mình có thể phối trộn với các loại đậu hạt để tăng lượng đạm thực vật trong bữa ăn. Ví dụ, với một số bạn chưa biết chế biến các loại đậu ra sao để vừa đơn giản vừa ngon miệng thì hãy trộn đậu vào nấu cùng cơm gạo lứt, tỷ lệ như gạo lứt và ngũ cốc khác.

Kinh nghiệm cá nhân: vào những ngày đầu chuyển dần sang chế độ ăn nền thực vật, mình chưa biết cách chế biến các món đậu sao cho ngon để gia tăng lượng đạm. Vì thế, mìnhtrộn đậu vào nấu cùng cơm là một cách đơn giản nhất lại thơm ngon dễ ăn.

Tiến hành nấu chín 

Tỷ lệ cho nước tính theo gạo lứt chưa ngâm của mình khi nấu thường là 1 gạo và 1,5 nước. Có khi mình chỉ cần ước chừng, gạo sau khi ngâm cho lượng nước xâm xấp là đủ. Tất nhiên bạn có thể điều chỉnh cho phù hợp sở thích ăn khô hay mềm. Ngoài ra, tỷ lệ có thể khác nhau với mỗi giống lúa gạo.

Gạo đã ngâm tráng lại nước sạch rồi cho nước theo tỷ lệ bên trên để nấu chín.

Thêm một chút muối biển nấu cùng cho đậm đà.

Mình cũng cho một mảnh rong biển để cơm chín mềm hơn.

Thi thoảng mình bỏ một trái mơ muối hoặc một nhánh nghệ tươi.

Mình còn cho thêm vài giọt dầu ép lạnh như dầu mè, dầu oliu … vào để bổ sung chất béo cũng như làm cơm mềm ngon hơn.

Về muối biển, mơ muối, rong biển, nghệ, chất béo tốt mình cũng có bài chi tiết riêng bạn có thể tìm thấy tại website này.

Và cuối cùng bạn tiến hành nấu cơm bằng nồi cơm điện như thường. Thậm chí có thể dùng nồi áp suất hoặc nồi nấu chậm hoặc nấu bếp ga, bếp củi hay nồi nấu cơm gạo lứt chuyên dụng.

Mỗi loại nồi cũng sẽ cho một chút khác biệt về thành phẩm, ví dụ như thơm dẻo khác nhau, độ mềm cứng khác nhau, thời gian nấu. Tuy nhiên, khi bạn đã ngâm đủ thời gian rồi thì nấu nồi nào cơm cũng đạt độ chín mềm để tiêu hóa dễ dàng.

Cơm gạo lứt

(Hạ Mến)

0 thoughts on “Cách nấu cơm gạo lứt”

  1. Sao mình ngâm gạo 3 ngày trong tủ lạnh mà không nảy mầm gì cả ? Sau đó mình mới nghĩ nhiệt độ tủ lạnh khoảng 15độ thì sao mà nảy mầm được trong khi đó nhiệt độ nảy mầm của gạo lứt là 30 độ. Mình lên mạng tìm kiếm thì thấy chỉ có ủ ở 30độ mới nảy mầm thôi. Mình thấy bài viết của bạn giống với những gì mình đã đọc trong sách Nhân tố Enzyme của Hiromi Shinya.Có thể bạn đã thành công khi thực hiện phương pháp sống khỏe của ông ấy. Mình cũng đang học tập phương pháp này vì mình bị bệnh về tiêu hóa mình chữa nhiều cách mà ko khỏi .Nhưng mối lo lớn nhất của mình bây giờ là gạo lứt ko nảy mầm.Hy vọng bạn sẽ giải đáp thắc mắc của mình. Mình cảm ơn bạn nhiều ☺️.À nếu bạn không phiền thì có cho mình Facebook Zalo hay Google của bạn thì cho mình nhé để tiện mình trao đổi. Mình tra tìm thì ko thấy. Không thì cho số điện thoại cũng được. Mình tên là Huyền , số điện thoại là 0981723510. Mình cảm ơn bạn nhiều nha

    Reply

Leave a Comment