Giúp bé yêu ngủ ngoan, ba mẹ cần lưu ý những gì?

Giấc ngủ rất quan trọng, nó giúp trẻ khoẻ mạnh và tươi mới vào ngày hôm sau. Ngoài ra sự phát triển thể chất, trí tuệ có liên quan mật thiết đến chất lượng giấc ngủ.

Duy trì giờ giấc đi ngủ đều đặn mỗi ngày

Mặc dù trẻ nhỏ không phân biệt được các khoảng thời gian khác nhau, nhưng cơ thể của chúng thì có. Thời điểm đi ngủ mỗi đêm đều đặn như nhau sẽ giúp trẻ hình thành thói quen ngủ phù hợp cả về thể chất lẫn tinh thần.

Mặc dù sẽ rất thú vị khi được thay đổi thói quen sinh hoạt vào những ngày cuối tuần hay trong kì nghỉ hè, nhưng hãy cố gắng duy trì thời gian đi ngủ hợp lý. Về sau, việc điều chỉnh giờ giấc đi ngủ sẽ càng khó nếu như bạn không giúp trẻ hình thành thói quen đi ngủ hợp lý.

bé yêu ngủ ngoan

Tắt TV

Không nên sử dụng TV để giúp trẻ thư giãn trước khi đi ngủ. Các chương trình có nội dung kích động – như các cảnh bạo lực, tình huống hồi hộp, kịch tính hoặc xung đột – có thể gây quá khích cho trẻ trước khi đi ngủ.

Các chương trình có nội dung hứng thú, kích thích có thể gây ra các triệu chứng căng thẳng khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ cũng như việc duy trì giấc ngủ suốt đêm. Chương trình ghê rợn có thể khiến trẻ gặp phải những cơn ác mộng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả bản tin truyền hình cũng có thể làm bé sợ hãi và khó ngủ. Những nội dung hết sức bình thường cũng có thể cản trở giấc ngủ của trẻ. Ngoài ra, việc tiếp xúc với một nguồn sáng gần giờ đi ngủ có thể khiến cơ thể lầm tưởng đó vẫn còn là ban ngày.

Hình thành thói quen ngủ

Hình thành thói quen ngủ với ba hoặc bốn hoạt động trước đó sẽ giúp trẻ thư giãn và sẵn sàng cho việc đi ngủ. Một số hoạt động đặc trưng ví như là tắm, mặc đồ ngủ, đánh răng và đọc sách.

Đối với độ tuổi thiếu niên, bạn có thể sẽ muốn ngồi và trò chuyện về ngày hôm đó như thế nào. Các chuyên gia về trẻ em khuyên rằng nên thực hiện các hoạt động cơ bản và đơn giản thôi – và thói quen yên tĩnh sẽ là việc tốt nhất.

Vẽ sơ đồ hoạt động trước khi đi ngủ của bé

Đối với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, việc vẽ sơ đồ trước khi đi ngủ để có thể xem lại tất cả các bước cần thực hiện trước khi bé đi ngủ khá là hữu ích. Ví dụ như vẽ hình ảnh phòng tắm, đồ ngủ và số lượng chính xác các cuốn sách bạn đọc cho bé mỗi đêm. Bằng cách đó, nếu bạn đã đọc hai cuốn sách rồi mà bé yêu lại đòi đọc ba quyển, thì bạn có thể giới hạn lại bằng cách chỉ cho bé thấy là trong sơ đồ này chỉ có hai quyển sách thôi nhé.

Di chuyển theo một hướng

Khi con bạn đang làm quen với việc hình thành thói quen ngủ, hãy đảm bảo rằng tất cả các hoạt động sẽ chỉ di chuyển theo một hướng – đó là hướng về phòng ngủ của con bạn. Đừng đưa bé lên gác để tắm, sau đó xuống bếp để ăn nhẹ, và quay lại phòng của bé để mặc đồ ngủ, rồi lại di chuyển đến phòng của bạn để đọc sách. Tất cả các hoạt động trên cần được diễn ra theo một hướng di chuyển đến phòng của con bạn thôi nhé!

Thiết lập giờ đi ngủ sớm

Các chuyên gia cho biết việc đi ngủ sớm giúp trẻ dễ dàng quen với giờ giấc ngủ. Một khi trẻ đã quá mệt mỏi, chúng khó mà nằm yên cũng như khó đi vào giấc ngủ hơn.

Sở y tế quốc dân (NHS) khuyến nghị: bạn nên quyết định thời gian ngủ và dành 20 phút thư giãn trong thói quen trước khi đi ngủ của trẻ.

Tạo “thiên đường ngủ” cho bé yêu

Hãy thiết kế phòng ngủ trở thành một nơi thoải mái cho giấc ngủ của con bạn. Duy trì nhiệt độ mát mẻ trong mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Sử dụng đèn mờ hoặc rèm để kiểm soát ánh sáng. Ánh sáng mờ nhẹ sẽ hữu ích nếu nó giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Một chiếc gối êm ái sẽ giúp con bạn cảm thấy thật thoải mái. Ngoài ra, hãy chắc chắn giường ngủ của bé không được chồng chất hàng chục con thú nhồi bông hay đồ chơi với nhau.

Cất các thiết bị điện tử và điện thoại

Các chuyên gia nói rằng để máy tính, TV, điện thoại, hoặc trò chơi điện tử trong phòng của trẻ có thể khiến chúng khó ngủ bởi chúng sẽ khó mà tắt các đồ dùng đó đi.

Trẻ con thường rất muốn chơi game đến level tiếp theo, xem các chương trình tiếp theo cũng như thích trả lời các tin nhắn kế tiếp. Đó là những hoạt động rất hấp dẫn và có thể gây nghiện. Ngoài ra, đèn bật sáng lên sẽ ức chế việc sản xuất melatonin – hormone kích thích đi vào giấc ngủ tự nhiên của cơ thể.

Cắt giảm lượng caffeine

Điều này nghe có vẻ là hiển nhiên rồi, thế nhưng caffeine có thể khiến cho con bạn có những thay đổi thất thường dẫn đến việc đi ngủ trở nên khó khăn hơn.

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) khuyên rằng trẻ em chỉ nên sử dụng vừa phải lượng nước uống có mức độ caffeine cao.

Caffeine có thể lưu lại trong cơ thể 6 giờ đồng hồ, vì vậy tránh để con bạn ăn uống các loại sản phẩm có chứa caffeine sau buổi trưa.

Hãy vận động trong ngày

Hãy chắc chắn rằng con bạn có thực hiện đầy đủ các hoạt động trong ngày để chúng không quá dư thừa năng lượng vào ban đêm.

Ngoài tác dụng giúp cơ thể và trí óc khoẻ mạnh, tập thể dục còn giúp bé ngủ ngon hơn. Chỉ cần bảo đảm rằng bọn trẻ không hoạt động quá nhiều ngay trước khi đi ngủ.

Hãy chắc chắn rằng con bạn đã đạp xe đạp, chạy xung quanh và nhún nhảy cách ít nhất một vài giờ trước khi đi ngủ.

Theo dõi tình hình ngủ trưa

Đối với trẻ nhỏ cho đến khoảng ít nhất 3 tuổi thì việc ngủ trưa là điều hết sức bình thường. Những giấc ngủ ngắn đó sẽ giúp trẻ nhỏ ngủ đủ 12-14 giờ cần thiết mỗi ngày. Trẻ hơn 18 tháng tuổi thường chỉ ngủ trưa một lần trong ngày và kéo dài khoảng 1-3 giờ đồng hồ. Tránh ngủ vào lúc chiều muộn vì nó có thể khiến trẻ khó ngủ vào ban đêm. Đến khi được 5 tuổi, bé sẽ không cần thiết phải ngủ trưa nữa.

Đừng cảm thấy tội lỗi

Việc trẻ xin đọc nhiều sách hơn hoặc mè nheo để được ngủ muộn là những điều khiến bố mẹ cảm thấy khó xử. Nhưng hãy nhớ rằng, giấc ngủ mới thực sự là những gì mà con bạn cần.

Các chuyên gia nói rằng các bậc cha mẹ thường cảm thấy tội lỗi về việc cho con em mình đi ngủ, nhưng một đêm ngon giấc có thể tạo nên sự khác biệt lớn đối với sức khỏe, tâm trạng và vẻ bên ngoài của trẻ.

Vì vậy, nếu còn không chắc chắn, hãy tự an ủi bản thân bằng một thực tế rằng bạn đang bảo vệ cho giấc ngủ của con mình – và đó chính là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho bé yêu.

(Út Em Shop dịch từ WebMD)

Leave a Comment